27-10-2019 | VĂN HỌC

Đọc Thơ Cụ Giản Chi

  HUYỀN VIÊM


    Nhà biên khảo Giản Chi
    (1904 - 22.10.2005)

Thơ cụ Giản Chi phần lớn là thơ thất ngôn bát cú, một thể thơ sở trường của cụ, thỉnh thoảng cũng có những bài ngũ ngôn hay lục bát. Nội dung thơ của cụ gồm có thơ tả cảnh, tả tình (nhất là tình bạn) và những cuộc chia ly như đã nhiều lần xảy ra trong đời cụ.


Thơ tả cảnh của cụ rất đặc sắc, đượm vẻ tiêu sái của một nhà hiền triết:


Ở đây bóng dịu vang êm,

Nước đâu khe núi, trăng bên liễu hồ.

Mong manh dáng đẹp trong mơ,

Ở đây tiếng địch sông thu chập chờn.

(Cõi thơ 1936)


Bạn của cụ hầu hết là bạn văn chương như Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Giới Chi Vi Huyền Đắc, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Bùi Khánh Đản, Đồng Xuyên, Triều Sơn...


Nguyễn Hiến Lê là bạn văn thân thiết nhất của cụ vì đã cùng cụ viết chung các tác phẩm nổi tiếng: Đại cương triết học Trung Quốc, Tuân Tử, Hàn Phi Tử... nên thơ cụ viết gửi Lộc Đình rất thắm thiết, thân tình:


Trăm năm kiếp gửi thêm ngờ mộng,

Ba trống canh buông dễ bạc đầu!

Ánh đuốc dạ du buồn thấp thoáng,

Nỗi lòng độc tỉnh lụy xưa sau...

(Lại cùng mất ngủ - 1960)


Thơ cụ Giản Chi có nhiều bài viết về tình bạn và cuộc chia ly như vậy. Chẳng hạn khi nhớ nhà thơ Sao Trên Rừng (tức Nguyễn Đức Sơn), cụ viết:


Chia tay chốc mấy thu rồi,

Lênh đênh bèo giạt sóng nhồi, thương nhau.

(Thanh khí - 1978)


hay trong bài thơ “Chén rượu tống biệt” gửi Đ.M.H.:

Tiếng gà vỡ nát trời mơ,

Đêm tàn đã rũ trong tơ liễu hồ.

Sao mai gió đã thổi mờ,

Con đường đôi ngả bây giờ đôi ta.

(Bên hồ Hoàn Kiếm - 1939)


Về thơ dịch, cụ Giản Chi dịch thơ chữ Hán của các thi hào Trung Hoa và Việt Nam. Thơ dịch của cụ trôi chảy lưu loát, ý tứ thâm trầm sâu sắc, niêm luật chặt chẽ mà phóng khoáng tự nhiên.


Một trong những bài thơ dịch mà cụ Giản Chi đắc ý nhất là bản dịch bài Yến tử lâu của Phán Phán (Bạch Cư Dị có họa lại bài này):

Gác xưa đèn lụn sương mai,

Giường đôi lứa, dậy mình ai bây giờ.

Một đêm biển đợi non chờ,

Bao nhiêu cao rộng cho vừa nhớ thương.

(Lầu chim én)


Về thơ chữ Hán của Việt Nam, cụ Giản Chi dịch bài Dương Phi cố lý của Nguyễn Du:

Quạnh quẽ Tây Giao gò bãi phẳng,

Um tùm Nam Nội lác lau đầy.

Phấn son dấu cũ tìm đâu thấy,

Xào xạc thành xuân trận gió lay.

(Quê cũ Dương Phi)


Cụ Giản Chi là một học giả, một hiền giả, một thi nhân, có cuộc sống thanh đạm, trong sạch với phong thái của một nhà nho khả kính.


Huyền Viêm
Nguồn: sggp.org