|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Bởi một cơ duyên hãn-hữu, tôi đọc được tác phẩm Đầu Tóc-Mượn của ông Lê-Hoằng-Mưu, rồi cũng ngẫu nhiên không tìm mà thấy thiên điều tra Nợ Văn của ông Lãng Tử kể về hoàn cảnh thống khổ của một số người đam mê nghiệp viết văn, làm báo thuở ban sơ đầy thử thách, trong đó có bài Con Voi Già nhắc tới tình huống ông Lê Hoằng Mưu khi thất cơ lỡ vận.
Ảnh tư liệu của
Tạ Thanh Minh Khánh
Không có khả năng và điều kiện truy tầm sâu rộng, tôi chỉ tóm lược dựa vào tài liệu đọc được trên mạng.
Lê Hoằng Mưu là một trong các tiểu thuyết gia đầu tiên của Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ông sinh ở Bến Tre, miền Nam Việt Nam năm 1879, lớn lên đi học ở Sài Gòn, làm thư ký rồi viết văn lúc 33 tuổi, qua đời năm 1941 thọ 62 tuổi.
Ông viết nhiều, sáng tác mạnh. Ngoài tên Lê Hoằng Mưu, ông còn ký bút hiệu Mộng Huê Lầu (do đảo ngược các vần chữ của tên Lê Hoằng Mưu), Le Fantaisiste Hoằng Mưu…
Về báo: làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, giữ nhiệm vụ Tổng lý điều hành Công Luận Báo, cùng với Võ Thành Út sáng lập tờ Long Giang Độc Lập, khai sinh báo Điện Tín, viết bài cho Thần Chung, Đuốc Nhà Nam.
Lục Tỉnh Tân Văn là nơi ông làm chủ bút lâu nhứt, 16 năm (1919-1935). Ngoài tiểu thuyết đăng từng kỳ, ông còn viết các bài xã luận, góp ý, trả lời thư độc giả, giữ mục ‘‘petite causerie’’…
Có lẽ do ông thẳng thắn bày tỏ ý kiến, chẳng hạn như cổ võ người Việt ủng hộ người Việt trên thương trường trước thực trạng người Tàu nắm quyền kinh tế, tán đồng việc các nhân sĩ kêu gọi người Việt gia nhập đoàn thể ngành nghề, Hội Cần Kiệm… để mưu cầu phúc lợi chung ; nên ông Lãng Tử nhận định Lê Hoằng Mưu là một ngòi bút ‘‘kỳ cựu dấn thân’’.
Về Văn: ông dịch kịch thơ Pháp Rocambole, Les Drames de Paris, tome V (1912), cùng ông Hồ Văn Lang hợp soạn Phi Công Phú (1913), Hoạn Thơ Bắt Túy Kiều (1915), phỏng tác truyện Le Comte de Mont-Cristo của văn hào Pháp Alexandre Dumas thành ‘‘Tiền Căn Báo Hậu’’ (1916), Kịch thơ Đỗ Triệu Kỳ Duyên (1928).
Ông để lại 17 tiểu thuyết:
• 9 truyện xuất bản thành sách: Hà Hương-Phong Nguyệt (1915), Tây Hồ Công Chúa Ngoại Sử (1916), Một Ngàn Con Ma (1917), Lạc Thúy Duyên- Nữ Giáo Tô Huệ Nhi Ngoại Sử (1918), Oán Hồng Quần Ngoại Sử – Phùng Kim Huê (1920), Oan Kia Theo Mãi -32 Đêm Hồ Cảnh Tiên Tự Thuật (1922), Đầu Tóc-Mượn (1926), Đêm Rốt Của Người Tội Tử Hình (1929), Người Bán Ngọc (1931)
• 8 truyện đăng từng kỳ trên báo:
• 5 truyện đã kết thúc: Ba Gái Cầu Chồng- Thập Báo Niên Tiền Ly Miêu Hoán Chúa (1915), Hồ Thể Ngọc (1916-1918), Nhược Nữ Báo Phụ Thù- Hiếu Tình Bất Nhứt (1924-1925), Hoan Hỉ Kỳ Oan (1925), Thập Niên Tiền Kim Liễu Hàm Oan (1930).
• 3 truyện dang dở: Trăng Già Độc Địa (1930-1931), Cuồng Phụ Ngộ Cừu Nhân (1926), Giọt Nước Cành Dương- Hoa Chìm Bể Khổ (1924).
Theo ông Lãng Tử (Thúc Tề Nguyễn Thúc Nhuận) người cộng tác với tạp chí Văn Học, Mai, Dân Quyền, Hà nội Báo thì Lê Hoằng Mưu là một nhà văn nổi tiếng; có ‘‘sách bán chạy như tôm tươi’’, là chủ bút được trả lương cao nhất, là nhà báo ‘‘lý luận lôi cuốn, hấp dẫn, chinh phục tất cả xứ Nam Kỳ và thế hệ thanh niên hồi đó. Tài bút chiến của ông khuất phục các bạn cùng nghề’’.
Ông được thi sĩ Nguyễn Liên Phong làm thơ tặng: ‘‘Khen bấy thầy Mưu dạng mỹ miều, có khoa ngôn ngữ nết không kiêu’’… (Điếu Cổ Hạ Kim thi tập- 1915).
Nhưng dòng đời hưng phế, ông bước vào chuỗi hoàng hôn của nghiệp văn cũng như phận người khởi từ nỗi buồn thất chí khi ông không còn được làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Dù vậy, theo tác giả Lãng Tử, Lê Hoằng Mưu vẫn là một nhà văn biết tự trọng và yêu nghề, ngay cả trong những ngày ‘‘gió bụi’’.
Không chuyên ngành nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, tôi chỉ là kẻ hậu sinh bùi ngùi cảm thông muộn màng nghiệp phần của những người trăm năm trước, tiên phong viết văn, làm báo ở miền Nam Việt Nam thời Pháp thuộc ‘‘muôn vàn khó khăn’’, trong đó có ông Lê Hoằng Mưu, tài danh một thuở, phong lưu đã từng, hệ lụy cũng trải, trầm luân trong đơn bạc, lặng lẽ xa cõi phù sinh, lưu dấu cho đời nhiều tác phẩm.
ĐẦU TÓC-MƯỢN (1926)
Truyện kể về một gia đình trung lưu ở miệt quê Nam, nước Việt thời thuộc Pháp, gồm 6 người:
- Ông bà Hồng Tuấn: có hai con gái, không trai. Ông làm hương trưởng, chức việc làng.
- Hồng Anh, cô chị, 20 tuổi, đã đính ước cùng Tề Nhiếp Nguyên, học trò lỡ vận thi rớt, nghèo, mồ côi cha mẹ, không anh chị em, sống nương nhờ nơi nhà chú thím.
- Hồng Hoa, cô em, 18 tuổi, có chồng trước chị, chưa sinh con. Chồng cô, Hồ Hớn Dân, thời niên thiếu mồ côi cha mẹ, không anh chị em, ở với chú thím; được ông bà Hồng Tuấn giúp đỡ lúc còn đi học. Khi Dân thi đậu làm thầy giáo, ông bà Hồng Tuấn gả con gái Hồng Hoa và Dân về ở chung bên nhà vợ.
Ảnh trường Mỹ Thuật Gia Định
Sự việc xảy ra do một hôm ông bà Hồng Tuấn và vợ chồng Hồng Hoa- Hớn Dân vắng nhà, Hồng Anh đốc thúc tôi tớ quét dọn trong ngoài, còn cô vô sắp xếp phòng em, làm xong cô thấm mệt, ngã lưng lên giường định nằm nghỉ chốc lát rồi ngủ quên.
Hồng Hoa- Hớn Dân đi thăm chú thím của Dân. Sáng ngày sau Dân về trước vì phải dạy buổi trưa. Tới nhà Dân vào phòng, tiếng động làm Hồng Anh thức giấc. Dân chưng hửng, nhận mình vô ý rồi vội vàng đến trường. Còn Hồng Anh bất ngờ ngó thấy em rể, quá đổi ngượng ngùng nên cũng lật đật rời khỏi phòng, không dè đầu tóc-mượn bị sổ tuột, rớt lại trên giường. Buổi chiều Hồng Hoa về, trông thấy đầu tóc mượn (*) của Hồng Anh thì nghi ngờ, giận dỗi, nhưng dấu kín nỗi ghen hờn, lặng lẽ bỏ đi, rời xa gia đình.
Cả nhà không ai hiểu được cớ sự. Tới khi Hồng Anh vô phòng mình, thấy lá thư của Hồng Hoa với đầu tóc- mượn gởi trả như tang chứng, nàng mới biết sự sơ suất vô tình của nàng là nguyên nhân gây biến. Nàng lo sợ, buồn tức nhưng hổ thẹn lặng thinh.
Cùng lúc ấy bà Hồng Tuấn ngại miệng tiếng dị nghị liền thu xếp đón Tề Nhiếp Nguyên, hôn phu của Hồng Anh về, coi như ở rể, chờ cưới.
Nhưng Hồng Anh uất ức, quyết tìm em đặng giải oan nên trốn nhà ra đi.
Tề Nhiếp Nguyên định trở về với chú thím song ông bà Hồng Tuấn cầm giữ chàng ở lại, hứa xem chàng như con ruột. Thế là gia đình họ Hồng thành một nhà không con mà có hai rể.
Bước đường lưu lạc:
Hồng Anh, cô chị, sau khi bị trộm hết tư trang, vào giúp việc cho một hào phú người Tàu, có vợ Việt ở Chợ Lớn. Cô chủ thấy nàng nết na, đẹp người nên ngỏ ý muốn cưới nàng cho em trai cô. Nàng từ chối. Dịp rằm tháng bảy, cô chủ đi chùa Điện Bà, trên núi Bà Đen, ở Tây Ninh, dẫn theo Hồng Anh. Trong lúc cô chủ vào lễ Phật, Hồng Anh dạo xem cảnh trí, nhìn thấy một bà vãi nơi hang đá, nàng tới kể lể tâm sự, xin xuất gia. Bà vãi hết lời can ngăn nhưng nàng nài nỉ mãi, khiến bà động lòng cho nàng trú tại am mây, khởi đời tu hành kinh kệ.
Hồng Hoa, cô em, giong ruổi qua nhiều tỉnh thành lần hồi tới đất Tây Ninh, tá túc nơi nhà một gia đình làm rẫy, bán buôn ở chợ. Tình cờ Lư Bích Tôn trông thấy. Bích Tôn là công tử, con nhà danh giá, thế lực trong vùng, nổi tiếng ăn chơi, chuộng sắc ; gặp Hồng Hoa thì si mê, ve vãn. Bị nàng đối xử lạnh nhạt, Bích Tôn lập kế cho nàng bị bắt giải lên làng xã để Bích Tôn quyền thế ra mặt làm nghĩa cứu giúp. Dù vậy, Hồng Hoa vẫn không nhận lời cầu hôn của Bích Tôn, chỉ thuận kết tình bằng hữu huynh đệ. Rồi Hồng Hoa mở tiệm mua bán hàng xén ; vài năm sau trở nên khá giả, phát đạt.
Một dịp rằm tháng bảy, nàng đi hành hương Điện Bà cùng đoàn khách hàng quen biết. Cơ duyên đưa dẫn chị em gặp nhau giữa chốn đông người, đôi bên đều ngờ ngợ, không tỏ thiệt lai lịch. Rồi Hồng Hoa ra về định tâm sẽ trở lại tìm vị ni cô giống chị của nàng, còn Hồng Anh cũng mong gặp lại người đàn bà giàu sang, đẹp tựa cô em của mình.
Bấy giờ tại Hồng gia trang, ông bà Hồng Tuấn vẫn sống với hai chàng rể. Bất ngờ thầy giáo Hồ Hớn Dân phải đổi lên Tây Ninh. Sống nương tựa nhau đã quen nên họ quyết định bán nhà để cùng đi một lượt.
Bích Tôn nay đã là giáo tập, đại diện Ty Học chánh sở tại đón Hớn Dân, đãi đằng cơm nước, chỉ dẫn bước đầu…
Buổi nọ Hớn Dân dạo xem quang cảnh, đường xá, tới gần chợ Tây Ninh chàng thoáng thấy người đàn bà dáng tướng tợ Hồng Hoa đi vào một phố tiệm; mấy ngày lui tới ngóng đợi vẫn không gặp lại. Chàng nghĩ đến Bích Tôn, người cố cựu đất này… Thế là vợ chồng trùng phùng, cha mẹ gặp con. Cả nhà lên Điện Bà tìm Hồng Anh. Mười năm ngỡ ly tan nhưng duyên phần chưa mãn nên gia đình đoàn tụ sum vầy.
Đầu Tóc-Mượn được viết vừa văn xuôi, mô tả nhiều điển cố, ước lệ, ví von thậm xưng, vừa dụng thể biền ngẫu có vần có điệu, ý lời đối xứng với những đoạn dài kể lể, than thở, lý luận… đọc nghe như thơ.
Ảnh trường Mỹ Thuật Gia Định (*)
Bới đầu với tóc-mượn là phong cách của rất nhiều phụ nữ Việt Nam, được tác giả dàn dựng thành cớ sự làm xao động một gia đình. Hai vế đối ở bìa trước quyển sách đã tóm tắt lý do:
Vì vô ý chị em lợt nghĩa
Bởi lầm nghi chồng vợ phai tình.
Cốt truyện mang nét kịch tính gút-mở dựa trên những tình cờ đã lôi cuốn độc giả thời ấy bằng bút pháp linh động, vừa tả cảnh, vừa tả tình, diễn biến nội tâm các nhân vật qua dáng hình, giọng nói.
Khác với truyện Hà Hương Phong Nguyệt cũng của Lê Hoằng Mưu, một thời gây tranh luận sôi nổi, Đầu Tóc-Mượn nhẹ nhàng phác họa một mẫu gia đình trung lưu ở vùng Lục Tỉnh đất rộng sông dài ‘‘có chút của ăn, của để’’ : một ngôi nhà khang trang, vài mẫu ruộng, mấy con trâu với mảnh vườn trồng rau củ, hoa trái. Đó là sản nghiệp vật chất. Còn đời sống tinh thần có thể thấy hiểu phần nào tâm ý gia chủ qua hai câu đối liễn viết bằng chữ quốc ngữ, dựng trước cửa ngỏ
Thảo thất nhàn cư, bất cập tích kim nhi tích đức
Bố y tùy phận, tuy vô hằng sản hữu hằng tâm.
(Sống an nhàn nơi nhà cỏ, tích vàng không bằng tích đức
Phận áo vải tuy không có của mà có tấm lòng)
Hai chị em Hồng Anh- Hồng Hoa được đi học và đều thích đọc sách, ưa noi gương người xưa tích cũ.
Hồng Anh: quyết trọn chữ tùng, theo cách dâng cơm mời trà, tương kính như tân.
Hồng Hoa: bắt chước Kiều Nguyệt Nga trong truyện Lục Vân Tiên, bị ép duyên với Bùi Kiệm, trước khi bỏ đi đề thư để lại ‘‘Mình cũng gặp chuyện bất bình trong dạ, quyết đi cho rời rã tóc tơ, vậy cũng nên noi gương xưa, ký một phong thơ, tỏ mọi nỗi nhuốc nhơ cùng chị.’’ Gặp cơn ghen hờn, nàng nghĩ đến Hoạn Thư trong truyện Kiều, muốn ‘‘âm mưu sâu cho biết thửa tay, làm cho ra căng đọa kiếp đày, cho tạng mặt, tạng mày chơi chút, làm cho biết ai họ Hoạn, ai là chàng Thúc...’’
Nhưng truyện xảy ra ở Vĩnh Long, Chợ Lớn, Tây Ninh, vùng đất lành là nơi như khắp mọi nơi trên lãnh thổ Việt, hằng nhắc nhớ tập quán luân lý, đạo nghĩa tín ngưỡng và nề nếp nho phong được xã hội chuẩn nhận như quan niệm truyền thống. Muôn đời mầm ác vẫn hiện hữu và tính thiện, lương tâm với tình thương cũng luôn luôn còn đó. Đọc giả khi thưởng thức một quyển sách có thể nhìn ra ẩn ý của tác giả. Trong Đầu Tóc-Mượn Lê Hoằng Mưu xếp đặt cho Hồng Hoa lúc ghen hờn, giận lẫy chỉ chủ động rời xa chồng, tự chọn đời lưu lạc tha phương.
Đầu Tóc-Mượn không có bạo hành, thảm sát. Mười năm phân ly, hai chị em Hồng Anh- Hồng Hoa gặp mánh mun, mưu mẹo, lọc lừa… có gian truân song chẳng khắc bạc, hung tàn. Hai cô đều từ chối lời cầu hôn của kẻ khác, giữ lòng chung thủy với chồng. Khi nghi lầm được giải tỏa, chẳng ngại quay về nghĩa cũ tình xưa. Kết thúc có hậu như ‘‘hết cơn mưa trời lại sáng’’.
Đầu Tóc-Mượn là tiểu thuyết gia đình Việt, sống trên đất Việt, theo phong hoá Việt.
Phải chăng ‘‘Truyện đặt theo việc tình người đời, chẳng mượn tích ngoại phang gio-diễn, để đồng hương rảnh mua vui, lúc buồn tiêu khiển’’ như ông đã viết trong Tiểu Tựa cuốn Hà Hương Phong Nguyệt, tiểu thuyết đầu tay của ông năm 1914?
Phải chăng Đầu Tóc-Mượn cũng gần gũi với tinh thần Cuộc Thi Viết Tiểu Thuyết (do ông Gilbert Trần Chánh Chiếu tổ chức lần đầu tiên, năm 1906, lúc ông Chiếu làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm) có lời ghi : ‘‘Người Langsa gọi Roman nghĩa là lấy trí riêng mình mà đặt ra một truyện, tùy theo nhơn vật, phong tục trong xứ, dường như truyện có thiệt vậy’’?
Tôi đọc đi đọc lại Đầu Tóc-Mượn mà nghe chừng đâu đây đồng vọng của thổ ngơi miền quê cha đất mẹ. Sông nước, ruộng vườn, Chợ Lớn thị tứ, núi Bà Đen gập ghềnh; bộ ván gõ trải chiếu bông; ô trầu- ống ngoáy với tôi là một phần quá khứ tuổi thơ êm đẹp. Tôi nhớ mấy người chị bà con bới đầu với tóc-mượn, nhớ cách nói lục tỉnh quen thuộc, các ngôn từ, những chữ, những tiếng, nay hình như ít nghe thấy hoặc không còn dùng nữa.
Vẫn biết hoài cảm cá nhân không hẳn độc giả nào cũng có, nhưng đó là động lực giúp tôi ráng đọc những trang sách vàng úa màu thời gian để làm gan thuật nhắc tỉ mỉ một di sản văn chương miền Lục Tỉnh dường như ít được phổ biến trên mạng.
Và, như cơ duyên, cho người đọc đời sau, thắp muộn hương trầm, tâm thành tưởng nghĩ người đã mãn kiếp nhân sinh 80 năm về trước: nhà văn Lê Hoằng Mưu.
Tạ Thanh Minh Khánh
Paris 2021
Vài trích đoạn trong tác phẩm Đầu Tóc-Mượn:
(chính tả và dấu hỏi, ngã, chép y theo nguyên bản)
Bà Hồng Tuấn: ‘‘Tục đời thường ví: Nữ sanh ngoại tộc miễn ba tùng con giử trọn là hay; nếu nói như con đả xuất giá tùng phu, còn muốn đặng tròn chử hiếu thì lấy ai phụng tự bên chồng; đã vâng chịu chử tùng còn muốn đeo đuổi cha mẹ hoài thì ai gọi tùng phu xuất giá?’’
Hồng Hoa: ‘‘Mình ôi, ôm tất lòng đòi đoạn xa gần: không vò rối, không dần mà nhức- nhối. Cùng ai nở kề đầu chung gối; đễ thiếp ôm trăm mối vò tơ, bởi tại chàng ngày ước đêm mơ; khiến thiếp chịu nhuốc-nhơ với thế. Thiếp dám trách lòng chàng ỡ tệ; làm không e miệng thế dèm pha, làm chi đều xấu hổ mẹ cha; làm chi chuyện quỉ-ma dắc lối. Trước kia đã trao tơ lựa mối; cớ sao còn lầm lỗi duyên em? thì cũng là máu chảy ruột mềm, há chẳng sợ xấu nem xấu lá. Niềm cốt nhục phải đâu ai lạ; sao không e nhục-nhả hỗ han, lúc mây mưa đánh đổ đóa vàng; cơn tình tự díu dan chăn gối. Giá không biết mây chìm bèo nổi; để sau có đỗ bễ ra, bướm ong liền đổ tội cho hoa. Chị hai ôi! nghĩa chị em một máu mà ra, nỡ sanh sự nồi da xáo thịt! Bằng chẳng cũng chị-em chích-mích, chị sao đành chẫm tịch cho an, chồng em dầu sanh chứng lăng loàn, chị cũng phải giáng-cang em rễ’’.
Hồng Anh: ‘‘Vẫn chàng với thiếp, cùng nhau từ mấy năm nay đã ước hiệp nghỉa tóc tơ, hẹn vầy duyên cầm sắc, thì cũng tưởng, chàng chử dạ kéo sơn gắn chặc, thiếp thệ lòng vẹn một chử tùng; chưa chăn gối củng vợ chồng, thiếp đâu dám phụ lòng vàng đá, có dè đâu:
Thiếp thật chẳng loan chung phụng chạ, dạ cũng không tham lục tiết hồng; Tai họa đâu bay đến khi không, khiến cho thiếp chịu oan tiếng yêu vụng nhớ chùng em rể. Ấy có phải ruộng giâu mà hoá bễ, bình địa khỡi phong ba, há rằng không xấu hổ mẹ cha, hư danh giá thói nhà băng tuyết. Tề-Lang ôi, thiếp dầu không đau lòng tữ biệc củng sanh ly, thiếp đả mong trốn bỏ mà đi, tới cửa Từ Bi qui y thọ phái…’’
Ghi chú:
1- Tài liệu trên mạng cho biết Đầu Tóc-Mượn đăng ở báo Lục Tỉnh Tân Văn năm 1924. Nhà Imprimerie de l’Union phát hành năm 1926. Có lẽ sau đó Đầu Tóc-Mượn được in lại bởi Đức Lưu Phương ấn quán, không thấy ghi năm.
2- Đầu Tóc-Mượn có một tiểu tựa nơi trang đầu mỗi cuốn Gặp Tình Cữa Điện.
3- Đầu Tóc- Mượn theo trí nhớ của TTMK là một mớ (nắm, nhúm) những sợi tóc rời được bện kết thắt chặt một đầu bằng chỉ đen thành một khoanh (lọn, chùm) tóc-mượn ; phụ nữ dùng cặp đệm thêm vào tóc từ phía sau ót để bới thành búi tóc. Muốn có tóc-mượn, người ta thường dùng tóc của chính mình hoặc xin tóc của người thân quen biết. Tóc-mượn trung bình dài cỡ 50 cm, tròn độ 3,5 cm, tùy nghi gia giảm. Tóc-Mượn làm tăng độ dày, giúp búi tóc trông đầy đặn, thẩm mỹ hơn ; như một kiểu cách thời trang quen thuộc thuở ấy. Để búi tóc khỏi bị sổ tuột, phụ nữ có thể dùng chiếc trâm nhỏ, vài cái kẹp ghim hay bao lưới mỏng bọc búi tóc lại. Mấy năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, chợ Tân Định còn treo bán tóc-mượn có đính mảnh giấy để ‘‘tóc thiệt’’ được hiểu không phải là tóc của người chết.
Tài liệu tham khảo:
Nợ Văn, Lãng Tử, Văn Xuôi Lãng Mạn Việt Nam 1930-1945, tập 8, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1990.
Bước Đầu Khảo Sát Tư liệu và Đánh giá Tiểu Thuyết Lê Hoằng Mưu, Võ Văn Nhơn.
Văn Học Miền Nam: Các tiểu thuyết gia đầu tiên, Lê Hoằng Mưu, Huỳnh Ái Tông.
Lục Tỉnh Tân Văn một số báo thời Lê Hoằng Mưu làm chủ bút. Nhà Kho Quán Ven Đường- Huỳnh Chiếu Đẳng.
Lục Tỉnh Tân Văn, một trong những tờ báo sống lâu nhứt ở Nam Kỳ- Lâm Vĩnh Thế.
Trang mạng Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Các trang mạng về tác giả Lê Hoằng Mưu
Diễn Đàn Dân Tộc Đông Hải Nguyễn Đức Hiền
Hai hình chụp phụ nữ miền Nam Việt Nam (*), trích từ bộ sưu tập tranh vẽ 1935 1938 1943 của trường Mỹ Thuật Gia Định- Ecole d'Art de GiaĐinh trong quyển Monographie Dessinée de l'Indochine Cochinchine do Librairie Orientaliste Paul GEUTHNER, 12 Rue Vavin- 75006 Paris ấn hành.
** Thành thật cám ơn các tác giả, các trang mạng về những bài viết cùng hình ảnh mà TTMK mạn phép xử dụng. Kính mong thông cảm, lượng thứ.
- Đầu Tóc-Mượn của Lê-Hoằng-Mưu Tạ Thanh Minh Khánh Nhận định
• Lê Hoằng Mưu, nhà tiểu thuyết tiên phong (Nguyễn Vy Khanh)
• Đầu Tóc-Mượn của Lê-Hoằng-Mưu (Tạ Thanh Minh Khánh)
Nhà văn Lê Hoằng Mưu (Huỳnh Ái Tông)
Cuộc bút chiến năm 1923 xung quanh tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu (Phan Mạnh Hùng)
Loại hình tiểu thuyết, hình thức công bố của tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX (Phan Mạnh Hùng)
Hành trình đi tìm Hà Hương phong nguyệt (Võ Văn Nhơn)
Hà Hương Phong Nguyệt- Quyển Tiểu Thuyết Quốc Ngữ Đầu Tiên Của Nam Bộ (Võ Văn Nhơn)
Tiểu sử (wiki)
Tác phẩm trên mạng:
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |