1. Head_

    Hiếu Đệ

    (1.8.1935 - 16.4.2009)

    Hoàng Hương Trang

    (..1938 - 16.4.2020)

    Nguyễn Bạt Tụy

    (..1920 - 16.4.1995)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ: Phần I (Bùi Vĩnh Phúc) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      7-4-2025 | VĂN HỌC

      Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ: Phần I

        BÙI VĨNH PHÚC
      Share File.php Share File
          

       

      Mấy Suy Nghĩ Thơ

      Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ: Phần II


      Hai bài trên liên quan, gắn bó với nhau, như hai bên của một khuôn mặt. Bài đầu cũng có chút lý luận, nhưng mang nhiều nét thơ. Bài sau, “Về Vấn đề Ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ", cũng có chất thơ, nhưng mang nhiều nét khoa học về ngôn ngữ và lý luận hơn.

      Hai bài sẽ bổ túc cho nhau với nỗ lực đưa ra một cái nhìn chung về ngôn ngữ (thơ) và sự sáng tạo trong thơ ca và văn chương, nói chung. (Bùi Vĩnh Phúc)


      *

      Rust and Blue (Mark Rothko, 1953)

      Trên tập san văn học nghệ thuật biên khảo Hợp Lưu, số 13, tháng 10 & 11 năm 1993, tôi có cho phổ biến bài Mấy Suy Nghĩ Thơ (mà tôi vừa xem lại & nhuận sắc/bổ sung ở một vài chỗ), qua đó, tôi bàn về một số yếu tính của thơ cũng như đưa ra một vài suy nghĩ về nghệ thuật thơ nói chung. Đặc biệt, khi bàn về những nét sáng tạo trong thơ của một số tác giả, xưa cũng như nay, tôi có nhắc đến câu thơ “[Sắc đâu nhuộm ố quan hà] Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương” của Tản Đà. Trong cái nhìn thi pháp và phong cách học, tôi có đưa ra một vài suy nghĩ về câu thơ trên. Đi vào cấu trúc ngữ pháp (một phần của thi pháp và phong cách học), tôi cho rằng Tản Đà đã làm mới câu thơ và, cùng lúc, làm mới cái nhìn của người thưởng ngoạn thơ trong phong cách dùng từ của mình.


      Bài viết ấy có một số tiếng vang.


      Mấy tháng sau số báo ấy, tòa soạn Hợp Lưu có nhận được một bài đóng góp khá kỹ về vấn đề câu thơ của Tản Đà và về những lập luận của tôi. Bài viết của một thức giả, một nhà văn/một nhà phê bình. Trong tinh thần làm việc nghiêm túc, tòa soạn Hợp Lưu đã trao cho tôi một phóng ảnh bản thảo viết tay của bài viết ấy (lúc này computer và internet chưa thật sự phổ biến) để tôi suy nghĩ và trả lời. Và để HL đăng cả hai bài trên cùng một số báo (vì báo cứ hai tháng mới ra một số). Bài đóng góp của vị độc giả đưa ra một số nhận xét và suy nghĩ lý thú. Và tôi đã gửi bài trả lời của mình cho HL. Tuy nhiên, chỉ tiếc là, sau đó, vì một vài lý do đặc biệt, cả bài đóng góp của vị thức giả lẫn bài phúc đáp của tôi đều không có cơ hội phổ biến.


      Nhận thấy bài đóng góp vừa nói có những điểm lý thú và hữu ích, có thể làm căn bản cho một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và tích cực về mặt văn học, tôi xin tóm lược những nhận xét, những luận điểm và những đóng góp của tác giả bài viết trong phần dưới đây để, từ đó, trình bày một số những suy nghĩ và trao đổi về những điều đã được bài viết nêu lên.


      Ngoài ra, từ những ý kiến trong bài góp ý, tôi thấy nảy sinh ra nhiều điều thật đẹp và thật đáng bàn về ngôn ngữ. Và sự thảo luận của tôi, mặc dù vẫn bám sát những câu hỏi được đặt ra cho tôi liên hệ đến quan điểm mà tôi đã trình bày trong bài Mấy Suy Nghĩ Thơ, sẽ còn được mở rộng ra để bàn thêm về một số khía cạnh lý thú và đáng chú ý của ngôn ngữ.


      Trong cái nhìn của tôi, những vấn đề được thảo luận trong bài viết dưới đây có liên hệ đến ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ văn học nói riêng, từ đó, phong cách văn học và sự sáng tạo trong văn chương của các nhà văn, nhà thơ.


      Bài viết của vị thức giả đóng góp với tôi đã tạo được những tiền đề tốt cho phần trình bày của tôi trong bài thảo luận này. [ Bài thảo luận này của tôi đã được in trong sách Lý luận và phê bình / Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước, 1975-1995 (Bùi Vĩnh Phúc. California, Văn Nghệ, 1996) cùng với bài Mấy Suy Nghĩ Thơ của tôi. ] Phần thảo luận/trình bày dưới đây là nguyên văn bài viết ấy, vừa được nhuận sắc và bổ sung thêm một vài chi tiết. Cả bài viết gốc, đăng trong sách vừa nói, và bài mới nhuận sắc đều chưa được phổ biến trên các báo chí hay các diễn đàn mạng.


      Tôi mong là vấn đề được trình bày và thảo luận trong bài sẽ được coi là một nỗ lực nhỏ trong việc tìm hiểu, soi chiếu thêm về một số khía cạnh của ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ văn học, cũng như một vài tìm hiểu/gợi ý về phong cách và các sáng tác văn học của người Việt. Xin, một lần nữa, được trân trọng cám ơn vị độc giả về những suy nghĩ và nhận xét lý thú và đáng quan tâm qua bài đóng góp, chia sẻ của mình.


      BVP (III, 2025)

      Trong bài viết của mình, tác giả bài đóng góp đã đưa ra một số luận điểm để đặt vấn đề về những quan điểm mà tôi đã dùng để nhìn và phân tích câu thơ của Tản Đà. Có thể tóm gọn, nhưng vẫn đủ ý, những luận điểm ấy như sau:


      1. Về vấn đề khu biệt từ loại: Vị độc giả cho rằng, ngày xưa, trong tiếng ta, các cụ không khu biệt từ loại, chỉ có một khái niệm chung chung về thực từ, hư từ; chỉ đến khi tiếp xúc với phương Tây, từ đầu thế kỷ XX, ta mới phân chia một cách mô phỏng theo văn phạm Tây phương, không có căn bản gì. Nhưng từ non nửa thế kỷ nay, từ loại đã được khu biệt rõ nét với Lê Văn Lý (1948, Le Parler Vietnamien), F. Martini (1950, L'opposition nom et verbe Vietnamien), và gần đây với Nguyễn Tài Cẩn (1975, Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại—chung với một số tác giả khác). [Thật ra, cuốn này hoàn toàn chỉ do NTC viết. BVP chú]. Ông ghi nhận vắn gọn thêm: Lê Văn Lý đưa ra bảng so sánh, đối lập từ loại gồm 9 điểm; Martini thì đề xuất 7 tiêu chuẩn; Nguyễn Tài Cẩn nêu lên 3 đặc điểm của danh từ.


      2. Theo quan điểm của ông, dù được dùng trong câu thơ của Tản Đà hay là dùng ở ngoài, bóng tàtà dương là hai danh từ kép. Một thuần Việt và một Hán Việt. Ông coi bóng tàtà dương đồng nghĩa với nhau, mặc dù chúng có những âm vang về ý nghĩa khá khác nhau do cấu trúc thuần Việt và Hán Việt của chúng. Trong hướng nhìn này, ông cũng coi bóng tà dương là một danh từ. Ông đưa thí dụ tên một quyển truyện của nhà văn Lê Minh, Bóng Tà Dương, in năm 1944 tại Hà Nội.


      3. Theo ông, bóng dương là một từ chứ không phải là một cụm từ; bởi thế, ta không thể tách bóngdương ra để phân tích riêng. Ông dẫn Chinh Phụ Ngâm:


      Hướng dương lòng thiếp dường hoa

      Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương

      Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái

      Hoa để vàng cũng tại bóng dương.


      Ông cho rằng từ bóng dương luyến láy trong bốn câu thơ trên là dịch chữ lưu quang, cũng được lập đi lập lại ba lần trong nguyên bản chữ Hán của Đặng Trần Côn. Ông coi bóng dương là danh từ, làm chủ từ hay vị từ gián tiếp trong bốn câu thơ trên.


      Theo ông, khi ta nói bóng dương thì đây là một từ cố định, một thứ thành ngữ văn học. Người ta thỉnh thoảng thấy nó trong Chinh Phụ Ngâm (4 nơi) hay Cung Oán Ngâm Khúc (2 lần, ẩn dụ hình ảnh vua). Bóng dương không thể coi là một cụm từ, cũng giống như Nguyễn Kim Thản đã khu biệt: trả lời là một từ; còn trả nợ là một cụm từ. Hoặc như Hồ Lê phân biệt: sân rộng là một cụm từ tự do; còn sân bay là một từ cố định.


      Ông đưa thêm các từ cố định nữa như nhà đất, nhà thương điên, nhà thổ, mặt trời. Ông cho rằng bóng dương, bóng đá, bóng tròn được sử dụng theo một quy cách như nhau. Ông lý luận, người ta không nói bóng rất dương, bóng một dương, bóng ba đá...


      4. Trong hướng lý luận coi tà dương là một từ, ông không chấp nhận việc tách ra khỏi dương. Tuy nhiên, dẫn Hồ Lê (1976, Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại), ông cho rằng, ở những nơi khác, cũng có nghĩa khi nó được coi như một “nguyên vị tiềm tàng” gốc Hán dùng để kết hợp thành từ Hán Việt. Ông dẫn chữ theo nghĩa là ác, xấu như trong tà đạo, tà thuyết, tà dâm. Ông cho rằng chữ tà tà Việt hóa ngày nay có một ý nghĩa và âm vang khác. Ông dẫn Trịnh Công Sơn: Và như thế tôi cứ say dài dài, và như thế tôi cứ say tà tà.


      5. Tác giả cho rằng câu Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương phải được ngắt ra làm bốn khúc, theo nhịp 2/ 2/ 2/ 2. Ông cho rằng hơi thở và hơi thơ phải ngưng lại sau chữ bóng tà. Ông bảo, “quy luật thơ lục bát không cho phép có một biệt lệ nào khác.” Do đó, phải tách lìa hai chữ tà tà, vì chúng khác nhau về mặt ngữ âm ( trước dài hơn sau), và về mặt ngữ nghĩa ( trước là cấu trúc tiếng Việt, mô tả ánh nắng chiều cụ thể; sau là cấu trúc Hán Việt, tạo một không khí mông lung như một cảm từ.)


      6. Bác bỏ hướng phân tích của tôi trên mặt lý thuyết ngôn ngữ, liên hệ đến vấn đề sáng tạo trong văn chương, ông cho rằng dương không thể là tính từ trong cụm bóng tà tà dương (trong câu thơ Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương). Ông đưa câu thơ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh để lập luận: những hệ từ thua, kém (hay bằng, rất...) xác định những chữ xanh, thắm là tính từ. Từ dương không dùng kèm được như vậy thì không là tính từ. Cũng trong hướng phân tích ấy, ông cho rằng người ta có thể dùng những hư từ cầu khiến hãy, đừng, chớ với những chữ hờnghen; vậy hờnghen là động từ. Những hư từ kể trên không thể dùng kèm với hoaliễu, vì hoaliễu là danh từ.


      7. Về sự hoán chuyển từ loại của từ, tác giả bài góp ý, giống như trong hướng trình bày của tôi về thao tác đặc biệt của từ loại, đã đóng góp thêm được nhiều thí dụ lý thú. Chẳng hạn:


             Trăng rất trăng là trăng của tình duyên.


      Ông cho rằng, Trăng là danh từ, nhưng với phụ tố rất, Xuân Diệu dùng nó như tính từ.


              Đã sương, đã khói, đã vài mấy năm (Hoa Tiên)


      Sương, khói dùng như tính từ.


              Ảo tưởng nghiêng vầng trán khói sương.


              (...) Chưa khuất đầu non đã cố nhân.


              (...) Em đến thăm tôi nắng đã chiều.


              (...) Tình cũng quan san từ đáy mắt. (Đinh Hùng)


      Trong bài viết của mình, tôi trích Hàn Mặc Tử:


              Mau rất mau trong hương hoa kiều mỵ

              Mùa rất trai và ánh sáng rất cao


      Tôi cho rằng trong hai câu thơ trên, với phong cách sáng tạo của mình, nhà thơ đã biến trai (trong Mùa rất trai) đang từ danh từ thành ra tính từ. Tác giả bài góp ý cho rằng, thật ra, về mặt từ loại, chữ trai không được khu biệt. Nó sẽ là danh từ khi ta nói: Vương viên ngoại có một trai, hai gái; nó là tính từ khi ta nói: Viên ngoại có ba người con, một người con trai và... Trong câu sau này, từ trai là tính từ bổ nghĩa cho danh từ người con (mà ta không nên nhầm với chữ con, loại từ, trong con mèo, con sông). Ông cho rằng câu thơ của Hàn Mặc Tử chỉ là một lối từ hoa: trai là một tính từ vì có chữ rất, nhằm nhân cách hóa chữ mùa ẩn dụ thời gian.


      Bảy điểm trên là tóm gọn, và đủ, những luận điểm và trao đổi mà tác giả bài góp ý đưa ra. Nội dung của những luận điểm này, xét trên mặt ngôn ngữ, rất đáng chú ý. Nó đặt ra những câu hỏi và những vấn đề mà chúng ta nên thảo luận. Ngôn ngữ là chất liệu để con người xây dựng những công trình suy tư của mình; đặc biệt, đối với những người làm văn chương, ngôn ngữ tạo nên phong cách của mỗi một chúng ta. Trong suy nghĩ ấy, dưới đây, tôi sẽ đưa ra những suy nghĩ và luận điểm của tôi về những vấn đề đã được bài viết của vị thức giả đặt ra, trong tinh thần tôn trọng và trao đổi. Tôi hy vọng những trình bày dưới đây sẽ góp phần làm sáng rõ một vài quan niệm mà tôi có trên những khía cạnh ngôn ngữ, ngữ pháp, văn chương, và những sáng tạo văn chương.


      BVP


      1.


      Về vấn đề khu biệt từ loại: Theo sự hiểu biết của tôi, tôi không nghĩ rằng ngày xưa, các cụ ta đã không khu biệt chúng, mà chỉ có một khái niệm chung chung về thực từ và hư từ. Tôi cũng không nghĩ rằng chỉ từ đầu thế kỷ XX, ta mới chia một cách mô phỏng theo văn phạm Tây phương và, thực chất, chẳng có căn bản gì. Tôi công nhận là những đóng góp của các nhà ngôn ngữ như Lê Văn Lý, F. Martini, và Nguyễn Tài Cẩn đã giúp cho sự khu biệt ấy càng ngày càng rõ rệt hơn. Nhưng, tôi chỉ muốn nói là, theo chỗ tôi được biết, ngữ pháp tiếng Việt đã được xác lập trên một căn bản có hệ thống từ khoảng hai thế kỷ trước đó. Vào giữa thế kỷ XVII, giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã soạn một cuốn sách về ngữ pháp tiếng Việt, Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis Declaratio (Khái Luận về Tiếng An-nam hay Tiếng Đàng Ngoài) mà Thanh Lãng, trong Biểu Nhất Lãm Văn Học Cận Đại (Tự Do, Sàigòn, 1958, trang 23) viết: “Chính phần này được tục gọi là cuốn văn phạm Việt Nam đầu tiên.” Đỗ Quang Chính, trong Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (Ra Khơi, Sàigòn, 1972, trang 85) cũng viết: “Đây là cuốn ngữ pháp Việt Nam, nhưng soạn bằng La ngữ”.


      Trong sách này, ngữ pháp tiếng Việt 1651 hoàn toàn theo ngữ pháp La-tinh, cũng khu biệt từ loại, trong đó có bốn từ loại chuyển biến là danh từ, tính từ, đại từ và động từ, và bốn từ loại bất biến là phó từ, giới từ, liên từ và thán từ [1] . Sách này đã được dùng để hướng dẫn các cụ ta ngày xưa học về chữ quốc ngữ.


      2.


      Tác giả bài góp ý cho rằng bóng tàtà dương là hai danh từ kép, một thuần Việt, một Hán Việt. Tôi nghĩ, tà dương là một danh từ kép thì tương đối có thể chấp nhận (dù sao, tôi sẽ nói thêm về danh từ này); còn bóng tà, hoặc bóng tà dương, hoặc bóng dương, thì không hẳn như thế.


      Chúng ta thường dễ dãi cho rằng những cụm này là những danh từ (có những lúc, để giản dị hóa vấn đề, tôi cũng đã tạm chấp nhận như thế). Nhưng thật ra, trong thực chất, những ngữ tuyến ấy không phải là những danh từ.


      Ta sẽ dần dần phân tích những vấn đề ấy ở đây.


      Trước hết, nói về tà dương. Bây giờ, tạm thời, ta coi nó là một danh từ kép. Các tự điển Hán Việt cũng chấp nhận như thế. Nhưng, theo tôi, xét về mặt ngữ nguyên, dương là một từ độc lập. Về trường hợp từ tà dương được sử dụng như một danh từ kép, trong nhãn tuyến ngữ học lịch sử (historical linguistics), tôi nghĩ, lúc đầu, dương là một danh từ, là tính từ. Trong một số trường hợp để diễn ý mặt trời xế bóng, người Trung Hoa xưa kết hợp dương lại với nhau. Có thể lúc đầu, tà dương đã được dùng như một danh ngữ (một cụm từ, một ngữ tuyến, kết hợp bởi danh từ dương và tính từ ). Về sau, dùng mãi, cụm từ ấy trở nên quen thuộc trong lối nói và viết của quần chúng và của những người trước tác. Nó trở thành một cách dùng thường xuyên, và từ đó, được coi là một danh từ kép.


      Bóng tà không có nghĩa (thật đúng) là tà dương như cách người góp ý nghĩ. Bởi người ta không luôn luôn chỉ nói bóng tà để chỉ tà dương; người ta còn nói bóng tà dương. Vậy, thật sự, theo lối nói của ngữ pháp Việt, bóng tà dương mới có cùng nghĩa với tà dương (không có mạo từ); còn bóng tà thì chỉ có nghĩa là cái bóng xiên, chếch mà thôi. Sở dĩ bóng tà thường hay được hiểu (ngầm) là mặt trời chếch bóng (tà dương) vì người ta hay tả cảnh mặt trời chếch bóng. Thật sự, người ta cũng có thể nói, theo ngữ pháp Việt, bóng nguyệt tàbóng dương tà (Thí dụ, bài hát Tình Cố Đô của Lam Phương & Mạnh Thường, có những câu “Rừng trùng trùng bao la, đường bao xa dưới ánh (bóng) dương tà. Này là dòng sông sâu, nguồn nước đổ biết đâu chăng là. Hôm nay đây bơ vơ vì nghiệp nước thương quê nhà. Hà Nội ơi nhớ nhé, ngày hồi hương ta vẫn mong chờ...”); và như thế, cái bóng ở đây (nếu bóng được dùng như một danh từ) có thể là bóng trăng hay bóng mặt trời.


      Bóng nguyệt tà hay bóng dương tà, như thế, là những cụm từ, những danh ngữ (noun phrase), chứ không phải là danh từ (Bóng: mạo từ, bổ nghĩa cho dương; dương: danh từ; : tính từ, bổ nghĩa cho dương). Bóng dương tàbóng tà dương, cả hai đều được dùng theo kết cấu của ngữ pháp Việt (bóng+dương+tà; bóng+tà dương), và cả bóng tà (bóng+tà) cũng thế, đều là những danh ngữ.


      So sánh: Trong phân tích ngữ pháp, cái bát không phải là một danh từ. Bát là danh từ; còn cái là loại từ (có khi được xem là phó danh từ), bổ nghĩa cho bát. (Bát đứng một mình đã đủ nghĩa rồi, không nhất thiết phải luôn luôn đi với cái. Người ta có thể nói, Ăn một bát, ăn hai bát, chứ không cần, hoặc đúng hơn, không được nói, *Ăn một cái bát, ăn hai cái bát (!!); hoặc, người ta hát, “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp...”). Cái bát (cũng như cái nhà, con chó, con mèo...), như thế, trong phân tích ngữ pháp, là một danh ngữ, là một cụm từ, một ngữ tuyến. (Nhà, chó, mèo... có thể đứng một mình làm chủ từ, không cần có một mạo từ đặt trước nó). Ngữ tuyến ấy là tổ hợp của hai đơn vị từ khác biệt, với hai yếu tố mang ý nghĩa nhỏ nhất, không thể phân tích ra được nữa, xét trên căn bản hình thái học (morphology). Mỗi đơn vị từ này là một âm hiệu, mang một ý nghĩa riêng biệt, và có một phận sự ngữ pháp nhất định.


      Nếu cho tà dương là một từ, thì bóng tà dương, với bóng là mạo từ, cũng có kết cấu giống như kết cấu của cái bát. Nó là một danh ngữ. Còn bóng tà, cũng là một danh ngữ, nhưng, ở đây, sự kết cấu khác hẳn: bóng là danh từ, là tính từ. Danh ngữ này được tạo nên bởi một danh từ và một tính từ; khác với kết cấu của cái bátbóng tà dương (một mạo từ + một danh từ). Bóng tà, như thế, không phải là một danh từ kép.


      Ngoài ra, nếu ngắt câu thơ của Tản Đà ra như người viết bài đề nghị: Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà—tà dương (và nếu cứ tạm thời cho bóng tà là một danh từ kép như người viết bài góp ý đã làm), chưa nói đến chuyện rắc rối là đã có bóng tà rồi lại còn thêm tà dương, ba thành phần cỏ vàng, cây đỏbóng tà này không có được sự cân bằng cần thiết mà nó đáng lẽ phải có (căn cứ trên yếu tố thẩm mỹ của câu thơ). Chỉ bởi một lẽ giản dị là: cỏ vàngcây đỏ không thể xem là những danh từ kép được. Chúng là những kết hợp danh ngữ. Vàngđỏ có thể được thay thế bởi những tính từ chỉ màu sắc khác để kết hợp với cỏcây. Bỏ tà dương ra ngoài, Tản Đà còn ba thành phần cỏ vàng, cây đỏbóng tà. Hai phần đầu là cỏ vàngcây đỏ đã là những kết hợp song song, hai danh ngữ hoặc hai mệnh đề, như tôi đã thử phân tích (danh ngữ: cỏ+vàng, cây+đỏ / mệnh đề: cỏ (thì) vàng, cây (thì) đỏ); nếu xem bóng tà là danh từ kép thì sự thăng bằng của câu thơ sẽ bị gẫy đổ.


      Bóng tà dương, tên quyển truyện của Lê Minh, trong nhãn tuyến ngữ pháp học, cũng là một ngữ tuyến. Ở đây, nó là một danh ngữ. Tà dương có thể đứng một mình được mà vẫn có nghĩa. Bóng, như thế, là mạo từ. Hoặc, bóng, tự nó, trên mặt ngôn ngữ, đã có nghĩa rồi. Người ta có thể thêm từ tà dương vào để xác định bóng ấy là bóng gì. Trong trường hợp này, bóng sẽ là danh từ; còn tà dương là một danh từ được dùng như tính từ, để bổ nghĩa cho bóng. Nhiều tên truyện, tên phim, tên bài hát... vẫn thường được đặt với một ngữ tuyến như thế.


      Còn bóng tà tà dương? Vì ta phải tìm cách xác định ý nghĩa của hai chữ , nên ta đụng phải vấn đề mà ta đang thảo luận và tìm cách tháo gỡ. Bóng tà tà dương, trong cái nhìn của tôi trên mặt ngữ pháp để thử lý giải câu thơ của Tản Đà—một câu thơ mà tôi nghĩ là có thể có nét sáng tạo đặc biệt—từ bài Mấy Suy Nghĩ Thơ, tôi đã nghĩ là nó không thể là một kết hợp của hai danh từ kép bóng tàtà dương. Nó phải là một mệnh đề với hệ từ thì hiểu ngầm (mà trong tiếng Việt là không cần thiết): Bóng (thì) tà tà dương. Dương, ở đây, dùng một cách sáng tạo như một tính từ, là vấn đề mà tôi sẽ bàn thêm ở một phần dưới khi nói về tính cách “lệch chuẩn”, tính cách “đi ra ngoài cái bình thường”, tính cách “phá vỡ” trong tiến trình sáng tạo của nhà văn, nhà thơ.


      The Gray Tree (Piet Mondrian, 1911)

      3.


      Như đã nói, tôi coi bóng dương là một cụm từ chứ không phải là một từ. Nó là một cụm được tổ chức theo cấu trúc hướng tâm (chính phụ), như các soạn giả của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Thông tin Khoa học Xã hội) cũng đã làm với cụm hoa mai. Theo các nhà ngôn ngữ này, đồng ý và hoàn toàn chia sẻ với L. Bloomfield, họ cho rằng hoa mai là một cụm chứ không phải là một từ. [2]


      Mặc dù trong một vài trường hợp đặc biệt, bóng dương được dùng như một từ cố định, ẩn dụ hình ảnh vua, đúng như người góp ý đã nói, nó không luôn luôn được dùng như vậy. Hay nói cho rõ hơn, sự dùng bóng dương như một từ cố định chiếm một tần số rất thấp. Có bóng dương, nhưng người ta cũng có bóng nguyệt, bóng câu, bóng hồng, bóng ô... Như trong câu thơ Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối (trong bài “Thức khuya”, hay “Đêm không ngủ” của Hàn Mặc Tử). Dĩ nhiên, ở đây, tôi chỉ giới hạn đưa ra một vài kết hợp khó, trong đó, bóng đi với một từ Hán Việt, đặc biệt là từ đơn. Còn nếu mở rộng hơn, cho bóng kết hợp cả với những từ kép HV, hay cả với những từ (đơn và kép) thuần Việt, thì chúng ta sẽ có vô số.


      Bỏ ra ngoài vấn đề bản dịch Chinh Phụ Ngâm rất hay của Phan Huy Ích (hoặc Đoàn Thị Điểm?) đã làm cho chúng ta hãnh diện về khả tính và mỹ tính của tiếng Việt, chúng ta, ai cũng biết, khi dịch một đoạn văn, một đoạn thơ, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, không hẳn là lúc nào ta cũng tìm được một từ thật chính xác và song song về mặt từ loại để dịch một từ trong nguyên tác. Nhiều khi, để dịch một từ, ta phải dùng cả một ngữ (một cụm từ), hay ngược lại. Ở đây cũng vậy, lưu quang là một danh từ kép; nhưng như thế không có nghĩa bóng dương phải là một danh từ kép. Hơn nữa, theo tôi, cụm bóng dương cũng chưa diễn được hết ý thật đẹp của từ kép lưu quang. Mặc dù là bóng dương có diễn được một phần ý của lưu quang, nó đâu đã diễn được hết ý. Như thế, còn nói gì nữa đến chuyện song song về từ loại. (Ngoài ra, sở dĩ lưu quang được dịch thoát sang tiếng Việt thành bóng dương là vì, trong câu dịch đầu tiên, dịch giả đã cho chữ vào để xác định tính chất của bóng dương lúc ấy. Sau khi bóng dương đã được xác định như thế ngay từ đầu rồi, bấy giờ, dịch giả mới yên chí sử dụng nó thêm hai lần nữa, tin tưởng rằng từ và những dấu ấn của nó đã được ghi lại trong trí não, trong tưởng tượng của người đọc. Ta hãy cùng xem lại những câu dịch ấy:

      Hướng dương lòng thiếp dường hoa

      Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương

      Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái

      Hoa để vàng cũng tại bóng dương. )

      Một điều nữa mà ta cũng nên để ý là: có rất nhiều trường hợp giữa những từ Hán Việt và thuần Việt, có những lúc chúng được dịch rất sát mà, về mặt cấu trúc ngữ pháp, không hẳn cả hai đều phải giống nhau. Tôi sẽ bàn về điều này ở một phần dưới trong mấy câu thơ Đường của Nguyễn Du.


      Để lặp lại, trong một vài trường hợp, bóng dương có thể được xem là một danh từ kép. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, nó là một cụm từ, một danh ngữ, chứ không phải là một danh từ kép. Nó là một ngữ tuyến, bao gồm một ý nghĩa vị (sémantème), dương, và một ngữ vị (một từ ngữ diễn tả những tương quan giữa những ý nghĩa vị), bóng. [3]


      Ngoài việc bóng dương ẩn dụ vua, trong ít trường hợp đặc biệt, được dùng như một thành ngữ văn học, một từ kép cố định, bóng (trong bóng dương) có thể dùng với những danh từ đơn Hán Việt khác như đã nói (bóng nguyệt, bóng câu, bóng hồng, bóng ô...). Cụm bóng dương cũng còn có thể có những ý nghĩa khác nhau khi ta dùng nó trong những ngữ cảnh khác nhau. Chẳng hạn khi nói, “Bóng dương để những vệt lốm đốm trên sân”, có lẽ ta nên hiểu bóng dương ở đây là cái bóng nắng, cái ánh nắng của mặt trời. Còn khi nói, “Bóng dương đỏ ối đã khuất sau quả núi màu xanh lục”, ta nên hiểu bóng dương ở đây là mặt trời.


      Bóng dương, hay bóng nguyệt, nếu được dùng để chỉ mặt trời hay mặt trăng, thì một mình từ dương hay nguyệt đã chở được ý đó rồi, bóng chỉ là một loại từ thêm vào. Bởi thế, trong cách nhìn của ngôn ngữ học hiện đại, nó là một cụm từ (Như trong cụm a student, từ student đã đủ diễn cái nghĩa chính yếu của cụm ấy rồi. Loại từ/Mạo từ a chỉ giữ một vai trò xác định chức năng ngữ pháp của student, đồng thời giới hạn nghĩa của từ này ở một diện nào đó.) Nếu chủ ý của người viết (hay nói) muốn diễn tả ý cái bóng của mặt trời, mặt trăng..., thì bóng sẽ là chủ từ, dương chỉ là bổ từ hay còn gọi là định từ (tùy cách gọi của những trường phái ngôn ngữ khác nhau), bổ nghĩa cho bóng. Bóng gì? Bóng dương (bóng của mặt trời), không phải bóng nguyệt. Còn như nếu chúng ta chấp nhận để những từ kết hợp với bóng ở một dạng tự do hơn, thì, ngoài những từ đơn Hán Việt như ta đã thử kể (bóng hồng, bóng câu, bóng nguyệt, bóng ô...), ta có thể cho bóng kết hợp với những từ kép: bóng thời gian, bóng quá khứ, bóng hoàng hôn, bóng (ma) ảo ảnh... Mở rộng nữa, kết hợp với từ thuần Việt, ta có thể có bóng cây, bóng lá, bóng mây, bóng mặt trời, bóng nụ cười em (The shadow of your smile, tên một bài hát, một chiếc bóng mát của cuộc tình đầu!), bóng nhỏ giáo đường...


      Ngoài ra, bóng dương còn được sử dụng trong phạm vi số lô đề, trong đó người ta dùng phương pháp “âm dương ngũ hành trong lô đề” để cho ra các con số thuộc về bóng âm (1-4, 2-9, 3-6, 5-8, 0-7) hay bóng dương (1-6, 2-7, 3-8, 4-9, 5-0). Mở rộng ra (nhưng không nhất thiết liên quan, gắn bó về mặt ý nghĩa của bóng dương trong bài), cụm bóng dương cũng còn được dùng trong lĩnh vực sản phẩm về bóng đèn LED của Hàn Quốc, như được phổ biến và quảng cáo trên báo chí. Bóng dương được dùng để đối chiếu với bóng lá, bóng đỏ, bóng trắng, v.v., của loại sản phẩm này. Dương, ở đây, được hiểu là màu xanh dương (của bóng đèn); cũng như được hiểu là màu xanh lá cây. Tôi sẽ trình bày thêm về ý nghĩa của dương, liên hệ đến màu sắc, ở một đoạn dưới.


      Nhưng trong tiếng Việt, thường thường (nhưng không phải luôn luôn), hai từ bóngdương hay đi chung với nhau để chỉ cái nghĩa của từ dương. Dù sao, nói như thế không có nghĩa là dương không thể đứng một mình làm chủ từ được (không nhất thiết là dương phải luôn luôn đi với bóng để làm thành một từ kép cố định trong một số trường hợp, hoặc để tạo một kết hợp danh ngữ). Người ta có thể nói, “Dương tà nguyệt lặn, rồi nguyệt lặn dương tà. Thời gian đi như bóng câu qua cửa sổ!lặn, trong câu này sẽ là hai động từ ( ở đây được dùng với một thang độ Việt hóa rất cao). Dươngnguyệt, là những từ Hán Việt, sẽ đứng độc lập một mình để làm chủ từ. Chính vì dương có thể đứng một mình làm chủ từ như thế, nó không nhất thiết phải đi với bóng. Khi kết hợp với bóng để thành bóng dương, nó chỉ là thành phần của một cụm. Bóng dương là một cụm từ, một ngữ đoạn, một ngữ tuyến.


      Sự khu biệt của Nguyễn Kim Thản (coi trả lời là một từ, còn trả nợ là một cụm), cũng như của Hồ Lê (coi sân rộng là một cụm và sân bay là một từ) rất đúng. Nhưng, như chúng ta đã phân tích về cấu trúc của bóng dương, các từ trả lờisân bay không thể đem so sánh với bóng dương được, vì kết cấu ngữ pháp của chúng so với bóng dương khác hẳn nhau. Nếu muốn so sánh, tôi nghĩ ta có thể so sánh (mặc dù tôi vẫn thấy chưa hoàn toàn sát) trả lời, và đặc biệt, sân bay, với dế mèn, dế lửa, dế than, dế cơm, dế ốc tiêu... ( hay với tàu chiến, tàu ngầm, tàu tuần dương.../chiến hạm, tiềm thủy đĩnh, tuần dương hạm...), và so sánh trả nợ, sân rộng với dế trống, dế mái (hay tàu cũ, tàu mới, tàu gỗ, tàu sắt...). Sự so sánh ấy, tôi nghĩ, tương đối hợp lý hơn. Cũng thế, những từ nhà đất, nhà thổ, nhà thương điên, mặt trời, bóng đá, bóng tròn không thể so sánh với kết cấu bóng dương. Chúng ta nên lưu ý là dương có thể đứng một mình được, và nó vẫn chuyên chở được cái ý của cả cụm. Những từ vừa liệt kê không có khả năng ấy. [4]


      4.


      Tác giả bài góp ý không chấp nhận việc tách dương ra khỏi . Tôi đã nói về trường hợp của từ tà dương rồi. Nhưng thật sự, trong bài viết của mình, tôi không có ý muốn tách dương ra khỏi . Nhưng tôi muốn tách tà tà ra khỏi dương, và tách bóng ra khỏi tà tà. Bóng trở thành chủ từ. Và dương trở thành tính từ, đứng làm bổ định từ (complement) trong một vị ngữ có hệ từ thì hiểu ngầm. Cái cần bàn vẫn là cách sử dụng một cách sáng tạo từ dương.


      Tôi xin trở lại với tính chất sáng tạo và sự chơi chữ trong văn chương.


      Hàn Mặc Tử viết, “Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng / Ngồi lên để thả cái hồn thơ”. Cái hồn thơ, nghe rất thơ mộng và tội nghiệp! Từ cái dùng rất đắc. Cái hồn thơ. Như một cánh diều. Như một vì sao được thả vào hoang mang, cô đơn, giữa thiên địa. Nguyễn Bính viết, “Hoa chanh nở giữa vườn chanh / Thầy u mình với chúng mình chân quê / Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều!” Chân quê! Người ta nói chân thực, chân chất, chân thành, v.v., và gốc quê, dân quê, đồng quê, v.v.. Nguyễn Bính nói chân quê, một từ Hán Việt vui vẻ bên một từ thuần Việt. Và chân quê trở nên nổi tiếng. Trịnh Công Sơn hát, “Có nắng vàng nghèo trên lối đi xa / Có tối thật đều trong linh hồn nhỏ / Có mắt thật chiều dưới trán ngây thơ.” Thật chiều, lối dùng này không đi theo những quy luật ngữ pháp, nhưng thực hay. Ông còn đi xa hơn trong bài “Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng”:

      (…) Tôi là ai mà còn khi giấu lệ?

      Tôi là ai mà còn trần gian thế?

      Tôi là ai, là ai, mà yêu quá đời này?

      Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng

      Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng

      Đừng tuyệt vọng, em ơi, đừng tuyệt vọng

      Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh (…)

      Trở lại với Tản Đà, cụ viết, “Cái hạc bay lên vút tận trời”, mà không viết con hạc. Đó là một điều mới, đặc biệt trong thời điểm mà bài thơ được viết ra. Cũng thế, trong bài “Cảm Thu, Tiễn Thu” (vốn có hai câu thơ là chủ đề chính của bài viết này), cụ viết, “Từ vào thu đến nay / Gió thu hiu hắt / Sương thu lạnh / Trăng thu bạch / Khói thu xây thành...” A, trăng thu bạch. Từ bạch, ở đây, là một từ Hán Việt, thang độ Việt hóa thấp (nếu được dùng như một tính từ, chứ không như một trạng từ theo kiểu trắng bạch), thường là chỉ dùng trong những kết hợp Hán Việt khác như nguyệt bạch (kết cấu ngữ pháp thuần Việt, hay được dùng như một từ cố định, một thứ thuật ngữ văn học gốc Hán, xin xem thêm ở dưới), hay bạch thạch (kết cấu ngữ pháp Hán Việt, trong “Nam sơn xán bạch thạch lạn! Sinh bất phùng Nghiêu dữ thuấn thiện. Đoản bố đan y tài chi cán. Trường dạ mạn mạn hà thời đán?” (“Phạn Ngưu Ca” của Nịnh Thích—bài hát làm cho Tề Hoàn Công nhìn ra con người tài giỏi của Nịnh Thích—có nghĩa là “Núi Nam rực rỡ, đá trắng sáng sủa. Đẻ ra không gặp lúc vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn. Vải ngắn áo đơn bó chịt lấy cái thân gầy mòn. Cứ lan man ở trong chỗ đêm tối biết đến ngày nào?) Nhưng “bạch” thường không, hoặc rất hiếm khi, được dùng kết hợp trong một ngữ tuyến (là một danh ngữ), đứng sau một danh từ thuần Việt, mà danh từ này đã có một tính từ (Hán Việt) khác làm bổ từ đứng ngay sau nó rồi. Và cả hai tính từ này đều bổ nghĩa cho danh từ trong danh ngữ ấy, theo dạng [Danh từ (thuần Việt) + tính từ ([HV], bổ từ 1 của DT) + tính từ ([HV (bạch)], bổ từ 2 của DT)]. Tức là, ở đây, cả “thu”“bạch” đều bổ nghĩa cho danh từ thuần Việt “Trăng”. Hoặc, phân tích một cách khác, đúng hơn trong trường hợp này: một danh từ thuần Việt và bổ từ 1 (HV) kết hợp lại thành một danh ngữ nhỏ, và toàn bộ danh ngữ nhỏ này được tính từ “bạch”, là bổ từ 2, làm rõ nghĩa, qua dạng [ [DT (thuần Việt) + TT ([HV], bổ từ 1 cho DT)] + TT ([HV (bạch), bổ từ 2 cho danh ngữ đi ngay trước nó ]. Một kết hợp đặc biệt hơn. Tức là “bạch”, ở đây, bổ nghĩa cho cả cụm “Trăng thu”. Vậy mà Tản Đà, với sự bất ngờ và hứng cảm riêng của mình, đã tạo ra nó. Và thi sĩ đã làm cho câu thơ ấy trở nên thật đẹp. Trăng thu bạch.


      Thật sự, ta không nhất thiết phải đưa ra những định dạng ngữ pháp như đã thử trình bày, phân tích ở trên. Cái mà ta muốn làm, ở đây, là cho thấy nét đặc biệt của từ “bạch” và cách dụng từ “thần sầu” của Tản Đà trong tiếng Việt. Như cách chúng ta sẽ dần dần phân tích ở những đoạn dưới.


      Trở lại cấu trúc Trăng thu bạch rất đẹp của Tản Đà, ta có thể nghĩ cụm Hoa hồng bạch cũng có được cái kết cấu ấy. Dù sao, so sánh này, tôi nghĩ, không hoàn toàn đứng vững. Ta sẽ phân tích nó.


      Trong cái nhìn của tôi, các từ “hồng bạch”, “chuột bạch”, “chuột cống”, “chuột chù”, “chuột chũi” (danh pháp khoa học Talpidae), “ngựa bạch” (từ “ngựa bạch tạng”), “chó ngao” (bulldog), “chó bạch tạng”, “chồn hôi” (Mephitidae), “dế trũi” (danh pháp khoa học Gryllotalpidae), “gấu trúc”, v.v., đều là một đơn vị từ, vì các từ bạch, cống, chù, chũi, ngao, bạch tạng, hôi, trũi, trúc, v.v., ở đây không phải là những hình vị tự do (free morphemes). Chúng là những những hình vị ràng buộc (bound morphemes), được dùng kết hợp với danh từ đi trước là hồng, chuột, ngựa, chó, chồn, dế, gấu, v.v., để chỉ thể loại, giống loài. Như trong các từ “dế than”, “dế lửa”, “dế trũi”. Hay trong các từ “tàu ngầm” (tiềm thuỷ đĩnh, tiếng Anh submarine), “tàu tuần dương” (tuần dương hạm, tiếng Anh cutter), hay, thậm chí “tàu lửa” (xe lửa, hoả xa, train). Tất cả đều là những đơn vị từ cố định, không tách ra được. Như trên, ta cũng không thể xem các đơn vị “than”, “lửa”, “trũi” / “bạch”, “chù”, “chũi” (liên hệ đến dế và chuột) là những đơn vị riêng lẻ, có thể tách ra khỏi những danh từ đứng ngay trước chúng. Vì chúng được kết hợp lại với nhau để chỉ một giống, một thể loại riêng biệt (species) trong một chủng loại chung (genus), lớn hơn (như đối với thể loại chung và lớn hơn là “dế” hay “chuột”). [ Định nghĩa của “Species”: a category of biological classification ranking immediately below the genus or subgenus, comprising related organisms or populations potentially capable of interbreeding, and being designated by a binomial that consists of the name of a genus followed by a Latin or latinized uncapitalized noun or adjective agreeing grammatically with the genus name. (Merriam-Webster Dictionary / Một phạm trù phân loại sinh học xếp ngay dưới chi hoặc phân chi, bao gồm các sinh vật hoặc quần thể có quan hệ họ hàng có khả năng giao phối với nhau, và được chỉ định bằng một tên gọi kép/danh từ kép (một tên gọi gồm hai phần kết hợp cùng nhau) bao gồm tên của một chi theo sau là một danh từ hoặc tính từ không viết hoa theo tiếng Latin hoặc được Latin-hóa phù hợp về mặt ngữ pháp với tên của chi. ]


      Nhưng trong các cụm như “dế trống”, “dế mái”, “tàu cũ”, “tàu mới”, “chồn già, “chồn non”, ta có thể tách các từ trống, mái, cũ, mới, già, non ra hỏi các danh từ đứng trước chúng. Vì trống, mái, cũ, mới, già, non là các hình vị tự do, không bị lệ thuộc.


      Về các từ mang tính giống loài, thể loại, nằm trong một kết hợp cố định và bền vững, ta có thể nói đến cá. Cá là một chủng loại lớn, bao gồm trong nó các loài cá với những tên riêng để chỉ các tiểu loại riêng của chúng. Ta có thể tạm kể một số loại cá như: cá mú, cá thờn bơn, cá lóc, cá trê, cá mè, cá quả, cá hồi, cá mòi, cá trích, cá chép, cá nheo, cá chạch, cá lăng, cá tra, cá rô, cá sặc, cá bống, cá trắm, cá trôi, cá diếc, v.v.. Ta không thể tách, chẳng hạn, “mú”, hay “nheo”, hay “lóc”, hay “mòi”, hay “lăng” ra và xem những từ ấy là bổ nghĩa cho “cá”, hay, ngược lại, “cá” bổ nghĩa cho chúng. [ Dù sao, đôi khi, người ta có thể nói gọn là “Con diếc” hay “con trê” thay cho “con (cá) diếc” hay “con (cá) trê” ]. Hay, nói về chim, ta không thể tách “nhại” ra hỏi “chim nhại” (như trong tựa truyện Giết Con Chim Nhại / To Kill a Mockingbird của Harper Lee) được.


      “Bạch” trong “Trăng thu bạch” là một hình vị tự do. Có thể thay thế “bạch” bằng “sáng”, “mờ”, v.v. Còn “bạch” trong “Hoa hồng bạch” là một hình vị ràng buộc, vì, như đã nói, “hồng bạch” (gần như “bạch hồng”) là một từ chỉ giống loại (ngay khi đó là một giống loại được lai phối), mang tính “cố định” như “hồng vàng”, “hồng trắng” (có thể xem là “hồng bạch”, xin xem thêm phân tích ở dưới), “hồng đen”, “hồng nhung” (xin xem thêm ở dưới), “hồng cổ” (hay “hồng bạch cổ”), “hồng đào (cổ) (hay còn gọi là “hồng phấn”) đều là những tiểu loại nhỏ (species) của một chủng loại lớn là (hoa) hồng (Rosa). Về trường hợp “hồng bạch”, nó còn gọi là “hoa nhược tâm”, danh pháp khoa học của “hồng bạch” là Rosa alba [ Alba, tiếng Latin, dạng giống cái của albus, là màu trắng ]. “Tầm xuân” là Rosa canina. Như đã nói, những danh pháp này là tên gọi theo tiếng Latin hay được Latin-hóa, là tên gọi kép/danh từ kép bao gồm tên của một chi theo sau là một danh từ hoặc tính từ không viết hoa. Tên gọi đó, dù có hai phần, vẫn chỉ là một đơn vị, không được tách ra. “Bụp giấm”, danh pháp là Hibicus sabdariffa, còn có tên khác là “giền cá”. Dĩ nhiên, ta không nên phân tích là trong tên hoa “bụp giấm” hay “giền cá” thì “giấm” làm rõ nghĩa cho “bụp”, hay “cá” bổ nghĩa cho “giền”. Hay ngược lại. “Bụp giấm”, hay “giền cá”, là một tên riêng, một đơn vị từ. Cũng thế, “dế than”, “dế trũi”, “tàu thuỷ”, “tàu lửa”, “chồn hôi”, “chuột chũi”, “chuột chù”, “chuột bạch”, “hồng bạch”, v.v., đều là một đơn vị từ. Chúng là những tiểu loại (species) khác biệt, với tên riêng của tiểu loại, trong những chủng loại chung (genus), lớn hơn.


      Tôi nghĩ ngữ pháp nước nào cũng có những cái tế vi và phức tạp như vậy. [5] Và người ta, hay, đúng hơn, các nhà ngôn ngữ hay ngữ pháp học, có thể có những cách nhìn khác nhau khi xét về sự kết hợp của một nhóm từ. Hay sự phân tích ngữ pháp của nó. [ Xin xem chú thích 8 về câu “I told him to water the garden” ]. Và, vì vậy, một điểm tế nhị khác của ngữ pháp Việt mà ta cũng có thể bàn ở đây: Trong tiếng Việt, “hồng bạch” và “hồng trắng” xem ra là đồng nghĩa. Nhưng, trong quan điểm của tôi, khi nói “hồng trắng”, ta nhấn mạnh đến (hoa) hồng, và hoa hồng này là loại hoa mang sắc trắng. Bởi thế, “trắng”, ở đây, trong một vài trường hợp nào đó, có thể được xem như là tính từ, bổ nghĩa cho (hoa) “hồng”. Và có thể được tách ra khỏi “hồng”. “Hồng trắng” vẫn là một tiểu loại của (hoa) hồng, nhưng về mặt ngữ pháp, trong cái nhìn của tôi, nó hơi khác với “hồng bạch”. Khi nói “hồng bạch”, cái mà ta muốn nhấn mạnh đến lại là về một tiểu loại của (hoa) hồng. Nó là “hồng bạch”, không phải các loại hồng khác, như “hồng đỏ”, “hồng vàng”, ‘hồng đen”. Tất cả đều là những tiểu loại riêng biệt, dù do lai phối mà thành. Cũng như “hồng bạch”, “hồng đỏ” là một “species” của “hồng”. Nhưng nó còn có các tiểu loại của riêng mình. Như “hồng đỏ đậm”, “hồng đỏ nhung”, “hồng đỏ tươi”. Nếu phân tích về mặt từ pháp, ngữ pháp, trong quan điểm của tôi, ta có thể tách “đậm”, “nhung” và “tươi” ra khỏi “hồng đỏ”, và nhìn chúng như những tính từ. Còn “hồng nhung”? Tôi nhìn nó như một từ cố định. Giống như “hồng bạch”, “chuột bạch”. Vì chữ “nhung”, ở đây, thay thế cho “đỏ (mịn, mềm như) nhung”, trong cụm “hồng đỏ nhung” được nhắc đến ở trên. Nó (“hồng nhung”) là một tiểu loại của “hồng đỏ”, và “hồng đỏ” bây giờ là một phân chi (subgenus) của (hoa) “hồng”.


      Cũng thế khi ta so sánh “hoàng mai” và “bạch mai” với “mai vàng” và “mai trắng”. Trong cái nhìn của tôi, khi nói đến “hoàng mai” và “bạch mai”, ta quan tâm nhiều đến loại hoa; còn khi nói đến “mai vàng” và “mai trắng”, ta sẽ quan tâm, nhiều hơn, đến màu hoa. Dĩ nhiên, màu đây là màu của (hoa) mai. Và, đối với tất cả, tôi nhìn “hoàng mai”, “bạch mai”, lẫn “mai vàng” và “mai trắng” đều là những đơn vị cố định.


      Trở lại với cấu trúc chính mà ta đang bàn. Là “Trăng thu bạch”. Trong “Trăng thu bạch” hay “Trăng thu sáng” có ba đơn vị, là ba từ riêng biệt. Còn cấu trúc “Hoa hồng bạch”, trong cái nhìn của tôi, tiếp tục theo hướng của những phân tích trên, chỉ có hai đơn vị thôi, là “hoa” và “hồng bạch”. Có thể biến cấu trúc này thành ba đơn vị, nếu ta chuyển nó thành “Hoa hồng bạch tươi”, “Hoa hồng bạch héo”, hay “Hoa hồng bạch thanh thoát” chẳng hạn. Vì thế, cấu trúc của “Hoa hồng bạch” (cứ tạm cho “Hoa” là một từ (thuần) Việt, vì nó đã được Việt hoá ở mức độ cao) không nên được xét là ngang bằng hay tương đương với cấu trúc của “Trăng thu bạch”.


      Ta có thể mở rộng cụm “hoa hồng bạch” để nhìn rõ hơn thể loại của nó qua câu: “Một đoá hoa hồng bạch tươi thắm được cắm trong lọ.” Ở đây, ta có “một”, biểu thị bằng (A), là số từ; “đoá/(B): phó danh từ [*] ; “hoa”/(C): danh từ; “hồng bạch”/(D): danh từ; “tươi thắm”/(E): tính từ; “được cắm trong lọ”/(F): ngữ động từ (theo dạng participial phrase, dẫn đầu bằng một phân từ). Trong ngữ động từ này, ta còn có một giới ngữ (prepositional phrase) là “trong lọ” nằm lọt thỏm vào bên trong cụm. Về mặt phận sự, ta có A làm bổ từ cho B; B làm BT cho C; D cũng làm BT cho C; E cũng làm BT cho C; và F cũng làm BT cho C.

      [ [*] Có những người gọi các từ như con (bò), cái (dù), đoá (hoa), cánh (chim/hoa/diều), người (đàn bà), tấm (màn), bức (tường), bộ (bàn ghế, quần áo), cây (ổi/cột/kim/đinh), v.v., là “tiền danh từ” (Phan Khôi); “loại từ” (Trần Trọng Kim và nhóm làm Việt Nam văn phạm; và cũng là quan điểm của Trương Văn Chình & Nguyễn Hiến Lê); “danh từ giả tá” (Lê Ngọc Vượng); “quán từ” (E. Diguel); “hình thức chỉ danh của danh từ” (Trương Vĩnh Ký). Có người coi chúng là một loại nhỏ trong danh từ. Có người gọi là “phó danh từ” (Nguyễn Kim Thản, cũng như Nguyễn Lân). Và theo Nguyễn Kim Thản, phó danh từ có thể thay thế chỗ cho danh từ. Như thế, trong một câu như “Một cánh/đoá hoa thược dược bỗng nở một cách nhiệm màu”, thì trong cụm “Một cánh/đoá hoa thược dược” đứng làm chủ ngữ, nếu ta lược bỏ chữ “hoa”, vốn là danh từ trong cụm này, để thành “Một cánh/đoá thược dược” thì, lúc ấy, “cánh” hay “đoá” đang là phó danh từ sẽ biến thành danh từ, đứng làm đầu tố trong danh ngữ ấy. Cũng thế, trong một câu như “Một con cá quả đang bơi lội nhởn nhơ”, “quả” và “cá” không đứng riêng lẻ như ta đã bàn [vì như thế sẽ tạo một hiệu ứng nhiễu, có thể làm sai lạc thông tin], “cá quả” sẽ là một danh từ kết hợp, làm định ngữ (bổ từ) cho “con”. “Con”, như thế, trong trường hợp này, đang từ một phó danh từ biến thành danh từ. Đối với các chủng loại chim, dế, v.v., cũng thế. Chẳng hạn: “Một con (chim) chào mào đang bay lượn”, “Một con dế trũi đang bò đến”. Nếu bỏ chữ “chim” trong câu trước đi, “con” sẽ là danh từ thay vì là phó danh từ. Trong câu sau thì, vì “dế trũi” là một đơn vị kết hợp, “con” đã đứng trước nó để làm vai trò danh từ.


      Các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm, trong Việt Nam văn phạm (Hà Nội, 1940) cho các từ như cá, hoa, chim, v.v., đều được gọi là loại từ riêng, cũng như người, và cùng một từ loại với con, cái mà các tác giả gọi là loại từ chung. Trong khi, các tác giả trong sách Ngôn Ngữ Học/Khuynh hướng, Lĩnh vực, Khái niệm (xem lại chú thích 2) lại xem “hoa” là một danh từ. Như trong phân tích về cụm “Hoa mai”].

      Và, để trở lại với những suy nghĩ về cách dùng từ của Tản Đà, như đã nói ở một phần trên, ta có một cụm từ Hán Việt là “nguyệt bạch”, được dùng từ xa xưa đến thời hiện đại. Và cho đến bây giờ. Dù sao, “nguyệt bạch” (tạm hiểu là trăng trong, trăng thanh) ở đây là một từ cố định trong tiếng Hán. Cũng giống như từ “phong thanh” (tạm hiểu là gió mát). Đó là những đơn vị cố định, một kiểu thuật ngữ văn học. Đây là “nguyệt bạch” và “phong thanh”, chứ không phải “bạch nguyệt” và “thanh phong”. Ta có thể thấy chúng, đặc biệt đang xét đến đơn vị “nguyệt bạch” 月白, trong nhiều bài thơ khác nhau, của các tác giả cổ bên Trung Hoa, cũng như của các tác giả Việt Nam. Nghĩa chung của “nguyệt bạch” là để chỉ màu sắc. Theo Đào Duy Anh, đó là “một thứ sắc nhuộm xanh lợt”. Theo Nguyễn Quốc Hùng, đó là “màu trắng xanh ( như ánh trăng )”. Nó rất khác, về mặt kết cấu ngữ pháp, với cách dùng trong cấu trúc “Trăng (thu) bạch” của Tản Đà.


      Hãy đọc trong “Hậu Xích Bích Phú” của Tô Thức: “Dĩ nhi thán viết: “Hữu khách vô tửu, hữu tửu vô hào; nguyệt bạch phong thanh, như thử lương dạ hà?” 已而歎曰:有客無酒,有酒無肴;月白風清,如此良夜何 (“Rồi mà than rằng: “Có khách không có rượu, có rượu không có nhắm; trăng trong gió mát, đêm đẹp này biết làm thế nào?”). Hay trong “Quá Thần Phù hải khẩu” của Nguyễn Trãi: “Thần Phù hải khẩu dạ trung qua / Nại thử phong thanh nguyệt bạch hà” 神符海口夜中過 / 奈此風清月白何 (“Qua cửa khẩu Thần Phù vào lúc giữa đêm / Gió mát trăng thanh quá, làm sao đây?”). Hay trong “ Tái hạ khúc” của Trình Khải Sung: “Ngũ Quốc thành đầu thu nguyệt bạch” 五國城頭秋月白 (“Trăng thu nhạt trên thành Ngũ Quốc”). Hay trong “Văn Địch” của Lê Địch: “Giang thuỷ trừng thanh giang nguyệt bạch” 江水澄清江月白 (“Trăng trắng xoá trên dòng sông trong vắt”). Hay trong “ Tỳ Bà Hành” của Bạch Cư Dị: “Đông thuyền tây phảng tiêu vô ngôn / Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch” 東船西舫悄無言 / 惟見江心秋月白 (“Thuyền mảng đông tây lặng im, không một tiếng nói / Chỉ thấy vầng trăng thu rọi sáng giữa sông”). “Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt / Một vầng trăng trong vắt lòng sông”. Hai câu thơ trong bài thơ dịch nổi tiếng này có nguồn cho là của Phan Huy Vịnh, nhưng các nguồn theo gia phả của dòng họ Phan Huy ghi rõ là của Phan Huy Thực (bố của Phan Huy Vịnh). Đọc bài thơ “Tỳ Bà Hành” qua bản Hán Việt đã hạnh phúc. Khi đọc bài dịch của PHT, thấy “thơm tho cả môi miệng”!


      Còn đây là “nguyệt bạch” trong thơ Việt Nam. Chẳng hạn trong bài “Tương Tư” của Nguyên Sa, “Tôi đã gặp em từ bao giờ / Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya / Kể từ gió thổi trong vừng tóc / Hay lúc thu về cánh nhạn kia?”. Hay trong Phạm Thiên Thư của “Ngày Xưa Hoàng Thị”: “Bước em thênh thang / Áo tà nguyệt bạch / Ôm nghiêng cặp sách/ Vai nhỏ tóc dài / Ta đi theo hoài / Gót giày thầm lặng…”).


      Thuật ngữ/thành ngữ văn học “nguyệt bạch”, nguyên gốc có nghĩa như tôi đã trình bày ở trên theo Đào Duy Anh và Nguyễn Quốc Hùng, là để chỉ màu sắc (một màu xanh trong, nhẹ và sáng, như của ánh trăng). Sau, nó được dùng để chỉ cảnh trăng trong, trăng thanh, trăng sáng. Nếu đi chung với “phong thanh”, cả nhóm “nguyệt bạch phong thanh”, hay “phong thanh nguyệt bạch” là để chỉ chung cảnh gió mát trăng trong. Nếu “nguyệt bạch” đi với “thu” ở trước đó, nó chỉ cảnh trăng trong, trăng sáng đêm thu. Một cảnh thật đẹp.


      Cụm “Trăng thu bạch” của Tản Đà, có thể đã có khởi nguyên từ “nguyệt bạch” chăng? Có thể. Một người viết văn, làm thơ, sáng tạo nghệ thuật, luôn luôn thực hiện những công trình tim óc không những chỉ với ý thức mà còn cả với tiềm thức và vô thức mình. Tất cả cái đọc, cái hiểu, cái biết, cái rung động, cái nằm sâu, thậm chí cái đã ngủ quên, trong con người hắn, sẽ cùng kết hợp để đưa hắn vào cuộc sáng tạo.


      Ngoài ra, ngôn ngữ văn chương cũng chỉ là sự tái sử dụng, sự dùng lại những ngữ liệu đã có, chỉ là sự lặp lại, sự bắt chước nhau thôi. Nhưng với một phong cách. Với sự biến hoá, làm mới, chẳng hạn. Cái quan trọng của sáng tạo là phong cách. Nếu Tản Đà chỉ dùng “Trăng bạch” thôi, thì đó cũng đã là một cách dùng mới. Chưa thấy ai dùng. Khi ông dùng “Trăng thu bạch” thì, như đã thử trình bày, nó còn đặc biệt hơn. Vì cụm hay câu này có nhiều cách nhìn và phân tích. Và đều cho ta thấy cái mới trong những cách nhìn đó.


      Chúng ta đã đi khá sâu vào “kiến trúc” Trăng thu bạch của Tản Đà. Nhưng còn một khả năng nữa mà tôi muốn nói về “kiến trúc” này. Đó là, để tạo những kết hợp đồng đẳng với các câu Khói thu xây thành, Lá thu rơi rụng đầu ghềnh, và Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly, các cụm mà ta tạm gọi là danh ngữ trước đó là Gió thu hiu hắt, rồi Sương thu lạnh,Trăng thu bạch, tác giả, và cả người đọc, có thể nhìn các danh ngữ đó, bây giờ, là các câu hoàn chỉnh. Nhìn như thế là nhìn theo cấu trúc Đề - Thuyết, một dạng cấu trúc mà người Việt rất thường sử dụng, nhìn theo cách lý giải của Cao Xuân Hạo. [6] Những câu như thế có thể không có những hệ từ (động từ) thì hay. Nhưng, nói chung, trong trường hợp nếu ta có thể cho thì hay (tuỳ trường hợp) vào vị trí sau phần Đề và trước phần Thuyết, ta sẽ đưa cả cụm mà trước đó ta có thể xem là một ngữ tuyến, vì chưa nhìn thấy rõ “hình dạng” của một câu trong nó, thành một câu rõ rệt theo cấu trúc Chủ - Vị. Thật sự, Chủ ngữ cũng là một loại Đề, nhưng nó hẹp hơn và không có nhiều “vai” bằng Đề. Nói gọn, phạm vi của Chủ ngữ không có được một biên độ rộng lớn đề bao quát những đối tượng, chủ đề mà người Việt có thể dùng để kiến tạo câu.


      Trở lại phần phân tích của chúng ta. Các cấu trúc Khói thu xây thành / Lá thu rơi rụng đầu ghềnh / Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly cho ta thấy rõ cấu trúc Chủ - Vị của chúng. Trong những cấu trúc rõ rệt là câu này, các động từ, theo thứ tự, sẽ là xây, rơi rụng, và đưa. Khi ta “xoay” các cấu trúc Đề - Thuyết của các cụm Khói thu hiu hắt, Sương thu lạnhTrăng thu bạch sang cấu trúc Chủ - Vị, hệ từ thì sẽ nằm ngay sau phần Đề (bây giờ biến thành Chủ ngữ) là Khói thu, Sương thuTrăng thu. Như thế, các “cụm” này trở nên các câu rõ rệt, với các tính từ theo thứ tự là hiu hắt, lạnh, và bạch nằm trong phần Vị ngữ, ngay sau hệ từ (động từ) thì hiểu ngầm. Hiu hắtlạnh là những từ “thuần Việt”, không làm cho ta thấy có gì đặc biệt trong kiến tạo ngữ pháp của câu. Nhưng bạch là một từ Hán Việt, thường xuất hiện trong dạng kết hợp với một từ (Hán Việt) khác, lại đứng đơn độc sau thì, để làm sáng nghĩa của Chủ ngữ Trăng thu. Nó là một từ Hán Việt, trong vai tính từ, đứng đơn độc, ngạo nghễ, trong phần Vị ngữ, sau hệ từ thì hiểu ngầm. Cấu trúc này, Trăng thu bạch, thật lạ và đẹp.


      Làm sao ta biết được trong ý thức của Tản Đà (và quan trọng hơn nữa, trong tiềm thức và vô thức của cụ) chuyện gì đã xảy ra khi cụ viết câu Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương ? Ai là người kiểm soát thao tác ngôn ngữ trong sáng tạo của một nhà thơ, của một nghệ sĩ? Trên một số quy luật căn bản của ngôn ngữ, ta chỉ có thể đưa ra một vài suy giải có thể là khác nhau để giải thích những trường hợp như thế này. Và cũng chính là vì có những trường hợp như trường hợp của câu thơ Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương mà chúng ta đang thảo luận đây, mà một câu thơ, một bài thơ, một tác phẩm, một nghệ sĩ trở nên kỳ diệu trước mắt người thưởng ngoạn.


      Về những từ tà tà. Người góp ý dẫn Hồ Lê, cho là một “nguyên vị tiềm tàng”, có nghĩa là ác, xấu, như trong tà đạo, tà thuyết, tà dâm... Còn chữ tà tà Việt hóa ngày nay mang một ý nghĩa và âm vang khác, chẳng hạn trong say tà tà. Những đóng góp ấy đều đúng cả. Nhưng chưa đủ. Thật sự, cả lẫn tà tà đều là những từ Hán Việt. , ngoài nghĩa là ác, xấu ra, còn có nghĩa là nghiêng, xéo, xiên, chếch. Còn tà tàchênh chếch, xiên xiên [7] . Từ đó, những danh từ Hán Việt, biểu thị tính chất lệch, cong, nghiêng, xéo, xiên, xuất hiện rất nhiều trong ngữ vựng Hán Việt: tà giác (Toán, gọi chung các góc tù và các góc nhọn), tà giác chùy (khối chóp xiên), tà khán (nhìn xiên), tà nguyệt (mặt trăng xế), tà nhãn (mắt lé), tà phương hình (hình thoi), tà viên chùy (hình nón xiên), v.v.. Còn từ tà tà, nếu nó không phải là một từ Hán Việt đã được dùng từ rất lâu đời rồi, như Nguyễn Du đã dùng nó (trong câu thơ Tà tà bóng ngả về tây), tôi đã chẳng dám xem nó là một trạng từ trong mệnh đề (hoặc trong cụm) bóng tà tà dương của Tản Đà. Có lẽ, một phần lớn, vì không nghĩ rằng tà tà là một từ Hán Việt, đã được dùng từ rất lâu đời rồi (mà nghĩ rằng nó chỉ là một từ được Việt hóa trong thập niên 60, 70 của thế kỷ XX), nên người góp ý mới không chấp nhận cho tôi nhìn nó như một trạng từ.


      Kinh nghiệm nghiên cứu ngữ pháp của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới cho ta thấy là, trong một số trường hợp tế vi, trong một số cụm, một số câu, khi lý giải và phân tích, người ta không dám bảo nhau là hoàn toàn sai. Họ chỉ dám đề nghị một cách nhìn mới mà thôi. [8]


      Chúng ta đã bàn về bóng dương ở một đoạn trên, nhưng thật sự, đó không phải là điểm quan trọng của sự thảo luận. Trong cái nhìn của tôi, điểm quan trọng nằm ở những từ bóng, tà tà, dương, bóng tà, tà dương, cùng với phận sự và ý nghĩa của chúng trong cấu trúc thẩm mỹ chung của câu thơ tạo nên sự thảo luận. Vấn đề bây giờ là bóng tà tà dương có nhất thiết phải là bóng tàtà dương không. Hay là ta nên nhìn nó một cách khác để thấy sự bất ngờ và đẹp đẽ của câu thơ. Tác giả bài góp ý không chấp nhận việc tách dương ra khỏi . Vấn đề tôi nghĩ chúng ta cũng nên để tâm trong lúc thảo luận là ý nghĩa và cấu trúc ngữ pháp của nguyên cụm từ bóng tà tà dương cùng với liên hệ của nó trong cấu trúc ngữ pháp của toàn câu thơ tám chữ. Cách nhìn đề nghị của tôi không phải là chỉ tách dương ra khỏi , mà là tách cả bóngdương ra khỏi , xem tà tà như một trạng từ, bóng là chủ từ, hệ từ thì hiểu ngầm, dương là tính từ. Cách nhìn này có thể bị xem là “táo bạo”, nhưng nó cũng dựa trên những hiện tượng bất ngờ xảy ra trong ngôn ngữ mà tôi sẽ bàn ở một đoạn dưới.


      Xin xem tiếp Phần II


      Bùi Vĩnh Phúc

      (II, 1994

      Xem lại & nhuận sắc/bổ sung, III, 2025)


      ————————————-

      Chú Thích:

      [1] Nguyễn Khắc Xuyên, Ngữ Pháp Tiếng Việt của Đắc Lộ 1651, nhà xuất bản Thời Điểm, California, 1993.


      Đàng Ngoài, hay Đông Kinh (Tunchinensis, theo cách gọi của đời Lê Thái Tổ), qua cách trình bày của Đắc Lộ trong quyển Hành Trình và Truyền Giáo, xuất bản tại Paris năm 1653, bao gồm cả Đàng Trong, lúc đó chưa ly khai với Đàng Ngoài và còn nằm trong Đàng Ngoài.


      (2) Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Ngôn Ngữ Học/Khuynh hướng, Lĩnh vực, Khái niệm, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1986, trang 124.


      Trong tập hai của bộ sách này, phần viết về Ngữ Pháp Học, các soạn giả Hà Nội đã hoàn toàn đồng ý với Bloomfield và nhiều nhà ngôn ngữ học khác trên thế giới về cách khu biệt từ và cụm từ. Đưa ra thí dụ Hoa mai / nở, họ coi hoa mai là một cụm từ, cấu tạo theo lối chính phụ hay hướng tâm.


      Hoa mai là chủ ngữ. Nó là một cụm chứ không phải một từ, trong đó hoa là yếu tố chính; mai là định tố, miêu tả tính chất, tên gọi của hoa. Hoa là yếu tố trung tâm (gọi là đầu tố); các yếu tố miêu tả (yếu tố đặt sau nó) và hạn định (yếu tố đặt trước nó) đều hướng về nó.


      Một thí dụ nữa, cũng trong quyển sách trên, để làm rõ khái niệm này: Cành hoa mai (Cành: định tố; hoa: đầu tố; mai: định tố).


      Theo hướng phân tích ấy, tùy theo cách sử dụng và cách hiểu, cụm bóng dương có thể được diễn tả như sau: Bóng dương (định tố+đầu tố), hoặc Bóng dương (đầu tố+định tố). So với cấu trúc Cành hoa mai ở trên, bóng có thể đứng ở vị trí của cành hay hoa. Dương đứng sau bóng. Nó có thể đứng ở vị trí của hoa hay mai.


      (Trái với cụm từ hướng tâm là cụm từ ly tâm, còn gọi là cụm từ tường thuật hay chủ vị (Bloomfield). Đây là cụm từ mà hình thức lập thành không cùng chức năng với yếu tố có sẵn. Thí dụ: Hoa / nở—Hoa nở khác với “hoa” và “nở”. Cụm từ hướng tâm là cụm từ mà yếu tố thêm vào không cùng chức năng với yếu tố có sẵn: Hoa mai).


      Và một điều thêm nữa ở đây, nếu mai hoa có thể được coi như là một danh từ kép [Hán Việt] (nhưng cẩn thận những trường hợp như mai hoa hoàng diệp lý của Nguyễn Du), thì hoa mai lại không phải. Hoa mai là một cụm, một ngữ tuyến.


      [3] Lê Văn Lý, Le parler vietnamien. Sa structure phonologique et morphologique fonctionnel. Esquisse d'une grammaire vietnamienne, nxb Hương Sơn, Paris, 1948. Bản dịch Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam, nxb Dân Chúa in lại từ bản của Sàigòn, trang 27.


      Các nhà ngữ pháp thế giới hiện nay đều xem những tập hợp sau đây là một cụm, chứ không phải là một từ: une fille, a student, v.v.. Mỗi cụm như thế chứa hai yếu tố tạo nghĩa nhỏ nhất có thể tách ra được về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa; chẳng hạn student là danh từ và a là loại từ/mạo từ. Kết hợp lại, chúng tạo thành một danh ngữ (noun phrase). Chúng không phải là một danh từ (dù đơn hay kép). Student được gọi là một ý nghĩa vị (sémantème), hay theo một lối nói khác là đầu tố; a được gọi là một ngữ vị, hay một định tố.


      [4] Như đã phân tích, dương cũng như nguyệt không nhất thiết phải bám vào bóng, bởi vì bóng dương, bóng nguyệt không (nhất thiết) phải là những từ kép cố định. Như một từ Hán Việt, chúng có thể đứng một mình trong câu văn thuần Việt như nhiều từ Hán Việt khác. Ta đã thử xét vai trò của chúng ở vị trí chủ từ. Bây giờ, ta xét chúng ở những vị trí khác. Chẳng hạn, từ nguyệt, nếu được dùng một cách sáng tạo, hình ảnh của nó trở nên rất mới và đẹp.


              * Dùng như danh từ đứng làm bổ định từ (complement—từ do tôi đặt, vì nếu gọi là túc từ như người ta vẫn thường gọi, có thể nó sẽ bị lộn với túc từ trực tiếp hoặc gián tiếp):

      Từ khi em là nguyệt, lòng tôi bỗng nghe ra: buồn vui kia là một, như quên trong nỗi nhớ... (TCS)


      * Dùng như một tính từ, trong một cụm làm rõ nghĩa cho một bổ định từ:


      Đó là một nhan sắc đã rất nguyệt rằm.

      (Phong cách dùng từ và hình ảnh của nhiều nhà văn, nhà thơ hiện nay, đặc biệt theo phong cách của Mai Thảo. Đã rất nguyệt rằm là một cụm, một tính ngữ (adjective phrase), dùng như tính từ, làm rõ nghĩa cho nhan sắc. Nguyệt là tính từ chính trong ngữ tuyến này. Rằm là tính từ được dùng đặc biệt trong cụm như một trạng từ chỉ sắc thái hay mức độ. Đã chỉ thời.)


      [5] Ngữ pháp nước nào cũng có cái tế nhị và phức tạp của nó. Xin xem thêm chú thích 8 bên dưới để thấy rõ hơn về nhận xét này. Ở đây, trong tiếng Việt, xin nói về cái rắc rối của sự định danh khác biệt, chồng chéo giữa loại từ/mạo từ và phó danh từ (cũng như một số từ ngữ định danh khác đã được nhắc đến trong bài) của các tác giả khác nhau. Khi nói về chủng loại “hoa”, có vẻ như chúng ta xem “hoa” là danh từ, như trong cụm “hoa mai” đã thảo luận ở chú thích 2. Dù sao, có những tác giả xem “hoa” là loại từ. Nhưng “hoa” cũng có thể bị lược bỏ đi (hoặc không cần thiết). Bởi thế, ta có thể nói “mai”, “lan”, “cúc”, “diên vỹ”, “thược dược”, v.v., mà không nhất thiết phải có từ “hoa” đứng trước đó. Trong nhiều trường hợp. Đối với loài chim cũng vậy, có những tác giả xem “chim” là loại từ: ta có thể nói “chích choè”, “sáo”, mà không cần nói “chim chích choè” hay “chim sáo”. Nhưng, đối với những loài chim khác, chẳng hạn như “chim nhại” (mockingbird), từ “chim” là một phần bất khả tách biệt khỏi cái tên chung. Ta phải nói là “chim nhại”, “chim gõ kiến”, hay rõ hơn, “con chim nhại”, “con chim gõ kiến”, chứ không thể, để chỉ những loài chim này, chỉ nói thoải mái là “nhại” hay “gõ kiến” là đủ. Trong những trường hợp giống như dạng “con chim nhại”, “con” đang là phó danh từ sẽ được dùng như danh từ, và “chim nhại” sẽ là một từ kết hợp, làm rõ nghĩa cho “con”. Ta không thể tách “nhại” ra hỏi cái “chi”, cái “genus” của nó là “chim”, không giống như ta có thể nói trống kiểu “thược dược”, “diên vỹ”, “lan”, “cúc”, v.v.. Đối với một vài chủng loại khác cũng có thể có trường hợp tương tự. Thế nhưng, có những chủng loại, như dế hay cá, khi nói về tiểu loại của chúng, thường thì ta phải xem từ “dế” hay “cá” là một thành phần gắn liền với tên của tiểu loại đó. Phải nói “dế trũi”, “dế lửa”, v.v., hay “cá mè”, “cá quả”, v.v., chứ không thể chỉ nói là “trũi”, “lửa”, hay “mè”, “quả”. Nói vậy sẽ tạo nên sự khuyết nghĩa, thông tin sẽ không được chuyển tải đầy đủ, tạo hiệu ứng nhiễu trong giao tiếp, đưa đến việc hiểu sai thông tin. Trong những trường hợp như thế, loại từ (hay phó danh từ) được dùng, khi cần thiết, sẽ không phải là tên của loài/tiểu loại nữa (như với các tiểu loại hoa, như hoa mai, hoa hồng, hoa hồng bạch [“Hồng” (Rosa) là một tiểu loại (species) của chi (genus) “Hoa”; còn “Hồng bạch” (Rosa alba) là một tiểu loại (species) của “Hồng” (và trong liên hệ này, bây giờ, “Hồng” là phân chi (subgenus) của “Hoa”] , hoa tường vy, v.v.), mà sẽ là “con”, hay ‘chú”, hay “chàng”, chẳng hạn (như, con dế than, chàng dế lửa, chú cá mè, v.v.) Đối với một số tác giả, như đã trình bày trong bài, họ xem các từ theo dạng con, cái, chú, chàng, cậu, v.v., là phó danh từ (chứ không phải là loại từ). Và trong trường hợp không có danh từ chính như thế, các dạng phó danh từ ấy sẽ thay thế danh từ, xem như được chuyển thành danh từ. Theo Nguyễn Kim Thản, ông nghĩ rằng, có lẽ trong một thời gian lịch sử xa xôi, phó danh từ đã là những từ độc lập, đóng vai trò trung tâm, còn danh từ ngày nay thì khi đó đóng vai trò phụ thuộc, vai trò định ngữ. Tôi nghĩ là nhận xét của ông có cơ sở, vì ngay từ thế kỷ XV, trong thơ của Nguyễn Trãi, ta đã thấy những cụm từ như con am, cái râu bạc, con lều, bà ngựa, v.v.. Những từ con, cái, bà, v.v., như thế, có lẽ đã xuất hiện trước cả thời Nguyễn Trãi nữa. Các tên gọi như loại từ, phó danh từ… chỉ được tạo ra sau này. ]


      [6] Một cách nói quen thuộc của người Việt, như câu “Chó treo, mèo đậy”, là câu Cao Xuân Hạo đưa ra để giải thích và làm sáng cấu trúc Đề - Thuyết. Nếu nhìn theo lối của cấu trúc Chủ - Vị mà người Tây phương và Âu Mỹ thường dùng, ý nghĩa của câu nói này rất khó để nắm bắt cho đúng. Thật sự, đây là một câu có hai mệnh đề: Chó treo / Mèo đậy. Khi nghe (hay đọc) mấy chữ “Chó treo, mèo đậy”, như Cao Xuân Hạo phân tích, phản ứng tự nhiên của người nước ngoài “là hiểu “chó” như “chủ ngữ”, “treo” như “động từ”, và hiểu câu ấy là “chó làm cái việc treo, mèo làm cái việc đậy”. Đó là cái nghĩa duy nhất mà một câu tiếng Âu châu có cấu trúc như trên cho phép hiểu. Ngoài cái vai “kẻ hành động” ra, chủ ngữ của tiếng châu Âu chỉ còn đóng được hai ba vai khác, như vai người hay vật mang một tính chất (nó mập), có một tình cảm (nó buồn), v.v., mà thôi.


      Trong khi đó, câu trong những thứ tiếng không có chủ ngữ như tiếng Việt có một cấu trúc khác hẳn: nó gồm hai phần trong đó phần thứ nhất nêu lên một cái Đề (một đề tài) còn phần hai nói một điều gì có liên quan đến cái Đề ấy. Phần này gọi là Thuyết. Đề có thể bất cứ là vai gì, có bất cứ quan hệ gì với Thuyết, miễn sao thành một nhận định có ý nghĩa, có một nội dung thông báo nào đấy, cho nên các kiểu câu trong các thứ tiếng này đa dạng gấp mấy mươi lần các kiểu câu của tiếng châu Âu.”


      Vậy, thành ngữ “Chó treo, mèo đậy”, nhìn theo cấu trúc Đề - Thuyết, nên được hiểu thành “Chó thì treo, mèo thì đậy”. Ý muốn nhắc chúng ta cần cất trữ thức ăn cho cẩn thận trước chó và mèo là những con vật chúng ta có thể nuôi trong nhà. Đối với chó thì ta phải treo thức ăn lên cao, vì chó không leo trèo được; nhưng đối với mèo thì ta chỉ cần đậy thức ăn lại, vì mèo không có sức như chó để lật tung thức ăn lên hay phá đổ nó nếu thức ăn để trong bát hay một thứ gì tương tự như thế để cất giữ.


      Quan hệ Đề - Thuyết cho thấy có nhiều sự phù hợp với đặc điểm loại hình của tiếng Việt là một ngôn ngữ thiên chủ đề. Câu, theo lối đề - thuyết, được cấu trúc thành hai phần đề và thuyết, trong đó, theo Cao Xuân Hạo, “đề là điểm xuất phát, là cái cơ sở, cái điểm tựa làm bàn đạp cho đà triển khai của câu” được trình bày ở phần thuyết.


      Xin xem các công trình “Tiếng Việt – Sơ thảo Ngữ pháp chức năng” (1991) và “Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt” (2001) (trong đó đặc biệt là bài “Linh hồn tiếng Việt”) của Cao Xuân Hạo.


      [7] Nguyễn Văn Khôn, Hán Việt Tự Điển, nxb Đại Nam in lại bản của nxb Khai Trí, Sàigòn, trang 810. 邪 (bộ nhĩ) là lệch, cong và 斜 (bộ đẩu) là nghiêng, xéo, xiên, được viết với những bộ khác nhau.


      [8] Một thí dụ: trong ngữ pháp Anh, một câu theo dạng


              I told him to water the garden.


      đã làm điên đầu bao nhà ngữ pháp học nổi tiếng trên thế giới. Hornby, người soạn bộ từ điển Oxford, cùng với nhà ngữ pháp học Ekersley, cho rằng ngữ tuyến him to water the garden có dạng của một accusative-infinitive construction. Nhà ngữ học Nestfield thì cho cụm to water the garden là một infinitive phrase, dùng như một objective complement. Ông nhìn cụm ấy như nhìn từ green trong câu I painted the door green, trong đó, green, theo quy chuẩn ngữ pháp, là một tính từ, đứng làm objective complement trong câu.


      Có những trường phái ngữ pháp khác xem cụm him to water the garden được dùng như một túc từ trực tiếp (D.O.). Một trường phái khác xem him là túc từ gián tiếp (I.O.), còn cụm to water the garden giữ vai trò của một túc từ trực tiếp (D.O.).


      Như vậy thì ai đúng ai sai? Dĩ nhiên, những nhà ngôn ngữ ấy cũng tranh luận để nêu ra cái lý của mình. Và theo dõi những lý giải ấy, người ta học hỏi được nhiều điều về chính cái ngôn ngữ mà người ta sử dụng hằng ngày kia. Thật ra, các nhà ngôn ngữ cũng chẳng ai dám bảo ai là sai, mặc dù họ rất nhiệt huyết trong những cuộc thảo luận hay trong những bài viết để lý giải cái nhìn của mình. Họ chỉ muốn đưa ra một cái nhìn, cùng lúc, vẫn tôn trọng cái nhìn của người khác.


      Bùi Vĩnh Phúc

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ II Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ I Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Mấy Suy Nghĩ Thơ Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Bùi Giáng (1926 - 1998) Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Trịnh Y Thư - Và khi về ngồi dưới những gốc nho biển Bùi Vĩnh Phúc Tựa

      - Thế giới và những giấc mộng trong truyện của Vũ Quỳnh Hương Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - 9 Khuôn Mặt . 9 Phong Khí Văn Chương Bùi Vĩnh Phúc Giới thiệu

      - Quyên Di và mắt nhìn nhân ái vào thế giới của đời thường Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

    3. Bài viết về nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Bùi Vĩnh Phúc

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Hiệu Ứng Của Âm Và Thanh Trong Thơ Qua Lăng Kính Của Nhà Phê Bình Văn Học Bùi Vĩnh Phúc (Trần C. Trí)

      Bùi Vĩnh Phúc: Nhà Phê Bình Cùa Thơ Mộng, U Hiển (Phan Tấn Hải)

      Bùi Vĩnh Phúc Ra Mắt Sách: 9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương (Việt Báo)

      Bùi Vĩnh Phúc con đường từ những dòng khắc chữ (Trần Vũ)

      Bùi Vĩnh Phúc (Học Xá)

      - Giới thiệu Bùi Vĩnh Phúc

        (phannguyenartist.blogspot.com/)

      - Tản Mạn Văn Học Với Nhà Phê Bình Bùi Vĩnh Phúc (Nguyễn Mạnh Trinh & Nhã Lan)

      - Những Nhà Phê Bình Văn Học Hải Ngoại (Bùi Công Thuần)

       

      Tác phẩm của Bùi Vĩnh Phúc

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ II (Bùi Vĩnh Phúc)

      Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ I (Bùi Vĩnh Phúc)

      Mấy Suy Nghĩ Thơ (Bùi Vĩnh Phúc)

      Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn (Bùi Vĩnh Phúc)

      Bùi Giáng (1926 - 1998) (Bùi Vĩnh Phúc)

      Văn chương Mai Thảo: biên địa của cảm xúc và cái đẹp, giao thoa với ý thức về đời sống

      Như Chiếc Rìu Đập Vỡ Mặt Băng

      Hợp âm. Mùa xưa. Quá khứ

      hai mươi năm văn học miền nam (1954 – 1975): phẩm tính và ý nghĩa

      Đọc Kiều của Trương Vĩnh Ký, nghĩ về ngôn ngữ Việt & một vài khía cạnh biến đổi ngữ âm, ngữ nghĩa trong tiếng Việt

      Đọc, giữa những ảnh xạ của phê bình

       

         Bài viết trên mạng:

       damau.org, tienve.org, hopluu.net

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ II (Bùi Vĩnh Phúc)

      Về vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn, nhà thơ I (Bùi Vĩnh Phúc)

      Đời Thủy Thủ 2: Chương 1: Vịnh Quy Nhơn (Vũ Thất)

      Đời Thủy Thủ 2: Mở (Vũ Thất)

      Mấy Suy Nghĩ Thơ (Bùi Vĩnh Phúc)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)