1. Head_

    Vương Đức Lệ

    (.0.1937 - 20.1.2008)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đặng Tiến – Thi pháp và thơ (Trần Đình Sử) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      17-4-2023 | VĂN HỌC

      Đặng Tiến – Thi pháp và thơ

        TRẦN ĐÌNH SỬ
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà phê bình Đặng Tiến
           (30.3.1940 - 17.4.2023)

      Học Xá: Nhà phê bình Đặng Tiến - tác giả cuốn "Vũ trụ thơ" - qua đời ở tuổi 83, tại nhà riêng vùng Orléans, sáng 17/4.

      Nhà thơ Hoàng Hưng cho biết nhận tin Đặng Tiến qua đời từ nhóm bạn đồng nghiệp ở Pháp. Nhà phê bình mắc ung thư nhiều năm trước, luôn giữ tinh thần lạc quan, chống chọi bệnh tật. Trước khi mất không lâu, ông vẫn đăng bài, cùng bạn bè bàn luận thơ ca trên Facebook.

      (theo vnexpress.net)

      Đặng Tiến là một nhà phê bình văn học có tiếng ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Do hoàn cảnh chiến tranh và cư ngụ nước ngoài, bạn đọc trong nước, nhất là người miền Bắc, từ sau 1975 ít có điều kiện tiếp xúc với phê bình văn học của ông. Trước đó năm 1972 ở miền Nam lưu hành tập Vũ trụ thơ [1] mà nhiều người còn nhắc. Sau này có thêm tập Vũ trụ thơ II [2] và tập Thơ, thi pháp và chân dung [3]. Tôi cũng đọc các bài trên trang dangtien, Art2all.net. Ngoài các tài liệu ấy chúng tôi còn biết rất ít về Đặng Tiến. Điều chúng tôi thích thú với ông, trước hết vì ông cũng là người đam mê thi pháp như chúng tôi và ông có điều kiện đi trước chúng tôi một thời gian khá dài.


      Đặng Tiến sinh năm 1940, quê ở An Trạch, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc về thành phố Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp văn khoa Sài Gòn năm 1963, ra ngoại quốc từ năm 1966, từ năm 1968 ông định cư tại Pháp, dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam ở Orléans và Đại học Paris VII, Denis Diderot cho đến khi về hưu năm 2005. Ông viết cho các báo trong nước và nước ngoài. Khi ông về nước, tôi đã có mấy lần gặp ông, chủ yếu để làm quen. Đọc sách của ông người ta thấy ông thiên về thưởng ngoạn văn học nhiều hơn là nghiên cứu lí thuyết, phê bình văn học của ông có nét riêng.


      Tập tiểu luận Vũ trụ thơ 1972 viết về năm tác giả. “Vũ trụ thơ” theo tôi hiểu, tức là “thế giới nghệ thuật thơ”, nhan đề cuốn sách của tôi năm 1995. Đó là điều khiến tôi thú vị như gặp được người đồng điệu. Xem nhan đề thấy ông nhìn tác phẩm văn học như thế giới nghệ thuật, tức thế giới có quy luật riêng, khác với thế giới tự nhiên, xã hội, một ý tưởng đã có từ giữa thế kỉ XIX, nhưng diễn giải theo các phương pháp của thế kỉ XX. Đã xem tác phẩm là vũ trụ thì tất phải quan tâm đến con người trong đó, quan niệm về con người, bởi thế giới nghệ thuật là thế giới của các nhân vật trong tác phẩm được nhìn theo con mắt của nhà văn (thơ). Từ những nét chung của vũ trụ thơ mà đi đến tìm hiểu các từ khóa nổi lên trong vũ trụ ấy, rồi từ các từ khóa mà xác lập nên cái vũ trụ kia. Tập tiểu luận được nhiều người nhắc đến có lẽ do có những phát hiện, khơi gợi một cách cảm thụ mới.


      Có nhà phê bình cho rằng bình thơ của Đặng Tiến vẫn chưa thoát khỏi tệ “thuật, bình, tán”, nhưng đọc kĩ thì có vẻ không đúng như vậy. Bởi ông cũng ghét bình tán thơ thành tán phét, và chủ trương, “Nhà phê bình ít nhiều khuynh đảo dư luận quần chúng, thì phải có trách nhiệm khoa học: anh khen một câu thơ hay ắt phải có khả năng giải thích nó hay ở chỗ nào” (Thơ, thi pháp và chân dung, tr. 190). Và Đặng Tiến làm được điều ấy, nghĩa là phê bình theo một quan niệm khoa học, dùng khoa học để giải thích ý nghĩa.


      Đọc Đoạn trường tân thanh ông nhìn thấy một thế giới phi lí, hư vô, cô đơn, tha hóa, lưu đày, tựa như đem Truyện Kiều mà minh họa cho quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh về cuộc đời, nhưng đó là cách ông lí giải về tư tưởng của tác phẩm, khác với các cách trước đó. “Con người trong Đoạn trường tân thanh là con người phi lí, nô lệ, cô đơn, nhục nhã, lưu đày, tha hóa, gian dối. Truyện Kiều là ý thức bi đát của thân phận làm người. Nhưng giá trị Truyện Kiều không dừng lại ở ý thức bi đát đó.” Dĩ nhiên đó là thế giới của nhân vật chính Thúy Kiều, không phải của Thuý Vân, Kim Trọng. Tuy nhiên Nguyễn Du đã chiến thắng khi “sáng tạo ra một tác phẩm đẹp, tạo niềm tin mới cho con người, tạo ý thức của những giá trị cao cả tiềm tàng trong cuộc sống.”, ý nói nghệ thuật đã chiến thắng cuộc sống bi đát (tr.27).


      Khi xem tác phẩm của một tác giả là vũ trụ thơ Đặng Tiến, cũng như người khác, sẽ không bình thơ theo bài, mà theo cái thế giới nghệ thuật, thể hiện trong nhiều bài, của tác giả để lại nơi ấn tượng của người bình. Đó là các motif ngôn từ như phôi pha, cách biệt, chia lìa, héo úa, rơi rụng cứ lặp đi lặp lại trong thơ Tản Đà, một bài viết khá ấn tượng. Phát hiện của thơ Tản Đà là sự phôi pha.


      Triết lí của Đặng Tiến giống như triết gia Hi Lạp đã nói, con người không thể tắm hai lần ở một dòng sông, người đọc mỗi lần đọc tác phẩm một khác. Tác phẩm văn nghệ không mạch lạc như người ta tưởng, và người phê bình cũng không có một quan niệm nhất quán, dứt khoát về một tác giả, thiết nghĩ là một ý tưởng khả thủ, và như thế nhà phê bình cũng sẽ không tranh cãi, nếu ai đó có ý kiến khác. Bởi tất cả đều thay đổi, phôi pha. Tác giả biết phát hiện và có ý thức về giới hạn của phát hiện của mình. Về Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Đặng Tiến chú ý đến thi tính ở ý thức vạch lối tìm đường về thể loại, về sử dụng từ láy, danh từ chỉ đồ vật Việt Nam và chất thơ thanh cao, lòng yêu thiên nhiên trong trẻo. Ở bài Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử, Đặng Tiến tranh luận với Vũ Ngọc Phan, dùng ý thức tôn giáo, phương pháp chủ đề học (phê bình ý thức) để giải mã hình tượng thơ. Tôi nghĩ đây là những phân tích có giá trị. Ông cho biết, trong cái thẹn thò của trăng đã nhuốm ý thức nguyên tội và trong các bài thơ dục tình của nhà thơ tuy táo bạo bậc nhất trong thơ mới, nhưng táo bạo đến đâu vẫn còn ý nhị, không sống sượng. Dù có cợt nhã đến đâu đều là tình trong không tưởng. Đặng Tiến giải thích tập thơ Đau thương làm trong khi Hàn Mặc Tử phát bệnh cực kì đau khổ, mà vẫn an vui, là vì niềm tin đau thương đối với người Thiên Chúa giáo là một huyền nhiệm, thai nghén cho ngày mai. Biểu tượng trăng, theo nhà bình luận vẫn có cội nguồn trong đức tin, Trăng là ánh sáng, nhà thơ là ánh trăng, là con của Ánh Sáng. Theo J. P. Richard, máu là cuộc sống đang chết hay là cái chết tàn nhẫn, theo đó máu vừa là hành hạ vừa là giải thoát. Còn Hồn là cái tồn tại đợi ngày Phục sinh. Và Hàn Mặc Tử đã sống trọn vẹn với đức tin của mình trong những ngày đau thương nhất. Đặng Tiến không phản đối cách hiểu theo từ bi của Phật. Tôi thích thái độ này của Đặng, bởi mình cứ tìm tòi, mà không cản trở ai khác.


      Đọc thơ Thế Lữ, Đặng Tiến lưu ý tính logich trong cấu trúc câu thơ, đồng thời chú ý dụng công trong cách dùng các nguyên âm để biểu hiện (Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc, Sau trúc, ô kìa xiêm áo ai). Ông đã phân tích một đôi câu thơ Thế Lữ (Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng, Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt) trong bài Nhớ rừng để thấy sự kế thừa và cách tân của Thế Lữ, và bao người sau ông đã chịu ảnh hưởng. Về Xuân Diệu, Đặng Tiến lưu ý đến bối cảnh khi ông ấy xuất hiện, đề tài mới (như tuổi trẻ…) và những hình ảnh tinh tế, âm điệu gợi cảm, tiêu tao, một cách chung chung. Đọc đến bài Thi giới của Đinh Hùng, thì người ta thấy tiêu chí phê bình của nhà phê bình đi tìm một thế giới của cảm giác, đóng, mở, đầy, chảy trôi, hòa giải. Ông hình như đang vận dụng cách phân tích phân tâm học vật chất của Gaston Bachelard để khái quát thi giới Đinh Hùng, một cách làm khá mới lạ đối với “các nhà phê bình miền Bắc” chỉ quen đi tìm phản ánh thực tế. Hoàng Ngọc Hiến cho rằng, “với tiêu chí của một Valéry xác định “phẩm cách đích thực của một nhà thơ đích thực là ở những gì khác hẳn với trạng thái giấc mê” thì chắc chắn tư cách thi sĩ của Đinh Hùng, cả tư cách phê bình thơ của Đặng Tiến nữa bị nghi ngờ”. Nhưng Hoàng Ngọc Hiến chỉ tỏ ra hợp lí khi coi đó là cái cái gu riêng của nhà phê bình. [4] Tôi thì không nghi ngờ và cho rằng đó là một cách khám phá có giá trị của nó.


      Tuy vậy đọc bài Nữ tính trong thơ bà Huyện Thanh Quan thì tôi thấy nhà phê bình có chỗ hơi suy diễn. Các hình ảnh ngàn mai, tàu chuối, dặm liễu mà coi là ba thứ cây tượng trưng cho nữ tính có lẽ là hơi quá chăng? Trong thơ cổ không dành ba thứ biểu tượng đó cho nữ tính, đơn giản đó là thời của diễn ngôn nam tính. Thánh thót tàu tiêu thường chỉ nỗi buồn, lòng đầy tâm sự; dương liễu gắn với những cuộc chia li, nỗi buồn, còn hoa mai gắn với sự cao khiết, ẩn cư. Có lẽ nữ tính ở đây nằm trong âm điệu. Đặng tiên sinh tưởng tượng: “Có lúc thấy lòng mình thèm khát một cách xa vắng. Nhưng lúc ấy thơ Thanh Quan bỗng chuyển mình thành một cánh tay nõn nà quàng qua gáy tôi, ôm lấy cổ tôi. Tôi muốn cắn mạnh vào những âm thanh trắng muốt đó.” (tr. 42) Chỗ này Đặng Tiến đã có chút tán trong lúc cao hứng. Nhưng đó chỉ là hãn hữu. Trong bài bình thơ này khi nói đến giá trị của các nguyên âm tròn môi o, ô, u Đặng Tiến cũng phạm sơ suất như Xuân Diệu, là khi áp dụng lối phân tích giá trị của các nguyên âm, phụ âm của thơ phương Tây vào thơ Việt. Xuân Diệu không phân biệt thi pháp phương Tây với ngôn ngữ đa tiết tính với thơ tiếng Việt đơn tiết tính, không phân biệt nguyên âm với các vần trong tiếng Việt như Nguyễn Quang Hồng đã chỉ ra [5]. Tôi thấy Đặng Tiến cũng đã cảm thấy có sự khác, nhưng có lẽ do ông không phải là nhà ngữ học nên ông không phát biểu thành lí thuyết được.


      Trong bài Lê Đạt và Bóng chữ Đặng Tiến có một lối giải thích về thi pháp Lê Đạt khá hay và sáng rõ, giúp cho người ta thấy giới hạn sáng tạo của nhà thơ và cái ngưỡng của nó. Ông xác định thơ Lê Đạt chỉ lạ mà không mới (tr.317). Qua Lê Đạt, ông đánh giá thơ Việt Nam từ 1975-1995 “chỉ có những bài văn vần, có những câu thơ hay, mà chưa có nền thơ, có nhiều tác giả mà không mấy tác gia” (tr. 316). Đó là những đánh giá của Đặng Tiến, rất khác với đánh giá khác. Trong Thơ, thi pháp và chân dung, Đặng Tiến còn bàn về các nhà thơ Bùi Giáng, Quang Dũng, Văn Cao, thơ Đồng chí của Chính Hữu, Núi đôi của Vũ Cao và thơ Trường Sơn của Phạm Tiến Duật và vài bài bàn về ca dao, quan họ với những đánh giá khác. Nói như Hoàng Ngọc Hiến, chân dung văn học của Đặng Tiến lẽ tất nhiên khác với chân dung của các nhà thơ trên do người khác vẽ nên, không chỉ là khác gu cũng là dễ hiểu. Tôi muốn nói thêm một câu: Chân dung văn học của Đặng Tiến có nét đặc sắc: không phải là chân dung bề ngoài, mà là chân dung tư tưởng nghệ thuật của nhà thơ.


       

      Kệ sách Học Xá

      Đọc tập Vũ trụ thơ II năm 2008, ta sẽ hiểu hơn về văn học miền Nam, về thi ca thời chiến của miền Nam. Đáng chú ý nhất là ông giới thiệu về Trịnh Công Sơn, thơ Thanh Tâm Tuyền, tiểu sử và thơ xuân của Vũ Hoàng Chương. Rất tiếc là những bài viết của Đặng Tiến về thơ Tô Thùy Yên không được chọn vào tập này.


      Tôi nhớ đã đọc ông bình luận về thơ Tố Hữu, thơ Nguyễn Đình Thi, thơ Hoàng Cầm, Hữu Loan, Huy Cận rồi. Đặng Tiến là nhà phê bình rất công phu. Ông là người rất chăm chút về tư liệu, tiểu sử, văn bản tác phẩm mà ông phê bình. Đặc biệt hơn nữa, lời văn phê bình của ông trau chuốt, mềm mại, thể hiện sự cảm thụ tinh tế, cách hưởng thụ cái đẹp của tâm hồn. Đọc văn ông người ta có cảm giác tin cậy.


      Ngoài thơ ông cùng bình luận tiểu thuyết mà Nhất Linh-Bướm trắng, Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh là những ví dụ.


      Đặng Tiến không chỉ bình thơ, tiểu thuyết, mà ông còn nghiên cứu lí luận thi pháp về thơ, nhưng không nhiều. Phần nghiên cứu lí thuyết ông hiện có rất ít, chỉ có 6 bài nghiên cứu về lí thuyết thơ của chủ nghĩa cấu trúc và thi pháp của một vài học giả ông yêu mến như Nguyễn Tài Cẩn, C. L. Strauss, mà lối viết cũng “rất thoáng”, thiên về chấm phá, ít trích dẫn. Bài Thơ là gì? được viết từ năm 1973, khi chủ nghĩa cấu trúc đang thịnh, khi công bố thành sách này (2009) thì chủ nghĩa cấu trúc đã bị thay thế bởi giải cấu trúc. Tác giả dự định viết một loạt bài, có một hoài bão rất lớn, nêu ra “thơ và văn xuôi khác nhau ra sao, tương quan giữa ý thơ và lời thơ, khả năng của khoa học áp dụng cho việc hiểu thơ,” muốn “thoát li khỏi quỹ đạo kiến thức tây phương” (xem tr. 10), nhưng không dễ thực hiện. Bởi xác định bản chất thơ vốn là rất khó.


      Mở đầu sách Phân tích văn bản thơ in năm 1972, nhà kí hiệu học Nga Ju. Lotman viết: “Thơ là lĩnh vực nghệ thuật mà bản chất của nó cho đến nay khoa học vẫn chưa hiểu đến tận cùng. Phải biết thỏa hiệp với thực tế là hàng loạt vấn đề, gồm cả vấn đề quan trọng của thơ ca vẫn đang nằm ở ngoài khả năng của khoa học.” [6] Đặng Tiến bắt đầu với cách đặt vấn đề của chủ nghĩa hình thức Nga: Thơ khác với ngôn ngữ thường ra sao? Đây chính là vấn đề mà R. Jakobson đặt ra trong bài Thơ là gì? viết bằng tiếng Tiệp năm 1933 [7].Và cũng là vấn đề đặt ra trong bài báo của Phan Ngọc viết năm 1990 Thơ là gì? [8] Điều thú vị là cả ba bài đều đặt vấn đề đối lập thơ với văn xuôi, tức là cái không phải thơ. Rõ ràng cả hai học giả Việt Nam đều chịu ảnh hưởng cách đặt vấn đề của R. Jakobson, khi ông chủ trương, đối tượng của nghiên cứu văn học không phải là văn học, mà là tính văn học, một thứ chức năng của ngôn ngữ, nó biến văn bản phi thơ trở thành văn bản thơ.


      Roman Jakobson dành cả một đời theo đuổi mục tiêu đó. Ông tranh luận với các nhà nghiên cứu văn học để xác định thi học là chuyên ngành thuộc ngôn ngữ học, nghĩa là ngôn ngữ học có quyền nghiên cứu chức năng thơ bằng các kĩ thuật ngữ học [9]. Ngày nay ở Nga vẫn có nhiều người nghiên cứu thi học ngôn ngữ học về thơ. Trong bài Thi pháp học và Ngôn ngữ học ông xác định chức năng thơ là “đem nguyên tắc tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục của sự kết hợp”, và “vấn đề cơ bản của thi ca là sự song hành (parallelism)”. Như vậy có thể hiểu chức năng thơ là loại ngôn ngữ thơ ca, đề lên hàng đầu sự chia cắt ngôn ngữ ra thành các vế tương đương, và ở trên từng vị trí của vế tương đương ấy người ta chọn những gì đồng nhất hoặc khác biệt, tạo nên sự láy lại hay đối lại giữa các vế tương đương [10]. Đáng tiếc là cái tính thơ (thi tính, chức năng thơ) của ông vừa có trong thơ, vừa có cả ở ngoài thơ, cho nên không có giá trị khu biệt dứt khoát thơ và phi thơ. Cả tính thẩm mĩ (chức năng thẩm mĩ) cũng vừa có trong thơ vừa ở ngoài thơ, cho nên tự chúng không thể là tiêu chí để xác định thơ được.


      Trong bài thuyết trình Tính chủ đạo (1935) Jakobson đã viện đến tính chủ đạo (dominant) để xác định tính thơ. Ông nói rõ mấy điểm sau: 1. Đồng nhất tác phẩm thơ với chức năng thơ, hay là chức năng thi tính chính là tuyên dương quan niệm nghệ thuật thuần túy, chạy theo nghệ thuật vị nghệ thuật. 2. Chức năng thơ không chỉ tồn tại trong thơ, mà cả ngoài phạm vi thơ, chức năng thẩm mĩ cũng tồn tại trong quảng cáo, tuyên truyền, thậm chí trong bài báo hay chuyên luận khoa học… 3. Trong một tác phẩm thơ không chỉ có một chức năng thẩm mĩ, mà còn có các chức năng khác, như biểu cảm, biểu thị, kêu gọi, triết lí, xã hội học, luân lí học. Nếu xem các chức năng ấy như một thể phức hợp cơ giới thì cũng không phải là hiểu thơ. Và khi nào chức năng thi tính chiếm địa vị chủ đạo, biến các chức năng khác ở địa vị tòng thuộc, thì lúc ấy mới có thể “định nghĩa thơ như một thông tin ngôn ngữ mà chức năng thẩm mĩ chiếm địa vị chủ đạo.” [11]


      Hiểu như thế thì tính thơ, tính thẩm mĩ chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ để một thông điệp trở thành thơ. Thơ chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong ngôn từ thi ca mà chức năng thi tính phát huy tác dụng. Và nếu muốn hiểu thơ là thế nào thì phải đối lập nó với cái không phải thơ. Nhưng Jakobson cũng nói, “muốn biết cái không phải thơ, ngày nay điều ấy không phải là dễ” [12]. Thế nhưng cả Phan Ngọc lẫn Đặng Tiến không ai quan tâm cái không phải thơ là thế nào, cho nên khó xử lí vấn đề thơ là gì. Vì thế khi nghe Đặng Tiến viết: “Thơ khác với ngôn ngữ thường ra sao? Vấn đề này nhà văn, giáo sư Nguyễn Văn Trung, cách đây khá lâu đã trình bày mạch lạc.” Tôi nghĩ là ông quá lạc quan. Ông lại viết: “Khi từ ngữ vượt khỏi công dụng thông tin ấy, để biểu hiện giá trị thẩm mĩ tự tại thì theo Jakobson, nó có chức năng thi pháp (fontion poétique). Đó là thơ.” (tr. 11). Ông viết tiếp: “Nói khác đi, thơ là ngôn ngữ, vậy nó cũng truyền đạt một tình, một ý. Nhưng đặc tính không nằm trong thông điệp truyền đi, mà nằm trong vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng… Cho nên khi so sánh thơ với ngôn ngữ thường, ta có thể nói quá đi một chút như lời Jakobson: thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”.(tr. 11-12). Đọc những lời này ta có thể thấy ông đã nói khác với Jakobson mà chúng tôi đã dẫn trên. Hoàng Ngọc Hiến trong bài Phê bình trong tập sách thơ của Đặng Tiến (bài in trên Diễn đàn) đã không đồng tình với Jakobson, mà thích quan niệm của P. Valéry hơn: “Thơ là sự dùng dằng giữa âm thanh và ý nghĩa.” bởi vì thơ phải có ý nghĩa, chứ không thể chỉ là cái vỏ âm thanh được, thơ cũng không thể chỉ là ngôn ngữ. Nhưng có lẽ Hoàng Ngọc Hiến đã trách lầm Jakobson, bởi Đặng Tiến cũng có thể có chút hiểu khác R. Jakobson. R. Jakobson chỉ nói đến đặc điểm của ngôn từ (ngôn ngữ) thơ theo góc độ ngữ học mà thôi, nghĩa là thứ “ngôn ngữ lấy nó làm đối tượng” chỉ có thể là ngôn ngữ thơ mà chưa phải thơ. Bất luận thế nào, ngôn ngữ chưa phải là thơ, dù nó có tính chất như thế nào. Ngược lại, thơ không phải chỉ là ngôn ngữ.


      Sau này Nguyễn Quang Hồng trong sách Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca (2017), vận dụng và phát triển ý tưởng của Jakobson cũng đã nói rất rõ, lí thuyết cuả Jakobson chỉ là lí thuyết về ngôn từ thi ca, “còn thơ chỉ là một bộ phận trong ngôn từ thi ca mà thôi” [13]. Trong bài Thơ ca Nga đương đại Jakobson viết: “Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mĩ của nó”.[14] Tuy đã nhấn mạnh chức năng thẩm mĩ, nhưng ngôn ngữ tự nó chưa thể trở thành thơ. Mặc dù mô hình giao tiếp ngôn ngữ sáu thành phần và sáu chức năng của Jakobson vẫn nguyên giá trị, và lí thuyết về thi tính của ông lúc đầu nhằm đối lập với cái phi thi tính, thì vẫn ở trong phạm vi ngôn ngữ. Ông phân biệt ngôn ngữ thường như là ngôn ngữ tự nhiên, còn thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mĩ, nhưng chưa lưu ý đến thơ như là hệ thống kí hiệu thứ sinh, có chủ thể (tác giả, người đọc) khác. Văn bản thơ phải hư cấu, đọc thơ trữ tình như là nghe lén tâm sự của người khác. Thơ văn ngoài âm hưởng, nhịp điệu, từ ngữ, bắt buộc phải có hình tượng, có ý nghĩa, người xưa nói có ý tượng, ý cảnh. Theo M. Bakhtin, mọi nghệ thuật, trong đó có thơ ca, tiểu thuyết đều là diễn ngôn mang nội dung ý thức hệ (nghĩa rộng), mang ý thức chủ thể.


      Cũng giống như Nhân loại học cấu trúc của C.-L. Strauss đã mất đi vầng hào quang của nó, lí thuyết thi tính của R. Jakobson thuộc chủ nghĩa cấu trúc, mang tính chất khoa học chủ nghĩa, tách biệt với nhà thơ, người đọc và tâm lí, chỉ nói được về ngôn từ thi ca, mà chưa nói được về thơ cũng mất đi viễn cảnh. Xin được lưu ý rằng, bài viết của Đặng Tiến về thi pháp thơ hoàn thành vào năm 1973, khi chủ nghĩa cấu trúc vẫn còn đang ở đỉnh điểm, còn khi đem in ở Việt Nam thì đã vào thời điểm giải cấu trúc lâu rồi. Khi phê bình bài này chúng tôi cũng ở vào một thời điểm khác, với hệ tri thức khác.


      Là nhà phê bình văn học, Đặng Tiến đã thể hiện sự hiểu sâu và sành điệu với thi ca nước nhà. Ông là nhà phê bình theo diễn ngôn khoa học.


      ---------------

      [1] Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Giao điểm, Sài Gòn, 1972.

      [2] Vũ trụ thơ II, Thư Ấn quán, Hoa Kì, 2008.

      [3] Đặng Tiến, Thơ, thi pháp và chân dung, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2009.

      [4] Hoàng Ngọc Hiến, Phê bình thơ trong tập sách “thơ” của Đặng Tiến. Bài đăng trên diendan.org ngày 03/09/2009, cập nhật lần cuối 12/04/2016.

      [5] Nguyễn Quang Hồng, Phan Diễm Phương, Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, dẫn Xuân Diệu bình câu thơ trong Chinh phụ ngâm “Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, Đường bên cầu cỏ mọc còn non” “với 6 chữ o rất ngọt”, thực ra chỉ có một âm o, còn các trường hợp khác âm o nằm trong tổ hợp vần khác, tr. 42.

      [6] Ju. Lotman, Phân tích văn bản thi ca, M., Prosveshenie, Moskva, 1972, tr. 17.

      [7] Xem: R. Jakobson, Thi học và ngữ học, Lí luận văn học phương Tây hiện đại, Trần Duy Châu dịch, Nxb Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2008, tr. 61- 81. Thời gian này Jakobson còn phát biểu bài Cái chủ đạo (the dominant) bằng tiếng Tiệp.

      [8] Phan Ngọc, Thơ là gì? Trong sách Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ, 2000, tr. 31.

      [9] Xem Lời bạt viết cho tập Những vấn đề thi pháp học (Questions de poétique), in ở Paris, Le Seuil, 1973. Đọc qua bản tiếng Nga trong sách Các công trình thi pháp học, Nxb Tiến Bộ, Moskva, 1987, tr. 80-99.

      [10] Nguyễn Quang Hồng, Phan Diễm Phương, Âm tiết tiếng Việt và ngôn ngữ thi ca, Nxb ĐHQG, Hà Nội, 2017, tr. 22.

      [11] R. Jakobson, Cái chủ đạo, trong sách: Triệu Nghị Hành chủ biên, Tập luận văn về kí hiệu học, Nxb Bách Hoa, Thiên Tân, 2004, tr. 83. Dịch từ: Roman Jakobson: “The Dominant”, Language in Literature, Cambridge: The Belknap Press of Harvard University Press, 1987. PGS. TS. Hoàng Dũng đã giúp cho chúng tôi bằng cách dịch đoạn trích trong bài Cái chủ đạo bằng tiếng Anh nói trên sang tiếng Việt, và tôi cho rằng hiểu như đã trình bày trên là đúng với ý của đoạn văn Jakobson. Nhân đây xin trân trọng cảm ơn PGS Hoàng Dũng.

      [12] Xem tài liệu do Trần Duy Châu dịch, tr. 61.

      [13] Nguyễn Quang Hồng, Phan Diễm Phương, Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 35.

      [14] R. Jakobson, Các công trình về thi pháp học, Nxb Tiến Bộ, Moskva, 1987, tr. 275.


      Trần Đình Sử

      Nguồn: vanviet.info

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Đặng Tiến – Thi pháp và thơ Trần Đình Sử Nhận định

    3. Bài viết về nhà phê bình Đặng Tiến (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Đặng Tiến

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Đặng Tiến – Thi pháp và thơ (Trần Đình Sử)

      Đặng Tiến và những vũ trụ thơ (Đỗ Lai Thúy)

      Đặng Tiến (Học Xá)

      - Nhà phê bình Đặng Tiến qua đời (Hiểu Nhân)

      - Nửa thế kỷ cùng anh Đặng Tiến (1940-2023) (Phạm Trọng Chánh)

      - Thi pháp của Đặng Tiến trong tập tiểu luận Thơ – thi pháp & chân dung (Phạm Thu Hằng)

      - Đặng Tiến – “Gu” hay Phương Pháp? (Bùi Công Thuấn)

      - Nhà phê bình Đặng Tiến – Người đi tìm… một thoáng trần gian (Lê Thí)

      - Đặng Tiến, Nghệ thuật như một ám ảnh (Huỳnh Văn Hoa)

      - Thơ, thi pháp & chân dung (Hoàng Ngọc Hiến)

       

      Tác phẩm của Đặng Tiến

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Chim và Rắn: cái nhìn tương đối trong văn chương Võ Phiến (Đặng Tiến)

      Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến (Đặng Tiến)

      Nhân ngày giỗ Nhất Linh 7/7 Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh (Đặng Tiến)

      Cầu Hiền Lương (Đặng Tiến)

      Chiều Tà, tranh Hàm Nghi (Đặng Tiến)

      - Hàn Mặc Tử là nạn nhân của chính mình

      - Thơ viết thời chiến tranh của Nguyễn Bắc Sơn

      - Đọc Thơ Cao Tần.

      - Về nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan

      - “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng”

      - Vũ Trụ Thơ I

      - Vũ Trụ Thơ II

      - Thơ, Thi Pháp & Chân Dung

           Bài viết đăng trên mạng:

      - diendantheky.net     - art2all.net

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)