1. Head_

    Phạm Ngọc Lũy

    (20.11.1919 - 21.12.2022)

    Quách Tấn

    (4.1.1910 - 21.12.1992)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Diễn Thuyết Về Các Nhân Vật Nữ và Ra Mắt Cuốn Sách Đầu Tay của Nguyễn Tà Cúc Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      23-11-2014 | VĂN HỌC

      Diễn Thuyết Về Các Nhân Vật Nữ và Ra Mắt Cuốn Sách Đầu Tay của Nguyễn Tà Cúc

       NGUYỄN TÀ CÚC
      Share File.php Share File
          

       


         Nhà phê bình văn học
      Nguyễn Tà Cúc

      VL: Là người giới thiệu chương trình diễn thuyết và ra mắt sách hôm nay, tôi xin trân trọng chào mừng quí vị thính giả, thay mặt ban tổ chức đang bận rộn dưới kia: nhất là chị Minh Chính và một số các bà các cô nguyên là nữ sinh Gia Long. Về phía gia đình diễn giả và cũng là tác giả tập biên khảo phê bình Văn Học Miền Nam, Nhóm *Tạp chí văn học *Tác giả là cô Nguyễn Tà Cúc, có bốn cô con gái, cả bốn đều chào đời tại Hoa Kỳ, là những người đã làm thành Nhà Xuất Bản Mẹ và Con, mà cuốn sách đầu tiên của họ được ra mắt quí vị hôm nay. Họ cũng có mặt nơi đây.


      Trên thiệp mời quí vị đã thấy, cho biết hôm nay diễn giả sẽ nói về đề tài Các Nhân Vật Nữ trong 5 tác phẩm của 5 nhà văn. Diễn giả sẽ nói ngắn, mà hy vọng sau đó chúng ta có một cuộc hỏi đáp dài hơn giữa người nói và người nghe. Tôi thiết tưởng đề tài rất quan trọng. hình như lần đầu có người đem ra bàn, xin quí vị lát nữa cho biết ý kiến. Bây giờ việc chính mà tôi lên đây, xin nói vài lời về cô Nguyễn Tà Cúc.


      Tiểu sử của cô ngắn gọn, in ngay trên bìa sách: Nguyễn Tà Cúc sinh năm 1953 tại Vụ Bản, Nam Định, di cư vào Nam khi chưa tròn 1 tuổi năm 1954, cư ngụ tại Sài gòn, học Gia Long và Khoa Học. Di tản qua Hoa Kỳ năm 1975. Ở trại tị nạn lndiantown Gap tiểu bang Pennsylvannia, cô học tiếp Đại học Ở Penn State University, nhưng bỏ dở khi lập gia đình. Năm 1996 Tạp chí Khởi Hành của chủ nhiệm chủ bút Viên Linh được tục bản tại California, mà cô tham gia bài vở, chuyên về Văn Học Miền Nam, và trở thành Thư ký Tòa soạn của Khởi Hành từ đó đến nay, ngoại trừ hơn 3 năm cô rời tờ báo trở lại trường cũ học tiếp chương trình Cử nhân vào tuổi 50. Năm 2009 cô lấy xong bằng Cử nhân, và năm 2010, một năm sau, đậu Cao học. Luận án Cao học của cô, theo tôi biết, là một trường hợp hiếm hoi và đáng quí: đó là một nghiên cứu phong phú về nền văn học của một quốc gia đã mất: Nền Văn Học Việt Nam Cộng Hòa, 1954-1975.


      Tới đây tôi xin trân trọng giới thiệu người con của thôn quê Vụ Bản với quí vị -xin mời diễn giả Nguyễn Tà Cúc lên diễn đàn.

      Phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, thử Bảy 27.9.2014

      Các Nhân Vật Nữ Trong Năm Tác Phẩm của Bình Nguyên Lộc, Nguyễn mạnh Côn, Mai Thảo, Mặc Đỗ và Viên Linh



           Nhà văn Bình Nguyên Lộc

      Bình Nguyên Lộc vẫn được xem như một cây viết gốc người Nam thượng thặng của Văn học Miền Nam. Ông là nhà văn có lẽ sáng tác nhiều truyện ngắn nhất và có công trình nghiên cứu nổi tiếng Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nếu nói về nhân vật nữ của Bình-nguyên Lộc thì không ai không nhớ tới bốn cô con gái trong Đò Dọc: Hương Hồng Hoa Quá Thơm và một câu bất hủ: "Có ai mê con gái mà tan cửa nát nhà không? Không chỉ có đàn bà mới làm hại đàn ông được."


      Nhưng nhân vật nữ được chọn lần này hoàn toàn thuộc vào cuộc đổi đời sau 1975. Đó là cô Chi, một nhân vật trong truyện "Chút phận đàn bà" đăng trên tờ Phù Sa, số 47, tháng 3.1992. Cô Chi sau 1975 trở thành một "bác sĩ nhẩy dù" nghĩa là vốn liếng về Y khoa không có bao nhiêu nhưng vì không có bác sĩ thứ thiệt nên nhiều người chỉ biết "lụi" cũng thành bác sĩ. Cô Chi được cử đi phục vụ nhân dân tại một trại cải tạo các cô bán phấn buôn hương tại một hòn đảo có tên Đồng Tranh II khỉ ho cò gáy nên nước ngọt cũng phải được mang tới từ đất liền. Cô không đủ kiến thức và thuốc men để trị bệnh mà các cô này lại bị một thứ bệnh rất khó trị là bệnh tắt kinh. Cô Chi không biết tại sao nhưng mấy cô này biết: đó là tại vì ăn uống không đủ. Có lần họ mè nheo nhiều quá khiến cô "cá nhơn" họ "quá xá" là quả họ đáng kiếp lắm. Suýt tý nữa cô bị ăn đòn nhưng thủ lãnh của họ đã xông vào cứu cô, ra lệnh tan hàng và nói với cô:


      - "Cô ơi! Chút phận đàn bà với nhau mà cô. Các em chúng nói dại dột xin cô cho qua. Côn phần cô, cô có phải là đàn bà hay không? Chắc cô chưa đói lần nào nhưng chắc cô có thấy người khác đói."


      Các cô chịu giải tán nhưng hô to: "Đả đảo." Không hiểu họ đả đảo cá nhân cô Chi hay chính phủ nhưng cô "hiểu rằng" họ đả đảo cả hai.


      Vài ngày sau cô kinh ngạc mà gặp một em bé chưa tới 17 tuổi "xinh đẹp như đào hát" nhưng có mang khoảng năm tháng rồi. Nghĩa là cái tiêu ngữ Giải phóng Phụ nữ của chính phủ Cộng sản chỉ là cái bánh vẽ không giúp các cô trong trại cải tạo này khỏi đói và khỏi bệnh tắt kinh. Bình-nguyên Lộc đã trải qua nhiều năm sống với chính phủ mới nên truyện ngắn này có đặc sắc của một mảnh đời không chỉ của các cô mà của cả người dân thời mấy năm sau "giải phóng". Trong thời này, người dân như một đám con mồ côi, không nơi nương tựa. Các cô bắt "hoàn lương" bị tống ra một hòn đảo không có cả giếng nước ngọt. Mấy anh trai lái tàu mang nước ngọt ra cho mấy cô thì lâu lâu dùng tàu bỏ trốn, báo hại nhà nước cấm tàu, nghĩa là cấm nước ngọt của mấy cô luôn. Còn cả ngàn con vịt lội áo ào trước mắt? Đó là tài sản của nhà nước kia mà. Thế nên tác giả có cái so sánh không lấy gì làm kín đáo giữa thời Miền Nam trước và sau 1975. Trước 1975, người Miền Nam có món "Thịt bò bảy món" mà nổi tiếng nhất là tại tiệm Ánh Hồng nay đã di tản qua Hoa Kỳ dựng lại nghiệp ở góc đường Brookhurst và Westminster, California. Còn nay thì theo tác giả, cô Chi được ăn "rau muống bảy món" (luộc, gỏi, xào v.v...).


      Tình trạng dở khóc dở cười, nửa tù nửa con mồ côi của các cô nhuốm một sự châm biếm kẻ gây ra cảnh khổ của các cô. Đó không phải là đám đàn ông mua hoa mà của những kẻ cầm quyền trục lợi trên một cái gì còn to lớn hơn: dân tộc và quê hương. Cho nên cảnh khổ của các cô không phải cảnh khổ của hoàn cảnh như cô Nhàn trong Sau giờ giới nghiêm của Mai Thảo hay cô Vân trong Tình thương trong ngoặc kép của Mặc Đỗ vốn phát sinh từ những vấn đề khó giải quyết được của xã hội.



           Nhà văn Mai Thảo

      Tôi vốn không nghiên cứu riêng về đời văn Mai Thảo nhưng Sau giờ giới nghiêm là một tác phẩm khiến tôi phải tìm đọc các sáng tác khác của ông. Đây cũng là một truyện làm tôi càng phải cảnh tỉnh rằng mỗi độc giả cần phải có nhận xét của riêng mình. Mai Thảo vốn vẫn bị mang tiếng là viết về "phòng trà vũ nữ". Người Cộng sản khi tấn công Văn học Miền Nam vẫn đưa trường hợp của ông để xỉ mạ, để nêu lên như một thí dụ rằng không có Văn học Miền Nam mà chỉ có Văn học Đô thị Miền Nam. Dĩ nhiên, không bao giờ và không lúc nào mà lại có cái quái thai văn học đô thị Miền Nam cả. Cuốn truyện này không phải là một tiểu thuyết luận đề, không để thay đổi xã hội, nó chỉ là một tiếng kêu thống thiết cảnh tỉnh những con thiêu thân nhưng đời nào thiêu thân lại biết mình thiêu thân. Nhân vật nữ trong truyện là Nhàn, một cô gái rất đẹp nhưng ánh sáng kim tiền đã đẩy cô vào tay Mẫn (1), một người đàn ông có tiền nhưng đã có vợ. Cô bị đánh ghen rồi bị bỏ rơi. Nhan sắc phai tàn, tinh thần suy nhược, cô bất lực nhìn đứa con gái đi vào cùng bước lầm lạc của mình. Phải công nhận Mai Thảo, người đã từng có nhiều đêm vui cận giờ giới nghiêm như chính ông không hề giấu giếm, đã lột hết được cảnh thương tâm và tàn tạ của những cô gái nghèo một sớm muốn thoát khỏi cảnh bó chân trong những xóm nghèo, đã chính tay châm diêm đốt cháy đời mình.


      - "Con yêu của mẹ! Buổi chiều hôm qua, khi con ra khỏi nhà, rực rỡ với tuổi mười tám của con [...] Mẹ đã muốn cùng con đi tới đó, tới giữa cánh rừng đời hung dữ, nơi có những bầy hổ đói gầm gừ cùng những bầy rắn độc ríu rít, nơi có những đam mê điên cuồng, những ảo tưởng vỡ vụn, những giấc mộng không thành, những sự thực tàn nhẫn. Để làm gì? Để đem những kinh nghiệm thất đảm và đau đớn một đời của mẹ thành cái mộc che chở cho con..."


      Trong cơn mê hoảng thất thần, Nhàn lao ra đường tìm con gái rồi gục quy sau giờ giới nghiêm.



           Nhà văn Mặc Đỗ

      Khác với Nhàn, Vân của Mặc Đỗ trong Tình thương trong ngoặc kép là một cô gái nhà quê vì muốn cứu gia sản của bà mẹ góa mà phải nhẩy lầu tự vẫn sau khi nhận ra nơi cô đến làm công cũng là nhà của người yêu cô trước khi cô bị lừa gạt, bị hãm hiếp, bị trấn lột đến mang bệnh nặng cả về tâm thần lẫn thể xác. Cha của người yêu cô, chủ nhả, chính là vị bác sĩ đã hiểu hết sự tình, ráng sức cứu cô mà không ngờ vợ mình sau này sẽ mướn cô làm công ngay trong nhà. Cô càng không ngờ đứa em trai cô lại là người yêu của cô con gái chủ nhà. Hắn là đứa con hoang đàng đã dẫn cô đến số phần hôm nay: vì ăn chơi trác táng, hắn làm người mẹ góa của cô sạt nghiệp khiến cô phải bán thân để cứu đám ruộng vườn rồi sa vào tay một bọn bất lương. Cô giấu mẹ, giấu em, trốn biệt người yêu nhưng hôm nay tất cả mọi người đều có mặt ở căn nhà này và cô không còn cách náo trốn được nữa. Trước đó, vị bác sĩ và viên biện lý cũng muốn mang vụ cưỡng bức cô ra pháp luật nhưng không ai đủ biết hết nỗi khổ đau, nhất là nỗi đau thầm kín của cô mà giúp cô cho có hiệu quả:


      "[...] Tôi xác nhận người con gái làm công trong nhà tôi mới chết và người con gái tôi đã gặp ở Qui Nhơn đích thị là một. Nhưng tôi không thể hiểu tại sao đã về tới Sàigòn người con gái đó không về Trảng Bàng với mẹ lại đi làm công và tại sao chiều hôm nay đã tình cờ té lầu mà chết hay nhảy lầu tự sát ngay trong nhà tôi [...] Tất cả những người có liên quan tới cô gái trong vụ này đều có biểu tỏ tình thương với cô gái. Nhưng bấy nhiêu tình thương đã không kéo được cô gái ra khỏi hoàn cảnh khốn khổ. Đặt bên thân phận cô gái, tình thương giống như một món trang sức đáng bày giữa hai ngoặc kép..."


      Cả ba nhân vật trong ba tác phẩm của ba tác giả này đều gợi một niềm thương với "chút phận đàn bà". Nhưng qua tới Nguyễn Mạnh Côn thì khác. Ông sử dụng Tình cao thượng, một tập truyện mỏng chỉ khoảng 115 trang khổ nhỏ để nhân danh nhân vật Ngọc phát biểu quan niệm thay cho chính ông về sự dấn thân của phụ nữ trong xã hội. Dùng việc Ngọc bị một hai người lính đào binh bắt cóc và hãm hiếp khi xe hơi của Cường, chồng chưa cưới, hết xăng nằm ụ gần một khu hẻo lánh và Cường bị đánh đuổi đi, tác giả đã "lập thuyết" cổ võ cho việc phụ nữ phải lập gia đình rồi có con và hạn chế sinh hoạt vào dưới mái ấm đó sau khi đã chọn lựa người chồng này bằng cách có quan hệ tình dục không giới hạn trước khi cưới.


      Ngọc, sau khi bị hãm hiếp nhưng được thỏa mãn nhục dục hoàn toàn bởi Tư Giỏn, một trong hai kẻ cướp, thì khi được giải cứu đã từ hôn rồi kết hôn với Quang, một người thua kém Cường mọi mặt nhưng đủ sức khỏe cung cấp cho Ngọc điều mà Tư Giỏn đã làm được: "Ảnh chỉ hơn em một điểm: vợ chồng em nói thẳng với nhau. Vĩnh Quang biết lúc nào em muốn gần ảnh và ảnh thỏa mãn thân thể em không khác gì Tư Giỏn." Nguyễn Mạnh Côn cho đó mới là "tinh cao thượng" nghĩa là tình yêu (cao thượng) có quyền gồm cả điều quan trọng ngang ngửa là tình xác thịt. Nếu ngừng ngay ở đó thì người đọc có thể đồng ý hay coi như một thứ tiểu thuyết luận đề có một cái luận đề đã cũ rích. Nhưng có lẽ chủ ý Nguyễn Mạnh Côn không nằm ở sự cao thượng này. Vì ngay sau đó, ngay sau khi Ngọc đã dám nói thực sự suy nghĩ của cô liên quan đền sự tối cần thiết của nhục dục, nàng có hai kết luận như sau (cũng có nghĩa do chính Nguyễn Mạnh Côn kết luận). Thứ nhất, đàn bà Tây phương chỉ là một thứ nô lệ mà nô lệ tới hai lần cho đàn ông vì lầm tưởng đã được giải phóng nên phụ nữ không nên dấn thân làm việc xã hội. Thứ hai, hãy lui trở lại truyền thống (?) dân tộc mà để cho sự lựa chọn người chồng cũng đặt trên căn bản của sự thỏa mãn sinh lý:

      - "Người đàn bà Tây phương tiếng rằng được giải phóng mà thật ra bị dùng làm trò chơi đến hai lần: trong phòng riêng bởi người đàn ông, trong xã hội bởi các nhà luân lý xã hội [...] Em vữa tội nghiệp, vừa ghê sợ nỗi niềm cô đơn của người-đàn-bà-hết-sắc- đẹp-mà-không-được già và chết giữa sự nâng đỡ của tình thương yêu của chồng con [...] Em cho người đàn bà nào đã lập gia đình mà còn bỏ gia đình để làm việc xã hội là người đàn bà dại dột và tội lỗi. Vị xã hội chưa thiếu đàn ông, chưa cần đền họ. Các nhà tư tưởng trước kia đặt vấn đề "nam nữ bình quyền" quả có những khối óc u tối. Em là đàn bà, em xét trong mình em [...] thậm chí đến vị trí nằm ở dưới người đàn ông trong cuộc giao hợp [...] đều chỉ có sứ mạng nuôi nấng gìn giữ nên không thể giành quyền lãnh đạo xã hội của người đàn ông, mà động tác nào cũng nói lên sự công phá, tiến tới. Sự hiểu lầm có lẽ đã có từ hơn một trăm năm nay, từ khi ý nghĩa thiêng liêng của sự truyền tiếp nòi giống, của sự ký thác huyết thống bị phủ nhận [...] Người đàn bà không lắng nghe được sự hình thành của trẻ thơ trong lòng mình [...] mới đòi được giải phóng khỏi bàn tay nâng niu bảo vệ của người đàn ông bị coi như chủ nhân ác độc...."

      Nguyễn Mạnh Côn cổ võ rõ ràng chỉ mấy trang sau đó:



           Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn

      - "Người con gái hãy tha hồ chọn lựa. Tha hồ hưởng thụ, như những thiếu nữ thuộc các sắc dân cao nguyên miền Tây Bắc Bắc Việt. Các thiếu nữ ở đó, coi giao cấu là một sướng thỏa thường tình. Họ sẵn sàng đón tiếp bất cứ người đàn ông nào đến với họ."


      Nhưng tác giả biết ngay một sự tự do kiểu đó áp dụng ngoài môi trường văn hóa lâu đời của nó lập tức gây nhiều hậu quả chưa giải quyết được. Nguyễn Mạnh Côn cũng đặt ngay câu hỏi: "Người con gái có quyền chọn lựa nhưng nếu có thai trước khi chọn được người vừa ý thì sao? Và nếu có người con gái cứ thích được tha hồ chơi trai mà không chịu lập gia đình thì sao?..."


      Vâng, "thì sao"?! Thì giản dị lắm: Nguyễn Mạnh Côn muốn trói người phụ nữ vào cái cũi gia đình (lấy chồng sinh con) nhân danh nhiều thứ cao đẹp, kể cả bà Trưng bà Triệu, nhưng thực tế không đơn giản và dễ dàng như vậy. Bỏ qua những đứa trẻ vô thừa nhận về vấn đề huyết thống, bỏ qua kiến thức (không biết từ đâu) của tác giả về phản ứng của người nữ đối với vấn đề tình dục -nhất là phán ứng của một người bị hãm hiếp- và bệnh lý của người nam khi không đáp ứng được nhu cầu sinh lý ấy, sự lập thuyết đó trước tiên đã không thuyết phục được nam độc giả như chính Nguyễn Mạnh Côn phải thú nhận:


      - "Chồng em nói thế, em biết, để che giấu vết thương tự ái của chính ảnh, vì ảnh là người đến sau cả anh lẫn Tư Giỏn. Chồng em dù sao vẫn là người nên có thể quên Tư Giỏn mà vẫn ghen với anh."


      Đó chính là điểm làm cho cái thuyết của Nguyễn Mạnh Côn gẫy đổ hoàn toàn: một khi một trong hai người cứ đeo nặng nỗi mặc cảm như vậy thi không cách nào có nổi hạnh phúc. Trên hết thẩy, khi đặt vấn đề hưởng thụ nhục dục lên hơn sự rung động và niềm yêu mến sâu xa giữa hai người đồng cảm chung một hạnh phúc không đánh giá được bằng những khoái lạc nhất thời, Nguyễn Mạnh Côn đã vô tình chứng minh rằng đó cũng chưa chắc là một thứ tình "cao thượng" khi ngay từ đầu đã co một thứ điều kiện khắt khe mà điều kiện ắt có-và-phải- đủ này lại lệ thuộc hoàn toàn vào... sức khỏe của người can dự cho dù người can dự thuộc bất cứ phái nào.


      Nhưng Nguyễn Mạnh Côn cũng không phải là người duy nhất thời đó có cứng thứ quan điểm xuất phát từ sự hiểu lầm phong trào Nữ quyền và nhân sự liên hệ đến phong trào ấy tại các nước Tây phương. Thanh Tâm Tuyền, một nhà thơ nổi tiếng cách tân cho thơ, nổi tiếng có kiến thức về văn học Tây phương cũng có những phát biểu tương tự. Chính sự hiểu biết hạn hẹp ấy đã khiến Thanh Tâm Tuyền mạt sát đàn ông và đàn bà Tây phương một cách hết sức vô lý. Trong bài "Về Đàn bà (3)" trong cuốn Tạp ghi, ông bầy tỏ như sau:


      - "Bây giờ Tây nó làm như mở ngõ các cánh cửa cho chị em ta tha hồ chọn. Nhưng các chị em chọn được những gì nào? Muốn chọn gì thì chọn, các chị em ta chỉ chọn được những món phụ tùng, chẳng bao giờ chọn được điều căn bản là quyền sống ngang như đàn ông [...] Chị em ta đừng tưởng bở khi mấy anh Tây quỳ lạy mình, phải nhớ rằng mấy anh ấy không mắc bệnh 'sa đích' thì cũng mắc bệnh 'ma dô sít'. Đàn bà Tây, xét cho cùng, chỉ là các 'bà chúa nô lệ' mà thôi [...] Một lũ nô lệ của một ông chủ mắc bệnh thần kinh cho phép nô lệ đóng vai chủ để mình đóng vai nô lệ trong một vở tuồng 'tự do' có giới hạn..."


      Cả hai tác phẩm này: Tình cao thượng, 1968 và Tạp ghi, 1970, như thế đều xuất bản sau Thị trấn Miền Đông (Viên Linh), 1966 nhưng, như sẽ chứng minh dưới đây, đã đi sau về quan niệm đối với phụ nữ lồng trong bối cảnh tranh đấu về ý thức hệ của chiến tranh Việt Nam. Thị trấn Miền Đông rồi ra sẽ được coi như tác phẩm xác định đời văn của tác giả. Viên Linh vốn vẫn được biết như một nhà thơ, mà theo tôi là một trong ba nhà thơ có tài nhất trong thời hiện đại. Ông là chưởng môn Thơ Lục Bát bên cạnh Thanh Tâm Tuyền chưởng môn Thơ Tự Do và Tô Thùy Yên chưởng môn Thơ Bẩy chữ. Nhưng Thị trấn Miền Đông, ngoài việc xác định tài văn, còn giới thiệu Viên Linh tới độc giả, ít nhất là người đọc này, một Viên Linh khác: một người quan tâm tới tình cảnh bỏng lửa của quê hương lúc đó và mối kỳ vọng vào phụ nữ dù chỉ qua một hình tượng để chuyên chở sự quan tâm đó.



           Nhà văn Viên Linh

      Viên Linh, cũng như Mai Thảo và những văn nghệ sĩ già tuổi hơn như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khúc Khoan, Mặc Đỗ, Thái Tuấn, Duy Thanh... đã ra đi từ Miền Bắc, rời bỏ chế độ Cộng sản để viết tại Miền Nam.


      Như đã nói trong phần Mai Thảo, người Cộng sản tối kỵ văn nghệ sĩ Miền Nam - những người chưa lọt trong vòng kiềm tỏa của họ - nên trong bộ máy tuyên truyền để lung lạc bêu xấu Miền Nam đã gán sáng tác của họ với danh tính Văn học Đô thị Miền Nam. Mới nghe qua cái lối lý luận rất êm tai này - anh không cầm súng, anh không ra chiến trường, anh không có sáng tác về chiến trường (!) thì anh phải thuộc vào văn học đô thị, cũng nghĩa là thuộc vào vùng "tạm chiếm" của Mỹ Ngụy chứ còn gì nữa - thì có kẻ, ngay tại Miền Nam, cũng muốn đống ý như thế. Bỏ qua những người Miền Bắc, nhưng với những kẻ xuất thân từ Miền Nam đó, tôi luôn luôn liên tưởng đến câu thơ này của Jacques Prévert: "Tôi là ngọn nến cùng em là ánh sáng (tỏa từ ngọn nến ấy). (Thế mà) Ai (tôi hay em) đã bán đi ruột bấc vậy? / J'étais la bougie et tu étais la lumière. Qui a vendu la mêche?"


      Thực tế hiển nhiên ở đây quá rõ ràng rằng chiến trường súng đạn chỉ là một phần mặt trận với người Cộng sản. Không có "đô thị" (ngọn nến) thì chủ bút nào, tạp chí nào sẽ đăng bài của họ để họ tỏa sáng, để họ được (vinh dự) thuộc vào Văn học Miền Nam mà nay họ lại toan tính lấy dây bấc đó đi với thứ suy nghĩ ấy? Bởi thế, tuy một mặt trận khác gay go không kém cũng đã xẩy ra ở hậu phương mà sức ép không thua tiền tuyến cũng như sẽ chứng minh sau đây với Viên Linh nhưng các nhà văn từng trải chính trị của Miền Nam không phải là không biết điều đó. Mai Thảo đã có lần viết như sau:


      "Vai trò văn học nghệ thuật hiện nay do đó là phải đi vào thực tế chiến tranh, bởi thực tế ấy là một sự thực. Dân tộc ta yêu chuộng hòa bình. Đó là một sự thực. Dân tộc ta dũng cảm đương đầu và gia nhập vòng chiến, đó còn là một sự thực khác. Làm sao cho mọi người Miền Nam nước Việt nhìn thấy toàn vẹn không che dấu thế nào là những chiếu cao và những chiếu thấp cuộc hành trình phi thường dũng cảm đã kéo dài hai mươi (năm) đau đớn..." (Mai Thảo, "Văn học và Nghệ thuật trong chiến tranh hiện tại và hòa bình tương lai", Nghệ Thuật số 1 , Tuần lễ ngày 1-7 tháng 10, 1965)


      Thị trấn Miền Đông xuất hiện như một tiêu biểu rằng Văn học Miền Nam không chỉ được biết đến về chiến tranh với tiếng kêu thất thanh "em gái da vảng" hay "gia tài của mẹ" v.v và v.v. Với một kỹ thuật viết kịch không thua các tay nghề thế giới bằng những thắt mở hoặc hoán chuyển ngoạn mục và một văn phong tuy rất bóng bẩy nhưng hết sức cô đọng, Viên Linh đã lập một con đường riêng của ông, bỏ xa rất nhiều đồng nghiệp cùng thời. Văn chương trong tác phẩm này đầy hình tượng mà mỗi thứ âm thanh không những làm nền cho cảnh vật lại còn phản chiếu tâm tình riêng của nhân vật sao cho xứng hợp và nhất quán với chân dung của họ. Như về Liên, nhân vật nữ mà cũng là nhân vật chính:


      - "Liên nghe những tàn cây rậm rạp xum xuê có cái nín thinh của một buổi chiều xa lạ, cái nín thinh của một bóng tối không quen mặt."


      Hay:


      - "Đêm đã rất khuya. Trong bầu trời rì rào hơi gió biển xa, Tây Phố thầm lặng thức dậy mùi cá tanh thoang thoảng. Liên nằm ngả người trên vai ghế, mắt khép, hơi thở đều đặn thảnh thơi. Nàng có thể ngủ một giấc đêm nay. Tất cả xong rồi."


      Thị trấn Miền Đông xuất hiện trước hết qua hình thức kịch đăng liên tiếp nhiều kỳ trên tạp chí Văn Nghệ (chủ nhiệm Lý Hoàng Phong). Thế nên khi tập san Văn xuất bản, nó đã thiếu mất một lời mà tác giả dẫn trích từ Mai Thăng (Cổ học Tinh hoa), như sau: "Người ta có kẻ sợ bóng mình, ghét vệt mình, nên cắm cổ mà chạy. Bởi thế bóng ấy lại càng nhanh, vết kia lại càng nhiều..."


      Thị trấn Miền Đông xẩy ra tại Tây phố, "một thị trấn nhỏ nằm ven quốc lộ số một về mé biển thuộc miền đông cao nguyên Trung phần. Thị trấn này lưa thưa khoảng gần một trăm nóc nhà..."

      Các nhân vật chính là Liên (30 tuổi), con cùng cha khác mẹ (bà Thịnh Phước, 68 tuổi) với Hiệp (em út, 25 tuổi) và Sĩ cùng Học (anh trưởng, làm cách mạng). Câu chuyện xoay quanh cái chết của bà mẹ, với những đứa con trở về từ tam phương tứ hướng, từng "đã cắm cổ mà chạy" để tránh cái bóng, cái vệt. Ngày họ trở lại là ngày họ dừng hòng cái bóng không thể đuổi theo để có dịp soát lại diện mục bản thân cũng như diện mục của những nhân vật khác.


      Liên là một thứ gái hạng sang, suýt tý nữa thì đụng độ Sĩ -một tay đầu cơ chính trị hạng tôm tép- trong hoàn cảnh mua hương bán phấn này. Bỏ đi 15 năm, Liên cũng như ba anh em trở về khi nhận được lão gia nhân báo tin bà Thịnh Phước chết. Câu chuyện sau đó xẩy ra chỉ trong 100 trang nhưng bầy ra kỹ thuật viết hết sức cao cường của tác giả. Chỉ trong trăm trang đó, tác giả đã gói mở được những diễn biến hết sức đột ngột: bà Thịnh Phước chưa chết nhưng mang đủ trà sâm, hoa trái và chăn gối lên ẩn nấp ở rầm thượng để lắng nghe phản ứng của các con.


      Các con bà thoạt khám phá quan tài không còn trong nhà, rồi khi đào mộ bà lên để đưa quan tài sang chôn ở đồi Lương sơn (nơi bà dặn trong di chúc) thì khám phá quan tài không có xác. Hai người con lớn ra đi, chỉ còn Liên và Hiệp ở lại. Đó là lúc bà Thịnh Phước xuất hiện. Hiệp chào mẹ lần cuối, rồi cũng ra đi nốt. Phản ứng của các con (trai) làm bà tuyệt vọng: trừ Liên, các con ruột của bà đều có những hành động không đúng với sự kỳ vọng của bà. Họ không chăm nom cho công ty mà vợ chồng bà đã gầy dựng rồi sau cùng bỏ đi, không ngó ngàng gì tới việc chôn cất bà cho xong xuôi. Cuối cùng, bà thắt cổ tự vẫn sau khi trao cho Liên một cái hộp có khóa nhưng không chìa do Vịnh, người tình (đã qua đời vì bệnh ho lao) của Liên nhờ bà trao hộ. Liên đánh hai điện tín, nội dung khác hẳn nhau. Một cho Sĩ và Học "Về ngay, mẹ chưa chết" và một cho Hiệp "Về ngay, mẹ chết rồi". Đêm hôm sau, khi không ai trở về, Liên và ngươi lão bộc chính thức chôn cất bà Thịnh Phước. Họ sẽ là hai người thủa hưởng gia tài do bà để lại do di chúc đã có khoản tiên liệu nếu các con không trở về. Rồi chính Liên cũng rời Tây phố, tay ôm di chúc của mẹ và hộp sơn mài khóa kín. Độc giả không biết trong thư và hộp ấy chứa những gì.


      Đọc lần đầu, tôi đã suy nghĩ rất lung về những trùng hợp quá rõ của tình cảnh nhân vật trong Thị trấn Miền Đông và ngay lúc bấy giờ, thời tác giả đương sống. Vì không thể nào mà không liên tưởng đến cảnh chia cắt đất nước, tình hình chính trị tranh tối tranh sáng và sự xung đột sinh tử giữa người Việt tự do và người Việt Cộng sản khi đọc những câu này:

      - "Người anh cả thở mạnh, chớp mắt rồi điềm đạm nói: 'Liên, anh không ghét cô cũng như không lên án cô đã đi làm cái nghề ấy, nhưng cô ra đi là phải hơn. Chuyện anh vừa nói với chú Sĩ là chuyện thái độ. Chuyện cô thuộc phạm vi chuyên môn: Có những nghề hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ. Khi mình theo nghề ấy, mình phải bị hy sinh."


      - 'Cũng như có những nghề phải sống bằng quá khứ, xâu chuỗi, thành tích như nghề chính trị của anh. Tôi tưởng nó cũng là nghề chuyên môn. Trên căn bản, chúng ta toàn là chuyên viên, anh hay tôi cũng vậy. Chỉ khác anh làm việc bằng tinh thần, còn tôi" - nàng cười - "tôi lao động tay chân.'


      Ông Học cười nhạt:

      'Cô không nên dùng giọng nhà nghề ở đây".


      'Cảm ơn anh. Tôi chưa là một nhà nghề thực thụ. Quê hương Tây Phố chúng ta chưa đủ tư cách để đào tạo những gì gọi là nhà nghề, trên lãnh vực nào cũng thế. Nó chưa là một thành phố, nó mới là một thị trấn đang cố thích nghi với đồ dùng nhập cảng. Anh Sĩ là kẻ đầu nước, anh là kẻ cuối nước, chú Hiệp trôi theo và tôi mắc kẹt. Nên chúng ta lần lượt là bọn lợi dụng, bọn khí tiết, bọn dửng dưng và bọn thoả hiệp."


      - "Hiệp cúi đầu, nói không nhìn ai:

      'Nghĩa là trong hai người cần có một người phải chết. Mẹ có phước lắm, nên mới có con chết theo đó'.


      'Chú câm mồm. Bây giờ không phải lúc đùa'.

      'Làm thế nào khác được nếu tôi thấy anh cũng như chị Liên đều còn sống, nhưng người này lại không chấp nhận người kia. Một là thế, hoặc ngược lại, cả hai đều đã chết. Anh muốn cách nào?!


      'Chú muốn cách nào?'

      'Cách của tôi'.

      'Tôi muốn hỏi: Cách nào trong hai cách của cô Liên và của tôi'.

      'Tại sao không có cách thứ ba?' - Chàng hài hước:

      - 'Thế giới còn có ba phe nữa là gia đình chúng ta'.

      'Phe thứ ba là lợi dụng!'.

      'Tôi cũng chẳng rõ. Nhưng tôi có ý riêng!.


      'Ban nãy tôi có nói: Chú Hiệp là người trôi theo'.

      'Xin lỗi, miễn chị bình phẩm. Chỉ có tôi làm việc đó với mình' .


      Tôi nhắc lại cho chú và cô Liên hay: Việc chúng ta là việc chung. Tôi mong các người quên mình trong một thời gian!.


      'Tôi rất tiếc, anh Học. Nếu tôi quên được tôi là thằng Hiệp, thằng Nguyễn Văn Hiệp của cái gia đình này, tôi đã không về đây. nhưng tôi đã về đây, nên tôi không thể quên mình được nữa..."


      "Bây giờ vấn đề đã đổi khác. Căn phần của mẹ chính là thái độ của gia đình chúng ta đối với quê hương. Thái độ đó không được suy suyển. Phải cho chúng thấy sự hiện diện của chúng ta ở đây. Nếu không còn trong tương lai thì cũng phải còn trong quá khứ. Không thể và không bao giờ xoá nhoà được'.


      'Tôi không nghĩ như anh, anh Học. Tây Phố chẳng là cái gì. Nó chỉ là một xó đổ nát, điêu tàn, nhỏ nhoi không đáng thương tiếc chút nào!.


      'Đó là quê hương, cô Liên'.

      'Đó là dĩ vãng, anh Học".


      - "Liên nhìn ngươi mẹ ghẻ một lát, nàng tiếp:

      'Các anh ấy vẫn là người con của gia đình, đều trở về sum họp ngày mẹ từ trần. Trong tâm trí mọi người, họ là người biết giữ lễ nghĩa. Mẹ đã phá bỏ lễ nghĩa ấy. Nên đối với các anh ấy, mẹ chết vì tuổi trời chỉ được hưởng bấy nhiêu. Bây giờ mẹ thấy mẹ sống là ngoài vòng lễ nghĩa, ngoài tình mẫu tử của những người thân. Việc ấy không phải lỗi ở người sống ngoài thời gian của mình. Cho nên mẹ đang sống đời người khác. Vì mẹ làm sao sống lại đời mình được một lần nữa. Mẹ chết rồi'.


      'Có lẽ thế. Chính ta thấy chán ta lắm'.

      'Thực ra mẹ phải không chán. Như thế mẹ mới sống một đời thứ hai được. Vì cuộc đời nào cũng bắt đầu bằng vô tư và hạnh phúc'.


      'Ta lo lắng và sầu não bao năm nay. Bây giờ thì hết rồi'.

      'Mẹ ơi, vậy mẹ vẫn còn sống' - khóc - 'mẹ vẫn còn sống'.

      'Phải. Thế là vô lý phải không con'.


      'Thế là khổ cực vô cùng. Thế là sống với những người lạ mặt. Nếu mẹ sống đời người khác là mẹ đã hoá thân. Song mẹ vẫn sống đời mình, vậy là mẹ sống trong cái xác cũ, trong quê hương cũ đã có lần từ bỏ'.


      'Thật khổ thân các con.'

      'Khổ thân anh Học, anh Sĩ. Hai người tưởng mình không lâm trọn đạo. Hai người tin ở mẹ quá nhiều. Và tưởng còn mẹ trong tâm hồn mà thôi'.


      'Còn con và thằng Hiệp?'

      'Nó sẽ vô cùng thảnh thơi sống đời mình, không ràng buộc chút chi nữa hết'

      'Thật sao?'

      'Con hy vọng như vậy.'

      'Nếu ta gặp lại chung nó?!

      'Mẹ không có thế gì quyết định trở lại.'

      'Dù sự tình cờ hả con?'

      'Sự tình cờ? Điều đó ở trong niềm tuyệt vọng.'

      'Phải. Nhưng nếu chúng nó gặp lại ta?'


      'Mới đầu, họ cho mẹ là một oan hồn. Sau, họ cho mẹ là kẻ quái gở. Cuối cùng là sự chán nản khôn lường vả có thể là họ tự tử. Vì trong hai cái thừa và chán, phải huỷ bớt một. Mà lúc thương mình càng nhiều thì thù người càng nhiều. Nên tự tử là để kẻ còn sống nhìn thấy cái thửa còn lại là chính mình.'


      'Cuối cùng, ta mỏi mệt rồi. Cho ta đi nằm thôi, Nằm.'

      'Mẹ phải khỏe lên. Vì bây giờ mẹ chỉ có một mình trên đời."


      Một câu chửi tục của Liên ở đoạn kết cũng rất đáng chú ý:

      - "Ra tới bến, Liên lấy chuyến xe đò đầu tiên rời Tây Phố. Xe sắp chuyển bánh thì ông Hội đồng và mấy thanh niên tự vệ chặn lại khám. Họ lục tung va- li của Liên và đòi nàng mở cái hộp. Liên bải hoải:

      'Cái hộp không.'

      'Xin cô mở ra.'

      'Cái hộp không.' Liên nhắc lại.

      'Cô làm ơn cho coi.'

      'Tôi không có chìa khoá.'


      Họ giằng lấy, dùng dao định bẩy tung cái khoá bạc. Liên ngây ngất thở ra và chửi thầm bộ muốn tìm... tao trong đó sao. Bọn bay làm sao thấy được."

      Sau nhiều lần đọc đi đọc lại, nhất là đoạn người anh làm cách mạng Học lại phải mượn khẩu súng của cô em Liên (từng trở về từ Hoa Kỳ- một ẩn dụ phải chăng ám chỉ tới Miền Nam phải dùng vũ khí từ Hoa Kỳ khi đối đầu với người Cộng sản?), tôi chú ý đến dòng chữ nhỏ, cuối truyện chỉ ngày kết thúc Thị trấn Miền Đông của tác giả: "Chí Hòa tháng 8-12 năm 1963". Ngày 1 tháng 11 năm 1963 là ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Tôi hỏi Viên Linh về ngày 12 tháng 8 năm 1963 này. Ông giải nghĩa rằng ông viết trong ba tháng, khi ẩn trú trên rầm thượng của ngôi nhà mẹ ông ở Chí Hòa, sau khi người em trai ông bị mật vụ bắt và trong suy nghĩ rằng ông có thể chung số phận.


      Chính chi tiết về tác giả này cũng giải thích tại sao Thị trấn Miền Đông lại đầy tiếng động nhất là những tiếng động ẩn mật căng đầy đe dọa hay như đang phập phồng chờ đợi một điều gì sắp xẩy ra:

      - "Liên tới khung cửa đóng kín thứ hai, cũng bằng gỗ gụ, hình vòm cung, xoay đi xoay lại quả nắm bằng sứ lỏng lẻo, như quả nắm mới được thay tạm vào trục mở. Cánh cửa bật ra trước cặp mắt ngạc nhiên của Hiệp.


      Liên khuất vào lỗ hổng tối vừa được khai thông giữa hai gian phòng. Nàng đánh diêm, bước lần tới bàn thờ kê chính giữa; ngoài tiếng giày lạo xạo trên nền đá hoa, không có tiếng động nào khác. Liên tìm thấy một cây nến lớn, châm lửa. Gian phòng mù mờ hiện ra dưới mắt nàng. [...] Liên mang cây nến ra đặt trên mặt bàn phòng khách và ngồi xuống chỗ cũ, liệng điếu thuốc xuống sàn đá hoa và dí tắt ngấm. Khuôn mặt nàng lung linh trong hơi đèn, màu áo tím than trông như màu xám, thích hợp với tình cảnh lúc đó. Năng nhìn Hiệp lộ vẻ dò hỏi. Một lát nàng lại đứng lên tới mở thử cánh cửa đóng kín có quả nắm bằng đồng đặc. Nàng ngó Hiệp nhưng không hỏi, rồi bước ra cửa chính, xuống khu sân trước nhà. Tiếng giày da của nàng loạt xoạt trên lớp sỏi ra tít góc sân phía ngoài làm những con dơi lớn chập choạng rời các tàn cây um tùm bay vào thinh không, gây những tiếng loạt xoạt ngắn ngủi [...] Liên ngôi xuống cái ghế bành đối diện ngó em. Nàng bỗng biến sắc mặt, lắng tai nghe kỹ và tắt phụt ngọn nến. Trong bóng tối tiếng Hiệp hỏi:


      "Gì thế?"

      "Không, chú cứ việc ngủ."


      Bây giờ có tiếng chuông xe xích lô leng keng ở ngoài đường xế mặt nhà. Liên nghe tiếng chân bước trên lối đi trải đá. Trong một lát, tiếng chân dừng lại ngoài hiên trước cánh cửa vẫn mở."

      Như thế quả không nghi ngờ gì nữa: Viên Linh đặt đầy ẩn dụ trong Thị trấn Miền Đông của thời đầy biến động mà kết luận là cuối cùng Liên, đứa con gái ghẻ, lại là đứa con thừa hưởng gia tải của người mẹ, rời Tây phố với một chiếc hộp còn khóa kín đầy bí ẩn và bất trắc như tương lai đang chờ đợi sau khi người mẹ đã chết, những đứa con tuy quay về nhưng vẫn xung đột như phải xung đột: Học, một người lâm cách mạng, không thể thỏa hiệp với Sĩ, một kẻ cơ hội. Liên và Hiệp không còn ảo tưởng gì về tài làm cách mạng của Học:

      - "Lâu lắm nhưng tôi còn nhớ rõ ngày kỷ niệm Đội Thân. Hôm ấy anh Học đứng ra tổ chức, Trường Cao đẳng Nguyễn Thái Học dự rất đông. Ngay đêm ấy anh Học theo một người đàn ông đứng tuổi, có râu mép, ra đi.' [...] Những nhà cách mạng bao giờ chả thế. À chú Hiệp, chú còn nhớ anh Học năm nay bao nhiêu tuổi không?'


      'Mặt mũi anh ấy không chắc tôi còn nhớ, làm sao nhớ tuổi. Nhưng nếu chưa chết thì cũng gần năm mươi rồi.'


      'Sao chú nói vậy. Ai chết thì chết, anh Học chết sao được? Tôi hiểu những người như anh ấy lắm.'

      'Hồi còn đi học, tôi nhớ lối chơi của anh ấy. Nghiêm chỉnh, đường hoàng. Một thời những người như thế dễ được trọng vọng.'


      Liên cười, nhìn em:

      'Hồi mới lớn mình sợ là đàng khác.'


      Hiệp bỗng ngã lưng lên vai ghế, cười sùng sục một hồi dài, hai tay ôm lấy miệng, mũi. Liên chỉ còn trông thấy đôi mắt em. Đôi mắt long lanh, sáng từng đợt, như đang lóe chiếu bởi những hình ảnh hồi quang."

      Như thế, trong các nhân vật, nhân vật nữ Liên nổi bật lên. Cô là người được giao phó di chúc và chiếc hộp, biểu tượng của một quá khứ gói trọn mà cô chưa muốn mở ra ngắm lại vì cô còn hướng tới tương lai khi rời Tây phố. Nhưng cô cần cái hộp đó, cái quá khứ chỉ thuộc về cô mà thôi đó (thể hiện bằng câu chửi tục) để yên lòng mà lên đường.


      Thời gian dùng viết tác phẩm này có lẽ cũng đánh dấu một mốc lớn trong đời sáng tác và đời sinh hoạt văn nghệ của Viên Linh. Nếu người đọc để ý, Liên này có tên là Nguyễn Phượng Liên. Phượng Liên là một cái tên đã xuất hiện trong bài thơ lục bát "Bài Phượng Liên" (làm khoảng 1958-59). Cách đây khoảng hơn một năm, Viên Linh đã chính thức cho biết - sau khi có một số độc giả từ Sài gòn viết email sang hỏi - đó là bài thơ kỷ niệm sự quen biết qua thư từ của ông với dịch giả Trí Hải lúc ấy còn là Công tằng Tôn nữ Phùng Khánh mà lúc ấy chưa xuất gia đầu Phật. Ở một chỗ khác, người đọc có thể nhận ra "rạp hát Lê Kim Xuyến" cũng là một tên gần khác với "Kim Xuyên" đã xuất hiện nhiều lần trong Hóa thân (Kim Xuyên, Kim Xuyên I và Kim Xuyên II), tập thơ xuất bản vào năm 1964, nghĩa là chỉ non một năm sau khi Viên Linh kết thúc Thị trấn Miền Đông nhưng dĩ nhiên là những bài thơ này đã được viết trước đó:


      - "Anh ta ngửa đầu nhìn lên đỉnh cây. Bông gòn đã bay hay rụng hết. Hàng nhánh cây thưa khẳng khiu giơ ra, một vài cành còn đeo lại một nửa trái vỏ khô cong queo. Trong lúc ấy Hiệp nghe tiếng loa phóng thanh từ trung tâm thị trấn vọng lại. Tiếng loa quảng cáo vở tuồng Khi màu hoa ân tình phai sắc thắm, của Đoàn Thi ca Vũ nhạc kịch Tân Hoa. Hiệp nhướng mắt về vùng ánh điện toả rộng. Vùng ánh sáng huy hoàng rực rỡ. Chàng nhớ khu đó là khu rạp hát Lê Kim Xuyến, ngay đầu phố chính."


      Nhận ra như vậy không có nghĩa là những nhân vật này lại là hiện thân của sáng tác, nghĩa là hiện thân của một câu chuyện không có thật. Nhưng cũng như Liên, Viên Linh đã lên đường sau này rời Miền Nam với một chiếc hộp khóa kín tương tự. Không ai có thể khởi hành mà không mang theo quá khứ của riêng người đó. Thị trấn Miền Đông cũng là một chiếc hộp không có chìa khóa, là một phần khởi hành của Viên Linh từ một cuộc chiến với người Cộng sản, một cuộc chiến đã khởi đi từ thế hệ trước mà ông sẽ không thể đứng ngoài.


      Sau Thị trấn Miền Đông (1963), Viên Linh chính thức đối đầu với người Cộng sản tại Sàigòn với bài "Anh lùn cạnh nhà thờ Đức bà" (Nghệ Thuật số 27 tháng 4. 1966, trang 18-19,32) Nguyên tháng 2.1966 trên tờ Tin Sách của Trung tâm Bút Việt, cơ quan ngôn luận của Văn Bút Việt Nam, Vũ Hạnh, một cán bộ nằm vùng Cộng sản, chỉ trích cuốn tiểu luận nhan đề Tiếp Nối của Trần Thanh Hiệp do Sáng Tạo xuất bản bằng cách phỉ báng thơ tự do, phỉ báng các nhà thơ qua mấy chữ "thơ tự do còn tồn lại là nhờ được nuôi dưỡng bằng lòng tự ái" [của những người làm thơ] với lý luận: "thơ tự do hiện tại là con đẻ của lý trí nhất thời, đã bị lý trí từ khước, và nếu nó còn tồn tại ở mức nào là nhờ nó được nuôi dưỡng ở lòng tự ái nhiều hơn""không có một cái nội dung dân tộc cụ thể, mọi sự đổi mới cũng sớm trở thành trừu tượng mâu thuẫn và xa dần dân tộc."


      Viên Linh là người lên tiếng hiệu quả nhất lúc bấy giờ. Ông dùng hình ảnh anh lùn để chỉ Vũ Hạnh, như một người có khuyết tật, tựa như anh gù Quasimodo của Victor Hugo, sống cạnh nhà thờ là bám víu vào lòng bác ái của các tín đồ ngoan đạo, kiểu cán bộ Vũ Hạnh bám víu vào hai chữ dân tộc để che mắt miền Nam hầu phục vụ mưu đồ của người Cộng sản. Viên Linh, lên tiếng với sự miệt thị công khai không chỉ dành riêng cho Vũ Hạnh mà còn cho Lữ Phương (lúc ấy ẩn nấp ngoài Sài gòn) và các kẻ nằm vùng khác được sự bảo vệ đầy bạo động của người Cộng sản, là đã nhận một sự nguy hiểm cho bản thân nhưng "Anh lùn cạnh nhà thờ Đức Bà" tử đó trở đi hầu như đã biến thành một thứ thành ngữ dành chung cho những kẻ thiếu kiến thức nhưng sính nhân danh bất cứ chủ nghĩa nào một cách ngoan cố:


      - "Ông cũng nhân danh một tư cách gì đó tương tự như tư cách một thứ cán bộ khi ông nói đến văn nghệ dân tộc. Văn nghệ của người Việt Nam là văn nghệ của Dân Tộc Việt Nam. Đặt vấn đề dân tộc trong văn nghệ chỉ là việc làm của những anh ngoài văn nghệ, hay muốn dựa dẫm vào văn nghệ, như anh lùn cạnh nhà thờ Đức Bà dựa dẫm vào lòng bác ái của kẻ ngoan đạo. Anh ta chỉ có thể sống được khi tiếng chuông nhà thờ còn đổ. Anh ta cần người ngoan đạo. Nhưng người ngoan đạo không cần nhìn thấy anh lùn mới biết mình đang đi nhà thờ." (Viên Linh, trang 19, sđd)


      Sau 1975, anh lùn ở lại. Người ta vẫn đi nhà thờ ở bên này hay bên kia đại dương. Chiếc hộp của Viên Linh đã chứa Thị trấn Miền Đông, Hóa Thân sẽ thêm Thủy Mộ Quan, Tạp chí Khởi hành Bộ Mới v.v. rồi còn sẽ tiếp tục được làm đầy thêm nữa.


      Tổng chi, qua chỉ năm nhân vật nữ của chỉ qua sáng tác của năm nhà văn Miền Nam, người đọc đã có thể suy ra được bao điều có thật về chính hoạt động văn nghệ của họ, của Miền Nam và sinh hoạt của người dân cùng tâm tình thời đó. Đó là lý do mà sự nghiên cứu về Văn học Miền Nam nay càng cần thiết đến thế nào.

      Nguyễn Tà Cúc

      Khởi Hành số 211-212 Aug-Sept.2014

      CHÚ THÍCH:


      * Năm nhân vật nữ trong tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn, Bình-nguyên Lộc, Mai Thảo, Mặc Đỗ và Viên Linh vốn là bài diễn thuyết được đọc trong buổi ra mắt cuốn Văn học Miền Nam: Nhóm * Tạp chí văn học * Tác giả nên tôi không kèm số trang trích dẫn của những tác phẩm được đế cập tới. Bài này tuy đã được hoàn chỉnh nhưng tác giả xin giữ lại chi tiết đó đế kỷ niệm buổi ra mắt sách nêu trên.


      1. Phim Sau giờ giới nghiêm với Thanh Nga thủ vai Nhàn.

      Cố nghệ sĩ Thanh Nga (tài liệu của nguyenhuong- hấp://www.conhacvietnam.com/diendan/viewtopic.phơ?f= 59&t=l579&start=0) Phim đen trắng, 90 phút, phóng tác từ truyện cùng tên của nhà văn Mai Thảo với đạo diễn Lê Dân và do Liên Ảnh Công ty (Giám đốc Lưu Trạch Hưng và Quốc Phong) sản xuất được trình chiếu tại 12 rạp lớn, Sài gòn từ ngày 9.5.1972. Trong phim này, Thanh Nga thủ vai Nhàn bên cạnh Đoàn Châu Mậu thủ vai Mẫn, Bích Thuận thủ vai vợ Mẫn... Thái Thanh hát nhạc phim Đường dài một bóng (Nhạc & lời Hoàng Trọng).

      đã phát hành / chủ yếu bán qua bưu điện


      VĂN HỌC MIỀN NAM: Nhóm * Tạp chí văn học * Tác giả

      biên khảo phê bình của NGUYỄN TÀ CÚC


      gồm những công trình nghiên cứu trong nhiều năm được sưu khảo từ nhiều nguồn tài liệu khả tín.


      Nội dung sơ lược:


      * Nhóm văn học: Văn học Miền Nam được biết đến qua nhiều nhóm: nhóm Quan Điểm, nhóm Sáng Tạo... Tại sao người cộng sản chú ý đặc biệt tới các nhà văn Miền Bắc di cư vào Nam?


      * Tạp chí văn học: Nguồn gốc và hình thành của tạp chí Bách Khoa với vai trò thực sự của Lê Ngộ Châu? Đảng Cần lao Nhân vị có ảnh hưởng nào tới tạp chí này chăng?


      * Tác giả:


      - Nhà văn Võ Phiến không hề tin tưởng vào một nền văn học hải ngọai? San định những sai lầm trong bộ phê bình văn học Miền Nam của ông.


      - Phan Khôi phiên dịch Kinh Thánh Tin lành như thế nào? Vị trí của Kinh Thánh trong lịch sử văn chương và cách mạng chống Pháp. Độc giả sẽ được thấy bản chụp nhiều cuốn Kinh Thánh Tin Lành trong quá trình phiên dịch này kể cả cuốn Kinh Thánh Tân ước xuất ban năm 1923 , cuốn Kinh Thánh của chính tác giả và cuốn Kinh Thánh của dịch giả Phan Khôi do thứ nam Phan Nam Sinh gửi sang từ Việt Nam theo lời yêu cầu. Những bản Kinh Thánh này cũng được sử dụng để tác giả phân tích một nghi án văn học thế kỷ XX.


      -văn nghệ sĩ Miền Nam trong tù qua các hồi ký tù đầy của nhà văn Miền Nam sau 75.


      - Nhóm văn nghệ sĩ nào tại Việt Nam vừa xướng xuất danh xưng "Văn học Đô thị Miền Nam"? Phản ứng của hai nhà văn Miền Nam với thứ "bình mới rượu cũ" này.


      Mua gửi qua bưu điện:

      Hoa Kỳ: 25 mk + 4 mk bưu phí có bảo đảm

      Canada: 25 mk + 15 mk bưu phí không bảo đảm

      Âu Á: 25 mk + 20 mk bưu phí không bảo đảm

      Chi phiếu về:

      Nguyễn Tà Cúc, Khởi Hành,

      PO Box 670, Midway City, CA 92655.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Thi Sĩ Cao Tiêu Lên Tiên Nguyễn Tà Cúc Nhận định

      - Kỷ niệm 20 năm tạp chí Khởi Hành có mặt tại Hải ngoại Nguyễn Tà Cúc Giới thiệu

      - "Chúng ta đi mang theo Văn học Miền Nam": Trường hợp tạp chí Khởi Hành Bộ Mới... Nguyễn Tà Cúc Nhận định

      - Những con chí mén, vài nhân vật nữ và Sisyphe của Nguyễn Xuân Hoàng Nguyễn Tà Cúc Nhận định

      - Diễn Thuyết Về Các Nhân Vật Nữ và Ra Mắt Cuốn Sách Đầu Tay của Nguyễn Tà Cúc Nguyễn Tà Cúc Diễn thuyết

      - Qua Trận Gió Kinh Thiên Nguyễn Tà Cúc Phỏng vấn

      - Phần Thư, Sát Sư: Chính Sách Tiêu Diệt Người Dạy Học Nguyễn Tà Cúc Nhận định

      - Đọc một số Tuyển tập Văn chương Nữ Việt Nam sau 1975 Nguyễn Tà Cúc Khảo luận

      - Giấc Mơ Không Dứt Đó Của Thần Linh Nguyễn Tà Cúc Phỏng vấn

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)