|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Lê Xuyên
(1.11.1927 - 2.3.2004)
Nếu có một người không hề mơ ước hay, toan tính trở thành nhà văn nhưng, lại là một nhà văn nổi tiếng, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, thì đó là trường hợp của nhà văn Lê Xuyên / Lê Bình Tăng, tác giả những tiểu thuyết được nhiều người đọc, biết tới, như “Chú Tư Cầu”, “Rặng Trâm Bầu”, “Nguyệt Đồng Xoài”….
Căn bản, họ Lê là một người làm chính trị, ông là đảng viên của đảng Đại Việt, trong nhiều năm, trước khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp, rồi trở thành nhà văn trong một hoàn cảnh bất ngờ, ngoài dự trù của ông.
Tôi muốn nói, giống như định mệnh đã chọn ông, để mở cho ông một cánh cửa khác hơn cánh cửa làm cách mạng: Cánh cửa văn chương, chữ, nghĩa.
Theo những tư liệu hiện có trong Bách Khoa Toàn Thư Mở - Wikipedia thì ngay từ khi con rất trẻ, nhà văn Lê Xuyên đã là một thành viên của đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐV/QDĐ) hệ phái Trương Tử Anh. (1)
Sinh trưởng ở miền Nam, ngày 1 tháng 11 năm 1927 tại Phong Điền, Cần Thơ, nhưng trước năm 1954, họ Lê đã được đảng của ông cử ra miền Bắc, tham gia sinh hoạt chống thực dân Pháp. Ông bị chính quyền Pháp ở Hà Nội bắt, giam tù nhiều năm...
Sau hiệp định Geneve tháng 7-1954, vẫn theo lệnh của đảng, họ Lê trở về miền Nam cùng với người bạn đời - - Vốn là một thiếu nữ Hà Nội khuê các; mà, theo nhà báo Ngọc Hoài Phương thì bà vốn có liên hệ gia tộc với nhà báo Hồ Anh / Nguyễn Thanh Hoàng. Chính vì thế mà sau này, cho tới ngày miền Nam bị sụp đổ, nhà văn Lê Xuyên đã giữ nhiều chức vụ quan trọng thuộc tòa soạn những tờ báo do ông Hồ Anh làm chủ, như các tờ Văn Nghệ Tiền Phong, Thời Thế, v.v…
Những năm tháng đầu tiên trở lại miền Nam, với bút hiệu Lê Nguyên (không phải Lê Xuyên), họ Lê đã viết nhiều bài bình luận chính trị, đả kích chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, thời Tổng thống Ngô Đình Diệm mới về nước chấp chánh - - Phản ảnh đường lối chính trị của đảng trưởng Trương Tử Anh thời đó. Những bài bình luận chính trị của ông xuất sắc, có tính thuyết phục cao, tới độ gây khó chịu cho chính quyền. Và, theo nhà báo Hồ Nam / Lê Nguyên Ngư thì Lê Xuyên bị đưa vào nhà giam Chí Hòa vì lý do đó. (2)
Về nguyên ủy trở thành nhà văn của Lê Xuyên / Lê Bình Tăng thì, theo một số tư liệu hiện có trên trang mạng Wikipedia – Mở đã ghi lại, đại ý như sau:
Đầu thập niên 1960, khi một số nhật báo ở Saigon lên cơn sốt với truyện chưởng “Cô gái Đồ Long” của Kim Dung do dịch giả Tiền Phong Từ Khánh Phụng mà, nhật báo Sài Gòn Mai lại chậm chân, không có! Vì thế, nhà báo Vương Hữu Đức, khi đó là Tổng thư ký Sài Gòn Mai, đã yêu cầu họ Lê viết một feuilleton (truyện dài đăng tải mỗi ngày) – đặc biệt về chuyện tình trai gái vùng Nam Bộ. Và, truyện “Chú Tư Cầu” được khai sinh từ đó. (3)
Sinh thời, trả lời một cuộc phỏng vấn về tiểu thuyết “Chú Tư Cầu”, nhà văn Lê Xuyên cho biết, sở dĩ ông mạnh dạn nhận lời vì ông sinh trưởng ở vùng quê miền Nam, bằng vào kinh nghiệm sống, tích lũy những dữ kiện có thật, cộng với những năm tù Chí Hòa, bị nhốt chung với đủ mọi thành phần cặn bã của xã hội, đa số là dân giang hồ, lắng nghe những chuyện họ kể, ông ghi nhận, sắp xếp, rồi đem vào truyện... (4)
Một điểm đáng chú ý nữa là, nhà văn Lê Xuyên cho rằng nếu chủ tâm làm văn chương thì nó sẽ không phù hợp với nhân vật cũng như nội dung truyện. Nói cách khác, nó sẽ không thể là một… “Chú Tư Cầu”. Ông viết thoải mái, dễ dàng, đúng phong cách kể chuyện nhẩn nha, tửng tửng, lững thững, kiểu của một ông già Nam Bộ, nhất là qua các mẩu đối thoại.
Đặc tính nhẩn nha, tửng tửng thấy rất nhiều trong phần đối thoại của Lê Xuyên, khiến ông được văn giới mệnh danh là người có khả năng viết liên tục 7 ngày mà vẫn “chưa cởi xong nút áo” của nhân vật nữ trong truyện. (5)
Nếu không kể những tác phẩm chưa được in thành sách thì, tính từ năm 1965 tới năm 1974, nhà văn Lê Xuyên đã có tất cả 10 đầu sách xuất bản.
Mặc dù gần đây, ở hải ngoại, một nhà văn viết về Lê Xuyên, đã xếp tiểu thuyết của ông vào loại văn chương giải trí; nhưng ngay từ trước tháng 4-1975, nhà báo lão thành Nguiễn Ngu Í đã liệt họ Lê vào danh sách “Tam kiệt” - - Những nhà văn thuộc dòng văn chương Nam bộ; hiểu theo nghĩa ngôn ngữ, khí hậu, phong cách dựng truyện, nhất là đối thoại trong tác phẩm của họ phản ảnh cực nét đặc tính Nam Bộ từ thời miền Nam còn trong giai đoạn khẩn hoang và, đã tương đối định hình. Hai người kia là các nhà văn Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương.
Sự kiện này, được nhà văn Nguyễn Ngọc Chính, tác giả của nhiều bài viết công phu về một số văn nghệ sĩ thuộc 20 năm VHNT miền Nam ghi nhận như sau:
“Văn chương miền Nam, khoảng từ 1950 đến 1975, có 4 nhà văn nổi tiếng được mệnh danh là Tứ Đại Văn Hào Nam Bộ: Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và Lê Xuyên. Đó là theo nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, nhưng theo Nguyễn Ngu Í, Tứ Đại Văn Hào chỉ còn là Tam Kiệt: Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương và Lê Xuyên.
“Dù là Tứ Đại hay Tam Kiệt, họ đã chiếm một chỗ đứng quan trọng trên văn đàn với phong cách viết hoàn toàn Nam Bộ, từ lời ăn tiếng nói đến cách suy nghĩ và hành động. Văn phong của họ khác hẳn với các nhà văn “di cư” từ miền Bắc vào Nam năm 1954 vốn mang nặng hình thức văn chương hoa mỹ theo phong cách Tự Lực Văn Đoàn và dĩ nhiên lập trường chính trị của họ cũng khác hẳn.
(…)
“Điểm nổi bật là trong cả Tứ Đại lẫn Tam Kiệt đều có mặt nhà văn kiêm nhà báo Lê Xuyên, điều này cho thấy vai trò không kém phần quan trọng của Lê Xuyên trong văn học miền Nam hay nói một cách khác cụ thể hơn là trong “văn chương miệt vườn”. Người đọc văn Lê Xuyên có thể là giới bình dân, lao động, thợ thuyền, nông dân nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến giới trí thức miền Nam, kể cả những người Bắc ‘di cư’ vào Nam năm 1954…”
Họ Nguyễn giải thích thêm rằng:
Đầu thập niên 1960, truyện kiếm hiệp của Kim Dung, đã tạo một cơn sốt trên báo hàng ngày tại miền Nam với những tiểu thuyết “feuilleton” đăng nhiều kỳ trên một số nhật báo. Nổi tiếng nhất là “Cô Gái Đồ Long” với bản dịch của Tiền Phong Từ Khánh Phụng được đăng trên báo Đồng Nai năm 1961.
Trong bối cảnh văn chương kiếm hiệp của Kim Dung đang thu hút người đọc vào thời đó thì sự xuất hiện của Lê Xuyên với tác phẩm đầu tay Chú Tư Cầu đã tạo được tiếng vang trên mặt báo dưới dạng tiểu thuyết nhiều kỳ viết theo kiểu “feuilleton” hàng ngày. Một đằng Kim Dung viết theo lối kiếm hiệp được dịch ngay từ nguyên bản đăng trên Hồng Kông Minh Báo… Một đằng là chuyện sông nước miền Tây với những tình tiết éo le và đối thoại mộc mạc, “rặc” kiểu Nam Bộ.
Nhật báo Sài Gòn Mai đăng Chú Tư Cầu trong suốt hai năm liền, từ tháng 2/1961 đến tháng 2/1963. Sau đó Chú Tư Cầu được xuất bản thành sách lần đầu tiên vào tháng 3/1963 tại Sài Gòn. (6) Đến tháng 4/2006, với sự đồng ý của bà quả phụ Lê Xuyên, nhà xuất bản Tiếng Vang tái bản Chú Tư Cầu tại hải ngoại…
Trong “Lời Tựa” mở vào tác phẩm “Chú Tư Cầu" của Lê Xuyên, nhà văn Mai Thảo (1922-1998) viết:
“Hiện tượng của truyện dài viết từng đoạn, đăng từng kỳ nơi trang trong các nhật báo, như chúng ta đang thấy lan rộnq thành một lan rộng bao trùm toàn diện, đẩy hầu hết những cây bút sáng tác chuyên nghiệp hiện nay tới kiếm tìm một văn thể mới, áp dụng một bút pháp mới. Kỹ thuật được mệnh danh là kỹ thuật viết tiểu thuyết cho báo hàng ngày, ở mỗi người viết, phơi bày thành một phong cách biểu hiện khác nhau, nhưng mục đích muốn tới và dụng tâm cuối cùng thì giản đơn và sáng rõ là một.
(…)
“Ở ngòi bút Lê Xuyên và tiểu thuyết Lê Xuyên, vì cũng viết ra trước hết cho báo hàng ngày, chúng ta cũng thấy thấp thoáng sự nhập nội vào văn thể những kỹ thuật ấy. Nhưng Lê Xuyên không chỉ giới hạn khả năng trước tác của mình vào xử dụng kỹ thuật tiểu xảo. Và tiểu thuyết Lê Xuyên thật đông người đọc, tất còn phải chứa đựng, một sắc thái độc đáo nào? Câu trả lời là có. Đó là không khí, cảnh trí, những khuôn mặt điển hình, những cuộc đời đặc biệt những danh từ địa phương, cùng lối miêu tả sự việc bằng đối thoại cực kỳ linh động chỉ thấy ở tiểu thuyết Lê Xuyên. (7)
Nhận định về nghệ thuật đối thoại trong truyện của nhà văn Lê Xuyên, tác giả “Đêm Giã Từ Hà Nội” cho rằng, nhiều người cho truyện Lê Xuyên hay nhất ở những phần đối thoại. Đối thoại có chuyên chở sự việc, có phân tích tâm lý, nghĩa là có thuật có tả ở trong. Nhận xét trên đúng, và cũng dễ hiểu.
Vẫn theo nhà văn Mai Thảo thì, ngôn ngữ tiểu thuyết Lê Xuyên là thứ ngôn ngữ nói chuyện không biến hình bằng những bút pháp chuốt lọc hay văn hoa bay bướm hơn, cho nên cái khó nhất của nghệ thuật viết chuyện là đối thoại thì, Lê Xuyên lại thành công tốt đẹp nhất.
Là người từng viết feuilleton cho một vài tuần báo, nhật báo Saigon trước tháng 4-1975, tôi thấy, không cần phải được mách bảo, những người nhận viết truyện từng ngày cho các báo đều biết rằng, để “ăn gian” cột báo, nhất là khi tới giờ phải nộp bài cho nhà in sắp chữ thì, cách tốt nhất là kéo dài phần đối thoại của các nhân vật trong truyện. Cũng vì viết hàng ngày, lại không có thời gian đọc lại, nên cảnh nhân vật này “biến hình” thành nhân vật kia, thậm chí có nhân vật đã chết hoặc không biết từ đâu, thình lình hiện ra trong câu chuyện như những bóng ma… trở về từ cõi chết… là “tai nạn” hay xẩy ra cho một số tác giả viết loại truyện này.
Cũng chính vì sự cố tình kéo dài đối thoại đôi khi nhàm chán và, vô nghĩa, nên các nhà phê bình chỉ cần liếc qua một cuốn tiểu thuyết được xuất bản, khi thấy phần đối thoại chiếm số trang lớn trong sách, đã có thể kết luận, thường không sai lắm, về sự thiếu hay, không có tính văn chương, nghệ thuật của cuốn sách ấy.
Nhưng, ở trường hợp của nhà văn Lê Xuyên thì, ngược lại. Đọc tất cả các tuyện của Lê Xuyên, người ta thấy hầu như ông chỉ quan tâm tới tâm lý trai gái miệt vườn trong quan hệ tình cảm của họ mà, không quan tâm nhiều tới phần mô tả cảnh vật thiên nhiên, thời tiết, con người…
Điển hình như ngay chương đầu tiên mở vào truyện “Chú Tư Cầu”, đã là những đối thoại liên tiếp:
“Trời đã chạng vạng tối...
“Tư Cầu mới về tới nhà lấy thêm lúa cho vịt ăn. Nói chuyện bá láp một hồi mà trời sụp tối lúc nào không hay! Đến chừng nghe thiếm Hai má của anh ta hối, anh ta mới hay:
“- Ủa Cầu, mày tính ở đây nói chuyện dần lân riết rồi không chịu đem lúa vô trỏng hả! Bộ mầy không vô gom ba con vịt lại hả?
“- Tui có gởi con Phấn nó coi chừng dùm rồi mà!
“- Ừ gởi! Để tía mầy về ổng thấy ổng đả cho mầy một trận rồi mầy kêu trời!
- Thì đi đây nè...”
Sau một vài mô tả sơ sài, mục đích để chuyển đoạn vào phần đối thoại kế tiếp, họ Lê viết:
“… Chống gần tới chòi giữ vịt của Phấn, một cô gái chăn vịt ở gần đó, Tư Cầu dừng sào lại lấy hơi hú:
- Ì ì... ì ì ì!
Phấn nghe vội chạy ra:
- Sao đợi chừng nầy mới vác mặt ra hả?
- Chừng này chớ chừng nào nữa!
- Nói nghe sướng hông! Gom dùm bầy vịt của anh mệt thấy mồ!
Tư Cầu cười:
- Nhờ có một chút vậy mà cũng rên!
- Vậy mà còn nói một chút nữa! À hồi nẫy vịt của tui có một con bị lươn rút ngất ngư, tui làm thịt nấu cháo ở trỏng, một chút anh qua ăn nghen!
- Ừ qua thì qua, nhưng để dìa coi sóc ba con vịt đã.
- Tui nói tui gom về đủ hết rồi mà!
- Gom thì gom chớ cũng phải dìa coi lại cái đã. Còn un muỗi cho con Sấm nữa chi!
“… Nói xong, Tư Cầu vội vàng chống xuồng về chòi mình, nhưng Phấn kêu giựt ngược lại:
- Nhớ qua nghe hông. À mà anh còn chút dầu lửa nào không cho tui mượn đỡ.
- Hết ráo rồi. Còn ba cái rọi mù u để chút nữa tao đem qua.
- Qua mau mau nghen!
- Ừa mà!”(…)
Hoặc nữa:
Ngồi nín thinh một hồi, Phấn mới lên tiếng gợi chuyện:
- À anh Tư, anh có biết đến cuối tháng chạp này con Thắm nó đi lấy chồng không anh?
- Ừ…
- Ừa!... cái gì anh cũng ừ ừ mà không biết cái khỉ khô gì hết!
- Đừng làm bộ tài khôn hoài mầy! Tao nói ừ là ừ. Con Thắm nó lấy thằng Năm Tôn con ông Biện Dưỡng ở trên kinh Bang Chang bộ tao không biết hả?
- Dữ hông! Chắc trời mưa nên cóc mới mở miệng!
Tư Cầu hứ một tiếng rồi quăng mạnh cái tàn thuốc ra trước sân chòi.
Phấn lấy cây rọi mù-u gạt bớt tàn để cho thêm ánh sáng và nhích lại gần bên cạnh Tư Cầu. Cô với tay quơ một nhánh củi điên điển vừa dập dập tàn rọi còn lên khói vừa nói:
- Hai vợ chồng con Thắm cũng bằng tuổi tụi mình đó...
Tư Cầu ngước mắt nhìn lại:
- Hứ! người ta chưa ăn chưa ở gì hết mà mầy đã kêu là hai vợ chồng! Sao mày gấp quá vậy Phấn. Mà tụi nó bằng tuổi tao với mầy rồi có sao hông?
- Còn có sao nữa. Người ta cũng như mình mà... vậy đó! bộ anh không biết lo sao?
- Lo cái móc xì gì hả? Chừng nào tới rồi hãy hay chớ tao không lo gì ráo.
Phấn ngập-ngừng một lát rồi đắm đuối nhìn Tư Cầu và giọng cô ta trầm dịu xuống.
- Bộ anh không... không... nghĩ đến tui hả?
- Thì mầy chình ình ra đó chớ còn nghĩ ngợi gì nữa?
Cô nhích lại gần Tư Cầu thêm một chút nữa:
- Anh nầy nói kỳ quá! Bộ anh không nghĩ tụi mình cũng như... vợ chồng con Thắm sao?
Nghe nói vậy, Tư Cầu ngồi thẳng lưng nhìn Phấn từ đầu đến chân: một gương mặt bầu bĩnh với đôi mắt long lanh, với đôi môi hơi dầy một chút, ướt láng bên ánh lửa rọi chập chờn, đôi cánh tay tròn trịa ló ra khỏi chiếc áo túi cụt tay và một thân mình chắc nịch như thân cây chuối hột...
Tư Cầu như vừa ý và thấy sao dễ chịu trong mình! Anh ta vừa cười vừa nói với Phấn:
- Ừ, mầy coi cũng được!... Ối thôi, tới đâu hay tới đó chớ tao không nghĩ nghiếc gì hết... Còn tía má tao nữa chi?
- Nói như anh vậy hết chuyện rồi! Bộ ai cấm cản tía má anh lo cho anh sao? Còn tụi mình ở đây làm gì hả?
- Coi ba con vịt chớ làm gì nữa!
- Hứ lãng òm! Anh sao vậy hoài... Bộ anh không thấy người ta cũng như mình mà nên vợ, nên chồng, sung sướng tấm thân, bộ anh không... không... muốn, không thèm hả?
- Ý cha thèm! Ừ sung sướng đâu được vài tháng như hai vợ chồng anh Hai tao đó, rồi chưởi bới đập lộn nhau rùm trời, rồi đẻ xòn xọt cả bầy cả lũ để lo chạy gạo cho sói đầu hả?
- Bàn ngang như anh vậy thì nói làm gì cho thêm tổn. Bộ ai cũng vậy hả? Chớ anh không thấy vợ chồng anh Hai tui sao...
Tư Cầu cười lớn:
- Ối thôi, vợ chồng anh Hai mầy thì hết chỗ chê... Thiệt như ếch bắt cặp!
Và Tư Cầu thấp giọng hỏi luôn: - Ê Phấn, bộ hai ảnh chỉ tối ở nhà bị ai cản mũi cản lái gì hay sao mà tao thấy cứ chạy tọt ra sau vườn chuối xà nẹo với nhau hoài vậy hả?
Phấn nghe hỏi vậy mắc cỡ nhưng thấy thinh thích trong lòng vì Tư Cầu đã hưởng ứng câu chuyện của nó. Cô ta làm bộ gạt ngang:
- Bậy nà!...Mà sao anh thấy? Anh dóc tổ!
Tư Cầu hấp tấp trả lời:
- Ừ thì dóc! Tao đi bẫy cò ở mấy cái mương sau vườn chuối nhà mày hoài mà sao lại không thấy!
Phấn chêm thêm:
- Bộ anh thấy họ rồi họ không thấy anh chắc?
- Con nầy ngu quá! Bộ mầy nói tao đi ngờ ngờ đó để cho họ thấy hả? Tao còn phải đi rình bẫy cò nữa chớ mầy quên sao? Như vậy họ dễ gì thấy tao được?
- Rồi anh rình ếch bắt cặp luôn?
- Đâu có mầy! Thì sẵn tao ngồi núp rình bẫy cò tao cũng nín luôn, chớ chẳng lẽ la làng lên hay sao?
Phấn nghe Tư Cầu nói vậy, cười hăng hắc:
- Anh nầy nói nghe ngộ quá ta!
Tư Cầu cũng bắt cười xòa theo, Phấn vẫn chưa chịu buông lơi câu chuyện:
- Bộ anh mà dám ngó họ!
- Tao mà không dám ngó! Thì nó ngờ ngờ trước mắt tao đó mà dám ngó hay không dám ngó gì mầy!
Phấn vẫn chưa chịu tha:
- Vậy anh thấy cái gì anh kể tui nghe coi! (…) (Nđd.)
Cứ thế, tần số đối thoại ngay nơi chương một của truyện “Chú Tư Cầu” gia tăng theo mạch chảy của câu chuyện giữa hai nhân vật.
Tuy nhiên, cách gì thì người đọc cũng không thể phủ nhận khả năng sử dụng ngôn ngữ “miệt vườn” của Lê Xuyên thật hấp dẫn vì lạ lẫm, nhấm nhẳng, có duyên và, phong phú hiếm thấy nơi truyện của các nhà văn Nam Bộ khác.
Người đọc không thể bắt gặp loại ngôn ngữ văn chương “bác học” nào, trong truyện Lê Xuyên, ngoài những ngôn ngữ “bình dân”, hàng ngày như “bá láp”, “nói chuyện dần lân”, “chạy tọt”, “hắt tẹt nước còn”, “bờ xẻo”, “nói nghe sướng hông”, “hết ráo rồi”, “dữ hông”… Ngay khi phải tả thân thể “con Phấn”, Lê Xuyên cũng so sánh với một cách mộc mạc, rất miệt vườn, là hình ảnh của một “cây chuối hột”…
Tôi nghĩ nhiều phần độc giả đã đọc “Chú Tư Cầu” dù ngay từ đầu hay nhảy ngang giữa truyện, đều rất khó kiềm chế ý muốn đọc tiếp vì những đối thoại như đã dẫn chứng.
Phải chăng vì thế mà Thủy Tinh, một người bạn văn trẻ của nhà báo Hồ Ông (8) đã ví đối thoại của nhà văn Lê Xuyên, như một “kho báu” ngôn ngữ Nam Bộ cổ:
“…Trong một lần nói chuyện thân mật với cây bút trẻ Thủy Tinh, mới 37 tuổi, kỹ sư điện toán ở Adelaide, Thủy Tinh cho biết anh rất khoái thứ ngôn ngữ đặc thù của người dân quê Nam Bộ qua các tác phẩm tiêu biểu của Lê Xuyên như Chú Tư Cầu, Rặng Trâm Bầu, Vợ Thầy Hương, Thủy Tinh nói rằng anh đọc sách của Vương Hồng Sển nói về cái thú chơi đồ cổ, anh cũng khoái lắm, nhưng không đủ khả năng tiền bạc để chơi thứ của nhà giàu đó. Nhưng theo anh có một thứ "đồ cổ" vô cùng quý giá không thể để mai một đi và ai cũng có thể "chơi" được - đó chính là thứ ngôn ngữ của người dân quê Nam Bộ như những hạt ngọc quý lấp lánh trong các tiểu thuyết đồng quê của Nhà văn Lê Xuyên. Người ta có thể đọc bất cứ trang nào, cuốn tiểu thuyết nào của tác giả này cũng vẫn dễ dàng bắt gặp…” (Nđd)
Chúng ta thường nghe nói “văn tức là người”. Nhưng “chân lý” này dường không đúng với nhà văn Lê Xuyên.
Theo ghi nhận của một số nhà văn cùng thời với tác giả “Chú Tư Cầu” như Văn Quang, Nguyễn Thụy Long thì, trong số độc giả của nhà văn Lê Xuyên, có rất nhiều người thuộc nữ giới. Họ tìm đến ông vì hâm mộ tài năng họ Lê. Nhưng trong đời thường, Lê Xuyên là người ít nói, ông sống nghiêm túc tới độ nhiều văn nghệ sĩ không tin ông có một đời riêng ngăn nắp, nghiêm túc đến như vậy.
Trong một bài viết ở dạng hồi ký, nhà báo Hồ Ông kể: Tuy cùng làm việc với nhà văn Lê Xuyên ở nhật báo Thời Thế, nhưng ông không có dịp gặp mặt họ Lê. Lý do, ông chỉ ghé qua tòa soạn, đưa bài, xong ông về ngay tòa soạn báo Con Ong của ông Minh Vồ. Theo ông, đó là một nơi tập trung nhiều anh em với những cuộc “đấu hót” tưng bừng. Nên:
“ Dù rất ái mộ lời văn ‘đối thoại dấm dẳng’ pha chất sex nhẹ nhàng kiểu ‘cởi cái nút áo người yêu cả tuần lễ chưa xong’, rất Lê Xuyên, rất Nam Bộ với những ngôn ngữ địa phương thuần túy, không hề bị pha trộn với ngôn ngữ của thời đại...” (Bđd).
Chính vì chưa gặp họ Lê lần nào, nên ký giả Hồ Ông vẫn đinh ninh tác giả “Chú Tư Cầu”, “Rặng Trâm Bầu” là một nhà văn Nam Bộ bậm trợn, chịu chơi không thua gì mấy ông nhà văn khác. Cảm nghĩ của Hồ Ông đã bị ông Minh Vồ “xổ toẹt” ngay, khi chủ nhiệm Con Ong cho Hồ Ông biết: “… Lê Xuyên nó còn hiền lành hơn thầy tu, nhát hơn con gái nhà lành nữa đấy. Nghe nói tục là nó biến ngay, đố dám!"
Sự bán tín, bán nghi của Hồ Ông về đời thường, Lê Xuyên “… còn hiền lành hơn thầy tu, nhát hơn con gái nhà lành nữa…”, cuối cùng cũng được giải tỏa nhân dịp ông và các bạn trong tòa soạn Con Ong là, Dê Húc Càn (tức Dương Hùng Cường) nhà văn Hùng Phong, được chủ nhiệm Con Ong rủ đi ăn hủ tíu ở quán “Mũi Tàu”, Chợ Lớn thì, bất đồ, ông Minh Vồ bật dậy, chạy ra ngoài quán, gọi lớn:
“Lê Xuyên! Lê Xuyên! Vào đây ăn sáng với tụi tao đã!’ Nghe thế tôi cũng mừng rỡ vì tình cờ lại được gặp người mình vẫn ái mộ. Tôi nhìn ra ngoài thấy Minh Vồ đang tíu tít nắm chiếc guidon xe Vespa giữ ghịt lại như sợ Lê Xuyên bận rộn sẽ không chịu vào quán.
“Lê Xuyên, năm đó trạc khoảng trên 40 tuổi, người hơi nhỏ con, ăn mặc tươm tất. Anh vừa kịp kéo ghế ngồi xuống và Minh Vồ thay vì giới thiệu, đã chỉ tôi bô bô hỏi Lê Xuyên: ‘Mày chắc biết thằng Hồ Ông, nó viết báo Thời Thế bên mày nó ký bút hiệu Gã Kéo Màn đó?’. Lê Xuyên nhìn tôi và đưa tay bắt tay tôi, nhẹ lắc đầu: ‘Nghe tên thì quen nhưng hôm nay mới gặp. Gã Kéo Màn còn trẻ quá há!’. Tôi chưa kịp nói gì, Minh Vồ đã quát chủ quán cho thêm một tô hủ tíu, rồi quay qua nói với Lê Xuyên: ‘Tao bắt gặp quả tang mày hôm Thứ Bảy’. Lê Xuyên thực thà hỏi: ‘Quả tang chuyện chi?’ - ‘Mày còn giả bộ hỏi nữa’. Nghe Minh Vồ nói thế, Lê Xuyên càng ngạc nhiên: ‘Mà chuyện chi chớ?’ Minh Vồ cười một tràng lớn rồi oang oang nói: ‘Hôm Thứ Bảy tao lái xe ngang trường Hai Bà Trưng, tao thấy mày chạy xe Vespa yên sau chở một em thơm như múi mít, thơm hơn em Phấn trong Chú Tư Cầu của mày, nó ôm eo ếch mày, duỗi cặp giò trường túc trắng muốt. Tao còn nhớ nó mặc mini-jupe ngắn lòi cả cái quần sì-líp màu hồng, lông nách nó thì bay phất phới, phất phới!’. Giọng Minh Vồ bình thường vốn đã lớn, nhưng có lẽ nhằm chủ đích chọc Lê Xuyên, nên anh càng cố nói oang oang cho cả quán cùng nghe, khiến ai cũng quay nhìn về phía bàn chúng tôi.
“Lúc đó Lê Xuyên mặt đỏ gay, đứng dậy không kịp chào ai, bước vụt ra xe Vespa phóng một mạch. Minh Vồ đắc ý cười hô hố, quay nói với tôi: ‘Đó cậu thấy tôi nói có sai đâu! Lê Xuyên viết văn thì dữ dằn như thế, nhưng ngoài đời hắn còn hiền hơn cả mấy ông thầy tu nữa!’ (Bđd).
Bản chất nghiêm túc, hiền lành của “Chú Tư Cầu”, cũng được nhiều bạn văn của “Chú Tư Cầu” đề cập. Như trong bài viết “Nhà văn Lê Xuyên những ngày cuối đời” của Văn Quang, có đoạn:
“... Thỉnh thoảng tôi đưa bài đến báo Thời Thế, đôi khi vào buổi trưa, tôi lại rủ Lê Xuyên đi ăn trưa, hôm có tiền thì chui vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu Bát Đạt. Có lần tôi rủ:
- Chúng tớ có cái phòng thuê ở trên lầu ba để thỉnh thoảng chơi phé, lấy tiền xâu gửi lại tay quản lý nên bất cứ lúc nào cần phòng là có ngay. Ông có muốn nằm lại đây một buổi không?
“Bản tính anh hiền lành nên hỏi lại:
- Nằm làm gì, tôi phải về làm việc chứ.
- Ông ngây thơ thật hay ngây thơ cụ, ông cứ lên với tôi là biết ngay ‘nằm làm gì’. Ông muốn Tàu cũng có mà ta cũng có.
“Dĩ nhiên đến nước này thì ông bạn tôi phải hiểu, nhưng ông lắc đầu quầy quậy như anh con trai mới lớn bị bà mẹ bắt lấy vợ sớm. Tôi đưa ông trở lại tòa soạn và xác nhận với anh em rằng ‘Lê Xuyên nó đứng đắn thật các ông ạ’." (9)
Tuy nhiên, ở mặt khác, mặt cư xử, ăn ở với bạn bè thì căn cứ theo hồi ký của nhà văn Nguyễn Thụy Long, cũng như trong bài viết về những ngày cuối đời của “Chú Tư Cầu”, nhà văn Văn Quang kể lại chuyện, một ông Tướng vùng bị nhật báo Thời Thế đăng tải phóng sự điều tra về tội tham nhũng của ông ta. Ông tướng này nhờ một ông Đại tá, một Trung tá đi gặp nhà văn Văn Quang để xin tờ Thời Thế chấm dứt loạt bài điều tra tham nhũng đó. Chẳng đặng đừng, nhà văn Văn Quang phải điện thoại cho “Chú Tư Cầu” khi đó là Tổng thư ký báo Thời Thế, nhờ giúp đỡ. Bằng vào tình bạn giữa hai người “Chú Tư Cầu” nhận lời với điều kiện phải để ông “thu xếp với anh em” trước đã.…
Sau đó, ông Văn Quang gọi điện thoại cho chủ nhiệm Hồ Anh, lúc ấy ông mới biết, trước ông, đã có 2 Thượng nghị sĩ, dân biểu can thiệp, nhưng Lê Xuyên vẫn thản nhiên cho đăng tiếp. Và:
“… Ông Hồ Anh bảo tôi cứ nói chuyện với Lê Xuyên, nếu anh ấy chịu thì không có gì trở ngại.
“Chỉ có thế thôi. Rất bất ngờ, hôm sau tôi đọc được hàng chữ trên trang nhất: ‘Vì có người bạn chúng tôi can thiệp nên chúng tôi thấy cần phải chấm dứt loạt phóng sự này’. Quả thật đó là điều khiến tôi hết sức cảm động và ngay lúc đó tôi trở nên áy náy vì biết đâu đó là một sự thật mà công sức của anh phóng viên trẻ đã bỏ ra bị tôi ‘kỳ đà cản mũi’. Tôi gọi lại cho Lê Xuyên, anh chỉ cười:
- Thông cảm với phóng viên rồi, nó bảo ngưng cũng được, viết thế đủ rồi.” (Bđd)
Đoạn cuối bài viết của mình, nhà văn Văn Quang ghi:
“Buổi chiều ngày 5-3 (2004), đúng hai giờ lễ động quan bắt đầu, giữa trời nắng chang chang, chúng tôi đưa người quá cố đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Có rất nhiều người bên hè phố lặng lẽ tiễn đưa anh. Đám tang nhà văn Lê Xuyên không ồn ào như đám tang của những nhà nghệ sĩ mà ở đây người ta cho rằng đó là những ‘nhà nghệ sĩ lớn’, nhưng những con người thầm lặng ấy đưa tiễn anh với tất cả tấm lòng mình. Họ không nói gì, không có kèn saxo như trong đám tang Trịnh Công Sơn, không có những giọt nước mắt dài ngắn thở than của những danh ca nghệ sĩ, không có những bài ‘điếu văn’ lâm ly bi đát, nhưng đám tang Lê Xuyên đầy ắp những tình yêu thương từ xa xưa đọng lại, từ bốn phương, tám hướng lãng đãng bay về phủ kín khung trời Sài Gòn.” (Bđd).
Tôi nghĩ không thể có một vòng hoa nào trân quý, xứng đáng hơn vòng hoa mà đám đông thầm lặng đã dành cho tài hoa và, nhân cách chói lòa của nhà văn Lê Xuyên/ Lê Bình Tăng.
(Mar. 2016)
_________
Chú thích:
(1) Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở - Wikipedia thì, năm 1934, ông Trương Tử Anh, người Phú Yên, ra Hà Nội theo học Luật khoa, Viện Đại học Đông Dương. Là một người có tinh thần dân tộc, trong thời gian học tập, ông chú ý nghiên cứu nhiều về các triết thuyết, các chủ nghĩa chính trị đang thịnh hành trên thế giới thời bấy giờ. Một trong các tiểu luận chính trị viết từ năm 1935, ông đã nhấn mạnh rằng: "Những triết thuyết, những chủ nghĩa chính trị đương thời đều không thích hợp với dân tộc Việt Nam và đều có sai lầm". Từ đó, ông manh nha việc xây dựng một chủ thuyết của riêng nhằm định hướng cho những hoạt động chính trị của mình về sau này. Ngày 10 tháng 12 năm 1938, ông Trương Tử Anh công bố một chủ thuyết tư tưởng về triết học và chính trị, gọi là Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn. Chủ thuyết này về sau được các đồng chí của ông phát triển thêm, khái quát thành những điểm chính như sau:
- Con người gồm những bản năng cơ bản là Vị kỷ, Tình dục và Xã hội.
- Để sinh tồn thì các bản năng này phải mạnh hơn những cá thể khác.
- Để bản năng mạnh mẽ cần có Sức mạnh, Biến cải và Hợp quần.
Tóm lại, để tồn tại, mỗi cá thể phải tạo cho mình sự vượt trội hơn đa số cá thể khác trong xã hội. Mở rộng ra, mỗi dân tộc, muốn sinh tồn phải có được ưu thế tương tranh để vượt lên được dân tộc khác. Điều này, về sau được ông nêu rõ trong Tuyên ngôn thành lập Đảng: "Chúng ta phải nhận thức rằng trên lập trường quốc tế, giữa các quốc gia chỉ có quyền và lợi mà thôi. Mọi hành động của nước này đối với nước khác không ngoài mục đích ấy".
Suốt thời gian học tại Viện Đại học Đông Dương, Trương Tử Anh đã truyền bá chủ thuyết Dân tộc sinh tồn và thu hút được một số bạn đồng chí trẻ. Ngày 10 tháng 12 năm 1939, ông tuyên bố thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng và lấy Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn làm nền tảng lý thuyết.
Những đảng viên chủ chốt bấy giờ , có nhiều tên tuổi sau này vẫn còn được dư luận ở miền Nam cũng như hải ngoại, nhắc tới như các ông Nguyễn Tiến Hỷ, Nguyễn Tôn Hoàn, Đặng Văn Sung, Bùi Diễm, Trần Trung Dung, Phan Huy Quát, Hà Thúc Ký, Hoàng Xuân Tửu, Dương Thiệu Di. Nguyễn Tôn Hoàn v.v…
Đại Việt QĐĐ lấy ca khúc “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân (1922-1986) làm Đảng ca.
(2), (3), (4): Nđd.
(5) Hồ Ông, “Kho báu trong tác phẩm của Lê Xuyên”, Wikipedia Mở.
(6) Một tư liệu khác, ghi “Chú Tư Cầu” xuất bản năm 1965. Nđd.
(7) Nđd.
(8) Nhà báo Hồ Ông hiện cư ngụ tại thành phố Sydney, Úc châu.
(9) Nguồn Wikipedia – Mở.
- Những nẻo đường văn chương, hội họa... quyết liệt của Võ Công Liêm Du Tử Lê Nhận định
- Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng Du Tử Lê Nhận định
- Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nổ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Tuấn Huy Du Tử Lê Nhận định
- Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Tường Thiết Du Tử Lê Phỏng vấn
- Họa Sĩ Phạm Tăng Du Tử Lê Nhận định
- Những Mảng Tối Cuối Đời nhạc Sĩ Tài Hoa Thanh Bình! Du Tử Lê Nhận định
- Lộ trình thơ, nhạc Trần Duy Đức Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên Du Tử Lê Nhận định
- Lê Lạc Giao - Tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn Du Tử Lê Nhận định
• Nhà Văn Lê Xuyên (Du Tử Lê)
Nhà Văn Lê Xuyên Những Ngày Cuối Đời (Văn Quang)
(Nguyễn Thuỵ Long)
Chữ trinh của Nguyệt Ðồng Xoài
(Nguyễn Ðăng Thường)
Nhân ngày giỗ năm thứ hai nhà văn Lê Xuyên, vài kỷ niệm nhỏ về nhà văn Lê Xuyên (Thanh Thương Hoàng)
Lê Xuyên (1927 - 2004) (phannguyenartist)
Nhà văn Lê Xuyên & Chú Tư Cầu (Nguyễn Ngọc Chính)
Nhà Văn Lê Xuyên, Người Muôn Năm Cũ (Nguyễn Mạnh Trinh)
Chú Tư Cầu (vnthuquan.net)
Tác phẩm Lê Xuyên (vietmessenger)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |