1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Cuộc Phỏng Vấn Các Nhà Văn: Ô.Ô. Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long, Tú Mỡ, Đào Duy Anh (Lê Thanh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-7-2017 | VĂN HỌC

      Cuộc Phỏng Vấn Các Nhà Văn: Ô.Ô. Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long, Tú Mỡ, Đào Duy Anh

        LÊ THANH
      Share File.php Share File
          

       


      Bản PDF:

      Lời Giới Thiệu


      Diễn Đàn Thế Kỷ hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả một loạt bài phỏng vấn hiếm có được ông Lê Thanh làm việc cho tạp chí Tri Tân thực hiện vào năm 1942 với một số học giả và nhà văn nhà báo của thời ấy: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long, Tú Mỡ, Đào Duy Anh. Các bài phỏng vấn này được in thành một cuốn sách nhan đề: CUỘC PHỎNG VẤN CÁC NHÀ VĂN do nhà Đời Mới xuất bản tại Hà Nội năm 1943.


      Nhà thơ Thành Tôn chủ nhân của cuốn sách quý hiếm này gợi ý DĐTK công bố các bài phỏng vấn do ông Lê Thanh thực hiện. Bài đầu tiên là cuộc trò chuyện với học giả Trần Trọng Kim được đăng tải hôm nay.

      DĐTK

      Cuộc phỏng vấn Ông Lệ Thần TRẦN TRỌNG KIM



      Học giả Trần Trọng Kim
       (1882 - 1953)

      Bắt đầu làm công việc «đi thăm» các văn­nhân và thi­nhân ngày nay để nhặt một ít tài liệu cho cuốn sử văn­ học Việt­nam hiện­đại, chúng tôi nghĩ ngay đến Lệ­thần tiên sinh. Như vậy là vì tiên­ sinh có cái địa­vị có một không hai trong văn­giới cũng như trong học­giới ta. Sự nghiệp của tiên­sinh với những bộ­sách “Nho­qiáo”,“Việt­nam sử­ lược”,“Việt­ nam văn­phạm” đã làm vẻ vang cho nền học thuật nước nhà.


      Tiên­sinh đã có tuổi, tóc đã bạc. Nhưng trong cặp mắt sáng, cả đến trong những nét nhăn chạy dải trên trán, tiềm tàng bao nhiêu nghị lực, tỏ cho ta biết rằng tiên sinh còn có thể làm cho văn học ta được nhiều việc lắm.


      Ngồi trước tiên sinh, nghĩ đến những công việc của tiên sinh đã làm và sắp làm, chúng tôi có cảm tưởng như được một bực tiền bối khuyến khích, một bực đã có tuổi, gần đến lúc được nghỉ ngơi hưởng thú thanh nhàn mà còn gắng làm những công việc nặng nề nhất trong sự trùng tu cái lâu đài văn hóa Việt Nam đang đổ nát.


      Vào chuyện tiên sinh cho biết rằng chỉ còn non nửa tháng nữa thì tiên sinh sẽ được về nghỉ hưu trí.


      ­ Thật là một tin mừng cho làng văn ta, vì rồi đây tiên sinh sẽ có nhiều thì giờ để làm việc cho văn chương.

       

      Tiên sinh khiêm tốn:

      ­ Chưa chắc sẽ làm được gì nhiều, vả lại kể làm thì lúc nào cũng làm được, không cứ chờ đến lúc hồi hưu, ngay bây giờ chúng tôi, mỗi tuần lễ vẫn hai buổi tối với cái xe nhà cổ, lóc cóc đi họp cùng mấy ông nữa làm lại quyển Việt Nam từ điển...


      ­ Như chúng tôi đã ngỏ trong thư, chúng tôi lại hầu chuyện để tiên sinh cho biết...

       

      Không chờ cho chúng tôi nói hết câu, tiên sinh đã nhận rõ ý, và bằng một giọng trong trẻo, luôn luôn thay đổi theo những tình cảm trong câu truyện, tiên sinh cho nghe về thân thế và sự nghiệp của tiên sinh.


      Tiên sinh nói bằng tiếng Nam không xen tiếng Pháp như phần đông người bây giờ. Khi gặp một ý tưởng khó giải bằng tiếng Nam, mà giải bằng tiếng Pháp dễ hiểu hơn, tiên sinh dùng toàn câu bằng tiếng Pháp cho đến khi hết cái ý tưởng ấy mới thôi.


      Cũng như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, tiên sinh là người của Lam Giang, Hồng Lĩnh; sinh tại làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, vốn ở một gia đình có cái cựu truyền về khoa cử, nên năm sáu tuổi tiên sinh đã bắt đầu học chữ nho. Học chưa được bao lâu, thời thế rối ren, gặp cơn nguy biến, gia đình mỗi người đi một ngả, tiên sinh lúc bấy giờ mới ngoài mười tuổi, một mình lên đường ra Bắc. Sau hai năm học chữ Tây ở trường Pháp Việt Nam Định (1897­1899), tiên sinh đã đủ sức để vào trường thông ngôn, năm 1903, tốt nghiệp trường ấy được bổ đi tỉnh lỵ Ninh Bình.


      Năm 1904­1905, cái phong trào duy tân, sự xuất dương của một số người tai mắt ở xứ ta, thêm vào đấy những sự chán nản của cái nghề làm thông ngôn ở một tỉnh nhỏ, đã xui giục tiên sinh bỏ nghề đi tìm một con đường khác hợp với chí hướng của mình hơn.


      Nhân năm 1906, có cuộc đấu xảo Marseille, tiên sinh cùng bàn với ông Nguyễn Văn Vĩnh rằng đi học đâu bằng sang học nước Pháp. Tiên sinh bèn nhận một chân thợ khảm đi hạng tư, nằm trên boong tàu hơn một tháng trời sang Pháp. Ông Vĩnh, sau khi xem xét được nhiều điều hay về nghề làm báo và nhà in, trở về nước, còn tiên sinh ở lại vào học một trường tư thục ở xã Bourg­Saint­Andéal, phủ Ardèche, sau theo ông đốc lên học ở Lyon. Đến năm 1908, nhờ anh em xin được học bổng làm lưu học sinh ở trường thuộc địa tại Paris, rồi vào học ở trường Tiểu học Sư phạm (Ecole normale des Instituteurs) ở Melun.



      ­ Trong những tháng đầu, tiên sinh kể, tôi gặp nhiều sự khó khăn lắm; bên ta, ở Nam Định cũng như ở trường Thông ngôn, tiếng đi học từng hàng năm, nhưng có được học gì mấy, học chữ Pháp thì chỉ tập dịch tập đặt câu, toàn pháp thì bốn phép: cộng, trừ, nhân, chia... Khi vào học ở trường bên Pháp, họ nói đến “Chimie” “Phisique’mình chẳng hiểu gì cả. Tuy vậy cũng cố mà học. Chúng tôi có học bổng ở Đông Dương gửi sang, đến năm 1911, ông toàn quyền Klobukowski sang nhậm chức bỏ học bổng ấy, tôi bó buộc phải về nước.


      Vì sự đào tạo, vì chí hướng, tôi chỉ còn có một con đường để theo: đi dạy học.


      Khởi đầu tôi được bổ vào dạy ở trường Bảo hộ. Sau một năm, tôi thi được vào dạy trường Hậu bổ. Năm 1919, trường ấy bãi bỏ, nhà nước bổ tôi vào dạy ở trường sư phạm. Năm 1921 lại bổ làm Thanh tra các trường tiểu học.


      Trong thời kỳ làm thanh tra, vào khoảng năm 1924 và 1926, tôi được cử vào hội đồng làm sách giáo khoa. Non hai năm, mấy người chúng tôi làm xong các bộ sách để cho học sinh các lớp sơ cấp tiểu học dùng.


      Năm 1931, cái ngạch thanh tra ấy không còn, ngạch học quan thành lập, tôi không nhận nhập vào ngạch này, trở lại dạy Trường Sư phạm thực hành Hàng Than; đến năm 1933, tôi dứng giám đốc các trường tiểu học con trai Hà Nội cho đến ngày nay.


      ­ Tiên sinh cho biết sự đào tạo về quốc văn ?


      ­ Khi chúng tôi còn ít tuổi có được học đâu như các học sinh bây giờ. Thiếu trường, thiếu sách vở, thiếu bạn bè. Phần nhiều là học lấy cả. Khi tôi còn bé, học được mấy năm chữ nho nhưng không có kết quả mấy, sau này phải tự học; quốc văn cũng vậy.


      Từ trước, và nhất là khi ở bên Pháp, nhận thấy rằng mỗi nước đều có một văn tự riêng, cái văn tự ấy tức là cái tinh thần của nước, mà mình thì từ cổ chí kim, hết thời đại ấy đến thời đại khác chỉ đi học tiếng người; chúng tôi mang cái hoài niệm là gây thế nào cho tiếng nước mình thành “quốc ngữ”, chính thức có giá trị ngang với tiếng những nước văn minh.


      Khi ông Vĩnh làm tờ Đông Dương tạp chí, tôi bắt đầu viết văn đăng báo, gặp gì viết nấy, bàn về những vấn đề xã hội, văn học... nhưng viết gì cũng không quên cái mục đích trên: làm việc cho tiếng mẹ đẻ...


      Năm 1915, việc dạy quốc văn đã phổ thông hết các trường thôn quê; nhưng có chương trình thì dạy chứ các ông giáo không biết căn cứ vào chỗ nào, lấy bài ở đâu ra giảng cho học trò. Ông Shneider, chủ nhà in và Tạp chí Đông Dương bàn với tôi lập một tờ báo chuyên về việc học... tờ Học báo ra đời. Từ buổi đầu, chúng tôi làm việc chăm chỉ lắm; tôi đứng đảm nhận việc biên tập, có nhờ mấy anh em giúp sức; sau mấy năm thấy công việc có ích và muốn cho tờ báo có tính cách đặc biệt, nhà nước lấy lại giao quyền giám đốc cho nha Học chính Bắc Kỳ.


      ­ Xin tiên sinh cho biết về bộ Nho giáo, chủ ý của tiên sinh khi viết bộ sách ấy thế nào?

       

      ­ Kể từ đầu thế kỷ, ở nước ta cũng như các nước khác ở Á đông, có cuộc xung đột lớn của hai nền văn hóa cũ mà nền tảng là Nho giáo và văn hóa mới từ ở Âu châu đưa vào.


      Kết cục của sự xung đột ấy, văn hóa của mình sụp đổ tan tác, rã rời... Người mình tựa như ngồi trên con thuyền không lái, về đời tinh thần, không biết bấu víu vào đâu.


      Như vậy, một phần là do cái sức mạnh của văn hóa mới, một phần do sự lầm lạc trong học vấn của mình. Một người An­nam thuộc vào hạng học thức là một môn đồ của Nho giáo. Tứ thư, Ngũ kinh thuộc lầu lầu, nhưng thuộc chưa chắc là hiểu, nhất là cái tinh thần của Nho giáo thì ít người chịu đi sâu vào nó để hiểu biết một cách tinh tường. Thành ra một nhà nho chỉ nho ở cái áo khoác ngoài. Đến khi thấy một cái áo khoác có cái hình thể khác mới mẻ hơn, cứ việc cởi cái cũ của mình để khoác cái mới vào, không do dự, không nhớ tiếc. Tiếc gì một chiếc áo, khi chiếc áo ấy chỉ có công dụng mặc cho đủ ấm cái thân trong một thời mà thôi!


      ­ Tiên sinh soạn bộ Nho giáo mục đích giúp người mình hiểu cái tinh thần của Nho giáo ?

       

      ­ Tôi vừa phác qua cái tình cảnh của Nho giáo ở xứ ta cách đây hai ba mươi năm. Tôi đã so sánh văn hóa ấy với “một ngôi nhà cổ rất đẹp, lâu ngày không ai sửa sang để đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống. Ngày nay dẫu có muốn dựng lại cũng không được vì người không có, mà của cũng không...


      Song cái nhà cổ ấy tự nó là một cái bảo vật vô giá, không lẽ để nó đổ nát đi mà không tìm cách giữ lấy cái di tích. Không gì nữa thì ta cũng phải vẽ lấy cái bản đồ người sau biết rằng cái nhà ấy khi xưa đẹp đẽ là thế mà sau đổ nát là thế.


      Việc làm quyển sách nói về Nho giáo tức là làm việc vẽ lấy cái bản đồ của Nho giáo. Đáng lẽ là cái việc của những người đã sinh trưởng trong cái không khí của Nho giáo, đã tiêm nhiễm cái không khí Nho giáo. Nhưng khốn thay, người đời lãnh đạm, ai nấy thấy cái học cũ đã đổ thì thôi, không ai lưu ý đến nữa. Vậy chúng tôi vì chút lòng hoài cổ, không quản sự khó khăn, không sợ việc to lớn, đem cái sức nhỏ mọn ra mà làm...” (1)


      Sau này, nếu nhớ cuốn sách của tôi mà có người biết cái tinh thần của xã hội ta khi xưa bởi đâu mà sinh ra, và cái tinh thần ấy về sau tại sao mà hư hỏng đi, tưởng chúng tôi đã đạt được một phần mục đích vậy.


      ­ ...


      ­ Muốn tiến hóa một cách chắc chắn, không phải chỉ cần học lấy những cáimới của người mà còn cần phải biết rõ những cái hay của mình. Biết để mà giữ lấy, thiết tha mà giữ lấy, dù là trong cảnh ngộ nào. Những cái hay ấy tức là cái gốc của ta, cái tinh thần của ta; không có cái gốc ấy, dân tộc mình đã là một dân tộc vong bản.


      Lắm lúc tôi nhìn thấy những điều trước mắt mà lo. Ở xã hội ta ngày nay có một hạng người nghe nói đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ biết qua loa, đủ dùng trong sự giao thiệp hàng ngày. Nếu sự đời cứ theo cái chiều ấy và cái đà ấy mà thay đổi thì không hiểu dân tộc mình sẽ ra sao...


      ­ Quyển Nho giáo ra đời, dư luận đối với quyển sách ấy thế nào?

       

      ­ Nó ra đời vào buổi đang có sự xung đột đã nói trên. Bên những người hiểu mục đích, ủng hộ nó, có bao nhiêu người công kích nó. Ngày nay sự đời đã thay đổi, những việc xảy ra đã giải rõ rằng những cái xưa kia ta coi như cỏ rác không phải là những cái không có giá trị, thế mà còn có người chưa chịu hiểu, tha nó, còn đuổi theo nó mà công kích...


      Tôi không để ý đến lắm. Chỉ hồi ông Phan Khôi công kích tôi trên tờ Phụ Nữ tân văn, tôi giả lời, nghĩ rằng Phan tiên sinh là người xuất thân ở Khổng giáo, sự bút chiến có thể đem lại cho chúng tôi chút ánh sáng... Tiếc rằng chúng tôi đang ở địa hat Nho giáo, Phan tiên sinh lại chuyển sang địa hạt khác thành ra cuộc bút chiến không đi đến chỗ tôi mong đợi...


      Còn nhiều người khác tôi không giả lời. Vì vậy có người cho tôi là kiêu căng. Không phải thế. Phàm trong những cuộc đàm luận về tư tưởng, về văn chương, lời lẽ phải thanh tao, đằng này không, các ông ấy đã dùng cái giọng của những bọn người hạ cấp để công kích tôi; giả lời e không tiện, có khi lại có hại cho mình về phương diện tinh thần là khác nữa.


      ­ Tiên sinh cho biết về bộ “Việt Nam sử lược” tiên sinh bắt đầu viết từ năm nào? Chủ ý của tiên sinh khi viết bộ sách ấy thế nào?

       

      ­ Tôi bắt đầu viết từ năm 1916 thì phải. Trước hết tôi viết từng bài một, đoạn nào có đủ tài liệu trước thì viết trước.


      Tại sao tôi lại viết bộ sách ấy?


      Nước ta có sử từ đời nhà Trần, đến nay kể đã sáu, bảy thế kỷ, nhưng sử của ta chép theo lối biên niên của Tàu, ngày nào, năm nào, có việc gì thì ghi lấy một cách vắn tắt không tìm đến cái gốc ngọn và sự liên can đến việc.


      Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên việc chép sử không được tự do, phải chiều nhà vua, chép việc nhà vua ít khi để ý đến những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước... Thành ra đọc sử thấy tẻ và không giúp được sự học vấn mấy.


      Sử của ta thì thế, mà người mình thì lại quá lãnh đạm với nó. Qui lỗi cho dân tộc mình có lẽ không đúng, vì từ trước đến nay cái học vấn đã bắt buộc ta phải học sử Tàu hơn là sử của mình. Học để đi thi, để làm thơ phú văn chương theo những cái điển của Tàu. Trước còn là một sự bó buộc, sau thành một thói quen. Lúc ấy những chuyện nước mình, so sánh với những chuyện nước người, đều không đáng kể.

      Thật đáng buồn !


      Người trong nước mà không hiểu sự tích nước mình có khác nào trong gia đình mình không biết ông cha mình... Không biết thì yêu nước yêu nhà thế nào được...


      ­ Nghĩa là tiên sinh viết Nam sử bằng quốc văn, phổ thông sử của nước mình, làm cho người mình biết nước để mà yêu nước. Cũng là một cách làm việc cho quốc gia vậy.


      ­ Đó là mục đích của chúng tôi.


      ­ Tiên sinh đã làm việc thế nào? Đã gặp những sự khó khăn gì?

       

      ­ Viết một bộ sử có ba công việc là tìm tài liệu, phê bình và chọn tài liệu, viết thành bộ sử. Công việc nào cũng khó khăn cả. Về việc tìm tài liệu, sách vở ta thiếu nhiều, những quyển có giá trị, quyển thì mất đi, quyển thì bị đốt... Những di tích lịch sử như thành quách đền chùa cũng vậy, cái còn, cái mất, thậm chí đến phủ chúa Trịnh, tính mới có hơn một trăm năm mà ngày nay không còn tí gì nữa; thành ra khó quá. Tôi đành chỉ tìm trong những bộ sách bằng Hán văn hoặc Pháp văn có trong trường Bác cổ Hà Nội. Về việc phê bình và chọn tài liệu lại càng khó hơn nữa. Đã nói phê phán, so sánh để rõ thực hư và để chọn thì nếu không có thừa, ít nhất cũng phải đủ tài liệu để phê phán và so sánh. Đằng này mình thiếu nhiều.


      Một lẽ nữa, như đã nói trước, những nhà chép sử của ta là người nhà vua, vì vậy nhiều sự thực bị nhà làm sử cố ý làm sai lạc để đem về cho triều đình nhiều sự vẻ vang hơn. Người ta đã cố ý, mình làm thế nào để tìm ra manh mối của sự thực. Tuy vậy, trong số những tài liệu tìm được, tôi cũng phải lựa chọn cẩn thận, bỏ những sự huyền hoặc, không thể có.


      Khi viết, tôi cố viết cho rõ ràng, cắt nghĩa từng việc một để ai xem cũng có thể hiểu. Tôi lại có ý nói nhiều về những việc trong nước, những vấn đề thuộc về chính trị, xã hội, văn hóa để bộ sử khỏi có cái tính cách một bộ sách ghi chép riêng chuyện nhà vua. Thỉnh thoảng tôi có đem ý riêng ra mà bàn, mục đích giúp sự suy xét cho duyệt giả, hoặc đem sự công bằng về cho một việc nhầm lẫn từ xưa. Như nói về nhà Tây Sơn, tôi cần bàn về cái danh hiệu, phải bỏ hết những tình riêng, lấy công lý mà xét đoán, đem về cho nhà Tây Sơn cái chính danh kẻo phạm vào cái lỗi bất công đối với mấy vị anh hùng của nước mình, mấy vị anh hùng đã có phen đã đánh đuổi được quân Tàu để bảo toàn lấy bờ cõi.


      ­ Năm ngoái tiên sinh cho xuất bản quyển “Việt Nam văn phạm” xin tiên sinh cho biết vài chuyện về quyển ấy.

       

      ­ Cũng như những quyển “Nho giáo”, “Việt Nam sử lược”, quyển sách này tôi soạn không ngoài cái mục đích bảo tồn lấy những cái thuần túy của mình, những cái nó hợp lại thành cái tinh thần của dân tộc mình...


      Hội Khai trí tiến đức, nói về khi mới thành lập, nghĩa là vào giữa hồi Âu chiến trước, có một mục đích nhất định. Chiến tranh hết, cái mục đích ấy không còn nữa. Chẳng lẽ có cái hội ấy mà lại chẳng làm gì. Chúng tôi nghĩ lập thành một ban làm việc cho văn học nước nhà. Buổi đầu, trong ban chỉ có những người chọn trong số các hội viên. Sau chúng tôi xin đem vào cả những người không có chân trong hội, nhưng có thể là những người giúp việc rất đắc lực cho ban chúng tôi.


      Chúng tôi dự định soạn mấy cuốn từ điển: “Việt Nam từ điển”, “Hán Việt từđiển”, “Pháp Việt từ điển”... và một cuốn “Việt Nam văn phạm”. Chúng tôi còn lập ra một tiểu ban khảo cứu văn cổ, đem những chuyện bằng nôm cũ hiệu chính lại, giải thích các điển tích, xong rồi chúng tôi sẽ theo từng thời đại mà nhặt những văn thơ cổ làm thành một tập sách để giữ lấy nền văn chương cổ của ta.


      Về cuốn Việt Nam từ điển, chúng tôi đã làm xong, bây giờ đương sửa lại cho thêm phần chu đáo. Chúng tôi đã làm công việc ấy trong 20 năm. Ông còn lạ gì tính người mình, lúc khởi đầu làm một công việc gì thì nhiều người sốt sắng lắm, sau cùng mỗi người một ngả, có khi sau không còn một ai để gánh vác lấy công việc ấy nữa !


      Khi đã có bộ từ điển, tức như cái sổ kê những tiếng mình có và công dụng của từng tiếng, chúng tôi nghĩ đến làm cuốn văn phạm tức như một bộ luật qui định cách thức dùng những tiếng ấy.


      Cuốn Việt Nam văn phạm trước định giao cho một tiểu ban soạn, sau có nhiều sự khó khăn, chúng tôi đành đảm nhận một mình. Mỗi khi soạn xong một một bản sơ cảo, chúng tôi đưa cho các ông Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm xem lại và trình ban văn học duyệt y.


      ­ Xin tiên sinh cho biết ý kiến của tiên sinh về mấy cuốn văn phạm ta đã có từ trước?

       

      ­ Hình như những nhà làm văn phạm trước câu nệ về cách làm văn phạm của Pháp quá. Mỗi thứ tiếng có một tinh thần riêng chứ. Tôi nói đây là nói đến phương pháp soạn cuốn văn phạm của tôi.


      Tôi để ý đến quan điểm này nhất:


      Tôi không theo cách chia tiếng thành loại như của Tàu. Chia như vậy đơn sơ quá. Tôi theo phương pháp Âu tây, phương pháp có khoa học hơn. Các ngài nhận cho rằng, chúng tôi chỉ theo cái phương pháp mà thôi. Tôi không làm cái công việc lấy những mẹo luật của văn tây đặt trước mình, rồi tìm xem trong tiếng mình có tiếng nào hợp với luật ấy là bắt theo.


      Tôi tìm những tiếng đồng loại có phận sự giống nhau, đặt vào một loại; xong tôi tìm những luật nó ràng buộc những tiếng ấy.


      Làm như vậy mới tránh được những sự “ép” có thể làm mất cả cái bản tính của tiếng nước mình.

      Quan hệ nhất là việc tìm những thí dụ trong văn kim và cổ. Một người soạn văn phạm phải tìm luật ở trong những tiếng đã có và người ta đang dùng.


      ­ Tiên sinh có ý cho cuốn văn phạm của tiên sinh một đặc sắc Việt Nam và giữ cho tiếng Việt Nam cái tinh thần hoàn toàn của nó?

       

      ­ Đó là một điều kiện phải thận trọng hết sức. Lúc nào tôi cũng muốn tiếng nước mình giữ được tinh thần của tiếng nước mình.


      Có người nói: “Chúng ta sẽ đi câu cá, nếu chủ nhật này anh về chơi nhà tôi”. Thật là ngây ngô! Sao lại không nói: “Chủ nhật này anh về chơi nhà tôi, chúng tôi sẽ đi câu cá”, có hợp với ngữ điệu của ta hơn không?


      ­ Nói về nội dung cuốn Việt Nam văn phạm, xin tiên sinh cho biết ý kiến của tiên sinh về việc dịch những tiếng sujet, verbe, complément của Pháp ra tiếng ta. Tiên sinh có thể công nhận cách dịch như: nom ­ tiếng chỉ tên, với ba cái gạch nối liền của Ô.Ô. Lê Thước và Nguyễn Hiệt chi không?

       

      ­ Tôi thiết tưởng về việc này ta không nên câu nệ quá. Sao lại không dịch tiếng nom là danh tự. Danh tự cũng chỉ có nghĩa là tiếng chỉ tên. Mà nghe hai tiếng danh tự vừa đẹp vừa gọn. Sao khi tôi sinh ra không được đặt tên là Vàng mà lại đặt là Kim, sao người ta không gọi ông là Trong, lại gọi là Thanh ? Chỉ vì người mình cho là đặt tên tự đẹp hơn, và đã quen như thế rồi.


      Đây là cả một vấn đề: vấn đề dùng chữ nho trong tiếng ta. Có người bảo nên bỏ chữ nho trong tiếng ta để giữ cho tiếng ta cái nguyên tính của nó. Tôi cho là không được. Tôi còn nhớ một lần trong hội K.T.T.Đ. một vị đường quan cũng đề nghị như vậy; tôi hỏi: nếu bây giờ người ta bỏ hai tiếng “Tổng đốc”, hai tiếng người ta mượn của chữ nho, thì thưa ngài, người ta gọi ngài là gì được...? Có thể nói rằng không có ba câu văn Việt Nam liền, trong ấy không có một chữ nho.


      Vẫn biết bây giờ ta đọc những tiếng như: tĩnh tự, túc từ thấy lạ tai và khó nhớ, nhưng rồi sau quen, ta có thể nhớ được dễ như những tiếng đặc sắc, bản tính... mà thôi.



          

      ­ Hiện nay tiên sinh dự bị soạn những sách gì?

       

      ­ Khi tôi soạn Nho giáo, định sau bộ này sẽ soạn đến bộ Lão giáo, từ ngày ấy đến nay vẫn chưa làm xong, tuy vậy tôi đã sưu tập được đủ tài liệu rồi, bây giờ chỉ việc viết thành sách.


      Lão giáo là một triết học quá cao, lĩnh hội được thật là khó. Cũng như Nho giáo, Lão giáo mỗi ngày bị người ta làm sai lạc; cái giá trị, vì thế bị giảm đi đôi chút, Ngày nay thấy lễ bái, người ta không hiểu nguyên ủy sự lễ bái ấy là thể nào? Không hiểu thì làm thế nào mà tôn sùng được?


      Tôi đã nói với ông vì những lẽ gì tôi soạn bộ Nho giáo, tôi có thể nhắc lại đây những lẽ ấy, đối với bộ Lão giáo.


      Có thể nói rằng ở xứ ta, đi bất cứ ở chỗ nào cũng thấy dấu tích của Lão giáo, thế mà người ở ngay bên cạnh cũng không hiểu những dấu tích ấy là gì, hoặc có hiểu lại hiểu sai lạc đi mất. Ngày xưa, người học chữ nho còn nhiều mà cái tình trạng đã như vậy, huống hồ mai sau.


      Vì vậy, việc “vẽ bản đồ” cái nhà Lão giáo cũng cần thiết và khẩn cấp như việc vẽ bản đồ cái nhà Khổng giáo vậy. ­ ...


      ­ Tôi sẽ soạn một bộ Phật giáo nữa. Cũng vẫn theo một mục đích như trên: làm cho người hiểu cái chân lý của đạo.


      Ở ta, nhiều người nói là tín đồ nhà Phật, nhưng ngoài mấy câu kinh, câu kệ và sự đến chùa lễ bái để cầu phúc, cầu đức ra, hỏi đến Phật, đến Bồ Tát là thế nào thì không mấy người biết được. Cả đến cách bài trí ở trong chùa thấy có tượng thì gọi là tượng Phật, tượng Thánh mà thôi, chứ không biết đích xác là ngôi tượng nào thờ vị nào, và bày ra như thế là có ý nghĩa gì?

      Chưa nói gì đến những điều cao siêu của đạo.


      Trước khi soạn bộ Phật giáo, trong ấy tôi bày tỏ cả về lý thuyết và lịch sử, tôi đã soạn quyển Phật lục nói sơ lược về những đều cốt yếu của đạo Phật.


      Sách đã xuất bản được vài năm nay. Nó chỉ có một mục đích thiển cận, một giá trị phổ thông mà thôi.


      Trong mấy năm gần đây, tôi để ý vào việc soạn quyển “Vũ trụ đại quan”. Nay cũng đã gần xong... Về thiên văn học, tôi đã đọc sách, khi hiểu biết được ít nhiều. Ban đêm tôi hay ra sân ngồi nhìn những vì sao trên giời, vừa nhìn vừa nghĩ, thấy những điều mình biết cũng hay, thiên văn học của mình cũng tinh vi lắm. Tôi nghiên cứu thêm, biết nhiều điều lạ. Thì ra môn học này của mình, hay nói cho đúng, môn học này của Đông phương, chẳng kém gì môn học của Tây phương, vào khoảng hai ba trăm năm về trước. Chưa nghiên cứu tường tận, ta tưởng môn học của ta vu vơ, sự thực cũng khoa học lắm. Người ta lấy cái lẽ “trời đất”, mình lấy cái lẽ “âm dương” làm nền tảng cho sự học, hay nhất là ở chỗ âm dương, thuộc về trừu tượng mà ta đã hình tượng ra được.


      ­ Theo tiên sinh thì văn học của ta có tiến không? Ý của tiên sinh đối với văn học ngày nay thế nào?

       

      ­ Có thể nói là tiến, đó là lẽ tự nhiên, xung quanh cái gì cũng tiến, văn học cũng theo cái đà ấy mà tiến. Nhưng muốn cái bước tiến của mình nhanh hơn nữa, cần phải chịu khó, người làm văn đừng tưởng rằng quốc ngữ viết thế nào cũng được. Cái nghệ thuật trong văn chương là phải làm thế nào khi người đọc mình không thấy mình khó nhọc gọt dũa mà sự thực mình đã mất rất nhiều công phu.


      Thứ nhất là khi hành văn cũng như khi tư tưởng, phải tỏ mình là một người Việt Nam thuần túy.


      Chắc ông cũng như tôi phải nhận rằng ngàynay, một số đông người mình, phần nhiều là các ông nhà báo, viết văn cẩu thả quá, dùng chữ cẩu thả, đặt câu cẩu thả. Hình như các ông ấy có ý muồn bắt chước lối hành văn của người các nước, làm mất hẳn cái tinh thần Việt Nam đi.

      Sao lại thế?


      Tôi tưởng người Việt Nam ta ngày nay, nếu còn có cái gì, thì chỉ kể được cái hương hỏa về tinh thần của tổ tiên ta để lại. Cái hương hỏa ấy tức là cái gốc của ta. Bổn phận của ta là phải vun đắp thế nào để giữ cái gốc ấy mãi mãi. Được như vậy thì dù có ở vào cảnh ngộ nào, ta cũng không lo một ngày kia ta không có một tương lai.


      Đồng hồ trên tường gõ, báo cho biết chúng tôi ngồi đã lâu. Chúng tôi cáo từ. Tiên sinh đứng dậy vừa tiễn chúng tôi ra cửa,vừa tóm tắt cho chúng tôi những ý chính của tiên sinh. Tiên sinh không quên nhắc lại để khuyến khích chúng tôi trong việc gây cái “nền gốc” cho dân tộc mình.


      Tiên sinh ân cần: “Cứ gây lấy cái ‘gốc’ ấy đã. Biết đâu sau này chúng ta lại không được hái những bông hoa rất đẹp. Nếu chúng ta không được hưởng cái đẹp ấy, thì đã có con cháu chúng ta. Công việc của chúng ta chỉ có thế, và cũng chỉ còn có thế”.


      Chú thích:

      (1) Nói trong bài tựa Nho giáo


      Lê Thanh

      Nguồn: diendantheky.net

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Cuộc phỏng vấn Ông Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu Lê Thanh Phỏng vấn

      - Cuộc phỏng vấn Ông Vũ Đình Long Lê Thanh Phỏng vấn

      - Phỏng Vấn Ông Vệ-Thạch Đào Duy-Anh Lê Thanh Phỏng vấn

      - Phỏng vấn nhà văn Song An Hoàng Ngọc Phách Lê Thanh Phỏng vấn

      - Cuộc Phỏng Vấn Các Nhà Văn: Ông Nguyễn Văn Tố Lê Thanh Phỏng vấn

      - Cuộc phỏng vấn Ông Lệ Thần Trần Trọng Kim Lê Thanh Phỏng vấn

    3. Bài viết về học giả Trần Trọng Kim (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Trần Trọng Kim

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Đọc Cuốn “Nho Giáo” Của Ông Trần Trọng Kim (Phan Khôi)

      Viết và đọc hồi ký (Viên Linh)

      Cuộc phỏng vấn Ông Lệ Thần Trần Trọng Kim (Lê Thanh)

      Trần Trọng Kim với Việt Nam Sử Lược (Trần Anh Tuấn)

      Thủ Bút Của Trần Trọng Kim - Thư Gửi Hoàng Xuân Hãn (Nguyễn Đức Toàn)

      - Học giả Trần Trọng Kim (Trần Văn Chánh)

      - Chuyện đi học của ông Trần Trọng Kim (NLB)

      - Trần Trọng Kim với việc nghiên cứu Phật học (Chánh Chi)

      - ‘Nên tham khảo Trần Trọng Kim’ cho cách dạy và học sử (Nguyễn Lương Hải Khôi)

      - Bảo Đại - Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam 9/3/1945 - 30/8/1945

       (Phạm Cao Dương)

      - Trần Trọng Kim và “Một Cơn Gió Bụi” (vietbao.com)

       

      Tác phẩm của Trần Trọng Kim

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Tác phẩm trên mạng:

      - vietsu.org  -  tusachtiengviet.com

      - Một Cơn Gió Bụi

      - Phật Lục

      - Nho Giáo

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)