|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Năm 1974, nhà xuất bản Sóng do nhà văn Nguyễn Đông Ngạc chủ trương, đã thực hiện tuyển tập truyện ngắn nhan đề “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta”, gồm 45 tác giả, 45 truyện ngắn. (1) Họ Nguyễn đã gửi một câu hỏi chung cho 45 tác giả được mời tham dự. Đó là câu hỏi “quan niệm về truyện ngắn”.
Trả lời câu hỏi này, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết:
“Theo tôi thì thể truyện ngắn khá cô đọng, tuy không cô đọng như thơ, chớ vẫn không quá loãng như tiểu thuyết. Viết truyện ngắn thì dễ làm loại văn xúc tích hơn là truyện dài. Loại văn súc tích rất cần cho một loại đề tài nào đó, mà người viết sẽ không thành công nếu họ dùng loại truyện dài.” (2)
Phát biểu trên của một nhà văn sinh trưởng ở miền Nam, tác giả khoảng 1,000 truyện ngắn, trên 50 tiểu thuyết, 4 tác phẩm nghiên cứu, trong đó bộ “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” dày trên 1,000 trang. Cuốn đầu đã được xuất bản, phần còn lại khoảng 800 trang viết tay, coi như bị thất lạc.
Theo Wikipedia-Mở thì, hành trình văn chương, nghiên cứu của nhà văn Bình Nguyên Lộc có thể tạm chia thành bốn thể loại chính. Tóm tắt như sau:
“Cổ văn: Bình Nguyên Lộc chú giải các tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam bao gồm Văn tế chiêu hồn (Nguyễn Du), Tiếc thay duyên Tấn phận Tần (Nguyễn Du), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Thu dạ lữ hoài ngâm (Đinh Nhật Thận). Các công trình này lần lượt được công bố trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn.
“Dân tộc học: Nổi bật là tác phẩm ‘Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam’ (1971). Đây là một công trình dài hơi trong sự nghiệp nghiên cứu của ông. Với tác phẩm này, tác giả đã góp phần vén lên tấm màn dày đã từ lâu phủ kín nguồn gốc mù mờ của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng gây nên một dư luận đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu về Việt Nam Học.
“Ngôn ngữ học: Tiêu biểu là tác phẩm Lột trần Việt ngữ (1972), là một cái nhìn mới về ngữ nghĩa tiếng Việt. Bình Nguyên Lộc đứng trên quan điểm dân tộc học để tìm hiểu nguồn gốc và ngữ nguyên của Tiếng Việt từ thời cổ đến thời hiện đại.
“Sáng tác: Đây là phần đồ sộ nhất trong hành trình sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Ông từng viết tiểu thuyết bằng thơ trường thiên như Thơ Ba Mén, Việt sử trường ca, Luận thuyết y học, Thơ thổ ngơi Đồng Nai, Ca dao... Ông còn có công sưu tầm được hàng chục nghìn câu ca dao và có chú thích về từng đặc trưng của nó. Ngoài ra, ông viết hàng nghìn truyện ngắn và truyện dài kỳ với nhiều đề tài khác nhau…”
Chính vì sự nghiệp sáng tác cũng như trước tác của nhà văn Bình Nguyên quá đồ sộ, cho nên, trong loạt bài nhan đề “Sống và viết với…Bình Nguyên Lộc”, nhà thơ Nguyễn Ngu Ý, đã xếp ông vào danh sách “Tam kiệt” của Việt Nam; bên cạnh Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương. (3)
Nhà văn Bình Nguyên Lộc
(HS Nguyễn Thị Hợp vẽ)
Về tiểu sử, người ta được biết, nhà văn Bình Nguyên Lộc, tên thật Tô Văn Tuấn. Giấy khai sinh ghi ông sinh ngày 7 tháng 3 năm 1915 tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Nhưng theo Wikipedia-Mở thì:
“… Trên thực tế có thể ông sinh ít nhất một năm trước ngày ghi trong giấy khai sinh, nghĩa là năm 1914, nhưng không rõ có đúng là ngày 7 tháng 3 hay không…”
Theo một tư liệu của tác giả Nguyễn Ngọc Chính ghi nhận về bút hiệu Bình Nguyên Lộc thì, được tác giả Nguyễn Ngọc Chính viết xuống như sau:
“…Nhà văn còn giải thích rõ bút hiệu Bình Nguyên Lộc của ông. Viết cho đúng thì chữ ‘nguyên’ không viết hoa và phải có gạch nối với chữ Bình vì ‘Bình-nguyên’ nghĩa là đồng bằng. Còn ‘Lộc’ là con nai, ông người gốc Đồng Nai, nơi có dòng sông mang cùng tên nổi tiếng miền Đông Nam Bộ.” (4) Nhưng cho đến ngày “Tam kiệt” của văn chương Việt Nam từ trần, dường như không một nhà xuất bản hay nhà báo nào chú ý để viết đúng theo ý nghĩa của bút hiệu Bình nguyên-Lộc / Tô Văn Tuấn! (5)
Về những ngày đầu khởi nghiệp văn chương của họ Tô, Nguyên Lộc, vẫn theo tác giả Nguyễn Ngọc Chính thì:
“Trong tập hồi ký viết giang giở trước khi từ giã cõi đời tại Hoa Kỳ mang tên Nếu tôi nhớ kỹ, Bình Nguyên Lộc cho biết ông viết văn, viết báo từ năm 1942 nhưng đến năm 1952 mới đứng ra làm công việc có liên quan đến báo chí. Ông chủ trương tờ Vui sống, tuần báo văn nghệ có khuynh hướng y học với mong muốn áp dụng kiến thức y học phổ thông vào đời sống thực tế.
“Năm 1956, ông cùng các văn hữu cho ra đời tờ Bến Nghé, tuần báo có tinh thần văn nghệ lành mạnh, mang màu sắc địa phương với mục đích làm sống dậy sinh khí của đất Gia Định xưa. Ngoài ra, ông cùng các đồng nghiệp thành lập Nhà xuất bản Bến Nghé, chuyên xuất bản các tác phẩm văn chương mang hương sắc Đồng Nai, Bến Nghé…” (6)
Sau biến cố 30 tháng-1975, nền VHNT miền Nam bị chính quyền CS nhìn như một nền văn hóa đồi trụy, phản động. Chỉ có một vài người cầm bút được chế độ mới ưu đãi, săn đón dưới nhiều hình thức…
Nếu ở lãnh vực dịch thuật, dịch giả Nguyễn Hiến Lê được săn đón, thăm hỏi ưu ái nhất thì, ở lãnh vực sáng tác, người nhận được sự ưu ái đặc biệt vừa kể, chính là nhà văn Bình Nguyên Lộc, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Đò Dọc”, một trong ba “tam kiệt” của Việt Nam (theo nhà thơ Nguiễn Ngu Í).
Tuy nhiên, qua một bài viết có tính hồi ký của nhà văn Mai Thảo, viết về nhà văn Bình Nguyên trong thời gian kể trên, người đọc được thấy rất rõ: Tác giả “Rừng Mắm” không hề lấy thế làm hãnh diện, hay vội vàng đưa tay ra để nắm lấy cơ hội hãn hữu. Trái lại, ông rất cẩn trọng, tế nhị khước từ mọi săn đón của phe thắng cuộc. Phản ứng này cho thấy nhân cách đáng trân trọng biết bao của tác giả “Đò Dọc” - - Mặc cho nhiều nhà văn, nhà thơ miền Nam trở cờ, xu nịnh, tự nguyện đi tịch thu sách báo miền Nam. Thậm chí, không thiếu tác giả còn tự lên án, khai tử tác phẩm của mình nữa!!!
Về sự được săn đón, “chiêu đãi đặc biệt” mà giới văn nghệ CS, được nhà văn Mai Thảo (7) ghi lại, như sau:
“Những lần (Mai Thảo) tới thăm Bình Nguyên Lộc như vậy, ông thường nói ít lời như một tạ lỗi, nhờ tôi nói lại với anh em, với mọi người. Rằng từ ngày người con trai lớn mất, ông đã chẳng muốn đi đâu. Rằng chứng áp huyết nặng tối kỵ những di chuyển, những họp mặt. Rằng ‘họ’ đã vào tới rồi, thành phố là của ‘họ’, đời sống chẳng còn gì đáng thấy, đóng cửa trong nhà thôi.
“Lập luận về một thái độ sống thu vào im lặng và ẩn dật, thoạt nghe ở Bình Nguyên Lộc tưởng thật dễ dàng. Sự thật, nó chẳng dễ dàng chút nào, với Bình Nguyên Lộc, với chế độ mới và Bình Nguyên Lộc, suốt thời gian ở đó. Và cái lý do giản dị chỉ là ông chẳng phải là một người viết văn như bất cứ một người viết văn nào mà là nhà văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam.
“Bây giờ, đó là thời gian từ 30 tháng tư 75, tới đầu 76, Trung Ương Đảng Cộng Sản ở Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc. Chính sách đó nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ, giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần.
Suốt ba mươi năm văn học, Nam Bắc đã một nhà, Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt cái tình trạng hòa đồng tốt đẹp đó. Và người chúng đã dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc. Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó, đến nhóm văn nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan trọng như Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Anh Đức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn, nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Đò Dọc, về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sinh kế vẫn bảo đảm, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn là nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu Cô Giang Cô Bắc, tươi cười, nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn, chững chạc vậy thôi.
Duy có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Đình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị báo cáo kể công, Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi im lặng từ đầu đến cuối, không chịu phát biểu một lời nào.
“Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, của tiếp xúc Bình Nguyên Lộc với chế độ mới. Cố nhân quen biết tương đối thân thiết nhất với anh là Giang Nam, được Thế Lữ ca ngợi là tiếng thơ cách mạng lớn nhất miền Nam, về Sài Gòn giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng, mặc dù đã viết cho Bình Nguyên Lộc một lá thư thật dài, thật tình cảm, cũng thất bại. Thư mời Bình Nguyên Lộc tới trụ sở Hội. Mời sinh hoạt. Mời hội họp. Mời viết lại. Và Bình Nguyên Lộc đã nhã nhặn viết một lá thư trả lời. Nói ông rất đau yếu. Nói bị chứng áp huyết. Nói chẳng còn làm được gì. Nói chẳng thể đi đâu. Nói xin được yên thân.
Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khước từ, trước cái nhân cách và sự tự trọng chói lọi của Bình Nguyên Lộc. Họ đành để cho Bình Nguyên Lộc được cách biệt, được một mình, được vẫn mãi mãi là Bình Nguyên Lộc trong căn nhà đóng kín…” (8)
Nhân cách kẻ sĩ miền Nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc, phần nào rửa được những vết nhơ của thiểu số người cầm bút miền Nam, ngay sau biến cố tháng 4-1975, vì lý do này hay lý do khác, đã tự nguyện điểm chỉ bắt bớ anh em hay, tự nguyện đi từng nhà dân, để thu gom “văn hóa đồi trụy” miền Nam chất lên những chiếc xe ba gác, giao nộp cho phường khóm, để quăng ném chúng vào ngọn lửa “phần thư” mù quáng hận thù!
Bây giờ mọi sự đã qua, thời thế đã đổi thay. Nhưng nhìn lại giai đoạn lịch sử VHNT tăm tối đó của miền Nam, 20 năm, tôi cho vẫn là một cần thiết, vì tính lịch sử của sự việc…
Với con số trên dưới một nghìn truyện ngắn đã hoàn tất, nhiều người không ngần ngại, ví nhà văn Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn như một thứ “đại gia”, một nhà “vô địch” ở thể loại văn xuôi này.
Với số lượng truyện ngắn khổng lồ ấy, họ Tô có nhiều truyện ngắn nổi tiếng. Một trong số đó, được nhiều người biết đến và, hôm nay, vẫn còn nhắc tới là truyện ngắn “Rừng Mắm”, do chính ông chọn, giao cho nhà xuất bản Sóng, in trong tuyển tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Ta” (9)
Trả lời câu hỏi chung của nhà xuất bản về truyện ngắn tự chọn, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết:
“Xin nhường phần này cho nhà xuất bản. Nhưng cũng xin nói thêm rằng câu chuyện trong ‘Rừng Mắm’ chỉ xảy ra tại miền Nam nước Việt, còn thì không thể xảy ra ở phần đất nào khác trong lãnh thổ ta. Miền Nam là đất mới mà cho đến nay việc khẩn hoang vẫn chưa xong. Đất này lại là đất bùn lầy, nên không giống với việc khẩn hoang các vùng đất khô như trong tỉnh Quảng Đức chẳng hạn. Bạn đọc gốc miền Bắc khó lòng mà hình dung được lối khẩn hoang này. Miền Trung lại càng khó tưởng tượng đến những gì xảy ra trong truyện hơn.” (10)
Mặc dù tác giả lưu ý người đọc “…gốc miền Bắc khó lòng mà hình dung được lối khẩn hoang này. Miền Trung lại càng khó tưởng tượng đến những gì xảy ra trong truyện hơn.” Nhưng dường như lo ngại này, tuồng không gây một cản trở nào cho những độc giả sinh trưởng ở miền Bắc hoặc miền Trung.
Theo tôi, có dễ vì ngay tự những dòng chữ đầu tiên mở vào “Rừng Mắm”, khả năng so sánh hay liên tưởng và, nhân cách hóa sinh động, quyến rũ có từ tài năng thiên phú của ông, đã khiến độc giả không thể kiềm chế được sự háo hức, dõi theo sinh hoạt của thằng Cộc, nhân vật chính của truyện, trong một thế giới mà, khoảng cách giữa thiên nhiên, con người, đã được tác giả kéo lại gần, để rồi hòa lẫn thành một:
“Chim đang bay lượn bỗng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói từ nãy đến giờ, chờ đợi cái giây phút nầy đây.
“Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà.
“Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước, nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ.” (11)
Cũng là liên tưởng, nhưng liên tưởng của nhà văn Bình Nguyên Lộc cho thấy mức độ tài hoa và ý thức rất cao, khi ông dùng những ảnh-vật dân giã, vừa thích hợp với tầm nhận thức của nhân vật, lại vừa ứng hợp với “hiện trường” là vùng đất chưa được khẩn hoang của bối cảnh truyện.
Cứ thế, mạch truyện thong thả, nhẩn nha trôi như thiên nhiên có đó, để làm bầu bạn với thằng Cộc. Và, ngược lại, thằng Cộc có đó, để thiên nhiên hiện ra, tựa cho thấy thiên nhiên cũng có nhu cầu bầu bạn. Bầu bạn hay tình bạn mặc nhiên thân thiết, thương yêu, đầy kính ngưỡng giữa nhân vật truyện và, những sinh vật trong truyện được tác giả nhân cách hóa một cách trân trọng:
“Cộc ngửa mặt lên trời để theo dõi ông câu kỳ dị và tài tình ấy nữa, nhưng mắt nó bị ngọn dừa nước bên kia bờ rạch níu lại.
“Trên một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh
(*) như da trời trưa tháng giêng, đang yên lặng và bền chí rình cá.
“Trong thế giới bùn lầy mà thằng Cộc đang sống, ai cũng là ông câu cả, từ ông nội nó cho đến những con sinh vật nhỏ mọn quy tụ quanh các ngọn nước.
“Màu xanh của chim thằng chài đẹp không có màu xanh nào sánh kịp. Sự bền chí của nó cũng chỉ có sự bền chí của các lão cò sầu não là ngang vai thôi, cái bền chí nhìn rất dễ mê, nhưng mê nhứt là mũi tên xanh bắn xuống nước nhanh như chớp, mỗi khi thằng chài trông thấy con mồi.
“Thằng Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm cho nó quên thằng chài ngay. Là vì đầu cò chởm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê, cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng…”
Chỉ với một trang văn, tài hoa Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn đã giới thiệu với người đọc “chân dung” ba loài chim khác nhau. Từ con “chim thầy bói”, tới con “chim thằng chài” rồi, đàn cò lông bông mà thằng Cộc mê đắm tới độ gọi đó là “các lão cò sầu não.”
Là người đọc, tôi không biết thằng Cộc khi gọi “các lão cò sầu não”, có liên tưởng tới ông nội của nó không? Tôi nghĩ chắc là có. Bởi vì trước đấy không lâu, nó đã thấy “… ai cũng là ông câu cả, từ ông nội nó cho đến những con sinh vật nhỏ mọn…”
Cách khác, phải chăng, nhà văn Bình Nguyên Lộc chủ tâm cho thấy, khi con người chưa bị đô thị hóa thì, thiên nhiên là một phần đời sống thiết thân của con người?
Khi con người chưa bị kỹ nghệ hóa, trở thành một con ốc trong bộ máy khổng lồ, với niềm hãnh tiến mù quáng thì, thiên nhiên và con người ở thời kỳ khẩn hoang, là một. Thiên nhiên và con người không chỉ sống với / cho nhau mà, cả hai còn là người thân hay, niềm vui của nhau nữa.
Mặc cuộc sống phiêu lưu, nổi trôi đến đâu, lạc bước tới chân trời nào thì thiên nhiên, đất đai và con người vẫn cùng kề vai, sánh bước, chia xớt sự sống cho nhau. (Dù cho chẳng vì thế mà tai ương quên rình rập, đe đọa con người). Nhưng tinh thần của họ lúc nào cũng vạm vỡ, tinh khôi, sáng láng như bình minh mỗi ngày:
“…Những người di cư năm nọ trên chiếc xuồng cui vẫn còn sống đủ cả. Những chiều nghi ngút sương mù từ đất lầy bốc lên, và những đêm mưa gào gió hú, những người ấy kể chuyện cho Cộc nghe, những chuyện ma rởn óc như ăn phải trái bần chua (…) “Thằng Cộc ngạc nhiên mà thấy sao người vẫn sống không chết trong khí hậu tàn ác này: nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy.
“Chưa bao giờ mong mỏi của Cộc được thỏa mãn mau lẹ như hôm nay. Nó vừa thèm người thì nghe tiếng hò của ai bỗng vẳng lên trong rừng tràm, rồi tiếp theo đó là tiếng chèo khua nước:
“Hò ơ… tháng ba cơm gói ra hòn
“Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai
“Mũi thuyền cui ló ra khỏi khúc quanh của con rạch, và trên xuồng, chồng chèo lái, vợ ngồi không trước mũi mà hò. Cặp vợ chồng nầy, Cộc quen mặt từ mấy năm nay, nhưng không biết họ từ đâu đến. Nó chỉ biết họ ra biển để bắt cua và bắt ba-khía, một năm mấy kỳ. Nghe tiếng người lạ nói, nhứt là tiếng hát, Cộc sung sướng như có lần tía nó cho nó ăn một cục đường từ nơi xa mang về…” (11)
Vẫn là những so sánh, liên tưởng có từ một tài năng thiên phú, cộng với kinh nghiệm dạn dày trong “chiến trường chữ, nghĩa”, tác giả cho thấy, ông không chỉ sống trong nhân vật mà, ông còn sống giữa đời sống của bối cảnh truyện nữa. Tôi không nghĩ có một liên tưởng nào thích hợp và, ngọt ngào hơn liên tưởng sung sướng của thằng Cộc về tiếng hát và, cục đường của tía nó.
Nếu ở thể truyện ngắn, nhà văn Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn, cho thấy chủ tâm mô tả cảnh vật hay, tâm lý nhân vật chiếm khoảng 3 phần 10 tổng số chữ, thì ở thể truyện dài, họ Tô cho thấy phương diện này, chỉ chiếm khoảng 2 phần 10 tổng số trang mà thôi. Phần còn lại, ông dành cho đối thoại.
Tuy nhiên, với tài năng đặc biệt của mình, những mô tả trong truyện dài - - Điển hình như tiểu thuyết “Đò Dọc”, từng được trao giải nhất, bộ môn văn, giải Văn Chương Toàn Quốc 1960 (đồng hạng với tập truyện “Thần Tháp Rùa” của nhà văn Vũ Khắc Khoan) - - Thì những mô tả đó vẫn là những mô tả mang tính so sánh hay liên tưởng kiệm lời, nhưng đầy hình tượng, nhiều chất Bình Nguyên Lộc nhất. Thí dụ khi ông mô tả quang cảnh nơi ở mới của gia đình ông Nam Thanh (nhân vật chính), chạy loạn từ Saigon về miền đông Nam bộ, có những đoạn như:
“… Cây cối còn lùn bân mặc sức cho nắng đổ xuống vườn, cái thứ nắng hè buồn một nỗi buồn tẻ và chết như nỗi buồn nơi sa mạc.
“Cho đến cả xe cộ ngoài đường cũng a tùng để tăng thêm cái buồn trưa nắng. Bao nhiêu xe nhà, xe du lịch rộn rịp trên đường Thiên Lý khi sáng bây giờ đã rút lui đi đâu mất hết. Chỉ còn những chiếc cam-nhông tiền sử hổn hển kéo những rờ-mọt gỗ, khúc gỗ nào cũng như một thây người vừa bị lột da và những bành cao su sống phết vôi trắng chói lòa lên dưới nắng hè.”
Và:
“Con đường nhựa không đen nữa mà tím sẫm xuống như một băng lụa vắt ngang vòng hoa tang bằng cườm trong các đám phúng điếu.”
Hoặc:
“…Đèn pha xe hơi như những sợi dây đõi to, cột dính chiếc xe trước với một dọc xe sau rồi cả đoàn như được độc một chiếc đầu kéo đi…” (Trích “Đò dọc”, chương 3)
Hoặc nữa:
“…Chú rể Long rước cô dâu Hồng đi xong, chiều lại ông bà Nam Thành ngồi nhơi cái hiu quạnh của mình…” (Trích “Đò dọc”, chương 18).
Tôi nghĩ, khó có nhà văn Nam bộ nào có thể dùng động tự “nhơi” đi trước tính từ “hiu quạnh” đúng chỗ và, hay hơn họ Tô, ở những dòng cuối cùng, trước khi “Đò dọc” chấm dứt.
(Tưởng cũng nên nhấn mạnh, đấy là lần thứ hai ông dùng động tự “nhơi” trong tiểu thuyết “Đò dọc” của mình.
Cũng động tự “nhơi” kia, nơi chương 3, ông đã viết:
“... Không ai buồn lên gác cả. Gia đình tụ họp nơi buồng tiếp khách, ngồi lặng thinh nhìn cam-nhông mui lá dài ngoằng, uể oải bò như con trâu già mệt nhọc kéo xe rơm khô, tuy chở nhẹ vẫn không muốn bước.
“- Rồi phải bày ra công việc gì để làm vào giờ trưa mới được, ông Nam Thành nói: ngồi không như vầy mà nhơi những nỗi buồn xa ở đâu đâu ấy, hại lắm…”
Với tôi, ngôn ngữ Nam bộ được họ Tô cùng, không chỉ hồn nhiên như bản chất người Nam bộ mà, nó còn mang cả hồn tính của tổ tiên chúng ta thời mở cõi nữa.
Ngoài đặc tính chơn chất, bình dị, với những từ ngữ “Nam bộ” rặc, tựa đó thẻ nhận dạng văn chương của họ Tô, tác giả “Dò Dọc” cũng làm sống lại những bài vè miền Nam, thuộc dòng văn học dân gian - - Như đoạn cô con gái lớn của ông Nam Thành tên Hương, trong giây phút hồi tưởng quá khứ chưa xa, đã hát:
“Con chim manh manh
Nó đậu cành chanh
Tôi vác miểng sành
Tôi chọi chết giãy
Tôi làm bảy mâm
Tôi dưng ông ăn
Ông hỏi chim gì
Tôi nói manh manh
Nó đậu cành chanh
Tôi vác…”
Rồi cô đố các em tìm được một bài hát có “… câu chót nối trở lại câu đầu, liên hồi bất tận hát được hoài không bao giờ dứt cả.” Thì cô Quá, tức cô em út hát ngay:
“Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da
Nhái lột da người ta còn bắt
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như bánh trôi sông
Bánh trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây nguời ta còn hái
Bậu lỡ thời như…” (Trích “Đò dọc”, chương 3)
(Khi chọn bài vè này, cô Út Quá, còn ngụ ý trêu chọc chị Hai của mình, lớn tuổi rồi mà vẫn chưa có chồng).
Cũng trong chủ tâm lưu truyền cho đời sau, những nét sinh hoạt đặc thù của người dân quê miền Nam thời khai hoang, nhà văn Bình Nguyên Lộc còn tìm cách đem vào tiểu thuyết của ông bài vè “chửi mất gà”, do một bà hàng xóm của gia đình ông Nam Thành “hát” lớn cho cả xóm “thưởng thức”:
“… Chiều hôm ấy, thím lo lắng mà thấy con gà trống tơ màu bắp chuối không về. Thím bền chí đứng đợi một hồi rất lâu, đến chạng vạng mới chịu đóng cửa sau lại.
“Thím tư uống nước xong, ra sân tằng hắng vài tiếng rồi người ta nghe như là ai mở rađiô, thao thao bất tuyệt:
“ ‘Xóm trên, xóm dưới, xóm ngoài, xóm trong mở lỗ tai mà nghe đây nè: gà của tao còn ràng ràng hồi trưa mà quân nào đã ăn tươi nuốt sống rồi…
“ ‘… Mẹ! giường thờ chiếu trải tiên nhơn cha bây, bây có thèm thịt thèm cá thì nuôi lấy mà ăn chứ làm chi như vầy, ông bà ông vải bây ngồi trên giường thờ sao cho yên nè!
“ ‘… Mẹ! Cao tằng cố tổ tiên nhơn cha bây, cả kiếng họ mẹ bây, rán mà ngoáy lỗ tai để nghe tao chửi…
“ ‘… Quân tham lam bây ăn thịt gà mắc xương nghẹt họng bây, bây ăn rồi bây ngã ra giãy tê tê rồi chết toi, chết dịch…’
“Vân…vân… và…vân…vân…
“Mấy chị em ngạc nhiên hết sức mà nhận ra tự vựng chửi rủa của ta rất giàu và âm nhạc chửi rất phong phú nhịp điệu.
“Quả thế, thím tư chửi bằng giọng khi bổng khi trầm, khi bổng thì như diều lên, khi trầm thì như tiếng xe lửa Biên Hòa mà họ nghe xa xa về đêm. Thím chửi có nhịp có nhàng, có tiếng ngân dài, có tiếng dừng tức…” (Trích “Đò dọc”, chương 4).
Như đã nói, vai trò đối thoại trong truyện Bình Nguyên Lộc, không chỉ là những đối đáp, phản ứng của các nhân vật ở đời thường mà, theo tôi, chúng còn có dụng tâm cổ súy đạo đức, kích thích tình yêu gắn bó giữa đất và con người.
Đọc lại, 18 chương ngắn dài của “Đò dọc”, độc giả cũng sẽ dễ dàng nhận ra những phân tích tâm lý và, ngụ ý thâm sâu của tác giả, từ cách ông đặt tên cho các nhân vật, tới nơi chốn họ sinh sống nữa.
Tóm lại, dù ở thể loại nào, truyện ngắn hay truyện dài, nhà văn Bình Nguyên Lộc vẫn là nhà văn lớn, không chỉ tiêu biểu cho văn chương miền Nam (qua từ ngữ) mà, tác phẩm của ông còn làm giầu cho văn học Việt Nam trên căn bản con người gắn bó với đất nước, quê hương của mình - - Dù những con người ấy, có trải qua tình huống bi đát hay nghèo khó… Đáng kể hơn nữa, vẫn theo tôi, tài hoa Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn và, nhân cách vĩ đại của ông, vốn là một. Đó là hai phạm trù ít khi cùng nhau, đi chung một con đường!!!
(Garden Grove, Aug. 2014)
_____________
Chú thích:
(1) Nhà văn Nguyễn Đông Ngạc sinh ngày 10 tháng 9 năm 1939, mất ngày 21 tháng 2 năm 1966 tại Montreal, Canada.
(2) Tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta” do nhà Sóng ấn hành năm tại Saigon, 1974 - - Với chân dung 45 tác giả do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh thực hiện. Sau 1975, nhà xuất bản N.A. ở Pháp, in lại tuyển tập này, chẳng những đã không xin phép mà còn tự ý cho thêm hai tác giả mới vào tuyển tập. Khi biết được, nhà văn Nguyễn Đông Ngạc đã không dấu được thất vọng và bất mãn trước việc làm của nhà xuất bản này.
(3) Nhà thơ Nguiễn Ngu Í tên thật Nguyễn Hữu Ngư, sinh năm 1921, mất năm 1979. Một số nhân vật cùng thời với họ Nguyễn đã ghi nhận về ông, như Giáo sư Trần Văn Khê (một trong những người bạn của Nguyễn Ngu Í), viết: “Anh Ngư viết văn Pháp rất hay, nhưng anh yêu tiếng Việt, anh lại muốn cho người Việt ai cũng đọc được sách báo nên tham gia rất tích cực phong trào xoá nạn mù chữ. Nguyễn Ngu Í còn sáng tạo ra cách viết chữ quốc ngữ sao cho hợp lý hơn...”
Nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê thì kể: “Anh (Nguiễn Ngu Í) căm phẫn xã hội, căm phẫn thời đại, căm phẫn mọi người. Anh có nhiều lý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng ra cũng càng mạnh... Ông là một cuộc đời đau khổ nhất và cũng đặc biệt nhất trong giới văn nghệ sĩ hiện đại”.
Còn theo nhà văn Sơn Nam thì: “…Nguiễn Ngu Í là một nhà văn nổi tiếng yêu nghề và yêu nước, luôn xót xa vì chuyện đất nước chia đôi. Dường như cả một đời dạy học và hoạt động báo chí ở Sài Gòn, Nguyễn Ngu Í lúc nào cũng trong trạng thái nửa tỉnh nửa điên.”…
(4), (6) Nđd.
(5) Sau 1975, ông ngưng cầm bút vì bệnh nặng. Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Mỹ chữa bệnh. Ngày 7 tháng 3 năm 1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California, vì bệnh cao huyết áp, thọ 74 tuổi. Ông được an táng ngày 14 tháng 3 năm 1987 tại nghĩa trang Sunset Lawn. Vợ ông, bà Dương Thị Thiệt, qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1988 cùng nơi với ông. (Theo Wikipedia-Mở)
(7) Mai Thảo (1927-1998).
(8) Trích “Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam”, Văn Khoa, California xuất bản, 1985.
(9), (10), (11) Nđd.
(*) Theo chú thích nơi nguyên bản truyện của chính tác giả thì: “Tác giả thấy màu lông của loại chim này là màu lục. Nhưng người miền Nam cứ cho nó là màu xanh, nên tác giả viết theo đa số, để được hiểu. Vả lại, đôi khi trời mưa thì cũng có thể thấy chim ấy màu xanh”. (Nđd)
- Những nẻo đường văn chương, hội họa... quyết liệt của Võ Công Liêm Du Tử Lê Nhận định
- Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng Du Tử Lê Nhận định
- Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nổ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Tuấn Huy Du Tử Lê Nhận định
- Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Tường Thiết Du Tử Lê Phỏng vấn
- Họa Sĩ Phạm Tăng Du Tử Lê Nhận định
- Những Mảng Tối Cuối Đời nhạc Sĩ Tài Hoa Thanh Bình! Du Tử Lê Nhận định
- Lộ trình thơ, nhạc Trần Duy Đức Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên Du Tử Lê Nhận định
- Lê Lạc Giao - Tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn Du Tử Lê Nhận định
• Đọc lại ’Rừng Mắm’ của Bình Nguyên Lộc, lan man nghĩ về Đồng bằng Sông Cửu Long (Trùng Dương)
• Nhà văn Bình Nguyên Lộc, “Tam kiệt Việt Nam” (Du Tử Lê)
• Nhân Cách Bình Nguyên Lộc (Mai Thảo)
• Nhớ lần thăm nhà văn Bình Nguyên Lộc (Phan Việt Thuỷ)
Bình Nguyên Lộc (1914-1987): Đất nước và con người (Thụy Khuê)
Nhà văn Bình Nguyên Lộc & Đò Dọc (Nguyễn Ngọc Chính)
Nhà văn Bình Nguyên Lộc (Thế Nhân)
Bình Nguyên Lộc và tình đất (Nguyễn Vy Khanh)
Tiểu sử (wiki)
• Địa danh cũ Sài Gòn (Bình Nguyên Lộc)
• Vài kỷ niệm viết lách với Thanh Nam
(Bình Nguyên Lộc)
• Bình Nguyên Lộc: Kinh Nghiệm Viết Văn Của Tôi (Bình Nguyên Lộc)
• Gương Mặt Của Dân Lạc Việt Qua Ngôn Ngữ Việt Nam (Bình Nguyên Lộc)
• Vài Ý Nghĩ về Truyện Ngắn (Bình Nguyên Lộc)
Tác phẩm trên mạng:
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |