|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Hoàng Trúc Ly (1933 - 1983)
Trong số bằng hữu văn nghệ từ thuở hai mươi, Hoàng Trúc Ly đối với tôi là người bạn thân thiết trên nhiều phương diện, trong có việc làm nhật báo, tuần báo, các tạp chí văn chương ban ngày; và đêm đêm, dăm bữa, nửa tháng, nâng ly bồ đào mỹ tửu nơi phòng trà, hay nơi một góc phố chợ, quán cóc, đọc thơ nghe hát, thước khi một mình một bóng, ai về nhà nấy.
Ba mươi mốt tuổi tôi mới lập gia đình, và Ly, chưa bao giờ có vợ. Mà khi quen biết nhau, kẻ mới mười chín, hai mươi, một mình một chiếc xe máy, kẻ đã chững chạc điềm đạm, nghiêng nghiêng cuốc bộ trên các lề đường thành phố. Cho nên đã gặp nhau, mười lần thì tới sáu bẩy lần tôi phải hỏi bạn: "Về đâu?" Ly nói tên một khu phố, một con đường, tôi phải đưa bạn về đó, rồi đi đâu mới được đi. Những nơi Ly xuống xe, khi thì ở trước nhà sách Việt Hương khu Bonard Nguyễn Huệ, khi thì trước Thành Ô Ma khoảng Nancy, khi thì nơi Chợ Cũ, Tôn Thất Đạm.
Ở cái địa chỉ sau này, một hôm tôi đã phải khóa xe dưới phố, lên thăm phòng bạn. Ly khẩn khoản đòi "Mày phải lên phòng tao ít nhất một lần." Tôi biết ý là bạn ta bây giờ đã có đủ khả năng ra ở riêng, thuê được một cái phòng ở khu tiện lợi, nên muốn tôi lên thăm. Chính nơi đây tôi đã bị một vố kinh hoàng, tuy không có gì đáng sợ hãi, - như trong một hài kịch - nhưng vẫn rất kinh hoàng, và mỗi lần nhớ đến, tôi không biết phải nói như thế nào cho phải. Dù sao đó chỉ là một phút điên cuồng, chẳng phải nói thêm.
Tình thân giữa nhà thơ "Trong Cơn Yêu Dấu" và tôi không có nghĩa là biết về nhau rành rọt nhiều thứ, ngay đến tên thật, ngày sinh tháng đẻ, cũng chẳng bao giờ hỏi han cho kỹ, song khi nghe tin bạn không còn nữa, lại đột ngột lìa đời ở chốn kinh thành đổi chủ, trong khi những hình ảnh âm vọng riêng tư trở thành những hồi ức mông lung, người bạn còn hiện lên như một khuôn mặt của quần chúng, một chân dung của văn học Miền Nam trong cơn đảo lộn của thời thế -- tương tự như của một Nguyễn Du thuở nào ngỡ ngàng bên chiếu thanh lâu, khi tướng sĩ nhà Tây Sơn ì ồ ném bạc lên chiếu nhà hát ả đào nơi Thăng Long thế kỷ mười chín.
Lúc đầu bằng hữu lưu vong nghe nói thi sĩ ra đi vào thập niên '80, không biết đích xác năm nào. Có người từ kinh đô cũ qua thăm, khi hỏi, mỗi người nói một khác. Nhưng hình như đó là vào khoảng cuối năm. Trên mạng báo không gian, em gái nhà thơ là Đinh Hương viết: Hoàng Trúc Ly tên thật Đinh Đắc Nghĩa, sinh ở Đà Nẵng năm 1933, mất vào "20 tháng 11 năm Bính Tuất," nhưng ngay trang đó, dưới tấm hình thi sĩ, lại ghi chú "Hoàng Trúc Ly (1933-1983)." Năm 1983 nhằm vào âm lịch Nhâm Tuất, không phải Bính Tuất.
(Để viết về bạn như một chiêu niệm nghiêm cẩn nhất, lần này tôi làm công việc chọn lựa những tài liệu có thể là đúng nhất, và cố gắng cho thật đầy đủ.)
Những tài liệu riêng về Hoàng Trúc Ly tôi có nằm trong một cái phong bì màu vàng khổ lớn, trên có ghi nguệch ngoạc mấy dòng chữ: HOÀNG TRÚC LY (1937-...). Thật ra, tôi có cả chục cái phong bì màu vàng cùng khuôn khổ, mỗi cái dành riêng cho một người. Thói quen này có là nhờ học lại kinh nghiệm của nhà văn Pháp Georges Simenon: khi ông dự định viết một tác phẩm, ông lấy một cái phong bì màu vàng khổ lớn, lớn hơn tờ giấy viết thư, mỗi ngày nghĩ được điều gì liên hệ tới cuốn truyện định viết, ông viết vào một tờ giấy, rồi cứ cất vào trong đó.
Làm báo văn nghệ, ta có cả chục cái tên tác giả quen hay không quen, nên tôi có cả chục cái phong bì màu vàng, mỗi cái có tên một người bên ngoài, bên trong là những mảnh giấy ghi chép, hay cắt báo, liên hệ tới họ, cứ cất vào đó, đặng có ngày dùng đến. Ngoài những cái phong bì, mỗi năm tôi còn một cuốn Lịch sách, lịch hàng ngày, bìa cứng, ghi việc phải làm hay việc vừa xảy ra trong ngày, trong tuần; cuốn Lịch sách đầu tiên tôi còn giữ được là cuốn năm 1976, cho tới nay, là cuốn 2013.
Lần này, tôi lấy cái phong bì có tên Hoàng Trúc Ly ra.
Trên phong bì có vài dòng chữ không thứ tự. Phía dưới tên Hoàng Trúc Ly là những dòng viết vội bằng bút chì: "VĐL: Đứng trước Cercle Sportif (Câu Lạc Bộ Lao Động), giữ quần áo. Xe cán chết (rượu cất nước mía, đế hạng bét, [đại khái thế - thời cuối '70.]) Phan Nghị. Văn Quang. Kim Tuấn."
Những ghi chép này được viết tắt xuống giấy trong khi tôi nói chuyện qua điện thoại với nhà thơ Vương Đức Lệ, mới từ Việt Nam qua Mỹ trong dạng đoàn tụ gia đình, hay cũng có thể là do chương trình H.O. [Human Operation], vì anh từng là Trưởng đài Phát thanh ở một tỉnh thành vùng Cửu Long và trong Tết Mậu thân, đã bị một viên đạn AK47 bắn bay một con mắt. Từ đấy chúng tôi gọi anh là Tướng Độc Nhãn, như người ta gọi ông tướng một mắt của Do Thái.
Ghi chép trên diễn ra bằng câu cú đầy đủ thì vào cuối thập niên '70, trong những ngày miền Nam đói kém kéo dài từ sau tháng tư 1975, Hoàng Trúc Ly làm việc giữ quần áo tại Câu lạc bộ Lao Động, có tên cũ là Câu lạc bộ Thể thao trên đường Hồng Thập Tự, Sài gòn. Tai nạn xảy ra vào lúc chàng mới uống loại rượu đế hạng bét, tức là loại cất bằng nước mía, bằng một thể cách dân dã thô sơ nào đó.
Rượu mía ra sao thì bạn chàng không thể tả được. "Đại khái thế," lời Vương Đức Lệ, có thể hiểu đó chưa chắc đã là rượu mía, có khi là rượu sắn, rượu khoai mì, rượu "methanol" gì đó, đó là thứ rượu làm cho người uống cũng có hơi men bốc lên chếnh choáng, không kể nó đục ruỗng buồng gan tới cỡ nào, tùy theo cỡ thuốc rầy người ta đổ vào làm cho "rượư" thành trong veo! Về tên ba nhà văn ghi ở dưới có nghĩa là nếu muốn biết nhiều hơn (về cái chết của Hoàng Trúc Ly) thì hãy hỏi họ. Chưa kịp hỏi thì nhà báo Phan Nghị, nhà thơ Kim Tuấn đã đi gặp Hoàng Trúc Ly rồi, còn nhà văn Văn Quang lúc ấy đã dọn nhà từ Sài gòn lên Lộc Ninh, không ai bắt được liên lạc lại.
Từ năm 1959 cuốn Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại có ghi: "Thi sĩ Hoàng Trúc Ly chính tên Đinh-Đắc-Nghĩa sinh năm 1933 tại Đà Nẵng (Trung Việt)."(1) Cuốn Văn Học Miền Nam - Tổng Quan, ghi: "Hoàng Trúc Ly tên Đinh Đắc Vị. Sinh ngày 28.6.1937 tại Đà Nẵng. Chính quán tại Huế. Mất ở Sài gòn năm 1985."(2) Nguyễn Thụy Long trong bài "Hoàng Trúc Ly - hàng chục ly" lại viết Ly là người làng Quỳnh Lưu, Nghệ An; anh ghi rõ: "ghi theo một bạn tù tự nhận là người cùng làng với Hoàng Trúc Ly."(3)
Như thế từ tên tuổi thật, ngày sinh tháng đẻ năm sinh năm mất của thi sĩ ở đây đều không đâu đúng với đâu.
Hoàng Trúc Ly người Nghệ An?
Nghe thì mới mẻ, nhưng cũng không có vấn đề gì, vì từ sau 1975, Nghệ An đã trở thành một tiền đề cho nhiều phạm vi sinh hoạt quần chúng, khiến nó trở thành một cái nếp để nghe cho có văn hóa. Ông Hà Văn Tấn, viện trưởng Viện Khảo Cổ Học Ở Hà Nội, còn viết: "Kinh Dương Vương người Nghệ An, sinh ra Lạc Long Quân ở vùng khu bốn cũ," tránh chữ Nghệ An để nghe ra vẻ khách quan), "được cha cử ra trị vì (hành tại) ở Ngã Ba Hạc, Việt Trì, lấy Âu Cơ làm vợ lẽ" (4); [nghĩa rằng vợ cái con cột phải là người Nghệ An rồi.] Thế thì ông bạn tù của Nguyễn Thụy Long có nhận Hoàng Trúc Ly người của địa phương mình thì có gì lạ đâu: ông yêu kính thi sĩ, muốn xếp thi sĩ vào Hoàng phái Hoàng gia mới, đặng giúp thi sĩ dân dã được thêm danh tiếng "sxang tchọng." Ông chỉ kể chuyện giai thoại của làng viết, hoặc của làng nói theo định hướng xã hội mới mà thôi.
Khởi Hành: 7mk một số / 60mk một năm;
Mail, check, money order: NAM NGUYEN,
P.O.BOX
670, Midway City, CA 92655
email: phamcongkh@yahoo.com
Hoàng Trúc Ly từng viết:
Xin mời em chối bỏ tên anh
Vì tên em là cuộc đời
Ba. Bảy. Năm. Sáu. Tám.
Hai. Bốn. Chín. Mười. Mười.
Con số có tên kiếp người có tuổi.
(Hoàng Trúc Ly, Môi Giới)
Đã biết con số có tên, kiếp người có tuổi, là có lý lắm. Thế mà tên tuổi số mạng lại lung tung, mỗi nơi viết một khác. May thay, sự việc sáng tỏ hơn sau khi tạp chí Khởi Hành ra số chủ đề "Chiêu Niệm Hoàng Trúc Ly," tháng 6.2005. Sau khi số báo phát hành khoảng một tháng, tòa báo nhận được một lá thư gửi từ Alhambra, đề ngày 10 tháng 7.2005, như sau:
"Kính anh Viên Linh,
Tôi, Đinh-Đắc Vỹ, là em ruột của Hoàng Trúc Ly, xin thay mặt gia đình cám ơn anh về số báo Khởi Hành 104 chiêu niệm nhà thơ này. Tôi cũng xin bổ chính mấy điểm về thân thế Hoàng Trúc Ly sau đây:
1. Hoàng Trúc Ly tên thật là Đinh-Đắc Vị, lại cũng có tên là Nghĩa, sinh năm Quí Dậu (1933) tại Đà Nẵng. Hồ sơ cá nhân của anh Ly (khai sinh, giấy tờ tùy thân,...) thì ghi anh sinh ngày 28-6-1937.
2. Gia đình chúng tôi theo Phật giáo.
3. Từ năm 1952, anh Ly cùng với gia đình vào sinh sống tại Sài gòn.
4. Hoàng Trúc Ly từ trần tại Sài gòn ngày 23 tháng 12 năm 1983, và an táng tại nghĩa trang Hội Trung Kỳ Tương Tế tại Thủ Đức."
Phần trên cũng đã có hai điểm nên lưu ý. Một là tên thật cửa Ly là Vị, viết i ngắn, trong khi tên người em trai kế là Vỹ, viết y. Hai là ngày mất ghi là 23 tháng 12 năm 1983, nếu tra lịch âm dương đối chiếu, thì không đúng với ngày âm lịch mà cô em gái thi sĩ đưa ra. Ta hãy loại bỏ ngày tháng năm âm lịch, vì cô em gái viết (hiện còn trên website) là "mất ngày 20 tháng 11 năm Bính Tuất." [1983 là Nhâm Tuất, còn Bính Tuất là 1946; cho rằng cô muốn viết là Nhâm Tuất đi nữa thì 20 tháng 11 tính ra dương lịch là mồng 3 tháng 1.1983, không đúng với ngày tháng ông anh ruột cô đưa ra: 23.12.83.]
Ngoài ra được biết Ly có 5 anh em trai gái, sau anh là Vỹ và Phúc, hai gái là Bạch Liên hiện ở San Francisco và Đinh Hương ở Sài gòn. Thân phụ và thân mẫu của Hoàng Trúc Ly Đinh Đắc Vị là Đinh Thúc Kiện và Đào Tiểu Tố.
Tháng 1.1974, Hoàng Trúc Ly hiện ra trong khung cửa nhà in Phúc Hưng ở số 51/51B đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, nơi đặt tòa soạn tạp chí Thời Tập. Lúc nào khuôn mặt đó cũng rạng rỡ miệng cười, cho dù có lúc khóe mắt không vui. Một miệng cười rộng, không thể tả là nụ. Ly đưa tôi tờ giấy nét chữ rất lớn. Nhác trông là một bài thơ, "Lời Khắc Trên Mộ Bia."
- Kỳ vậy? Tôi hỏi.
- Tao làm bài thơ này như là lời khắc trên mộ bia của tao vậy.
Bài thơ khiến người đọc không yên lòng lắm. Trong bài thơ có câu: "Tự xem đã chết, ngay trong cuộc sống." Ngày anh tự xem mình đã chết là một ngày nào đó trong năm 1970, tức là từ 3 năm trước khi anh đưa bài thơ cho tôi:
LỜI KHẮC TRÊN MỘ BIA
Nơi đây an nghỉ:
HOÀNG TRÚC LY
Năm sinh: ngàn chín ba bảy
Năm chết: Ngàn chín bảy mươi.
Chân không bước hồn đi về đất
Chết không già là chết rất tươi.
(Hoàng Trúc Ly, Thời Tập số 3, 2.1974, tr. 61)
Đến sau này, khi nghe tin Ly chết, qua lời kể của Vương Đức Lệ như đã viết ở đầu bài: "Đứng trước câu lạc bộ... Xe cán chết."
Tôi thấy lạ thường.
Ly có bước đâu. Ly đang đứng mà.
Hơn mười năm trước đó Ly đã viết:
"Chân không bước hồn đi về đất."
Ly biết trước mình sẽ chết như thế nào, đúng từng chi tiết: chết đứng, chết khi đang đứng đợi hết lưu thông để qua đường, chết khi "chân không bước." Và Ly rất vui vẻ: "Chết hhông già là chết rất tươi." Thay vì nói là chết trẻ.
Ly có dáng đi hình như là dáng đi chữ bát, hay gần như thế, nếu dáng đi chữ bát không được sang lắm. Cả chục năm chơi với nhau, chưa bao giờ tôi thấy anh đi xe, dù là xe đạp. Cũng như chưa bao giờ tôi thấy Bình Nguyên Lộc, Bùi Giáng, Sơn Nam, Kiên Giang Hà Huy Hà hay Dương Nghiễm Mậu đi xe, bất cứ là xe gì, hai bánh hay ba bốn bánh. Những người ấy ghé tòa soạn đưa bài, thường là xẹt qua vì nhờ người khác chở, chỉ kịp thấy mặt, mình còn đang ngó xuống xấp bài, vừa đọc sơ cái nhan đề, lật vài trang xem dài ngắn bao nhiêu đã thấy họ ngồi lên phía sau xe cua ai đó và xe đang chuyển bánh.
Riêng Ly đến đưa bài có khi ở lại uống vài ly với tôi, khi ở quán chị Năm Đen đầu hẻm Phạm Ngũ Lão, nơi đặt tòa soạn Khởi Hành; khi ở quán Tân Lạc Viên ngã tư Nguyễn Trãi, trụ sở báo Thời Tập. Một đôi lần tôi phải đưa anh về, khi thì tới khu thành Ô Ma cũ, khá xa xưa, * [* Giữa thập niên '50, Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đặt trong khu này. Thân phụ Ly là ông Đinh Thúc Kiện, cư ngụ bên trong], khi thì ở đâu đó quanh khu Đề Thám.
Khoảng một hay hai ngày sau khi nhà văn Tam ích (1915-1972) treo cổ tự ải, (5 tháng l.1972) Hoàng Trúc Ly cầm một tờ giấy đến tòa soạn tôi đang làm việc ở số đôi 225-227 đường Phạm Ngũ Lão đưa cho tôi một tờ giấy: "Khóc Tam Ích."
Tôi biết Ly khóc thật, hai người đó rất thân nhau. Ly nói: "Nó bảo tao khi nó chết, tao phải làm thơ khóc nó." Tôi đã đăng bài "Khóc Tam ích" ngay trên trang bìa tờ Khởi Hành ra ngày 13 tháng 1.1972, đúng một tuần sau ngày tác giả "Sartre và Heiddegger trên thảm xanh"... đứng lên. Tôi đã định viết nằm xuống." Nhưng chợt nhớ Tam Ích không nằm xuống trên chồng từ điển, các sách khác, mà đứng lên, đứng trên chồng sách, nối đầu sợi dây tròng cổ mình với xà nhà, và đạp đổ chồng sách dưới chân. Vậy hành động cuối cùng của anh là đứng lên, chứ không phải nằm xuống. Người ta đặt anh nằm xuống, chứ anh không tự nằm xuống. Cho nên trong bài thơ "Khóc Tam ích," Ly viết:
Nỗi buồn siết cổ nghìn* thu
Cho người nghẹn họng giã từ khổ đau.
(Khởi Hành 139, 13.1.1972)
* có chỗ chép sai là ngàn thu.
Khoảng tôi đọc xong bài thơ "Lời Khắc Trên Mộ Bia," trong khi ca hai vẫn song hành trên mép đường Nguyễn Trãi, mép phía bên kia đường sau dẫy tường là khuôn viên trường trung học Bác Ái của người Hoa, không có lề, không có ai, thì Ly nói:
- Tao làm bài thơ này như lời khắc trên mộ bia của tao vậy.
- Được rồi, không sao.
- Đăng ngay số này được không?
- Có gì mà không được.
- Đưa tao nhuận bút đi nhậu.
- Không sao miễn đừng đi hút.
- Tao bỏ rồi.
- Surely?
Ly vốn hút thuốc phiện. Hút thuốc phiện không phải là xấu, chỉ có hại thôi, nếu nghiện. Đàn anh và bạn tôi có một số hút hơi quá độ, kể cả làng thơ lẫn làng báo, tôi từng ghé qua nơi họ hút, ngắm nhìn, hít thở hương thơm ngào ngạt, nhưng không hút.
Phóng viên Dzoãn Bình giữa đêm mưa rả rích năm 1964 ở bên bờ Sông Hương lôi tôi lên một cái xe Jeep có người lái nhìn không rõ mặt, chạy ngoằn ngoèo giữa các bờ cây xanh tới một động hút ở Huế, cùng hai ba bạn khác, có Q.P., Th. L. của các nhật báo Tiếng Chuông, Tia Sáng. Tôi là đại diện nhật báo Dân Ta của chủ nhiệm Nguyễn Vỹ.
Bọn nhà báo chúng tôi là khách của Chuẩn tướng Nguyễn Chánh Thi mới từ Sài gòn ra Huế, không rõ làm sao Dzoãn Bình đã có được ngay một đêm đi hút miễn phí như thế để kéo cả bọn đi. Mà khi lên xe, không ai biết là đi đâu, khi bạn kéo đi thì cứ nghĩ là đi ăn cháo khuya ở đâu đó.
Huế lúc đó đang sôi sục các cuộc biểu tình chống Hội đồng Quân nhân Cách mạng, cụ thể là đám biểu tình cho rằng trong hai người của chế độ Ngô Đình Diệm mới bị xừ bắn, Phan Quang Đông có thể là thật, nhưng Ngô Đình Cẩn là giả. Họ nói người bị xử bắn ở khám Chí Hòa có lẽ là một tên cướp của giết người nào đó, chứ không phải Ngô Đình Cẩn, như báo chí đăng- tải. Tại sao không mang Ngô Đình Cẩn về Huế mà xử tử, lại xử tử ở trong khám Chí Hòa, có mấy ai biết mặt mũi ông ta thật sự ra sao? Chắc chắn là bắn Ngô Đình Cẩn giả.
Phái đoàn ký giả Sài gòn trước chùa Từ
Đàm, 1964. Từ phải qua: Viên Linh (báo
Dân Ta),
Lê Đình Duyên (Đại diện Chính
phủ tại miền
Trung), Ng. Ng. Huyến, Giám
đốc Nha Báo Chí VNCH, Thích Thiện
Siêu và hai ký giả khác.
Nguyễn Hữu Bôi, chủ tịch Tổng hội Sinh Viên Sài gòn và Vĩnh Kha, chủ tịch Sinh Viên Huế tới các báo chuyển lời mời của anh em, và của Tướng Tư lệnh Vùng I, mời 5 hay 6 ký giả đã chứng kiến vụ hành quyết, hãy ra Huế tường trình với đồng bào tại trụ sở Hội đồng Thành phố Huế trên đường Trần Hưng Đạo, hy vọng giúp Tướng Thi giải tỏa các thắc mắc. Tôi đã chứng kiến vụ hành quyết ông Cẩn, và đã tường trình trên báo Dân Ta, nên có mặt trong phái đoàn ký giả ra Huế. Ông dân biểu Lê Đình Duyên và Tướng Thi tường trình sự việc cho phái đoàn và ngày hôm sau, chúng tôi phải có mặt trên sân khấu để đồng bào ai muốn hỏi gì thì giúp chính quyền giải đáp thắc mắc. Hãy giúp họ xác định rằng "Ngô Đình Cẩn thứ thiệt đã bị xử tử, chính tôi chứng kiến." Họ nhờ chúng tôi chỉ có thế. Cuộc tiếp xúc thân mật, Tướng Thi cón tâm sự với tôi ông buồn, vì "vợ chồng moa đang ly dị."
Đêm mưa tới động hút thật là tuyệt đẹp. Mưa khá lớn, kéo dài, tiếng mưa đổ xuống mui xe Jeep đều đều, ướt xối. Chúng tôi hôm đó nằm quanh bàn đèn, ngắm nhìn, khi đến lượt, tôi đưa cái dọc tẩu mà lõ điếu đang cháy xèo xèo qua tay người bên cạnh. Tôi không hút. Mới 25 tuổi, chưa nên hút. Bạn tôi Hoàng Trúc Ly hút từ tuổi nào không rõ, được cái khuôn mặt anh lúc nào cũng hồng hào, tươi rói, miệng lúc nào cũng cười, hút như thế không có hại gì.
Trái tim ta
Trả lại dòng sông lim dim
Bao bến bờ không bờ bến
Sông cạn nguồn giọt màu đứng tim.
Đôi mắt ta
Trả lại mấy bay đầy trời
Buổi* thơ dại màu mây của mắt
Chim ca hồng tiếng hót trong nôi.
(Hoàng Trúc Ly, nt)
* có nơi viết là Tuổi, không đúng nguyên tác.
Quen biết nhau vào giữa thập niên '50, nhiều hơn vào đầu thập niên '60, nên khi làm thư ký tòa soạn nhật báo Dân Ta, Dân Tiến, 1965, lúc đầu tôi mời Hoàng Trúc Ly viết truyện từng kỳ, sau lại bày ra mục mới Cổ tích Truyền Kỳ cho Ly có chỗ viết thường xuyên, muốn viết gì thì viết, miễn là cổ tích, miễn là huyền thoại, và miễn là độc giả đừng kêu dẹp bỏ thì thôi. Làm báo nhất định phải thành lập ê-kíp của mình, nên ê-kíp báo Nam của tôi có Bình Nguyên Lộc, An Khê, Ngọc Linh, Sĩ Trung (cây bút mới), Kiên Giang Hà Huy Hà (Kịch trường), Diệp Đình (truyện bằng tranh hay minh họa); tôi tự đảm trách hai trang Điện Ảnh, Tân Nhạc.
Có chuyện tức cười là khi Sĩ Trung ra tác phẩm đầu tay, mà truyện từng kỳ trước đó viết cho Dân Tiến, nên nhờ tôi viết Bạt, trích in nơi bìa sau cuốn sách, lúc ấy tôi 26 tuổi và người được giới thiệu, Sĩ Trung, 40! Trên tờ báo tôi cũng có Hoàng Trúc Ly viết tiểu thuyết từng kỳ, nhưng người ta kêu truyện của anh không có "ắc-xông" gì cả; tôi bảo muốn "ắc-xông" thì đọc An Khê, Ngọc Linh bên cạnh, còn cũng cần có thơ mộng lãng mạn chớ. Nhưng thấy không biện luận kiểu ấy mãi được, tôi mới bày ra mục Cổ tích Truyền kỳ cho Hoàng Trúc Ly viết, mỗi ngày mỗi kỳ viết linh tinh (như kể truyện cổ tích) nhuận bút là trăm rưởi, cả tháng mới lãnh được cỡ bốn ngàn rưỡi, còn viết tiểu thuyết từng kỳ, mỗi tháng có thể lãnh từ 15 tới 20 ngàn, mà có thể kéo dài cái truyện tới 6 tháng! Khi người ta in thành sách, sẽ được trả khoảng 60 ngàn nữa cho lần in đầu.
Gặp nhau như thế, trong một ê-kíp báo Nam, tôi gọi các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, An Khê bằng anh, nhưng với Ngọc Linh, Sĩ Trung, Hoàng Trúc Ly thường xưng mày tao bất kể là có ai bên cạnh.
- Được rồi, cứ cho là mày chết từ năm 70, vì lý do vớ vẩn nào đó, như thất tình Thanh Thúy chẳng hạn, nhưng mày không ra đời vào năm 1937. Xạo. Mấy cái tiểu sử của mày ghi năm ra đời vào năm băm ba gì đó. Mày già hơn tao nhiều tuổi lắm.
- Khai băm ba khỏi đi quân dịch. Như mày phải đi quân dịch thấy không?
- "Đi quân địch là thương nòi giống," như lời nhạc Phạm Đình Chương.
- Thì mày cứ thương nòi giống. Tao không thương.
Hoàng Trúc Ly quàng cổ ôm vai tôi. Tôi gỡ ra. Tôi nhớ có lần Ly còn hôn tôi nữa, nhất là lần bị phục kích ở phòng anh, tôi đẩy ra kịch liệt. Nhớ hồi học đệ nhị Hồ Ngọc Cẩn, hồi 1956 gì đó, "em" Hùng cứ đổi giờ học là chạy lại ôm eo tôi ngoài sân. Đã con trai, đã tên Hùng, lại ưỡn ẹo vuốt tóc hoài. Ly không hề giống con gái như "em" Hùng. Ăn nói chậm rãi, nghĩ ngợi, rành rọt. Lúc bị tôi đẩy ra, chỉ thấy hắn cười như một cái gì hồn nhiên, vừng trán rộng của Ly không làm cho sự hồn nhiên giảm thiểu đi chút nào.
Người bạn ấy, người thi sĩ ấy, có ai ngờ đã chết khi tuổi chưa năm mươi, hay vừa tới năm mươi.
"Chân không bước hồn đi về đất,
Chết không già là chết rất tươi."
Chân không bước mà chết, là chết đứng. Nếu bước đi, hay bước lui, có thể cái xe không cán phải anh. Nhưng số anh đã được Nữ thần Thi Ca cho thấy trước rồi:
Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm.
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non.
(HTL, Vĩnh Biệt, 1967)
Thế là sao? Người nghìn năm là người tên tuổi đến vĩnh cửu. Cứ coi người đó là Hoàng Trúc Ly cũng không sai: thơ Ly hàm xúc, vời vợi thiên cổ, có thi ngữ riêng, giai điệu riêng, tuy Võ Phiến trong cuốn Thơ Miền Nam không hề viết về anh một dòng nào, không có nghĩa là thơ anh không đáng viết đến một dòng. Khi người ta coi như, làm như một người nào đó không hiện diện, không có nghĩa là họ không ở đó. Chính sự coi như, làm như của anh, về sau này, nó khiến người thứ ba nghĩ rằng hay anh không nhìn thấy, thậm chí, chính anh đã không hiện diện ớ đó, lúc đương thời của tài năng kia. Khi anh cố tình xóa bỏ người nào đó, là anh chỉ muốn xóa bỏ người đó trong anh mà thôi; có người thứ ba thấy cả hai người, họ sẽ nghĩ rằng chính anh không có mặt ở đó, hay anh có mắt như mù. Đó là nhận xét khách quan; còn nếu biết anh không mù, anh chỉ không thích nhìn thấy, anh sẽ hiện ra đúng bản lai diện mục của mình; một kẻ cơ tâm, tiểu tâm, hay trá tâm, những tính cách không thể dung nạp nơi một nhà phê bình.
Võ Phiến có nhắc đến Hoàng Trúc Ly trong cuốn Tổng Quan, nhưng nhắc chung với những người khác, tất cả ba lần cách nhau mỗi lần vài chục dòng, chẳng hạn: "Lại như trong thơ của Hoàng Trúc Ly, của Chế Vũ, của Hoài Khanh, v.v... cũng lại đầy những ưu tư hoang mang." (tr. 299).
Thơ Hoàng Trúc Ly theo Phạm Công Thiện, được viết như sau: "Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly , ngôn ngữ hãy còn mới tinh. Mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh vật. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bực thày của thi ca hiện đại." (5)
Nhà phê bình Tam Ích viết: "Hoàng Trúc Ly đã và đang làm mọi người ngạc nhiên ít nhát là một lần nữa về thiên tài của mình. Tôi dùng danh từ thiên tài không dè dặt chút nào, Ly vốn khiêm cung; nhưng cách đây [1967] gần mười năm [1957], một trong những người bạn đường văn nghệ đầu tiên của Ly - là tôi - là người có quyền hãnh diện với chính mình, và hãnh diện cho cả văn và thơ hiện đại."(5)
Còn Trần Tuấn Kiệt mông lung hơn: "Người làm thơ không cần nghĩ đến thơ. Nhưng thi sĩ họ Hoàng thật đúng là một nhà thơ đặc biệt của thế hệ 'thi nhân suy niệm' ngày nay."(5)
Như thế trong câu thơ "Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm," chữ 'người nghìn năm' có thể hiểu chính là Hoàng Trúc Ly. Tên tuổi Hoàng Trúc Ly sẽ còn mãi trong Lịch sử Thi ca Việt Nam, dù có đôi nhà phê bình không nhìn thấy anh. Còn 'chuyến xe trăm tuổi,' chuyến xe biến Hoàng Trúc Ly thành trăm tuổi, rất đột ngột, vũ bão, khiến đất đá xẹt lửa, bốc cháy, vết bầm xanh tím đất trời, chính anh đã linh thị thấy và báo trước rồi:
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non.
Chàng vào cuộc hành trình miên viễn rất bất ngờ, chàng vốn bị ám ảnh bởi sự hủy diệt cuối cùng:
Khuya đi biền biệt về đâu
Nghiêng tai còn mãi tiếng sầu vọng âm
Đường xưa trải nhớ âm thầm
Ngôi sao yểu mệnh căm căm cuối trời.
(HTL, Hành Trình)
Đường xưa trải nhớ? Con đường trải nhớ ấy, Ly ạ, chắc là con đường Hồng Thập Tự, bắt đầu từ cổng Celcle Sportif trở đi. Đi về đâu thì cứ nghe tiếng bánh xe vọng âm cũng có thể đoán ra được. Đó là vọng âm của những tiếng sầu. Nhưng để nhớ thêm những chuyện khác, ta phải nhớ đến những gì và những con đường nào?
Người viết bài này có dịp nói về người bạn thi sĩ viết văn nhiều lần, song lần này viết theo lời yêu cầu của các bạn trẻ thế hệ sau ở trong nước, nên vừa viết, vừa kiểm lại những gì có trong tầm tay về Hoàng Trúc Ly, một cách cụ thể. Sách vở sau này nhiều người viết theo trí nhớ, hoặc không kiểm chứng tài liệu, hay không có mà kiểm chứng, nên thơ Hoàng Trúc Ly đăng lên, in ra, mà không thấy ghi trích dẫn từ sách nào - nói một cách khác, không biết đúng với nguyên văn được đến đâu. Những bài thơ đăng trong bài này, sẽ ghi rõ sao chép từ đâu. Có cả bài chưa từng đăng bao giờ, sẽ ghi rõ ở cuối bài.
Trong thư viện của tạp chí Khởi Hành ở Little Saigon còn đầy đủ các tạp chí sau đây:
1. Tuần báo Nghệ Thuật, Mai Thảo chủ nhiệm, Viên Linh Thư ký Tòa soạn, từ số 1, ra ngày 1 tháng 10.1965, đến số chót 57, tháng 11.1966.
2. Tuần báo Khởi Hành, Anh Việt Trần Văn Trọng chủ nhiệm, Viên Linh Thư ký Tòa soạn, từ số 1 ra ngày 1 tháng 5.1969, đến số 156, thiếu khoảng 30 số chót 1973.
3. Tạp chí Thời Tập, Viên Linh chủ nhiệm chủ bút, đủ bộ từ số 1, 1973, tới số chót 23 ra ngày 15 tháng 4.1975.
Trên hơn 200 số báo này, thơ văn Hoàng Trúc Ly rất nhiều, còn thêm truyện và phỏng vấn. Có một khoảng trống hơn hai năm tôi không phụ trách một tờ báo văn học nào, từ tháng 1.1967 tới tháng 4.1969, vi vừa gia nhập Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, chu toàn nhiệm vụ quân sự với Quốc Gia, vừa làm đám cưới, nên tôi sẽ kiếm thơ Ly viết hay đăng trong khoảng thời gian ấy ở các báo khác để bổ túc sau.
Nhìn vào số thư mục của thi sĩ, người đọc sẽ thấy: Hoàng Trúc Ly chỉ in một thi phẩm duy nhất thành sách, và là cuốn sách đầu tay, Trong Cơn Yêu Dấu in năm 1963. Thơ không nuôi được thi sĩ, nên thi sĩ phải viết văn. Sáu cuốn kế tiếp của Hoàng Trúc Ly là sáu cuốn tiểu thuyết. (Trong 20 năm cầm bút ở Miền Nam, cuốn sách đầu tay của tôi là một thi phẩm, Hóa Thân, in năm 1964, còn tất cả sau đó là tiểu thuyết, văn xuôi, gần 20 cuốn, cũng giản dị là vì thơ không nuôi được thi sĩ.)
Không phải nhà biên khảo nên tôi không phân tích, tìm hiểu hay chứng minh một câu thơ hay một vài từ ngữ của tác giả, bài này chỉ viết từ cảm hứng, ghi nhận, nhớ lại những lúc chuyện trò cùng bạn, và vẽ lại bằng những chữ abc chân dung của bạn. Mấy ngàn trang tiểu thuyết may ra phảng phất tiếng nói tiếng cười nhòa nhạt của Hoàng Trúc Ly, nhưng trên dưới trăm bài thơ của anh, là máu lệ là tiếng khóc tiếng la từ một tấm lòng ngậm sầu thiên cổ. Tôi bắt đầu đi tìm bạn tôi, qua vần điệu.
Tôi nhớ khi vui khi buồn quanh một bàn ăn, hay trong đám cưới của Hải Phương có cả tài tử Huy Cường của phim Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương ngồi bên Ly và tôi, và Kim Tuấn, Đinh Cường, Định Giang.
NHẬN DẠNG
Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim chắp cánh
Ngựa què rồi em cỡi lưng anh
Tôi cứ yêu khốn nạn cứ cười
Chim cứ bay cho mây gẫy cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi.
(Nghệ Thuật số 19, 19.2.1966, tr. 18)
VĨNH BIỆT
Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi
đưa người nghìn năm
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non.
(Nghệ Thuật số 19, 19.2.1966, tr. 18)
Ở SÀI GÒN
Soi gương lạ mặt bao giờ
Nửa đêm lãng đãng tôi mờ bóng tôi
Ở đây vụng dại với người
Nghiến răng nhai mãi một lời vô duyên.
(Nghệ Thuật số 23, 19.3.1966, tr. 19)
NHƯỢC TIỂU
Tổ quốc ơi nghìn năm ốm yếu
Vẽ bản đồ đầy những đường gân xanh
Anh em ơi nghìn năm ốm yếu
Thịt da bồi bằng những dòng sông xanh
Những đường gân
là những dòng sông xanh
Anh em ơi nghìn năm ốm yếu
Đường gân cắt không ra máu
Dòng sông cạn hết phù sa
Trẻ con cằn như đất mẹ
Tổ quốc còn bọc xương ga.
(Nghệ Thuật số 23, 19.3.1966, tr. 19)
Ngoài ra trên Tuần báo Nghệ Thuật Hoàng Trúc Ly còn trả lời hai cuộc phỏng vấn của tôi và gửi đăng hai truyện ngắn, "Hơi Thở Đêm Xuân" trên số xuân Bính Ngọ và "Người O" trên số báo tháng 3 tiếp theo.
(Chỉ in hai bài nơi đây)
LỜI KHẮC TRÊN MỘ BIA
Nơi đây an nghỉ:
HOÀNG TRÚC LY
Năm sinh: ngàn chín ba bảy
Năm chết: Ngàn chín bảy mươi.(*)
Chân không bước hồn đi về đất
Chết không già là chết rất tươi.
Trái tim ta
Trả lại dòng sông lim dim
Bao bến bờ không bờ bến
Sông cạn nguồn giọt máu đứng tim.
Đôi mắt ta
Trả lại mây bay đầy trời
Buổi thơ dại màu mây của mắt
Chim ca hồng tiếng hót trong nôi.
Tóc râu ta
Trả lại cỏ cây nghìn trùng
Râu dựng đứng mối sầu cổ thụ
Tóc mọc dài cành nhánh ngủ chung
Nấm mồ đó vuốt ve xác chết
Chào qủy ma bóng tối không cùng
Chào chị em còn tiền tặng hết
Cổ đeo chuông báo hiệu lâm chung.
(*) Tự xem đã chết, ngay trong cuộc sống.
(Thời Tập số 3, tháng 2.1974, tr. 61)
NỖI CHẾT
Nhà thuê mái gục sầu bao phủ
Ngõ trước cành xanh bỗng lá vàng
Tôi đã hôi tanh mùi xác chết
Từ ôm năm tháng sống hoang mang
Trẻ tuổi tôi tan thành tuổi trẻ
Mắt bao nhiêu sáng buổi lên đường
Máu bao nhiêu lửa tàn tro bụi
Áo mỏng vai gầy chuyện nhớ thương
Soi gương xin lạ mặt người trai
Râu mọc dài hơn tiếng thở dài
Từng bước hắt hiu lòng muốn hỏi
Nối vòng tay lớn nắm tay ai
Tôi trắng răng ra cười chẳng được
Đời chưa vẩy bút gió mưa chiều
Cớ sao tôi chết như trăng lặn
Dưới mộ đầu lâu không biết yêu.
(Thời Tập sổ 5, tháng 4.1974, tr. 84)
Cuộc bút đàm dưới đây diễn ra trong im lặng: Viên Linh gửi Hoàng Trúc Ly một trang đánh máy gồm 21 câu hỏi; Hoàng Trúc Ly gửi lại những câu trả lời viết tay, nét chữ lớn, rành rọt. Cuộc bút đàm diễn ra trong tháng 7.1974, đã đăng trên Tạp chí Thời Tập số 8, chủ đề Đặc biệt Thi Ca, từ trang 12 tới trang 18.
- VIÊN LINH: 1. Tính đến năm nay (1974), anh đã làm thơ được bao nhiêu năm?
- HOÀNG TRÚC LY: 1. Cũng hơi lâu, từ những năm tôi còn con nít. Tập thơ đầu của tôi, một phần dã đăng trên các báo Đời Mới, Nguồn Sống Mới, do Hoàng Trọng Miên chủ bút, khoảng 1953-54, ...
- VL 2. Liệu anh có dành hết cuộc đời của mình cho Thơ không?
- HTL 2. Đời một người như tôi đâu có quá dài, giá không dành hết cho thơ, cũng gởi trọn vào nhà thương thí, hoặc một nghĩa trang hoang tàn... Lời tự thán của học giả Trương Vĩnh Ký ngày trước, tuy mộc mạc mà hay, quá hay:
Học vấn gởi tên con sách nát
Văn chương còn lại cái quan tài
- VL 3. Thi sĩ là ai trong cuộc đời?
- HTL3. Là ai? Chính có làm gì biết nó là ai? Phải chăng là đứa con của nữ thần yêu đương Aphrodite, bị lợn rừng xé xác, từ dòng máu diễm lệ vươn lên một cánh hoa Anemone?
- VL 4. Nhà nhơ nào cùng thời đại anh làm anh lưu ý? Và anh nghĩ gì về nhà thơ ấy.
- HTL 4. Tôi đã và đang suy nghĩ, chưa được câu trả lời.
- VL 5. Còn đối với một nhà thơ lớn (mà anh chọn) ở Việt Nam?
- HTL 5. Ở Việt Nam? Lại càng... sốt ruột.
- VL 6. Đối với thời đại này, vai trò nhà thơ có nghĩa gì?
- HTL 6. Bây giờ và nơi đây, nói ra không được. Tôi mơ mộng trở lại thời đại Platon, nghe bậc thầy của Aristote đề nghị tống cổ bọn thi sĩ, sau khi tặng vòng hoa. Cũng ... "thơm" quá!
- VL 7. Ngoài việc làm thơ anh còn viết loại văn nào? Giữa văn xuôi và thơ, anh thích thơ hay văn xuôi?
- HTL 7. Truyện ngắn. Truyện dài. Biên khảo. Dịch thuật. Mê thơ hơn, cố nhiên.
- VL 8. Cuộc sống ngoài thơ văn của anh hiện nay ra sao?
- HTL 8. Thê thảm. Với tôi, tự tử là một thú vị. Hy vọng tôi gặp cái chết trong tương lai thật gần. Nhiều khi tôi lại đinh ninh đã chết thật rồi, đang là bóng ma. Ôi chao! Là con ma thì còn tự tử mà chi!
- VL 9. Những bài thơ xuất thần của anh thường đến như thế nào?
- HTL 9. Tôi tự xem chưa có bài thơ nào Xuất thần, nhân đó cũng muốn tìm hiểu bởi đâu và như thế nào, một bài thơ xuất thần sẽ đến.
- VL 10. Theo anh, Đường Thi có địa vị nào trong Lịch sử Thi ca Việt Nam?
- HTL 10. Đời Đường, học thuật chú trọng từ hoa, Đường Minh Hoàng lại là ông vua Numa-Pompilius, dù không có Egérie. Đường Thi là tiếng hót một loài chim tuyệt diệu, mang trên đôi cánh thông điệp huyền ảo của Thơ. Vang và bóng bao trùm không riêng gì lịch sử thi ca Việt Nam, mà cả thế giới. Tình vỡ mộng ấp ủ không riêng gì tâm hồn Việt Nam, mà cả trái tim nhân loại. Mường tượng như ở Pháp, duy triều đại Louis XIV mới qui tụ nổi những Racine, Corneille, Bossuet, Turenne... Khổ thật! Người ta có thể dịch thơ, rất khó dịch nổi "cái hay" trong thơ. Phải là thi sĩ có kích thước Tản Đà mới dịch thơ Lý Bạch, Thôi Hiệu... Nếu không, chỉ thác lời, thác ý mà chả thác được hồn mộng, còn gì hồn thơ, nhất là thơ Đường?
- VL 11. Tuổi tác có là một động lực lớn hơn để viết?
- HTL 11. Tài không đợi tuổi. Dù sao người lớn chớ khá mừng nếu có ai khen con em... thần đồng, bởi "thần đồng" thì "ngu lão." Xin chọn một tiêu chuẩn trung bình, tránh tác hoạ: hoặc vì quá trẻ mà ngô nghê, hoặc vì qúa già mà lẩm cẩm. Đây không là luật, nhưng là lệ, Jacques Prévert già rồi, vẫn còn được say đắm là "người tình nhân của Paris"...
- VL VL 12. Anh có những tật gì có thể nói ra được, nếu anh có thể nói?
- HTL 12. Những tập gì có thể nói ra à? Vâng, nói thì nói, có sao đâu? Trước hết, tôi mê gái, thấy con gái là sáng mắt lên. Rất tiếc, chả cô gái nào chịu mê tôi, nên vào lứa tuổi bốn mươi tôi vẫn không vợ con, không tình nhân, lạnh lẽo như chiếc mền rách. Thôi đành lang thang công viên hè phố, nhìn cảnh ái ân thiên hạ rồi trở về làm thơ ca ngợi: đời quá đau thương mà vẫn... đẹp!
Tiếp theo tôi mê thuốc phiện, từng hoãn dịch và bị ra toà về tội ghiền ma túy; giá không có người bạn thi sĩ Đào Minh Lượng, và một vị biện lý ở Gia Định, chắc tôi ở tù. Ngông nghênh cũng ngán ngồi tù, tôi vĩnh biệt nàng tiên nâu, với sự giúp đỡ của bác sĩ Nguyễn Tấn Chức, cùng ba ông bạn "bụi đời" Nguyễn Đạm, Nguyễn Diệp Đào Hoa Nguyên và Tiểu Mạnh Thường. (Xin nói một lời cảm tạ tất cả ân nhân).
À! Tôi còn mê rượu. Rất tiếc (lại rất tiếc), tôi không tiền uống rượu tây, phải uống rượu đế. Tôi thừa biết rượu đế khá độc, nhưng... ăn thua gì? Một ánh mắt mỹ nhân đủ ám sát đời ta, hà tất e ngại rượu sẽ đốt cháy tim, gan, bao tử? Âu cũng là cách "tự tử dần dần"...
- VL 13. Ý kiến của anh với sự phẩm bình?
- HTL 13. Thuở Tam Ích chưa về thiên cổ, những chiều mưa gối đầu lên nhau bên mâm đèn, anh ấy thường nhắc nhở chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, thời cụ làm chủ báo Tiếng Dân. Huỳnh chí sĩ tự xem là cây tùng, cây bách, sá gì gió táp mưa sa, mặc ai công kích, phẩm bình. Cụ thản nhiên tiến vào đại mộng. Vậy mà có báo Tiếng Dân đăng bài Cụ Huỳnh "trân trọng đáp lời ông Trúc Lâm," vốn là bút hiệu đầu tiên của Tam Ích ngày trai trẻ.
Lý do: bài phẩm bình sáng tỏ một kiến thức, nhất là một tư cách cao quí, khiến người bị chê trách không giận, còn lấy đó làm vui.
Đám cưới vợ chồng Hải Phương, thập niên '60, hàng
ngồi từ trái qua: Hoàng Trúc Ly, Huy Cường,
Viên Linh, Đinh Cường và Kim Tuấn.
Một tư cách? Ôi! "Thương ai như người xưa ngày xưa..." Hôm nay, có những "phê bình gia" dám mượn cơ hội văn chương hầu nịnh bợ, ví dụ: thơ ông tổng trưởng, thủ tướng này quá hay, thơ bà dân biểu kia hay quá! [...]
- VL 14. Điều nào đáng ca ngợi nhất trong đời sống một con người?
- HTL 14. Nỗi kiêu hãnh. Tôi nhắc lại, một Nỗi, không phải một Niềm. Thời loạn, kẻ sĩ thường bị ngược đãi, cô đơn, nỗi kiêu hãnh là vũ khí tự vệ duy nhất, cần thiết. Không thích sống nữa, hãy tự do tìm lấy cõi chết, cao ngạo và bí mật như con voi già về bãi tha ma trên núi non. Nghệ thuật đôi khi quyền phép như tiên tri Etisée, khả dĩ hồi sinh một hài nhi đã chết. Vậy một đời nghệ sĩ như Tam Ích, sợi giây siết cổ nào có nghĩa gì? Một thoáng - chỉ một thoáng thôi - ngột ngạt, sau đó, cõi chết tìm thấy đầy thanh tịnh, tài hoa mà khinh bạc xiết bao. Xin nghiêng mình.
- VL 15. Còn đáng khinh nhất?
- HTL 15. Sự giả dối. Nói như André Gide, đại đế Nã Phá Luân chỉ là tên cướp. Vậy ăn cướp vốn chưa đến nỗi tồi tệ, còn tùy thuộc vào bất hạnh hay may mắn. Đáng khinh chăng là vừa ăn cướp vừa la làng.
- VL 16. Âm nhạc, kịch, và phim ảnh, anh thích thứ nào?
- HTL 16. Tôi dốt âm nhạc, u mê về kịch, cả năm xem phim ảnh vài lần, đâu dám dành quyền... ưa thích?
- VL 17. Hỏi anh một câu dài, một câu có thể thật dài: Trong 20 năm nay ở miền Nam, anh thấy Thi Ca biến đổi tuần tự như thế nào? Những biến đổi ấy có thể kể là sự biến đổi từ khuynh hướng này tới khuynh hướng khác không?
- HTL 17. Anh nói đúng: câu hỏi chẳng những thật dài còn thật nặng, chỉ vài trang tạp chí chở sao cho hết? Gia dĩ tại xứ này, những gì tạm gọi là khuynh hướng, là trào lưu... thật lờ mờ, vang và bóng lay động nhất là những tai hoạ. Tai họa thi ca! Ôi! Tai họa vây phủ khắp trời!
- VL 18. Làm mới ngôn ngữ, đó có phải là vấn đề hệ trọng nhất của thi ca?
- HTL 18. André Dubos có nói: ngôn ngữ thi ca tạo tên thi sĩ, không hề là tiết điệu, là vần điệu. [Jean-Paul] Sartre mang dòng máu học giả, phân tích công phu hơn: người làm thơ đứng ngoài, khi ngôn ngữ dẫn lối cho gã rời nội tâm vào vật thể, gã cầm bằng tất cả như cạm bẫy hầu tóm cổ một thực tế... vi vu! Theo tôi, ngôn ngữ ngàn năm đã mòn, đã chết. Tài hoa thi sĩ là làm sống lại, tạo riêng cho mỗi chữ một sinh vật, tặng riêng cho mỗi chữ một linh hồn.
- VL 19. Anh vui lòng cho biết bài lục bát thích nhất mà anh đã làm được?
- HTL 19. "Hàng Cây Bên Đường," nhưng chỉ yêu hai câu mở đầu:
Người yêu tóc xõa tròn vai
Nửa đêm da thịt quên cài áo khuya.
Xác thân rã mục lời thề
Mùa đi lá rụng đường về xuân thu.
Nhan đề tự nó quá rõ, vậy mà bạn hữu cứ bảo tôi cảm hứng trước người yêu khỏa thân. Một họa sĩ vẽ tranh lõa thể, còn ... triển lãm luôn hai câu thơ bên dưới. Cậu em hàng xóm quả quyết tôi không người yêu, chắc là hình ảnh một... gái điếm trước giờ hành lạc! Kỳ thực, đêm xưa, tôi nhìn lên ngọn cây, rồi tựa lưng vào lưng cây, đầy âu yếm nhục cảm.
Tôi khó khăn rót lời tình tự vào tai người, tôi tỏ tình với lỗ tai... cây. Được không?
Phàm người đại giác mới gặp đại mộng, tôi quá biết vì sao Rimbaud nằng nặc đòi "hiếp dâm mặt trời"...
- VL 20. Thơ phổ nhạc được chứ?
- HTL 20. Tùy trường hợp. Khi Lamartine được mọi người ngợi ca bài "Le Lac", một nhạc sĩ thời danh ngỏ ý phổ nhạc, nhà thơ đáp: "Thơ tôi đã là nhạc, còn phổ nhạc mà chi?" Riêng trường hợp xứ này, bài thơ "Đi Chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp không xuất sắc, chính nhờ Trần Văn Khê phổ nhạc, và âm nhạc như chấp cánh cho tiếng thơ vượt lên, bay cao, lan xa, nghe ra quyến rũ lắm!
Bài "Mộng Dưới Hoa" của thi sĩ Đinh Hùng vốn đã điêu luyện, thực sự rung động lòng người. Lại có sự đóng góp tài hoa của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: đúng là một hòa hợp kỳ ảo giữa thơ và nhạc, khiến đôi chim rỉa lông nhau trên cành xanh càng cảm kích trước ân sủng của Orphée.
- VL 21. Cảm ơn anh. Anh có điều gì muốn nói thêm về thơ không?
- HTL 21. Muốn nói nữa, nói suốt ngày cho đỡ bứt rứt. Nhưng thôi, bằng hữu lại cười tôi lè nhè vì... say rượu?
(Viên Linh chọn thêm)
DĨ VÃNG
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
Những người em nhỏ bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi.
Tôi muốn hôn bằng môi của em
Mùa xưa thê thiết nắng hoe thèm
Lòng trong đã trắng tình nguyên thủy
Nghe bước xuân về êm quá êm.
Em lắng tai đâu... chiều lửng lơ
Thơ tôi vừa hát khúc ban sơ
Lòng chưa tội lỗi mà vô cớ
Bỗng muốn gục quỳ bên tuổi thơ.
Em là em - tôi có là tôi?...
Dù nghĩa thời gian ngăn cách rồi
Tôi đứng bên này lưu luyến quá
Những người em nhỏ của tôi ơi!
CHẮP NỐI`
Thái Bình Dương
Thái Bình Dương sóng vỗ
Tôi thương tôi nhớ là đây
Ôi máu người hòa nước mắt trời mây
Tim biển cả bao giờ nguôi thổn thức!
Tôi nghe bao la
Nghìn năm mây trắng quyện Hồng Hà
Vết sẹo linh hồn trong lịch sử
Rượu Đường Thi mềm môi Trang Tử
Đêm Á châu huyền diệu trăng sao
Cánh sen bừng nở
Một sớm hoa đào...
Mùa đông hè phố cũ
Tuổi tình yêu ban đầu
Em ơi em về đâu?
Ân tình đi rải rác
Còn chi một nhịp cầu
Hai mùa duyên chắp nối
Ngàn xưa qua ngàn sau
Là nghĩa đời lên ve vuốt quá
Người yêu ơi! mấy thuở mong chờ
Chín mươi dòng chữ bằng thanh sắc
Bừng sáng lưng trời ngọn lửa thơ.
NỬA ĐÊM VỀ MẸ
Rồi một hôm tôi về xóm nhỏ
Ngày già nua tóc mẹ phơ phơ
Tôi nói xôn xao tôi nói đợi chờ
Như tự bao giờ bây giờ quyến luyến
Vằng vặc sương khuya sao trời cầu nguyện
Một ngọn đèn xa... lệ nến hai hàng
Biết mấy u buồn chảy xuống trần gian
Không khóc vội nửa đêm về mẹ
Bếp lửa nhà ai má hồng em bé
Tôi thương lời hình ảnh người xưa
Tình mẹ là đây mắt mẹ lệ mờ
Tôi có bao giờ còn tôi bé nhỏ
Ai đã qua rồi quá nhiều đau khổ
Ngày ngày dân tộc u uất hờn xây
Làng ta đó tơi bời lá đổ
Chiều nhà quê nơm nớp lệ vơi đầy
Lưng chừng tưởng nhớ đàn chim trắng
Ôi khát khao khi nắng hoa đào!
Biết mấy nụ cười hiền hậu trăng sao
Không nói hết nửa đêm về mẹ.
GẶP NGƯỜI EM
Những người xưa đi rồi không về nữa
Một mình anh lại gặp một mình em
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ
Nhà anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi
Đời lạnh lùng bốn hướng gió và mưa
Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ
Anh thương em câm nín đến bao giờ.
Bởi vì đâu da em xanh giá rét
Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi
Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt
Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi
anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi
Em bềnh bồng anh phiêu lãng về đâu
Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng
Không mai sau cho nước chảy qua cầu
Em bảo anh người đi không trở lại
Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan
Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị
Em giang hồ làm tiếng hát lang thang
Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi
Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt
Anh thương em, máu vọt bốn phương trời.
CHÚ THÍCH
1. Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại, Phạm Thanh, nxb Khai Trí Sài gòn, 1959.
2. Tổng Quan Văn Học Miền Nam, Võ Phiến, nxb Văn Nghệ, California, 1999.
3. Văn hóa Văn nghệ Phục vụ Chủ nghĩa Thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954-1975, nxb Thông tin Long An, 1990.
4. Theo dấu các văn hóa cổ, Hà Văn Tấn, nxb KHXH Hà Nội, 1997.
5. Thi Ca Việt Nam Hiện Đại 1880-1965, Trần Tuấn Kiệt, nxb Khai Trí, 1967.
- Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh Viên Linh Nhận định
- Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ
- Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định
- Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký
- Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký
- Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại
- Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký
- Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |