|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Cung Giũ Nguyên
(1909 - 2008)
Trong bài viết này tôi xin ghi lại một kỷ niệm về tác giả Cung Giũ Nguyên và vài cảm tưởng của tôi về truyện Le Fils de la Baleine (Người Con Trai của Ngài Cá Ông) của tác giả. Kỷ niệm về thầy Nguyên là một tình cờ -- tôi xin được gọi tác giả là “thầy” vì khi gặp tác giả, tôi là một học trò và tác giả là một giáo sư dạy Pháp văn nổi tiếng tại Nha Trang. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng cuộc gặp gỡ vẫn in sâu trong trí nhớ tôi như mới xảy ra hôm nào.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, học trường Phan Châu Trinh tại thành phố này, từ lớp đệ thất tới đệ nhị rồi ra Huế học trường Quốc Học, vì lúc bấy giờ (1960) trường Phan Châu Trinh chưa có lớp đệ nhất. Tôi học ban toán nhưng rất thích môn Pháp văn. Những giờ rảnh rỗi, tôi ưa học môn này; mơ ước của tôi là một ngày nào đó tôi có thể đọc trôi chảy truyện La Porte Étroite (Khung Cửa Hẹp) của André Gide hay La Guerre et la Paix (Chiến Tranh và Hòa Bình) của Leo N. Tolstoi mà không cần phải hì hục tra tự điển cả ngày cả đêm. Học Pháp văn vì thế gần như là một thú vui nho nhỏ của tôi; ngày nào tôi cũng mân mê quyển Est-ce À ou De (À hay là De) hay Sens et Emploi des Verbes (Nghĩa và Cách Dùng Các Động Từ) ít nhất một lần.
Cuối năm đệ nhất tôi vào thi vấn đáp môn Pháp văn với thầy Nguyên. Tôi chưa bao giờ nghe tên thầy, tôi không biết thầy. Tuy vậy, dù với sự hồi hộp lo âu của một thí sinh, tôi vẫn ghi nhận ngay một điều là thầy nói tiếng Pháp quá hay, quá dễ dàng, nói như ca hát, nói như thở. Trong tất cả thầy Pháp văn tôi học từ nhỏ đến lớn, không ai xử dụng ngôn ngữ này với phong cách như thầy. Một người bạn cùng vào thi với tôi có anh chị dạy ở trường Hàm Nghi và Nguyễn Tri Phương Huế, nói cho tôi biết tên thầy và tên mấy trường thầy dạy ở Nha Trang. Tôi chưa biết hay quen người nào có họ Cung; họ và chữ lót của thầy lạ quá; giọng đọc tiếng Pháp của thầy tuyệt vời; có lẽ vì mấy lý do đó tôi ghi nhớ thầy và cuộc gặp gỡ thầy.
Tôi rời trường Quốc Học sau năm đệ nhất và chẳng nhớ gì nhiều về Huế lắm ngoài tà áo trắng và mái tóc thề tung bay của mấy nàng học trò trường Đồng Khánh. Huế mờ nhạt dần trong trí tôi vì sự hấp dẫn, phồn thịnh và náo nhiệt của Đô thành Sài Gòn. Một hôm, có lẽ vào đầu năm 1963, tôi tình cờ đọc một bài báo trong tạp chí Bách Khoa bàn về văn chương và triết học mà tác giả là Cung Giũ Nguyên. Bài báo có tầm vóc của những bài đăng trên tạp chí Đại-Học do giáo sư Nguyễn Văn Trung, Đại Học Huế, chủ trương, hay tạp chí Quê-Hương của các giáo sư Nguyễn Cao Hách, Vũ Quốc Thông, Vũ Quốc Thúc, Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Tôi nghĩ đến vị thầy chất vấn tôi trong kỳ thi vấn đáp ở Huế. Tuy có rất nhiều Nguyễn Văn Nam hay Trần Anh Dũng nhưng chắc không có nhiều Cung Giũ Nguyên; biết đâu chỉ có một Cung Giũ Nguyên; và nếu điều đó là sự thật thì vị giáo sư trung học này quả là một bậc kỳ tài, vì lối bàn chuyện văn chương và triết học trong bài viết quá thâm sâu và ý vị.
Vì vẫn còn thích tiếng Pháp, tôi hay la cà tại nhà sách Khai Trí và Xuân Thu để mua tiểu thuyết Pháp loại bỏ túi -- loại sách đẹp và giá rẻ nhờ viện trợ của chính phủ Pháp qua chương trình phổ biến văn hóa Pháp. Một lần, tại nhà sách Khai Trí, tôi tình cờ được quen một người trẻ tuổi rất thông thạo ngôn ngữ và văn chương Pháp. Người này điềm đạm, đọc nhiều, hiểu rộng, lý giải mạch lạc và rất thích bàn chuyện nên tôi học hỏi ở anh ta lắm điều thú vị. Anh nói cho tôi nghe về về các nhà văn Việt Nam trước tác bằng tiếng Pháp. Tác giả đầu tiên là Phạm Vũ Ký, anh ruột của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, người đề tựa tập thơ Gái Quê (1937) của Hàn Mặc Tử với hai tác phẩm Une Voix sur la Voie (Tiếng Gọi Trên Đường) Perdre la Demeure (Đánh Mất Mái Ấm Gia Đình). Sau Phạm Vũ Ký là Phạm Duy Khiêm với hai tác phẩm Légendes des Terres Sereines (Huyền Thoại của Những Xứ Yên Bình) và Nam et Sylvie (Nam và Sylvie). Tiếp theo là Cung Giũ Nguyên với tác phẩm Le Fils de la Baleine (Người Con Trai của Ngài Cá Ông). Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt. Tôi đoán đúng, chỉ có một Cung Giũ Nguyên, một Cung Giũ Nguyên đang dạy Pháp văn ở Nha Trang; và bấy giờ tôi hiểu rõ ràng tại sao vị thầy chất vấn tôi trong kỳ thi vấn đáp nói tiếng Pháp quá tuyệt vời và am hiểu nhiều chuyện văn chương triết học.
Người bạn tóm lược truyện Le Fils de la Baleine cho tôi nghe. Ngư dân thờ cúng cá ông, gọi cá ông là Ngài; khi cá ông chết và tấp vào bờ, họ làm lễ chôn cất rất long trọng và để tang như để tang cha mẹ. Họ thờ cúng cá ông vì tin rằng khi thuyền họ sắp chìm ngoài khơi vì bão tố, Ngài sẽ đưa thuyền họ vào bờ. Quanh Đà Nẵng là mấy làng chài Nam Ô, Thanh Khê, Hà Khê, Mỹ Khê; tôi thường qua lại các vùng đó và đôi lần nghe kể chuyện "ông lụy" khi xác cá ông tấp vào bờ nên tôi hiểu và nhớ ngay câu chuyện bạn tôi tóm lược.
Tôi hỏi mượn Le Fils de la Baleine nhưng lúc đó quyển sách này bạn tôi không để nơi anh đang trọ nên tôi đành phải đọc mấy truyện của Phạm Duy Khiêm. Quyển Légendes des Terres Sereines hay, thơ mộng, ý nghĩa thâm thúy nhưng thiếu sáng tạo vì đó chỉ là những bài dịch cực kỳ trong sáng và nhẹ nhàng của những chuyện quen thuộc như Trương Chi, Từ Thức, Chử Đồng Tử… Nam et Sylvie chỉ là một quyển tiểu thuyết tình cảm bình thường. Chàng trai Việt Nam, và một cô gái Pháp, Sylvie, yêu nhau tha thiết; trong thời gian yêu thương, Nam thường kể chuyện đất nước Việt Nam cho Sylvie nghe. Nhưng rồi, vì nhiều cản trở (Sylvie có bầu, phải phá thai, Nam thi rớt, Nam quyết định về nước…) họ phải ngậm ngùi chia tay và Sylvie đi lấy chồng.
Sau đó không lâu bạn tôi du học Pháp và vì thế tôi mất cơ hội để đọc Le Fils de la Baleine. Cuối năm 1963 hay đầu năm 1964 tôi nhớ không rõ, tôi tình cờ đọc một bài phỏng vấn nhà văn kiêm giáo sư thạc sĩ văn phạm Phạm Duy Khiêm. Bài này thuật rằng giáo sư Khiêm cho rằng tiếng Việt không đủ bén nhọn để diễn tả những điều cần diễn tả. Tôi bực tức và oán trách giáo sư Khiêm. Tôi tự hỏi không biết giáo sư Khiêm đã đọc hết mấy truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Tốn, thân sinh của giáo sư Khiêm, chưa. Thời đó, thập niên 1920, tuy quốc ngữ còn phôi thai và Phạm Duy Tốn chưa thoát ra khỏi khuôn sáo diễn đạt cổ điển Trung Hoa nhưng tiếng Việt vẫn đủ để nhà văn này nói lên những điều ông ta muốn nói. Tôi cũng tự hỏi không biết có bao giờ giáo sư Khiêm ngâm nga Truyện Kiều hay nghe Thái Thanh hát bài Tình Ca của Phạm Duy, em ruột của giáo sư Khiêm: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời… Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…"
Tôi nghĩ đến Le Fils de la Baleine. Tuy không quả quyết, vì tôi chỉ mới được nghe kể chứ chưa đọc truyện này, nhưng tôi tin rằng Nam et Sylvie kém hẳn Le Fils de la Baleine. So sánh này là một sai lầm lớn, một điều không nên làm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Làm việc so sánh này tôi đã quên mất lời ba tôi dặn dò nhiều lần, khi bực tức không nên nói hay viết gì hết (và khi quá vui đừng hứa hẹn điều gì hết). Đọc sự so sánh này xin độc giả lượng thứ và xin hiểu cho rằng đó chỉ là một biểu hiện của tinh thần quốc gia cực đoan của một người trẻ tuổi thời nào.
Năm 1968 tôi quen và yêu thương một người học trò cũ của thầy Nguyên. Một buổi chiều trong sân trường Văn Khoa Sài Gòn, người học trò này nói bâng quơ về lớp Pháp văn đang học và rồi dẫn đến chuyện ngày xưa, chuyện lớp học Pháp văn với thầy Nguyên ngày nào. Người học trò này kể chuyện với một chút hoài niệm và nhiều thán phục dành cho thầy Nguyên. Khi yêu, người ta yêu cả con đường người yêu đi về; kể từ buổi chiều đó, tình yêu thương người học trò cũ của thầy Nguyên như một cơn mưa nhẹ làm tươi mát mấy cảm nghĩ sẵn có trong tôi về thầy.
Mấy chục năm làm người ly hương trên xứ Mỹ, chuyện Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn lúc thật thắm tươi, lúc nhạt nhòa, mờ ảo. Nhiều lần trong đêm chờ giấc ngủ sau những giờ mệt nhọc vì con cái, người học trò Nha Trang nhắc chuyện ngày xưa, bạn cũ, thầy cũ… Có lần tôi nghe tên Cung Giũ Nguyên, nhưng tên thầy không còn gây cho tôi háo hức như ngày nào; thú vui nhỏ ngày xưa, mua và đọc truyện Pháp, không còn nữa. Nơi tôi ở, chẳng ai dùng tiếng Pháp; mấy người quanh tôi ai cũng bận học "good morning" "good evening" để kiếm sống; chữ Pháp ở đây cũng như chữ Nho ở nước ta một thời nào, người săm se ba quyển sách Pháp chẳng khác gì cụ đồ gìa sắp lại mấy chồng Tứ Thư, Ngũ Kinh. Nhưng một đêm nhớ nhà, tôi bỗng nhiên nghĩ đến một làng đánh cá nghèo nàn tăm tối ngày xưa; có lẽ là một làng ở Thanh Khê Đà Nẵng hay Cửa Đại gần Hội An. Làng xơ xác vì bão tố liên tiếp, rồi "ông lụy" vào bờ, rồi lễ tang ông. Tôi nghĩ đến sự chậm tiến của đất nước, sự nghèo khó của dân chài ngày xưa và sự khốn khổ hiện tại vì sự u mê của những người cầm quyền; tôi nghĩ đến mấy chiếc tàu đánh cá Nhật Bản, tàu trang bị với máy móc tối tân, tàu săn cá ông. Đó là lần tôi nghĩ đến Le Fils de la Baleine. Tôi nghĩ đến sự đóng góp của cuốn truyện vào việc trình bày tình trạng xã hội Việt Nam; và nhờ đó tôi nghiệm ra tại sao nhiều người cho rằng nhà văn là sử gia của thời hiện tại, le romancier est l'historien du present. Nhiều sự việc các nhà văn mô tả -- như sự thủ cựu và mê tín dị đoan trong Le Fils de la Baleine -- là những sự thật rất thật, những sự thật rất linh động và toàn diện hơn sự thật chính nó.
Tháng 9 năm 2000 cựu học sinh lớp Đệ-Nhất C Võ Tánh niên khóa 1965-66 và thân hữu họp mặt tại Greensboro, North Carolina. Hầu hết những người này là học trò của thầy Nguyên. Qua câu chuyện của họ và tài liệu của Trung Tâm Cung Giũ Nguyên do một số cựu học sinh Võ Tánh Nha Trang thành lập, tôi biết thêm rất nhiều về thầy và hơn 50 tác phẩm của thầy, đa số viết bằng tiếng Pháp. Thầy là một nhà văn lớn, được trọng vọng nơi xứ người nhưng ít biết được đến tại nước nhà; đó là điều đáng tiếc; dù sao thầy là một hãnh diện lớn cho mọi người Việt Nam. Và từ đó tôi quyết định tìm đọc Le Fils de la Baleine.
Le Fils de la Baleine, Con Trai của Ngài Cá Ông, thuật lại câu chuyện xảy ra tại một làng chài cá miền Trung Việt, một làng tiêu biểu, dân chúng mê tín dị đoan, hương chức thủ cựu, không tôn trọng công bằng lẽ phải. Một hôm dân chài trong khi kéo lưới, vớt lên được một người, thân phủ đầy rong rêu và hơi thở chỉ còn thoi thóp. Người này được cứu sống, nhưng vì bị thương ở đầu nên mất hết trí nhớ, không biết lai lịch của mình và việc gì đã xảy ra. Làng đặt cho anh ta một tên mới, Mô, nhưng không chấp nhận cho làm dân cư của làng vì lý do không có tên trong hộ tịch trong làng. Ngoài ra, vì mất trí nhớ, Mô bị mọi người xa lánh và khinh thường.
Làng thờ cá ông, gọi cá ông là Ngài và mong Ngài đưa thuyền họ vào bờ khi thuyền gặp gió bão ngoài khơi. Theo tục lệ làng, người nào thấy xác Ngài tấp vào bờ trước tiên, người đó là con của Ngài, và phải để tang cho Ngài đúng ba năm như để tang cho cha mẹ. Một hôm, Mô phát giác một xác cá ông tấp vào bờ và đi báo làng. Nhờ sự phát giác đó, Mô trở thành con trai của Ngài. Tuy vậy, dân làng vẫn khinh rẻ Mô, không chấp nhận cho Mô sinh hoạt trong làng như mọi cư dân khác, dù họ thờ cúng Ngài rất long trọng, long trọng hơn bao giờ hết, vì quá nhiều ghe thuyền gặp tai nạn bão tố trong mấy năm qua.
Một lần đi đánh cá ngoài khơi, Mô lạc vào một hòn đảo và gặp một ẩn sĩ. Vị ẩn sĩ này nguyên là một chức sắc có công lớn với làng nhưng vì chống đối sự hủ bại của làng nên bị khai trừ và phải trốn ra đảo. Hiểu rõ tình trạng trong làng, vị này cho Mô một chiếc ghe để sinh sống. Mô vừa đem ghe về làng, ghe bị đập nát vì dân làng nghi đó là chiếc ghe Mô ăn trộm.
Không chịu nổi cảnh bị đối xử bất công, Mô xin làng cấp một giấy tùy thân để đi khỏi làng. Lý trưởng cười và trả lời Mô rằng hắn không phải là người thật vì không có tên trong sổ hộ tịch nên làng không thể cấp giấy tùy thân. Mô phản đối, cho đó là một sự phi lý vì Mô là một người thật, một người bằng xương bằng thịt, đang đứng trước mặt lý trưởng. [. . . "C’est insensé ce que tu nous demandes!" cria le maire . . . "Je ne peux pas établir une autorisation pour un personnage fictif." . . . "Mai je suis là, devant vous, monsieur le Maire." (trang 80)]
Trí nhớ bình phục dần, Mô nhớ lại gốc gác và tên mình là Nguyễn văn Hoàng. Mô nhờ lão Trân, một chủ ghe cho Mô tá túc, nói với làng điều đó để Mô được sinh hoạt trong làng. Lão Trân từ chối và mỉa mai Mô rằng ai cũng có thể nói mình là dòng dõi của một vua chúa nào đó. [ . . . "vous auriez pu… bien prétendre que vous descendez de quelque roi . . . (trang 112)] Lời mỉa mai của lão Trân làm Mô đau đớn, nhưng Mô cũng cố đi đến nói với làng. Vừa nghe Mô nói tên họ, một chức sắc chế nhạo Mô rằng ai cũng có thể kể lại rằng tên mình là Khổng Phu Tử rồi các chức sắc cùng cười khảy với nhau. ["Alors, moi, je peux raconter que je m’appelle Confucius." Les notables rirent doucement. (trang 114)]
Sau một thời gian yên lặng chịu đựng, Mô trở lại đình làng xin viết đơn khiếu nại với thượng cấp về việc làng không chịu cấp giấy tùy thân cho Mô với lý do Mô không phải là người thật. Các chức sắc tin rằng Mô mù chữ và không biết viết nên đồng ý cho Mô viết đơn. Mô ngồi xuống yên lặng viết và khi viết gần xong, một chức sắc biết họ đoán sai nên chạy lại chộp lá đơn vò nát. Mô phản đối; tên lý trưởng nạt nộ, tiến về phía Mô và toan hành hung; Mô vớ bình mực và ném vào mặt hắn. Toàn thể chức sắc ùa vào đánh Mô. Mô bất tỉnh, nằm dài giữa đình như một xác chết. Hoảng sợ, các chức sắc lay người Mô cho hồi tỉnh. Vì bị lay mạnh nên mấy đồng bạc trong túi Mô rớt ra. Nhìn thấy mấy đồng bạc, tên lý trưởng đứng dậy, mặt dính đầy mực, dõng dạc ra lệnh cho một chức sắc làm biên bản là Mô ăn cắp tiền, vì tiền rớt ra từ túi Mô; và vì tội ăn cắp đó, Mô phải bị phạt tù ba tháng. Sợ các chức sắc không hiểu lời buộc tội của hắn, tên lý trưởng nói thêm rằng nếu ghi vào biên bản việc Mô ném bình mực vào mặt hắn, làng sẽ mất mặt, vì Mô ném vào mặt hắn là ném vào mặt tất cả chức sắc. Nói xong, hắn nhìn các chức sắc bằng một cái nhìn hăm dọa rồi ra lệnh mọi người không được nói chuyện này cho ai nghe, vì kể chuyện này chỉ làm cho những đầu óc xấu xa thêm phấn khởi vì hành động của tên Mô điên khùng này. [. . . Le maire regarda d'un air menaçant chacun des notables puis . . . il ajouta: ". . . je vous ordonne de ne pas raconter cette histoire. Elle ne fera qu’exciter les mauvaises têtes, qui verraient dans le geste de ce fou un dangereux encouragement." (trang 129)] Đúng như lời tên lý trưởng tuyên bố, vừa mới hổi tỉnh, Mô bị tống giam ba tháng.
Mãn tù, Mô trở lại thăm vị ẩn sĩ ngoài khơi nhưng chẳng may vị này đã chết. Mô yêu cầu làng làm đám tang cho vị ẩn sĩ vì vị này là một cựu chức sắc và có công lớn đối với làng. Làng từ chối; Mô phản đối to tiếng, lý luận rằng làng làm đám tang và để tang cho cá ông tại sao lại không làm đám tang cho một cựu chức sắc mà để oan hồn ông ta bơ vơ ngoài biển khơi. Mô bị đánh liên hồi và tống giam vì xúc phạm đến Ngài. Mấy hôm sau vụ phản đối, biển nổi sóng gió, nhiều thuyền chài bị chìm; dân làng cho đó là hậu quả của những lời xúc phạm của Mô và quyết định giam giữ Mô dài hạn và trừng phạt Mô nặng nề cho đáng tội. Biết được điều đó, Liên -- người con gái chăn dê yêu Mô -- tìm cách giải thoát Mô. Trên đường đến nhà tù nơi Mô đang bị canh giữ, Liên gặp lão Mạnh và nhờ lão giúp đỡ. Nhờ sự giúp đỡ của lão Mạnh, Mô trốn thoát khỏi làng.
Tuy ngây ngô và hành xử bốc đồng nhưng Mô rất lãng mạn, đa tình, yêu thương rất nồng nàn; và yêu một lần cả hai cô gái, Hoa và Liên. Mối tình tay ba mang khá nhiều nét si mê, ghen tương và thù hận. Hoa là con gái của một chủ ghe giàu có, đến với Mô bằng cách ban bố sự che chở và phương tiện vật chất cho Mô sinh sống. Một hôm Hoa kể rằng ngày dân chài vớt Mô lên trong mớ lưới cá, Mô trần truồng, Hoa phải lấy khăn trùm đầu đưa cho dân chài che thân Mô. Để tỏ lòng biết ơn, Mô kể cho Hoa nghe câu chuyện của một anh học trò nghèo và ví mình như anh học trò đó:
Thuở xưa, có một người học trò nghèo lắm đến nỗi không có áo quần để mặc; một hôm một đám con gái đi đến gần chỗ anh ở, anh học trò phải nhảy xuống giếng để trốn. Lũ con gái chế nhạo anh rồi bỏ đi nhưng một cô trong đám muốn cứu giúp anh, cho anh một chiếc khăn quàng cổ. Sau đó người học trò nghèo này đỗ đạt, ra làm quan và trở về cái giếng ngày xưa để tìm ân nhân. Ân nhân vẫn còn sống chỗ cũ nhưng mới thành một góa phụ, vị quan xin cưới nàng làm vợ, nàng từ chối, không muốn nghe chuyện cưới hỏi. Vị quan cảm thấy buồn và lạc loài như ngày xưa, ngày người học trò nghèo không biết lấy gì để báo đáp người con gái. ["J’étais donc cet étudiant qui, faute de ne pouvoir se vêtir décemment, se réfugia au fond d'un puits en voyant des jeunes filles approcher près de lui. On s'enfuyait en se moquant du malheureux. Une seule eut l’idée de lui faire aumône de son écharpe. Plus tard, l’étudiant pauvre ayant réussi . . . à obtenir ses grades et à devenir mandarin, revint à l’endroit du puits afin de chercher sa bienfaitrice. Celle-ci vivait encore dans les environs et venait de perdre son mari. Le jeune mandarin fit connaitre ses intentions, mais la veuve ne voulut plus entendre parler de mariage, et notre étudiant se sentit aussi triste et abandonné que le jour où il n'avait pas de quoi se payer une belle apparence." (trang 48-49)]
Nghe xong câu chuyện, Hoa rất ngạc nhiên về sự hiểu biết của Mô; và đó là bước đầu của cảm tình rồi tình yêu Hoa dành cho Mô. Hoa đến với Mô rất bạo dạn và nồng cháy. Một hôm, Hoa đưa Mô đi chơi suốt đêm, chạy đuổi trên đồi cát rồi ra bãi biển vắng lặng. Hoa rủ Mô tắm, Mô từ chối. Hoa cởi hết áo quần và nhảy xuống nước, thân hình Hoa trở thành một vệt sáng hòa lẫn với sóng nước. Hoa bơi, ngừng bơi, thuyết phục Mô xuống tắm vì nước không sâu; Mô vẫn ngồi yên, Hoa tiếp tục đùa giỡn, vẫy vùng trong sóng nước. Tắm xong, Hoa chạy đến bên Mô và lôi kéo Mô; Hoa kéo quá mạnh nên hai người té nhào và lăn tròn xuống chân đồi cát, Mô cảm thấy ngực trần của Hoa áp vào ngực Mô. Trăng xế, đêm mát rượi; hai người nằm bên nhau, đầu Hoa tựa trên ngực Mô. ["Vous me suivez" cria Hoa. "Oui", toujours, répondit joyeusement Mô. Enfin ils gravirent les collins de sable et, parvenus à là crête, découvrirent la mer étale dans une large baie silencieuse . . . "Je vais me baigner, dit Hoa. L’eau n’est pas profonde. Venez si vous le désirez. Mô ne bouga pas . . . Bientôt, il la vit se jeter dans les vagues, son corps dévêtu formait une tache claire qui se confondait parfois avec les reflets de l’eau qu’il agitait. Un moment, Hoa se tint debout, poussa des cris d'appel à Mô, puis elle remit à nager vigoureusement . . . À pas lents, Hoa était remontée au somet de la dune, s'était approchée de Mô, . . . Elle le tira les bras, de toutes ses forces, et ils roulèrent tous les deux sur la pente . . . Mô découvrit . . . le contact d'une poitrine nue se pressait contre la sienne . . . La lune s'était eteinte. La nuit devenait fraiche. Les deux jeunes gens resterènt pendant des heures, étendus côte à côte . . . La tête de Hoa pesait sur sa poitrine. (trang 181-184)]
Khác hẳn với Hoa, Liên đến với Mô bằng tình yêu kín đáo nhẹ nhàng. Liên, con gái nuôi của một gia đình nghèo khó trong làng, chăn dê trên đồi; vì phải lo đi kiếm củi khô để nấu cơm nên Liên để một con dê bị lạc. Tin con dê bị mất vừa loan ra, đã có người nghi Mô là thủ phạm và vì thế càng khinh ghét Mô. Liên bị cha mẹ nuôi đánh đập hàng ngày, nhưng lần này, vì con dê là một tài sản lớn, nên trận đòn kéo dài đêm ngày; trận đòn rát da gieo vào đầu Liên ý nghĩ thoát ly.
Mô giúp Liên tìm dê. Mệt mỏi vì phải chạy khắp nơi nên Liên bị vấp ngã hoài, sau cùng Liên được Mô bồng trên tay. Liên lặng yên trong cánh tay của Mô. Liên cảm thấy bắp thịt Mô rắn chắc, tiếng thở hổn hển trong lồng ngực nhễ nhại mồ hôi; bước chân lắc lư của Mô là sự che chở dịu dàng đối với Liên. Liên ôm cổ Mô và nhắm mắt. Niềm vui sướng chế ngự nỗi lo âu. [Liên se calait dans les bras du jeunne homme. Elle sentait la dureté des muscles, le halètement de la poitrine moite de sueur et trouvait dans le bercement de la marche le réconfort d'une douce protection. Elle enroulait ses bras autour du cou de Mô et fermait les yeux. Une joie dominait son angoisse. (trang 86)]
Sau ba tháng tù, Mô gặp lại Liên, Liên muốn biết đầu đuôi câu chuyện; Mô kể rằng Mô bị tù vì tội ném lọ mực vào mặt tên lý trưởng vì tên này không chịu tin lời Mô nói. Liên hỏi lại rằng nếu sau này Liên không tin lời Mô, Mô sẽ lấy vật gì để ném vào mặt Liên. Mô trả lời rằng nếu Liên không nghe lời Mô, Mô sẽ leo lên ghềnh đá cao và lao đầu xuống biển. ["Et, si je ne croyais pas à vos paroles, que me lanceriez-vous au visage?" plaisanta Liên. "Je me jetterais dans la mer du haut d'un rocher." (trang 147)]
Mô là chàng trai đào hoa, có trái tim mang được cả hai trái tim; đã có lúc Mô ước mơ "thân này ví xẻ làm hai được" và cảm thấy sự rối rắm của con tim và lý trí, của tình yêu và sự chọn lựa. Một lần Mô tự hỏi tại sao trí nhớ của Mô không mất hẳn đi để Mô có thể tận hưởng hương vị của mỗi sự việc thoáng qua như là tận hưởng một điều tốt đẹp độc nhất mà không phải ân hận chút nào. Mô có thể yêu Hoa không một chút ngần ngại, vì có lẽ Hoa yêu Mô hết lòng. Mô có thể quên đi cô gái bé nhỏ Liên hay chỉ xem nàng như tất cả các cô gái khác trong làng buồn thảm này. ["Pourquoi ma perte de mémoire ne serait-elle pas totale, pour que je puisse sans remords gouter la saveur de chaque chose fugitive comme un bien unique? J’aurais pu aimer sans hésitation Hoa qui, peut-être, m'aime sincerement. J’aurais pu oublier la petite Liên ou ne la voir que comme toute autre fille de ce triste village." (trang 188-189)] Nhưng đó không phải là việc dễ làm, và bây giờ Mô chỉ còn biết ước mơ. Mô ước mơ mình là viên đá cuội lấp lánh dưới ánh nắng rực rỡ hay là dòng nước ấp ủ sự e ấp của những cành san hô còn non. ["Comme je voudrais être simplement ce caillou qui luit sous les reflets irisés du soleil ou cette nappe d'eau qui abrite la pudeur de jeunes coraux!" (trang 189)]
Ngoài hai người yêu Hoa và Liên, Mô may mắn được sự thông cảm và giúp đỡ của vài người trong làng; mấy người này hiểu hoàn cảnh của Mô, nhận chân sự hủ bại của các chức sắc trong làng và không chấp nhận sự đối xử bất công của làng đối với Mô.
Nhân vật thứ nhất trong đám người này là một người “bạn” mới “quen biết”, một tên cướp ẩn trú trên các đảo ngoài khơi. Đi đánh cá ngoài biển để sinh sống; một hôm Mô bị tên cướp uy hiếp và lấy hết cá. Tên cướp bắt Mô nói tên họ và lai lịch; Mô trả lời Mô không có tên và không nhớ quá khứ của mình; tên cướp khen Mô rất thông minh vì biết dấu tên và che đậy quá khứ của mình với lý do mất trí nhớ và vì thế hắn thích Mô; hắn thích những gã không có quá khứ mà chỉ có hiện tại để phô trương và sống. ["Tu es très intelligent", confia l’inconnu. "Tu sais cacher ton passé sous une défaillance de mémoire. J’aime les gars comme toi, qui n’ont que leur présent à étaler et à vivre." (trang 97)]
Người thứ hai là vị ẩn sĩ ngoài khơi. Vị ẩn sĩ này nguyên là một chức sắc có công lớn với làng nhưng vì chống đối sự hủ bại của làng nên bị khai trừ và phải trốn ra đảo để bảo vệ mạng sống. Vị ẩn sĩ này, ngoài lời khuyên bảo, còn cho Mô sách để đọc và một chiếc ghe để làm phương tiện sinh sống. Vì mối thân tình này nên khi vị ẩn sĩ qua đời, Mô yêu cầu làng để tang cho ông ta; lời yêu cầu bị khước từ và Mô bị đánh đập và tống vào tù.
Người bạn đặc biệt nhất, người bạn định mệnh của Mô, là lão Mạnh. Lão không phải là một ngư dân mà là một người bán san hô, nên suy nghĩ có đôi phần khác với dân chài. Lão Mạnh không ưa các chức sắc trong làng, chán sự hủ bại của các chức sắc đó; chê bai cách họ đối xử tồi tệ với Mô. Lão là người cô đơn, thường uống rượu và ca hát một mình, vu vơ: "Tình ta chỉ có một mùa . . . " [Notre amour n’a duré qu’une saison . . . (trang 52)] Từ ngày vợ lão chết, lão càng cô đơn hơn; lão thường giả giọng nói của vợ để diễn lại cuộc đối thoại giữa lão và vợ lão những ngày vợ lão còn sống: "Khi tui chết rồi bà sẽ được tự do tái giá." "Được rồi, nhưng mà ông đâu có chịu chết. Cả mười năm rồi ông chỉ nói đi nói lại với tui chừng đó. Thôi ông đi nghỉ đi; chiều này ông uống nhiều quá." ["Dis donc, ma veille, quand je mourrai, tu seras libre de te remarier." "D'accord, mais tu ne presses pas se mourir. Depuis dix ans, tu me répètes la même chose. Repose-toi. Tu as trop bu ce soir." (trang 206)] Cuộc sống của lão Mạnh là một cuộc chiến đấu nội tâm, cuộc chiến đấu chống sự trống không, buồn nản; lão thích làm việc gì đó để bớt chán chường.
Tuy thường say lè nhè nhưng lão Mạnh rất khôn ngoan, hành xử rất hợp lý và quyết liệt. Đêm tối, gặp Liên trên đường đến nhà tù, lão hỏi Liên đi đâu; Liên trả lời đi thăm Mô trong nhà tù. Lão không tin lời Liên vì biết rõ rằng làng không cho phép thăm viếng tù nhân vào ban đêm. Lão chất vấn Liên; Liên khai lên nhà tù để cứu thoát Mô và yêu cầu lão Mạnh giúp đỡ, lão nhận lời ngay. Lão dặn Liên lên chòi canh đứng chờ, rồi xách rựa đến phá cửa nhà tù để giải thoát Mô.
Ra khỏi nhà tù, Mô cảm ơn Lão, nói lão là người gan dạ và hỏi lý do của việc cứu giải, lão trả lời rằng lão làm như vậy để khỏa lấp nỗi buồn chán của cuộc sống; lão bảo Mô đừng tin đó là bổn phận của lão; và thêm rằng Mô đã giúp đỡ lão rất nhiều trong việc mai táng vợ lão, dù vợ lão chẳng biết Mô là ai […Je fais ҫa pour tromper l’ennui de mon existence. Ne te crois pas mon obligé. Tu m’avais bien aidé à enterrer ma femme. Elle ne t’avait pourtant pas connu." (trang 210)].
Được tự do, Mô chạy đến đập phá tan tành đền thờ Ngài; phá xong, thay vì chạy trốn, Mô muốn ở lại để chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Lão Mạnh ngăn cản Mô; lão vỗ vai Mô và hối thúc Mô chạy lên chòi canh để gặp Liên và trốn gấp vì lão cho rằng ở làng chài này chẳng có trách nhiệm hay lẽ phải gì hết, và chẳng có ai hiểu được hai thứ đó là gì.
Trên đường đến chòi canh, Mô gặp Hoa, Hoa xin đi theo, Mô từ chối và nói chỉ yêu mình Liên; Hoa nổi cơn ghen, chạy về báo với làng, cả làng đuổi theo Mô. Thấy tình thế quá cấp bách và nguy hiểm cho Mô và Liên, lão Mạnh đốt nhà mình; lửa cháy to. Sợ lửa cháy lan cả xóm làng, dân làng quay lại để chữa lửa và vì thế Mô và Liên kịp trốn thoát, lên thuyền rồi ra khơi.
Truyện Le Fils de la Baleine được nhà xuất bản Artheme Fayard, Paris, Pháp, xuất bản lần đầu vào năm 1956 và nhà xuất bản Naaman Sherbrooke, Québec, Canada, tái bản vào năm 1978. Bài viết này dựa vào ấn bản 1978, Canada. Vừa mới ra mắt, Le Fils de la Baleine đã được đón nhận rộng rãi ở Pháp, chỉ trong một năm đã được in lại mười lần và được dịch sang tiếng Đức, dưới tựa đề Der Sohn Des Walfishs, do nhà xuất bản Helmut Kossodo xuất bản ở Francfort và Genève.
Trên bìa sau của tác phẩm, dưới hai chữ “Nha-Trang Việt-Nam” đóng khung trong một vòng tròn lớn là các lời khen ngợi nồng nhiệt của các nhà phê bình nổi danh Marcel Priest, Libre Artois và đặc biệt nhất là Daniel Rops, một hội viên của Hàn Lâm Viện Pháp. Theo vị viện sĩ này Le Fils de la Baleine nổi bậc với ngôn ngữ thanh lịch, khung cảnh thơ mộng và tình người:
"Đây là một cuốn tiểu thuyết ý vị, viết bằng ngôn ngữ thuần nhất, thanh lịch, khước từ những tác dụng dễ dãi, nhưng tràn đầy những âm vang tế nhị . . . Một sự hòa hợp giữa thực tại miền thôn dã với mộng mơ. Ẩn tàng trong truyện éo le nhẹ nhàng và dễ thương này là sự khôn ngoan và nhân ái. Cung Giũ Nguyên có thể sánh vai với Purrat, Ramuz, Giono . . . đó là điều mới lạ."
“Un roman au goȗt savoureux, écrit dans une langue pure, élégante, qui se refuse aux effets faciles mais est pleine de subtiles resonances… Un mélange de réalisme paysan et de rêve. Avec tout le temps, sous-jacente, cette ironie légère et tendre faite de beaucoup de sagesse et aussi de sympathy humaine… Qu’un Cung Giu Nguyen puisse rivaliser avec un Pourrat, un Ramuz, un Giono…, voilà qui est nouveau…”
Le Fils de la Baleine được phân tích và khen ngợi trên hầu hết các tạp chí văn chương nổi tiếng như Livres de France, Bulletin de l’Académie des Sciences Coloniales, La Dordogne libre, Les Nouvelles litéraires, La Nouvelle Gazette de Bruxelles và Les Oeuvres libres. Đặc biệt hơn nữa là sự tán thưởng này bao gồm mọi mặt, từ bút pháp cho đến sự sáng tạo, thơ mộng và tình người của các nhân vật. Armand Rio, trong Livres de France viết rằng Le Fils de la Baleine là một tác phẩm "với nhiều duyên dáng cá nhân và giá trị văn chương tuyệt vời." ["Oeuvre d'un charme très personnel et d'une excellente qualité litéraire."] Pierre Paret của La Dordogne Libre nhận xét tương tự Armand Rio nhưng nhấn mạnh đến một khía cạnh khác và cho rằng Le Fils de la Baleine là một truyện có giá trị vì tính cách nên thơ và sự duyên dáng ngoại lai của nó. ["un récit d'une valeur certaine tant par ses qualités poétiques que par le charme de son exotisme."] Kết luận của Henry Jacony trong một bài viết đăng trên Bulletin de l’Académie des Sciences Coloniales có lẽ tóm lược được tất cả ý kiến của các nhà phê bình đương thời: Le Fils de la Baleine là một kiệt tác nhỏ nhỏ. ["un petit chef-d'oeuvre".] Đó quả là một vinh dự lớn cho một nhà văn Việt Nam và là ước mơ của bất cứ nhà văn nào trên đất Pháp.
Với cách dựng truyện và thuật truyện nghệ thuật của tác giả, Le Fils de la Baleine xứng đáng với các lời khen đó. Truyện được dựng trong khung cảnh nên thơ của một làng chài lưới với đình làng, đồi núi, cửa sông và bờ biển; bờ biển là các đồi cát trắng nối tiếp nhau; và xa xa ngoài khơi là dãy hải đảo, ẩn hiện trong khói sóng theo từng mùa mưa nắng. Khung cảnh mộng ảo và bí ẩn đó tăng vẻ đẹp thơ mộng và sự hấp dẫn của các diễn biến ngay từ phút đầu. Ngoài ra, các diễn biến trong Le Fils de la Baleine tuy mang nhiều màu sắc và khác biệt, nhưng liên hệ mật thiết với nhau và cùng đồng quy về một hướng, làm sáng tỏ chủ đề của câu chuyện một cách tự nhiên và tài tình. Các diễn biến đó như những nhánh sông nhỏ chảy qua nhiều địa thế với sỏi đá, cây cỏ khác nhau, nhưng cùng đổ vào con sông lớn để cùng chảy về biển cả.
Từ trang đầu đến trang cuối, Le Fils de la Baleine là sự thể hiện của một lối văn trong sáng, giản dị và trung thật -- clarté, simplicité et authenticité. Với sự trong sáng và giản dị đó, nét đặc thù của mỗi nhân vật được vẽ bằng những đường đậm nét và hành vi của họ được mô tả bằng các động lực tâm lý với một chiều hướng rõ rệt.
Bị tai nạn, Mô trở nên người bất bình thường, tâm tình trôi giạt giữa thực tại và mộng tưởng, hành động trong một khung cảnh cấu thành bởi nhiều mảnh vỡ của quá khứ và tương lai, và suy tư bằng những độc thoại nội tâm dài lê thê giữa bản thể và tha nhân. Tuy vậy, khi khá bình phục, tâm tư sâu kín của Mô được tác giả ghi bằng những nét phác họa rất nghệ thuật. Sau lần bị các chức sắc mỉa mai rằng Mô không phải là người thật vì không có tên trong sổ bộ, Mô bỏ cuộc, nhận mình là người không tên. Buổi chiều Mô giúp Liên tìm con dê bị lạc trên đồi, Mô hỏi Liên tên con dê để gọi to với hy vọng con dê nghe tên và quay về. Liên nói con dê không có tên; Mô nghĩ đến thân phận mình và thì thầm một mình, “con dê đó cũng như mình, mình không có tên”. [ . . . "A-t-elle un nom, cette bête?" demanda Mo. "Non, malheureusement!". "Comme moi," murmura le jeune homme. (trang 87)]
Nét ngây thơ và hồn nhiên của Liên cũng được tác giả phô diễn một cách đơn sơ và tài tình. Trước khi cùng Liên trốn thoát khỏi làng, Mô nhờ Liên giữ trong người Liên cuốn sách vị ẩn sĩ tặng Mô. Khi thuyền đã ra xa, cảm thấy an toàn và hạnh phúc bên nhau, Mô hỏi Liên quyển sách; Liên mở áo cánh đen để lấy quyển sách, Mô thoáng thấy làn da hồng hồng của cái nhũ hoa nho nhỏ. ["Vous avez pensé à mon livre, Liên?" dit-il doucement. La jeune fille avait ouvert sa veste de calicot noir. Mô vit en un éclair la chair rose d'un petit sein. (trang 218)]. Hành động ngây thơ và hồn nhiên đó của Liên thúc đẩy bởi bản năng của một người con gái đang yêu với sự tin tưởng hoàn toàn vào người yêu và hoàn cảnh hiện tại -- hoàn cảnh rất riêng tư, không một e ngại hay vướng bận nào hết.
Độc giả khó tính có thể không vừa ý với vài chi tiết trong truyện. Dù không làm điều "nguyệt nọ hoa kia" nhưng trong đêm trăng tàn, trên biển vắng, Hoa cởi bỏ hết áo quần, đùa dỡn với sóng nước, để Mô chiêm ngưỡng "dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên" là một điều vượt quá xa khuôn phép xã hội Việt Nam. Tắm xong, Hoa đến bên Mô và lôi kéo Mô, Hoa kéo quá mạnh nên hai người té nhào và lăn tròn xuống chân đồi cát, Mô cảm thấy ngực trần của Hoa áp vào ngực mình. Trăng xế, đêm mát rượi; hai người nằm bên nhau, đầu Hoa tựa trên ngực Mô (trang 181-184). Hành động của Hoa tuy khơi dậy sự tò mò và nuôi dưỡng trí tưởng của một số người đọc, nhưng táo bạo quá, tây phương quá, và quá xa lạ với người con gái Việt Nam.
Và một điểm nữa, không hiểu tại sao Mô có thể bồng Liên chạy ngược lên đồi. Mô không mạnh và không khéo léo, vì chỉ chơi cò cò với lũ trẻ, Mô cũng bị té hoài. [Malhabile à sauter à cloche-pied, il tomba plusieurs fois. (trang 56)] Tình yêu của Liên có thể làm cho Mô phấn khởi nhưng chắc không biến một thư sinh rất vụng về như Mô thành một tay trèo núi rất khỏe mạnh và dẻo dai. Hình ảnh Mô nắm tay Liên chạy lên đồi, thay vì Mô ôm Liên vào lòng chạy lên đồi, chắc đẹp hơn, nên thơ hơn và Việt Nam hơn nhiều. Nhưng điều rõ ràng nhất là những hành động như hai hành động vừa nêu ra rất hiếm trong Le Fils de la Baleine.
* * *
Trong khi viết bài này, tôi tình cờ gặp và nói chuyện với mấy vị giáo sư chuyên về bộ môn tiểu thuyết Pháp mà tác giả là những công dân của những đất nước chịu văn hóa Pháp. Một điều làm tôi ngạc nhiên là mấy vị này giáo sư này, tuy rất thâm niên và thâm cứu, nhưng không biết gì về tác giả Cung Giũ Nguyên. Ngoài ra, qua mạng lưới Internet, tôi thấy chương trình giảng dạy của bộ môn này tại nhiều đại học Mỹ cũng không ghi Le Fils de la Baleine trong số các tác phẩm mà sinh viên cần phải đọc. Hầu hết các chương trình này đều có ghi các tác giả Bắc Phi, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Hữu Châu (anh rể của bà Ngô Đình Nhu) và vài người khác. Những tác giả Việt Nam có ghi trong các chương trình này đều là những văn tài lỗi lạc nhưng theo tôi, sinh viên Mỹ cần phải đọc Le Fils de la Baleine. Không đọc Le Fils de la Baleine là một thua thiệt cho họ; và họ sẽ không bao giờ biết họ thiếu sót gì về văn chương Việt Nam viết bằng tiếng Pháp.
- Vài Kỷ Niệm và Ghi Nhận về Truyện Le Fils de la Baleine của Cung Giũ Nguyên Nguyễn Phụng Nhận định
- Con đường tiến-triển đầu tiên của âm nhạc Việt Nam Nguyễn Phụng Biên khảo
• Nhớ Trưởng Vịt Bể Cung Giũ Nguyên (letamanh)
• Vài Kỷ Niệm và Ghi Nhận về Truyện Le Fils de la Baleine của Cung Giũ Nguyên (Nguyễn Phụng)
• Nhà văn Cung Giũ Nguyên và những người học sinh cũ (Nguyễn Xuân Hoàng)
- Tưởng nhớ Thầy Cung Giũ Nguyên
- Cung Giũ Nguyên một cuộc đời tìm và trao tặng tri thức (Đào Thị Thanh Tuyền)
- Cùng Cung Giũ Nguyên Khám Phá Nỗi Cô Đơn (Phạm Văn Quang)
(petruspaulusthong)
- Tiểu sử Thầy Cung Giũ Nguyên
(Vietsciences)
• Viết Vì Cần Đuổi Con "Ma" Trong Tôi
(Cung Giũ Nguyên)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |