1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhà giáo Hà Mai Anh & tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng (Vương Trùng Dương) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      22-6-2020 | VĂN HỌC

      Nhà giáo Hà Mai Anh & tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng

        VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG
      Share File.php Share File
          

       

      Nhân ngày Father’s Day, tặng quý vị để biết ơn bậc sinh thành và
      tưởng nhớ đến bậc sinh thành quá vãng.


          Nhà giáo Hà Mai Anh
      (1905 – 20.8.1975)

      Lời Ngỏ: Bài viết về Nhà Giáo Hà Mai Anh & Tác Phẩm Tâm Hồn Cao Thượng trong mục “Tiếng Việt Mến Yêu” năm 2004, có trích vài bài tiêu biểu để con em đang theo học tiếng Việt ở các Trung Tâm, Trường Việt Ngữ học hỏi thêm…


      Trong đêm hội ngộ kỷ niệm 50 năm Ngày Ra Trường của Khóa Nguyễn Trãi I, Trường Đại Học CTCT vào cuối tháng 5, 2019. Tôi gặp anh Hà Mai Khuê (Thiếu Tá Thiết Giáp, bạn học với Nguyễn Lương Tâm thời trung học ở Đà Lạt và cũng là bạn cùng khóa NT I của chúng tôi). Anh Khuê nhắc lại bài viết của tôi cách nay 15 năm khi được tin nhà giáo Hà Mai Anh (bác của anh Hà Mai Khuê) qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1975 tại San Bernadino, Hoa Kỳ.


      Nhà giáo Hà Mai Anh, thân phụ của Đại Tá Kỵ Binh Hà Mai Việt (1933), tác giả Thép & Máu, Việt Nam Cội Nguồn Cuộc Chiến, Việt Nam & Hoa Kỳ Trong Chiến Tranh Lạnh… GS Hà Mai Phương (1939-2009) với nhiều tác phẩm biên khảo rất giá trị.


      Nhà giáo Hà Mai Anh là vị thầy đáng kính trong những thập niên trước năm 1975, những tác phẩm của nhà giáo hầu hết chọn lọc nội dung hướng thượng Chân, Thiện, Mỹ như những lời dạy bảo của bậc sinh thành hướng dẫn con cái mang tâm hồn nhân bản.


      Trong thời gian qua, nhiều bài viết nói về nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa với châm ngôn: Đức Dục, Trí Dục, Thể Dục. Nền giáo dục đó từ bậc tiểu học đã dạy dỗ, hướng dẫn trẻ thơ học hỏi hầu khi lớn lên làm con người lương thiện, tâm hồn trong sáng để phục vụ cho đất nước.


      Năm 1938 cuốn Công Dân Giáo Dục của nhà giáo Hà Mai Anh đã được xuất bản tại Nam Định được chấp thuận dùng làm sách giáo khoa. Quyển Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch của nhà giáo Hà Mai Anh đoạt Giải Thưởng Văn Chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội năm 1943, cuốn sách nầy được xem như cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư của thế kỷ 20 và trở thành “kim chỉ nam” cho thế hệ thiếu niên trong nhiều thập niên. Sách được tái bản nhiều lần.


      Bậc sinh thành lúc nào cũng quan tâm dạy dỗ con cái với tình thương cao cả. Người cha thường nghiêm khắc, người mẹ nhẹ nhàng, trìu mến… Hình ảnh đó trong tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng thể hiện trong đời sống xưa nay.


      Sau năm 1975, Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh được tái bản rất nhiều lần tại Việt Nam, nhưng chưa lần nào thực hiện đúng trong nguyên tác, các nhà xuất bản thiếu tôn trọng tác quyền! Lời NXB Thanh Niên ghi: “Chúng tôi cũng có thay đổi, sửa chữa một vài chi tiết của bản dịch nầy cho phù hợp với tình hình hiện nay…”. Thật khó hiểu “tình hình hiện nay” qua tác phẩm văn học, giáo dục như thế nào mà tự ý làm giảm giá trị nguyên bản được trích giảng ở nhà trường qua nhiều thập niên.


      Bản dịch khác là Những Tấm Lòng Cao Cả do Hoàng Thiếu Sơn dịch, nhưng lối hành văn không hay như Tâm Hồn Cao Thương (VTrD)

      *


      Vào đầu thế kỷ XVIII, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dịch thi phẩm Chinh Phụ Ngâm của danh sĩ Đặng Trần Côn đã lưu lại trong văn đàn Việt Nam áng thơ tuyệt tác. Thi phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn viết bằng Hán văn, vào niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Trung Hưng, năm 1741, gồm 483 câu, theo thể thơ cổ phong trường đoản cú, câu dài đến 13 chữ, câu ngắn có 3 chữ. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã chuyển dịch sang quốc âm, thể thơ song thất lục bát, dài 412 câu (theo bản của Văn Bình Tôn Thất Lương, năm 1950, sách Giáo Khoa Tân Việt) được giảng dạy ở học đường. Qua bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, Đặng Tân Côn đưa cho danh sĩ Ngô Thời Sĩ xem và ông ta ngỏ lời thán phục: “Văn chương tới mức nầy thì Lão Ngô tôi chỉ còn biết bái phục mà thôi”.


      Nhờ bản dịch bằng quốc âm của Đoàn Thị Điểm, tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn mới được lưu truyền và áng thơ Chinh Phụ Ngâm gắn liền với tên tuổi nhà thơ Đoàn Thị Điểm.


      Vì vậy có những tác phẩm mà bản dịch lột tả văn phong lẫn nội dung, thể hiện tinh hoa của nguyên tác cũng được nổi danh và lưu truyền qua nhiều thập niên; điển hình như tác phẩm của Edmondo De Amicis qua bản dịch của Hà Mai Anh.


      Nhà giáo Hà Mai Anh (1905-1975), bút hiệu Mai Tuyết và Như Sơn, tác giả của nhiều sách giáo khoa và dịch giả nhiều cuốn sách phổ biến trong thập niên 50, 60 và giữa thập niên 70 ở Sài Gòn.


      Năm 1954 cụ di cư vào Nam làm hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quý Cáp ở góc đường Trần Quý Cáp và Pasteur, Sài Gòn (nay là trường Trần Quốc Thảo) rồi chuyển sang làm việc trong Ban Tu Thư và Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa.


      Nhà giáo Hà Mai Anh được trao tặng Giáo Dục Bội Tinh VNCH, Giải Nhất Giải Dịch Thuật Pháp Văn của Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa năm 1970. Cụ đã dịch những danh phẩm hầu như chúng ta đều biết: Vô Gia Đình (Sans Famille của Hector Malot), Trong Gia Đình (En Famille của Hecotr Malot), Về Với Gia Đình (Romain Kalbris của Hector Malot), 80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới (La Tour du Monde en Quartre-vingt Jours của Jules Verne), Guy-Li-Ve Du Ký (Gulliver’s Travels của J. Swiff), Em Bé Bơ Vơ (Charles Dickens), Chuyện Trẻ Em (Contes de Perrault của Charles Perraul), Thuyền Trưởng 15 Tuổi (Un Capitaine de 15 Ans của Jules Verne)… Hầu hết các tác phẩm chọn dịch đều có nội dung trong sáng, hướng thượng để học hỏi.


      Bản dịch trong Việt Nam Thư Quán

      Tác phẩm Cuore của nhà văn Ý Edmondo De Amicis (1846-1908) ấn hành năm 1886, được nhà văn A. Pazzi chuyển sang Pháp ngữ Les Grand Coeurs và nhà giáo Hà Mai Anh dựa vào bản Pháp ngữ nầy dịch Tâm Hồn Cao Thượng.


      (Nhân đây, đề cập bài viết “Vũ Hạnh, Chim Cút & Hoạt Đầu Văn Nghệ” của tôi trên tờ Saigon Times năm 1993. Tên tuổi nhà văn A. Pazzi được mọi người ái mộ qua bản dịch Les Grand Coeurs nên Vũ Hạnh láu cá mạo danh cho rằng nguyên tác tiếng Ý là “Per Comporedere Vietnam Il Vietnamila”, tác giả A. Pazzi. Tác phẩm Người Việt Cao Quý do Hồng Cúc dịch từ tác phẩm của A. Pazzi, nhà xuất bản Cảo Thơm 1965. Lời nói đầu ghi: “… chúng tôi đã có sửa chữa cho bản dịch này được đầy đủ hơn, và lần này đem in thành tác phẩm với cái đầu đề Người Việt Cao Quý là những tiếng được trích dịch từ trong nguyên tác, có lẽ phản ảnh trung thực hơn hết chủ đích của chính tác giả…” (Sài Gòn, 15 tháng 6 năm 1965 – Hồng Cúc)


      Tôi viết chim cút vì Vũ Hạnh cùng với đám mánh mung, lừa vụ chim cút đã một thời gây xôn xao trong làng báo Sài Gòn.


      Sau năm 1975, với tác phẩm Người Việt Cao Quý, Vũ Hạnh (bút hiệu Hồng Cúc) vênh váo: “Tôi phải phịa ra tên tác giả là một người ngoại quốc, một người Ý để người ta khó truy tìm tông tích thật hư… Thế thôi! Khi quyển sách tung ra, bán rất chạy. Với mấy chữ “không ai biết là mình bị lừa cả”, tư cách của nhà giáo, nhà văn hoạt động nằm vùng thật đểu, lố bịch.


      Bài viết Vũ Hạnh, chim cút hoạt đầu văn nghệ khá dài, sau nầy đã phổ biến trên các website, trong đó trang web của Hưng Việt.


      Tác giả Edmondo De Amicis viết về tác phẩm cho trẻ thơ, viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini (là An Di trong bản dịch của Hà Mai Anh), cậu học trò 11 tuổi, học tiểu học. Câu chuyện dẫn dắt từ Ngày Khai Trường tại thành Torino, thành phố ở Tây Bắc nước Ý, vào thứ Hai ngày 17 tháng Mười đến Trang Cuối Cùng Của Mẹ Tôi vào thứ Bảy, ngày 1 tháng Bảy. Tác phẩm tuy mỏng, gồm 60 “tiểu mục” ngắn từ (1 Ngày Khai Trường) “Hôm nay tôi đi học…” đến (60 Trang Cuối Cùng Của Mẹ Tôi) với dòng kết “Mẹ tôi tin rằng hình ảnh trường cũ sẽ in vào ký ức của con cho đến lúc tàn hơi thở cuối cùng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng của nhà cũ kỹ mà ở đó mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con – Mẹ con”.


      Từng mẩu chuyện ngắn ghi lại trong lớp học vui, buồn… tinh nghịch, an ủi, chia sẻ cho nhau, hình ảnh đó trong tuổi học trò đã từng trải qua.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      Tâm hồn trẻ thơ như trang giấy trắng, khi cha mẹ, thầy cô tô điểm những bông hoa tươi đẹp sẽ ảnh hưởng vô cùng. Và, trong tác phẩm nầy đã nói lên điều đó. Từ những ghi nhận của cậu bé, lời nhắn nhủ của cha mẹ được diễn đạt qua dòng nhật ký trong suốt niên học được kết thúc lúc chia tay.


      (Thuở còn cắp sách đi học, chị Sáu tôi cho quyển sách nầy, tôi chưa cảm nhận được nhưng khi về già sống ở hải ngoại cảm thấy tuyệt vời ở trong lòng con người mất nơi chôn rau cắt rốn!).


      Tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng được nhà giáo Hà Mai Anh chuyển ngữ với lời văn trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị, khi đọc cảm tưởng như những lời tâm tình của cậu bé học lớp Ba với bậc sinh thành, với thầy cô và cả bạn bè. Lời thầy cô, cha mẹ nhắn nhủ, khuyên bảo từ những cử chỉ, hành động nhỏ nhặt trong nhà, trong lớp… đến ý thức và trách nhiệm người con của đất nước. Có thể nói Tâm Hồn Cao Thượng là “sách gối đầu giường” cho tuổi trẻ để hiểu biết những điều cao quý.


      Trong bài viết Một Thuở Học Trò, GS Nguyễn Xuân Vinh ghi nhận:

      “… Những câu chuyện ở học đường, và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An-Di, những mẩu chuyện vui hay buồn đã xảy ra trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại trong sách bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thắm đặm tình người…. đặc biệt là cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, tả cuộc đời của cậu bé An-Di trong một năm học ở lớp Ba, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha…


      … Từ ngày lên học trường trung học ở Hà Nội, và sau này ở bậc đại học, theo học ở Pháp hay ở Mỹ, tôi phải tự mình mua lấy sách vở giấy bút, nhưng bao giờ vào những dịp khai trường, vào thăm những hiệu sách và đi quanh quẩn ở giữa những chồng sách vở, thơm mùi giấy mới, tôi lại nhớ đến thời thơ ấu, nhớ những kỷ niệm xa xưa, cho đến năm học lớp Ba, bao giờ mẹ tôi cũng đưa tôi đến tận lớp vào ngày tựu trường…


      Cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi đọc là cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh. Đó là những cuốn sách Pháp và Việt tôi đọc đầu tiên, và là những cuốn sách hay đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi, để sau này dù có tạo ra được một văn phong riêng cho mình, tôi vẫn chỉ có thể viết được những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng giống như trong những cuốn sách đầu đời tôi đã đọc mà thôi…”.

      Hình ảnh vị thầy qua bài ký của Lưu An viết từ Thụy Sĩ, thể hiện sự trong sáng, cao quý của nhà giáo đã tận tâm đem cả tấm lòng của mình dạy dỗ học trò:

      “… Nếu kể cả vị thầy giáo già cả nghèo khổ đầu tiên của đời tôi tại một ngôi nhà tồi tàn trong một xó xỉnh nào đó của thành phố Hà Nội. Người thầy đã dậy tôi đọc và viết vần ABC trong hai tháng ngắn ngủi trước ngày tôi di cư vào Nam năm 1954, khi đó tôi đã 8 tuổi! Thì thầy Hà Mai Anh là vị thầy giáo thứ tư của đời tôi, thầy đã dậy tôi năm lớp Nhì tiểu học, khi tôi 12 tuổi.


      Sau khi vào Nam, việc học của tôi lại bị gián đoạn khoảng hơn một năm. Vì bố mẹ và anh em chúng tôi cùng với ông nội tôi phải theo gia đình chủ nhân ông đi lên Đà Lạt làm rẫy, lập trang trại. Những sự giúp đỡ, cứu trợ của các cơ quan từ thiện và chính phủ cho người di cư, đã được chủ nhân khéo léo nuốt trọn. Mãi đến năm 1955, khi sự tham nhũng, lường đảo tiền cứu trợ của người di cư bị khám phá, chủ nhân ông thất thế. Gia đình tôi mới trở về Sài Gòn, hòa nhập với đời sống bình thường của những người nghèo khổ trong xã hội.


      Lúc di chuyển về Sài Gòn, vì thấy tuổi tôi đã lớn, ba tôi đã xin ngang cho tôi vào lớp Tư trường Tiểu Học Chí Hòa. Nhờ đó tôi đã có một may mắn đầu tiên trong đời, năm 1967 khi lên lớp Nhì, lớp của thầy Hà Mai Anh. Vị thầy kính yêu và cũng là vị thầy đã ảnh hưởng rất nhiều đến bản chất, hướng đi suốt cuộc đời tôi. Có lẽ đến nay, ở cái tuổi xế chiều, khi mà những ước muốn đã được coi là ảo vọng, dang dở, muộn màng. Khi mà sự nồng nàn, hăng say của tuổi thanh niên đã chớm màu buồn bã. Tôi tự cảm thấy lương tâm mình không bị ray rứt, xấu hổ với những tháng năm học hành và làm việc của mình. Phần lớn nhờ vào những bài học Đạo Đức, cũng như lời khuyên nhủ mà tôi đã thấm nhuần từ vị thầy kính yêu này.


      Với thầy, tôi biết được ý nghĩa của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Lá cờ biểu tượng cho những ước mơ được phục vụ suốt đời và được chết cho nó như một người ái quốc. Tôi cũng đã lịm người đứng nghiêm trang kính cẩn, hát vang những câu hào hùng của bản Quốc Ca mỗi buổi sáng chào cờ ở sân trường trước khi vào lớp học…


      … Rồi với những bài học Lịch Sử, thầy dẫn tôi vào những cảm giác ngất ngây, đầy hào khí bằng với những chiến công vĩ đại của các vị anh hùng của quê hương. Lý Thường Kiệt phạt Tống, bình Chiêm. Trần Hưng Đạo sau Hội Nghị Diên Hồng là bản Hịch Tướng Sĩ oai hùng sát đuổi quân Nguyên. Rồi Nguyễn Trãi, khóc tiễn cha bên ải Nam Quan, gạt nước mắt trở về cuộc chiến chống quân Minh với Lê Lợi. Sau 10 năm nếm mật nằm gai, ông lưu truyền lại muôn thu bản Bình Ngô Đại Cáo. Cuối thế kỷ 18, đúng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, cùng với năm Cách Mạng dân quyền tại Pháp vua Quang Trung với chiếc áo ngự bào thấm đen thuốc súng đánh đuổi quân Thanh như lũ chuột đồng. Tất cả những âm thanh oai hùng của Tổ quốc ngàn năm đó đã được thầy êm ả đưa vào tâm tư non nớt của hơn 50 đứa học trò lớp Nhì hơn 40 năm về trước, chẳng bao giờ tôi quên!


      … Rồi những bài Đức Dục, Cách Trí, Vệ Sinh, và cả trong giờ Toán với giọng nói ấm cúng hiền hòa. Thầy gọi trò bằng con và xưng thầy (lúc đó ở miền Nam, thầy giáo gọi trò bằng em!) đã làm cho tình thầy trò gần gũi, thân tình hơn. Hình dáng thầy cao và hơi ốm, mái tóc muối tiêu, rẽ ngôi ở giữa trán (có lẽ lúc đó thầy khoảng trên 50 tuổi ?), da rất trắng, nét mặt hiền hòa thân ái. Trang phục của thầy đơn sơ, luôn luôn dưới chiếc áo sơ mi dài tay mầu trắng bỏ trong gọn ghẽ, có chiếc cà vạt lủng lẳng trước ngực. Hình ảnh người thầy nghiêm trang đã làm cho hơn 50 đứa học trò chúng tôi kính nể, nghe lời chỉ dạy.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      Với vị thầy yêu kính này, ký ức tôi vẫn còn ghi đậm khá nhiều kỷ niệm, mà có lẽ trọn đời tôi chẳng bao giờ quên. Đến nay đã hơn nhiều thập niên rời xa sự dạy dỗ của thầy, tôi có cảm tưởng thầy vẫn còn là một biểu tượng trong ký ức, làm khuôn mẫu cho tôi suy nghĩ và học hỏi. Để dành riêng cho vị thầy muôn thuở, một nhà giáo dục gương mẫu đó. Tôi xin đề cập đến vài chi tiết như là sự tôn vinh một người đã trọn đời tận tụy đóng góp cho nền giáo dục của đất nước.


      Thỉnh thoảng trong những giờ dậy học liên quan đến lịch sử địa lý, thầy thường nhắc nhở học trò về đất nước Việt Nam lấy sự phát triển nông nghiệp làm căn bản. Thầy khuyên chúng tôi nên hướng sự học mình vào kỹ thuật và nhất là về nông nghiệp. Với hướng đó, sự đóng góp vào quốc gia tích cực và thực tiễn nhất. Tôi không biết lời khuyên đó của thầy có ảnh hưởng nhiều đến các bạn bè khác của lớp không. Nhưng với tôi nó đã đi vào trí nhớ của tôi, chi phối sự ước mơ và nghề nghiệp sau này của tôi một cách quá sâu đậm…


      … Khi tôi học với thầy, hình như tác phong trong sáng của thầy đã là chiếc chìa khóa đầu tiên mở cửa tâm hồn tôi. Cho vào đó những lời chỉ dạy như là dòng chữ đầu tiên trong sáng! Tôi ôm ấp những ước mơ từ đó, tôi đã hướng tất cả đam mê của đời mình vào ngành nông nghiệp. Trong mấy chục năm làm việc ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc. Tôi cố dành tất cả sự thông cảm và giúp đỡ cho những thành phần lao động, đói khổ dưới quyền mình.


      Tôi biết rất kỹ giá trị của sự nhọc nhằn, của những giọt mồ hôi. Tôi chưa một lần nào có những câu nói tỏ vẻ khinh rẻ đối với những người ít học, thua kém tôi. Rất có thể sự thông hiểu đó cũng được đến với con người tôi, vì tôi tìm thấy trong sự cực nhọc, nghèo túng của người khác là hình ảnh của bố mẹ và cũng chính cá nhân tôi.


      Tôi còn nhớ rất rõ, trong một giờ Đức Dục vào buổi sáng. Thầy dạy chúng tôi về bài học thương người tàn tật, nghèo khổ, và già lão. Thầy đọc cho chúng tôi nghe một truyện về lòng nhân đạo, rồi thầy kể chuyện vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lấy áo ngự bào đắp cho một người ăn mày trên đường đi tuần vào một ngày mùa đông lạnh giá. Cả lớp hơn 50 đứa học trò im lặng nghe thầy kể chuyện trong sự say mê và cảm động bởi lòng từ ái của vị minh quân trong thời thịnh trị!…


      Với những làn khói tỏa mùi thơm của tình thầy trò, với tâm tư cảm động của những bài học xưa đã hun đúc tôi nên người có chút khả năng và lý tưởng (dù nó chưa làm gì tạm gọi là hợp với ước mơ của mình) Tôi xin gửi đến thầy Hà Mai Anh, người thầy mà tôi muôn đời kính nhớ và biết ơn.” (Lưu An, Thụy Sĩ)

      Qua những dòng của Lưu An viết về nhà giáo Hà Mai Anh nói lên cái đạo thầy trò dù thời gian và không gian có đổi thay nhưng đạo nghĩa Đông Phương như ánh mặt trời soi sáng trong tâm tư, tình cảm con người. Người bạn đồng môn Khóa Nguyễn Trãi I CTCT với tôi – Nguyễn Xuân Trung – cũng học với thầy Hà Mai Anh trong thời điểm đó cũng nói về hình ảnh vị thầy khả kính đầu tiên khi vừa di cư vào Nam chia sẻ là vị thầy thay người cha dạy dỗ con cái. Bạn hỏi tôi, có học chung với nhau với thầy Hà Mai Anh không?. Tôi nói, lúc đó ở phố cổ Hội An, cũng giống như thành phố Torino trong Tâm Hồn Cao Thượng, học sinh cả nước có đọc sách đều coi như hình ảnh tiêu biểu vị thầy.


      Ngày trước, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mang tâm trạng của người chinh phụ khi chồng là Nguyễn Kiều đi sứ sang Trung Hoa, vì giặc giã, giao thông cách trở, ngày đêm mong chờ nên đem tâm tư, tình cảm của bà để dệt thành áng thơ bất hủ. Sau hai thế kỷ, nhà giáo Hà Mai Anh cảm nhận được sự cao quý trong tâm hồn nên chọn tác phẩm Les Grandes Coeurs của nhà văn Ý Edmondo De Amicis để gởi gắm niềm ước mong của mình cho tâm hồn trẻ thơ làm hành trang vào đời.

      An-Di ơi,


      “Mỗi khi bất đắc dĩ cha phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phải làm cho con khóc”… “Lòng cha vẫn yêu con, vì con là niềm hy vọng quí báu nhất đời của cha”… “Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người”.

      Công cha, nghĩa mẹ muôn đời còn ghi.


      Little Saigon 12/2004, viết lại nhân ngày Father’s Day 2020


      Vương Trùng Dương

      Nguồn: sangtao.org

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc Vương Trùng Dương Tưởng niệm

      - Đọc tác phẩm “Người Mẹ Tìm Con” của Nhà Văn Lê Đức Luận Vương Trùng Dương Nhận định

      - GS Trần Huy Bích, Người Nặng Tình Với Non Sông & Chữ Nghĩa Vương Trùng Dương Nhận định

      - Hồi Ký Tuổi Thơ & Chiến Tranh (1945-1950) của Võ Đại Tôn Vương Trùng Dương Nhận định

      - Thiên Chức Nhà Giáo, Tâm Hồn Nhà Văn: Bà Tùng Long Vương Trùng Dương Nhận định

      - Tác Phẩm Thérèse Desqueyroux của François Mauriac qua bản dịch của T.Vấn Vương Trùng Dương Giới thiệu

      - Kỷ Niệm Với Song Ngọc, Hà Nội Ngày Tháng Cũ Vương Trùng Dương Nhận định

      - Phương Tấn, Nàng Thơ Với “Di Bút Của Một Người Con Gái” Vương Trùng Dương Nhận định

      - Nhà giáo Hà Mai Anh & tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng Vương Trùng Dương Nhận định

      - Hà Huyền Chi, Người Dệt Thơ Trên Hoa Dù Vương Trùng Dương Nhận định

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Trang Thơ (Phù Sa Lộc)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)