|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Học giả Hoàng Văn Chí
(1913 - 6.7.1988)
Sự đột ngột ra đi của học-giả, nhà văn Hoàng Văn Chí vào 5 giờ chiều ngày 6 tháng 7 năm 1988, ở tuổi 75, tại Bowie, Maryland, đã để lại một sự thiếu vắng khá rõ nét trong cộng-đồng người Việt vùng thủ-đô Hoa-thịnh-đốn. Hết những bữa cơm thân mật với một số bạn bè, nhiều người vong niên, do cụ bà ân cần dọn ra trong khung cảnh vườn nhà thật đẹp mà ông cụ lúc nào cũng chăm sóc như một thứ người tình! Hết những buổi nói chuyện về văn-minh, văn-hóa Việt Nam, cho một số các anh chị em trẻ quây quần bên cụ, gần như hàng tuần, trong một thời-gian dài (những anh Công, Tùy, Nhân, Ðức, Long Râu, Thủy, Giao, Tú, Phương Thảo... mà sau này, có lẽ ít nhiều dưới ảnh-hưởng của những buổi nói chuyện đó, đã tham-gia tích-cực trong cộng-đồng)!
Tôi không hiểu ngày hôm nay, trong cộng-đồng chúng ta, có còn mấy người cao-niên vẫn đeo đuổi cái mục-tiêu đáng quý đó là âm thầm truyền lại cái di-sản của quê hương dân-tộc, dù đôi khi đó cũng chỉ là một bức "dư đồ rách," để cho mai hậu, khi cơn bĩ-cực của đất nước qua đi, chúng ta vẫn còn có thể ngửng đầu?
Nhưng ở thế-hệ ông, câu hỏi đó không đặt ra, nó đương-nhiên như hơi thở, nó bắt buộc phải là như thế. Vì sao? Vì "một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây," cái gì đặc-thù của ta đã quá nhiều lần bị đè nén, bị chê bai dè bỉu, bị khinh khi... tới một độ không ít người trong chúng ta đâm ra có mặc-cảm thua kém! Răng đen, đẹp là thế ("Trăm quan mua lấy miệng cười, Nghìn quan mua lấy miệng người răng đen” hay “Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém xa"), vậy mà dưới những ảnh-hưởng ngoại-lai kia trở nên phải đi đôi với "mã tấu." Tiếng nước ta mà các sứ-giả của Trung-hoa khi xưa phải so sánh với tiếng chim hót, cũng dưới cùng những ảnh-hưởng đó, trở thành "Nôm na là cha mách qué"!
Nay sau một trận chiến thư hùng kéo dài 30 năm (cuộc chiến chống Cộng dài nhất trong lịch-sử nhân-loại), ta lại thua vì bị đồng-minh đâm sau lưng rồi bỏ chạy, làm sao ta không có mặc-cảm chua xót, bơ vơ?
Hành-trình của một người yêu nước
Hành-trình tâm-lý của một người như ông Hoàng Văn Chí không phải là một ngoại-lệ. Biết bao nhiêu người đã đi con đường mà ông đã trải qua.
Sinh ngày 1 tháng 10 năm 1913 ở Thanh-hóa, ông đã theo học ở trường Albert Sarraut của Pháp ở Hà-nội (1928-1935), rồi đậu cử-nhân khoa-học tại Trường Ðại-học Ðông-dương (1940), lúc bấy giờ còn có tên là Université indochinoise, trường đại-học độc-nhất Pháp cho mở ở Hà-nội để phục-vụ sĩ-giới trên ba quốc gia, Việt-Miên-Lào. Kết hôn năm ông ra trường cùng với bà Lê Hằng Phấn, ái-nữ nhà học-giả Hán-Nôm Sở Cuồng Lê Dư, ông như vậy là anh em cột chèo với nhà phê-bình văn-học nổi danh Vũ Ngọc Phan (tác-giả Nhà văn hiện đại, lấy bà Hằng Phương) và tướng Nguyễn Sơn (lấy cô gái út trong gia-đình). Ông cũng lại còn có liên-hệ với cụ Phan Khôi vì mẹ vợ ông là em gái cụ Phan Khôi, và như vậy bà Lê Hằng Phấn gọi cụ Phan là bác. Sau này, G.S. Tạ Trọng Hiệp ở Pháp (dạy ở Paris VII), khi viết về Phan Khôi, đã có dịp trách ông Vũ Ngọc Phan, vì sợ hay hèn, trong hồi-ký của ông đã không dám nhắc cả đến bố vợ là cụ Sở Cuồng Lê Dư hay cụ Phan Khôi, bác vợ, hoặc ông Hoàng Văn Chí, người lấy em của vợ mình.
Chuyện đất nước chúng ta trong khoảng hơn 60 năm qua, từ khi người CS lên nắm chính-quyền, đã thay đổi hẳn con người Việt Nam trong chúng ta đến mức đó. Nó tệ hơn cả dưới thời Tây-sơn khi Ðoàn Nguyễn Tuấn, lấy chị Nguyễn Du, dù như ra làm quan với nhà Tây-sơn, vẫn cho Nguyễn Du tá túc ở Quỳnh-côi; hay Nguyễn Nễ, tuy ra làm quan với Nguyễn Huệ, vẫn có thơ thăm hỏi em mình là Nguyễn Du; hoặc Quận-công Nguyễn Thận, quan Tây-sơn, khi bắt được Nguyễn Du toan vào Nam theo Nguyễn Ánh, đã vì tình bạn với Nguyễn Nễ và "cũng vì tiếc tài nên chỉ giam mấy tháng rồi tha" (theo Gia-phả họ Nguyễn Tiên-điền).
Phải hiểu như vậy mới thấy làm người dưới thời CS là khó khăn chừng nào, là dễ mất nhân-tính như thế nào. Mà đâu phải ta là những người đẻ ra thù nghịch với nhau! Truyền-thống yêu nước ở ngay trong dòng máu tất cả chúng ta, ở ngay trong cụ Sở Cuồng Lê Dư khi cụ theo tiếng gọi Ðông-du của Phan Bội Châu sang Nhật học (dù như về sau cụ có bỏ về nước để theo con đường văn-hóa, xây dựng dân-trí trước, tựa như quan-niệm của Phan Châu Trinh hay nhóm Tự Lực Văn Ðoàn sau này). Dòng máu ấy cũng ở trong cụ Phan Khôi dù như cụ, gốc Quảng-nam, nên theo Việt-nam Quốc-dân-đảng-mà rồi vẫn đi theo kháng-chiến do Việt Minh lãnh-đạo. Dòng máu ấy, hiển-nhiên, cũng có trong ông Hoàng Văn Chí hay tướng Nguyễn Sơn.
Ðất Thanh-hóa của ông Hoàng Văn Chí cũng là một đất khá lạ, nó đóng vai một thứ bản lề trong địa-lý Việt Nam. Ðất gốc của văn-hóa Ðông-sơn, Thanh-hóa là tỉnh cực-Bắc của miền Trung nhưng tiếng Thanh-hóa thì lại gần tiếng Bắc hơn tiếng Trung, và người Thanh-hóa dễ hướng Bắc (hướng về Hà-nội) hơn là về Phú-xuân (tức Huế, kinh-đô vua của nhà Nguyễn). Rồi những năm học ở Hà-nội ghi một dấu ấn "Bắc-cờ" rõ ràng trong cách suy nghĩ và hành-xử của cụ Chí. Nói cách khác, ông là người có thể thấu hiểu được cả người Bắc lẫn người Trung. Là con người hoạt-động, ông sớm tham-gia những phong trào yêu nước như tham-gia bãi khóa khi Phan Châu Trinh mất (năm 1926), đi vào phong trào "Le Travail" ("Lao Ðộng") dưới thời Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) ở Pháp (1936), rồi hoạt-động trong đảng Xã-hội của Pháp (SFIO, 1937-1939).
Từ một con người như thế không lạ là, khi nhận được tin nước nhà độc-lập, ông đã phóng xe đạp từ Thanh-hóa ra Hà-nội để tham-gia vào trong chính-quyền mới, một chọn lựa mà sẽ dẫn ông đi theo kháng-chiến lên Việt-bắc. Thời-gian từ 1949 đến 1953, ông làm việc trong Bộ Tài-chánh dưới quyền bộ-trưởng Lê Văn Hiến, một con người trong sạch, mà Hồi ký của một bộ trưởng, 2 tập, in ra cách đây ít năm, có nhắc nhở khá nhiều đến ông Hoàng Văn Chí. Với tư-cách là một chuyên-viên, ông phụ trách đúc tiền, làm giấy in bạc (cụ Hồ), chế-tạo hóa-chất cho quốc-phòng, và làm thủy-điện. Năm 54, ông bỏ kháng-chiến vào thành.
Sau hiệp-định Genève chia đôi đất nước (tháng 7/1954), ông di cư vào Nam rồi ra cộng-tác với chính-phủ Việt-Nam Cộng-hòa. Thời-gian này, ông đã đem tất cả sự hiểu biết sâu rộng của ông về đối-phương để in ra một số sách, Phật rơi lệ (1956), Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (Mặt trận Tự do Văn hóa in ra ở Sài-gòn, ký tên Mạc Ðịnh, 1959) và bản viết bằng tiếng Anh về cùng đề-tài tuy sơ sài hơn, The Nhan Van Affair, rồi The New Class in North Vietnam ("Giai cấp mới ở Bắc Việt Nam"). Năm 1959-1960, ông được cử đi làm Phó-tổng-lãnh-sự ở Tân Ðề Li, Ấn-độ.
Thấy tình-hình nguy ngập, vì thế-giới cũng như người dân miền Nam không hiểu nhiều về CSVN, ông tự ý chọn con đường lưu vong để dành toàn-thời vào việc viết sách phơi bầy bản-chất của CS miền Bắc. Trong thời-gian ở Pháp (1960-1965), ông đã bỏ công ra hoàn-tất một trong những quyển sách ảnh-hưởng nhất về CSVN, cuốn sách tiếng Anh mang tựa đề From Colonialism to Communism: The Case of North Vietnam (Frederick Praeger, 1964), trong đó ông trình bầy sớm sủa và tương-đối đầy đủ nhất về chính-sách Cải cách ruộng đất dã-man của CS Bắc-Việt. Cuốn sách này sau đó còn được dịch sang tiếng Việt, Từ Thuộc Ðịa Ðến Cộng Sản, và sang khoảng 17 thứ tiếng khác, kể cả những tiếng xa lạ với Việt Nam như tiếng Ả-rập và tiếng Urdu. Ngoài ra, ông còn có một số bài viết trong các sách như North Vietnam Today, Patrick J. Honey chủ-biên (Praeger, 1962), và Vietnam Seen from East and West, SarDesai chủ-biên.
Con đường nhiều người đã đi qua
Xem vậy thì con đường ông Hoàng Văn Chí đi qua là một thứ đường mòn mà chẳng may, quá nhiều người yêu nước của Việt Nam đã trải qua. Xuất phát từ một lập-trường yêu nước thật trong sáng (nhưng lại cũng quá đỗi ngây thơ, mà ta bắt buộc phải quy vào sự thiếu thông tin), quá nhiều người trong chúng ta, nhất là trong lớp đàn anh chúng ta, đã đi theo một giấc mơ ảo (cái ảo-ảnh quá đẹp về một nước Việt Nam "độc lập, tự do, hạnh phúc") để rồi phải trả giá không những bằng những mất mát cá-nhân (đôi khi cả đời mình) mà còn bằng những mất mát, tang tóc "phủ giang sơn" mà còn cả sự thụt lùi hàng chục năm của nguyên một dân-tộc.
Con đường theo ông Hồ, theo CS để rồi vỡ mộng, tiếc thay, đã lôi cuốn "hàng hàng lớp lớp" (chữ của Trần Dần) vào thảm-họa.
Hiếm hoi là những con người như ông Hoàng Văn Chí, đã vượt được ra cái tù ngục là miền Bắc trong những năm đất nước bị chia đôi (1954-1975) để còn giúp thức tỉnh chúng ta. Dù ông thành công hay thất bại (tùy theo sự đánh giá của mỗi chúng ta), ta vẫn phải nhìn nhận đây là việc làm và lương-tâm của một kẻ sĩ-một kẻ sĩ thời-đại mà không mấy người theo kịp. (Ta chỉ cần lắng nghe tất cả những biện-minh mà người ta đưa ra, ngay khi sống trong thế-giới an-toàn của hải-ngoại, để "không tiện" lên tiếng là ta cũng đủ thấy cái khác biệt vời vợi giữa kẻ sĩ và con người gọi là "bình thường.")
Duy Văn Sử Quan
Song đi xa hơn thế nữa, ông Hoàng Văn Chí cho rằng chống Cộng không chưa đủ. Nói hay về những cái tồi tệ của chế-độ CS ở quê nhà, tuy là việc tốt, song vẫn có phần tiêu-cực. Cầm súng chống các đoàn quân Cộng-sản như các chiến-sĩ VNCH đã làm từ đầu cho đến tháng 4/1975, dù dũng cảm có thừa và lòng trung với dân, hiếu với nước thì vằng vặc, nó vẫn không đẩy lui được những ngụy-tín mà CS nhồi nhét được vào trong đầu 80 triệu dân hơn.
Vì thế nên mười năm cuối đời, ông Hoàng Văn Chí đã bỏ hết sức lực ra làm một cuộc tổng-kết về văn-hóa của dân-tộc Việt, mà ông gọi là "Duy Văn Sử Quan" (nghĩa đen: "Cách nhìn vào lịch-sử qua góc độ văn-hóa"). Ông mài miệt viết, ông sôi nổi đem ra chia xẻ và thảo-luận với mọi người, nhất là các anh chị em trẻ, và ông tranh thủ thời-gian để hoàn-tất trước khi lìa cõi. Ông gần tới đích, chỉ còn thiếu có một chương cuối, thì ông ra đi trong sự thương tiếc của mọi người. Sau khi ông mất, người con trai của ông, anh Hoàng Việt Dũng, đã nhờ Tủ Sách Cành Nam đem in và xuất bản cuốn sách mà ngày nay không ít người xem như là một bản chúc-thư ý nghĩa nhất của ông, nhà học-giả và nhà tư tưởng Hoàng Văn Chí, sau một đời tận tụy với quê hương, đã lưu lại cho chúng ta.
- Nhớ Về Một Kẻ Sĩ Thời Nay, Ông Hoàng Văn Chí (1913-1988) Tâm Việt Nhận định
- “Ước mơ của Thủy” - Một thách thức với chế độ Tâm Việt Giới thiệu
• Nhớ Về Một Kẻ Sĩ Thời Nay, Ông Hoàng Văn Chí (1913-1988) (Tâm Việt)
• Nhớ học giả Hoàng Văn Chí (ViênLinh)
• Học Giả Hoàng Văn Chí, Người Của Những Tác Phẩm Nền Móng (Viên Linh)
Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (talawas.org)
Từ thực dân đến cộng sản - Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam (talawas.org)
Duy Văn Sử Quan (thuvien.datviet.com)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Trang Thơ (Phù Sa Lộc)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |