|
Dương Kiền(28.12.1939 - 17.11.2015) | Khái Hưng(.0.1896 - 17.11.1947) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Vũ Tiến Lập là bút hiệu và cũng là tên thật. Nguyên quán Thái Bình, Bắc Việt nhưng Vũ Tiến Lập lớn lên tại miền Nam do cùng gia đình di cư từ sau năm 1954.
Sau biến cố 30/4/1975, cuộc di cư tị nạn lần thứ hai của người Việt Nam đã đưa Vũ Tiến Lập tới Hoa Kỳ và hiện nay định cư tại Houston, Texas.
Khởi từ thời kỳ này Vũ Tiến Lập bắt đầu tham gia sinh hoạt văn nghệ qua việc sáng tác thơ và thường xuyên cộng tác với nhiều tạp chí tại hải ngoại như Gió Văn, Hợp Lưu, Phương Trời Cao Rộng... cùng các website như Gió O, Chim Việt Cành Nam....
Năm 2006, Vũ Tiến Lập đã có tác phẩm Tạp Ghi Thơ do Gió Văn xuất bản và các năm sau đó đã góp mặt trong hai tác phẩm Thắp Nắng Bên Trời và Giữa Đất Trời Giao Hưởng.
Hai tác phẩm này do Hồ Trường An biên soạn.
Thắp Nắng Bên Trời do Văn Học xuất bản năm 2007 và Giữa Đất Trời Giao Hưởng do Gió Văn xuất bản năm 2008
VŨ TIẾN LẬP với Tạp Ghi Thơ II
Trong các dịp trò chuyện, Vũ Tiến Lập thường báo dạo này sáng tá thơ hơi khó khăn.
Nhưng những bài thơ tự do của Vũ Tiến Lập chứng tỏ dòng suối thơ của nhà thơ tuôn dào dạt. Chữ nghĩa trong các bài thơ thật thoải mái, không quá săn sóc kỹ lưỡng như một thợ thêu xoàng xĩnh. Vũ Tiến Lập luôn biểu hiện vóc dáng một nghệ nhân do cảm hứng dùng một thứ ngọc quý làm thành một món trân ngoạn lộng lẫy. Về hình thức, thơ Vũ Tiến Lập tuôn ra lai láng theo thủy triều cảm hứng dâng cao.
Lan Man mở đầu bằng cảnh ngộ người đi trong một góc phố đẫm đầy sương khuya, lại nghĩ những chuyện phất phơ, không thiết thực: Khơi dậy đôi cánh ẩn mình / gây gió lao xao.
Đó chỉ là điều mơ ước khi đương sự cảm thấy mình bị ràng buộc bởi một sự chống đối siêu hình hay một bàn tay vô hình. Nhưng ở các câu kế tiếp là những lời tự thú. Đương sự mượn đôi “tay thủ để treo ngược nỗi buồn” (sic) tức là làm cho bao người đau khổ, nụ cười không chớm trên môi. Con cá ngược dòng là cá tích.
Trong kinh Phật bảo rằng, người tu hành phải là kẻ đi ngược với các phàm nhân, xả bỏ tham sân si, nếu không thì cùng các phàm nhân không ai thoát khỏi vòng quay của bánh xe luân hồi. Nhưng con cá Vũ Tiến Lập bị trở ngại bởi “sương rào chắn lối” (sic). Câu thơ “những ải sương rào chắn ngắn” cũng là câu thơ đẹp, chỉ chúng ta thấy trên bước đi của một hành giả trong buổi hàng sơ cơ gặp chuyện trở ngại là thối chí ngã lòng.
Đương sự muốn trở thành loài ngân thử ngủ suốt mùa đông dài để khi tỉnh ngủ sẽ gặp mùa xuân sáng lạn. Nhưng ngủ vùi suốt mùa đông để chờ mùa xuân trở về, rồi cũng lại suy nghĩ lan man, thì đó không phải là kẻ hành giả với ý thức sáng trưng. Đó là kẻ lánh nặng tìm nhẹ, chỉ thoát ly một mùa đông chứ không thoát kiếp luân hồi.
lan man
phố ảo dưới sương khuya khơi dậy đôi cánh ẩn mình
gầy gió lao xao
một đời vay mượn
đôi tay sát thủ
treo ngược nỗi buồn,
trên môi bế tắc
bến cũ
lất phất hạt mưa
con cá ngược dòng
những ải sương rào chắn ngắn
đôi khi muốn ngủ vùi như loài sâu
đợi chờ mùa xuân trở lại
Cái khéo là thi sĩ dùng chữ rất có ý nghĩa. Chữ nghĩa tuy mơ hồ, nhưng chúng vẫn cứa mạnh vào ấn tượng, vào nỗi cảm hoài chúng ta: “một đời vay mượn / đôi tay sát thủ / treo ngược nỗi buồn / trên môi bế tắc".
Ta chỉ biết đương sự không được hạnh phúc. Tâm khảm bị chất đầy ưu tư, vai gánh vác những trọng lượng siêu hình để biến thành hệ lụy. Bài thơ tiêu cực. Sinh vật ngủ say chắc gì thoát những cơn ác mộng quấy nhiễu tâm tư mình. Chúng ta sinh ra không phải hoàn toàn để hưởng phước. Chỉ có ta mới hiểu được ta. Nếu ta sống bằng vô ngã, không để cho cái ngã đưa ta vào những cạm bẫy của tham vọng tức là ta khởi sự một cuộc đăng trình vào một cảnh giới thức tỉnh.
Nhưng mà được trạng thái ấy ta còn phải tu luyện bằng cách thiền quán để được cái tâm trong suốt và rạng ngời như bình pha lê đựng trăng báu. Không làm gì cả, không hiểu sức mạnh hùng tráng vạm vỡ của thiền quán, sống như người buồn ngủ, mắt lim dim; tâm trí mờ mịt. Đó là nhận lấy cái không-vô-ký.
Vũ Tiến Lập đã có kinh nghiệm về cái không-vô-ký ấy. Lại thêm một bài thơ tiêu cực. Nhưng xin đừng chê một bài văn nói lên cái yếu mềm hay một áng thơ tiêu cực. Văn thơ tích cực mà diễn tả tâm trạng của nhân vật trong sách thật hời hợt thì thường đó là những văn thơ ca tụng theo kiểu tung hô chủ nghĩa Phát-Xít, chủ nghĩa Cộng Sản. Còn văn thơ tiêu cực mà diễn tả trung thật các nhân vật bất hạnh là văn thơ có chiều sâu, có nghệ thuật.
vô ký
căng tình lên mùa đông
mưa lũ lượt xâu xé
chiêu hàng tháng giêng bộc nỗi khó
độc dược vừa vỡ cay bờ môi
mặc khách giữa triều âm trùng điệp
mùi hương quỷ mỵ
thủy thần nào giam giữ
sóng chết cuối bờ mang nặng mưa
đêm nay mùa trăng gầy bất hạnh
đại dương động tình phút thiên thu
về đâu biển sao vừa thắp ngọn
chỗ an nhiên là ở cuối ga tầu
đừng nuối tiếc đôi bàn tay quá nhỏ
khi tiếng cười rạn vỡ ánh tinh vân
em vẫn là
ta cố đợi
bóng từ nhan bàng bạc
dù ngày mai vô ký
Đây là một bài thơ buồn, lấy mùa mưa làm nền cho khung cảnh. Mưa lũ lượt xâu xé mặt đất.
Tác giả đã cảm thấy những gì?
Một mùa đông có mưa, người khách hiện diện giữa tiếng sóng hải triều, mùa trăng không người thưởng ngoạn (mà tác giả cho là bất hạnh), đại dương xao động, mùi hương ma quái, tiếng cười ròn rã như làm vỡ đến tinh vân... Những cái đó làm tác giả lưu tâm. Nhưng có ích gì đâu. Cảnh vật bên ngoài chỉ làm thi sĩ bải hoải, buồn theo thói thông thường. Anh chưa tìm một chỗ nào, một ngày nào để được an nhiên ở cuối ga tàu. Nhưng anh vẫn hẹn người yêu dù cho cái bóng linh thiêng phảng phất (khi “bóng từ nhan bàng bạc”) “dù ngày mai vô ký”.
Đây chỉ là một bài thơ tình rất đẹp, không hẳn là bài đạo ca. Hoặc có thể bảo đây là bài thơ tình thấp thoáng những tư duy về lẽ sống chết, về cuộc hạnh ngộ trong mơ ước, trong lời hứa hẹn giữa trời biển mênh mông. Đêm thượng huyền hay đêm hạ huyền thì mảnh trăng khuyết. Nhưng còn có biển vẫn sôi nổi mà không cuồng nộ. Và tinh tú trên biển trời vẫn bừng sáng. Nhưng em ở đâu? Thi sĩ vẫn chờ đợi em.
Cũng có thể nghĩ rằng “em” là cái Chân Tâm mà tác giả hằng mong đợi dù ngày mai tác giả mỏi mệt không tìm bóng từ nhan (mà tác giả tưởng tượng là Đức Thế Tôn Như Lai hay bất cứ vị Bồ Tát nào đó).
Nếu nghĩ thế thì đây là một bài đạo ca.
Trời đêm nạm đầy sao sáng và biển rộng thường làm chúng ta nghĩ đến thần linh, hoặc các đấng cao cả hơn hiện thấp thoáng mơ hồ.
Người thích đọc thơ Thiền hoặc hay làm thơ Thiền ưa tìm cái ẩn dụ trong thơ. Gặp được cái nghĩa huyền nhiệm trong thơ thì như đãi cát tìm được vàng. Có nhiều độc giả rất thú vị khi nghe lời tuyên bố của Paul Valéry rằng chỉ muốn thơ của ông ta đi vào tâm hồn và cách thưởng ngoạn mỗi người bằng nghĩa thú khác nhau, bằng thế giới khác nhau. Đọc thơ của Vũ Tiến Lập, ta nghĩ rằng đây là bài thơ Thiền thì kẻ khảo cứu kinh kệ mỉm cười thông cảm. Còn bảo đây là bài thơ tình thì nữ độc giả mỉm môi cười âu yếm.
Nhà thơ Vũ Tiến Lập
Nhà thơ Phương Triều là bạn chung của Vũ Tiến Lập và tôi. Anh tạ thế vào mùa đông năm 2008. Anh đã để lại những tập thơ có tư tưởng rất sâu xa. Vũ Tiến Lập không khóc bạn bằng bài thơ ai điếu mà tâm sự với vong linh bạn bằng cách nói về lẽ sống chết của sinh linh để vong hồn bạn thông hiểu vấn đề sinh trưởng và hoại diệt.
nước xám
- Tặng Phương Triều
mùa tầm tháng cuối
gối mềm mái cỏ
quanh co sương miên man
bước về mộng gác trăng già
có bao giờ tôi là thơ
tan theo những đám mây xa lắc
nhớ bạn lòng thênh thang
thốt không được một lời
lặng câm như cánh cửa im lìm sám hối
suối sâu nước buốt
chảy suốt vào ba ngàn thế giới
củi mục tháng năm dài
cạn dần dư vị mưu toan
làm sao an ủi được lòng mình
chỗ đứng đầy những vết sẹo
gió dẫu chết
hoa vẫn rụng
đuổi bóng càng thêm xa
Đây là bài thơ hoài niệm chứ không phải là loại chiêu hồn. Tâm sự buồn phiền của Vũ Tiến Lập được cảnh ảm đạm tiêu sơ rọi bóng sáng hắt hiu lên trên. Đó là những câu: “mùa tầm tháng cuối/ gối mềm mái cỏ/ quanh co sương miên man/ bước về mộng gác trăng già".
Mộng ước của tác giả là biến như một đám mây xa xôi quyện vào cái chất thơ mộng của một bài thơ. Tới đây, ý tình huyền nhiệm của anh tuy còn phong kín, nhưng hai câu “có bao giờ tôi là thơ/ tan theo những đám mây xa lắc” đã mở cánh cửa của tâm linh trong khoảng thời gian hoài niệm của tác giả.
Trong khoảng thời gian đó, anh không thốt nên lời.
Thật ra không phải anh đau vì cảnh biệt ly người đi kẻ ở, kẻ còn người mất. Người chết làm cho tác giả “nhớ bạn lòng thênh thang”. Nhưng anh lại suy tư về cái chuyện “suối sâu nước buốt/ chảy suốt vào ba ngàn thế giới.” Đó là trận thủy tai, mưa tuôn suốt vạn nghìn năm, làm lụt lội ba nghìn thế giới.
Trong một thời gian ngắn thì thi sĩ như “củi mục tháng năm dài/ cạn dần dư vị mưu toan.”
Nhưng mưa còn rơi khoảng thời gian hằng triệu năm đâu phải là hết. Đó là tai nạn chung của biết bao sinh linh đang sống trên những cõi dục giới đó. Những cái bị hoại diệt trong tháng năm dài như củi mục, như mưu toan theo công luật chung mà tiêu hao bằng thiên ma bách chiết cũng làm cho thi sĩ giác ngộ rằng dù trong hoàn cảnh an lành như thế nào (gió dẫu chết) cũng làm cho cái đẹp trong trời đất diệt vong (hoa vẫn rụng).
Tác giả hạ thêm hai câu: “làm sao an ủi được lòng mình / khi chỗ đứng mang đầy vết sẹo." Chỗ đứng ở đây là cái vị trí, là cái hoàn cảnh, cái địa vị trong cuộc đời của thi sĩ. Nó không suông sẻ, bình lặng như gương nước hồ thu. Đó là mảnh đời chắp vá nối liền bằng những vết thương tuy lành lặn mà vẫn để lại những vết sẹo không phai. Vậy thì cái tình yêu có người định nghĩa cách nào khi nó chung một luật lệ với vạn vật vô hình và hữu hình? Khalil Gibran cho rằng: “Tình yêu là hạnh phúc lung lay.” Gibran có quá bị quan không? Nhưng nói theo luật tồn vong thì có lẽ đúng.
Tôi còn nhớ có xem một phim nhan đề là Gió Không Biết Đọc. Thế có nghĩa là nhà kia có một vườn hoa đẹp. Chủ nhân nọ treo tấm bản lớn “Cấm hải hoa." Nhưng hoa vẫn rụng khi gió lướt qua vườn vì gió đâu có biết đọc những lời đề trên tấm bảng. Cũng vậy, thiên tại chẳng những không biết đọc mà còn chẳng biết lời cầu nguyện của thế nhân. Ba câu: “gió dẫu chết/ hoa vẫn rụng/ đuổi bóng càng thêm xa” chi cho ta biết cái áo tưởng của những ai chạy theo cái hạnh phúc phù du.
ảo hóa
chỉ còn lời thầm thì của lá
luồng nước vỗ ngập bờ
cảm xúc đê mê rồi khép chặt
cánh cửa mở trong an bình
ngày xanh đang phai mầu tuyệt đỉnh
con chim ngậm hoa về phố thị
xóa những bước chân cuồng
hoàng hôn thong dong điệu nhạc rời
Jazz ở bao la
như kẻ say giữa gió xuân sắp chin
trên khuy kèn thẳm thiết uốn âm vang
rụng thẳm cả rừng chiều
đợi cánh nhung đen về ôm tuyệt tích
ảo hóa là thời gian chuyển động
bấm sâu vào hạnh phúc mù lòa
gió chẳng bao giờ một định hướng
tiều phu cũng lìa rừng
Ta đã thấy một khung cảnh đìu hiu ở hai câu mở đầu, một cảnh dịu dàng và tịch mịch. Nhưng cảnh luôn thay đổi, không phải như mộng đẹp đổi thành quái mộng, ác mộng khi “cánh cửa mở trong an bình".
Thật ra ta không biết tác giả đang nằm chiêm bao hay đang bước vào cõi tuy thay đổi màu sắc và âm thanh, nhưng những chi tiết biến dịch ấy không có gì dữ tợn. Những câu thơ êm đềm chỉ tuổi chớm già hạnh phúc: “ngày xanh đang phai mầu tuyệt đỉnh / con chim ngậm hoa về phố thị / xóa những dấu chân cuồng.” Nhưng như Nguyễn Đình Toàn phổ lời cho bản Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An có câu: “Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai." Sự thay đổi ấy chính là do cái vọng tâm của từng cá nhân. Lục tổ thiền sư Huệ Năng khi thấy các đồ chúng bàn tán xôn xao về lá phướn lay động, có kẻ bảo tại gió, có kẻ bảo tại thế này, có người bảo thế nọ. Thiền sư bảo: “Chính cái tâm của các ông động đấy thôi.” Nhân loại và nhiều sinh linh sống trong thế gian này đâu phải tất cả được thức tỉnh. Sống ở cõi đời với tâm thức (cái chân tâm bị vọng thức che mờ) tức là đang ngủ say sưa trong cơn đại mộng. Chỉ có kẻ nào vứt bỏ được vọng thức thì mới hoàn toàn lìa bỏ cơn đại mộng. Còn gì đẹp đẽ, an lành và vĩnh cửu cho bằng thức trong khi nhân loại còn đắm chìm trong cơn mê từ kiếp này sang kiếp khác. Còn gì chua xót hơn trong vòng cơn đại mộng ấy ta hết đeo đuổi những ước vọng này sang dự định khác. Đó là giấc mơ nhỏ lồng trong cơn đại mộng.
Vũ Tiến Lập nhận định rằng những mộng lớn, mộng nhỏ là trò “ảo hóa." Và anh nhận thấy: “ảo hóa là thời gian chuyển động/ bấm sâu vào hạnh phúc mù lòa.
Tất cả đều biến dịch bởi vì “gió có bao giờ định hướng/ mây nào tìm được chốn an thân.” Những biến dịch đó đã từng được Kinh Phương Đẳng và Kinh Đại Thừa bao lần nhắc tới. Nhà thơ Vũ Tiến Lập còn giáng một cú đấm cho những ai thiu thiu ngủ trong khi biết bao người tìm kiếm cái thức tỉnh trong chốn bình an: “tiều phu cũng lìa rừng.” Tại sao con người xa lìa cõi mưu sinh hạnh phúc an toàn. Có phải vì say mê cái ảo hoá hay không? Chúng ta bỏ cái chân tâm để sống bằng cái vọng tâm. Đau khổ ở chỗ trong suốt cuộc đời có ai dám bảo rằng tuyệt đối và tuyệt vời hạnh phúc.
Người ta thường than rằng: “Có bao giờ những điều tôi ao ước hay tưởng tượng được ăn khớp với sự thật hay chỉ trúng sự thực một phần nhỏ tí teo.”
Một thuở nào có một nhà sư bái phục Ngũ Tổ Thiền Tông Hoàng Nhẫn, nghĩ đến nơi của tổ trụ trì là đất Hoàng Mai. Trong kinh sách chỉ nói về cuộc đời của tổ, không hề nói về chân dung của tổ hay tả phong cảnh đất Hoàng Mai.
Nhưng sư vẫn trồng chung quanh am của mình những cội mai vàng để nhớ cái gương tu hành của tổ. Vậy thì sư biến cái mơ mộng của mình thành cái gương sáng để trợ giúp cái phá mê trừ khổ của mình. Đó là một điều hay. Nhưng chỉ trồng mai vàng mà không tu hành thì làm sao đạt được trình độ tâm thức ở mức cao như tổ. Vậy mà có lắm kẻ đồn rằng bên gốc mai nếu đọc thần chú Mật Tông là ta có phép lạ, rút ngắn đường tu để biến thành chư hiền thánh tăng.
Vũ Tiến Lập trong cuộc xem kinh kệ không tin các lời huyễn hoặc về những cội mai vàng bất cứ của ai. Những lời huyễn hoặc sao bằng cuộc chứng nghiệm cái tâm thức của chúng ta trong cuộc sống.
Mở đầu bài thơ Lời Huyễn những câu thơ đam mê với một cuộc tình bên người đẹp: “em lộng lẫy như chim xanh/ bay vào ký ức tôi huyền bí.” Nhưng cuộc tình không hạnh phúc khi mà “mạch sống ngan ngát nỗi cô đơn / mùa giông trù phủ thêm viễn mộng.”
lời huyễn
em lộng lẫy như loài chim xanh
bay suốt vào ký ức tôi kỳ bí
mạch sống ngan ngát nỗi cô đơn
mùa giông trù phú thêm viễn mộng
chẳng còn lời huyễn nào thay thế
ngoài âm thanh mật
độc đăng thức giữa ngày tráng lệ
thời gian không thực có
khoảng cách mãi mãi là bây giờ
trí nhớ nguyên vẹn
chân tình vỡ vụn hư hao
mộng thực thách thức bên lề gánh xiếc
những bước thầm theo nỗi chết
chuyện đời là dòng sông
em dẫn sông về biển cả
hạnh phúc của kẻ ra khơi
lượn trên vùng đá ngầm
cánh buồm cuộc gió
mãi xa
Thi sĩ không tin những lời ngọt ngào ngoài cái âm thanh ẩn mật. Thời gian chỉ có thực đối với kẻ phàm như chúng ta. Một vọng niệm chớm lóe lên rồi tắt đi để nhường chỗ cho một vọng niệm khác. Khoảng cách đó gọi là thời gian. Rồi các vọng niệm cứ sanh sôi nẩy nở rồi tắt ngấm đi để vọng niệm khác thay thế liên tu bất tận, tạo ra những khoảng cách miên viễn ngút ngàn. Các bậc hiền thánh tăng không cái tâm ô nhiễm bởi vọng niệm thì làm gì có thời gian.
Thi sĩ đã trần tình: “thời gian không thực có, khoảng cách mãi mãi là bây giờ.” Kẻ tỉnh thức cho rằng đếm cái không-thực-có là sự suy tư vô ích. Đối với họ thời điểm là bây giờ. Đây là cái hiện tiền (ici-maintenant), họ chỉ biết chỗ này và bây giờ mới là có thực. Bài này vẫn là bài thơ buồn. Nhưng đối với một nhà thơ thấm nhuần Phật giáo là để cho tư tưởng của mình thấm vào tâm tư người đọc. Thơ là những lời cảnh tỉnh những ai còn say mộng triền miên: “mộng thực thách thức bên lề gánh xiếc/ những bước thầm theo nỗi chết.”
Omar Khayyam đã chứng nghiệm sự thay đổi cảnh vật theo bước thời gian: “Lại một ngày đã qua như đợt sóng trên sông/ Hay đó là cơn gió trong sa mạc/ Đó là nốt nhạc đã tắt trước trong cuộc hòa tấu vĩnh cửu."
Thi sĩ đã thấy người yêu đang đùa với cái chết khi rong chơi trên biển cả có đá ngầm. Biển cả ở đây là biển tình. Đá ngầm là những chướng ngại rất nguy hiểm.
Tác giả bảo người yêu rằng cuộc đời là một dòng sông. Nàng dẫn sông về biển cả. Nàng làm như thế với mục đích gì? Sao nàng không như chàng tăng lữ Siddhartha trong quyển tiểu thuyết Siddhartha của Hermann Hesse bôn ba tìm kiếm khắp nơi cái lẽ sống hạnh phúc tuyệt đối trong kiếp sống huy hoàng. Nhưng kiếp sống phù du của những ai còn ham mê những cạm bẫy của nó. Sau cùng anh đến một dòng sông, sống bên cạnh nó, lắng nghe tiếng nước chảy, tiếng sóng reo. Anh nghe thật kỹ, đem hết tâm tư vào sự chuyển động của sông. Dần dà anh hiểu được cái mầu nhiệm của lẽ đạo, sự mầu nhiệm của mọi hiện hữu.
Nhiều lần tôi được nghe những kẻ chán đời than thở: “Cõi trần này là cõi tạm. Vui thủ gì mà tranh danh đoạt lợi. Sống gửi thác về mà.”
Thế rồi cơn chán nản trôi qua. Người nói câu đó lại lăn xả vào vòng tranh đấu với tha nhân. Những người chiêm nghiệm và thông suốt Phật pháp quá ít oi. Đó là những người dốc lòng tu tâm dưỡng tánh. Nhưng họ lại sợ ý chí của mình không thể đương đầu với sự cám dỗ của ngoại cảnh nên phải nhờ tha lực của Đức A-Di-Đà Phật hay Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Đọc bài Khách Trần, chúng ta chợt nhớ tới những thiền giả đốt cây nhang chậm tắt như loại trầm hương, bạch đàn hương, mạt ly hương, ngọc liên hương rồi tọa thiền cho tới khi cây nhang cháy hết.
Ở trường hợp này, họ trông cậy vào tự lực của mình để phá mê trừ khổ và được minh tâm kiến tánh.
Bài thơ Khách Trần với ngôn từ quá đãi lọc, quá trau chuốt nên chẳng có nhiều người hiểu thấu suốt. Phần nhiều chỉ đứng ở ngoài hàng rào của bài thơ chứ ít ai vào được tiền sảnh hay hậu sảnh của bài thơ.
Ta thấy gì ở đoạn đầu của bài thơ?
Một mùa đông lộng gió, nhà thơ bị vướng vào tình cảm xáo trộn: “đêm mặc nhiên rồi thật nhất/ ngoài nhận biết không đuổi bắt/ tựa chuyển hóa như con đường/ mặc vết lăn nghiền dẫm.” Kẻ phàm nhân chúng ta được mơn trớn vỗ về khi gió lạnh lẽo thổi trên vai. Nhưng đêm đã đến tức là cái màn tối đen đã phủ lên nhận thức chúng ta, chúng ta không nắm bắt được điều gì ngoài con đường mòn soi thủng bởi những vết lăn làm loang lổ.
Cuộc sống biến đổi giả dối này như trò ảo thuật. Trò đời khác chi trong cơn đại mộng. Những ước mơ hay những cái gọi là biến cố cũng chỉ là những cơn mộng nhỏ lồng trong cơn đại mộng mà thôi. Nhưng dù sao thi sĩ cũng cố ôn lại giấc mơ rõ ràng hơn để thiền quán cho cõi lòng an tịnh, chớ lẽ nào chàng gặp hoài cảnh ngộ túy sinh tử mộng. Phải tự mình cứu lấy mình hơn là trông cậy vào tha lực của ai, của một đạo sư hay một thiền giả hoặc một hiền thánh tăng nào. Câu thơ “nhận ra tha lực đã chết khô” khiến chúng ta soi sáng nội lực của tâm thức mình.
khách trần
gió tru tréo thất thường
xua mùa đông vào cửa áo
thốc từng nỗi niềm nghi hoặc
tháng giêng đầy vọng động
cảm giác vỗ về
mơn trớn trên vai khách trần
đêm mặc nhiên rồi thật nhất
ngoài nhận biết không đuổi bắt
tựa chuyển hóa như con đường
mặc vết lăn nghiền dẫm
dòng sống ảo thuật
đi tìm giấc mơ minh bạch
nhận ra tha lực đã chết khô
nhặt lại dấu tích cũ
sao đổi trời tắt trên tay
Tháng năm trên quê cha đất mẹ chúng ta đã vào hè nhưng chốn cư ngụ của tác giả vẫn còn là mùa xuân. Giấc mộng xuân tương đối dài hơn giấc mộng đêm hè.
Mở đầu bài thơ là cảnh thơ cảnh mộng được mô tả rất đẹp dù cho mối tình của đôi kẻ yêu nhau không có gì đặc biệt. Nhưng mà khoan phê phán cái tầm thường của mối tình ấy. Chúng ta thấy gì, sau khi đọc 5 câu: “đêm lạc loài cánh bướm/ rừng đêm mộng/ hoa tóc thả mầu trên vai áo/ vầng trăng cười giữa định/ đôi mắt nào rung động thoảng nhìn nhau." Một cảnh yêu đương tuy đơn sơ mà thắm đượm tình nồng, có phải?
mộng tháng năm
đêm lạc loài một cánh bướm
rừng đêm mộng
hoa tóc thả mầu trên vai áo
khoảng vầng trăng cười giữa đỉnh
đôi mắt nào rung động thoảng nhìn nhau
Bài thơ này dễ trở thành một bài thơ có tư tưởng bắt đầu từ mấy câu “một thoảng run lời gian dối nhau.” Nàng và chàng có điều gì muốn giấu kín? Đã yêu nhau thì anh là em, em là anh. Anh và em tuy hai mà một. Câu ấy vẫn là câu sáo ngữ. Thật ra, mỗi người vẫn có một thế giới riêng, một niềm bí ẩn riêng. Tác giả không nói điều bí mật của cả hai. Hai nhân vật yêu nhau, ai cũng tưởng rằng mình cùng người yêu mãi mãi chung một cuộc đời, chung một mộng, chung một lý tưởng. Nhưng đâu được như thế. Dĩ vãng của cả hai có được trong trẻo hoàn toàn như dải sông xuân không? Có vài ba sự thật mà họ phải giấu đi để tình yêu hiện tại trơn tru, không một tì vết có thể từ bé xé ra to.
Vậy thì, cái niềm bí mật của riêng nàng, niềm bí mật của riêng chàng, không ai rõ của riêng ai. Độc giả cũng không hiểu rõ. Cái bí ẩn đó không cần trình bày minh bạch. Như thế, bài thơ mới có chiều sâu. Có một đoạn thơ (une strophe) trong quyển tư tưởng “Lorsque l'Amour vous fait signe... suivez-le"- Khi Tình Yêu ra dấu ... hãy theo nó” của Khalil Gibran có nói “Họ bảo tôi rằng: Nếu cá nhân nào hiểu các tha nhân thì sẽ tự hiểu mình. Riêng tôi nói: Cá nhân nào yêu tất cả mọi người thì sẽ hiểu đôi chút gì về mình.” Hiểu nhau đâu có thù thắng bằng đem tình yêu tặng cho tha nhân. Riêng tâm lý của hai kẻ yêu nhau vốn ngoắc ngoéo. Đâu có ai thương yêu tất cả mọi tật xấu và tánh nham hiểm của ai. Lúc say mê nhau thì gai góc của vận sự không hiện ra. Nhưng thời say đắm lần lượt trôi qua. Những cái tiêu cực đó lại hiện ra, gai góc bén nhọn hơn trước. Thôi thì đem cái tâm từ bi hỉ xã để yêu tất cả mọi người.
đêm ngậm ngùi một tiếng gọi
hắt rượu
củi khô bừng lửa dậy
một thoáng run lời gian dối nhau
ở đầu tây hay cuối trời đông
mặt trời vẫn rạo rực
mây vẫn bạt ngàn trắng như mơ
đêm tháng năm ngắn lạ kỳ
quay mặt vào vách
bóng lở hình tan
lửa lụn tàn
bóng người xưa cũng nhạt dần theo mầu khói
thé mới hay
ta đã mơ giữa rừng mơ ngày nọ
người bỏ ta qua bên kia đời
ta đợi người tóc rụng giữa lòng đêm
Nhưng cảnh ấy rạo rực nồng nàn như đêm nào đôi lứa cùng đối ẩm, chàng hoặc nàng hắt chén rượu vào lửa cho lửa sáng bừng lên để “một thoáng run lời gian dối nhau.” Cảnh thơ mộng tuyệt vời đã có bóng mây ngờ vực. Cuộc đời vẫn trôi qua. Đêm tháng năm đó cũng là cảnh bên đống lửa. Chàng đã “ta đã mơ rừng mơ ngày nọ”. Câu thơ bề ngoài tưởng đâu dễ dàng trong phút cấu tứ. Nhưng tựu trung, chúng khơi sáng một ý niệm về sự mộng này xen giữa mộng kia. Cõi hồng trần mênh mông đối với kiếp nhân sinh gian khổ là giấc mộng lớn. Còn những toan tính, dự phóng, ngay cả sinh hoạt của từng cá nhân là giấc mộng nhỏ, nhưng cũng đủ sức làm cho dương sự ê ẩm chán chê trước sự hiện hữu của mình. Chàng thi sĩ đau khổ vì “người bỏ ta qua bên kia đời". Nếu nàng chết đi thì chàng hy vọng sẽ được gặp nhau ở kiếp lai sinh. Nhưng bên kia cuộc đời có thể không là cõi chết vì chàng vẫn chờ đợi nàng. Nhưng nếu tác giả cho nàng chết đi thì bài thơ thêm đẹp não nùng. Thơ văn mà lại. Càng não nùng vì biệt ly càng làm những tâm hồn lãng mạn thêm mềm ướt như lá nõn tẩm sương mai.
Vũ Tiến Lập vốn chuyên biệt làm thơ tình có thấm nhuần tư tưởng tâm linh, nhất là triết thuyết của Phật giáo. Chúng ta ở vào thế hệ ưa làm thơ rối reng với ý tưởng mù mờ, với nhân sinh quan phiền toái, với ngôn từ kiểu cách không có trong tự điển. Thơ trí tuệ của các thi nhân là đấy! Độc giả có đầu óc quân bình đọc loại thơ ấy phải đến nhà thuốc tây mua thuốc trị nhức đầu, cảm nắng về uống.
Chúng ta thường nghĩ tới cảnh trời sắp tối, nẻo đường về nơi đường định tới hãy còn xa, huống hồ là bóng đêm bao phủ mịt mùng, “đêm thấm mềm cảnh nhung.” Thi sĩ ở bài thơ này đóng vai tên xà ích lạc lõng, băng qua đồng hoang, qua thị tứ, có lẽ vì quá mỏi mệt hay vì lý do nào khác thay vì hỏi thăm đường về, lại hỏi thăm gió cuối trời bao xa. Thì ra chàng thi sĩ muốn hỏi thăm nơi xa xăm ấy, tiết trời luân chuyển ra sao. Gió có đem phong ba bão táp dọc theo con đường do con ngựa kéo xe không. Trong cuộc hành trình nầy chàng thừa biết đường thì quen, nhưng nhà thì lạ. Như thế làm ngại bước chân kẻ tìm đến để viếng thăm. Cho nên thi sĩ buông lỏng dây cương để ngựa đi quanh co, như mình đi thất thơ thất thểu giữa cuộc đời.
đêm vũ buồn
đêm thấm mềm cánh nhung
trăng đầu mùa xanh cũ
ngày đi qua tựa mộng
bên thềm gối tay nhìn
Bốn câu thơ đầu rất đẹp làm người yêu thơ trữ tình tưởng đâu Vũ Tiến Lập bước qua lãnh vực một cõi thơ mà anh xây dựng trong lứa tuổi xuân xanh, không ngước mặt nhìn dòng thơ qua những khúc quanh, qua những ngã rẽ. Nhưng mà không. Qua đến câu thứ năm, anh trở về chiêu thức cũ. Càng đọc tiếp bài thơ, cũng như thơ Thanh Tâm Tuyền, thơ anh không mượt mà, mà trái lại xốc nổi. Nhưng nó có sức chứa một trọng lượng siêu hình, một khám phá chiều sâu ẩn dưới ngôn ngữ thơ. Đọc thơ gồm 4 câu: “đêm vẫn gầy tay với/ trĩu nặng trái sầu rơi/ đường quen xiêu nỗi đợi/ chân lạ nhà ngu ngơ” là một đoạn thơ chỉ về tình cảm, tức là nỗi buồn, nhưng nỗi buồn đi vào thơ của Vũ Tiến Lập được cấu trúc tinh xảo và rất chân thành.
hỏi ta tên xà ích
quất ngọn roi truy lùng
băng đồng hoang thị tứ
gió cuối trời bao xa!
đêm vẫn gần tay với
trĩu nặng trái sầu rơi
đường quen xiêu nỗi đợi
chân lạ nhà ngu ngơ
hỡi ta tên xà ích
dây cương ghì không chặt
ngựa giữa đời quanh co
mấy nẻo hoang đường
Bạn nghĩ gì về kẻ làm một chuyến đi không mục đích, không đến nơi quen thuộc, không người thân đợi đón? Ngựa được buông lỏng dây cương, nên không biết đi đến đâu. Chàng thi sĩ xà ích kia phó mặc cho ngựa kéo xe đưa đẩy. Tất cả nỗi mệt nhọc, chán chường làm tê liệt cái ý chí phấn đấu của chàng. Chàng bỏ liều cho hên xui may rủi. Chàng không một đức tin về tha lực của một Đấng Thiêng Liêng lẫn tự lực của mình.
Cái ẩn dụ của bài thơ này là chỉ con người cô đơn không tìm ra được chỗ nương tựa, không người yêu, không lý tưởng để đeo đuổi. Đề tài này được nữ sĩ Nathalie Sarraute viết thành truyện Sans Toit Ni Loi, về sau được nữ điện ảnh gia Agnès Varda quay thành phim. Trước đó, Thanh Tâm Tuyền có viết một truyện ngắn, Dọc Đường, kể chuyện một người khách lạ đến một địa danh hẻo lánh lúc tịch dương. Vì là kẻ lạ mặt nên không ai dám chứa. Giờ giới nghiêm đến. Khách bơ vơ đứng nơi trống trải, không kẻ đoái hoài.
Có nhiều nhà thơ hiện nay thường suy tôn thơ tự do: tự do chọn chữ, tự do xếp đặt ý nghĩ rối rắm của mình. Họ chỉ mong độc giả cảm thơ của họ. Họ không cần giải thích, có kẻ hiểu như thế này, có kẻ hiểu trái ngược, có kẻ không cần hiểu gì cả. Khalil Gibran đã nói: “Anh tự do trước ánh nắng ban ngày và tự do trước sao lập lòe trong đêm. Anh tự do khi không có mặt trời, không có mặt trăng và không có cả sao đêm. Anh có tự do luôn cả khi nhắm mắt trước tất cả những gì hiện hữu trước mặt".
Vũ Tiến Lập không quá tự do khi làm thơ. Anh vẫn chọn hình ảnh để đem vào thơ, kẻo không thơ biến thành bài vè, bài kệ. Rồi đọc vài đoạn thơ tự do của anh, chúng ta thấy anh không giăng lưới chặn rào ý tưởng trong thơ. Ý tưởng không chạy sa đà, câu này vẫn ăn nhịp với câu kế, câu dưới liên lạc hay bổ túc với câu trên. Khi đọc xong bài thơ Lung Linh, dù không hiểu trọn ý tưởng của tác giả, nhưng hơi thơ biến thành tiếng đàn ngân vang trong mọi ngõ ngách của nội giới chúng ta rất lâu.
lung linh
sờ bờ vai rướm lạnh
ngực dấu lạ cơn mê
ngậm môi lòng hừng rực
mỏi gối chồn chân chờ
đất ôm rừng chấm mật
sót củi mục chênh vênh
đêm hững hờ buông gió
bồi hồi hương thời gian
chập chờn theo lửa múa
vũ điệu tàn cơn mê
quay gót nhìn cuối nẻo
vẫn một ánh giang đầu
hoa lung linh trời thắp
chuốt mộng chải mây thưa
bấu đau vòm mắt dại
bạt ngàn tâm lung linh
Đúng là một bài thơ siêu thực nhưng giải thích sao cho ổn đây? Ta chỉ biết tìm cái đẹp ở ngữ pháp (tournure), ở các cụm từ (groupes de mots). Nhà thơ siêu thực vẽ sự kết hợp những hình ảnh trong thơ không để người đọc thẩm định được đó là cái gì. Thơ chui vào tim óc người đọc thì những ý tưởng của người này không giống ý tưởng của người nọ. Thế giới thơ vào cõi thưởng ngoạn của bạn khác với thế giới thơ trong cõi thưởng ngoạn của tôi. Có giống nhau chăng là thơ siêu thực đó làm lay động tâm hồn ta bằng cái đẹp tế nhị mà ta cảm nhận được, nhưng không thể diễn tả được. Bài thơ ngũ ngôn này không nuông chiều theo vần điệu.
Có phải bốn câu trong đoạn đầu bén nhạy với nhục cảm (érotique)? Hai đoạn chót là hai đoạn siêu thực có những hình ảnh đẹp. Nhưng mà không. Tác giả bảo rằng tác giả không cố ý làm cho đoạn đầu có chút ít phong vị nhục thể, dù nhiều bạn bè giống như bút giả nhận thấy đoạn đó có hơi hướm của một phụ nữ có mùi da thịt quyến rũ. Thơ siêu thực mà! Ai nấy đều có quyền suy luận theo óc tưởng tượng và sự liên tưởng của mình. Nhưng tưởng tượng và liên tưởng đến hình ảnh đẹp, cảnh vật thơ mộng vẫn hơn.
(Nguồn: Kệ sách Học Xá)
Đạo Phật về phương diện tiêu cực thường giáo đầu cho Phật tử hiểu rằng đời là bể khổ.
Nhưng thật sự, bề mặt đối đãi của nó là hạnh phúc. Hai mặt của một đồng tiền là đấy. Không phải chỉ lánh khổ là phương tiện tích cực đâu. Cái năng động huy hoàng của Phật tử là chuyển hóa cái khổ thành cái an lạc cho mình.
Nhưng than ôi, theo thời thượng, các nhà thơ chúng ta đa số thích sáng tác những loại bi ca, những bài thơ đối diện cái thân phận đầy oan trái hệ lụy.
Thức giả hiểu rằng hoa hồng đẹp nhưng nó được bón phân nhơ nhớp và nơi môi sinh của nó cũng chẳng cần sạch sẽ gì.
Thi hào Ba Tư Omar Khayam đã làm thơ: “Khi hoa hồng xòe nở cánh. Nó chìa má cho nắng hôn. Tôi biết rằng sắc đẹp của nó lấy màu đỏ thắm của một thứ bùn pha máu.” Như thế, ta hiểu rằng trong tốt có xấu, trong xấu có tốt. Thơ hàm nhuận hoặc ẩn tàng triết học phải có tiêu cực lẫn tích cực.
thỏi nắng
phết lên nhan sắc mầu lá non
những thỏi nắng lay tình gió động
quay múa may rụng quà hương phấn
để một ngày khuấy động thiên thu
sóng bạc sắc những lưỡi câu hồn
của thần chết ngóng chờ uổng tử
chốn cùng hung hay miền cực lạc
nỗi khốn cùng dẫy thác oan khiên
vét đi nhan sắc vùi lá non
chiều vỡ ran cuống ngày rời rạc
réo lê thê gió cuồng đầu sóng
đau ngậm ngùi lưỡi mặn biển thâm
chắp bơ vơ gánh đời hải điểu
nuốt nghẹn nghìn trùng hoang vắng lặng
hải điểu về đâu trời đất xa
cánh bằng bay bay mãi không cùng
Ở đoạn đầu của bài thơ này, thỏi nắng làm tươi tốt lá non và cùng gió múa may làm rớt ray hương phấn.
Tác giả không lạc quan mà viết 3 đoạn kế tiếp, nhưng anh không phơi bày cảnh hung hiểm để dọa nạt ai. Anh chỉ cho chúng ta biết rằng trong cái hoan lạc vui tươi đã ngầm chứa mầm họa hoạn.
Và khi cái họa phác tác hiện hành thì “chốn cùng hung hay miền cực lạc/ nỗi khốn cùng dẫy thác oan khiên.”
Cái hiểm nạn được vẽ ra qua bốn câu thơ: “vét đi nhan sắc lá non/ chiều vỡ ran cuống ngà rời rạc/ réo lê thê gió cuồng đầu sóng/ đau ngậm ngùi lưỡi mặn biển thâm.” Mình làm mình chịu, không ai gánh vác tai nạn do nghiệp lực kết tinh cho ai. Thế là chim hải điểu phải một mình bay mãi không ngừng và phải “nuốt nghẹn nghìn trùng hoang vắng lặng".
Đây là bài bi ca (le poème saturnien).
Chắc tác giả không cãi chối điều ấy.
Nhưng cái giá trị của nó là ngôn ngữ thơ rất đỗi thơ, những hình ảnh trong thơ đều chọn lọc, tình cảm của tác giả thiết tha mà không bi lụy sướt mướt.
Sau hết, đây là bài thơ khuyên bạn hay người không thân hoặc không quen của tác giả cùng xa lánh thiên tai và xa lánh loài người hung ác tham tàn lợi dụng xương máu người như ma cà rồng nuôi sống bằng máu. Đoạn thơ giáo đầu là cảnh trời giăng kín mây, có cỏ đồng cháy, nhưng có gió từ biển thổi về. Nhưng trận mưa đêm qua làm “làm xô giã biệt ăn năn.”
theo tôi đi
theo tôi đi mây kín trời tháng tám
cỏ đồng hoang đang chảy ngọn khô vàng
chiều cất bước gió thơm từ cửa biển
mưa đêm rồi xô giã biệt ăn năn
theo tôi đi mùa thu chờ nắng ốm
ngày úa tàn lá gục chết khô thây
từ đông giá gánh vai cùng số kiếp
bằng cô đơn thoa những ngón thô gầy
theo tôi đi khuất bầy dơi vươn mõm
réo từng đàn treo ngược óc tu ma
đời yêu quái lũ điên chờ giọt máu
hang động nào lấp ló mặt nhân gian
theo tôi đi mộng du ngày lãng tích
của bình yên chưa sống trọn bao giờ
nghe gió thổi lá khuya rừng lồng lộng
giữa đồi trăng rắc mộng gác chân nhìn.
Xa những thiên tai, những hiểm lộ, những tuyệt lộ, những yêu ma; đó chỉ là những biểu tượng, những ẩn dụ chỉ về những người có tấm lòng ác độc và nham hiểm trên khắp nẻo đường đời.
Ở đây thi sĩ rủ rê những kẻ đi thong dong trên một quãng đường mà trước đó có tai nạn rình rập hoặc chờ đón mà thiên hạ không ai hay biết.
Nhưng các bạn hãy “theo tôi đi mộng du ngày lãng tích/ của bình yên chưa sống trọn bao giờ/ nghe gió thổi lá khuya rừng lồng lộng/ giữa đồi trăng rắc mộng gác chân nhìn.” Đó là nơi bình yên mà chúng ta chỉ biết trong kinh kệ mà ở cõi hồng trần ta chưa hề đến bao giờ.
Đây có phải lời khuyên của tác giả hoặc của một đạo sư nào. Nhưng ta cứ tưởng lời của bạn thân hoặc bạn đồng điệu nhiều kinh nghiệm hơn ta.
Toàn thể bài thơ đầy những cảnh tượng xấu xa tuy không như những đồ phế thải bôi lem luốc cảnh vật.
Tuy nhiên, chúng không thể nới rộng cái không gian bát ngát tràn ngập ánh sáng để ta mơ về một miền đất lành hay một tịnh thổ phóng chiếu vào ấn tượng chúng ta.
Vũ Tiến Lập làm thơ rất trang trọng.
Ngôn ngữ trong thơ anh chải chuốt. Anh thích loại thơ có lồng tư tưởng Phật giáo: loại thơ Thiền hay đạo ca. Nếu không phải là hai thứ thơ ấy thì là thơ chứa ăm ấp những nhân sinh quan kỳ đặc. Anh là nhà thơ tư tưởng. Tại sao anh được như thế?
Có phải anh xem thi ca là tôn giáo không?
- Vũ Tiến Lập với Tạp Ghi Thơ II Hồ Trường An Nhận định
- Nhà văn Đỗ Phương Khanh Hồ Trường An Hồi ức
- Phương Triều với những bài thơ hệ lụy đè nặng trên vai Hồ Trường An Nhận định
- Giới Tính Trong Văn Chương Nghệ Thuật Hồ Trường An Tùy bút
- Trương Anh Thụy với những bài thơ thấm nhuần tư tưởng Đông Phương Hồ Trường An Nhận định
- Mạc Phương Đình: Thi Tập "Ru Người Ru Đời" Hồ Trường An Nhận định
- Vũ Khắc Khoan Với Thần Tháp Rùa Hồ Trường An Khảo luận
- Thụy Khuê với Nhân Văn Giai Phẩm Hồ Trường An Khảo luận
- Nguyễn Thị Hoàng với Tan Trong Sương Mù Hồ Trường An Tạp luận
- Nguyễn Thị Thụy Vũ với Lòng Trần Hồ Trường An Tạp luận
• Vũ Tiến Lập với Tạp Ghi Thơ II (Hồ Trường An)
- Mạn Đàm Thi Ca Với Vũ Tiến Lập (Hồ Trường An)
Bài trên mạng:
- vanbutnamhoaky.com - gio-o.com
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Trang Thơ (Phù Sa Lộc)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |