|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Hồ Biểu Chánh
(1.10.1885 - 4.9.1958)
Tôi qua Mỹ năm 11 tuổi tức là thuộc thế hệ Việt – Mỹ, sinh ở Việt Nam nhưng trưởng thành ở Mỹ. Trước năm 75 tôi sống ở trong khu nhà dành cho sĩ quan trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau 75, nhà của tôi bị tịch thâu, bố tôi đi tù cải tạo, mẹ tôi dẫn ba đứa con còn thơ dại lên trên Sài Gòn ở nhờ nhà người anh ruột. Đứa lớn nhất là tôi lúc đó được năm tuổi và cô em út của tôi lúc đó mới được một tuổi. Năm tôi lên bảy tuổi đã biết đọc thành thạo và đọc ké sách mà các anh chị họ con của bác tôi họ mượn của bạn bè. Tôi luôn luôn là đứa được đọc sau cùng mà phải đọc cho lẹ để mấy anh chị mang đi trả. Thủa ấy mấy anh chị của tôi cũng còn đang học dưới trung học nên toàn thích coi truyện kiếm hiệp và sách Tuổi Hoa. Phần tôi, vớ được cuốn truyện nào là tôi đọc và mê hết không kể thể loại. Từ năm tám tuổi tôi đã được đọc “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa”, “Liêu Trai Chí Dị” luôn cả truyện tình cảm của Dung Sài Gòn và Võ Hà Anh. Nghĩ lại tôi thấy buồn cười vì mẹ tôi không cấm mà chỉ cười khi tôi đọc trại “Tóc Mây Nghìn Sợi” của Dung Sài Gòn thành “Tóc mây mì sợi”. Từ nhỏ tôi đã biết mơ mộng về chuyện yêu đương qua Dung Sài Gòn.
Năm chín tuổi thì tôi đã phải từ giã mẹ và hai em theo người dì đi vượt biên. Qua đến Mỹ tôi ở chung với một người bác họ thật xa. Người con trai cả của bác lúc đó khoảng 25 – 26 tuổi mà lại là một người thích đọc sách. Đọc hết sách ở nhà, hai anh em dẫn nhau ra tiệm mướn sách về đọc. Tôi nhớ rằng hồi đó giá mướn sách là 25 xu mỗi ngày trong khi đó lương tối thiểu là $2.75 một giờ, xăng là $1 một gallon. Tôi đọc trung bình mỗi ngày là một cuốn sách cho đến gần hết tủ sách của tiệm cho mướn. Trong thời gian này có nghĩa là lúc còn là thiếu niên tôi có dịp được đọc ba cuốn sách của Hồ Biểu Chánh đó là “Cha Con Nghĩa Nặng”, “Con Nhà Nghèo”, “Mẹ Ghẻ Con Ghẻ”. Cảm tình mà tôi dành cho Hồ Biểu Chánh đã có từ lúc đó. Tôi rất thích đọc truyện của ông nhưng thời đó sách của Hồ Biểu Chánh cũng hiếm vả lại tôi đang mê đọc các tác phẩm mới nên Hồ Biểu Chánh chìm vào trong tiềm thức của tôi.
Năm 21 tuổi tôi ghi danh học chương trình Việt Ngữ mới được thành lập tại giáo xứ Lavang ở Houston mặc dù lúc đó tôi đã rành tiếng Việt nhưng vẫn tò mò muốn học hỏi thêm. Chương trình được chia ra làm hai phần – lịch sử và văn hóa. Người thầy dậy lớp văn hóa chính là Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, và từ đó tôi có được một người thầy cho đến ngày hôm nay. Cuối năm 2019 khi Thầy nói muốn tôi viết một bài thuyết trình về Hồ Biểu Chánh thì tôi coi đây như là một cơ hội để tìm hiểu thêm về một con người mà mình đã ngưỡng mộ từ hồi còn là niên thiếu. Tại sao tôi yêu mến ông một cách đặc biệt như vậy mặc dù tôi là một người đã sống gần 40 năm trên đất Mỹ, đã hấp thụ nền văn hóa Mỹ còn ông là một nhà văn miệt vườn cách đây 100 năm với giọng văn chương bình dân, những cốt truyện, triết lý sống mà có lẽ so với bây giờ thì có thể chê là quá cải-lương hoặc sến? Vì tôi cảm nghiệm rằng Hồ Biểu Chánh đã phải sống trong một khoảng thời gian mà trời đất thay đổi, ông đứng trước hai nguồn văn hóa cũ và mới, ảnh hưởng của Trung Quốc và ảnh hưởng của Pháp và tìm cách dung hòa nó, học cái hay của người ta để áp dụng cho chính mình cũng giống như tôi phải lớn lên giữa hai nền văn hóa của Việt Nam truyền thống và xứ sở nơi tôi cư ngự. Đứng trước một cuộc đổi đời như vậy những người có ý chí như Hồ Biểu Chánh sẽ tìm hướng đi riêng cho họ trong khi những người khác thì chỉ biết an phận, xuôi theo thời thế. Tuy nhiên khi chọn hướng đi riêng cho mình thì cũng sẽ gặp những lời dèm pha, chỉ trích, chê bai từ những phe phái không đồng chí hướng với mình. Chính vì vậy mà Hồ Biểu Chánh xứng đáng được làm gương cho những người thế hệ sinh trưởng ở hải ngoại như tôi phải biết tạo hướng đi riêng cho chính mình, hấp thụ cái hay của người để thăng tiến bản thân chứ không thể sống thụ động, xuôi theo thời thế.
Khi tôi khởi sự nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh thì đã có rất nhiều tài liệu viết về Hồ Biểu Chánh. Trên trang mạng tổng hợp về Hồ Biểu Chánh (www.hobieuchanh.com) tôi đếm được 75 bài viết về con người cũng như văn chương của ông. Không ai có thể phủ nhận công lao và vai trò của Hồ Biểu Chánh trong việc khai phá nền văn chương hiện đại Việt Nam. Ông là một người có biệt tài kể chuyện. Văn phong của ông không bay bướm, chải chuốt, nhưng bình dị như kể chuyện. Đọc truyện của ông dễ bị xúc động vì lòng cao cả, nhân hậu của những nhân vật chính và những bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Những người viết trước đã phân tách con người, sự nghiệp, văn phong, và cả những nhân vật trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Tôi sẽ không lập lại những tư tưởng và nhận xét đó ở đây. Tôi nghĩ đa số quí vị có mặt trong buổi hội thảo ngày hôm nay cũng biết ít nhiều về Hồ Biểu Chánh và đến tham dự buổi hội thảo này để bày tỏ lòng quí mến đó và hồi tưởng lại kỷ niệm với Hồ Biểu Chánh. Tôi chỉ xin chia sẻ cảm nghĩ của cá nhân tôi qua cái nhìn của một thế hệ trẻ lưu dân, sinh ở Việt Nam nhưng trưởng thành ở Mỹ. Những gì tôi cảm phục được hơn Hồ Biểu Chánh và so sánh bối cảnh xã hội của ông 100 năm về trước và môi trường mà tôi đang sinh sống trong hiện tại.
100 năm trước đây, Nam Kỳ Lục Tỉnh là một thuộc địa của Pháp không giống như Bắc Kỳ và Trung Kỳ là hai nơi vẫn còn được giữ một chút tự trị trên lý thuyết dưới quyền bảo hộ của Pháp. Tất cả mọi hành chánh ở trong miền Nam được tổ chức như một tỉnh ở bên Pháp. Mặc dù vậy xã hội miền Nam thời đó vẫn còn mang nặng ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo đã thành nề nếp từ xưa. Nhưng dần dần những người muốn tiến thân đều phải theo học chương trình Pháp. Ông Trần Trinh Trạch, cha của Công Tử Bạc Liêu, kể rằng ngày xưa nhà của ông rất nghèo, năm 12-13 tuổi ông phải đi làm mướn cho một người điền chủ có quốc tịch Pháp, người chủ gửi ông ta đi học ở trường chánh phủ thay thế cho con trai của mình vì họ không thích học tiếng Pháp. Nhờ được học tiếng Pháp mà ông Trạch được làm viên chức của chính phủ thoát khỏi số phận nghèo hèn và sau này được coi như là một trong bốn người giàu nhất ở miền Nam. Trong khi ở ngoài miền Trung và Bắc các sĩ tử mới bắt đầu theo phong trào Duy Tân, “cắt búi tóc tó, vất bút lông cầm bút sắt” thì ở trong Nam, Hồ Biểu Chánh đã theo học từ trường trung học Mỹ Tho cho đến trường Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn và đỗ được bằng thành chung khởi đầu cho sự nghiệp công danh từ ký lục cho đến quận trưởng của ông. Điều này cho thấy Hồ Biểu Chánh có cái nhìn xa, biết nhận thức thời thế để tiến thân. Lúc còn trẻ, ông học chữ Hán để dịch các tiểu thuyết Trung Hoa đang thịnh hành lúc bấy giờ. Nhưng ông đã sớm nhận thấy văn xuôi theo thể tiểu thuyết Tây Phương dễ hấp thụ người đọc và có thể lan rộng trong quần chúng nên ông đã chuyển sang sáng tác theo thể loại này.
Trong tập ký ức đánh máy của ông, Hồ Biểu Chánh có ghi lại những tác phẩm mà ông đã viết ra bởi cảm tác phẩm của Pháp. Trong số này thì tôi xin kể ra ba tác phẩm được ra đời sớm nhất. “Cay Đắng Mùi Đời” năm 1923 cảm tác bởi “Sans Famille” của Hector Malot xuất bản năm 1878, “Chúa Tàu Kim Qui” cùng năm 1923 cảm tác bởi “Le Comte de Monte Cristo” của Alexandre Dumas hoàn tất năm 1844, và “Chút Phận Linh Đinh” năm 1928 cảm tác từ “En Famille” cũng do Hector Malot viết năm 1893. Chỉ riêng cuốn “Sans Famille” thì bản dịch cũ nhất là do Huỳnh Lý dịch với tựa đề “Không Gia Đình” in tại Hà Nội năm 1951 và Hà Mai Anh thắng giải nhất Dịch Thuật 1970 với tác phẩm “Vô Gia Đình”. Điều này cho thấy Hồ Biểu Chánh đã dùng kiến thức Pháp ngữ của mình để đọc các tiểu thuyết Pháp từ văn bản gốc không phải qua truyện dịch vì lúc đó chưa có ai dịch truyện Pháp để xuất bản. Tuy nhiên ông cũng chỉ đọc để lấy cảm hứng và dùng rất nhiều công sức để tìm những cái hay trong tiểu thuyết tây phương và chuyển đạt để cho thích hợp với môi trường và độc giả Việt Nam. Cũng trong tập ký ức của ông, Hồ Biểu Chánh cho biết ông đã dành năm năm để suy nghĩ trong việc dàn dựng truyện “Chúa Tàu Kim Qui” nhưng một khi ông đã khởi sự viết thì chỉ sau ba tháng là viết xong cuốn tiểu thuyết này. Thêm một điều đáng phục là Hồ Biểu Chánh không khởi nghiệp sáng tác của mình bằng tiểu thuyết văn xuôi. Tác phẩm đầu tay của ông là “U Tình Lục” với 1790 câu thơ lục bát xuất bản năm 1913 vẫn còn mang nặng thể loại truyện thơ thời đó giống như Truyện Kiều. Nhưng ông ta đã nhận thấy rằng nền văn hóa cũ mang ảnh hưởng của Trung Hoa không còn thích hợp với thời đại mới và khéo léo chuyển sang sáng tác thể loại tiểu thuyết mới mô phỏng theo tây phương nhưng vẫn giữ hương vị đặc thù miền Nam.
Trong các tác phẩm mô phỏng của Hồ Biểu Chánh tôi xin dùng truyện “Chúa Tàu Kim Qui” để so sánh giữa nguyên bản và tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Tôi chọn tác phẩm này vì nhiều người ở Mỹ biết Alexander Dumas hơn là Hector Marlot. Hồi nhỏ tôi có được đọc “Vô Gia Đình” của Hector Marlot và thích lắm. Qua đến Mỹ chẳng bao giờ nghe ai nhắc đến Hector Marlot nhưng lại có nhiều phim dựa trên truyện của Alexander Dumas. Alexander Dumas là một tác giả rất nổi tiếng và được ưu chuộng vào giữa thế kỷ 19. Ông viết nhiều theo kiểu feuilleton, chia ra thành từng tập nối tiếp nhau đăng ở trên báo. Do đó truyện “Le Comte de Monte Cristo” rất dài, nhiều tình tiết, và có nhiều vòng xoắn cốt truyện (plot twist) để người đọc không chán và háo hức muốn đọc tập tới. Vì để đăng báo dài hạn nó trở nên gần như là nhiều câu truyện gộp lại thành một. Truyện này nếu in khổ nhỏ thì lên đến 1000 trang, khổ giấy lớn thì cũng phải gần 500 trang. Trong khi đó truyện “Chúa Tàu Kim Qui” in trên khổ nhỏ thì chỉ gần 100 trang có nghĩa Hồ Biểu Chánh rút ngắn truyện của mình chỉ bằng 1/10 nguyên bản của Alexander Dumas. Hồ Biểu Chánh cho biết rằng ông đã tốn năm năm để dàn truyện của mình. Nếu Hồ Biểu Chánh chỉ phóng tác dựa trên truyện của Dumas thì chắc truyện của ông sẽ rất dài và nhiều tình tiết giống như nguyên bản. Nhưng Hồ Biểu Chánh đã nghĩ ra được một cốt truyện rất xúc tích, ít nhân vật và địa phương để dễ theo dõi. Truyện của Hồ Biểu Chánh và Alexander Dumas chỉ giống nhau ở chỗ là nhân vật chánh bị vu cáo oan, trốn tù, tìm được kho tàng và trả thù những người đã làm hại mình. Ngoài ra thì hai tác phẩm mang hai sắc thái hoàn toàn khác nhau.
Nhân vật chính trong truyện của Hồ Biểu Chánh là “Chúa Tàu”. Anh ta là một người hiền lành, luôn nghĩ đến chuyện làm việc nghĩa giúp người hơn là báo oán. Việc báo oán cho bố mẹ là một điều anh ta bắt buộc phải làm giống như là bổn phận của người con đối với cha mẹ mình. Trước đó anh đã nghĩ đến chuyện tự tử nhưng khi nghĩ lại nếu mình chết đi thì không ai báo oán cha mẹ dùm cho mình nên phải cố gắng sống để báo oán cho bố mẹ mình. Ngược lại, nhân vật chính của Alexander Dumas là “Bá Tước” đã trừng phạt những kẻ làm hại mình chỉ để trả thù cho chính mình. Kết cuộc, Chúa Tàu đã tha tất cả mà chỉ trừng phạt có một người trong khi đó Bá Tước đã trừng phạt tất cả mà chỉ tha có một người. Ngoài nhân vật chính, những nhân vật phụ ở trong truyện của Hồ Biểu Chánh cũng có tấm lòng nhân đạo, trung tín, và ngay thẳng. Ở trong truyện của Dumas, vị hôn thê của Bá Tước đã lấy kẻ thù của ông làm chồng sau khi ông bị bắt giam. Ngược lại Cô Tư Chuyên tuy mới chỉ là người có hứa hẹn với Chúa Tàu nhưng Cô đã quyết định không lập gia đình, chịu sống trong nghèo khổ để được giữ trọn tình chung thủy với người yêu đang bị tù tội. Đó là những điểm khác biệt những nhận vật Việt và nhân vật Pháp. Thêm nữa Hồ Biểu Chánh dùng những ngôn ngữ đặc thù Nam Bộ mà khi đọc sẽ đem lại một hình ảnh thôn quê Việt Nam khác với cảnh xa hoa, nhộn nhịp trong truyện của Alexander Dumas . Thí dụ khi ông kể cô Thu Thủy “chúm chím cười” là tôi đã hình dung ra một cô gái miền Nam trong bộ áo bà ba, mặt mày dễ thương vui vẻ. Thêm một chi tiết ở trong truyện “Chúa Tàu Kim Qui” mà không có ở trong truyện “Bá Tước” là mọi người rất là mít ướt, đụng một chút là khóc, vui buồn gì cũng khóc, trai gái, già trẻ gì cũng khóc hết. Cô Thu Thủy thấy Chúa Tàu khóc thì cũng khóc theo, con trai của Kỉnh Chi là con nít mà thấy bố mình khóc cũng khóc theo. Có lẽ thời đó người ta coi việc khóc lóc như là một cách bày lộ tình cảm nên không ai cảm thấy ngại ngùng trước cảnh này. Truyện của Alexander Dumas là viết cho người Pháp nên cho dù có dịch ra tiếng Việt vẫn khó hình dung ra được so với truyện của Hồ Biểu Chánh.
Cả hai truyện của Hồ Biểu Chánh và Alexander Dumas đều chia sẻ chung những đề tài như hy vọng, công lý, báo thù, khoan dung và tha thứ. Nhưng Hồ Biểu Chánh qua cách dàn truyện, những nhân vật của ông và luôn cả những lời bình luận mà ông viết ở trong sách, ta nhận thấy những đề tài trên một cách dễ dàng và sự phân biệt giữa thiện và ác. Alexander Dumas kết thúc câu truyện bằng câu “tất cả sự khôn ngoan của con người chỉ tóm tắt trong mấy chữ: hy vọng và đợi chờ”. Trong khi đó Hồ Biểu Chánh kết thúc câu truyện bằng hai câu thơ “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, Chi tranh lai tảo dữ lai trì.” có nghĩa là việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi, rõ ràng có quan niệm khác biệt với triết lý của Alexander Dumas.
Thời của Hồ Biểu Chánh, chế độ thực dân Pháp đã đặt ra một guồng máy chính trị để bảo tồn quyền hành của họ và làm lợi cho chính họ trước tiên. Họ sẽ không làm gì cho người Việt Nam nếu nó không đem lại ích lợi cho họ. Do đó họ sẽ cấm cản mọi tiến bộ có thể làm khó khăn, đe dọa đến quyền hành của họ. Ở trong một xã hội mà mọi nỗ lực phát triển bị kìm chế thì chỉ có nghĩa là theo chính sách “ngu dân”. Người Pháp đã áp dụng chính sách ngu dân để dễ bề cai trị và bóc lột người mình. Hồ Biểu Chánh đã phải sống và làm việc cho Pháp trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, tôi chưa từng thấy ông lên án chính quyền Pháp trực tiếp hay gián tiếp. Ông không đổ lỗi cho ai, cho hoàn cảnh nào mà ông chỉ chủ trương thiện căn ở trong tâm của con người. Mỗi người có trách nhiệm riêng cho hành động của mình. Ở trong tác phẩm văn xuôi đầu tiên của ông “Ai Làm Được” sáng tác năm 1912, nhân vật nữ là Bạch Tuyết muốn làm hại người mẹ ghẻ đã giết mẹ cô để trả thù cho mẹ mình. Tuy nhiên ông ngoại của cô đã khuyên cô không nên trả thù mà còn nói rằng “người quấy để cho trời hại, mình chẳng nên kết oán mà tổn đức.” Điều này cho thấy ông khuyến khích người ta ăn ở hiền lành tích đức không nên gây oán hờn mặc dù người khác có xúc phạm đến mình nhưng hãy để cho đấng tối cao phán xét hành động của họ. Chỉ như vậy thì ngăn chặng lại được phản ứng dây chuyền thù oán gây thêm thù oán mà thôi. Hồ Biểu Chánh tin rằng tiền và lòng ham mê tiền là nguyên nhân chính khiến cho người ta sa ngã và sống trái đạo làm người. Trong tác phẩm “Tiền Bạc, Bạc Tiền” viết năm 1925, vợ chồng Bá Kỳ vì ham mê một chút chức tước, địa vị mà bị khánh tận gia sản đã như vậy mà vợ Bá Kỳ vẫn coi trọng tiền bạc hơn tài năng, đạo đức. Trong cái hoàn cảnh cá nằm trong chậu của người dân Việt Nam lúc bấy giờ, Hồ Biểu Chánh đã chọn con đường đúng, đó là chú trọng thăng tiến bản thân của mình trước, sống theo đạo nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau, không gây oán thù, theo quan niệm “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”.
Đã có nhiều người phân tách lối viết văn tả thực phản ảnh đời sống của người dân miền Nam của Hồ Biểu Chánh nên tôi không cần phải nói nhiều ở đây. Người ta có thể dùng văn chương của Hồ Biểu Chánh như một tài liệu tham khảo ghi lại cách sử dụng những từ xưa của người dân miền Nam. Nhưng đối với những người sống ở Mỹ như tôi thì điều này không mang nhiều ấn tượng lắm. Chỉ có những người đã quen dùng những từ ngữ mà lâu ngày thấy mất thì mới lưu luyến đến nó. Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian để thích hợp với hoàn cảnh mới. Những chữ nào mà lâu ngày người ta không dùng đến có nghĩa là nó không còn được ứng dụng nữa mà đã có những từ mới thay thế nó. Tuy nhiên, khi đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, tôi hay để ý những chi tiết mà ông ta đã tỉ mỉ ghi lại. Nhờ những chi tiết này mà tôi hình dung ra được bối cảnh lịch sử của thời đó. Ngày xưa khi tôi đọc “Kim Bình Mai” của Tiếu Tiếu Sinh, người ta kể mua một đứa con gái hoặc một phụ nữ về làm người hầu chỉ hết có 6 – 7 lạng bạc trong khi đó Tây Môn Khánh bỏ ra cả vạn bạc để lo liệu chức tước cho mình. Điều này cho thấy trong xã hội Trung Hoa thời đó, mạng sống của những người nghèo không đáng là bao. Hồ Biểu Chánh kể trong truyện “Ai Làm Được” một cô con gái ở dưới quê lên Sài Gòn sống, đi mượn bốn đồng mua gạo và lòng heo về nấu cháo mang đi bán dạo, mỗi ngày kiếm được 3 – 5 cắc để sống. Trong khi đó khi Chí Đại khi đi mướn trạng sư để tố cáo mẹ vợ đã mưu toan giết vợ mình thì luật sư đòi 600 đồng để kiện dùm. Như vậy, cô bán cháo lòng đi làm trong vòng 4 năm chưa bằng tiền công của luật sư trong một vụ thưa kiện. Điều này cho thấy sự chênh lệnh quá lớn ở trong xã hội và người dân nghèo luôn bị bị yếu thế vì không có tiền bạc để bảo vệ mình. Ngày hôm nay đọc văn chương của Hồ Biểu Chánh vẫn còn thấy mới mẻ vì những gì ông viết 100 năm về trước vẫn còn hiện diện ở trong xã hội thời đại này. Ở trong xã hội Mỹ cũng vẫn có những sự chênh lệch trong lợi tức, quyền lợi cá nhân. Vẫn có những người quá giàu và có những người quá nghèo không khác gì xã hội Việt Nam thời Pháp.
Hiện tại thế hệ chúng tôi được sống trong một xã hội tự do, văn minh không như thời của Hồ Biểu Chánh phải sống trong sự đô hộ của thực dân Pháp. Chúng tôi được tự do ngôn luận, phát huy khả năng của mình. Nhưng chúng tôi cũng phải sống trong một hoàn cảnh đất trời thay đổi như Hồ Biểu Chánh. Ông phải đối đầu với làn sóng văn hóa Tây Phương mà người Pháp muốn truyền vào thuộc địa của mình để xóa đi nền văn hóa bản xứ và đóng dấu sự hiện diện của họ trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi phải sống trong một xã hội mới và chấp nhận một nền văn hóa mới để hòa nhập với xã hội của mình. Hồ Biểu Chánh đã học tiếng Pháp, đọc các tác phẩm Pháp và sáng tác theo thể loại của tiểu thuyết Pháp. Những người thuộc thế hệ tôi cũng phải học tiếng Anh, đọc các tác phẩm bằng tiếng Anh, và sáng tác theo phong cách của người Mỹ. Tôi thấy đa số các nhà văn người Mỹ gốc Việt hay viết về đề tài chiến tranh Việt Nam. Có lẽ điều này dễ hiểu vì đa số các độc giả Mỹ chỉ thích đọc những gì liên quan đến chiến tranh Việt Nam vì cuộc chiến này là sợi dây định mệnh ràng buộc họ với nhóm người di dân này. Nếu không viết về chiến tranh Việt Nam thì họ không đọc. Kể cả một nhà văn trẻ Mỹ gốc Việt đang được độc giả Mỹ ưu chuộng là anh Ocean Vương (Vương Quốc Vinh). Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh là “On Earth We’re Briefly Gorgeous” (Trên trái đất, chúng ta chỉ đẹp trong giây lát) xuất bản tháng 6 năm 2019 anh ta cũng đem cuộc chiến tranh Việt Nam vào trong truyện mặc dù anh ta sinh ra 13 năm sau cuộc chiến.
Ở Mỹ, những người Mỹ gốc Việt cũng bỡ ngỡ khi phải giao tiếp với hai nguồn văn hóa Mỹ Việt giống như cha ông ngày xưa của mình bỡ ngỡ khi phải giao tiếp với văn hóa Pháp từ văn chương Hán Nôm cổ, ảnh hưởng của Trung Hoa nên Hồ Biểu Chánh dùng truyện phóng tác giống như một nhịp cầu cho người mình đỡ bỡ ngỡ. Như vậy bây giờ mình cũng có thể dùng văn chương Mỹ giống như một nhịp cầu để tạo nên một văn hóa mang sắc thái Việt Nam ở Mỹ dù rằng bước ban đầu vẫn còn phải dựa dẫm ở văn chương Mỹ cho thế hệ sau này đỡ bỡ ngỡ giống như thời của Hồ Biểu Chánh. Ocean Vương có bằng thạc sĩ học thuật (Master of Fine Arts) có nghĩa anh đã được huấn luyện về văn chương Mỹ. Ocean Vuong viết bằng tiếng Anh, nhưng câu truyện của anh vẫn mang nặng âm giai Việt Nam cũng giống như Hồ Biểu Chánh dùng cốt truyện Pháp nhưng hoàn toàn mang tính chất Việt Nam. Anh Vinh là một trong những tác giả Mỹ gốc Việt đầu tiên viết về công việc đã được xã hội Mỹ rập khuôn là kỹ nghệ của người Việt Nam đó là nghề đi làm nail. Mẹ của nhân vật chính là một người đàn bà bị ám ảnh bởi cuộc chiến ở Việt Nam. Bà đi làm nail để nuôi con. Đứa con trai duy nhất của bà có một mối sự quan hệ đồng tính luyến ái với một thanh niên Mỹ trắng mà nó sợ không muốn cho mẹ mình biết. Trong truyện, Ocean Vương ghi lại những quan hệ, nhưng mẫu đối thoại giữa hai mẹ con, cuộc sống đi làm nail của bà. Đọc cách nói chuyện của bà là biết ngay đây là người di dân Việt Nam. Đó là cái hay của anh Vinh đã ghi nhận được cái ngôn ngữ ba rọi đặc thù này của người Việt Nam ở Mỹ. Chính người Mỹ cũng cảm mến lối văn tả thực của Ocean Vương vì anh vẽ cho họ thấy được hình ảnh của những người tị nạn, di dân Việt Nam cũng có đầy đủ những nhân tính giống như họ. Biết đâu thêm ba bốn đời nữa, hậu duệ của tôi khi đọc cuốn tiểu thuyết này sẽ hình dung ra được cuộc sống của thế hệ đầu tiên của người di dân Việt Nam cũng giống như tôi hình dung ra sinh hoạt của người miền Nam ngày xưa khi đọc truyện Hồ Biểu Chánh.
“Rồi đến một ngày nào đó, qua ba đời, bốn đời, đám con cháu này sẽ quên mất tiếng nói, phong tục tổ tiên. Qua năm đời, sáu đời, kể cả những đường nét Đại Việt trên gương mặt chúng sẽ bị hòa lẫn cùng người Cao Ly…“ – Bạch Mã tướng quân – Thất Hoàng tử Lý Long Tường.
Nhưng với mức độ di dân từ Việt Nam đến Mỹ qua việc bảo lãnh gia đình, các du học sinh lập gia đình và ở lại, người Việt Nam tại hải ngoại sẽ không phải chịu cảnh mất gốc như các tông thất nhà Lý khi qua lánh nạn tại Cao Ly. Người Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục duy trì truyền thống Việt do những người di dân mới đem theo. Người ta sẽ vẫn tổ chức hội chợ Tết Nguyên Đán, vẫn sẽ có những tiết mục múa lân, đốt pháo, lì xì. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là những người Mỹ gốc Việt nào cũng giống như nhau, cũng cùng một trình độ văn hóa Việt Nam. Trong cộng đồng này sẽ có những thành phần khác nhau. Sẽ có những thế hệ đã sống và sinh trưởng ở Mỹ lâu năm nên không còn tha thiết đến văn hóa Việt Nam khác với những người mới định cư còn mang nặng tâm hồn Việt. Sẽ có những cuộc hôn nhân giữa người cũ và người mới mang lại một sự hỗn hợp giữa hai văn hóa. Quan niệm và thói quen của người ở Mỹ lâu đời nó sẽ khác với người mới qua từ Việt Nam. Điều gì có thể làm cho những thành phần khác biệt này liên kết với nhau để giữ một nét văn hóa Việt Nam chung? Hồ Biểu Chánh là người quảng bá những giá trị gia đình, luân lý của xã hội Việt Nam cổ truyền. Có lẽ trước làn sóng văn hóa Tây Phương, ông vẫn chủ trương triết lý sống theo đạo nghĩa, khuyên nhủ người ta sống không đua đòi, không coi trọng tiền bạc trên tất cả để đối phó với chủ nghĩa tự do cá nhân và tiêu thụ của thời đại mới. Trong xã hội Mỹ ngày này, người ta cũng than phiền về những tác hại của chủ nghĩa tự do cá nhân và tiêu thụ. Người ta không còn biết đến ai khác ngoại trừ chính mình. Chúng ta có thể đem những giá trị gia đình, cái đạo làm người của Hồ Biểu Chánh vào trong văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Một đạo lý có thể được áp dụng không kể người sống ở Mỹ lâu hay mới ở Việt sang để làm giảm bớt ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân và tiêu thụ hiện tại. Người Việt Nam ở hải ngoại có thể hấp thụ những văn hóa khác biệt của văn minh thời đại nhưng chúng ta vẫn còn có thể nhận diện nhau qua một triết lý sống và đạo làm người đặc thù của người Việt Nam đã có từ khi lập quốc và nền tảng của văn hóa Việt Nam.
Ở Mỹ hai cháu nội của Hồ Biểu Chánh đã xuất bản một cuốn sách với tựa đề “The Nobility of Our Hearts: From Bến Súc to Sài Gòn to Austin” vào đầu năm 2019 và do ông Lâm Văn Bé viết lời tựa. Việc hậu duệ của Hồ Biểu Chánh viết truyện bằng tiếng Anh và ông Lâm Văn Bé viết lời giới thiệu cũng bằng tiếng Anh thì quả thật thời thế đã thay đổi. Tên của cuốn sách có thể dịch là “sự cao thượng của trái tim” và phát xuất từ lời dặn dò của Ông Ba với con gái mình là Bà Cẩm Hồng, nhân vật chính của câu chuyện. “Chúng ta không thuộc dòng dõi quý tộc, không phải là những người quan lại, mà chỉ là thường dân. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể trở thành quý phái với tấm lòng cao thượng khi chúng ta sống với những đức tính hiền lành, ích lợi cho người khác, ngay thẳng, kiêm nhường, công bằng và bác ái.” Tuy ý chính của tác giả muốn kể câu chuyện về cuộc đời của mẹ mình là Bà Cẩm Hồng, nhưng họ đã dành một sự kính trọng và ngưỡng mộ đặc biệt khi kể về cuộc đời và triết lý sống của người cha, ông Hồ Văn Kỳ Trân, và Hồ Biểu Chánh là ông nội của họ. Triết lý sống của Hồ Biểu Chánh được thể hiện nơi người con trai cả là ông Hồ Văn Kỳ Trân. Ông Kỳ Trân đã giáo dục con cái trong tinh thần này. Những người con của ông hãnh diện khi kể lại câu truyện của gia đình họ trải qua hơn một nữa thế kỷ bắt đầu từ Bến Súc trong thời Pháp thuộc cho đến khi tị nạn tại Mỹ và định cư ở thành phố Austin. Qua bao thăng trầm của thời đại, gia đình của họ đã chủ trương sống với tinh thần hiền lành, ngay thẳng, khiêm nhường, công bằng, bác ái mà họ đã thụ nhận được từ cha ông họ. Họ đã đem cái đạo làm người này theo với họ bất cứ nơi nào họ sinh sống, từ Việt Nam cho đến Mỹ để có được “sự cao thượng của trái tim”.
Bây giờ người ta có thể đọc truyện Hồ Biểu Chánh và chê rằng cốt truyện đơn giản, tác giả quảng bá luân lý một cách trực tiếp ở trong chuyện, nhân vật không sâu sắc, tốt xấu phân chia rõ rệt giống như các thể loại văn nghệ bình dân. Tuy nhiên Hồ Biểu Chánh là một người tiên phong trong văn chương hiện đại Việt Nam. Những người viết sau này có những đàn anh đã đi trước họ để mở đường. Họ có các nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Sáng Tạo để làm thước đo, làm chuẩn. Nhưng Hồ Biểu Chánh không có ai để làm mẫu, để hợp tác. Chung quanh ông, người ta vẫn dịch tiểu thuyết Trung Hoa để tiêu thụ song song với những tác phẩm văn vần, truyện Nôm khuyết danh. Ông là một trong những người đầu tiên khai phá ra khỏi nền văn chương cũ đó, nhảy từ thơ Lục Vân Tiên sang tiểu thuyết văn xuôi theo Tây phương. Tiểu thuyết của ông đã gây một ấn tượng lớn trong những độc giả thời bấy giờ. Xin xem một đoạn văn kể lại phản ứng của một độc giả lớn tuổi khi nghe truyện của ông:
Mỗi tối, tôi đọc cho bà nghe 5 trang được nửa cái bánh giò, 10 trang được nguyên một cái. Thỉnh thoảng bà gắt om lên, làm như tôi là tác giả “tại sao lão Lưu Bị hơi một tị là khóc mếu, lão Tào Tháo thế mà hay, không gian thế thì làm sao lấy thiên hạ, thế ông Tôn Tẫn trốn đâu?” Chỉ có “Ngọn cỏ gió đùa”, “Vì đâu nên nỗi” của ông Hồ Biểu Chánh là bà lặng im, thút tha thút thít. Bà hiếm khi khóc mếu. (Trích từ Ba Sinh Hương Lửa của Trần Thị Vĩnh Tường).
Tuy ông có công mở đầu nền văn chương hiện đại nhưng tên tuổi của ông sau một thời gian bị lu mờ trước những hoạt động sôi nổi của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Nhóm này đã gây ra nhiều tiếng vang, tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ trong phong trào canh tân, phá bỏ những tập tục, tư tưởng phong kiến, cổ hủ nên đạt được nhiều sự hưởng ứng trong xã hội. Trong khi Tự Lực Văn Đoàn và những nhóm văn sĩ sau này tiếp tục khai phá, phát triển nền văn học Việt Nam thì Hồ Biểu Chánh vẫn không thay đổi hướng đi của mình. Đọc truyện đầu tiên của ông là “Ai Làm Được” và truyện cuối cùng là “Vợ Già Chồng Trẻ” in năm 1957 tức là một khoảng cách 45 năm ta vẫn không thấy có một sự thay đổi nhiều trong lối viết văn của ông. Có lẽ Hồ Biểu Chánh quan niệm rằng “văn dĩ tải đạo” nên ông viết văn để quảng bá triết lý sống và ông tin rằng thể loại văn chương bình dân của ông sẽ dễ được đón nhận bởi những độc giả của ông. Vì ông không chịu thay đổi nên người ta đã bỏ rơi ông để theo đuổi trào lưu mới. Những tư tưởng của ông cũng bị cho là không còn hợp thời. Người ta không còn tin rằng “ở hiền gặp lành” nữa mà là “khôn sống, dại chết”. Cho đến gần đây tên tuổi của ông mới được nhắc lại trong chương trình giáo khoa và qua những bộ phim dựa vào tiểu thuyết của ông. Điều này cho thấy rằng những câu truyện của ông vẫn có thể dựng trong bối cảnh hiện tại vì trong xã hội hiện đại vẫn có những sự chênh lệch, tranh dành quyền lợi, con người ta làm hại lẫn nhau giống như ở trong xã hội của Hồ Biểu Chánh. Biết đâu những triết lý về đạo làm người của Hồ Biểu Chánh nếu đem ra thực hành ngày hôm nay cũng sẽ đem lại hạnh phúc cho con người giống như ở trong tiểu thuyết của ông.
Lần đầu tiên tôi về thăm Việt Nam là năm 1999 sau 19 năm xa quê hương. Lần chót tôi về là tháng 7 năm 2019 cũng sau 19 năm xa cách. Lần này tôi về ở nhà của một người cô nằm trong một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn. Sáng sớm tôi bị đánh thức dậy bởi tiếng xe máy từ ngoài đường dội vào, tiếng xe máy ồn ào ở trong hẻm, tiếng rao hàng lanh lảnh của gã bán bánh mì dạo, của bà xôi gấc xôi vò, rồi tiếng truyền hình phần tin tức của một nhà nào ở gần đó mở thật lớn như thể cho cả xóm nghe. Tôi đi du lịch một tuần về đến đầu ngõ đã nghe mấy người đang ngồi ăn hàng trước hẻm nói với nhau “Việt kiều đi chơi về rồi”. Tôi có cảm tưởng mọi người ở trong hẻm đó sống với nhau như là một gia đình lớn, họ biết hết chuyện của nhau, cũng có những sự cạnh tranh, ghen ghét, hiềm tị nhau vì những chuyện nhỏ mọn, nhưng đồng thời họ cũng chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau giống như trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Sự thành công của những bộ phim dựa trên tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như “Nợ Đời”, “Con Nhà Nghèo”, “Ngọn Cỏ Gió Đùa”, “Chúa Tàu Kim Quy”, “Cay Đắng Mùi Đời” cho thấy tuy rằng văn chương của ông không còn hợp thời nhưng những tình cảnh, diễn biến, tình cảm con người mà ông đã tạo dựng ra mấy chục năm về trước trong các tác phẩm của ông, nó vẫn còn trung thực với xã hội Việt Nam hiện tại, nó vẫn còn làm rung cảm tâm hồn khán giả qua phim ảnh. Trải qua bao thời đại, cho dù người ta không còn tin tưởng hoàn toàn vào việc “ở hiền gặp lành” nhưng cái triết lý sống theo đạo nghĩa của Hồ Biểu Chánh vẫn còn tiềm ẩn trong con người Việt Nam mặc dù họ đang phải sống trong một xã hội vẫn còn nhiều bất công, khó khăn và cám dỗ xui khiến người ta quay mặt lại với đạo lý. Hy vọng khi quảng bá về con người Hồ Biểu Chánh và các tác phẩm của ông, chúng ta sẽ khơi dậy lại những bản tính tốt của con người thể hiện qua tình hàng xóm, tình thương yêu trong gia đình, sống hạnh phúc trong khả năng của mình mà không làm hại đến ai.
Tôi nghĩ tôi là một thành phần thiểu số được đọc Hồ Biểu Chánh từ hồi còn trẻ. Đa số những người bạn cùng lứa với tôi và luôn kể những người bạn trẻ mới từ Việt Nam qua cũng chưa bao giờ nghe đến Hồ Biểu Chánh. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì Hồ Biểu Chánh là một trong những tác giả đầu tiên của nền văn học hiện đại nhưng vì dòng thời gian thay đổi cập nhật nên các tác phẩm của ông đã nhường chỗ cho những tác phẩm mới sau này cho đến một thời gian gần đây mới được quan tâm đến. Đối với những người bạn trẻ của tôi, chúng ta nên chú trọng vào con người Hồ Biểu Chánh hay tác phẩm của Hồ Biểu Chánh? Đối với thế hệ Việt Mỹ như chúng tôi, tôi nghĩ nên chọn phổ biến con người Hồ Biểu Chánh. Trong thời đại mà người biết đọc tiếng Việt thì sẽ đọc những truyện tiếng Việt đăng ở trên mạng toàn cầu. Những người biết đọc tiếng Anh thì sẽ đọc những bestsellers của Mỹ, những tác phẩm trong chương trình giáo khoa. Tất cả đều hấp dẫn hơn giọng văn miệt vườn của Hồ Biểu Chánh nên khó mà có người kiên nhẫn tìm đọc. Tuy nhiên thế hệ thứ hai ở Mỹ cũng cần có những thần tượng để làm gương cho họ. Nếu không có những thần tượng người Việt Nam thì họ sẽ dùng những thần tượng ngoại quốc để bù vào chỗ trống. Người Việt Nam mình có tinh thần biết ơn nên những người có công chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập cho đất nước như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đều được tôn thờ và tưởng nhớ đến bây giờ như những anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, giới trẻ Việt Nam cần những người có những đức tính thực tiễn, được xã hội Mỹ quí trọng như tinh thần đạo đức, lãnh đạo, tự tin, can đảm, khiêm nhường, kính trọng, siêng năng, và sáng tạo như vậy thì mới có thể hòa hợp với hai văn hóa. Hồ Biểu Chánh tuy sinh trưởng cách đây 100 năm nhưng ông vẫn có những đức tính này vì vậy chúng ta vẫn có thể thuyết phục những người trẻ tự hào về ông tuy rằng họ không đọc các tác phẩm của ông vì ông dám học hỏi từ văn chương Pháp, nhưng lại phát minh ra một lối viết mới cho văn học Việt Nam. Ở Mỹ ai cũng mơ rằng mình phát minh ra một sáng kiến mới để làm giàu nhanh chóng nên việc làm của Hồ Biểu Chánh phản ảnh tinh thần sáng tạo của thế hệ này. Hiện tại giới trẻ ở Mỹ cũng như Việt Nam dễ bị lôi cuốn bởi những người có ảnh hưởng trong truyền thông xã hội. Như vậy nếu chúng ta chọn số nhân vật có những đức tính mà người trẻ bây giờ có thể cảm thông và cảm phục được, có những thành tích làm cho họ tự hào và dùng những người có ảnh hưởng, các truyền thông xã hội để quảng bá và lôi cuốn thì có lẽ sẽ có nhiều hiệu quả hơn trong việc đem văn hóa Việt Nam đến cho giới trẻ ở Mỹ.
Houston ngày 26 tháng 2 năm 2020
- Văn dĩ tải đạo và Nguyễn Văn Sâm Nguyễn Tuấn Huy Tạp luận
- Hồ Biểu Chánh và thế hệ Việt – Mỹ Nguyễn Tuấn Huy Nhận định
• Hồ Biểu Chánh và thế hệ Việt – Mỹ (Nguyễn Tuấn Huy)
• U Tình Lục, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh thí nghiệm về đất trời Phương Nam (Nguyễn Văn Sâm)
Tiểu thuyết miền Nam: Hồ Biểu Chánh (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Biểu Chánh (1885-1958) (Thụy Khuê)
U Tình Lục, đứa con đầu lòng của Hồ Biểu Chánh (Ngự Thuyết)
Hồ Biểu Chánh: Tiểu thuyết gia tiền phong (Nguyễn Thanh)
Bài viết về Hồ Biểu Chánh (Nhiều tác giả)
Tiểu sử (wiki)
Tác phẩm trên mạng:
- sachhayonline - vietmessenger
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |