|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Cuốn sách mỏng, cỡ loại bỏ túi, khoảng trên dưới 100 trang, giấy đã ngả mầu vàng, riềm sách te tua, được truyền tay rất gượng nhẹ giữa những người bạn một thời đã lăn lộn với việc thực hiện phim “Yêu” dựa trên tác phẩm nổi tiếng một thời của cố nhà văn kiêm nhà báo Chu Tử.
Cuốn sách mang tựa đề “Yêu - phỏng theo tiểu thuyết Yêu của Chu Tử - Nhóm Phim Nghệ Thuật thực hiện - truyện phim và bản phân cảnh Đỗ Tiến Đức”, do Nhóm Phim Nghệ Thuật xuất bản năm 1972 ở Sàigòn, cách đây vừa đúng 41 năm. Ở trang đầu có dấu triện đỏ, “Thư Viện Ban Tuyên Huấn Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh” -- Thế là thế nào? Chẳng phải sau khi chiến thắng hoàn tất công cuộc “giải phóng” Miền Nam khỏi “gông cùm Mỹ Ngụy” vào tháng 4 năm 1975, “Bên thắng cuộc” đã phát động chiến dịch đốt sách mạnh mẽ quyết tâm xoá bỏ tàn tích của một nền văn học gọi-là-đồi-trụy đấy ư? Sao lại có một cuốn sách như thế này lọt vào tận tủ sách của Thư Viện Ban Tuyên Huấn Thành Ủy Thành Phố là làm sao? Rồi tại sao nó lại có mặt ở đất Mỹ này?
Bìa cuốn truyện phim và phân cảnh “Yêu” của Đỗ Tiến Đức, lấy từ bích chương quảng cáo phim “Yêu” do họa sĩ Đằng Giao trình bầy, sách do Nhóm Phim Nghệ Thuật xuất bản năm 1972, trái. Phải, trang đầu cuốn truyện phim và phân cảnh với dấu đóng “THƯ VIỆN Ban Tuyên Huấn Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh”. (Ảnh Trùng Dương)
Tác giả kiêm đạo diễn Đỗ Tiến Đức trao cho tôi cuốn sách gần như tơi tả, tôi đỡ lấy cuốn sách, suýt xoa: “Trời đất, anh phải bỏ nó trong một cái bao Ziploc mới phải. Anh để tôi chụp lại…”
“Bà đừng lo, tôi cho chụp hình hết rồi, và sẽ in nguyên si như thế, thay vì đánh máy lại, vậy mới quý,” anh nói.
Cầm cuốn sách cũ mèm, với các trang như muốn rời rớt ra vì cuộc đời ba chìm bẩy nổi của nó, tôi không khỏi bồi hồi. Biết anh Đức đã cẩn thận chụp trước rồi, nhưng tôi vẫn thấy mình nâng niu cuốn sách như một bảo vật. Anh Đức cho biết cuốn sách do anh Nhật Tiến tìm thấy gần đây trong một cái thùng sách trong nhà để xe của anh ở Nam Cali, và đã quyết định trao trả lại cho tác giả.
Tôi lật qua các trang sách cũ, nhớ lại những kỷ niệm của một thời trẻ người non dạ song nhiều đam mê, lắm hoài bão...
Vào năm 1972, nhờ sự thành công về tài chính của Nhật báo Sóng Thần lúc ấy do ông Chu Tử làm chủ biên, ban quản trị ST đồng ý chung tiền và gọi vốn, qua hình thức cổ phần, như đã gọi cổ phần xuất bản báo, để thực hiện phim “Yêu”, dựa vào cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của ông Chu Tử. Nói là gọi cổ phần, song thực sự là do các thân hữu quen nghe biết về dự án làm phim đã góp tiền để làm phim, một phim… hoàn toàn nghệ thuật, không đặt nặng vào việc câu khách rẻ tiền. Tôi được anh chị em giao cho chức giám đốc sản xuất, và nhóm lấy tên là Nhóm Phim Nghệ Thuật, với hy vọng sau phim “Yêu” sẽ có thể tiếp tục làm các phim nghệ thuật khác. Nhặt cỏ dại tham nhũng (như báo Sóng Thần hồi ấy chủ trương) không thôi, chúng tôi còn đòi “làm đẹp” nền điện ảnh Miền Nam lúc ấy, tuy không còn phôi thai, song cũng vẫn còn… vị thành niên, nữa kìa!
Được hỏi động lực nào đã thúc đẩy anh chọn cuốn tiểu thuyết “Yêu” của Chu Tử để dựng thành phim mặc dù cuốn sách ăn khách trên 10 năm về trước và xã hội Miền Nam đã trải qua nhiều thay đổi sâu xa với một cuộc chiến tranh ý thức hệ có tầm vóc quốc tế, anh Đức cho biết: “Lúc đó tôi nghĩ rằng cuốn truyện ‘Yêu’ đã tái bản nhiều lần, ăn khách với nhân vật ‘Chú Đạt’ thì đó đã là lợi thế lôi cuốn người ta tới rạp xem phim rồi. Thứ hai là Nhóm Phim Nghệ Thuật do chị làm giám đốc, mà chị đang là chủ nhiệm báo Sóng Thần của anh Chu Tử, nếu tôi mang truyện của anh Chu Tử làm phim, mà nhóm Sóng Thần quậy lên thì cũng là một yếu tố để thành công về tài chánh.”
“Thành viên Nhóm Phim Nghệ thuật gồm 99% chưa làm phim, chưa kinh nghiệm gì về phim,” anh Đức kể tiếp. “Thế nhưng vì toàn là người trẻ, hăng say, lại quen thân nhau nên mọi chuyện diễn ra rất lớp lang: Nhà văn Trùng Dương làm giám đốc sản xuất. Kỹ sư Hà Quốc Bảo làm tổng quản trị. Tôi làm đạo diễn. Phụ tá đạo diễn là nhà văn Viên Linh và kiến trúc sư Trần Quang Đôn, giám đốc hình ảnh là Nguyễn Ngọc Minh, một cameramen nổi danh nhất của Trung tâm Quốc gia Điện ảnh.”
“Đặc biệt nhất là việc tuyển chọn diễn viên. Hầu như cả nhóm không muốn có những khuôn mặt dù là tên tuổi và ăn khách trong làng điện ảnh. Anh em đòi phải có người mới, và phải thích hợp với nhân vật. Do đó ca sĩ Anh Ngọc được chọn đóng vai chú Đạt, cô Mai Trang đóng vai cô vũ nữ bạn gái của Chú Đạt, bà Thanh Khiết đóng vai bà Hằng, người tình của ông giáo Thức và là bố của Diễm, Lê Tuấn trong vai chồng của Diễm, và đáng kể là chính nhà văn Chu Tử đóng vai Thức...”
Trái, bìa sau của cuốn “Yêu – truyện phim và phân cảnh” in hình ca sĩ Thanh Lan trong vai Diễm.
Phải, hai trang trích trong cuốn “Yêu – truyện phim và phân cảnh” của Đỗ Tiến Đức. (Ảnh Trùng Dương)
Kết quả, phim “Yêu” thất bại thê thảm về số thu đến không cả huề vốn mặc dù sự đam mê và nỗ lực của nhóm thực hiện. Hỏi do đâu mà “Yêu” thất bại, anh Đức đáp, phản ánh cái nhìn luôn tích cực đặc biệt của anh: “Theo tôi thì phim ‘Yêu’ chỉ thất bại về tiền bạc thôi. Anh em mình đã để lại cho nền điện ảnh Việt Nam thời đó một phim tương đối nghệ thuật. Về lý do tại sao phim không thu hút khán giả thì theo các nhà phát hành phim và chủ rạp thời đó, họ cho ý kiến là cái dở của phim ‘Yêu’ là không có dàn tài tử tên tuổi, chẳng hạn, họ bảo sao không để Hùng Cường thay chỗ của ca sĩ Anh Ngọc, Thanh Nga hay Thẩm Thúy Hằng thay chỗ của Mai Trang, vv…”
“Vì thế cho nên sau đó khi tôi quay cuốn ‘Giỡn Mặt Tử Thần’ nhà sản xuất đã cho mời toàn những tài tử ăn khách,” anh Đức ngưng một lúc rồi nói tiếp. “Tiếc là cuốn phim không có dịp trình chiếu (vì biến cố tháng 4 năm 1975) để xem kết quả tài chánh thế nào mà nhà sản xuất đã dám bỏ tiền làm phim màu, và trả thù lao cho hàng chục tài tử tên tuổi.” (*)
Nếu một ấn bản cuốn phim “Giỡn Mặt Tử Thần” đã may mắn chạy lọt ra nước ngoài và đã được tái ấn hành dưới dạng DVD, thì số phận phim “Yêu” không được như vậy. Không ai, kể cả đạo diễn Đức, biết hiện giờ âm bản và cả các phó bản của nó nằm ở đâu hay đã bị hủy diệt.
Song cuốn sách in lại truyện phim và bản phân cảnh của nó, dù rất tả tơi, thì lại may mắn đang ở trước mặt chúng tôi, vài anh chị em thuộc Nhóm Phim Nghệ Thuật xưa, trong đó có cả kiến trúc sư phụ tá đạo diễn Trần Quang Đôn.
Có thể nói đây là cuốn truyện phim và bản phân cảnh duy nhất đã được in ra và phát hành ở Saigòn trước năm 1975, vì theo anh Đức, người đã từng làm việc với phần lớn các nhà sản xuất phim và đạo diễn điện ảnh Miền Nam khi anh còn giữ chức giám đốc Nha Điện Ảnh của Việt Nam Cộng Hoà và sau đó sáng lập viên kiêm khoa trưởng Phân khoa Điện Ảnh thuộc Đại học Minh Đức, Sàigòn, các nhà làm phim Việt hồi ấy ít ai có thói quen viết bản phân cảnh, chứ đừng nói chuyện có để in thành sách.
Nhà văn Nhật Tiến cho biết đã phát hiện tập sách này trong đống sách anh thừa hưởng từ ông Nguyễn Hùng Trương, người mà giới văn nghệ ở Sàigòn trước quen gọi là Ông Khai Trí, chủ nhân tiệm sách Khai Trí rất lớn và tên tuổi ở Saigòn. “Thoạt tiên nó ‘xổng’ từ cái gọi là thư viện Thành Ủy nói trên để phải ra nằm lề đường và một ngày nào đó đã có người bỏ tiền ra ‘chộp’ được. Người may mắn đó chính là ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc nhà sách Khai Trí, một người nổi tiếng yêu quí sách, nhất là những cuốn sách giá trị của miền Nam trước năm 1975,” Nhật Tiến kể trong bài “Bồng Bềnh Ngày Tháng Cũ”. (**)
“Năm 1991, ông Nguyễn Hùng Trương được xuất cảnh sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình. Nhân dịp này ông đã chuyển qua đường hàng hải rất nhiều cuốn sách quý, trong đó có cuốn ‘Yêu, truyện phim và phân cảnh’ của Đỗ Tiến Đức,” anh Nhật Tiến kể tiếp. “Một ngày đầu mùa hạ năm 1996, tôi tới thăm ông và ông hỏi tôi có rảnh rang không. Tôi đáp dĩ nhiên là có. Thế là ông nhờ tôi chở tới một cái kho chứa cho thuê (storage) nằm trên đường Bolsa ở Orange County […]. Tôi đã phụ với ông dọn dẹp sạch boong cái kho chứa này vốn chỉ có toàn sách và báo. Thì ra ông đã dọn dẹp mọi thứ để chuẩn bị hồi hương. Tôi đã chuyên chở về nơi ông cư ngụ một số thùng sách mà ông quyết định mang về nước, còn một vài thùng khác ông bảo tôi ‘chú giữ lấy mà xài’.”
Mãi tới gần đây, tức gần 20 năm sau, anh Nhật Tiến mới rỡ mấy thùng sách còn lại vẫn chất trong nhà để xe và phát hiện cuốn truyện phim và phân cảnh “Yêu”, và đã hoàn lại đứa con tinh thần cho tác giả.
“Thú thật là tuy tác phẩm này in từ năm 1972 ở Sài Gòn, nhưng nay thì tôi mới có dịp đọc tới,” anh Nhật Tiến kể tiếp. “Nó đã mang cho tôi nhiều ngạc nhiên, không phải vì nội dung hấp dẫn của nó dựa theo tác phẩm ‘Yêu’ của Chu Tử mà chính vì cái kỹ thuật viết phân cảnh rất công phu, rất tỉ mỉ, rõ ra là của một nhà đạo diễn chuyên nghiệp nắm vững nội dung và biết tính toán những thước phim sử dụng trong mỗi cảnh đến từng giây đồng hồ. Nó bảo đảm cho cuốn phim phải được thực hiện chặt chẽ không dông dài và đồng thời tiết kiệm được những thước phim quý báu do xứ mình còn nghèo phương tiện.”
Anh Đỗ Tiến Đức cho biết đang xúc tiến việc in tập sách này, hy vọng cuối tháng 10 thì ra mắt. Anh Đức dự tính chỉ in một số hạn chế cho thân hữu và các thư viện. Anh hy vọng sẽ có một số diễn viên đã góp mặt trong phim “Yêu” tới cùng tham dự, như Thanh Lan, Lê Tuấn, Mai Trang và một số anh chị em trong nhóm thực hiện phim.
Chú thích:
(*) Toàn bài “Chuyện trò với đạo diễn Đỗ Tiến Đức” do Trùng Dương thực hiện sẽ được in lại ở phần phụ lục của cuốn truyện phim và phân cảnh “Yêu” do Tuần báo Thời Luận, Nam California, ấn hành vào cuối năm nay. Buổi nói chuyện chứa đựng những chi tiết ít người biết về nền điện ảnh Miền Nam dưới thời Cộng hoà trước 1975.
(**) Bài “Bồng Bềnh Ngày Tháng Cũ” của Nhật Tiến sẽ là bài giới thiệu cuốn “Yêu - truyện phim và phân cảnh” sắp tái bản.
- Trông Vời Quê Mẹ... Trùng Dương Bút ký
- Đọc lại ’Rừng Mắm’ của Bình Nguyên Lộc, lan man nghĩ về Đồng bằng Sông Cửu Long Trùng Dương Nhận định
- Mừng 100 tuổi nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đọc lại ‘Đi!’ của Hồ Khanh Trùng Dương Điểm sách
- Văn Quang mà tôi biết Trùng Dương Hồi ức
- Tưởng nhớ Túy Hồng Trùng Dương Hồi ức
- Đi Tìm Thạch Trung Giả Trùng Dương Hồi ức
- Từ chiếc điện thoại thông minh... Trùng Dương Tạp luận
- Điểm qua vài Web sites lưu giữ sách báo xuất bản trước 1975 tại Miền Nam Trùng Dương Giới thiệu
- Từ Đền Sách Cấm Parthenon ở Đức, tới Chiến Dịch Cộng Sản Đốt Sách Miền Nam 1975 Trùng Dương Tạp luận
- Thiếp trong khung cửa Trùng Dương Hồi ức
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |