9-12-2020 | VĂN HỌC

“Những chuyện rất Việt Nam” của tác giả Đỗ Tiến Đức

 NGUYỄN MẠNH TRINH


       Nhà văn Đỗ Tiến Đức

Chiến tranh. Tị nạn. Vượt biển. Định cư. Hội nhập. Tất cả những đề tài ấy có lẽ sẽ là những pho sách triệu triệu trang của các tác giả, không phải với riêng người Việt Nam mà cả với những tác giả ngoại quốc khác. Bên cạnh những nét tích cực, những tấm gương cần cù, can đảm làm lại cuộc đời từ bàn tay trắng còn có những nét tiêu cực, của những bi kịch, của những hãnh tiến, của những người lợi dụng thời thế để sống cho mình và hưởng thụ cho mình. Trong đời sống có nhiều mặt tương phản ấy, tác giả Đỗ Tiến Đức vừa là người kể chuyện, vừa là người diễn tả một phần nào tâm tư của mình, đã phác họa bằng văn xuôi, bằng truyện phim, bằng thơ trong tác phẩm vừa xuất bản đầu năm nay. Có chủ đích muốn diễn tả những mảng đời, có thể là điển hình của một thời đại đầy biến động của đất nước, tác giả muốn tác phẩm của mình như một tấm gương soi để phản ánh lại một thế thời.


Trước năm 1975, Đỗ Tiến Đức viết “Má hồng”, một tiểu thuyết có tham vọng muốn ghi chép lại để mô tả một xã hội chiến tranh, mà ở đó những người trí thức trẻ đã hoặc tự lao vào hoặc bị lôi kéo đưa đẩy vào một thời thế mà những chuyện bi đát thương tâm xảy ra thường hằng một cách lạnh lùng bình thản. Sau năm 1975, ông bị cải tạo và vượt biển sang Mỹ. Đời sống của ông và những người chung quanh đã tạo nhiều cảm hứng cho văn chương ông. Ba tuyển tập truyện ngắn: Lối Vào, Vầng Trăng Trong Mưa, Tiếng Xưa, hình như đều có chung một mục đích mô tả những nhân vật có nét biểu trưng độc đáo của những người Việt Nam lưu lạc xứ người. Mỗi khuôn dáng, đều có ẩn tàng hoặc chuyên chở theo những nỗi niềm tâm sự, mà những bất hạnh dường như nhiều hơn và che khuất hạnh phúc.


Đến những truyện ngắn trong tuyển tập này như: Một Chuyện Rất Việt Nam, Cõi Trần, Sợi Tóc, những bi kịch dường như bất tận với các nhân vật. Từ mối tình vượt qua chiến tuyến giữa ông bác sĩ “ngụy” và cô sĩ quan công an trong “Một Chuyện Rất Việt Nam” đến người đàn bà thân phận long đong như Thúy Kiều của cụ Tiên Điền, đã lỡ làng với mấy đời chồng mà khi nhắm mắt lâm chung chẳng có ai là thân nhân ruột thịt đưa tiễn của truyện “Sợi tóc”. Đời sống, dù ở trong nước nghèo khổ, hay ở nước ngoài sung túc cũng đều trải dài những nỗi buồn, mà, đôi khi do chính loài người tạo ra cho nhau.


Có phải những nhân vật như thế rất gần với chúng ta? Ông bác sĩ dù vẫn còn yêu người tình cũ nhưng vẫn phải giả ngơ dưới bàn tay chỉ đạo của người vợ hiện tại. Chuyện ấy, không lạ với chúng ta, có rất nhiều những người “tương cận” với ông Nguyễn Ngọc Luận trong “Một Chuyện Rất Việt Nam” ! Hay, những chuyện luyến ái giữa các cụ cao niên ở những trung tâm người già, có biết bao nhiêu những người giống như ông Henry Trần bệnh hoạn dâm đãng đầy dẫy trong xã hội người tị nạn chúng ta trong truyện ngắn “Sợi tóc”? Chuyện trở về du lịch hoặc sống ở Việt Nam luôn luôn vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi và tác giả đã kể chuyện một vị tướng cảnh sát thời VNCH về thăm quê hương với những chuyện bi thảm xảy ra trong cuộc hành trình ấy. Dĩ vãng, và hiện tại, là những cơn ác mộng. Trong xã hội tha hóa, con người hình như đánh mất đi những nét thiên lương và, bóng tối mầu đen đã phủ chụp lên những tầm mắt, những cảm nghĩ. Đọc “Cõi Trần”, để thấy rằng dù ở đâu, xứ người hay quê nhà, chúng ta vẫn còn rất nhiều nạn nhân chiến cuộc, dù cuộc chiến tranh ấy đã dứt hơn ba chục năm ...


Tác giả Đỗ Tiến Đức còn là một đạo diễn phim ảnh và một người viết truyện phim chuyên nghiệp. Tác phẩm mới này có lẽ là tất cả những sở trường của ông, nên có một truyện phim “Khu chợ ở Little Saigon”. Lại là một phản ánh đời sống, vừa xác thực, lại vừa có tính thời đại. Những hoạt cảnh của một đời sống mà thực giả, đạo đức và vô đạo đức, trộn lẫn trong đời sống đã có nhiều phức tạp mà tốt xấu như trong trạng thái mù mịt không phân tỏ được.

Cũng có vài bài thơ, mà, tác giả đã làm trong những cảnh huống đặc biệt của đời mình. Riêng tôi, bài thơ cuối cuốn sách làm tôi cảm xúc. Bài thơ Tạ Ơn Anh:


“Bài thơ được viết vào một dịp Lễ Tạ Ơn khi một độc giả gửi tới cho Thời Luận tấm hình chụp anh phế binh lê lết xin ăn ở một tỉnh lẻ Miền Nam Việt Nam và cùng lúc nghe tin một hội cựu quân nhân tổ chức khiêu vũ Thanksgiving ở vũ trường thủ đô tị nạn:

Anh không còn đôi chân

Lướt trên sàn khiêu vũ

Anh không còn đôi tay

Gối đầu em giấc ngủ

Anh không còn là người

Cũng không thành con thú

Môi anh sao vẫn cười

Mắt như vì tinh tú.

Anh ngày xưa ngày xưa

Là thiên thần Mũ Đỏ

Chân anh mang giày sô

Tay lái dù trong gió?

Hay anh là nghĩa quân

Giữ làng cho dân ngủ

Hay anh là Mũ Xanh

Tuyến đầu anh trấn thủ?

Đất mẹ chưa ru anh

Cuộc chiến tàn cờ rủ

Tay chân làm phân xanh

Vài ba bông dại nở

Xưa lựu đạn dao găm

Nay chiếc lon nho nhỏ

Xưa đánh pháo diệt tăng

Nay cơm thừa nước đổ

Xưa đồng đội như rừng

Gót giày vang mặt phố

Nay xa cách muôn trùng

Một thân nơi xó chợ

Những người hai mươi năm

Thoảng như cơn mộng dữ

Còn mỗi khúc thân tàn

Vinh danh ngày tháng cũ.


Nguyễn Mạnh Trinh

Nguồn: vietnamdaily.com