|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Tượng Lý Thái Tổ, vị vua khai sáng Nhà Lý, một triều đại trường tồn hơn hai thế kỷ, đóng đô ở Thăng Long từ 1010
Trong Việt Sử Tiêu Án, sử gia Ngô Thời Sĩ viết về Nhà Lý (l010- 1225): "Thánh hiền nhiều, bình trị lâu, từ xưa về trước chưa từng có hơn thế." Trong bộ sách Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, học giả Nguyễn Đăng Thục viết về nhà Lý: "Cái đặc sắc... là ý thức dân tộc sâu rộng và cao siêu như bốn câu thơ bất hủ đã toát yếu khúc chiết cái quan niệm Quốc gia Dân tộc Việt Nam:"
Sông núi nước Nam, quyền vua Nam
Hiển nhiên Thiên định hẳn không lầm.
Giặc bay trái mệnh đòi xâm chiếm
Thảm bại trông kìa, hỡi lũ tham.
(NGUYỄN ĐĂNG THỤC dịch)
Bốn câu thơ này, như một lời truyền, đã do đại nguyên soái Lý Thường Kiệt sai người dùng loa đọc lên giữa đêm khuya, phát đi từ một ngôi đền thiêng bên sông Như Nguyệt, làm rúng động quân sĩ cả ta lẫn địch, trong trận đánh giữa quân Nam và quân xâm lược nhà Tống từ phương Bắc tràn qua. Trận đánh đã kéo dài hơn một tháng chưa phân thắng bại.
Nguyên văn 4 câu thơ:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
LÝ THƯỜNG KIỆT (1019-1105)
Lời thơ đã khiến quân Nam bừng bừng hùng khí, cùng lúc ấy cũng khiến quân Bắc táng đởm kinh hồn. Giặc nao núng không còn muốn đánh, bỏ chạy, quân ta toàn thắng, đuổi giặc khỏi lãnh thổ, và từ đó Đại Việt không còn triều cống vua Tống nữa.
Đời sau coi bốn câu thơ trên là bản Tuyên ngôn Chủ quyền của Việt Nam mà không cần dựa trên các điều khoản chính trị, kinh tế, quyền lợi, mà vừa "thuộc về điều kiện thiên nhiên (Nam quốc sơn hà,) vừa thuộc về siêu nhiên (Thiên thư định phận), quả là quan niệm thuộc về nhân bản toàn diện có khuynh hướng tâm linh tôn giáo hơn là duy vật hay duy tâm thư các chủ nghĩa dân tộc ngày nay." (Nguyễn Đăng Thục, LSTTVN, q.3.)
Cũng từ nhà Lý, nước Việt đổi quốc hiệu thành Đại Việt, trước đó đã đổi cả kinh đô và tên kinh đô là Thăng Long. Tại Thăng Long, một Đại học đầu tiên của Quốc gia gọi là Quốc tử giám được thành lập. Đó là một nước Việt Nam độc lập toàn diện với Bắc phương. Thánh hiền nhiều, tướng sĩ giỏi, người dân trọng tín nghĩa, xã hội văn hoá ổn định trong cuộc sống tam giáo đồng nguyên đã khiến Việt Nam trở nên một nước duy nhất ở phương Nam chặn đứng quân xâm lược phương Bắc. Lịch sử còn ghi nguyên soái Lý Thường Kiệt còn kéo quân qua đánh Tầu, chiếm Châu Ung, Châu Liêm, đi đến đâu truyền bá rao giảng đại cáo kể tội Tầu tàn ác đến đấy.
Lý Thường Kiệt (1019-1105) - còn có tên là Ngô Tuấn - (họ Lý là do vua yêu kính mà tặng cho họ vua), quê ở Phường Thái Hoà, Thăng Long; cha là An Ngữ, Lang tướng trong Triều. Lúc 13 tuổi, cha mất, người chú họ tên là Tạ Đức hỏi chí hướng, ông nói sở nguyện của ông là muốn trở thành một tướng tài, "xông pha vạn dậm để lập công, lấy ấn phong hầu, làm vẻ vang dòng giống."
Năm 18 tuổi ông được xung vào chức Kỵ mã hiệu úy. Đời Lý Thánh Tông, từ 1054, ông được phong chức cực lớn, là Kiểm hiệu Thái bảo, rồi đi dẹp loạn phía Tây, vùng Thanh Nghệ, "bình được 5 châu, 6 huyện, 3 nguồn, 24 động." (Theo sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn). Sau đó lên chức Dũng võ Uy thắng công, như một thống soái, được vua ban Tiết Việt (có quyền sinh sát trước, báo cho vua biết sau.) Rồi lên Phụ quốc Thái úy, Thiên tử nghĩa đệ (em kết nghĩa của vua).
Khi nghe tin nhà Tống bên Tầu có ý nhòm ngó Đại Việt, ông tâu với vua Lý Nhân Tông, vừa lên ngôi: "Ngồi chờ quân địch đến, chi bằng đánh trước..." Vua y lời tâu, ông thống lĩnh ba quân kéo qua đánh phá ba châu Ung, châu Khâm, và châu Liêm. Đi đến đâu, ông ra đại cáo (gọi là Lộ Bố) kết tội Tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch bách hại dân Tầu, ông vâng lệnh vua Nam qua cứu nhân dân Tầu đang bị khổ ải vì chính sự Vương An Thạch quá tàn ác. Lộ bố của ông kết tội Vương An Thạch đã bày ra "tân pháp", khống chế xã hội bằng các kế hoạch "thanh miêu," "mộ dịch" và "quân thâu".
Tại châu Ung, thái thú Tô Giám chống cự 40 ngày mới chịu thua, hôm ấy là 1 tháng 3, 1076. Y giết chết 36 gia nhân rồi tự tử chết. Quân Nam vào thành, giết hại không nương tay. Tống sử chép: "Quân Lý xếp đầu người thành đống, mỗi đống 100 đầu, có 580 đống, vậy là 5 vạn 8 ngàn người bị giết." (Theo NĐT, sđd, quyển 3.) E rằng Sử Tống nói quá. "Trong trận đánh 3 châu, ta giết và bắt người ba châu Ung, Khâm, Liêm độ chừng 10 vạn." (Việt Sử Lược, Trần Quốc Vượng dịch và chú giải, nxb Văn Sử Địa, Hà Nội - trích lại trong sách của Nguyễn Đăng Thục.)
Vương An Thạch nổi giận, phong Triệu Triệt, Quách Quỳ hai tướng với đại binh, liên kết với hai nước sau lưng ta là Chiêm Thành, Chân Lạp, cùng tiến đánh Đại Việt. Lý Thường Kiệt đem quân dàn trận vùng sông Như Nguyệt, đánh nhau hơn một tháng không phân thắng bại. Một đêm, ông cho quân sĩ vào đền Trương Hống Trương Hát, dùng loa ngâm bốn câu thơ gọi hồn nước, lại ra vẻ như lời của thiên thần vọng xuống hồn vía giặc, như đã kể bên trên.
Trong thời Hán học thịnh trị, các nhà Nho của các triều đại sau nhà Lý ít đưa bài thơ này vào các sách văn học, có thể vì Lý Thường Kiệt không phải là một nhà Nho; ông là con nhà Phật; đó là ý kiến của một nhà nghiên cứu, nhất là vào giữa đời Trần trở đi, Nho học lên mạnh, và lịch sử nhà Lý ở phía sau lưng còn quá gần.
Các Thi tuyển Việt Nam của Ngô Tất Tố (Văn học đời Lý); Trần Trọng Kim (Việt thi), Bùi Kỷ (Quốc văn cụ thể), Trần Trung Viên, Hư Chu Văn Đàn Bảo Giám), ... không thấy có bài thơ này! Thế mà bài thơ đã được Lý Tế Xuyên đưa vào Việt Điện U Linh Tập từ năm 1329 trong truyện Trương Hống và Trương Hát! Bài thơ không được đưa vào lịch sử văn học các thế kỷ sau.
Học giả Nguễn Đăng Thục viết về bài thơ: "Đây là cả một ý thức quốc gia dân tộc toát yếu vào mấy yếu tố cơ bản thiết thực trong đó biểu lộ một quan niệm dân tộc có tính cách tôn giáo linh thiêng thuộc về tâm linh thần bí. Sách Việt Điện U Linh sau khi kể lại chính thần nhân đã đọc bài thơ trên, có chép tiếp: 'Đang đêm nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đởm, không đánh đã tan.'" (sđd, trang 114)
"Như thế là Thường Kiệt giải quyết xong vấn đề Quốc thể Đại Việt đối với thế lực phương Bắc rồi vậy. Không những ông đã phá được mưu đế quốc của Tầu muốn đô hộ lại nước Giao Chỉ, ... ông còn biểu dương cả một cuộc chiến thắng giữa hai ý thức hệ: ý thức hệ tâm linh dân tộc của nhân dân Việt Nam chống với ý thức hệ xã hội khống chế của chủ nghĩa kinh tế chính trị của Vương An Thạch. ..." (NĐT) - "Từ đây người Tầu không dám coi thường chúng ta." (Ngô Thời Sĩ, Việt Sử Tiêu Án).
Tinh thần độc lập từ đời Lý, qua đời Trần, Hồ, Lê, đã khiến Việt Nam là nước duy nhất trong các nước Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử không bị Hán hóa. Một người Nhật từng tuyên dương Hùng khí Phương Nam của Việt Nam trước mặt người Tầu, trong câu chuyện học giả Hoàng Văn Chí kể lại sau đây:
Sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) và sau khi nhường chức Tổng thống cho Viên Thế Khải, ông Tôn Văn sang viếng Nhật Bản, ... được ông Khuyển Dưỡng Nghị, đảng trưởng Quốc Dân Đảng Nhật, thết tiệc khoản đãi. Nhân được hỏi về chuyến đi Hà Nội, ông Tôn Văn đáp: "Người Việt Nam vốn nô lệ căn tính... Dân tộc ấy không có tương lai." Ông Khuyển Dưỡng Nghị không đồng ý, nói rằng "xét trong Lịch sử thì trong số Bách Việt, chỉ có Việt Nam không bị Hán hóa." Ông Tôn Văn không nói gì nữa. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản.)
Bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, và tinh thần dân tộc Việt khởi từ lịch sử Nhà Lý, chính là khởi đầu một Hùng khí Phương Nam trước giặc phương Bắc. Không bao giờ hơn lúc này, chúng ta cần ôn lại những trang "Sử thi Chính khí" của dân tộc để khơi lại giòng máu anh hùng quật cường đang sa đà vào một thời đại tối tăm [nhất là đối với phương Bắc], có thể là tồi tệ chưa từng thấy như hiện nay.
Trước khi có những dòng trên, người viết và bạn hữu của tòa soạn đã trải qua nhiều ngày đi tìm một bản dịch quốc ngữ hay nhất (theo ý mình) của bài Nam quốc sơn hà. Cùng lúc tìm xem bài thơ đã xuất hiện lần đầu ở đâu, trong sử sách nào? Chúng tôi đã không tìm thấy trong những cuốn sách thường được coi như sách văn học sử của Việt Nam. Nó xuất hiện trong một cuốn sách loại thần kỳ của thế kỷ XIV: Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, không phải trong truyện về Lý Thường Kiệt, mà trong truyện về hai vị đại vương Khước Địch và Uy Địch, tức Trương Hống và Trương Hát.(*) Đọc và kê cứu gần 20 cuốn thơ văn cổ, kể cả mấy cuốn cận đại của Dương Quảng Hàm, Phạm Văn Diêu, Phạm Thế Ngũ,... đều không thấy.
Những cuốn sơ thảo nghiên cứu văn học sử Đời Lý của Ngô Tất Tố, Lê Văn Siêu, của Đặng Thái Mai và Cao Xuân Huy cũng không thấy. Đinh Gia Khánh nhắc đến bài thơ với một bản dịch mới, và nhắc lại vấn đề chưa chắc bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt, ... Trong một thời gian ngắn thực hiện số báo, chúng tôi không tìm được nhiều hơn.
Ghi nhận như thế để thấy rằng chúng ta thiếu sót quá nhiều, Văn học sử Việt Nam thiếu sót quá nhiều, nhất là Sử Thi Chính Khí. Trong khi đó loại thơ văn linh tinh lại không thiếu. Thời tiền chiến, Hoài Chân Hoài Thanh soạn cuốn Thi nhân Việt Nam dày trên 400 trang không thấy chọn lọc được vài ba bài thơ chính khí, hay hùng thi. Họ chọn các bài lục bát, bảy chữ của Nguyễn Bính, song không chọn một "bài hành" nào của ông, mà Nguyễn Bính làm hành rất hay. (Mong gì Thiết Ấp thiêu văn tự / Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây!)
Nghèo nàn hơn về thơ, Vũ Ngọc Phan viết bộ Nhà Văn Hiện Đại dày gần 1300 trang, chỉ "phê bình" được 10 nhà thơ, trong có hai "nhà thơ" không ai nghe tiếng là Nguyễn Giang và Bùi Huy Cường! Ông chỉ viết về các "nhà văn hiện đại" mà không viết đến các "nhà thơ hiện đại;" hay, tội nghiệp thay thời hiện đại ấy, Vũ Ngọc Phan chỉ chọn được Nguyễn Giang, Bùi Huy Cường và Huy Cận, Xuân Diệu cùng 6 người nữa.
Thơ chính khí, thơ về tâm thức kẻ sĩ của thời đại ấy trên thực tế không thiếu, chỉ vì người ta không thấy mà thôi. Trong khi ấy, bên cạnh các nhà thơ được Thi nhân Việt Nam và Nhà văn hiện đại nói đến, không còn ai khác nữa sao? Còn nhiều lắm, nhưng các "ngự sử văn đàn" kia đã bỏ quên họ, bỏ quên dòng Thơ Chính Khí, dòng thơ Kẻ Sĩ, những ngòi bút và vần điệu thao thức về Đất Nước. Hãy cố nhớ xem? Có thể kể Nhượng Tống, Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Vỹ, Phan Khôi, Nguyễn Tố, Lý Đông A, Phạm Tất Đắc (Chiêu hồn nước), Tản Đà, Đằng Phương, và thơ chính khí, song không hẳn là thơ hùng, của các nhà thơ lãng mạn như Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương,... [Chúng tôi hạn chế vấn đề trong khoảng tiền chiến; chưa nói tới thơ chính khí sau đó, từ kháng chiến 1945 tới 1975.]
Biến cố Biển Đông xảy ra trong hai tháng 5, 6.2011 (**) đang gây phản ứng rộng trong cộng đồng người Việt nhiều nơi, và nhận định chung, cảm thức chung là thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay đã không được đào tạo từ tinh thần chính khí của Nam quốc sơn hà, của Bữa tiệc đầu người, của "Thà làm quỷ nước Nam"... Người ta không tìm thấy một khuôn mặt quốc gia nào để mà hãnh diện, hay đúng hơn, để mà nghĩ rằng đó là một khuôn mặt có thể được gọi là đại biểu cho người Việt Nam.
Thế hệ lãnh đạo hiện nay đã được đào tạo trong "thời đại HCM," - năm nay họ khoảng '60, nghĩa là lúc CSVN vào thủ đô Hà Nội, 1954, họ mới cỡ 4, 5 tuổi. Thời tiểu học và những năm đầu Trung học, họ được dạy hát những bài ca có những câu như: Yêu cụ Hồ chủ tịch nước Nam / Yêu cụ Mao cụ Kim Nhật Thành / Cụ Ma len kốp / Sít ta lin Ăng ghen Lê Nín... Chắc gì trong các giờ Việt Sử tại các trường tiểu học và trung học ở Bắc vĩ tuyến 17, họ được học những tấm gương sáng của Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, những chiến tích đánh Tống bình Nguyên Mông của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo? Cho nên có những khoảng trống trong tâm thức Việt Nam thế kỷ XXI so với lớp người Việt lớn lên bên kia vĩ tuyến 17 từ 54 cho tới 75.
Biến cố Biển Đông và phản ứng của các cấp đại biểu đất nước ở Hà Nội cho thấy sĩ khí, chính khí, hùng khí, tự trọng, ... là những gì không thấy hiện ra nơi ánh mắt, nhân diện, tác phong của người Việt Nam hiểu thế nào là Quốc Thể. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần ôn lại Chính Khí Việt, khởi từ những bài thơ ngắn gọn và cụ thể như Nam quốc Sơn hà, bài thơ bắt rễ từ thời đại, từ đất nước, và thể hiện được quốc thể một cách uy dũng bởi người trượng phu mà tâm can không gì ngoài việc nước.
Hạn chế vấn đề trong phạm vi Văn học Nghệ thuật, chúng tôi vừa nhắc đến dăm ba cuốn sách văn học, hay văn học sử, đã bỏ quên bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, (và những bài tương tự). Người đọc tìm thấy bài ấy trong Việt sử, trong Thần tích, trong Chiến sử, trong Giai thoại, trong Nhân vật chí, Địa dư chí, mà không tìm thấy trong các cuốn sách về Văn-học-sử.
Văn học sử cần được viết lại về sự đánh giá của nó về vài ba vấn đề văn học và thời thế, trong có vấn đề Thơ Chính Khí.
Tháng 6.2011
CHÚ THÍCH:
* Trương Hống, Trương Hát là hai anh em ruột, đều là tướng tài của Việt Vương, khi chết được Thượng đế phong là Long Quân cai quản hai con sông Vũ Bình và Lạng Giang. Anh cai quản từ sông Vũ Bình đến sông Như Nguyệt lên tới đầu nguồn ở sông Phú Lương. Em cai quản từ Lạng giang tới Nam bình. Vì thế đền thờ của họ ở quãng sông Như Nguyệt, tức sông Cầu ở Bắc Ninh. Lý Thường Kiệt đã cho người vào đền thờ này để từ đó đọc bài thơ Nam quốc sơn hà.
(**) Người Việt (10 tháng 6. 2011: Tàu Trung Quốc lại gây hấn, phá cáp tàu Việt Nam. / NV (12.6.2011): Báo đảng của TQ cảnh cáo V.N. / NV (26.6.11) Mỹ muốn giải tỏa căng thẳng Biển Đông NV (27.6.11) MỸ-TQ bàn chuyện Biển Đông...
SÁCH THAM KHẢO:
LÝ TẾ XUYÊN (thế kỷ XIV), Việt điện u linh tập, Lê Hữu Mục dịch, Khai Trí, Sài gòn, 1960.
NGÔ THỜI SỸ (1726-1780) Việt Sử Tiêu Án, Văn Hóa Á Châu dịch và xuất bản, Sài gòn, 1960.
NGUYỄN ĐĂNG THỤC, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, BỘ Văn Hóa, Sài gòn, 1967.
HOÀNG XUÂN HÃN, Lý Thường Kiệt, Sông Nhị, Hà Nội, 1950. In lại trong La sơn Yên hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II, Hà Nội, 1998.
HOÀNG VĂN CHÍ, Từ thực dân tới cộng sản, bản Việt ngữ của Mạc Định, Chân Trời Mới, không ngày tháng, dịch từ nguyên tác Anh ngữ From Colonialism to Communism, 1964.
ĐINH GIA KHÁNH, BÙI DUY TÂN, MAI CAO CHƯƠNG Văn học Việt Nam Thế kỷ X- nửa đấu Thế kỷ XVIII, nxb Giáo dục, Hà nội, 1997.
- Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh Viên Linh Nhận định
- Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ
- Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định
- Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký
- Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký
- Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại
- Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký
- Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký
• Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt: Thơ Chính Khí và Sự Đánh Giá của Văn Học Sử (Viên Linh)
• Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)
• Phạt Tống Lộ Bố Văn của Lý Thường Kiệt (Phạm Khắc Hàm)
• Bài Thơ Nam Quốc Sơn Hà và Anh Hùng Đánh Tống-Bình Chiêm Lý Thường Kiệt (Lý Tế Xuyên)
• Heroic Spirit The South Lý Thường Kiệt's Poem 'Nam Quốc Sơn Hà' (Đ.T. Pháp&V.Linh)
• Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |