|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà biên khảo
Nguyễn Văn Lục
Những năm 1954, đối với nhiều người-cả miền Bắc lẫn miền Nam- chắc hẳn là một hồi ức khó quên.
Miền Nam lúc bấy giờ đã rộng tay mở một sinh lộ cho những thân phận tối tăm nhờ đó có cơ may tìm lại được cuộc sống con người. Những người di cư năm 1954 đa phần đều là dân quê ít học nên xa lạ với những vấn đề chính trị, vấn đề ý thức hệ hay chủ nghĩa. Vậy mà họ là nhân tố chính của cuộc di cư này. Sự thành tựu của cuộc di cư chẳng những về mặt chính trị, xã hội an sinh, kinh tế như một phép lạ Hy Lạp mà còn phải nhờ vào lòng quyết tâm của đôi chân họ. Sự quyết tâm ấy thể hiện nơi một thanh niên mệt mỏi kiệt sức sau chuyến vượt thoát nằm ngủ mê man, nhưng tay vẫn nắm chặt cây Thánh giá đặt trên ngực. Và một bức ảnh gây ấn tượng nhất trong cuộc di cư: đó là hình ảnh một người tàn tật bước lên tầu bằng hai tay với lời ghi chú: Để có tự do thì dù đi bằng tay vào Nam vẫn cứ đi. (50 năm Bắc Kỳ di cư, 1954-2004, trang 70)
Hai triệu đôi chân trần, phần lớn chưa hề biết xỏ vào đôi giầy, đôi dép. Phần nhỏ là nhửng tiểu thư, trai gái Hà Nội. Họ đã làm thay đổi hẳn diện mạo của miền Nam về mặt văn hóa và con người sau này. Nghĩ lại phải thấy đó là điều may mắn và kỳ diệu. May mắn dĩ nhiên cho kẻ mới tới mà cho cả người tại chỗ. Và cho đến năm 1975, biên giới khác biệt giữa các miền về mọi mặt đã nhoà đi. Nó chỉ còn là Một. Một miền Nam-.
Nhớ lại, lúc bấy giờ trong một tình thế chính trị bất ổn, nhiều phe phái, nhiều khuynh hướng trái chiều, nhiều áp lực ngoại quốc từ nhiều phía, lòng người còn bất định chia rẽ.. Đó là một tình thế xã hội, chính trị, tính địa phương cực đoan vậy mà nó lại có cơ may tạo thành những nhân tố tích cực cho một miền Nam đầy triển vọng như một miền đất hứa sau này.
Do những hoàn cảnh Địa-Chính trị (géo-politique) cực đoan trái chiều, thật khó tin là 1954 lại là cơ may miền Nam lại thừa hưởng một không khí văn hóa, văn học mở rộng chưa từng có- Như gió bốn phương- của nhiều dòng văn học chính thống cũng như không chính thống.
Bài viết này nhằm trình bày lại sự hội nhập văn hóa của bốn dòng chảy đó. Bốn dòng chảy đó bao gồm : Văn hóa bản địa miền Nam. Văn Hóa từ Bắc du nhập vào sau cuộc di cừ từ 1954. Văn hóa du nhập từ phương Tây do các trí thức 99% du học chọn về Miền Nam thay vì về miền Bắc. Và cuối cùng không kém phần quan trọng là dòng văn học vắng mặt... Xử dụng cụm từ này, tôi muốn nhắc nhở đến phần đông giới văn nghệ sĩ còn ở lại miền Bắc bị đảng cộng sản dẹp bỏ, loại trừ thì ngược lại họ được đón nhận bằng cả hai tay ở miền Nam.
Tất cả đã làm nên sự đa dạng, sự phong phú và tính tự do và nhân bản của miền Nam VN trước 1975...
Việc tìm hiểu này dĩ nhiên không thể nào chỉ bó chặt vào phạm vi văn học, văn hóa. Nhưng còn cần tìm hiểu các vấn đề trên liên quan đến vấn đề ngữ học, xã hội học, địa lý thiên nhiên và địa lý nhân văn cũng như tôn giáo, triết học. Đó là một tìm hiểu có tính cách liên ngành (interdisciplinaire) và nhờ đó hiểu được dòng giao lưu văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc cũng như với văn hóa du nhập từ Tây Phương chảy về.
Trước khi có sự hội nhập các dòng văn hóa, văn học các nơi đổ về miền Nam thì miền Nam đã hình thành một dòng văn hóa, văn học bản địa xử dụng chữ quốc ngữ- vốn đã có mặt, ít lắm cũng trên trăm năm rồi-.
Theo tài liệu của văn khố Pháp để lại cho thấy ở Nam Bộ các vị đề đốc, thống đốc, giám đốc nội vụ đã áp dụng triệt đề việc cưỡng bách dừng chữ Quốc Ngữ qua các Nghị định còn để lại từ năm 1869, ký tên lần lượt các ông G.Ohier, Béliard, Le Myre de Vilers, Lafont v.v… Việc cưỡng bách thi hành ấy được dùng trong các thông tư, thông cáo trong hành chánh. Làng nào viết được những công văn bằng Quốc ngữ sẽ được thưởng. Công chức, nhân viên biết xử dụng tiếng Annam được thưởng.
Nó còn còn áp dụng cho các kỳ thi trong học chánh, trong việc cho xuất bản báo như tờ Gia Định báo. Tờ Gia Định báo được tài trợ dưới quyền ông Potteau và đương sự được nhận lãnh thêm 1200 quan nột năm. (Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ, thời kỳ đầu Pháp thuộc, trang 25-47.)
Và người Pháp Pháp phải mất bốn năm để hỗ trợ chính sách này trên toàn cõi Nam Kỳ…
Thật ra đây chỉ là một giải pháp chính trị nhằm loại trừ ảnh hưởng của người Tàu trên các thành phần Nho sĩ còn sót lại và thực hiện chính sách trực trị và đồng hóa. Người Pháp hiểu rõ về sự cần thiết phải loại bỏ ảnh hưởng văn hóa của người Tàu và mối lo ngại ấy là có thực. Vào năm 1905, người Tàu đã đào tạo một cách bài bản một đội quân với hơn 200.000 binh sĩ dưới cờ này đã do các sĩ quan Nhật huấn luyện.
Binh đội này trở thành một mối đe dọa cho láng giềng phương Nam. (Xem Annam et Indochine Francais: Esquisse de l’histoire Annamite II. Rôle de la France en Indochine trang 161-164.)
Giải pháp chính trị của người Pháp lại có tác dụng ngược lại là nhờ chữ Quốc Ngữ đã tạo dựng nên một nền văn học chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ thay thế cho chữ Nho và ảnh hưởng cùa người Tàu.
Về điểm này, Nam Kỳ đã đi trước Bắc kỳ một bước về sự phát triển báo chí và số người đọc được chữ quốc ngữ. Số người mù chữ có lẽ ở miền Bắc nhiều hơn miền Nam. Sau 1954, người ta còn thấy những bác đạp xe xích lô, ngồi gác chân thoải mái đọc « Bà Bút Trà » trong khi chờ khách. Phải có tiền mới mua báo được. Và phải biết chữ mới đọc được báo. Cả hai yếu tố đó miền Nam trội hơn miền Bắc một bực.
Tuy nhiên, ảnh hưởng văn hóa của người Pháp chĩ giới hạn ở một số thị dân giàu có ở Sài gòn và một vài thành phố lớn.
Nửa thế kỷ đô hộ của người Pháp chưa đủ độ chín mùi. Nó còn thiếu một chất xúc tác để chan hòa vào nếp sống bản địa. Đa số dân Nam Bộ vẫn sống nếp sống dân giã từ bao đời nay để lại. Chẳng những thế, nó chia ra hai bộ mặt xã hội trái chiều: một bên là nếp sống của đám dân thị thành-nếp sống theo Tây Phương-. Bên kia là nếp sống của người dân vùng lục châu đặm cá tính miền. Và chính nếp sống nảy làm nên cá tính của miền Nam tử giọng nói, cách ăn mặc, cách sinh hoạt làm ăn đến nếp sống văn hóa tín ngưỡng. Nó giàn dị mà thực tiễn, nó vượt khỏi khuôn khổ mẫu mực, nhưng vẫn có một khuôn mẫu cấu trúc đặc sản của người đất vùng đất mới.
Và đây là những nét đẹp văn hóa đặc thù, khởi sắc của con người vùng đất mới.
Vì thế, văn học, văn hóa với chữ Quốc Ngữ của vùng đất mới mang tính thực dụng nên còn sơ sài, còn nhiều mảnh đất hoang chưa khai phá về mặt thi ca, tiểu thuyết, kịch nghệ. Nó chưa tinh luyện, chưa đạt tính nghệ thuật cao. Nó không có cơ hội cọ sát, giao lưu với dòng chảy chính cho ngang tầm với người ta-. Người ta đây là phía Bắc.
Cùng lắm chỉ có một thứ văn hóa được gọi một cách thân thương quen thuộc là văn hóa miệt vườn hay vùng Lục Châu (chữ dùng của Nguyễn Văn Trung), đủ dùng cho nhu cầu trao đổi, giải trí cho bản địa.
Vì thế, nhiều người đã võ đoán vội vã, nhiều người chế nhạo chữ nghĩa miền Nam chưa đầy một cái cái lá đa!
Nhận xét đó cũng có phần đúng. Miền Bắc dù không chịu trực tiếp sự cai trị của người Pháp xem ra lại tiếp thu khá nhanh về văn hóa Pháp.
Sự hội nhập nhanh hay chóng tạo ra cái tâm lý so đo hơn kém, cao hay thấp- do mặc cảm tự tôn cũng có, do truyển thống thi cử tồn tích từ trước một phần, do vị trí địa lý trước đây coi Hà Nội là vùng trung tâm cũng có.
Từ đó, phía Bắc vẫn tự xếp mình vào vị trí ưu tiên về văn hóa, văn học ngay từ trước khi người Pháp có mặt.
Và một điều trớ trêu là ngay người dân miền Nam cũng tự nhận thế yếu của mình về văn học. Người đầu tiên nhận ra cái thế yếu về văn học giữa hai miền lại là một người miền Nam. Ông Đông Hồ Lâm Tấn Phác, người gốc Hà Tiên, gốc gác truyền đời của họ Mạc. họ Lâm từ di dân bên Tầu sang nước ta từ thế kỷ XVII. Ông là người người miền Nam đầu tiên có thơ đăng trên Nam Phong, ở miền Bắc lúc mới 20 tuổi.
Vì thế, ông quá hãnh diện và coi việc đó như một đặc sủng. Ông cho rằng cần học hỏi văn học xứ Bắc, thống nhất ngôn ngữ- một thứ ngôn ngữ xứ Bắc bóng bảy, trau chuốt, du dương, ý nhị và trang trọng- thay cho ngôn ngữ Nam Kỳ giọng thẳng đuột, tự nhiên lại còn hơi thô của các cây bút Nam Kỳ mà tiêu biểu là Hồ Biểu Chánh.
Hồ Biểu Chánh trở thành nạn nhân của những thành kiến văn học kể từ đó đến nay!!! Vị tất ngày nay đã hết!!!
Nguyễn Hiến Lê viết lại về giai thoại về Đông hồ như sau:
“Đọc những sách báo quốc ngữ miền Nam xuất bản khoảng từ 1900 đến 1920, chúng ta thấy có một lối viết lỏng lẻo, hời hợt, mất hẳn văn hóa cố hữu, tế nhị, cổ truyền của hai miền Trung Bắc.
Mãi cho đến sau thế chiến thứ nhất 1914-1918, nhờ cuộc giao thông tiện lợi, phong trào sách báo ở Hà Nội truyền được vào Nam, tình trạng bế tắc này mới thay đổ. Bắt đầu là Nam Phong tạp chí (1917-1934) rồi đến Phong Hóa, Ngày Nay ở Hà Nội (1932-1940) báo Tiếng Dân ở Huế (1927)… (Nguyễn Hiến Lê, Mười câu chuyện văn chương, nxb Văn Nghệ, trang 99.)
Sau này, nhiều người miền Nam coi Đông Hồ như một thứ con hoang của Nam Kỳ. Vương Hồng Sển- một người miền Nam tiêu biểu nhất về sự hòa trộn sắc tộc- Ông mang ba dòng máu trong người là Việt, Tàu và Campuchia. Ông cũng mang trong mình ngoài dòng máu còn tính chất Nam Bộ đặc sệt trong chữ nghĩa của ông và thường gọi đùa ông Đông Hồ: ” Đông Hồ là nhà văn Bắc Kỳ”.
Nguyễn Văn Trung cũng trích dẫn những bài báo của Đông Hồ đăng vào năm 1935 như sau:
Đông Hồ đã lên tiếng về việc phát âm và việc xử dụng hỏi ngã không đúng của các nhà văn Nam Bộ. Ông viết trong báo “Sống” của ông, số 19, Mars 1935 về Dấu hỏi dấu ngã như sau:
“Báo chí in trong Nam mà in được dấu hỏi, dấu ngã là một sự rất khó khăn... Chúng tôi hết sức thu xếp với nhà in và nhiều công phu xem xét để từ đây báo “ Sống” cũng in được đúng dấu hỏi dấu ngã như ở Bắc”.
Đặc biệt Đông Hồ không ưa văn của Hồ Biểu Chánh đến độ không chịu được. Ông thú nhận đọc Hồ Biểu Chánh phải nhận là ông tả đúng đời sống xã hội của Nam Kỳ lục tỉnh… nhưng “đọc thì cũng đọc”, thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơ tru thẳng tuột hời hợt của ông.
Ông viết tiếp:
“Thời kỳ đó, theo quan niệm của chúng tôi viết là làm văn chương mà văn chương thì phải sửa sang gọt dũa, phải điêu luyện chải chuốt. Đâu là tả thực đâu là tả chân, câu văn cũng phải xếp đặt lại hơn ngôn ngữ thường dân. Tối thiểu phải có một kỹ thuật… Tôi không chịu được văn chương Hồ Biểu Chánh.. Như tôi bây giờ vẫn không chịu nổi văn chương hát cải lương với văn chương của những tiểu thuyết “ chưởng” hiện đang thịnh hành”. (Lục Châu học , Nguyễn Văn Trung, chương đầu, Một mảng văn học bị bỏ quên)
Những nhận xét của Đông Hồ ngày nay cho thấy tính “nông cạn” của ông. Cái hay bản sắc của mình thì chối từ, đi nhận vơ vay mượn cái hay của người. Phải đợi đến Lê Xuyên với Chú Tư Cầu, sau này bản thân người viết bài này mới nhận thức thấm thía được cái ngôn ngữ Nam Bộ nó hay như thế nào!!!
Phải chăng vì thế mảnh đất trống văn học Nam Bộ sau này đã được bổ sung bởi một số nhà văn, nhà báo từ miền Bắc vào tăng cường gồm những “mũi nhọn” suất sắc như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Thiếu Sơn ... Đặc biệt Phan Khôi đã trong nhiều năm trời đã làm mưa làm gió với những bài viết phê bình đủ loại của ông trên Phụ Nữ Tân Văn. Phải coi đây là sự hội nhập, tiếp xúc đầu tiên giửa hai miền.
Và thừa nhận rằng đây là những sứ giả văn hóa đầu tiên từ Bắc được gửi vào.
Tuy nhiên cây khế ngọt miền Bắc trồng ở trong Nam vị tất đã ngọt. Và cây vú sữa miền Nam mang ra tặng “Bác”, bác chăm bón, tưới mỗi ngày mà cây vú sữa cứ thế mà còi cọp, teo dần nay không còn ai nhắc tới nữa.
Phải chăng văn hóa nhập cảng rất đễ bị rơi vào tình trạng bị dư thừa- không được đón nhận- (Unwanted) nếu không khéo chọn?
Vậy mà nay -1954- trong phút chốc lịch sử, miền Nam đang phải chuẩn bị đối đầu chờ đón một đội ngũ hàng loạt những văn nghệ sĩ đến từ phương Bắc. Cái khó chịu phải nhường đất đai, chia xẻ cơm áo để sống chung đã dành. Sự khó chịu, bất nhẫn có thể do sự khác biệt về lối sống, lối nghĩ, tiếng nói như những kẻ xa lạ.
Đó là sự phân biệt Nam-Bắc khó tránh khỏi.
Cứ xét bề ngoài, đa số những người miền Bắc lúc bấy giờ trông quê mùa, chất phác, sùng đạo, vận áo nâu, răng thì nhuộm đen, chân thì đi đất-ngón chân cái và chân chỏ xẻ ra để bám chặt trên đất bùn chơn trượt, răng thường hô ra ngoài và chưa bao giờ biết đánh răng bằng bàn chải, chưa bao giờ biết đến bánh mì, kẹo tây, xà phòng. Phụ nữ thì chít khăn mỏ quạ như phụ nữ Hồi giáo- xa lạ, ngơ ngác, quê mùa- so với người dân miền Nam mặc áo đen, hoặc bà ba rộng thong thả ngồi trên xe thổ mộ hay xe máy ba bánh chạy như bay trên đường phố Sài Gòn.
Cả một sự khác biệt về mầu đen- mầu nâu, về tiếng nói, về y phục. Và sự khác biệt lớn nhất là sự giàu và ngèo.
Cho nên trong công việc hội nhập, trăm ngàn khó khăn, khổ đau không thiếu các uẩn khúc, sự tị hiềm, sự hiểu lầm, ngôn ngữ xa lạ va chạm khó tránh nổi của cái mà ngày nay ta gọi là những cú sốc văn hóa.(Choc culturel). Sốc cho cả hai bên. Sốc cho kẻ phải đón nhận và sốc cho kẻ mới tới.
Kẻ đón nhận thì khó chịu, kẻ mới tới thì ngỡ ngàng.
Mặc dầu vậy, nhiều người di cư từ miền Bắc sau này vẫn coi mảnh đất miền Nam là miền đất hứa, coi lá quê hương của mình. Miền đất ấy tóm gọn trong một vài chữ là: Chỗ nào cũng có, chỗ nào cũng thừa, gần như ăn thật làm chơi, tự nhiên người dân nghèo miền Bắc trở thành trung nông mà mỗi gia đình được tặng không ba mẫu đất.
Chỗ nào cũng hứa hẹn một ngày mai tươi đẹp. Đó là cái thừa của miền Nam, cái thiếu của miền Nam nó nằm ở chỗ khác.
Chính cái thừa, cái thiếu này đã gây ra biết bao sự tranh luận!
Tuy nhiên không mấy ai lưu tâm đến một thiểu sồ nhửng thanh niên, thiếu nữ, gốc gác Hà Nội đã đem theo họ những tinh hoa đất Bắc làm đẹp miền Nam.
Thứ nhất là tiếng Bắc Hà Nội- được gọi lạ giọng nói Hà Nội đã trở thành iếng nói chuẩn trên các đài phát thanh và truyền hình sau này. Các xướng ngôn viên, các ca sĩ bất kể là giọng Nam hay Huế bắt chước nói tiếng Bắc. Các giáo sư dạy trung học người Bắc được trọng dụng hơn vì giọng Bắc. Và một số nhà văn miền Bắc viết trong các nhóm Sáng Tạo, Hiện Đại, thế kỷ 20 sau này được nhiều giới trẻ ưa đọc.
Tuy nhiên sự Hội nhập thường hai chiều. Chiều nhận và chiều thải loại. Giọng Bắc được ưa chuộng. Nhưng một số lớn từ thông dụng, các tiếng xưng hô theo chức tước, danh phận, các lối nói láy, nói mát, nói bóng nói gió, các câu chửi đủ loại có vần điệu, hầu như biến mất khi vào miền Nam. Tôi đã viết một bài tham khảo nhan đề: Cuộc di cư chữ nghĩa của miền Bắc để phân tích hiện tượng văn hóa, xã hội này. (Nguyễn Văn Lục, Lịch sử còn đó, trang 105)
Thứ hai cách ăn mặc của Hà Nội- nhất lá áo dài của tiểu thư Hà Nội- đã có một ảnh hưởng toàn diện trên toàn thể miền Nam sau này. Miền Nam đẹp, tươi sáng, mát mẻ với những tà áo trắng nữ sinh trên khắp miền đất nước.. là thứ văn hóa kế thừa, nhập cảng từ đất Bắc. Áo bà ba, quấn ống loe, rộng của người Miền Nam chui đầu vào cũng lọt, chỉ còn thấy xuất hiện ỡ người dân ở dưới ruộng. Nhưng ngược lại mầu nâu của người miền Bắc cũng tuyệt chủng, vì trong Nam chắc không có củ nâu để nhuộm. Răng đen cũng biến mất. Khăn mỏ quạ hay chít khăn cũng dần bị thay thế. (20 năm tuổi trẻ miền Nam, tren dcvonline.net Nguyễn Văn Lục)
Thứ ba, tinh thần chịu đựng, sự chăm chỉ học hành cũng như làm ăn đã là chất kích dộng thanh niên thiếu nữ miền Nam cố gắng chăm học, tranh đua với đời.
Đó là ba nhân tố tích cực trong sự giao lưu giữa hai miền Nam-Bắc.
Vùng đất Nam Bộ bị bỏ qua hoặc bị bỏ quên
Đó là ngữ từ được Nguyễn Văn Trung dùng khi ông viết cuốn Lục Châu Học, một cuốn sách xử dụng nhiều tài liệu để biện minh và phục hoạt lại dòng Văn học vùng đất mới.
Công việc phục hoạt này là chính đáng bởi vì từ nhiều năm, nhiều thế hệ nhà văn có tiếng tăm vẫn có thói quen dễ dãi không nhìn ra được cái cá tính, cái đặc sản của văn học, văn hóa của miền Nam.
Ngay bản thân người viết bài này, sau 1954 thường không đọc tờ báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, không đọc truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, không đậm đà với hát Cải Lương, đi coi Hát Bội thì chỉ thấy như phường tuồng của Tàu, la hét om sòm, ăn mặc, bôi vẽ mặt quá lố…
Sự ngộ nhận ấy bắt đầu bằng việc các trí thức miền Bắc cho rằng: Truyện ngắn và tiểu thuyết xuất hiện sớm nhất ở miền Bắc.
Vũ Ngọc Phan cho rằng Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Ông viết:
“Bởi thế cho nên Tố Tâm là quyển tiểu thuyết đầu tiên được mọi người chú ý đến một cách đặc biệt, và như thế, ta phãi nhận là dư luận cũng nhiều lúc công minh”. (Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện đại, trang 141)
Còn truyện ngắn thì dành vinh dự ấy cho Phạm Duy Tốn:
“Nói về truyện ngắn viết theo lối Âu Tây, Vũ Ngọc Phan cũng khẳng định Phạm Duy Tốn là người đi trước nhất…” (Vũ Ngọc Phan, Ibid, trang 176.)
Nói chung, dư luận miền Bắc đánh giá cao vai trò của Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh đối với quốc văn và học thuật.
Nhưng ông Nguyễn Văn Trung đã đặt ngược vấn đề bằng cách đưa ra bằng chứng là trong Nam có truyện ngắn xuất hiện sớm nhất ngay từ năm 1887. Truyện có nhan đề: Truyện thầy Lazarô Phiền của JP.J.B. Nguyễn Trọng Quản. Truyện in thành một cuốn sách không phải đăng trên báo .. Cuốn sách được ghi là tại Libraire-éditeur, rue Catinat, 1887 (do nhà bán sách và xuất bản J.Linage, đường Catinat, 1887).
Tôi phải viết ra điều này, vị nhiều vị làm nghiên cứu từ miền Bắc vào không đủ điều kiện tra cứu tài liệu miền Nam đã tự nhận họ có tác phẩm đó trong tay và viết bài phê bình.. Đây là một điều rất đáng tiếc không thích hợp cho tư cách lương thiện trí thức của người làm công việc nghiên cứu.
Như thế, công bằng mà nói, Vùng Lục Châu thì từ bao giờ đến nay, nó vốn có sẵn một dòng văn học bản địa vốn tự nó có sắc thái riêng- sắc thái miền-. Họ tự hào gọi cái sắc thái đó là cá tính miền Nam.
Cái vấn đề là một bên đặt nặng cán cân phê phán trên tính chất văn học, một bên đặt nặng đến cá tinh văn học. Sau này, tôi mới nhận thức được cái đúng cái sai khi tiếp xúc với nhiều sắc thái miền của các chủng tộc trên thế giới. Khi học Nhân Chủng học, tôi mới nhận thức được rằng cá tính văn học ở trên và ở rất cao so với cá tính văn học. Và nói một cách công bằng thì không thể mang sự cao thấp ra để so sánh hoặc đánh giá cao thấp.
Có điều gì cho phép người ta đánh giá thấp các văn hóa các dân thiểu số so với các chủng tộc được coi là văn minh? Phải nhìn nhận có nhiều văn hóa và nhìn nhận sự đa tạp và tính chất bản địa của mỗi nền văn hóa ấy. Ngày nay ai mà còn cho rằng văn hóa Tây Phương “cao hơn” văn hóa Đông Phương thì họa là điên rồ.
Và đề xuất ra một nguyên tắc bất di bất dịch cần thiết nhất: Đó là tinh thần biết tôn trọng cái cá biệt, cái địa phương tính và từ đó mới cảm thức và nhận ra vô vàn cái đẹp của văn hóa và văn học.
Và về mặt Nhân chủng học, cái văn minh miệt vườn đó đã bao lần trở thành lời mời gọi quyến rũ, thúc dục người ta cuốn gói ra đi tìm một bình minh mới cho tương lai mình và con cháu mình.
Đã gọi là cá tính thì không ai giống ai và sự khác biệt là chính.
Trong số những tác giả coi nhẹ giá trị văn học của miền Nam cách này cách khác có những tên tuổi lớn như các cụ: cụ Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Phan, Đào Đăng Vỹ. Đặc biệt Phạm Duy Tốn, (thân Phụ Phạm Duy), tác giả truyện ngắn: Sống chết mặc bay chê dân Nam Kỳ không có văn minh.
Lời chê trách này gây nên một làn sóng phẫn nộ và một số tác giả đã lên tiếng phản bác: Thế nào là Văn Minh như quý ông Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, Nguyễn Kim Đính, Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Ngọc Ân.
Hầu như cả Sài gòn- lục tỉnh chỗ nào cũng bàn chuyện ông Tốn.
Chưa cần bàn đến nội dung, đến giá trị văn học. Sự phê phán, nhận xét của văn giới Bắc Kỳ kể lá quá quắt lắm nên tờ Nông Cổ Mín đàm đã phải lên tiếng vào ngày 26-6-1919 như sau:
- Xưa rầy bổn báo thường xem báo giới Bắc Kỳ thấy luận nhiều bài thiệt là khinh bỉ Nam Kỳ thái quá; như Trung Bắc Tân Văn bàn luận về quốc văn thì cho văn Nam Kỳ là hát bội; còn Nam Phong bài của M. Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam Kỳ thì cho người Nam Kỳ có lượng mà không có phẩm; người Nam Kỳ những nhà giàu có phần đông toàn là ngu ngốc cả ...
Và lời nhận xét được coi là chuẩn mực nhất là của Phạm Quỳnh với một lời lẽ trịch thượng cho rằng:
- Trí thức Nam Kỳ mất gốc: Dự tiệc thấy có người vào dân Tây nói toản tiếng Tây. Như thế cho thấy các bậc thượng lưu trong Nam Kỳ không còn chút gì là cái phong thể Annam nữa.
- Sinh hoạt văn hóa nhiều về lượng, nhưng kém về phẩm. Kể đến báo ở Nam Kỳ thì nhiều hơn báo Trung, Bắc Kỳ về cái lượng, nhưng còn cái phẩm có được xứng đáng với cái phẩm hay không?
- Về sách thì cái tệ dịch sách của Tàu.. (..) Thứ nhất là các bản dịch cũ của tàu như Tam Quốc, Thủy Hử, Chinh Đông chinh Tây, Đông Châu, Phong thần… Những chuyện Tàu tự tám mươi đời, triều ấy văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những chuyện huyền hoặc, quái đản, của mấy bác cuồng nho bên Tàu đời xưa ngồi không bịa đặt ra để khoái trá những bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng khả kính thay.
Áy là các tệ tiểu thuyết cũ dịch của Tàu. Đến cái tệ của phần nhiều các tiểu thuyết mới ngày naym thì lại thậm hơn nữa, vì cách đặt để đủ làm cho bại hoại phong tục, điên đảo luân thường vậy. Tôi biết có bộ cực là dâm bôn mà lại rất là thịnh hành trong phụ nữ coi đó thì thì biết cái hại sâu đến chừng nào. (Nguyễn Van Trung, Lục Châu Học, chương mở đầu)
Cả một thế hệ văn học, cả một lô “đỉnh cao trí tuệ” cũng rập theo một luận điệu lối mòn, chủ quan, hời hợt… Nói gì bây giờ. Nhưng qua kinh nghiêm này, tôi trở thành người viết “đặt lại vấn đề” về mọi lãnh vực từ triết học, văn học, nhất là sử học và chính trị. Tôi thú nhận đốn ngã nhiều cây cổ thụ trong rừng và trở thành người viết ngược dòng gây nhiều ân oán..
Đó là nỗi thiệt thòi của kẻ hậu sinh muốn đi tìm sự thật!
Việc bỏ quên hay bỏ qua có một nền văn học ở miền Nam kể ra cũng khó trách, bởi vì đôi khi chính dân miền Nam cũng tự nhận mình như thế.. Hãy nghe ông Phan Văn Hùm trong bài Văn miếu ở Nam Kỳ viết về giới trí thức miền Nam.
“Dưới triều Nguyễn ở Nam Kỳ có đỗ đạt chỉ lưa thưa vài bốn tiến sĩ mà Phan Thanh Giản là được sự nghiệp hiển hách hơn cả.. Rồi trường cao đẳng, rồi trường cao học, rồi trường đại học, lần hồi thiết lập đề ở cả tại Hà Thành. Người đỗ cao ở bên Pháp về như các ông Ngụy Như Kô Tum, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Nguyên, Ngô Đình Nhu… cho đến văn thi sĩ, ngệ sĩ sau buổi ra trường cao tiểu học hoặc trung học, cũng không phải ở Nam Kỳ mà có. Tôi muốn nói vô duyên với sự học thời kim như thời cổ”. -Tạp chí Tri Tân, sốn 144, ngày 01-05-1944)- (Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học, chương mở đầu.
Không biết cụ Phan Văn Hùm nghĩ thế nào về trí thức chứ bản thân cụ cũng có bằng cao học triết học- Diplôme d’Études Suprieures de philosophie- nào có thua kém ai. Và nếu hiểu trí thức là người dấn thân nhập cuộc tranh đấu thì đất Nam Kỳ thiếu gì. Đó là những Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường, Lê Bá Cang, Trần Văn Chiêu, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Sĩ, Đào Hưng Long, Lư Sanh Hạnh, Nguyễn Văn Lịnh,, Lương Đức Thiệp, Lý Vĩnh Khuôn, Lê Quang Lương, Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Văn Tiền vào các thập niên 1930-1935.
Những thiên kiến đối với văn học miền Nam còn được tiếp sức bởi những nhà phê bình khác như Phan Khôi, Thiếu Sơn, Lê Văn Siêu. Sau này có thêm Phạm Thế Ngũ và luật sư Trần Thanh Hiệp của nhóm sáng Tạo. Trong số trên, Phan Khôi là cây bút tranh luận đanh thép nhất, trận địa nào cũng có mặt ông đi hàng đầu, nhất là về vấn đề văn học và phụ nữ.
Phan Khôi trong Phụ nữ Tân Văn số 32 viết: Vấn đề viết chữ Quốc ngữ cho đúng”. Có chỗ ông khuyên các cô kén chồng là: hễ các cậu nào viết chữ Quốc ngữ không đúng thì không lấy..Và ông cũng không ngần ngại đem mấy ông cố đạo, các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của ra mà kết án… Còn gì bất công hơn mang Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của- những người thợ nề xây dựng cái nền nhà miền Nam lúc khởi đầu ra mà phê phán-.
Sau 1955, trong một bài nói chuyện tại Câu lạc bộ Văn Hóa đường Tự Do nhan đề “Viễn tượng văn nghệ miền Nam, ngày 12-8-1960 , ông Hiệp khẳng định” Văn nghệ miền Nam không có quá khứ.
Ông Nguyễn Phủ đã phản biện lại bài viết của ông Trần Thanh Hiệp đăng trên tạp chí Bách Khoa như sau: số 88 ngày 1-9-1960.
"Lời tuyên bố của ông Trần Thanh Hiệp gián tiếp phủ nhận văn học cổ truyền miền Nam, cô lâp và tách rời miền Nam ra khỏi dòng văn học nói chung một cách nông nổi và vô bằng. Không có quá khứ là điều đáng tiếc, nhưng có may mắn là tiến mau lẹ”. (Bách Khoa, số 88 ngày 1-9-1960, trang 96-99.)
Câu chuyện phê phán văn học miền Nam tưởng rằng là văn học, nhưng thực chất là là vấn đề Nam-Bắc. Sự đố kỵ giữa hai miền là một thực trạng thường trực, có lúc đậm, lúc nhạt, lúc công khai, lúc âm ỉ.
Nhờ có cuộc hội nhập của các dòng văn học từ miền Bắc, hoặc từ các nước Tây Phương mà sự ngộ nhận dần dần được khai thông.
Nhưng kể từ sau 1954, khi có sự va chạm giữa hai nền văn học cho thấy Văn học miền Nam đã tự khẳng định bản chất văn học miền Nam như thế nào.
Dòng Văn Học bản địa miền đất mới được xây dựng dựa trên địa lý thiên nhiên, địa lý nhân văn và hoàn cảnh chính trị, xã hội thời bấy giờ.
- Về địa lý thiên nhiên
Trong một bài viết của tôi nhan đề Sông nước với con người, tôi cho rằng miền Nam có thể có một nền văn minh sông nước (Civilisation de l’eau) chăng? Nước phải chăng là một tiền đề cho sự xác lập một nền văn hóa mà sau này Sơn Nam gọi là Văn minh sông Rạch ?
Người Pháp khi đặt chân lên đất Nam Kỳ có lẽ hơn ai hết đã nhận thức rõ được điều ấy. Trong những tài liệu mà nay còn được lưu trữ, người ta thấy có những nhật ký về Đàng Trong như trong Nhật ký du hành bằng Tàu của ông D Richery đến đảo Côn Sơn (Poulor Condor) còn được biệt danh là đảo Isle d’Orléans và từ đó đề ra những hoạt động thương mại với Đàng Trong.
Mà mục đích của các công cuộc khảo sát là: "Dự án chỉ thị liên quan đến sự thám thính bờ biển Đàng Trong và đặc biệt nhất về Đà Nẵng." (Xem Victor Tantet, Chef au burerau au Ministère des colonies nhan đề : Mục lục tóm lược văn thư tổng quát về Đàng Trong/Nam Kỳ, người dịch Ngô Bắc, trong Gio-o.net)
Sự quan tâm của người Pháp cho thấy họ nhìn từ Đà Nẵng đến đảo Phú Quốc có một thuận lợi không chối cãi được về sự giao thông đường biển. Nhất là Lyautey đã có cái nhìn viễn kiến về Sài Gòn. Theo ông, nó không chỉ là nơi thuận tiện cho việc giao thông và buôn bán làm ăn, mà trong tương lai nó còn là “tiền đồn” của Viễn Đông.
Và công của Lê Văn Duyệt là dựng lên một Sài Gòn, cho người ngoại quốc đến làm ăn buôn bán và dựng nên một bến cảng trù phú, sầm uất.
Sài gòn lúc ấy được gọi là Gia Định Kinh (một thứ kinh đô của miền Nam). Nguyễn Ánh do úy kỵ và do chính sách Trung ương tập quyền đã đổi thành ly sở của Thành Gia Định.
Không lạ gì, Nguyễn Ánh đã từng trú chân ở miền đất này và lập nên sự nghiệp thì cuối cùng khi lên ngôi đã gọi miền Nam là miền đất xa xôi ấy. Điều đó cho thấy ông chỉ coi mảnh đất miền Nam như mảnh đất tạm dung. Tầm nhìn tương lai và điều ông âp ủ là mảnh đất Phú Xuân quen thuộc. Chọn lựa ấy là đúng hay sai? Nhưng giả dụ thay vì chọn Phú Xuân, Nguyễn Ánh chọn đất Gia Định với bày tôi là Tổng trấn Lê Văn Duyệt thì tương lai Việt Nam chắc hhẳn là khác. Khác theo nghĩa tiến bộ và giàu mạnh hơn?
Mặc dầu bị Trung ương hạn chế quyền hạn, nhưng cả hơn 100 năm trước đây, Sài gòn đã có Hoa Luân thuyền công ty với thủy trình đi khắp nơi như xuống Mỹ Tho, Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cù lao Gien, Châu Đốc, Long Xuyên…
Đường sông, kênh đào, rạch là mạch máu chính nối liền các lưu dân. Nay ở U Minh Thượng, tháng sau đã ở U Minh Hạ. Lúc sông Tiền, lúc sông Hậu, lúc ẩn nấp ở lung vào láng hoặc len lỏi vào các con kinh rạch.
Và cũng không lạ gì, trong một bài viết trên tờ Indochine, Louis Malleret ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam di chuyển khắp nơi chỉ bằng thuyền.. Người ta di chuyển bằng đủ thứ thuyền. thuyền có người chèo, thuyền có mái che có nhà để ở, thuyền nan, thuyền buồm, tam bản, thuyền thúng. Đặc biệt ở Huế có thuyền rồng (Galères du roi), sơn nhiều mầu, trạm trổ rực rỡ, có con rồng có vẩy và đầu ngổng cao.
Đặc biệt ở vùng lục châu- Văn hóa miệt vườn- 100% do đất phù Sa bồi từ sông Cửu Long người ta di chuyển chủ yếu bằng chiêc tam bản. Trong khi miền Đông thuộc- Văn Hóa miệt Giồng-, đất phù sa pha trộn với sỏi- người ta dùng xe bò, xe ngựa để di chuyển.
Như thế, nước và đất xác định cách sinh sống làm ăn và nếp sống vật chất cũng như văn hóa của một vùng đất nước. Chẳng khác gì các xứ Âu Châu hay các nước có sa mạc như Mông Cổ thì sự di chuyển của họ bằng ngựa.
Sông nước với miền địa lý ưu đãi như thế đã biến những người lưu dân miền Nam, lúc ban đầu, một phần không nhỏ là những dân du mục, những khu dân cư di động. (Quartier mouvant) khó phân biệt vùng nào với vùng nào.
Ngôn ngữ thông tục gọi là nếp sống Hạ Bạc (population flottante). Đơn vị làng xã như đơn vị kinh tế xã hội khép kín ở miền Bắc không có ở trong Nam.
Cho nên họ có giọng nói riêng, không giống Trung cũng không giống Bắc mặc dầu phần đông họ đến từ dân Ngũ Quảng như: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngôn ngữ nay đầy phương tính du nhập thêm tiếng Trung Hoa, tiếng Chàm, tiếng Cao Mên. Tiếng nói của họ dần mất đi cái vẻ hào nhoáng, chau chuốt bên ngoải và nhất lá dụng ý hàm ẩn. Do cọ sát thực tế, tiếng nói trở thành bộc trực đơn giản, một chữ một nghĩa, cái hiểu sao nói vậy của thuở bình minh đầu đời.
Đó là thứ tiếng nói và viết như một, nói sao viết vậy.
Trong Nam không có lủy tre, không có cổng làng, không có đơn vị kinh tế biệt lập nên những giá tri xã hội , tôn giáo, phong tục đều cũng khác biệt, thông thoáng, thực tiễn và mở rộng.
Đó là một xã hội mở. Mở theo mọi nghĩa.. Luật pháp nếu có là luật giang hồ. lấy lời nói làm trọng, trọng chữ tín. Cho dù có đi ăn cướp, ăn trộm thì cũng nhuốm sắc thái anh hùng Lương Sơn Bạc, trọng điệu nghệ giang hồ, hào hiệp bốc trời.
Nếu có luật thì là thứ luật bất thành văn. Nếu có thứ luân lý thì lấy đạo lý giang hồ làm trọng. Nếu có văn hóa thì có thứ văn hóa đa tạp, kế thừa và chọn lọc, thải loại. Nếu có tôn giáo thì là thứ tôn giáo pha trộn-tổng hợp- điều tiết.
Bỏ thứ luân lý cầu lợi cho bản thân, bỏ thói giả hình, bề ngoài thơn thớt. Nếu có luân lý thì đó là thứ luân lý khi thấy hoạn nạn thì tương cứu, đùm bọc, sống chết có nhau. Trong tình nghĩa bạn bè, khinh miệt bọn lòng lang dạ sói, bọn phù thinh hay xu nịnh. Tánh nết cương trực, bảo có là có, bảo không là không.
Chẳng hạn đạo Phật có đấy, nhưng không phải theo Đại thừa «thuần túy» mà ảnh hưởng tiểu thừa từ người Miên, pha một chút, bớt một chút, gia giảm, nặng phần tổ chức, có xu hướng chính trị và được võ trang vừa thỏa đáng nhu cầu tâm linh, vừa thích hợp với tình thế.
Đặc biệt vắng bóng hiếm hoi sư sãi trung gian mà chỉ có hàng Chức sắc trung gian lãnh đạo.
Và nói như Vilmont (quan đầu tỉnh ở Tây Ninh), viên chức cao cấp người Pháp nhận xét rằng :
Il est strictement Cochinchinois… Nó là một hiện tượng tôn giáo thuần túy Nam Kỳ. Nhận xét trên càng đúng khi áp dụng vào trường hợp đạo Cao Đài.
Đạo Cao Đài thờ Lão Tử, Khổng tử, Thích Ca, Giêsu, Lý Thái Bạch, Quan Vân Trường, Khương Tử Nha v.v...Thờ tất tần tật…
Người Pháp lại một lần nữa lấy làm khó chịu nhận xét một cách chế tiễu là «Thứ đạo tạp hóa» ( La religion de bazar).
Về địa lý nhân văn
Vùng đất mới này, dân số hỗn tạp với sắc dân từ nhiều nguồn đổ về. Từ miền Trung đổ vào vì lệnh cấm đạo, từ phía Bắc tới trong tiến trình Nam tiến. Và nói dại không có cuộc Nam tiến này thì tất cả chúng ta đều ngồi bó gối trên dẻo đất hẹp của đồng bằng sông Hồng. Cộng thêm là số người Trung Hoa tỵ nạn. Đó là những di thần bài Mãn, phục Thanh với các tên tuổi như Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch đã đến Cù Lao phố Biên Hòa.
Tưởng đến ở tạm để nuôi chí phục thù hóa ra ở luôn.
Dân số vì thế tăng lên đến 20%. Dưới triều Nguyễn, tỉ lệ thi đỗ cử nhân ở Nam Kỳ chỉ chiếm 2% so với cả nước. Tinh hoa dồn cục ở đất Bắc Kỳ nên thường được coi hay tự nhận là đất văn học. Trong khi Nam Kỳ- do những người đi khẩn hoang- thì chữ nghĩa không đầy một cái là me. Họ không rành câu cách ngôn thánh hiền. Người dân miền Nam sống gần sông nước nên chủ yếu di chuyển bằng thuyền. Nhìn lên là Trời, nhìn xuống là nước như một thứ sân khấu thiên nhiên do trời đặt để. Cho nên người ta còn gọi đó là nền văn minh sông rạch. Nhiều người lưu dân sống lang bạt, rầy đây mai đó. Làm ăn không khá cũng bỏ đi, gặp rắc rối với pháp luật cũng bỏ đi. Lại còn bọn “Gia Long tẩu quốc”, bọn bị Tây Sơn xua đuổi, sau này lại đến bọn giặc theo Lê Văn Khôi thời Minh Mạng bỏ trốn.
Tát cả những đám dân đó trở thành lớp người lang bạt, rầy đây mai đó, đâu cũng là nhà, vui thì ở, không vui thì bỏ đi. Và người Pháp đã có lý khi gọi bọn họ là Population flottante. Người ghét thì gọi bằng đủ thứ tên như dân «trốn xâu lậu thuế », bọn «trôi sông lạc chợ ».
Trường hợp Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ nói huỵch tẹt ra chỉ là món quà Huế tặng cho dân miền Nam. Biên niên sử triều Nguyễn tỏ ra bận tâm về kết quả thi cử kém cỏi của miền đất lạc thổ này.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng có nhiều con đường khác đi đến thành công giàu có ngoài con đường cử nghiệp. Huế khoa cử, Huế lễ nghĩa, vậy mà ở đó sự nghèo đói, túng thiếu có thể sờ thấy, có thể đụng mặt mỗi ngày. Vậy mà lại thừa khả năng dấy lên những cuộc bạo loạn đủ loại..Huế cộng sản, Huế Mậu thân, Huế đấu tranh đủ thứ.
Huế chỉ tắt tiếng khi có cộng sản.
Tất cả đều đã dấy lên từ đó như một miền đất nhiều bất hạnh. Ở nơi ấy chỉ có hận thù đủ loại và những giọt nước mắt thầm lặng (The silent tears). Trong khi miền đất đồng bằng sông Cửu Long nhiều dìa cá, cá nổi lên như mù u chín rụng chẳng ai thèm bắt.
Cho nên giữa một điền chủ và một ông Huyện, người dân hẳn đã biết chọn tương lai của mình về phía nào.
Nếu đã hãnh diện gọi đất Bắc là đất văn học thì cùng một lẽ ấy, gọi mảnh đất miền Nam là miền đất hứa.
Nó hứa đủ thứ. Hứa cho mảnh đất lành chim đậu, hứa cho cơm no áo ấm đến cả giàu sang thức ăn thức uống ê hề. Nhưng điều quan trọng hơn cả, nó hứa cho một tương lai con người được giải thoát ra khỏi những ràng buộc xã hội phong kiến của mảnh đất cũ với lũy tre, với tục lệ làng xóm và với chèn ép con người.
Nó không có nổi một Vũ Trọng Phụng, một Nam Cao chỉ vì nơi đây nó không có cuộc sống đọa đầy mà ở nơi đó con người không có cơ may làm người. Thêm nữa nó hứa cho một mảnh đất tình nồng lấy tình bạn, tình nghĩa xóm làng lam mạch sống luân lý.
Và như nói ở trên xin được nhắc lại một lần nữa: Và ở đâu có nhiều bạn là quê hương ta ở đó.
Nó không cần một cuộc cách mạng xã hội, một cuộc tranh đấu giai cấp với bạo lực và chém giết như những tên đồ tể giết người. Nó trọng cái đạo lý giang hồ, trọng nghĩa khí, lấy chữ tín làm đầu. Nó biết khinh miệt bọn lòng lang dạ sói, khinh miệt bọn xu nịnh, bọn phù thịnh.
Đó là sự khác biệt rõ nét giữa Bắc và Nam.. Đó cũng là sự giải phóng con người để không còn những Thị Nở và Chí Phèo căn bản dựa trên một xã hội lý gay gắt. độc đoán, phi nhân và tàn bạo.
Nhưng ngược lại nó một biểu tượng cho một xã hội tình lấy tình nghĩa làm gốc. Nó không chỉ vì mình mà còn vị người. Hoạn nạn thì tương cứu đùm bọc, sống chết có nhau, làm ơn mà chẳng kêu cầu ơn nghĩa, trả tiền thì không ai chịu nhận lại nói rằng ”có chi mà gọi rằng ơn” (chữ dùng của Sơn Nam). Cuộc chiến vừa qua nó thể hiện đúng mức và trọn nét văn hóa giữa Nam và Bắc. (Xem Lịch sử còn đó, Nguyễn Văn Lục, trang 24)
Dòng văn học bản địa lục châu dù còn có những thô thiển, nó vẫn là nơi hội tụ thuận lợi nhất tiếp nhận nhiều dòng văn học khác và nhờ đó sau 20 năm, miền Nam đã tự hình thành một nền văn hóa, văn học đa dạng, tự do và nhân bản.
Dưới chính quyền bảo hộ nó đã khởi đầu với những tài năng xuất chúng như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký. Trong ba người ấy chỉ duy nhất có Trương Vĩnh Ký được nhắc tới nhiều mà có vị đã không ngần ngại viết:
Ở Trương Vĩnh Ký, ở điểm thứ nhất, là quá cỡ, quá khổ. Có lẽ số phận đã dành cho ông một trí thức quá cỡ so với mặt bằng kiến thức lúc ấy và ngay cả với người đồng đạo đương thời. (Xem Thế kỷ XXI nhỉn về Trương Vĩnh Ký, trang 80)
Ngày nay, nhìn lại thì quả là cơ hội may mắn cho miền Nam lẫn cả miền Bắc. Và chỉ đến khi nó đụng chạm, tiếp xúc với văn học miền Bắc sau 1975, người ta mới nhận chân ra được những giá trị của nó.
Rất tiếc, lại một lần nữa, Miền Bắc phạm phải một lỗi lầm lịch sử là đã phủ nhận nó, quét sạch, tiêu hủy toàn bộ cái nền văn học ấy, đầy đọa những nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa đã góp phần hình thành nền văn học ấy.
Hiệp định Geneve một cách nào đó gián tiếp xóa bỏ miền Trung về mặt địa lý chính trị vốn đã có từ thời Pháp thuộc. Lãnh thổ thuộc triều đình nhà Nguyễn mặc dầu chỉ còn là danh hiệu cũng không còn nữa. Việc Bảo Đại ngồi lì ở Pháp để điều khiển một phần đất nước là điều chưa từng xảy ra đến một lúc nào đó tự nó phải cáo chung.
Ngày nay, về mặt địa lý, chính thức chỉ còn có hai miền: miền Bắc và miền Nam lấy vĩ tuyến 17 làm lằn ranh chia đôi lãnh thổ. Miền Bắc nay cộng thêm một phần đất phía Nam cũa miền Trung và được gọi là miền Bắc XHCN. Miền Nam kể từ sông Bến Hải với Huế, Quang Trị, Quảng Ngãi vào đến miền Nam chạy dài xuống đến mũi Cà Mâu thuộc chính phủ VNCH.
Từ nay là hai lãnh thổ, hai thể chế với hai nền văn hóa, văn học.
Miền Trung bị cắt ra làm hai mảnh chẳng những về mặt địa lý mà còn về mặt chính trị và cả một di sản văn hóa, văn học cuốn trôi theo nó.
Người dân miền Trung bỗng chốc có thể trở thành người của bên này hay bên kia tùy theo sự phân chia địa lý ấy. Sự chọn lựa đôi khi không dễ dàng gì nhất là những đồng bào Thanh, Nghệ Tĩnh- nạn nhân trực tiếp của cộng sản- phải liều thân vượt thoát ra Bắc để vào miền Nam, hoặc trực tiếp vào miền Nam bằng đường biển.
Sau này còn cho thấy rõ là đồng bào miền Trung thuộc phía cộng sản chiếm giữ trước đây như Bình Long, Phú Bổn, Quảng Trị không phải chỉ trốn cộng sản một lần mà nhiều lần. Thật vậy cứ mỗi lần cộng sản tới tới nơi nào thì nơi đó đồng bào miền Trung bỏ nhà, bỏ cửa trốn chạy tới đó.
Trong tập Bút ký: Quảng Trị đất đợi về, Dương Nghiễm Mậu kể lại rằng đồng bào Quận Gio Linh dân số 30 chục ngàn người mà đến 28 ngàn người chạy tản cư về phía Đà Nẵng.
Điều này cho thấy rõ là khi những điều kiện Địa-chính trị-nhân văn không còn thì khó có thể định hình mộtVăn Học hay Văn Hóa miền. Khi triều đình Huế còn trên ngai vị, các khoa thi, nhất là tiến sĩ đều mở ra tại Huế, thiên tài tứ phương đổ về. Huế quả thực là trung tâm văn hóa gần như của cả nước.. Nay thì hiển nhiên không còn những điều kiện khách quan để nói về một dòng chảy văn hóa. Mặc dầu danh sách liệt kê dưới đây cho thấy có nhiều người tài giỏi phát xuất từ miền Trung.
Chẳng hạn, những người như Thanh Lãng, linh mục, tên thật Đinh Xuân Nguyên, vốn gốc gác miền Trung nay được coi như người từ miền Bắc di cư vào miền Nam. Ông đã hòa nhập vào dòng chảy những người di cư từ miền Bắc vào miền Nam và đã đóng góp không nhỏ vào sinh hoạt văn học miền Nam với các tác phẩm như Văn chương bình dân, Hà Nội, 1954, Biểu Nhất Lãm Văn học cận đại, 1957, Sài gòn và 13 năm tranh luận văn học.
Trường hợp ông Hoàng Văn Chí, bút hiệu Mạc Định người Thanh Hóa, thuộc khu tư trước đây dưới quyền kiểm soát của cộng sản nay được kể là những người di cư, nạn nhân của cộng sản, di cư từ Bắc vào Nam. Với tính cách nhân chứng và sự trưng dẫn bằng tài liệu, ông đã có những đóng góp lớn chẳng những về mặt văn hóa mà nhất là về mặt chính trị như Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn 1959, Từ thực dân đến cộng sản, viết bằng anh ngữ và tác phẩm cuối đời Duy Văn Sử quan, do con trai là Hoàng Việt Dũng san định và xuất bản. (Tôi có cuốn sách này được in dưới dạng photocopy).
Thanh Tâm Tuyền gốc Nghệ An, về Hà Nội rồi di cư vào Nam năm 1954, được kể là người di cư miền Bắc và ông là một trong những thành viên sáng giá của nhóm Sáng Tạo với tập thơ Tôi không còn cô độc, 1955, Bếp lửa, truyện 1966.
Chỉ cần tạm kể ba người vốn gốc gác người miền Trung, nay trở thành những người di cư từ phía Bắc góp công sức khá lớn vào sự hội nhập Văn Hóa miền Nam.
Bên cạnh đó, người ta thấy những nhà văn, nhà thơ có tên tuối, gốc miền Trung, nhưng lại sinh sống ở Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang không được kể là người di cư và được coi như người miền Nam.
Không thuộc dòng di cư cũng không hẳn chính thức là dòng văn học miền Nam bản địa. Họ là những người như linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, giám đốc viện Hán học, cụ Nguyễn Huy Nhu, nhà nho cuối cùng, cụ Võ Như Nguyện, giám đốc viện Hán học, Thái Văn Kiểm, Cung Giữ Nguyên.
Và một số nhà văn có tên tuổi như Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Giáng, Quách Thoại, Quách Tấn, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Châu Kỳ, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, thi sĩ Tô Kiều Ngân, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, Phùng Khánh, tên thật Công Tằng Tôn nữ Phùng Khánh, Hoàng Trọng Miên (theo cộng sản lọt vào miền Nam), nhà biên khảo Phan Khoang, Phan Du (em ruột Phan Khoang), nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, nhà biên khảo Nguyễn Văn Xuân, nhà văn Lưu Nghi, họa sĩ Khánh Trường, các nhà biên khảo như Bửu Cầm, Bửu Kế, Linh mục Bữu Dưỡng, Bửu Lịch, Tạ Ký, Hoàng Xuân Sơn, Lữ Hồ, Đặng Tiến, Đào Trinh Nhất. Nguyễn Ngu Í, tên thật Nguyễn Hữu Ngư viết cho tờ Bách Khoa, Cung Tích Biền, Đào Hiếu, Diên Nghị, nhạc sĩ Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, luật sư Dương Kiền, Đào Đăng Vỹ, Đỗ Tấn chủ tương tờ báo Mùa Lúa Mới, giáo sư Hà Như Chi, Nguyễn Văn Xuân, Trần Doãn Nho, Trần Hoài Thư, Nhã Ca, Đoàn Kế Tường, Nguyễn Kinh Châu, Thục Viên, Ngy Thanh, Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Lệ Khánh, tên thật Dương Thị Khánh, Hà Thúc Sinh, tác giả Đại Học Máu, Nguyễn Liệu, Trần Lê Nguyễn, Huỳnh Hữu Ủy, Hoàng Văn Giàu và nhiều bút hiệu khác, Nguyễn Đức Sơn, Tuệ Sỹ, Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Trương Thìn v.v...
Họ nhiều lắm kể sao cho hết. Tài năng và sự ngiệp văn chương nào thua kém ai. Nhưng lại là nơi không có đất dung dưỡng người tài.
Cụ Nghè Ngô Đức Kế ra báo báo Tiếng Dân được bao lâu rồi cũng phải đóng cửa? Những dự định của nhóm nhà văn, gốc miền Trung, tập họp chung quanh Tờ Mùa lúa mới với Đỗ Tấn và Võ Phiến, rồi tờ Văn Nghệ Mới với Nguyễn Văn Xuân cũng vậy. Sau này Võ Phiến vào Sài Gòn và chỉ nổi tiếng khi viết trên tờ Bách Khoa.
Nếu miền Bắc đầu thế kỷ 20 có 4 người tài là: Vĩnh, Quỳnh, Tố, Tốn (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố) thì phần đất khô cằn sỏi đá cũng có bốn đại diện ngang tầm. Đó là Anh, Hãn, Huy, Mai. (Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Đặng Thái Mai).
Ở bên Pháp họ có thói quen nêu ba người tài giỏi nhất, gọi là Les trois H. Đó là Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Tạ Trọng Hiệp. Phía cộng sản thì đề cao các ông họ Trần là Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng...
GS. Hoàng Xuân Hãn
(1908 - 1996)
Tất cả bốn nhân tài đất miền Trung đều lần lượt ra Bắc cả. Hoàng Xuân Hãn, gốc Vinh nếu cứ luẩn quẩn ở quê nhà thì cùng lắm chỉ là một nhà thâm Hán Học!! Miền Trung quả thật là miền đất không có đất dụng võ.
Phần đông họ bỏ xứ mà đi tìm một chân trời mới để thi thố tài năng của họ mà phần lớn họ bị cuốn hút theo một dòng chảy ra đất Bắc. Đất Bắc vốn được coi là đất văn học. Một nhà văn dù ở miền Bắc, muốn nổi đình đám thì phải về Hà Nội mới viết văn được.
Các nhân tài ấy có thể chia ra làm hai loại người: Hoặc họ là thi sĩ, văn sĩ, trí thức. Hoặc họ là những nhà chính trị mà phần đông như đã nói là thứ chính trị khuynh đảo.
Về loại một, có những người như Tố Hữu, Hoàng Xuân Hãn, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Hải Triều, Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, dòng họ Nguyễn Tường với Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam và hàng trăm người khác đã ra đi như thế.
Về loại hai là những nhà chính trị phần đông là cánh tả, phần đông theo cộng sản trước 1954 và sau 1954. Họ là những người như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp rồi đến những đám lau nhau, ruồi muỗi sau này như Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, bác sĩ Trương Thìn, Hoàng Văn Giàu v.v...
Trong số những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi trên. Nhiều người có tư tưởng đối kháng, thiên tả, thiên cộng sản. Thật khó mà đánh giá Họ là ai?
Cho đến nay nhìn lại, tôi nhận thấy sở dĩ thiếu một dòng chảy văn học miền Trung đúng nghĩa với cá tính miền riêng biệt, với một phương ngữ riêng, với một đội ngũ nhà văn có thế giá và tiêu biểu tính miền có thể vì nhiều lý do:
- Điều thứ nhất, triều Đình nhà Nguyễn với nhiều dấu hiệu khởi sắc với cái nhìn tương lai đầy triển vọng thời kỳ Nguyễn Ánh Gia Long càng ngày cho thấy những biểu hiệu những người kế nghiệp không đủ khả năng gánh vác trọng trách đế nghiệp, nhất là khi phải tiếp xúc với Tây Phương. Nhiều kế sách thụ động, bảo thủ thiếu bén nhạy và không nghe những tấu chương của những kẻ có tài như một Nguyễn Trường Tộ 1 (Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước.)
Triều đình Huế tỏ ra bất lực và thụ động càng làm cho tình thế thêm sa lầy. Nhiều nhà cách mạng như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, hoàng thân Cường Để đã phải bỏ nước ra đi đi tìm một giải pháp chính trị lâu dài cho đất nước và không mấy ai còn tin tưởng vào một triều đình phong kiến nữa. Phan Châu Trinh đã không ngần ngại hài tấu tội của Khải Định vào năm 1922, gọi là: Thư Thất điều trong dip nhà vua sang dự đấu xảo ở Marseille-.
Đến Bảo Đại là một sản phẩm tồi tệ của người Pháp tạo dựng nên như một thứ bù nhìn cho nhiều thế lực lợi dụng. Triều đình Huế sau 100 năm trị vị trên đà suy vi mà chỉ cần một cơn bão nhỏ đủ làm lung lay sụp đổ. 2
Thật vậy, chỉ cần nhận được bức điện tín của Nguyễn Ái Quốc ngày 31-8-1945 mà nội dung vỏn vẹn có mấy câu như sau- một điện tín vắn gọn- không theo bất cứ thủ tục nào lại vừa tỏ ra xấc xược:
Chính phủ Lâm thời mời ông Vĩnh Thụy ra làm Tối cao Cố vấn cho chính phủ và sắp xếp đưa Cố vấn ra Hà Nội càng sớm càng tốt. Ngày 2-9, Bảo Đại đã vội vã lên đường ra Hà Nội.
Đó là một cái lệnh hơn là một lời mời. Vậy mà Bảo Đại vội vã riu ríu tuân theo, không bàn bạc với bất cứ ai về một quyết định lớn lao liên quan đến vận mệnh triều đình như vậy.
Cảnh đó có khác gì thân phận của Louis XVI trong Cách mạng Pháp và Nga Hoàng Nicolas II trong cách mạng tháng 10 Nga?
Kể đến Bảo Đại là mười ba đời vua nhà Nguyễn. Và chấm dứt ở đó.
- Điều thứ hai là dân số miền Trung vốn ít, lại nghèo nàn. Quanh năm bữa no, bữa đói cộng thêm thiên tai bão táp, lụt lội gây mất mùa đói kém. Có những trận mưa dầm liiên tu bất tận. Mưa đến thối đất. Lụt lội xảy ra hằng năm. Khí hậu cực kỳ ẩm thấp. Khi nóng thì nóng chảy mồ hôi với gió nồm, gió Lào. Khi lạnh, lạnh thấu da thịt. Lạ gì phần đông những nhân tài hiếm hoi đều bỏ xứ ra đi vào Nam hoặc ra Bắc tìm sự nghiệp. Những o ép chính trị, những biện pháp hà khắc trong phạm vi tín ngưỡng thời triều Nguyễn cũng đã làm cho dân chúng miền Trung bỏ làng mà đi vào lập nghiệp ở miền Nam.
Sự nghèo nàn nói chung so với các vùng phía Bắc và phía Nam càng làm cho khát vọng ra đi là một đòi hỏi thúc bách. Chất xám trở thành hiếm hoi do hiện tượng xuất huyết nhân tài.
Không lạ gì khó kiếm người về Huế mà cũng khó cầm chân kẻ ở lại.
Những kẻ ở lại đôi khi không có khả năng- chỉ dùng để lấp đầy những chỗ trống bỏ đi ấy.
Dễ gì để có một Hoàng Xuân Hãn. Vạn người vị tất đã có một người. Làm sao những người ở lại có thể vực dạy một thể chế chính trị và văn hóa đã suy vi chỉ còn vớt vát giữ được cái vỏ bên ngoài.
- Điều thứ ba, miền Trung trong đó có Huế còn là sân khấu cho nhiểu biến cố chính trị long trời lở đất. Hầu như những biến động lịch sử chính trị quan trọng nào thường cũng khởi đầu từ miền Trung và từ đó lan rộng đi các nơi khác. Như Giai đoạn Trịnh-Nguyễn rồi giai đoạnTây Sơn-Nguyễn Ánh. Gần đây nhất là biến động miền Trung từ 1963 đến 1966. Không có sự khởi động từ Huế- có thể không có biến cố chính trị 1963 và cũng có thể không có một Huế tết Mậu Thân 1968 bi thảm. Rồi kết thúc bằng Quảng Trị 1972 và di tản Huế- Đà Nẵng 1975. Một phần những biến động này đã được Nguyễn Mộng Giác viết lại trong Sông Côn Mùa Lũ và Mùa Biển điộng.
Ta dễ không lạ gì nhiều người miền Trung, nhất là Huế có điều kiện đã bỏ đi. Mỗi biến động chính trị, Huế hao hụt và mất đi một số người.
Trong một bài viết nhan đề: Nhớ lại Đại Học Huế, giáo sư Lê Thanh Minh Châu đã viết như thế này:
Từ giã hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng ngoài Trung, tâm trí còn xao động với những hình ảnh của cảnh loạn ly, tôi vào thủ đô thấy dân chúng thảnh thơi rảo bộ trên đường phố, các tiệm ăn đầy khách, không khí tưng bừng như ngày hội. Tôi lúc ấy đã thấm thía thấy rõ sự cách biệt giữa Sài gòn và Huế trong điều kiện sinh sống và làm việc. (3) Trích Tiếng Sông Hương, Nhớ lại Đại Học Huế, Lê Thanh Minh Châu, trang 72.
- Điều thứ tư, sống trong những điều kiện thiếu thốn và thiệt thòi về mọi mặt, không lạ gì tâm lý người miền Trung nói chung thường có những mặc cảm miền. Mặc cảm miền có thể ở đâu cũng có ít nhiều. Nhưng ở Huế, mặc cảm ấy vừa tự ty, vừa tự tôn ở một tầng cao. Từ đó nó sẽ tạo ra những phản ứng dị ứng hoặc phản ứng thừa. Do mặc cảm miền, có nhiều người tránh nói tiếng địa phương để khỏi lộ dấu tích miền. Tôi có bạn bè người Huế, gặp thì họ nói tiếng Nam, có khi pha giọng Bắc. Nhiều khi quen chưa đủ thân tình tưởng họ là người Bắc. Nhưng khi hai người miền Trung mà găp nhau thì họ đổi ra nói toàn tiếng Huế, giọng Huế.
Tâm trạng ấy tưởng chỉ xảy ra trong đám trí thức hay thành phần có ăn học. mà ít xảy ra đối với người dân thường. Nhưng thật là ngạc nhiên, ngay những người tồn cổ, trọng gốc gác như ông Ngô Đình Diệm, khi về làm thủ tướng, ông cũng tập luyện để nói giọng miền Nam khi diễn thuyết.
Chúng ta nhớ lại giọng của ông Diệm trong các bài diễn văn có phải là giọng Quảng Bình không? Không, ông nói một giọng Nam pha chế. Điều này đã được ông Huỳnh Văn Lang, một trong 6 vị trí thức bỏ học ở Mỹ trở về giúp ông Diệm tiết lộ trong cuốn Hồi ký của ông, phần một. (4)
Nhưng Huế có một cái may mắn hơn các tỉnh miền Tây là ngay từ đầu của thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Ông Diệm đã có một chủ đích và một cái nhìn ưu ái dành riêng cho miền Trung bằng cách thành lập Viện Đại Học Huế-.
Viện Đại học Huế chẳng những có tác dụng đào tạo nhân tài tại chỗ và nhất là tác dụng Cầm Chân sự xuất não nhân tài đi nơi khác. Những Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Mộng Giác, Đông Trình đều từ lò đào tạo này và trở thành những tên tuổi sau này. Nhưng thất vọng thay, chính những sinh viên, trí thức Huế trong biến động 1963 đã phủ nhận những thành quả này. Họ đã truất phế người sáng lập- viện trưởng Cao Văn Luận- cũng như gán ghép những ý đồ xấu cho ông Ngô Đình Diệm. Sau này, tệ hại hơn nữa năm Mậu Thân 1968, những thành phần thiên tả nằm vùng đã giết đi những vị giáo sư ân nhân của đại học Huế. Quả là Huế giết Huế.
Họ đã quên rằng sau 18 năm Đại học Huế được thành lập đã đào tạo được hàng ngàn cử nhân văn khoa và khoa học, giáo sư trung học, luật sư và bác sĩ. Chỉ riêng 15 khóa đầu của trường Y khoa Huế đã cung cấp cho miền Nam 400 bác sĩ!
Người ta còn đòi hỏi và muốn gì hơn nữa. Một lần nữa cho thấy Huế phản bội Huế!!
Đến nay, Huế là một trong những tỉnh thành tụt hậu nhất về mức sống. Nhưng lại tỏ ra ngoan ngoãn về mặt chính trị và nhất là mặt tôn giáo. Họ im thin thít trước bạo lực cộng sản. Bởi vì giả dụ có đến cửa Thượng Tứ từ đầu bên này sang đầu bên kia đi đâu ta cũng chỉ đụng đầu với các nhà văn hoặc nhà thơ.
Có điều gì đáng tội nghiệp nhất cho Huế thì vẫn là những người con gái Huế- Đã một thời là nữ sinh Đồng Khánh-!!!
Cuộc di cư của một triệu người miền Bắc vào miền Nam là một bài toán nan giải, đầy thử thách về mọi mặt mà nghĩ lại không khỏi giật mình. Trước tiên, nó đặt ra bài toán di cư, tiếp cư, rồi định cư. Sau đó đến vấn đề đời sống, công ăn việc làm và hội nhập. Vấn đề di cư, tiếp cư, chúng ta có thể trông cậy vào quốc tế, nhất là Mỹ.
Nhưng vấn đề định cư, hội nhập, thích ứng với môi trường xã hội bản địa là vấn đề của người Việt Nam với Việt Nam- vấn đề của chính chúng ta.
Mà trong đó chủ yếu là vấn đề nhân sự. Vấn đề con người. Nếu không nhấn mạnh đến yếu tố con người thì thật là một thiếu xót khi nói về dòng du nhập của dân Bắc Kỳ di cư.
Chính do con người và chỉ vì tính chất và cá tính con người đã tạo nên diện mạo văn hóa miền Nam- một sự hòa nhập tuyệt vời- mặc dù có những yếu tố dị biệt-. Trong suốt 20 năm miền Nam, người ta đã không thấy, không nghe- dù chỉ một lần- sự kỳ thị Nam-Bắc đã đưa đến sự đổ máu, chém giết nhau vì khác biệt, vì đất đai hay vì quyền lợi.
Trong khi đó, ngày nay, chỉ vì bắt trộm một con chó, kẻ đi bắt trộm phải trả giá bằng sự trừng phạt là chính sự sống của mình.
Điều gì đã làm cho chúng ta – người miền Nam nói chung- tránh được một tai họa như thế? Xin hãy nghe một người dân chính gốc Nam Bộ, từng đi kháng chiến Việt Minh, tác giả bộ sách: Lớn lên với đất nước bày tỏ về vấn đề này:
“Người dân hai miền Nam-Bắc gặp nhau ở vùng đất phù sa màu mỡ của sông Hậu. Cùng là nạn nhân của chế độ cộng sản, dễ thông cảm, họ trao đổi với nhau những gì đã nghe, thấy cộng sản nói và làm trong 9 năm sống với chúng.
Đời sống của đồng bào di cư được ổn định trong những vùng dinh điền. Cụ thể và điển hình là Trng tâm Dinh điền Cái Sắn, trù phú, sung túc, trường học khang trang, thầy cô giỏi chăm sóc thế hệ mai sau. Cầy tơ và rượu đế là cặp bài trùng của những người Nam-Bắc hằng ngày vật lộn với đất bùn ngoài ruộng miền Tây Nam Bộ.! (5) (Vy Thanh, Lớn lên với đất nước, trang 327).
Phần tôi, thôi thì chỉ biết tạ ơn Trời!!!
Có gần một triệu người bỏ đất Bắc vào miền Nam, trong đó phân nửa số đó sinh sống ở Sài Gòn và vùng phụ cận, nâng tổng số dân Sài Gòn lên trên hai triệu người. Làm sao ổn định đời sống có công ăn việc làm cho họ? Vậy mà chỉ hơn một năm sau, những lớp người di cư ấy tỏ ra đứng vững trên đôi chân của mình trên mảnh đất mới. Nhà cửa san sát, từ lợp tôn, vách gỗ chuyển sang nhà gạch, xây thhêm tầng. Khu Trương Minh Giảng so với khu Khánh Hội, quận tư cho thấy một sự thay đổi, phát triển của hai tầng lớp thị dân mới và cũ.
Sức vươn lên của người miền Bắc di cư là đòn bảy cho đà phát triển của toàn miền Nam. Có một văn hóa Hội nhập- một văn hóa tiếp thu và một sức mạnh vươn lên của cả một thời kỳ. Một thời kỳ mang đầy triển vọng và hứa hẹn cho một tương lai dân tộc.
Sự chịu khó là nhân tố tích cực và quyết định cho sự ổn định này. .Dân Bắc Kỳ đã làm đủ thứ nghề, đủ công việc để tồn tại như dệt chiếu, dệt vải, thêu thùa, đào ruộng rau muống, may đan đến giã giò, mở cửa hàng thịt chó và ngay cả làm pháo tết.. Khu Xóm Mới, Gò Vấp, tiếng chuông nhà thờ rộn rã hòa nhịp với tiếng giã giò liên hồi như trống ngũ liên.
Miếng ăn, miếng uống như rau muống, giò lụa, nem chiên (chả giò), bún chả, bánh cuốn Thanh Trì, đậu rán chấm mắm tôm nhất là phở,- linh hồn của Hà Nội- chẳng mấy chốc chinh phục được khẩu vị dân miền Nam và trở thành những món ẩm thực văn hóa. Gánh phở Hà Nội nghi ngút khói tại khu Cửa Bắc, Bờ Hồ Hà Nội, phở Tàu Bay – 5 đồng một tô cũng có, ba đồng cũng có- giá bèo ở Hà Nội - chẳng mấy chốc trở thành phở Hiền Vương, phở Công Lý, phở Tàu Bay Lý Thái Tổ với vè, sụn, mỡ gầu, mỡ lật, vừa nạm vừa sụn, nước đã kéo dài và nối liền Hà Nội- Sàigon…
Nhà văn Vũ Bằng
(1913 - 1984)
Vũ Bằng khi vào trong Nam, nhớ Hà Nội da diết không quên đã viết một thiên phóng sự “Miếng ngon Hà Nội” - đọc muốn chảy nước miếng- Với trích dẫn: miếng ngon nhớ lâu, cơ cầu nhớ dai-. Ông cũng đặt phở bò là món ngon hàng đầu của Hà Nội.
Chỉ tiếc một điều, ông đã không nhận ra được và khai triển tính cách Hội nhập của văn hóa ẩm thực miền Bắc tại miền Nam.
Đó là niềm hãnh diện cho Hà Nội, cho miền Nam và nay cho tất cả người dân miền Nam ở hải ngoại hiện nay. Chúng ta đã chinh phục thế giới bằng thứ văn hóa ẩm thực- không phải bằng tuyên truyền, bằng bạo lực, bằng áp bức như cộng sản Hà Nội.
Bởi vì, cái văn hóa ẩm thực ấy nay đã thành cái Identité, cái căn cước Việt khắp nơi nào có bóng dáng người Việt Nam.
Sự hội nhập có thể đã bắt đầu từ những món ẩm thực này của người dân di cư trước khi nói đến sự hội nhập ở tầng cao về văn hóa văn chương chữ nghĩa của nhóm Sáng Tạo, của những bài thơ tình của Nguyên Sa.
Nhân tố thứ hai phải nhìn nhận là họ được các cha xứ hướng dẫn, tổ chức, chủ trì mọi việc với tinh thần tổ chức và kỷ luật nghiêm chỉnh.Tại các xứ đạo, việc trước tiên là xây nhà thờ, rồi trường tiểu học và sau cùng là nghĩa địa trong một quy trình khép kín với niềm tin tôn giáo, thứ đến phát triển và cuối cùng kết thúc cuộc đời… tại nghĩa địa an nghỉ đời đời.
Hãy tạm quên cái sức mạnh tôn giáo ấy trong cái thời bình an, thịnh trị thời VNCH. Ít nhất thì hiện nay cái “nếp sống đạo quê mùa” ấy đang là một thử thách và một thách thức sống còn trước một sức mạnh toàn trị của một chủ nghĩa không có con người và vắng bóng con người.
Chỗ nào còn có tôn giáo còn có hy vọng giải thoát gông cùm cộng sản. Sức mạnh tôn giáo trong chiều sâu tâm linh giúp con người ít nhất vượt qua được thử thách và bình an trong tâm hồn. Nó là nguồn an ủi trong đêm tối mịt mù của cuộc đời ô trọc này.
Nhưng người công giáo chỉ chiếm tỉ lệ người di cư chưa tới một phân nửa, nghĩa là vào khoảng trên 350.000 người trong tổng số 900.000 người di cư, và phần lớn ở các khu định cư. Số người còn lại là những quân nhân, công chức, giới trí thức và giới tiểu tư sản thành thị và học sinh, sinh viên.
Đây là những thành phần giai tầng xã hội có tác dụng làm thay đổi diện mạo văn hóa, văn học miền Nam về mọi mặt một cách khẳng định.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam thì đây là cuộc di dân lớn nhất của một khối dân chúng mà sau này lịch sử phải ghi nhận đây là một cuộc Nam tiến lần thứ hai vô tiền khoáng hậu.
Cuộc di cư đúng là một bi kịch lịch sử của con người- của nhân loại nói chung- chống lại một ý thức hệ dã man, nhưng đồng thời là một bi kịch hùng tráng.
Cuộc di cư đã diễn ra trong một tình huống chính trị cực đoan hoàn toàn bất ổn bất lợi cho vị thủ tướng mới.
Ngày mồng một tháng sáu, năm 1954, một người Mỹ tên Edward Landsdale với chức vụ
Phụ tá tùy viên không lực của tòa đại sứ Mỹ- thực ra là Giám đốc C.I.A của
Mỹ- đến Sài gòn chuẩn bị cho việc ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng- thủ tướng
thứ sáu của Quốc trưởng Bảo Đại trong vòng bảy năm.
Ba tuần sau, ngày 26 tháng sáu, ông Diệm bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất và có khoảng 500 người đón tiếp ông. Một con số vô nghĩa so với số dân gần 15 triệu người.
Một tương lai chính trị với những đám mây mù đang chờ đợi ông thủ tướng.
Đầu tháng bảy, ông đã có mặt ở Hà Nội để tiếp xúc với Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí và quân đội Pháp về số phận những người di cư.
Rõ ràng mối lo toan đầu tiên và trên tất cả mọi truyện của ông Thủ tướng là bằng mọi cách, mọi phương tiện vận động là đưa được khối lượng người di cư vào được miền Nam. Đồng thời cũng là mối lo toan chính trị để có thể đương đầu với thế trận cộng sản.
Người di cư- bất kể tôn giáo- xin nhắc lại như thế- đã biết ơn Người đã cứu vớt họ.
Về lại Sài Gòn, người làm việc không có.. Người tại chỗ đều là người của ông Thủ tướng cũ, hoặc người của ông tướng Hinh hoặc tay chân của Bảy Viễn hay tay chân của Pháp làm sao tin dùng? Ngân sách trống rỗng. Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí từng than:
Từ 1948 đến nay, chúng ta ngày đêm nhức đầu với việc quê hương. Nào cải tổ, nào tổ chức, nào thúc đẩy, nào phá đi làm lại, một kẻ làm ba kẻ chơi, năm kẻ gây hại, thiên hạ vẫn trách móc và bôi nhọ… (6) Đoàn Thêm, Những ngày chưa quên, ký sự, trang 235
Cho nên không lạ gì, ông thủ tướng phải điều động, ký sắc lệnh triệu ông Đoàn Thêm- một viên chức hành chánh của thủ hiến Nguyễn Hữu Trí từ ngoài Bắc phải vào trình diện gấp thủ tướng Diệm ở Sài Gòn.
Mồng 8 tháng 7, nhận được lệnh, 11 tháng bảy, ông Đoàn Thêm đã có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Có lẽ ông Đoàn Thêm là viên chức lãnh đạo chính quyền đầu tiên- từ ngoài Bắc- được bổ nhiệm vào làm việc dưới quyền thủ tướng Diệm cùng với Lansdale – người Mỹ.
Đại tá Lansdale trong hồi ký của ông nhắc lại lần đầu tiên đến dinh thủ tướng thì không có cả đến một người lính gác và ông một mình tự động lên lầu hai, tự giới thiệu và gặp thủ tướng…(7)
The small governmental palace where the prime minister held office(The French occupied the main governmental palace) was in a disorganised state when Helleyer and I arrived. There were no guards to challenge our entry, no civil servants to receive visitors. (8) (In the midst of wars, Edward Geary Lansdale, trang 158)
Trong số khoảng một triệu người di cư-phần đông là dân quê nghèo nàn và ít học- còn lại là một số nhà văn, nhà báo và giới trí thức sinh viên, học sinh tính chung được khoảng 100.000 người...
Nhưng con số nhỏ ấy sau này đã làm nên chuyện ngoài sự mong đợi của mọi người.
Cuộc di cư năm 1954 cũng đã chỉ ra rằng nó không phải chỉ là một cuộc di cư người.
Nó còn là một cuộc di cư chữ nghĩa và văn hóa. Một triệu người di cư chuyên chở theo như một thứ hành lý mang theo về phong tục, tôn giáo, tập quán, nếp sống, nếp nghĩ, tiếng nói từ miền Bắc vào miền Nam.
Và mỗi một người trí thức trẻ từ Hà Nôi đã mang thêm theo họ một mảnh Hà Nội qua hội họa, thi ca, âm nhạc và nhất là văn hóa Hà Nội.
Trong sự giao thoa, tiếp xúc với dòng văn hóa bản địa hẳn là có sự cọ sát, sự so sánh, sự phân biệt hơn kém và mỗi bên cố tạo cho mình một thế giới riêng, một nhân cách., một cách sống.
Và nếu họ cầm bút thì tự tạo cho mình-một thứ ngôn ngữ văn chương- một bút pháp- một kỹ thuật viết, kỹ thuật xây dựng chuyện. Cũng từ đó dặt ra vấn đề viết cái gì, viết thế nào, viết cho ai, viết để làm gì? Và chính ở thứ ngôn ngữ văn chương của mỗi tác giả hai miền định hình cho tính chất sáng tạo của dòng văn học.
Bút pháp Mai Thảo không có điểm tương đồng nào, không có một mẫu số chung để so sánh với Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam. Những ý tưởng gợi ý này sẽ mở đầu cho cuộc giao lưu chữ nghĩa của miền Nam trong suốt hơn 20 năm chung sống sau này.
Cuộc di cư khởi đầu dứt khoát là một chọn lựa chính trị.
Đi hay ở bày tỏ một thái độ, một quan điểm chính trị, một lập trường. Nhưng không ngờ sự chọn lựa chính trị lúc bấy giờ còn là một chọn lựa mang tính văn hóa, chấp nhận gia nhập vào một xã hội mới với nhiều công đoạn như hội nhập, thích ứng và đồng hóa.
Sự hội nhập ấy như thế nào- từng giai đoạn cọ xát- cho thấy nó vượt khỏi tầm nhìn và tiên đoán của mọi người!!
Đó cũng là nét tiêu biểu nhất cũng là nét đẹp nhất trong suốt hơn hai mươi năm miền Nam. Và nay xin đi lại từ đầu.
Tuy nhiên, xin ghi nhận là có một số nhà văn, nghệ sĩ đã vào miền Nam trước 1954 cần được nêu ra ở đây. Xa Xôi nhất có thể là Nguyễn Hiến Lê, là công chức nên được đổi vào Sài gòn từ 1934. Sau đó đến nhạc sĩ Lê Thương, thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nhà văn Nhất Linh, nhà văn Thanh Nam và nhất là ca sĩ Anh Ngọc và Phạm Duy.. Một số những tên tuổi trên như những kẻ di mở đường đóng góp một cách không chối cãi được vào dòng chảy Văn hóa, văn học miền Nam.
Đó là những tài năng cá biệt và vượt bậc.
Nguyễn Hiến Lê- hầu hết kiến thức của ông đều do tự học- ông chuyên về biên khảo với rất nhiều đầu sách về lịch sử và triết học Trung Hoa, ông là thầy dạy của nhiều thế hệ thanh niên miền Nam với tủ sách nhan đề: Học làm người… Nhiều người đã không biết Nguyễn Hiến Lê là nhà biên khảo gốc Bắc nữa. Chỉ hơi tiếc một điều, ăn cơm gạo miền Nam, nhưng ông vẫn hướng về miền Bắc XHCN xa xôi. Và cũng như nhiều người khác, chỉ đến sau 1975, sống với ma quỷ, ông mới vỡ lẽ ra và không khỏi thất vọng.
Ca sĩ Anh Ngọc, nhân viên của sở thông tin Hoa Kỳ, vào Sài Gòn từ năm 1949. Nhưng ông nổi danh khi có cuộc di cư. Ông hát thường xuyên trên đài phát thanh Sài Gòn. Đây là giọng ca đầy nam tính, mạnh, trầm ấm.- một thứ tiếng hát của giọng ca Hà Ô Lôi trong Lĩnh Nam trích quái- Tiếng hát của cả một thời bên cạnh nhạc sĩ Phạm Duy. Sau này có thêm giọng ca của Sĩ Phú và Duy Trác. Cả hai ở ngoài đời một là sĩ quan không quân và một là luật sư. Cả hai đều có giọng sang, bài hát được chọn lọc kỹ càng.
Miền Nam nắng ấm lên về những giọng ca vàng này. Tiếng hát của Anh Ngọc, Thái Thanh và sau này Khánh Ly- Tiếng hát của cả một thời- của cả một đời người- trong dòng giao lưu văn hóa giữa hai miền. Bên này là Út Trà Ôn, Thành Được, bên kia là Anh Ngọc.
Đến Phạm Duy thì khỏi phải nói. Ông là nhạc sĩ hàng đầu của miền Nam và chỉ có Văn Cao và Trịnh Công Sơn là có thể so sánh được với ông. Ông đã để lại cả ngàn bài ca cho đời với nhiều bài bất hủ. Tiếng tăm ông cũng có mà dư luận xấu xa cũng không thiếu. Nhưng trên tất cả, ông là nhạc sĩ tài danh của cả hai miền mà phân biệt Bắc Nam ngày nay trở thành điều không cần thiết.
Tiếp theo là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, sinh ở Hà Đông, nhưng phục vụ Đài phát thanh Quốc Gia, tại Sài Gòn từ 1951.
Nhạc sĩ Lê Thương, sinh tại Hà Nội, nhưng đã vào Nam sinh sống từ 1941 đến nay.
Đến nhạc sĩ Hùng Lân.. tên thật Hoàng Văn Hưởng, tại Hà Nội. Vào Nam từ năm 1945, giáo sư trường Quốc Gia âm nhạc.
Ngoài ra, còn một nhân vật chính trị hàng đầu thời đệ nhất cộng hòa là ông luật sư Trần Chánh Thành..mà nhiều người đã vô tình quên ông. Ông theo Việt Minh trong thời kháng chiến, rồi bỏ Việt Minh, trốn về Hà Nội và vào Nam năm 1952. Ông cùng với nhóm anh em gồm 36 người từng theo kháng chiến như Cao Xuân Vỹ, Trần Hữu Dương, Hồ Đắc Điềm, Phan Thành Vinh, Nguyễn Duy Quang, Phan Huy Xương, Phan Quang Đán, Tôn Thất Trạch như nhiều người rời bỏ kháng chiến về thành.
Ông làm tập sự luật sư trong văn phòng của luật sư Trương Đình Du. Khi ông Nhu ở Đàlạt chủ trương tạp chí Xã Hội, ông Trần Chánh Thành đã hợp tác và họ trở thành chỗ thân tình của ông Ngô Đình Nhu. Ông Trần Chánh Thành là người được ông Ngô Đình Nhu gửi sang Pháp vận động cho việc ông Ngô Đình Diệm về nước. Sau đó, ông Thành được cử làm bộ trưởng Phủ thủ tướng, rồi bộ trưỡng bộ thông tin.
Ông Trần Chánh Thành và các ôngTrần Trung Dung, Nguyễn Hữu Châu, cả ba là những vị công thần của nền đệ nhất công Hòa.
1975, buổi sáng khi cộng sản vào tiếp thu Sài Gòn, ông quyết định tuẫn tiết tại nhà.
Đây là một cái chết bi thương và thầm lặng, hầu như trong sự quên lãng của mọi người.
Sự tuẫn tiết của một số tướng tá sau 1975 được nhắc tới nhiều. Người ta đã quên hoặc không biết đến việc tuẫn tiết của ông Trần Chánh Thành. Ghi lại nơi đây như một nén hương tưởng nhớ đến một chính trị gia lỗi lạc của miền Nam VN.
Những vị trên đây là ưu phẩm của miền Bắc, là những đại sứ văn hóa, văn học của miền Bắc- làm tăng thêm tính đa dạng và phong phú của diện mạo văn hóa miền Nam.
Sau đó là hàng loạt giới trí thức khoa bảng hàng đầu của đất Bắc vô Nam:
Trước hết là những người trí thức đã có danh phận:
Nói chung, đại đa số các giáo sư đại học các ngành đều chọn di cư vào miền Nam. Trong số những người di cư thuộc đủ thành phần, tôi tạm chia ra một số thành phần như sau. Trước hết là loại trí thức đã thành danh, đã có danh phận. Số trí thức này không nhiều, nhưng nhờ sự có mặt của họ ở miền Nam những ngày đầu gíúp chính quyền Ngô Đình Diệm giải quyết ngay được việc điều hành chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp.
Chẳng hạn, giáo sư Y Khoa thạc sĩ Trần Quang Đệ đã có công di chuyển viện Đại học Hà Nội vào miền Nam. Sau này ông được đề cử làm Viện trưởng Viện Đại Học mới ở Sài Gòn. Bên cạnh bác sĩ Trần Quang Đệ là đông dảo các bác sĩ khác như Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Hữu (từ Pháp về), Trần Vỹ và những vị bác sĩ trẻ hơn như Hoàng Tiến Bảo, Nguyễn Văn Thọ v.v... Những người này vào Sài gòn cộng tác với trường Y Khoa có sẵn ở Sài gòn, tại số 28 đường Testard (Trần Quý Cáp) với các bác sĩ gốc miền Nam như Nguyễn Lưu Viên (cũng một thời theo kháng chiến, học tiếp Y khoa ở miển Bắc), Đặng Văn Chiếu, Nguyễn Văn Út.
Giới dược sĩ có Bùi Đình Nam, Tô Đồng.
Ngay từ đầu, các vị bác sĩ gốc Bắc đã có ưu thế vượt trội về số lượng và có thể cả trình độ học vấn và được trao phó hoàn toàn việc điều khiển bệnh viện Bình Dân cũng như bệnh viện Nhi Đồng vào năm 1956.
Ở trường luật thì đa số giáo sư luật khoa đều vào Nam tiếp tục giảng dạy.Trưởng hợp giáo sư Vũ Văn Mẫu, thạc sĩ tư Pháp, đảm nhận ngay chức Khoa Trưởng, trường Luật. Ông Khoa trưởng người Pháp cũ là Gregoire Khérian, rút lui và chờ đợi để về Pháp. Công của giáo sư Vũ Văn Mẫu là chuyển chương trình vốn dạy từ tiếng Pháp sang tiếng Việt một cách rất nhẹ nhàng và hoàn hảo ..Ông cũng là bộ trưởng bộ ngoại giao của VNCH từ năm 1955-1963. (9) Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, trang 323
Điều mà trường Y Khoa phải mất nhiều năm mới có chuyển ngữ sang tiếng Việt vì những lấn cấn, tranh chấp giữa những vị được giảng huấn do Pháp đào ta và sau này do Mỹ đào tạo..Những vị giáo sư trường Y Khoa có trách nhiệm tinh thần trong việc này là các giáo sư Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh.
GS Trần Ngọc Ninh
Riêng giáo sư Trần Ngọc Ninh cho rằng đây là kế hoạch gây chia rẽ của cộng sản. Ông viết:
“Trước hết là một kế hoạch gây chia rẽ. Có một mâu thuẫn bên trong của trường bắt đầu chớm nở: mâu thuẫn giữa những nhóm giáo chức được huấn luyện trong hệ thống Pháp và những giáo chức được hun đúc bởi những lò Hoa Kỳ."
Đồng thời giáo sư Trần Ngọc Ninh đổ cái trách nhiệm cho các cố vấn Mỹ. Ông viết tiếp:
“ Các cố vấn Mỹ phạm vào cái lỗi đại kị về chính trị, là tỏ ra một thái độ bảo hộ đối với những người đi học ở Mỹ. Đồng thời có một áp lực để cải tổ chương trình, cải tổ để sự học y khoa Việt Nam sát với sự học y khoa Hoa Kỳ hơn nữa”. (10) (Trần Ngọc Ninh, Một chút lịch sử Y khoa, đại học đường Sài Gòn, trang 32-33)
Kết quả của sự chia rẽ đưa đến cái chết oan uổng của giáo sư Trần Anh và giáo sư Lê Minh Trí được biết là do cộng sản chủ mưu.
Nhưng nếu chúng ta tự hỏi, tại sao cộng sản lại chỉ gây chia rẽ ở trường Y Khoa mà không phải ở trường dược hoặc trường luật? Tự câu hỏi đã có câu trả lời.
Việc chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt gặp phải khó khăn là danh từ.. Công việc khó khăn vất vả nảy đã được hai giáo sư Nguyễn Cao Hách, thạc sĩ kinh tế cùng với Vũ Quốc Thúc tìm kiếm danh từ thích hợp, minh bạch cho sinh viên hiểu được. Và cho đến đầu niên khóa 1955-1956, chương trình ở luật khoa đã được chuyển hóa hoàn toàn.
Ngoài ra xin được nêu danh tính một số nhân vật có tiếng tăm từ đất Bắc đã di cư vào miền Nam như Á Nam Trần Tuấn Khải, Vy Huyền Đắc, nhà văn Lê Văn Trương, Tchya Đái Đức Tuấn, nhà biên khảo Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (thứ nam nhà biên khảo Đỗ Bằng Đoàn). Nhà thơ Hà Thượng Nhân, tên thật là Hoàng Xuân Trinh, có tên gọi là Phạm Xuân Ninh, nguyên Giám đốc đài phát thanh Sài Gon, chủ bút nhật báo Tiền Tuyến. Cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, tác giả Giai thoại Làng Nho, Chuyện Cà Kê, Trước Đèn. Giám đốc Kim Lai ấn quán ở Sài Gòn và chủ nhân nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một trong những họa sĩ hàng đầu của Việt Nam với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn.
Thanh niên trí thức, văn nghệ sĩ, tu sĩ ra đi từ miền Bắc
Đây là những thành phần thanh niên trí thức mà tôi muốn đặc biệt nhắc tới họ. Họ trẻ, họ đông đảo, họ đầy nhiệt huyết, họ tài ba tiềm năng, họ còn ít vốn nhưng hoài bão lớn. Họ là tinh hoa của Hà Nội, của đất Bắc. Họ thuộc đủ thành phần. Nói chung họ là tất cả.
Phần lớn tôi chỉ có thể nêu tên tuổi và chức danh của họ ở miền Nam mà không tìm cách đánh giá công việc làm của họ. Và người viết cũng không đủ điều kiện để nêu đủ, nêu hết tên tuổi của họ. Một thiếu xót không thể nào tránh được.
Công việc nêu danh này đạt được kết quả một phần là nhờ vào các tài liệu quý báu của tác giả Lê Bảo Hoàng, Hồ Nam Vũ Văn Giang và Nguyễn Ngọc Linh. Xin ghi ơn các vị trên.
Trước hết xin được nêu danh tánh một số tu sĩ Phật giáo cũng như công giáo mà sau này tác nghiệp của họ có ảnh hưởng trực tiếp tới những sinh hoạt tôn giáo của họ tại miền Nam cũng như sách vở của họ trong phạm vi tôn giáo.
- Phía Phật giáo có:
Người thứ nhất là thượng tọa Thích Tâm Châu, đã di cư vào miền Nam năm 1954. Ông có thể là người đại diện uy tín nhất cho giới Phật giáo miền Bắc di cư vào miền Nam. Ông là người quốc gia chân chính không bao giờ chấp nhận chế độ cộng sản. Ông cũng là vị lãnh đạo tinh thần có vai trò quyết định trong biến cố Phật giáo 1963 cùng với TT Thích Trí Quang… Một vài tác phẩm của ông như Đường vào cửa Phật, 1952. Đạo Phật với con người, Bước đầu học Phật v.v... Hiện ông định cư tại Montreal, Canada.
Ngưởi quan trọng thứ hai là Hòa thượng Thích Quảng Độ. Ông cũng di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954. Ông là người tranh đấu chống lại việc thống nhất Phật giáo năm 1981, đồng thời làm thơ văn tố cáo tội ác cộng sản. Ông đã bị bắt giam nhiều lần vì tội chống đối lại chế độ cộng sãn VN và cũng là người lãnh đạo tinh thần cao nhất của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất hiện nay. Ông là biểu tượng sáng giá của sự đấu tranh bảo vệ tôn giáo chống lại bạo quyền. Một số tác phẩm của ông như Dưới mái chùa hoang, Thoát vòng tục lụy, Đại từ Phật giáo tư tưởng luận.. Đặc biệt, ông có tập thơ tù gởi gắm toàn vẹn tâm tư của ông.
Người thứ ba là Thích Đức Nhuận, chủ nhiệm nguyệt san Vạn Hạnh, giáo sư Phật học đại học Vạn Hạnh.
- Phía các vị linh mục và giám mục có:
Quan trọng nhất là các giám mục Hoàng Văn Đoàn, Phạm Ngọc Chi và Lê Hữu Từ thuộc các địa phận Bắc Ninh, Bùi Chu và Phát Diệm. Giám mục Phạm Ngọc Chi lúc ban đầu phụ trách Ủy Ban Hỗ trợ định cư. Ông cũng là người cổ súy giáo dân biểu tình hỗ trợ thủ tướng Ngô Đình Diệm, chống tướng Nguyễn Văn Hinh cùng với bà Ngô Đình Nhu. Tuy nhiên, sau này vai trò trực tiếp lãnh đạo tập thể các xứ đạo tại miền Bắc của cả ba vị trên không còn nữa theo nhu cầu phân bổ của tổ chức công giáo.
Cạnh đó là một số linh mục trí thức, hầu hết du học ở ngoại quốc về và đóng vai trỏ giảng dạy ở các đại học miền Nam lúc ban đầu.
- Linh mục Lê Văn Lý, tiến sĩ văn chương ở Sorbonne với luận án: Le Parler Vietnamien. Viện trưởng Viện đại học Đàlạt.
- Linh mục Kim Định, tốt nghiệp triết học tại Institut Catholique de Paris, tốt nghiệp Hán học tại Institut des hautes études Chinoises.., dạy triết đông tại các đại học Văn Khoa, Vạn Hạnh, Minh Đức. Có nhiều tác phẩm có tính khai minh một nền triết học mang tính chất Việt Nam như Cửa Khổng, Chữ Thời, Việt lý Tố Nguyên v.v... Ngày nay có nhiều môn sinh của ông trên thế giới tiếp tục con đường của ông.
- Linh mục Trần Cao Tường, tốt nghiệp triết học, thần học tại Rôma
- Linh mục Trần Thái Đĩnh, bút hiệu Trần Hương Tử, sau hồi tục giáo sư đại học, người trình bày và giới thiệu một cách có hệ thống, mạch lạc và rõ ràng Triết học Hiện sinh. Cuốn sách quan trọng nhất của ông là: Triết học Hiện sinh, 1967.
- Linh muc Trần Văn Hiến Minh, tốt nghiệt tiến sĩ triết, thần học tại Roma, được coi là người đầu tiên dạy triết học tại các trường trung học Chu Văn An, Trưng Vương v.v… Tác phẩm quan trọng nhất là: Tự điển và Danh từ triết học và khoảng 10 cuốn sách triết giáo khoa, dùng cho bậc trung học.
- Linh mục Ngô Duy Linh, tốt nghiệp nhạc viện César Frannck ở Pháp.. Về nước năm 1956, sau làm phó viện trưởng viện Đại học Đà Lạt. Cùng với nhạc sư Hải Linh, hai người soạn nhiều các bản nhạc hòa âm.
- Linh mục Chu Văn Chi, khi di cư còn là một thanh niên sống ỡ Gia Kiệm, sau chuyên về sáng tác rất nhiều ca khúc nhạc đạo như: Nay con xin đến, Đời cầu nguyện, Chúc tụng Chúa v.v...
- Linh mục Lê Tôn Nghiêm, sau hồi tục, dạy triết học ở các đại học. Chuyên ngành về triết học Hiện tượng luận, về triêt gia Heidegger. Ông là tác giả nhiều bộ sách triết học không mấy dễ đọc như Triết học nhập môn của Karl Jaspers. Đâu là căn nguyên tư tưởng, hay con đường triết lý từ Kant tới Heidegger.
- Linh Mục Đỗ Minh Vọng, thuộc dòng Đa Minh, chi Lyon, pháp tịch, dạy triết học tại các đại học Văn Khoa, Sài Gòn, Đà Lạt.. Ông là thầy dạy triết của nhiều thế hệ thanh niên từ Bắc và miền Nam. Có lần ông diễn thuyết về đề tài: Nhân vị trong Hồn bướm mơ tiên. Nói chung các vị linh mục trên đã có ảnh hưởng nhất định trong việc truyền bá triết lý Tây Phương ở miền Nam.
- Linh mục Hoàng Quốc Chương, giáo sư đại học khoa học.
Sau đây là những thành phần trí thức văn nghệ sĩ thuộc đủ ngành nghề đã quyết tâm di cư vào Nam và nhận nơi đây làm quê hương và họ đã có cơ hội phục vụ và phát triển tài năng của họ.
Họ sẽ là những nét đột phá của tiến trình Hội Nhập đầy hứa hẹn, bước lên đường và bước vào đời. Phần đông họ có nghề chính thức như sĩ quan trong quân đội, giáo chức hay công chức tại các bộ ngành. Nhất là làm cho các cơ quan truyền thông như đài phát thanh, đài truyền hình và bộ thông tin hoặc trong ngành giáo dục... Ít có ai có thể sống và hành nghề một cách chuyên nghiệp, trừ một số nhỏ nhà báo, nhà văn.
Họ phần lớn là một tay cầm phấn, tay kia cầm bút hay một tay cầm súng tay kia cầm bút!! Đó cũng là một hoàn cảnh đặc biệt, duy nhất xảy ra ở miền Nam trong hoàn cảnh có chiến tranh.
Trong số đó có người đã có chút danh phận, nhưng phần đông họ chỉ nổi tiếng, chỉ có mặt sau khi vào miền Nam và một số nhỏ tiếp tục được nổi tiếng ở hải ngoại.
Họ là những Duy Thanh, Tạ Tỵ, Bé Ký, Hồ Thành Đức, Cao Bá Minh. Anh Bằng, tên thật Trần An Bường. Bàng Bá Lân, Bắc Phong, tên thật Kiều Duy Phong. Minh Võ, Trần Phong Vũ, Uyên Thao, Cao Mỵ Nhân, Cao Tiêu, tên thật Hoàng Ngọc Cao Tiêu. Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng, Bùi Diễm, con trai cụ Bùi Kỷ, cháu cụ Trần Trọng Kim, Thái Lân, Ông Mai Ngọc Liệu, Mai Văn Hàm.
Tiếp theo là những Vũ Khắc Khoan, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Trần Phong Giao Mai Thảo, Quách Đàm, Tạ Ty, Lưu Trung Khảo, Trịnh Hưng, Lý Quốc Sỉnh, Nguyễn Khắc Ngữ, Đoàn Thêm, Dương Đức Nhự, Trần Kim Tuyến, Phạm Việt Tuyền, Nhật Tiến, Đỗ Đức Thu, Nguyễn Hoạt, Mặc Thu,Trương Văn Chình, Hiếu Chân, Nguyễn Đình Toàn, Huy Quang Đỗ Đức Vinh, Thế Phong, tức Mạnh Tường. Duy Trác, Sĩ Phú, Hồ Nam, bút hiệu khác là Vương Tân, Vũ Uyên Giang, Hoàng Song Liêm, Hà Thúc Sinh( gốc Thanh Hóa), Hoàng Thư, Ma Xuân Đạo, Kiêm Minh, Tạ Quang Khôi, Huy Quang, Đoàn Tường, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Hải Triều, Cao Xuân Huy, Vũ Quang Ninh, Vũ Ngọc Các, Ngô Quân, Chu Vương Miện, Từ Chung, Chu Tử, Lý Trung Dung, Đặng Van Sung, chủ nhiệm báo Chính Luận, Nguyễn Đức Quang, sáng lập Phong trào Du Ca Việt Nam. Hoàng Cơ Thụy, Đỗ Thúc Vịnh, Đặng Trần Huân, Du Tử Lê, Thảo Trường, tên thật Trần Duy Hinh, Thanh Nam, tên thật Trần Đại Việt, Thái Lãng, Tạ Quang Khôi, Tạ Tỵ, Song Thao, Phan Lạc Giang Đông, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Nguyễn Nam Châu, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyên Vũ, tên thật Vũ Ngự Chiêu, Lê tất Điều, bút hiệu Kiều Phong, Cao Tần, Hoàng Hải Thủy.
Đặc biệt, xin được nhắc tới hai tài tử điện ảnh nổi tiếng nhất của miền Nam: Tài tử Lê Quỳnh, sĩ quan không quân VNCH năm 1952, di cư vào miền Nam. Ông là tài tử chính trong phim: Chúng tôi muốn sống.
Người thứ hai là nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh, tên thật Nguyễn Thị Chinh. Trước ngày di cư vào miền Nam, người anh trai ở lại đi theo Việt Minh. Bố Kiều Chinh, ông Nguyễn Cửu chờ đợi trong hai ngày rồi quyết định ở lại chờ con trai và ông đã gửi Kiều Chinh vào Sài Gòn qua một gia đình người bạn là ông Nguyễn Đại Độ… Từ đấy cha con cách biệt. Được biết sau này ông Nguyễn Cửu bị đi tù và chết trong nghèo nàn, khốn khổ. Phần Kiều Chinh, lúc 20 tuổi, năm 1957, Kiều Chinh đã đóng cuốn phim đầu tiên là Hồi chuông Thiên Mụ. Bà nổi tiếng từ đó và sau này đóng phim chung với các tài tử Mỹ. Tuổi trời cũng không ít, nhưng tôi vẫn thấy một lối nói từ tốn, lịch lãm của người có ăn học con nhà, còn đọng lại nơi một cô gái Bắc Kỳ và dấu vết thời gian chưa kịp xóa đi nét đẹp ẩn kín.
Xin tiếp tục danh sách những sứ giả văn hóa của miền Bắc như:
Đỗ Quý Toàn, Duyên Anh, Nhật Tiến, Duy Lam, Thế Uyên, Thế Nguyên, Lê Đình Điểu, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Hà Huyền Chi, Dương Hùng Cường, Cung Tiến, Cao Thế Dung, Lê Tất Điều, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Đoan.
Tiếp nữa là Phạm Cao Dương, Phạm Đình Chương, Trần Dạ Từ, Phạm Quốc Bảo, Phạm Thiên Thư, Toan Ánh, Trà Lũ,Trần Cao Lĩnh, Trần Mộng Tú, Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, Lê Thiệp-tác giả sáng nghĩ ra danh xưng Đại lộ kinh hoàng- Nguyễn Ngọc Ngạn, Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh, thêm bút hiệu Thương Sinh, Hoàng Khởi Phong, họa sĩ Đằng Giao.
Phía quân đội có những sĩ quan trẻ như Lê Nuyên Khang, Nguyễn Cao Kỳ, Phó Quốc Trụ, Phạm Văn Phú, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Cơ Minhv.Cả một lớp người trẻ trên dưới 30 tuỗi sau này góp công xây dựng một miền Nam đa dạng và phong phú mọi mặt vè báo chí, tiểu thuyết, y khoa, dược khoa và nhất là mặt giáo dục đào tạo.
Thiếu họ, không có một diện mạo văn học và giới trẻ được đào tạo sau này... Họ làm nên sự nghiệp từ những bước chân bước xuống tầu há mồm còn khập khễnh ngỡ ngàng khi vào miền Nam. Niền Nam với: Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi.
Từ nay Sài Gòn sẽ thay thế Hà Nội.
Thủ đô văn hóa Hà Nội đã một thời, nay nhường bước cho một Sài Gòn hoa lệ- Hòn ngọc của Viễn Đông- của tình người, của tự do, của sáng tạo.
Đặc biệt, nhóm TLVĐ do Nhất Linh khởi xướng. ông đã có mặt tại miền Nam từ năm 1951. Ông đã muốn dựng lại một bước thứ hai của TLVĐ tại miền Nam với sự bổ xung các nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam và Tường Hùng vào chỗ trống của những người vắng mặt như Thế Lữ, Xuân Diệu và Tú Mỡ ở lại miền Bắc. Nhưng sự thay thế này đã không đem lại kết quả như mong muốn. TLVĐ chỉ còn là cái bóng của nó thời tiền chiến.
Giới giáo chức - những viên gạch xây dựng miền Nam.
Khi những thanh niên trẻ học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường theo dòng người di cư vào miền Nam, họ đã đến tạm trú tại các lều trại được gọi là khu Phú Thọ lều. Những nữ sinh thì được ở tạm trụ trong các trường học như trường Gia Long, trường Trương Vĩnh Ký v.v… Và chẳng bao lâu sau, họ lại có cơ hội cắp sách đến trường.
Đây là một điều kỳ diệu. Họ đã không bỏ học một ngày sau cuộc di cư thế kỷ nhân loại.Họ chen vai với giới trẻ học sinh miền Nam, cặm cụi đến trường học xen kẽ vào các buổi trưa nắng của các trường Trung, tiểu học miền Nam.
Tôi không nhớ bằng lúc nào, bằng cách nào các trường tư thục mọc lên như nầm ở Sài Gòn, bổ khuyết cho sự thiếu xót các trường công lập.
Nhìn lại Sáu năm hoạt động của chánh phủ VNCH, tài liệu do ông Hồ Đắc Huân sưu tầm và cho in lại cho thấy chỉ trong 6 năm từ con số 29 trường Công Lập với 20.999 học sinh nhảy lên 69 trường với 62.130 học sinh. Đó là những con số biết nói ấn tượng nhất. Đó là tương lai miền Nam đặt vào giới trẻ này.
Nghĩa là tối thiểu mỗi tỉnh đều có một trường trung học. các quận lỵ thì có trường tiểu học, các bệnh xá.
Và năm 1958 đánh dấu sự cải tổ toàn diện chương trình và phương pháp gíáo dục. Theo giáo sư Lưu Trung Khảo, một trong những thành viên được mời tham dự đại hội giáo dục cho tôi hay là những quyết định cơ bản về nền giáo dục miền Nam đều do Đại hội giáo dục này đề ra và Tổng thống Diệm chỉ là người duyệt ký.
Nền giáo dục ấy dựa trên ba nguyên tắc: giáo dục nhân bản, giáo dục dân tộc và tính cách khai phóng.
Nghĩ lại, tôi luôn luôn nghĩ rằng phải biết ơn miền Nam đã nuôi dạy chúng tôi- những người trẻ Khu Phú Thọ lều- trở thành những con người hữu dụng cho quê hương miền Nam.
Xin được nói với các bạn trẻ ngày hôm nay bằng những con số… dễ thương.
Về trường công lập bản địa như Gia Long, do bà Huỳnh Hữu Hội làm hiệu trưởng thu nhận 4233 nữ sinh.. Trường Trưng Vương di cư từ Bắc vào do bà Tăng Xuân An làm hiệu trưởng thu nhận 1977 nữ sinh. Trường Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký), do ông Nguyễn Văn Trường làm hiệu trưởng với 3183 nam sinh. Võ Trường Toản, hiệu trưởng Đinh Căng Nguyên với 1877 học sinh. Trường Chu Văn di cư do ông Trần Văn Việt làm hiệu trưởng thu nhận 2455 nam sinh và nữ sinh ở các lớp đệ nhất. Cạnh đó là các trường Hồ Ngọc Cẩn, hiệu trưởng Lê Ngọc Toản với 1863 nam sinh. Trần Lục, hiệu trưởng là ông Hoàng Khôi với 782 nam sinh. Nguyễn Trãi, hiệu trưởng Vũ Đức Thận với 912.
Nếu xét về tổng số học sinh thì cho thấy rõ, học sinh di cư vượt trội con số học sinh miền Nam.
Ngoài Huế, trường Đồng Khánh, hiệu trưởng bà Văn Đình Hy với 1994 nữ sinh..Trường Quốc Học, Đinh Quy làm hiệu trưởng với 2291 nam sinh.
Đã bao nhiêu nhân tài đất Bắc và miền Nam sau này xuất thân từ các trường Chu Văn An, Petrus Ký, Trưng Vương, Gia Long?
Thật đếm không xuể. Không cách nào đếm hết và đếm để làm gì vì sự thực nó là như thế!!
Tuy nhiên một điều hết sức ngạc nhiên là ngay từ những ngày đầu của cuộc hội nhập này, một số giáo sư đến từ miền Bắc đã mở trường dạy học ở Sài Gòn.
Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là giáo sư Ngô Duy Cầu, giáo sư toán và hiệu trưởng trường Văn Lang với 2592 học sinh. Bên cạnh ông Cầu là những giáo sư như Nghiêm Toản, Vũ Hoàng Chương. So với trường Nguyễn Văn Khuê, dân bản địa thì về số lượng chưa ăn thua gì. Vì trường Nguyễn Văn Khuê có tổng số 4255 học sinh.
Sự cạnh tranh hẳn là ráo riết.
Tiếp đến là trường Anh văn Ziên Hồng, hiệu trưởng là ông Lê Bá Khanh và người dạy anh văn nổi tiếng là ông Lê Bá Kông với 220 học sinh chuyên về anh văn.
Bên cạnh trường Ziên Hồng sau này có các lớp Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh, tại số 129-131 Lê Văn Duyệt, (cơ sở trường Tao Đàn), có luyện thi tú tài 1 và luyện thi Cambridge lower certificate, anh văn thương mại và thông dịch…
Đã có bao nhiêu thanh niên sau này đi làm cho Mỹ, đi du học đã xuất thân từ trường này?
Ngôi trường tư thứ ba là trường Nguyễn Khuyến, do anh em ông Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột với 717 học sinh trung học đệ nhất cấp. Đã bao nhiêu học trò “dốt” học lớp luyện thi và xuất thân từ ngôi trường này..? Ông Bùi Hữu Sủng sau này cũng là một trong những chứng nhân nhìn thấy cảnh tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức từ đầu tới cuối.
Nhưng sau này, một số trường tư nổi tiếng vượt mọi kích thước là: Nguyễn Bá Tòng, cha Vũ Khành Tường hiệu trưởng với 2811 nam nữ sinh.. Trường Hưng Đạo, do ông Nguyễn Văn Phú vừa mới quá vãng với con số vượt trội với 3991 học sinh.
Uy tín của những trường này nay không nhất thiết dựa vào uy tín cá nhân của người hiệu trưởng mà dựa vào uy tín trường- về tổ chức- về kỷ luật- về ban giảng huấn và kết quả thi cử! (11)
Ngồi nhìn lại, tôi chịu khó ngồi đếm cả thẩy có khoảng 500 trường đủ loại như thế trên toàn miền Nam…
Còn có sự nghiệp hội nhập nào đồ sộ và lớn lao nào hơn được trong việc đầu tư tương lai của miền Nam VN.
Ấy là chưa kể đến các thầy cô giáo ở bậc tiểu học. Xin một lần được vinh danh các nhà giáo dục, các giáo sư, giáo viên trên toàn miền Nam- Nhất là giai đoạn 1965-1975, họ vẫn giữ gìn được phẩm chất nhà giáo, sống nghèo lo toan cho việc đào tạo thế hệ trẻ miền Nam bất kể nguồn gốc địa phương! (12) Trích “Niên Lich Công đàn”, phần hai.
Nhận định chung về dòng chảy hội nhập từ phía Bắc
Việc nêu tên danh tánh từng nhà văn, nhà báo, trí thức trẻ miền Bắc di cư và hội nhập vào xã hội miền Nam là một chủ đích của người viết bài này. Một sự mất công không phải là vô ích.
Nhìn chung có một sự di cư tập thể trí thức miền Bắc vào miền Nam.
Trong một bài viết nhan đề: Nhìn lại quá khứ, tác giả y sĩ đại tá Hoàng Cơ Lân nhận định là sau Hiệp định Geneve, giáo sư người Pháp Lassus đã trao trả đại học Hà Nội cho Việt Nam trước khi đại học này di chuyển vào Sài Gòn. Ông cũng viết là giáo sư Huard cũng trao đại học Y Khoa cho giáo sư Trần Quang Đệ và trường quân y cũng di cư vào miền Nam.
Nhưng điều quan trọng hơn cả, cũng theo y sĩ đại tá Hoàng Cơ Lân, toàn bộ sinh viên quân y đều di cưvào miền Nam, chỉ trừ một vài người vì lý do gia đình phải ở lại (13).
Được biết, chỉ có bác sĩ Đinh Văn Thắng, giám đốc trường quân y ở Hà Nội đã quyết định ở lại- vì lý do riêng-, không di cư vào Nam. Trích: Quân y Quân lực VNCH, 2000, Nhìn l;ại quá khứ, y sĩ Hoàng Cơ Lân, trang 81
Trong cuốn Hồi ký của Kỹ sư Võ Long Triều, ông cho hay toàn bộ số sinh viên ở bên Pháp đã quyết định chọn về miền Nam, sau 1954 như chúng ta sẽ trình bày ở phần thứ ba của bài viết. Trừ một nữ sinh viên có bố làm Thị trưởng thành phố Hà Nội nên quyết định về Bắc. Đó là con gái dược sĩ Thẩm Hoàng Tín.
Bấy nhiêu nhân tài đất Bắc, không hẹn mà cùng nhau quyết định lên đường vào miền Nam.
Hai chứng từ trên cho thấy, dòng chảy các thanh niên trí thức chọn miền Nam là một chọn lựa một lý tưởng tự do, nhân bản mà chỉ có miền Nam mới có được.
Sự đóng góp của dòng chảy người Bắc di cư vào miền Nam chẳng những về mặt chính trị mà ở đây chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến các phạm vi văn hóa như báo chi, tiểu thuyết- những mặt mạnh nhất của dòng chảy di cư từ miền Bắc-.
Về mặt báo chí
Sự có mặt của các nhà báo, phóng viên, các người làm truyền thông từ miền Bắc di cư vào miền Nam là một thách thức lớn lao đối với cá nhân và sự nghiệp của chính họ.
Điều trước tiên là họ không hoặc chưa có độc giả-. Trong Nam, người ta quen với văn phong của Bà Tùng Long và cách làm báo của bà Bút Trà rồi. Báo Sài Gòn Mới ra mỗi ngày 65.000 ngàn số, rồi còn Tiếng Chuông, 60.000 số, tiếp theo là Tin Điển, Tiếng Dội, Buổi Sáng, Thời Cuộc, Ánh Sáng, Lẽ Sống.
Không có độc giả, báo di cư lúc đầu lèo tèo bán được mười lăm đến 20 ngàn số đã là quý rồi. Đó là hoàn cảnh các báo Ngôn Luận của Hồ Anh, Tự Do của Phạm Việt Tuyền lúc đầu. Nhưng đến khi báo Sống của Chu Tử, tức Chu Văn Bình- tác giả của các tác phẩm như Yêu và Ghét-. Ông nổi tiếng với mục Ao Thả Vịt. Và ông cũng là người đưa truyện dài Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long ra trình làng.
Báo Sống của Chu Tử xuất hiện như một thứ nổi loạn thành công ngay từ đầu và đã tự tạo cho mình một phong cách làm báo riêng.- Đó là Phong cách Chu Tử- và nó có một số độc giả phần lớn ở Sài Gòn vượt mọi con số.
Chính Luận của bác sĩ Đăng Văn Sung thì đã chững chạc, uy tín lắm rồi về mặt tin tức và bình luận chính trị mà thường các báo chí khác ở Sài Gòn thường coi nhẹ.
Đây là một khúc quanh khá quan trọng trong làng báo Sài Gòn. Chính Luận tránh đưa những loại tin giật gân và nhảm nhí. Uy tín ấy nay nằm trong các tin tức bình luận chính trị sắc bén thay vì các tin tức nhảm nhí, bịa đặt.
Rồi điều thứ hai dân làm báo Bắc Kỳ chưa tạo được tên tuổi-. Tên tuổi ở miền Bắc thì có thể có- như trường hợp Tam Lang, Vũ Bằng, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Trương, Thượng Sĩ, Trực Ngôn.
Nhưng tên tuổi ở trong Nam lại là một chuyện khác. Họ phải tự ngoi lên.
Những tên tuổi như Tam Lang, Vũ Bằng, nhất là Lê Văn Trương chẳng mấy chốc lu mờ đi nhường chỗ cho Sức Mấy, Hiếu Chân, Dương Hùng Cường hay Dê Húc Càn, Thần Đăng, Công Tử Hà Đông, Gã Thâm (hai bút hiệu của Hoàng Hải thủy), Thợ đấu Hoàng Anh Tuấn và đặc biệt nhất là Duyên Anh.
Nguyễn Thụy Long- tiêu biểu cho số phận một nhà báo long đong, cơ cực nhất, vào tù ra khám, lúc làm culy ở kho 5 Khánh Hội, lúc làm thợ hồ. Chỉ đến khi Chu Tử ra báo Sống, sau 1963 đã thu nhận ông. Trong hồi ký ông viết: ông run lên vì nhận được số tiền nhuận bút đấu tiên, từ đó đời ông mới khấm khá lên được.
Rồi đến Duyên Anh cũng có lúc ba chìm bảy nổi- nhưng không đến nỗi long đong như Nguyễn Thụy Long-, ông đã gây được sự nghiệp làm báo với nhiều bút hiệu như Thương Sinh, Nã Cẩu, Bếp Lửa. Nhưng bút hiệu Thương Sinh quen thuộc hơn khi ông ra tờ Con Ong. (14) (Xem Duyên Anh và tôi, Vũ Trung Hiên, 2000)
Nếu Nguyễn Thụy Long may mắn gặp được Chu Tử với bào Sống, thì Duyên Anh cũng may mắn khi về cộng tác với tờ Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, bút hiệu Thiên Hổ.
Truyện ngắn đầu tay Duyên Anh là Hoa Thiên Lý và Con sáo của em tôi đăng trên tờ Chỉ Đạo của Nguyễn Mạnh Côn đã chinh phục được lứa tuổi nhi đồng bấy giờ cũng như những truyện khác của ông sau này.
Ngoài Nhật Tiến viết về các thiếu nhi bất hạnh còn có Lê Tất Điều. Nhưng Duyên Anh có thể nói là một nhà văn viết dành cho tuổi trẻ. Thế giới của tuổi nhi đồng trong truyện của Nhật Tiến thường gặp nhiều bất hạnh. Trong khi thế giới trong truyện của Duyên Anh là một thế giới vui tươi, nghịch phá. Thế mới là tuổ trẻ. Vì thế, những truyện thiếu nhi của ông được nhiều thanh thiếu niên tìm đọc. Trội vượt hơn cả là các cuốn Luật hè phố, Thằng Vũ, Bồn Lừa, Thằng Côn v.v...
Nhưng Duyên Anh còn nổi tiếng- như một thứ vua không ngai- trong các phóng sự mang tính châm chọc, chửi bới đủ hạng người trong xã hội và gây nhiêu thù oán với những bài viết phóng sự như Tiền Mẽo, Sến Việt, Đầm Giao Chĩ. Ông chế ra nhiều chữ, chửi ai thì người đó chỉ có chết. Tỉ dụ chửi tác giả Cậu Chó, ký tên Trần Đức Lai của ông Tô Văn. Tô Văn tên thật là Bùi Bá Nhân, Thương Sinh đổi ra là Bùi bất Nhân.
Khen ai cũng hết lòng khi gọi Phạm Kim Vinh, tức Trương Tử Phòng, bình luận gia của báo Chính Luận là quân tử. Cũng đúng chứ không phải là sai. Những Trần Kim Tuyến, Ngô Đình Diệm thì đều có trong mắt của Duyên Anh. Ông trân trọng cả hai. Điề đó cũng đúng cả.
Khi ông làm phòng viên cho tờ Xây Dựng đi dự phiên tòa xử Đặng Sỹ, ông thấy rõ việc dàn dựng của Trí Quang trong việc này. Ít báo nào dám lên tiếng. Ông ghi nhận và những ghi nhận của ông trong phiên tòa được giao cho một người viết ký tên Lê Thương Hòa. Lê Thương Hòa là ai? Theo Duyên Anh tiết lộ chính là Trần Kim Tuyến.
Cuộc đời Duyên Anh lúc cuối đời gặp rất nhiều truân chuyên, oan trái từ đi tù cải tạo đến bị đánh oan và gia đình gặp nhiều lủng củng.
Vài dòng ghi nhận vắn tắt về ông như một chứng nhân đặc biệt của nhà báo di cư vào miền Nam.
Trước cuộc di cư, làng báo Sài Gòn bị cộng sản trà trộn, chi phối. Đó là cái khó khăn thứ ba.
Đó cũng là một thử thách thêm nữa cho các nhà làm báo di cư phía Bắc.
Một trong những vết đen của làng báo Nam Kỳ là là có sự thả lỏng cho sự xâm nhập của cộng sản vào trong các tòa soạn.
Quả thực, họ đã lũng đoạn nhiều tờ báo mà nhiều khi chủ nhiệm chủ bút không biết.
Các tờ báo trong Nam một cách nào đó đã bị chi phối bởi cộng sản qua những nhân vật chủ chốt như Trần Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh và Mai Văn Bộ. Ngoài ra hầu như báo nào cũng bị chi phối xâm nhập như các tờ Dân Chúng, Sài Gòn mới và sau đó là các tờ Tiếng Dội, Trời Nam, Lẽ Sống, Buổi Sáng v.v...
Điều tai hại là ngay một số ký giả lão thành có uy tín như Nam Đình, Nguyễn Ang Ca, Trần tấn Quốc cũng ngả theo cộng sản.
Cho nên, ngay khi vừa chấp chánh thì chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã đóng cửa ngay lập tức tờ Thần Chung của Nam Đình.
Ngày nay nhìn lại, phải nhìn nhận là các tờ báo này thiếu nhạy bén về chính trị, chú trọng nhiều vào phạm vi thương mại nên phần đông đều có bọn ký giả nằm vùng theo cộng sản xâm nhập. Triệu Công Minh len lỏi vào báo Tiếng Dội, Trường Xuân Trúc vào báo Dân Chúng, Nam Thanh, báo Lẽ Sống, Đồng Văn Nam, Phương Ngọc, Phan Ba, báo Buổi Sáng, Trần Thanh Thế, Văn Mạnh, báo Sài Gòn mới, Nguyễn Văn Hiếu, báo Tiếng Chuông... Cộng thêm một số ký giả kỳ cựu và nghệ sĩ cải lương cũng theo cộng sản như các ông Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Nguyễn Tích Dẫn, Nguyễn Huy, Hồ Văn trai, Sơn Tùng, Phong Đạm, Quốc Phượng, Hoài Trinh, đạo diễn Lê Dân và Mai Thế Đồng, nhà văn Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Bảo Hóa. Các cán bộ trí vận như Nguyễn Văn Chì, Trần Văn Hanh, Nguyễn Trường Cửu, Cổ Tấn Văn, Bùi Đức Tịnh, Hồ Văn Trai...
Cộng chung, trên dưới cũng 40-50 chục người. (15) (Đọc Địa Chí Văn Hóa, thành phố Hồ Chí Minh, trang 600-604.)
Sự xâm nhập của cộng sản vào làng báo Nam Kỳ là điều khó kiểm soát cho các vị chủ báo như ông Đinh Văn Khai, báo Tiếng Chuông hay bà Bút Trà, bào Sài Gòn mới v.v...
Ngay cả những tờ báo sau này do người Bắc di cư làm chủ báo cũng bị cộng sản cài người vào như trường hợp ký giả Thành Hương vào báo Dân Chủ của ông Vũ Ngọc Các, Châu Dương vào báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh, Ty Ca vào tờ Sài Gòn Mai của ông Ngô Quân, Ký Ninh vào tờ Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện, Nam Đình vào tờ Dân Chủ Mới.
Việc kiểm soát càng trở nên khó khăn khi làng báo quy tụ một số lớn các nhà báo thuộc đủ thành phần, đủ nguồn gốc như cựu kháng chiến, kháng chiến về thành, di cư mới vào. Làm thế nào để phân biệt dứt khoát ai là thân cộng, ai chống cộng. Làm thế nào xác định, đánh giá được Văn Bia, Bình Nguyên Lộc, Kiên Giang Hà Huy Hà, Hiếu Đệ, Nguyễn Ang Ca, Sơn Nam? .. hay những tên tuổi như Đỗ Tấn, Vũ Hạnh, Đông Tùng.
Ngay giữa Sài Gòn nhởn nhơ những người ngả theo cộng sản như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Họ là bạn bè của những Thanh Lãng, Nhật Tiến, Nguyễn Tường Tam. Bên cạnh họ là những nhà báo chống cộng sản như Từ Chung, Sức Mấy, Chu Tử…
Tất nhiên chính quyền không thể không nghĩ tới tình thế nan giải trên và đã bày tỏ nỗi ưu tư đó bằng cách đưa ra 7 Nghị định về xuất bản và kiểm duyệt báo chí từ ngày 7-7-1954- ngay ngày đầu tiên chấp chính của thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Và chỉ ba tuần sau, chính phủ Ngô Đình Diệm phải đương đầu sự khuấy rối của cộng sản qua Phong Trào Bảo vệ Hòa Bình tổ chức mít tinh ngay tại chợ Bến Thành, ngày 1-8-1954. Kẻ đứng làm bình phong là kỹ sư Lưu Văn Lang mà đằng sau ông ta là những cán bộ cộng sản như Phạm Huy Thông, Nguyễn Thị Châu Sa (về sau đổi tên là Nguyễn Thị Bình), Nguyễn Bảo Hóa tức ký giả Tô Nguyệt Đình và những trí thức như Nguyễn Hữu Thọ, nhà sư Thích Huệ Quảng, dược sĩ Trần Kim Quan, ký giả Nguyễn Thị Lựu, Giám đốc Pháp Hoa ngân hàng Nguyễn Văn Vỹ, tức Michel Vi Van.
Chính quyền phản ứng bằng cách băt giam 28 người cầm đầu Phong trào này. Nhưng cuối cùng do Ủy Hội Quốc tế can thiệp, chỉ có hai người bị đưa ra Bắc.
Trong số những ký giả trên, chính quyền VNCH ra lệnh bắt hàng loạt ký giả của nhiều tờ báo như Trần Ngọc Sơn, Anh Tín, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Diệp Liên Anh, Trần Quốc Thảo... đã bị đưa đi các trại tù ở Tân Hiệp, Biên Hoàn hoặc đầy ra Côn Đảo.
Có những biện pháp nhẹ hơn như nhóm Chân Trời Mới của bộ ba Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc phải tự ý đình bản đồng thời tuần báo Cải Tạo vốn do một ký giả miền Bắc di cư vào- ký giả Phạm Văn Thụ bị thu hồi giấy phép vì trao cho nhóm Hoàng Trọng Miên điều hành tòa soạn. Riêng tờ Nhân Loại, nơi tập trung nhiều ký giả cộng sản thuộc hàng ngũ kháng chiến hoặc thiên tả. (16) (Nguyễn Văn Lục, Hai mươi năm miền Nam, 1955-1975, các trang 443-446)
Trong một tình trạng bị cộng sản giật dây chi phối, lũng đoạn, vai trò của các phóng viên, nhà báo di cư trở thành một thứ Mặt trận với cộng sản nhằm tranh đấu loại bỏ ảnh hưởng của cộng sản và tranh đấu cho Tự do, dân chủ.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn, các nhà báo miền Bắc, với ngòi bút phần lớn sắc bén về chính trị dần dần tạo dựng được tên tuổi, tạo dựng được uy tín nơi các độc giả di cư và ngay cả độc giả gốc miền Nam..
Những tờ báo đi đầu trong giai đoạn này là tờ báo Tự Do với bác sĩ Lý Trung Dung và nhóm sáng lập bị loại ra ngoài như các ông Tam Lang Vũ Đình Chí, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong, Nguyễn Hoạt để thay thế bằng nhà giáo Phạm Việt Tuyền đứng chủ nhiệm. (Sau này, Nguyễn Hoạt cay cú và chỉ trích, nói xấu chế độ đệ nhất cộng hòa cũng như nói xấuTrần Kim Tuyến).
Tờ Tự Do lúc ấy được coi là tiêu biểu nhất cho các văn nhà báo thuộc diện di cư với các cây bút như Tam Lang, Hiếu Chân, Vũ Bình, Bùi Xuân Uyên, Như Phong Mai Nguyệt (tức Tchya Đái Đức Tuấn), Hà Thượng Nhân.
Tiếp theo là tờ Ngôn Luận
Tiếp theo là các tờ Chính Luận, Dân Đen, rồi Xây Dựng, Hòa Bình, Tiền Tuyến Sống, và tờ Sóng Thần.
Nhiều nhà báo từ ngoài Bắc vào- tùy theo tuổi tác và kinh nghiệm nghề nghiệp- đã được đồng hóa vào sĩ quan quân đội để tiện nắm những chức vụ chỉ huy các cơ quan truyền thông đủ loại. Như trường hợp nhà báo Hà Thượng Nhân được biệt cách mang lon thiếu tá để làm việc. Đã có rất nhiều những cây bút trở thành những ngòi bút tranh đấu như người lính ngoài mặt trận. Họ là những người như Hà Thượng Nhân, Dương Hùng Cường hay Dê Húc Càn, Sức Mấy, Hiếu Chân, Minh Võ, Từ Chung, Chu Tử v.v… Và nhiều ký giả trở thành mục tiêu cho cộng sán ám hại.
Rất tiếc là vào những năm cuối của chế độ đệ nhất cộng hòa phải lo đối phó với các thành phần đối lập nhất là bận tâm trước phong trào Phật giáo Ấn Quang.
Vai trò chống cộng sản bị tạm thời sao lãng. Mối ưu tư của chính quyền về hiểm họa cộng sản chuyển hướng qua sự lo âu về các hoạt động đối lập.
Thay vì chống Cộng nay phải lo chống đối lập, chống những người biểu tình. Phần một số nhà báo cũng bắt đầu quay ra chống chính phủ. Trước chống cộng nay chống chính quyền.
Và không có gì lạ sau 1963, tất cả những thành tích đạt được của các nhà báo chống cộng sản cũng như của chính quyền đã bị xóa hết mọi kết quả thâu được trong suốt 9 năm trước về mức kìm giữ được sự xâm nhập của cộng sản.
Sau 1963 là thời cơ của cộng sản đẩy mọi hoạt động khuynh đảo, khuấy rối thuộc đủ thành phần do cộng sản giật giây.. Nhiều lúc, chính quyền tỏ ra không còn có khả năng kiểm soát nổi trật tự ở ngay Sài Gòn.
Hầu như có một mặt trận ở ngoài trận địa với bom đạn và một thứ mặt trận với hàng rào kẽm gai, lựu đan cay và người biểu tình. Làm sao chúng ta không thua được?
Và mặc dù có một số tờ báo vẫn đứng vững, trụ chân làm thế chống đối bạo quyền cộng sản và bảo vệ miền Nam như các tờ Tin Sáng (do Lý Đại Nguyên đứng tên chủ nhiệm), Chính Luận, Sống, Đuốc Nhà Nam và Xây Dựng… Liệu những con én trên có làm nổi nên một mùa xuân không?
Sự chống đối lên đến cực điểm giữa chính quyền và tờ Sóng Thần, chống tham nhũng, tờ báo có lúc số phát hành theo Uyên Thao lên tới 200.000 số.
Bên cạnh đó chính quyền đệ nhị cộng hòa lại không quan tâm cho đủ đến một tờ tạp chí Tin Văn,- một tờ do Nguyễn Nguyên- một cán bộ cộng sản được cử vào Nam từ 1954- Tờ báo quy tụ nhiều ký giả nằm vùng như bà Minh Quân, Vũ Hạnh, Kiên Giang, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Thanh Việt Sơn, Phan Du, Đông Tùng (Nguỹn Văn Bồng), Lương Sơn, Hướng Dương tức Rum Bảo Việt hay Sáu Chiến ủy viên đảng ủy văn hóa. Ngoài ra còn có sự cộng tác của một số khuôn mặt nằm vùng theo MTGPMN như Lữ Phương, Thái Bạch và kéo theo được một số người khác như Nguyễn Hiến Lê, Á Nam Trần Tuần Khải, họa sĩ Tú Duyên, Nguyễn Đức Quỳnh, Trọng Lang, Thạch Chươ.ng tức nhạc sĩ Cung Tiến, v.v...
Qua Tin văn, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn đã đánh phá các nhà báo như Chu Tử suốt từ 1966-1971. Riêng Phạm Duy bị Nguyễn Trọng Văn viết hẳn một cuốn sách nhan đề: Phạm Duy đã chết như thế nào ? vào năm 1971, do Văn Mới xuất bản.
Tin Văn đã đạt được một kết quả là vận động, lôi cuốn được 118 văn nhân, nghệ sĩ ký giả đồng ký tên vào bản Tuyên Ngôn chống Văn Nghệ đồi trụy để kết án tòan bộ sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam.
Sau luật 007 được ban hành thì phần thắng nghiêng hẳn về phía cộng sản. Hai tờ Điện Tín và Bút Thép, ký giả Lê Hiền, người của cộng sản cài vào trực tiếp chi phối tờ báo. Còn lại một số tờ khác như Sài Gòn Mới, Dân Luận, Hòa Bình, Độc Lập nặng về phần kinh doanh hơn là chống cộng sản.
Còn lại tờ Đại Dân Tộc, Đông Phương thì người điều khiển tờ báo là một cán bộ cộng sản—ký giả Tô Nguyệt Đình, tức Nguyễn Bảo Hóa- từng bị bắt giam thời đệ nhất cộng hòa.
Nhìn lại cuộc tranh đấu xuống đường của nhật báo Sóng Thần với Ngày Ký giả đi ăn mày vào màn chót của miền Nam Việt Nam. Tôi vẫn nghĩ là nó mang giá trị lưỡng tính của một chọn lựa: Hoặc chọn lựa giữa tranh đấu dân chủ, tự do báo chí hay là chọn lựa tranh đấu chống cộng sản?
Không lạ gì, cộng sản rêu rao về cái ngày đó như một thành tích của chính họ.
Về mặt Văn Học
Trí thức, nhà văn miền Bắc khi chọn di cư vào miền Nam đều có một mẫu số chung: chọn tự do. Tự do là lẽ sống và là lý do chính yếu để họ rời khỏi miền Bắc. 9 năm liên hệ, đối đầu với cộng sản đủ để họ hiểu thực chất người cộng sản là gì.
Khi bước chân vào miền Nam, các nhà văn, nhà thơ trẻ của miền Bắc đều có một thái độ chính trị rõ rệt, dứt khoát qua các bài viết trên tờ Người Việt (tiền thân của Sáng Tạo) như:
- Hòa bình và Hội Nghị Geneve
- Phải bảo vệ nền độc lập văn hóa
- Thực chất văn nghệ cộng sản
- Văn Nghệ và cách mạng
- Chủ nghĩa Mác với văn Ngệ Việt Nam
- Vấn đề giai cấp xã hội
- Nhân sinh quan của người Việt.
Và nếu họ có viết truyện thì truyện cũng mang vóc dáng chính trị. Hà Nội qua
tác giả Trần Trọng Đăng Đàn gọi đó là một đường lối chiến lược của Mỹ Diệm.
Chẳng hạn truyện ngắn: Người bệnh giữa mùa xuân của Thanh Tâm Tuyền,
Đêm giã từ Hà Nội, Góc đường Tự Do, Đồn Phòng Ngự 21 của Mai Thảo. Hay
truyện Gánh Xiếc
của Doãn Quốc Sỹ rõ ràng ám chỉ cộng sản. Sau này Tô Hoài có quen biết Doãn Quốc
Sỹ tự hỏi Cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với cái gia đình công chức quèn là
nghề giấy, thế mà sao Doãn Quốc Sỹ chửi cộng sản hăng thế. (17)
(Trích: Thanh Tâm Tuyền và những người bạn trước khi có tạp chí Sáng
Tạo, Hợp Lưu tháng 8-9, 2010, Dương Nghiễm Mậu, trang 33)
Hay trường hợp Võ Phiến với Người Tù, Mưa đêm cuối năm v.v...
Thời gian 1954-1955 là thời kỳ khởi sắc, đầy sinh khí của văn học miền Nam. Cả một thế hệ văn học sau tiền chiến bùng phát. Hầu như tất cả đều sắn tay áo, sẵn sàng lên đường với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ. Hết Sáng Tạo, rồi Bách Khoa, Hiện Đại, Thế kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ, Khởi Hành, Văn v.v...
Họ viết hăng. Viết với tin tưởng. Viết mạnh. Viết với sáng tạo. Viết với tìm tòi. Họ- nhất là Mai Thảo- hầu như được coi như hướng đi của văn nghệ miền Nam lúc bấy giờ. Và điều quan trọng nhất nơi họ. Đó là họ tạo ra một niềm phấn khởi như Mai Thảo từng viết: Đem ngọn lửa Văn hóa vượt vĩ tuyến sáng lên ở đây hôm nay.
Năm 1954 còn ghi lại, chói lói, cái đẹp ấy của mùa mới, cái đẹp ấy của lên đường. Ta từng đi chật đất. Ta từng có lớp lớp. Ta từng đến hàng hàng. Những khởi đầu của từng hoạt động văn học, từng phát động nghệ thuật nói chung của ta tuyệt đúng, tuyệt đẹp.
Sự hứng khởi ấy chắc hẳn lây lan sang các tác giả khác như Vũ Hoàng Chương. Như Nhất Linh quyết định hạ sơn, chiêu tập lại nhân tài lại làm báo và gây được những ấn tượng mạnh nơi các người thanh niên trẻ như chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chỉ rất tiếc là niềm phấn khởi đó không bao lâu lịm tắt-và dần để lộ ra chỉ là một thứ làm dáng trí thức- một lối chơi chữ kêu rổn rảng mà nội dung không đi đôi với ngôn từ.
Sáng Tạo, thoái thân của tờ Người Việt đình bản trước đó có mặt với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền vào năm 1956 với Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Trần Thanh Hiệp.
Nhưng ngoài các người viết mới vừa kể trên, Sáng Tạo còn có nhiều nhà văn thuộc thế hệ tiền chiến hoặc ngoài nhóm như: Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Siêu, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Duy Diễn, Lê Thương, Lê Cao Phan, nhà thơ Nguyên Sa, Nguyễn Phụng, Lữ Hồ hoặc những người như Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tạ Tỵ, Vĩnh Lộc, Thanh Nam, Tô Kiều Ngân.
Sau này trong Sáng Tạo, bộ mới năm 1960 có thêm Trần Dạ Từ, Viên Linh, Thảo Trường, Trần Thị Nhã Ca, Thạch Chương, Sao Trên Rừng và Dương Nghiễm Mậu.
Khi ra hải ngoại, vào năm 1958, Nguyên Sa Trần Bích Lan đã thu tóm văn học miền Nam thời kỳ đó vào bốn khối lớn là:
- Nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo
- Nhóm Đất nước của Nguyễn Văn Trung
- Nhóm Bách Khoa của Võ Phiến
- Nhóm thứ tư, những nhà văn, nhà thơ độc lập như Vũ Hoàng Chương, Du Tử Lê, Đinh Hùng, Trần Dạ Từ.
Tôi nghĩ rằng, nhận xét của Trần Bích Lan có tính cách tán dương nhiều hơn là sự thật. Sự xếp loại như vậy có phần gượng ép.
Sau Sáng Tạo thì tiếp nối theo một số tạp chí như Hiện Đại do Nguyên Sa chủ trương. Trong tờ Hiện Đại, người ta cũng thấy sự có mặt của bốn tác giả trong bộ biên tập Sáng Tạo là Duy Thanh, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ. Hiện Đại ra được 9 số thì đình bản.
Tạp chí Thế Kỷ Hai Mươi do Nguyễn khắc Hoạch chủ trương biên tập quy tụ thêm một số giáo sư đại học như Nguyễn Khắc Hoạch, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Nguyễn Đăng Thục và một số cây viết của Sáng Tạo.
Không khí nhộn nhịp, sôi động của một nền văn nghệ mới của cái hôm nay thay thế và đoạn tuyệt với quá khứ xem ra đến đây thì khựng lại.
Mai Thảo một mình một cõi, ngất ngưởng một chiếu trước đây xem ra đã cạn dòng. Một chữ cũng Mai Thảo, một câu cũng vẫn là Mai Thảo của Nguyễn Đình Toàn xem ra lời khen không còn đúng chỗ nữa. Vẫn viết như thế mặc cho tình thế đổi thay. Cái hào khí Đêm Giã từ Hà Nội không còn nữa. Mai Thảo năm 1954 không khác gì Mai Thảo thập niên 1960 và nhất là sau 1963.
Tiền tài trợ của Mỹ qua trung gian Trần Kim Tuyến không còn nữa. Các tờ tập san lần lượt thi nhau rụng, không kèn không trống.
Có một khựng lại trong sinh hoạt văn học. Không có tiền tài trợ, những người như Mai Thảo quay ra viết feulleton, kiếm sống. Chữ nghĩa tụt dốc chỉ còn là cái cần câu cơm.
Nguyễn Mạnh Trinh đã lột tả hết nỗi cô đơn bất hạnh của một nhà văn sáng giá nhất từ miền Bắc di cư vào miền Nam lúc cuối đời qua ngòi bút của nhà văn Tuấn Huy:
Tâm tư cô đơn xót đau ấy có lẽ những người trẻ hơn khi đêm khuya đưa ông về phòng đã chứng kiến. Nhà văn Tuấn Huy, một người hay đưa ông về lúc canh khuya kể lại những giây phút ấy:
Chiếc chìa khóa nhỏ được móc ra từ đáy túi. Giơ lên rung rẩy dưới ánh sáng của ngọn đèn lờ mờ.. cuối cùng mới trúng ổ. Cửa mở. Anh loạng choạng bước vào. Đèn phòng bật sáng. Những kệ sách đầy kín. Những bức tranh, những khung hình thờ ơ, câm lặng. Chợt bàn tay trái của anh xô mạnh đống giấy tờ bừa bộn trên bàn. Anh mất thăng bằng, té bổ ngửa người ngay trên chiếc ghế dựa giữa bàn viết. Tôi hơi hoảng hốt đỡ anh lên. Một thân thể nhẹ hẫng gầy còm, rũ rượi. Tôi dìu anh đến bên chiếc giường và lo âu hỏi: Anh có sao không Anh? Chỗ ở đầu của anh có việc gì không? Anh gượng gạo kéo lại tay áo rồi trả lời dấm dẳng: Không sao hết... ngã thế đã ăn nhằm gì... chết mẹ nó đi được cũng chẳng sao. Tôi thật tâm ái ngại: Anh lớn tuổi rồi phải cẩn thận. Ở một mình mà lỡ té ngã là nguy hiểm lắm. Anh vẫn ngang ngược, gạt di: Nguy hiểm cái đếch gì, không sao cả. Bao nhiêu người còn khốn khổ hơn mình nhiều.
Tôi đứng lặng nhìn Anh. Phút giây tôi ứa nước mắt. Chưa bao giờ tôi thương anh cho bằng phút này. Dù rằng từ trước đến nay, đã hơn một lần, tôi xót xa ái ngại cho anh. (18) (Tạp ghi Văn Nghệ, Nguyễn Mạnh Trinh, trang 28-29)
Cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 và sự chấm dứt dòng hội nhập của người miền Bắc sau chín năm của Đệ nhất cộng hòa miền Nam.
Biến cố Phật giáo đi đến thành công nhờ có ba thành phần sau đây: giới Phật giáo miền Trung do TT Trí Quang cầm đầu. Sự ủng hộ và tiếp tay gián tiếp đằng sau của chính quyền Mỹ qua đại sứ CabotLodge và nhóm sĩ quan cầm đầu với Trần Thiện Khiêm- Dương Văn Minh- Trần Văn Đôn.
Mục tiêu của cuộc đảo chánh là để lật đổ: Một chính thể độc tài và kỳ thị đàn áp Phật giáo.
Câu hỏi đặt ra cho mọi người miền Nam ngày hôm nay là cả hai mục tiêu trên có thực hiện được không và đạt được gì sau cái chết của hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu?
Không mấy ai dám bày tỏ một cách thẳng thắn thành quả về biến cố chính trị 1963.
Hậu quả là sự tan rã, rối loạn về mặt chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội. Hơn ai hết, các nhà văn, nhà báo uy tín thời đó- do nhạy cảm hơn cả- đã bầy tỏ sự chán chường, thất vọng và mất niềm tin nơi họ bằng nhiều cách thức khác nhau.
Quan trọng nhất là sự mất niềm tin vào chính nghĩa quốc gia trong khả năng đương đầu với cộng sản.
Võ Phiến sau này klhi ra hải ngoại đã bày tỏ tâm trạng chán chường của các nhà văn trong Văn Học miền Nam, tổng quan, vào năm 2000. (19) (20) Văn học miền Nam tổng quan, Võ Phiến, trang 245 trở đi
Đó là các nhà văn, nhà báo như Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương và những nhà báo trẻ như Phan Nhật Nam và Dương Nghiễm Mậu.
Và đối với các nhà văn miền Bắc di cư nói chung có sự khựng lại, có sự chuyển hướng, có sự tránh né, buông xuôi như một Mai Thảo (Một người từng tuyên bố- một người di cư không có quyền ngán một điều gì) - có người nấp vào Thiền, vào tôn giáo, vào dịch thuật.
Sách Thiền và nhất là sách dịch nở rộ lên đến nỗi vào thập niên 1970, nó chiếm đến 75% thị phần sách xuất bản ở miền Nam.
Tâm sự chán chường, buông xuôi ấy tiêu biểu trong một bài phỏng vấn Vũ Hoàng Chương- một Vũ Hoàng trước đây lồng lộng tin tưởng và hăng say trong tập thơ Hoa Đăng- và một Vũ Hoàng Chương tuyệt vọng sau này:
Tôi bây giờ chỉ chờ ngày chết thôi. Lắm lúc muốn tự tử. Thơ không viết nữa, giá viết cũng không người đọc. Đoc tâm sự ấy, Nguyễn Mạnh Côn kêu lên: Câu tâm sự thoáng qua nghe mà lạnh gáy. Tôi về rồi, một tuần sau trở lại, yêu cầu anh xác nhận, anh gật đầu.
Cho nên kể từ sau 1963, dòng hội nhập văn hóa, văn học từ phía Bắc chói sáng một thời đã chết dần, chết mòn- chết nhiều kiểu, nhiều cách và chết hẳn vào 1970.
Thay vảo đó, chiến tranh mỗi ngày mỗi gia tăng, sự có mặt đông đảo của người Mỹ và đồng minh đã tạo ra một dòng văn học dấn thân ở miền Nam. Dòng văn học này nặng tính cách chính trị ảnh hưởng trực tiếp do chiến tranh mỗi ngày một tàn khốc.
Dòng văn học này không còn phân biệt các nhà văn Nam- Bắc, nhưng nói lên thân phận con người trong chiến tranh. Một mặt nó nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và khát vọng một nền hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Nó không hẳn là phản chiến. Và vì thế cần phân biệt ra nhiều loại.
Từ phản chiến có thể mang nghĩa tiêu cực thường để chỉ định những thành phần nghiêng về phía bên kia như trường hởp Trịnh Công Sơn, Ngụy Ngữ, Kinh Dương Vương, Thái Luân, Trần Hữu Lục, Thế Vũ, Thích Nhất Hạnh.
Hoặc chỉ định họ những người đãn quyết định chọn ngản hẳn về phía bên kia như Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín (trước 1975), Thế Nguyên, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Trương Thìn, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Van Ba, Đinh Xuân Dũng, Châu Tâm Luân, dân biểu Lê Tấn Trạng, Lê Văn Nuôi, dân biểu Nguyễn Hữu Hiệp, dân biểu Nguyễn Văn Binh, db Tư Đồ Minh,Thạch Phen, luật sư Trần Ngọc Liễng, Thích Hiển Pháp, Thích Minh Nguyệt, thầu khoán Nguyễn Văn Hạnh, ni sư Huỳnh Liên, bà Ngô Bá Thành, nữ nghệ sĩ Kim Cương, Lý Quý Chung, nghị sĩ Hồng Sơn Đông, Mường Mán.
Loại thứ ba, mượn danh nghĩa phản chiến, nhưng là cộng sản thứ thiệt như Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Cao Thị Quế Hương, Trương Thị Kim Liên, Lê Thành Yến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, HPN Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Công Giàu, họa sĩ Ớt, Lm Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần và Vương Đình Bích, Ngô Kha, Mường Mán, Trần Vàng Sao, Tiêu Dao Bảo Cự.
- Bên cạnh đó, một số lượng đông đảo các nhà thơ được coi như chống lại chiến tranh, từng là binh sĩ, sĩ quan trong quân độ VNCH. Họ bầy tỏ một tâm trạng của những người lính ngoài mặt trận và làm một thứ văn chương xám, nhìn cuộc chiến với một mầu đen. Hơn ai hết họ là những người tham dự trực tiếp vào cuộc chiến ấy- Họ có thể là nạn nhân của cuộc chiến. Có người đã ngã xuống và bỏ thây ngoài mặt trận, người mang tàn phế. Họ là Doãn Dân, Y Uyên v.v... Trong một tuyển tập thơ dày 854 trang với sự quy tụ của 263 nhà thơ, do nhà văn Trần Hoài Thư biên soạn với lời nhà xuât bản:
- Đây là những trang thơ được sưu tập từ một thời kỳ đen tối của quê hương.
Hy vọng tập sách này là một nguồn tài liệu giúp cho những nhà phê bình văn học, những người nghiên cứu văn học sử, và những ai chưa có dịp tiếp cận với nền văn chương miền Nam trong thời chiến tranh để họ có cái nhìn rõ và đứng đắn hơn về một dòng văn chương tình tự, rất là tự do, khai phóng, sáng tạo và nhân bản…. (21) Thơ miền Nam trong thời chiến, Tủ sách di sản văn chương Việt Nam, Thư ấn quán xuất bản, 2006.
Xin trích một đoạn thơ tiêu biểu, đậm tình người:
Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
Cũng đem chiếc áo lành ra mặc
Cũng ăn một bữa cơm cho no
Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
Khổ đau lúc này mẹ gói trong mo
(Trích thơ Hồ Minh Dũng)
Trời mưa, không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu!
Tình yêu không đáng lắm
Nhưng đủ làm.. tiêu nhau!...
Em phải nằm xuống trước
Ám ảnh một đời ta!
(Trích Thơ Khởi Tự Mê cuồng- Nguyễn Tất Nhiên-)
Văn thơ miền Nam là một dòng thơ để lại mà nhiều người nay đã không còn nữa. Trong trường hợp Nguyễn Tất Nhiên đã để lại những dòng thơ tình bất hủ giữa lòng cuộc chiến như Khúc buồn tình, Đám đông, Ma soeur v.v…
Có những nhà văn thuộc thế hệ sau di cư, những người trực tiếp trong cuộc chiến có thái độ phẫn uất như Phan Nhật Nam, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Lê Tất Điều… hay những người khác như Thế Uyên hay Chu Tử, Thảo Trường, Từ Chung vừa chống cộng sản, vừa bất mãn với chính quyền.
Nhưng có một số thành phần những trí thức, phần lớn gốc gác miền Trung cần được bàn riêng ở đây và thái độ chính trị của họ đã gây nhiều tác hại không ít cho chính quyền VNCH không ít.
Sau 1963, ông Diệm và ông Nhu mặc dầu không không còn nữa.
Họ đã chết. Nhưng chế độ của đệ nhất cộng hòa vẫn còn đó. Người ta nói đến một chế độ Diệm không Diệm.
Người ta thực sự mới lật đổ được một cái ghế, nhưng chưa thay đổi được chế độ ấy.
Vì thế, tờ Lập Trường, ngoài Huế do ông Tôn Thất Hanh làm chủ nhiệm, ông Lê Tuyên làm chủ bút và Cao Huy Thuần làm Tổng thư ký, tòa soạn đặt tại 17 B, Lý Thường Kiệt, Huế cho rằng cuộc cách mạng còn dang dở, chưa làm xong, cần tiếp tục. Có thể nói trắng ra là họ muốn nhổ cỏ thì cần nhổ tận rễ.
Họ muốn tiếp tục con đường cách mạng, nghĩa là quét sạch những tàn tích dơ bẩn của quá khứ. Những rác rưởi dơ bẩn đó, ở Việt Nam, đã cao lên ngút đầu trong 9 năm qua, phi quân đội, không lực lượng nào có thể quét sạch được… (22) (Trích bài Mở Một nước cờ, tờ lập Trường, thứ bảy 6-6-1964
Và họ đặt vấn đề: Hôm nay, chúng tôi muốn đặt câu hỏi đó ra trước chính quyền: Nhân dân đã trao quyền cho các tướng lãnh để thi hành trọng trách quét sạch quá khứ; trọng trách đó, chính quyền đã làm xong chưa?
Đây là những thành phần tả phái cực đoan, quá khích đến cùng cực. Họ bất mãn, họ đả phá tất cả. Họ chống công giáo qua trung gian các thành phần được gọi là Cần Lao còn sót lại trong chính quyền. Họ chống chiến Tranh, chống một chính phủ quân nhân, chống sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Nghĩa là họ chống tất cả.
Chẳng hạn họ đã đốt thư viện của Mỹ ở Huế. Chửi Mỹ như thể giọng điệu cộng sản đòi Mỹ rút quân, Mỹ Go Home.
Trong thực tế, họ cổ súy một chiến dịch diệt Cần Lao bằng cách ủng hộ chuyện tử hình Phan Quang Đông, rồi sau Phan Quang Đông họ làm áp lực qua ông Trí Quang để đưa Đặng Sỹ ra tòa. Nhưng dưới áp lực của TGM Nguyễn Văn Bình, Đặng Sỹ chỉ bị kết án 20 năm tù.
Ngay tại huế, họ lật đổ vai trò của linh mục Cao Văn Luận trong chức viện trưởng đại học.
Họ làm áp lực buộc viện trưởng Viện Đại Học Huế phải từ chức và ra đi. Trước tình hình căng thẳng như vậy, một số giáo sư đại học đã xin đổi vào Sài Gòn.
Nhất là họ lập ra một Hội Đồng gọi là Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc mà danh xưng cũng như cách hành động na ná như một tổ chức của Việt Minh, cộng sản. Nhiều viên chức trong chế độ cũ lo sợ bị trả thù.
Ít tháng sau, không biết vì lý do gì tổ chức và tờ báo này đóng cửa. Nhưng nó cũng là cớ khai mào ra nhiều phong trào thanh niên, sinh viên Phật Tử đoàn ngũ lại và hệ quả của việc này gây tình trạng xáo trộn liên tiếp ba năm liền- Miền Trung gần như một miền dất tự trị dưới sự ủng hộ của quân đội do tướng Nguyễn Chánh Thi cầm đầu-. một thứ chính quyền bên trong một chính quyền- cho đến khi ông Trí Quang bị dẫn độ về Sài Hòn và ông đã tuyệt thực 100 ngày tại Dưỡng Đường Duy Tân của bác sĩ Tài. Tướng Thi buộc phải rời VN, sang Mỹ chữa bệnh, phong trào tranh đấu miền Trung mới tạm yên ổn.
Sau 100 ngày tuyệt thực không đạt được kết quả gì, ông Thích Trí Quang theo lời khuyên của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, ông đã rút lui về ở ẩn cho đến 1975, rồi sau này nữa, ông vẫn giữ thái độ tịnh khẩu.
Sau ba năm xáo trộn, các thành viên của nhóm thiên tả cực đoan miền Trung phân tán, ngả rẽ làm ba loại.
- Một loại, nhờ có thế, cách này cách khác, một số tìm đường ra ngoại quốc du học như trường hợp Thái Kim Lan, Cao Huy Thuần v.v... Với tư cách sinh viên, họ tụ lại và thành lập nhóm sinh viên phản chiến- gọi là thành phần thứ ba- cấu kết với sinh viên nơi họ cư ngụ. Họ tổ chức biểu tình chống chiến tranh- một cách gián tiếp chống Mỹ và chính thể VNCH. Ở trong nước, họ quậy phá một cách, ra ngoại quốc, họ quậy phá một cách khác. Tâm tình của họ, thái độ của họ, đời sống của họ, hoạt động của họ luôn luôn đẩy họ về phía đối lập, chống đối VNCH. Họ hãnh diện về thành tích và việc làm của họ ở trong nước cũng như khi ngoài nước.
- Một số lớn còn lại, tiếp tục ăn học trở thành những sĩ quan, công chức của VNCH. Nhưng họ sống với nhiều hoang mang, trăn trở ở cái tình trạng mà Trịnh Công Sơn gọi là: Tiến thoái lưỡng nan. Một số nhỏ, che dấu cái quá khứ của họ hoặc tham gia chính quyền, hoặc ra tranh cử dân biểu như trường hợp Hoàng Văn Giàu đi theo Bùi Tường Huân. Một số tham gia chính quyền với tư cách dân biểu với sự đỡ đầu của Phật giáo. TT. Trí Quang chắc hẳn đã bảo trợ và đỡ đầu cho các dân biểu này. Với tư cách dân biểu, họ đứng trong danh sách các dân biểu đối lập của nhóm Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức quậy phá một cách công khai và hợp pháp, hỗ trợ cho đám sinh viên cộng sản nằm vùng như Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy. Hoàng Văn Giàu, sau khi đi tù cộng sản, ra hải ngoại- vẫn chưa thấm đòn cộng sản tiếp tục giao lưu móc nối với đám Giao Điểm làm cầu nối cho cộng sản. Họ tham gia chính quyền để tranh đấu hợp pháp, không bị cầm tù. Nếu có thể nói đây là những kẻ nội thù của chính quyền miền Nam.
- Còn một số rất nhỏ, vì lộ diện trong việc tranh đấu, vì sợ bị chính quyền VNCH bắt cầm tù đã chạy trốn hẳn sang bên kia như trường hợp anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân..Thái Ngọc San, Tiêu Dao Bảo Cự. Sau này, họ cũng vỡ mộng cộng sản nhưng rơi vào tình trạng gái ngồi phải cọc như trường hợp Tiêu Dao Bảo Cự. Riêng Nguyễn Đắc Xuân, anh ta là người cộng sản hơn cả người cộng sản.
Bằng cách nào ở vị trí nào, ở trong nước hay ở hải ngoại. Đám người cực đoan và quá khích- một số nhõ- miền Trung cũng chống phá VNCH trong suốt hai mươi năm miền Nam và sau này ở Hải Ngoại.
Tôi xin xác nhận, họ không phải là cộng sản thứ thiệt, nhưng việc làm của họ, việc tranh đấu của họ trở thành thứ nối giáo- kẻ nội thù- cho người cộng sản.
Người ta có cảm tưởng chống phá là lý lẽ đời sống của đời họ. Họ sinh ra để chống phá. Và họ chỉ thực sự lớn lên trong khí thế tranh đấu bạo động. Nhiều người trong bọn họ chắc chắn không phải là cộng sản. Nhưng một điều chắc chắn họ cũng không bao giờ là những người con dân của miền Nam.
Nhận định về các thành phần trí thức trong các tờ Hành Trình, Đất Nước và Trình Bầy
Sau biến cố chính trị 1963, một số trí thức miền Nam- trăn trở trước tình hình đất nước- thấy không thể ngồi yên. Họ thấy cần làm một điều gì, thấy cần lên tiếng và nhất là thấy cần phải bầy tỏ một thái độ nhập cuộc, phải dấn thân không thể ngồi trong tháp ngà của suy tưởng lý thuyết suông.
Trong số trí thức ấy có hai người là các ông Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung chủ trương tờ Hành Trình vào tháng 10- 1964 và sau này tờ Đất Nước.
Do vị thế trí thức của họ với giới sinh viên, họ thu hút được một số trí thức khuynh tả và giới trẻ đi theo họ.
Danh sách những thành phần trí thức viết cho Hành Trình bao gồm một số linh mục như Đỗ Phùng Khoan, tức linh mục Nguyễn Huy Lịch, Võ Hồng Ngự, tức nhà thơ Diễm Châu, Trần Trọng Phủ, tức nhà văn Thế Nguyên (Thế Nguyên là một người đi theo cộng sản và sau này làm chủ bút tờ Trình Bày), Trương Cẩm Xuyên, tức linh mục Trương Đình Hòe, Hương Khuê, tức linh mục Trương Bá Cần, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Trần Văn Toàn, các nhà văn như Thảo Trường, Thái Lãng, Nguyễn Vũ Văn, Lê Tất Hữu, Thế Uyên, Trịnh Viết Đức, chủ nhà in Nam Sơn- người tài trợ cho việc in ấn.
Trong lời nói đầu ghi:
- Không thể tìm ra một lối thoát thực sự nếu không dám đụng đến những nguyên nhân sâu xa là nguồn gốc tình trạng đang rơi vào suy sụp hoàn toàn. Tạp chí Hành Trình ra đời nhằm phê phán đến tận cùng những nguyên nhân sâu xa đó, để góp phần tìm ra một lối thoát thực sự và hiệu nghiệm ». (23) (Hành Trình, số 1, tháng 10-1964)
Tờ báo mặc dầu chỉ ra được hơn mười số, đã có một tiếng vang cả trong lẫn ngoài nước cũng như dư luận Hoa Kỳ và Ngoài Bắc.
David Marr, vừa tốt nghiệp đại học sang VN đã cho dịch những bài báo của Nguyễn Văn Trung và cho đăng trên các báo Mỹ và các cơ quan truyền thông của công giáo Mỹ như các bài: (War, Peace, and Revolution) , hoặc bài Our problems: Ourselves.
Trong số những bài viết phản biện có các bài từ Miền Bắc lên tiếng sớm nhất như bài : Từ Chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, thực chất và huyền thoại đến Hành Trình, của Phong Hiền, tháng 4 năm 1965 và bài của Tam Thanh, đọc Nhận Định 4 của Nguyễn Văn Trung.
Phía VNCH có bài nhan đề: Phê bình quan điểm Cách mạng xã hội của hai ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh trung, Nguyễn Văn Bảy, Sài Gòn 10-1967. Và bài : Nghĩ về một số trí thức ảo tưởng, Ánh Việt, đăng trên Chính Luận, 10-1971.
Đặc biệt cho đến sau 1975, còn có những loại trí thức nằm vùng lôi câu truyện 10 năm về trước viết bài nhằm tâng công với cộng sản, Nguyễn Trọng Văn viết bài tham luận nhằm, phê phán Nguyễn Văn Trung nhan đề: Chủ nghĩa xã hội không cộng, tại miền Nam Việt Nam, thời Mỹ- Ngụy- Nội Dung và ảnh hường.
Phần Lữ Phương viết bài : Mấy ý kiến về các xu hướng gọi là Cách Mạng xã hội không cộng sản ở miền Nam trước 1975. (24) (Hồ sơ về tạp chí Hành Trình, Sài Gòn 1964-1965, Nguyễn Văn Trung)
Tờ báo sau đó đóng cửa không một lời giải thích.
Tờ Đất Nước
Hành Trình đóng cửa, Đất Nước thay thế. Ban biên tập với Chủ nhiệm là Nguyễn Văn Trung, Chủ trương biên tập : Lý Chánh Trung, Tổng Thư ký tòa soạn là Thế Nguyên.
Trước hết, tờ báo có sự cộng tác chính yếu của nhà thơ Nguyên Sa- một Nguyên Sa dấn thân, nhập cuộc không làm thơ tình nữa như trong bài thơ: Tắm hay Sân Bắn của ông.
Bên cạnh Nguyên Sa có nhiều cây bút khác như Du Tử Lê, Đinh Phụng Tiến, Hồ Minh Dũng, Lê Văn Ngăn, La Nuyễn, Bùi Khải Nguyên, Nguyễn Quốc Thái, Lê Khoa, Nguyễn Tất Nhiên, Luân Hoán, Thế Phong, Nguyễn Tường Giang, Tần Hoài Dạ Vũ, Lưu Kiển Xuân, Phong Sơn, Thái Lãng.
Nhưng sự có mặt của Thế Nguyên trong vai trò Tổng Thư ký tòa soạn- một người theo cộng sản- nên đã có kéo theo nhiều nhà thơ nhà văn thân cộng viết cho tờ báo như các ông: Ngụy Ngữ, Lưu Nghi, Thái Ngọc San, Tôn Thấp Lập, Phạm Thế Mỹ, Ngô Kha, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, Trần Hữu Lục.
Chắc chắn ông Nguyễn văn Trung và Lý Chánh Trung hoàn toàn không nắm được vấn đề này.. Họ- nhất là Nguyễn Văn Trung- mất chủ động-, mặc cho Thế Nguyên thao túng về bài vở, tác giả cộng tác, quản lý tiền bạc, nhà in phát hành.
Thế cho nên mang tiếng là báo của trí thức thiên tả, nhưng thực sự chủ động là cộng sản giật giây.
Miền Nam mất cái đà làm chủ tình hình báo chí, văn học, văn nghệ dần dần như thế.
Hãy trích lại giọng điệu trong thơ của Phạm Thế Mỹ sặc mùi tuyên truyền, chống Mỹ, chống chiến tranh như bài:
Những ngày sắp tới
Thưa thầy, họ đã dạy con:
Không có bom đạn Mỹ
Việt Nam mất nước từ khuya
Không có viện trợ Hoa Kỳ
Việt Nam sức mấy...
Đất nước linh thiêng ơi,
Sao họ không chỉ dạy chúng làm toán đại số
Dạy chúng ấm no
Có hơn không?
Giữa Hành Trình và Đất Nước, cộng sản như thể đang ở ngoài nhà, nay đã vào đến trong nhà, vào buồng ngủ… của tờ báo.
Nó lộ liễu và công khai quá… Nó không cần đeo mặt nạ. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy tên tuổi những Nguyên Sa, Luân Hoán, Du Tử Lê, Nguyễn Tử Quý, Thảo Trường bên cạnh Ngô Kha, Ngụy Ngữ.
Với cung cách lộn sòng như thế này- không phân biệt tà-ngụy.. cùng đứng chung, xếp hàng.
Miền Nam đang trải qua một mùa gió chướng và những cơn thử thách cuối cùng của một dòng lũ triều cường có thể cuốn trôi và phá sạch tất cả...
Tờ Trình Bầy
Tờ Trình Bày xuất hiện vào tháng 08-1970, cũng lại
do Thế Nguyên làm chủ bút và chủ nhiệm (Thế Nguyên sau 1975 không được trọng
dụng, chết lãng xẹt, rất sớm vì bị nhiễm trùng sài uốn ván). Ở giai đoạn
chót của miền Nam, Trình Bày
ngang nhiên xuất hiện, in ấn đàng hoàng, bất chấp kiểm duyệt, bất chấp tịch thu
báo. Ai tài trợ cho tờ báo? Có thể một phần do nhà in Nam Sơn tài trợ. Nhưng
phần còn lại là ai? Còn ai vào đây nữa?/p>
Lần này nó lại được tăng cường thêm những cây viết của người quốc gia chân chính, chính hiệu như Phạm Cao Dương, Trần Tuấn Nhậm, Trùng Dương, Nguyễn Đa, Nguyễn Đồng, Chu Vương Miện, Hoàng Ngọc Nguyên, Trần Hoài Thư, Trần Đỗ Dũng, Thanh Lãng, Nguyễn Đăng Thường, Lê Văn Thiện, Trần Huiền Ân, Đoàn Luân, Thuận Giao.
Và làm sao thiếu được Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung. – Những người đứng làm bảng hiệu chính danh và hợp pháp-.
Nhất là nay có thêm sự có mặt của Nguyễn Nguyên- tay trùm cộng sản- núp bóng trong tờ Tin Văn với Vũ Hạnh, Lữ Phương.
Nào ta đếm thử coi, còn thiếu ai nữa, những nhà văn, nhà thơ của miền Nam xem ai là người vắng mặt?
Ở trong tình trạng này, thật khó xếp hạng, thật khó biết ai là người quốc gia, ai là người bị cộng sản lợi dụng và ai là người cộng sản thứ thiệt?
Nếu cần tố cáo thì tố cáo ai nhỉ? Ai là người anh em của ta, ai là kẻ thù? Và hôm nay, nhiều người còn sống sờ sờ trong các cơ quan truyền thông, trong các tờ báo ở Mỹ, ở mọi nơi?
Trong số đầu, thơ Nguyên Sa cặp với Ngô Kha. Nguyễn Khắc Ngữ sánh đôi Nguyễn Quốc Thái, rồi lại Nguyên Sa với Ngụy Ngữ. Bài viết của Phạm Cao Dương đi kèm với bài của Trần Tuấn Nhậm.
Ngay trong lời mở đầu với nhan đề: Con đường đi tới., người đọc hiểu thế nào cũng được với thứ ngôn ngữ tuyên truyền bi thảm hóa cuộc chiến như sau:
- Một phần tư thế kỷ đã trôi qua trên cuộc cách mạng mùa thu...Tuy vậy, những hy sinh ròng rã suốt 25 năm trời ấy dường như chưa đủ để cho một dân tộc yêu chuộng hoà bình như dân tộc Việt Nam có thể buông súng xuống vui hưởng tự do.
- Bây giờ vẫn còn những cụ già tóc bạc bị trói tay, bịt miệng, những em bé bất lực quằn quại trên vũng máu, những thanh niên bị đánh đập dã man, những thiếu nữ bị hãm hại.
- Bây giờ vẫn còn những cảnh tra hỏi, bắt bớ ở mỗi nẻo đường, những tiếng hét rùng rợn của những nạn nhân trong những phòng tra tấn,: cả một miền đất nước biến thành một cái chuồng thú vĩ đại. Máu hòa nước mắt. Roi da và thép gai, thép gai trùng trùng, điệp điệp…
- Con đường đi tới là con đường giải phóng: giải phóng đất nước và giải phóng con người Việt Nam toàn diện. (25) (Trình Bày, Tập I, tháng tám 1970, trang đầu).
Những người quốc gia ở đâu, những chiến sĩ VNCH ở đâu để cho tờ báo thóa mạ VNCH. Những tác giả cộng tác với Trình Bày nay còn sống ở Hải ngoại, nay họ nghĩ gì?
Tôi viết phần bài này nhân sắp đến dịp 50 năm năm kỷ niệm 50 năm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Sau 1963, Hồ Chí Minh nói với nhà báo thân cộng Wilfrid Burchett:
Tôi không thể ngờ tụi Mỹ nó ngu như thế.
Nguyễn Hữu Thọ của MTGPMN phát biểu:
Sự lật đổ Diệm là một món quà Trời ban cho chúng ta.
Trách ai và trách cái gì bây giờ?
- Tình Con Người trong truyện: Đôi mắt người bị xử bắn trong rặng bình bát Nguyễn Văn Lục Nhận định
- Nguyễn Chí Thiện: người cầm bút không bị bẻ gãy Nguyễn Văn Lục Nhận định
- Đọc “Một góc ký ức và bây giờ” của Vũ Thế Thành Nguyễn Văn Lục Nhận định
- Đôi dòng tưởng niệm cố Giáo sư Trần Thái Đỉnh Nguyễn Văn Lục Hồi ức
- Tóm lược về sự hình thành của Tạp chí Đại Học Nguyễn Văn Lục Nhận định
- Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 ở miền Nam và ở Hải ngoại Nguyễn Văn Lục Khảo luận
- Từ Nam Phong Tới Bách Khoa Nguyễn Văn Lục Khảo luận
- Giới Thiệu và Nhận Xét về Tập San Sử Địa của hai miền Nam Bắc Nguyễn Văn Lục Khảo luận
- Sách Cũ Miền Nam 1954 - 1975 Nguyễn Văn Lục Nhận định
- Từ Nguyễn Chí Thiện đến Nguyễn Đắc Kiên Nguyễn Văn Lục Nhận định
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |