|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Ký giả Trọng Kim
Trương Trọng Trác
Nhà báo Trọng Kim Trương Trọng Trác, pháp danh Minh Ðức, vừa từ trần tại bệnh viện Methodist Hospital, Houston, Texas, lúc 3 giờ 40 phút sáng Thứ Năm, 1 Tháng Giêng năm 2009, nhằm ngày mồng 6 Tháng Mười Hai năm Mậu Tý, sau gần hai tháng nằm bệnh viện vì tai biến mạch máu não.
Sáng nay tôi dậy trễ. Đêm trước, những trận ho xé cổ, xốc nách tôi ra khỏi giấc ngủ. Đêm, nam California, vẫn tiếp tục mức dưới 40 độ F. Lấy sức chịu lạnh làm thước đo, tôi hiểu, sức khoẻ tôi, ngày một suy, yếu. Tôi tự hỏi, những người bạn tôi, ở các tiểu bang thuộc miền đông, đông bắc, trung tây... có gặp khó khăn, khi năm nay, rất sớm, thời tiết đã “trải thảm” tuyết hơn một nửa nước Mỹ?
Tôi cũng hỏi mình, câu hỏi tương tự; khi bạn tôi, Ngọc Hoài Phương cho biết, vài ngày trước, bất ngờ T.N. ghé tiệm, thăm Dung. Tôi nói với Phương, có dễ đã bốn, năm năm, tôi không gặp lại T.N. Tôi cũng không có một tin tức rõ ràng nào về đời sống riêng của T.N. từ ngày chúng tôi chia tay nhau: Houston, 1994. Thời gian đó, Houston đang rúm người, run rẩy trong những trận mưa xập trời, trôi đất. Tôi chỉ mơ hồ, hiểu rằng, dường T.N. đang (hay đã từng có thời gian) ở Washington State.
Thành phố Seattle(?) Tôi nhớ cách đây cũng đã trên, dưới mười năm, bất ngờ, TN gửi tặng các con tôi và, tôi, mỗi người một chiếc bóp da, một đồng hồ đeo tay, một sợi giây lưu chìa khoá... Tôi không thể đoán biết ý nghĩa sâu xa của N., khi gửi chúng tôi, những món quà kia. Tôi cũng không hiểu động cơ nào (Hồi ức? Tiện thể?) đưa N. tới viếng thăm Dung và Phương, vào những giây phút phù du, sót lại của năm 2008 này?
Tôi không biết có phải vì sự trở lại Cali bất ngờ của T.N., khiến Ngọc Hoài Phương, sinh mối cảm hoài, vào “tàng kinh các... hình ảnh,” lục tìm những mảnh đời khuất, lấp. Tôi cũng không biết trong “Bảo-tàng-viện-hình-ảnh-bằng-hữu” của anh, Phương lưu giữ được bao nhiêu “miếng đời” bạn bè thời Saigòn, đệ thất Chu Văn An. 1956. Riêng sáng qua, dưới mái hiên nhà hàng Tài Bửu, Westminster, Phương mang cho tôi, rất nhiều hình ảnh Trương Trọng Trác.
Tôi không nghĩ chọn lựa của Phương, là một ngẫu hứng. Tôi nghĩ bạn tôi đang “rối loạn côn quyền” khi giờ này, giai phẩm Xuân Hồn Việt, vẫn chưa “xuất xưởng.” Tôi cho bạn tôi bị dẫn dắt bởi nhiều sợi giây liên tưởng, chòng tréo. Sự viếng thăm bất ngờ của T.N., thắp lên những ngọn nến Houston, dọc, ngang liên hệ? Những ngọn nến Houston chỉ tay về địa chỉ 4500 Melrose Blvd., toà soạn báo Ngày Nay? Nơi Trương Trọng Trác, bút hiệu Trọng Kim, người bạn thiếu thời của chúng tôi, là chủ nhiệm kiêm chủ bút.
Ẩn, trốn rét mướt quận Cam, những ngày cuối năm 2008, trong nhiều lớp áo dạ, Ngọc Hoài Phương hào hứng kể về cánh cửa túc-cầu-Trương-Trọng-Trác. Cánh cửa mở vào sân vận động trường Pétrus Ký, (thời bọn học sinh Bắc kỳ di cư chúng tôi, “trọ” học dãy nhà kho,) đường Trần Bình Trọng.
Phương hãnh diện nhắc tới những đôi chân... “vàng,” chân... “bạc,” của các bạn tôi, như Nguyễn Thế Toàn (tức Toàn Bò, hiện ở Hoa Thịnh Đốn;) Nguyễn Chí Viễn (tức Viễn cảnh sát trưởng... Hồi Xưa;) Lê Ái Quốc (tức Quốc bát vạn, cựu trung tá không quân, hiện ở Long Beach;) Bùi Quang Minh (tức Minh...dù, ở Saigòn;) Văn Sơn Trường (tức Trường Đội, hiện ở Virginia;) Nguyễn Quang Minh (tức Minh-Dê,) đang du lịch dài... ngày ở Hà Nội... Nhưng trên tất cả, vẫn là thủ quân Trương Trọng Trác.
Theo sự hiểu biết lơ mơ của tôi về bộ môn túc cầu, thì “Captain” Trác là người có toàn quyền tuyển người, sắp xếp đội hình trước khi ra sân, “long tranh, hổ đấu.” Với tôi, thời đó (cũng như bây giờ,) hình ảnh Trác Trương, bạn tôi, hiện ra bao giờ cũng rất “ấn tượng!” Rất “hoành tráng!” Bạn tôi là “thượng đế.” Bạn tôi nắm quyền sinh quyền sát của đội tuyển. Bạn tôi coi giò, xét cẳng từng đứa.
Thằng nào, bạn tôi thấy coi bộ “ầu ơ dí dầu,” không khá; bạn tôi “xổ toẹt.” Dù cho người đó, có là “hảo thủ”... triển vọng cỡ như ...tôi! Dù cho trước đó, tôi có lỡ “bồi dưỡng” cho Trác dăm ba đĩa đu đủ bò khô gan cháy, thì bạn tôi cũng vẫn nghiêm chỉnh, lắc đầu! Sau này, nghiệm ra, tôi nghĩ, có lẽ vì Trác sớm thấm nhuần tinh thần hướng đạo sinh: Ngay thẳng. Tôi muốn nói, chưa một ai, “mua” được Trác Trương.
Trương Trọng Trác & Du Tử Lê
Bao nhiêu năm Chu Văn An, tôi chưa từng được Trác Trương cho vào đội tuyển của anh. (Thậm chí trong danh sách cầu thủ phòng hờ hay, săn sóc viên chính thức, cũng không có tôi.) Tuy nhiên, tôi nhớ, hơn một lần, tôi được Trác “để mắt” tới. Đó là lần Trác chỉ định tôi trong nhiệm vụ ngồi coi... quần áo cho anh em. Với tôi, ngày ấy, sao mà hạnh phúc! Với tôi, ngày ấy, các bạn tôi là những “cầu vương!” Thủ môn Minh-dê, bạn tôi, là Lưỡng thủ vạn năng!” Là, đôi tay bắt được của...trời,” nói theo kiểu cố nhà văn Mai Thảo. Còn Trác Trương, bạn tôi, là “Đôi chân nhận được từ... địa ngục... kẻ khác,” theo đúng giọng điệu hiện sinh của triết gia Jean Paul Sartre.
Tới giờ, nhớ lại, tôi vẫn còn cảm thấy hồi hộp, những lần thập thò ngoài đường biên, dõi theo Trác Trương dẫn dắt những đôi chân... vàng, chân... bạc, (luôn cả chân... platinum) của các “cầu vương” bạn tôi, rầm rộ xâm lấn vùng cấm địa đối thủ... Tới giờ, nhớ lại, tôi vẫn còn thấy như tôi, vâng, chính tôi, đã có cú đánh đầu... toé sao, nẩy lửa (khi một người bạn nào đó, trong đội bóng của Trác, đánh đầu,) đưa banh như... để, vào khung thành đối phương.
Bây giờ, nhớ lại, tôi vẫn thấy các bạn tôi nào có thua gì những Pelé, Maradona, Zidane, Ronaldinho, Beckham... hôm nay(?) Chẳng qua, các bạn tôi “sinh bất phùng thời!” Chẳng qua, thời đó, chưa có hamburger, hot dog, sinh tố, boba, coke, steroid. Chích. Choác... Thuốc bồi bổ của các bạn tôi, thuở ấy, chỉ khoai, sắn hoặc nắm xôi và, nước máy! Lại nữa, thời đó, cũng chưa có cái gọi là Liên đoàn túc cầu thế giới FIFA! Nếu có, từ thời ấy, nhiều phần, tôi đã làm thỉnh nguyện thư, xin chữ ký ủng hộ của tất cả mọi học sinh Bắc kỳ di cư, cũng như Nam kỳ (sau này sẽ)... di cư. Tôi sẽ xin luôn chữ ký của ông bán kẹo kéo, bà bán xôi, chị bán bánh cuốn, chú bán đu đủ bò khô... Tất nhiên, không đời nào tôi quên xin chữ ký bác Ban gác gian, kiêm chủ quán bánh tây (bánh mì) café “bí tất” của trường. Ngay với các thầy giám thị, các giáo sư... “tiên tiến,” tôi cũng sẽ không ngại ngần nhân danh tương lai nền túc cầu thế giới, xin họ ký ủng hộ bạn tôi..
Trong thỉnh nguyện thư, tôi sẽ xin Liên Đoàn FIFA, trao cho các “cầu vương” của tôi, mỗi người... dăm ba qủa cầu... vàng. Cầm chơi! Riêng thần tượng Trác Trương của tôi, thì (tôi trộm nghĩ,) anh phải được bê về một rổ... quả cầu vàng, mới xứng. (Hiện nay, cứ như chỗ tôi biết thì, mỗi năm, Liên Đoàn FIFA bầu bán ì xèo, tới lui, cũng chỉ chọn ra trần xì một cầu thủ, với (cũng trần xì,) một qủa cầu vàng! Quá hẻo!!!) Để chứng minh, để “back up” cho thỉnh nguyện thư của mình, tôi biết là tôi sẽ không được phép quên đính kèm bằng chứng. Bằng chứng của tôi, sẽ là những tấm ảnh (đen trắng thôi. Thời đó, chúng tôi không chơi ảnh màu.) Hình ảnh (do nhà thơ Ngọc Hoài Phương cung cấp,) cho thấy các bạn tôi, cỡ Toàn-bò, Minh-đù, Quốc-bát-vạn, Trường- đội, Viễn-cảnh-sát-trưởng... đánh đầu đẹp hơn Zidane, ăn đứt Ronaldingho, bỏ xa Beckham...
Đôi khi bạn tôi, “cầu vương” Toàn Nguyễn còn cao hứng, biểu diễn “võ công tây vực,” (không thấy mấy khi ở trung nguyên,) đó là ngón đánh... lưng (thay vì đánh đầu.) Đó là những trường hợp “cầu vương” Toàn-bò của tôi, thấy đường banh đối phương nhắm vào anh, có phần “khủng bố cao,” bạn tôi bèn... quay lưng: Đón banh. Banh nào mà gặp tấm lưng (cũng ngót nghét nghìn... vàng) của bạn tôi, thì chỉ có nước “bó tay!” Nhưng điều đáng nói hơn cả, ở chỗ không biết bạn tôi điều khiển tấm lưng nghìn vàng của anh ra sao mà, banh lại “thân ái” chạm... tay “Kép Tần” Trác một cái, trước khi... “hư ảo” rớt xuống! Tôi không biết trường hợp này, ngôn từ túc cầu gọi là gì? “Liệt vị?” Không chắc! Trọng tài thổi còi? Phát thẻ đỏ lập tức? Tôi không dám võ đoán. Chỉ nhớ, sau đấy, “Kép tần” Trác giải thích sao đó, mà, “cầu vương” Toàn-bò, chẳng những không bị “lay off,” ra khỏi sân chơi - - Mà, bạn tôi, còn trợn mắt, la lối, xông pha dữ dằn hơn trước. Thế mới... thánh chứ! Tóm lại, theo tôi, cái ghê, hay cái đáng nể, tới mức độ, cần phải trao quả cầu vàng cho các bạn tôi, còn nằm ở chỗ “đánh lưng” thay đầu đó nữa.
Ẩn, trốn rét mướt quận Cam, những ngày cuối năm 2008, trong nhiều lớp áo dạ, Ngọc Hoài Phương, hào hứng kể về cánh cửa tình-bạn-Trương-Trọng-Trác. Cánh cửa mở vào sân chơi bằng hữu của Trác, được Phương nhấn mạnh, nhiều lần, là cuộc “reunion,” họp mặt bạn cùng lớp, ngày 5 tháng 12 năm 1998, ở San Jose; tập trung gần 100 anh em (gồm luôn cả thê nhi.) Tôi cũng thấy bạn tôi, có phần cường điệu, khi tuyên bố, đó là cuộc họp mặt “mang tính... thế kỷ.”
“Ngay cả Mỹ cũng không thể có được!” Phương nói.
Nhưng gẫm kỹ, tôi thấy Phương có lý. Phương có lý ở chỗ, cho đến ngày hôm nay, dường như chưa có một cuộc “reunion bạn học cũ nào mà, cái đinh lại là một chú rể H.O., xấp xỉ 6 bó. Cô dâu là một em gái hậu phương vừa mới bước qua tuổi ba mươi. Dù cho chú rể Nguyễn Quang Minh, tức Minh - dê, cựu thủ môn “lưỡng thủ vạn năng” của chúng tôi, cựu trung tá thiết giáp chăng nữa, nhưng khi so bề tuổi tác, phải nhìn nhận là có phần hơi bị kênh... tuyến. Đã vậy, trước cũng như sau khi lên xe hoa, bạn tôi vẫn nhất định không xác nhận đó là đám cưới cuối cùng, hay... áp chót của anh. Theo Ngọc Hoài Phương, đó là một “kỳ tích” chỉ đám bạn chúng tôi, mới đạt được!
Kỳ tích thứ hai, tức “tính thế kỷ,” vẫn theo bạn tôi, Ngọc Hoài Phương thì, ngày chúng tôi kéo nhau về thung lũng hoa vàng, làm một cuộc “hoa sơn loạn kiếm;” ngoài những người bạn ở xa, như Vũ Thành An, phó tế, về từ Oregon; Nguyễn Hữu Hiệu, dịch giả, Nguyễn Đình Hùng, World Bank, Văn Sơn Trường, Zhivago... về từ Hoa Thịnh Đốn; Phạm Duy Ánh, xa hơn nữa, về từ Úc châu; chúng tôi còn có một “anh thương binh chống nạng cầy bừa” về từ Texas... Đó là “Kép Tần” Trác Trương.
Phương kể, vì tình bạn gần nửa thế kỷ, Trác Trương đã bất chấp khuyến cáo của bác sĩ, bất chấp lo ngại, hồi hộp của vợ con, bạn tôi chống nạng lên máy bay. Bạn tôi chống nạng đến nhà gái... rước dâu. Bạn tôi chống nạng, đến nhà hàng, ăn nhậu tới khuya. Ngọc Hoài Phương lưu ý chúng tôi rằng, mặc dù đặt tính mạng của mình dưới tình bạn, nhưng Trác Trương chớ hề mở miệng, hỏi Minh-dê một lời về vụ... lấy vợ. Trác cũng không đòi hỏi Minh-dê phải cam kết một điều gì. Ngoài vài xác nhận nặng phần cảm tính của Minh.. Như mẩu đối thoại sau đây giữa hai người:
Trác hỏi:
“Hép-pi không?”
Minh-dê đáp:
“Hép-pi lắm.”
“Chắc ăn không?”
“Chắc ăn trăm phần trăm.”
“Cần gì không?”
“Không. Chỉ cần bạn!”
Sở dĩ tôi nói, những xác nhận của Minh-dê, bạn tôi, là những xác nhận “nặng phần cảm tính;” bởi vì chỉ ít lâu sau, cuộc hôn nhân của bạn tôi, người được tước phong là “lưỡng thủ vạn năng,” cuối cùng cũng không giữ được. Tôi biết, tương lai, nếu Minh-dê có bị “ép” phải lên xe hoa một lần nữa, bạn tôi, Trác Trương cũng sẽ tham dự. Tôi nghĩ, có thể Trác cũng cảm thấy, ngày vui của chúng tôi, giống như cây nến đã cạn sáp và bấc. Buồn thay, những ngọn nến kia, mỗi ngày vẫn tự ăn, nuốt chính thịt, xương nó! Trong sân chơi tình bạn, Trương Trọng Trác là người thận trọng. Từ tốn. Không hối hả. Không ào ào. Nhưng khi Trác đã chọn, thì, tình bạn đó, đồng nghĩa với bất biến. Với mãi mãi.
Tôi biết, Trác có một tình bạn dài lâu với Trịnh Quốc Thông, thời tiểu học, Hà Nội, trước 54. Trịnh Quốc Thông, giáo sư “vật lý chi bảo,” trước và sau 1975 ở Saigòn, tác giả bộ sách ba cuốn, “Luyện thi toán đại học,” xuất bản năm 1993, đã giúp hàng ngàn thí sinh thi đậu các trường đại học lớn, từ Saigòn, đến Hà Nội. Tới hôm nay, Trác vẫn coi bà mẹ của Thông, như mẹ mình.
Tôi biết, Trác có một tình bạn dài lâu với Nguyễn Đức Cung, nhiếp ảnh gia. Tới hôm này, Trác vẫn nhìn anh chị Cảnh, và các cháu của Cung, như anh chị, các cháu của chính mình.
Tôi biết, gần đây, Trác thân, qúy Bùi Vĩnh Hưng, thi sĩ. Những lần đi công tác cho sở, ở quân Cam, với tư cách V.P của một công ty chuyên sản xuất loại sơn đặc biệt dùng cho phi thuyền, (chịu được sức ma sát cực độ khi phi thuyền vượt tầng khí quyển;) với (một hay nhiều thư ký,) Trác thường nhín giờ, dậy sớm, lén ra khu Phước Lộc Thọ, đóng vai “thành viên dự khuyết,” trân trọng lắng nghe những cuộc thảo luận sôi nổi của “Think-tank chính-trị-Bolsa,” mà Hưng giữ vai trò “chủ xị.”
Tôi biết, bên cạnh những bằng hữu thân thiết cũ, như Phạm Tuấn Bách “Bạch diện thư sinh;” Nguyễn Ngọc Chấn, tự “Chân Cậu Trời”... Trác cũng quý bạn học xưa, giờ mới có cơ hội gần gũi, như Nguyễn Minh Triết, “đệ nhất Fung Sui;” Nguyễn Ngọc Thường, “dật sĩ;” Nguyễn Chí Hoà, tự Hoà “chây-hỏi”...
Và, hẳn nhiên, Trác rất biết ơn Ngọc Hoài Phương, người mà tới giờ này, Trác vẫn thích kêu tên thời “học sinh Bắc kỳ di cư,” của Phương, là Nguyễn Ngọc Kiểm. Theo Trác, nếu không có ông Kiểm... “L.,” chúng tôi (cũng như mai sau, con cháu của tôi,) sẽ không thể có được những tấm hình “before” và “after” như Phương đang cất giữ trong “Tàng kinh các... hình ảnh” của anh. Ngặt một nỗi, vẫn theo Trác, thì đến trẻ con còn biết rằng “after bao giờ cũng đẹp, cũng ngon lành, cũng “ấn tượng” hơn “before.” Trong khi, tác phẩm “after” của Ngọc Hoài Phương, lại chỉ cho thấy hình ảnh mấy anh già chúng tôi, gồm Trác, Cung, Lê... đã cực kỳ “xuống cấp!”
Ẩn, trốn rét mướt quận Cam, những ngày cuối năm 2008, trong nhiều lớp áo dạ, Ngọc Hoài Phương hào hứng kể về cánh cửa nghiệp-báo-Trương-Trọng-Trác. Cánh cửa mở vào năm, tháng Trác Trương cùng với đàn anh Nguyễn Ngọc Linh gầy dựng tờ Ngày Nay. Bán nguyệt san ra đời rất sớm, vùng Tây Nam Hoa Kỳ - “Truyền tay” từ nhà báo Thanh Trúc... Tuy nhiên, Phương đâu biết, Ngày Nay đã trải qua rất nhiều “đoạn trường.” Có lúc, những tưởng con thuyền Ngày Nay ngập nước. Tưởng chìm đáy sông. Ðó là những lúc Trác Trương phải ra tay “cứu giá.” Nhưng, bởi bản chất khiêm tốn, kín đáo bạn tôi không bao giờ ra mặt. Lên tiếng. Kể công. Ngay cả khi được chọn vào chức vụ Vice president của một hãng sản xuất sơn quốc tế, từ nhiều năm trước, những bằng hữu của Trác, ở ngay Houston, nhiều người cũng không biết. Trác nói:
“Bem là tốt nhất? Nói ra để làm gì? Chỉ tạo thêm đố kỵ. Ganh ghét...”
Triết lý sống của bạn tôi là, “hãy nhường chỗ đứng dưới ánh đèn sân khấu, cho kẻ khác.” Anh bằng lòng, thích thú với vai trò “behind the scenes” của mình. (Tôi không biết và, cũng chưa bao giờ hỏi Trác Trương, nguồn gốc chữ bem! Chỉ biết, khi bạn tôi dùng tới chữ ấy, tôi phải tự động hiểu rằng, đó là chuyện không nên kể lại, dù với ai. Cá nhân tôi, đôi lần cũng mượn chữ bem của anh, để mở đầu hay, chấm dứt một câu chuyện gì đó, tôi muốn Trác bem nó.)
Tuy hào hứng, sôi nổi, nhưng Phương đâu biết, thời trước tháng 4-1975, Trác Trương là một phóng viên nhiếp ảnh chiến trường có hạng. Anh từng đưa phóng viên ngoại quốc thuộc các hãng thông tấn, truyền hình lớn, như AP, BBC nhảy xuống những trận địa còn khét, nồng lửa, đạn. Một trong những bức hình hiếm hoi mà Trác hãnh diện chụp được (in lại trong cuốn hồi ký cuộc đời viết văn, làm báo của nhà văn Minh Ðức Hoài Trinh,) là bức hình Trác chụp ký giả Minh Ðức Hoài Trinh, (cùng vài nhà báo ngoại quốc,) vào cổ thành Quảng Trị, ngay khi QLVNCH vừa chiếm lại. Lúc chiến địa còn đang bốc cao những đám cháy: Nâng lên, tỏa xa mùi gây, ói của thịt da người chết...
Phương cũng đâu biết, trung tuần tháng 4 năm 1975, tôi và phóng viên báo chí quân đoàn II, Vĩnh Khuê (nhà thơ Kim Tuấn,) tình cờ gặp Trác cùng mấy ký giả ngoại quốc, đi ăn tối ở bờ biển Nha trang. Ðó là lúc Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Ðoàn II, đã di tản chiến thuật từ Pleiku về; dùng mấy biệt thự và, một trường tiểu học trước bãi biển, làm “Tổng hành dinh.” Ðó cũng là lúc, những người di tản đầu tiên trên Liên tỉnh lộ 7B về tới Nha Trang, chọn bãi biển làm nơi tạm trú. Trác sôi nổi cho biết, một lữ đoàn Dù (?) đã được đổ xuống Khánh Dương. Lập tuyến. Làm nút chặn Bắc quân. Trác nói, theo phân tích, dự đoán của bọn “Tây” (ký giả ngoại quốc,) thì đó là chiến trường sinh tử, không riêng miền Trung mà, sẽ ảnh hưởng cả Saigòn. Vì thế, Trác phải đi. Trác rủ:
“Cậu theo tụi tớ cho vui!”
Tôi nói, để coi. Tôi phân vân. Tôi đã nhận lời, ngày mai bay cùng toán rải truyền đơn và, cơm sấy thả cho đoàn người di tản kẹt ở Sông Ba. Thời gian ấy, tôi là thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong của quân đội; không phải đi làm phóng sự chiến trường. Nhưng phòng Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến, hết phóng viên... Mà, báo chí cũng như đài truyền hình Quân Ðội đang cần một phóng sự về đoàn người di tản ở cao nguyên, để trấn an dư luận.
Trác dọa:
“Bỏ qua cơ hội này, cậu sẽ một đời ân hận.”
Trác nói đúng. Nếu tôi yêu nghề và, có tinh thần trách nhiệm cao, như Trác. Ðêm trở về trường tiểu học, nằm trên một chiếc ghế dài của học trò, tôi nghiệm ra, tinh thần “thủ quân” của những ngày trung học, bóng tròn, sân cỏ; tinh thần hướng đạo sinh vượt qua mọi gian khó của Trác, lại thể hiện rất rõ trong lãnh vực báo chí, một lãnh vực mà Trác Trương đam mê, như một phần định mệnh, gập ghềnh, đời anh.
Ngày hôm sau, trước khi trở lại Nha Trang, qua những điện đàm vô tuyến, trên máy bay, tôi được tin khánh Dương, vỡ tuyến! Mũi nhọn chính là lực lượng dù phải lui về Nha Trang. Còn quá sớm, để biết tổn thất của Dù - một trong số những đơn vị chủ lực của Nam quân. Cũng còn quá sớm, để tôi biết tin về Trác - vì tin tức vỡ tuyến Khánh Dương trung tuần tháng 4-1975, cũng giống như những tin tức đầu tiên về hậu quả của bão Katrina, cách đây trên dưới hai năm, ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ. Chưa kể, ngay buổi chiều đó, Thiếu Tá Phạm Huấn, Tùy viên báo chí của Tướng Phú yêu cầu tôi rời Nha Trang. Lập tức. Ông nói, ông đã liên lạc với phòng 4, dành cho tôi một chỗ trong chuyến bay đầu tiên, về lại Saigòn. Ông nói, tình hình biến chuyển nhanh với một tốc độ không ai có thể nói trước.
“Tôi không muốn ông kẹt lại ở đây. Tôi không muốn tới lúc tôi không lo gì được cho ông; khi ngay bản thân tôi, cũng chưa thế nào!” Tác giả “Cuộc triệt thoái cao nguyên,” nhấn mạnh.
Vậy mà, cũng phải đợi tới 20 tháng 4, tôi mới về tới Saigòn. Hy vọng trí nhớ kém cỏi của tôi, không phản bội mình. Tôi nhớ, ngày 20 vì, sau đó ba ngày, ngày 23 tháng 4 (?) Tổng Thống Thiệu lên truyền hình, tuyên bố từ chức. Con quái vật chiến tranh với đôi cánh tang tóc, chia ly đã đem nước mắt vào từng con hẻm, từng ngôi nhà của thị dân Saigòn. Ðương nhiên, tôi không thể có một tin tức nào về Trác. Mãi một tháng sau, khi bất ngờ gặp nhau ở Camp Pendleton, Trác kể:
“Tớ rất mừng vì sáng sớm hôm đó, cậu không theo tớ đi Khánh Dương. Nếu cậu đi với tớ, lúc tụi ‘tây’ nó bốc tớ... mà không có... cậu. Cậu kẹt lại... tớ thật không biết phải ăn nói làm sao với vợ con cậu!”
Trác Trương là như vậy. Bạn tôi luôn lo an nguy người khác, trước mình. Khi Trương Trọng Trác bước vào sân chơi báo chí, cũng là thời gian Trác có mối giao tình đặc biệt, với những người-ảnh hàng đầu của miền Nam, thuở ấy, như Trần Cao Lĩnh. Như Nguyễn Cao Ðàm. Lần nào, nghe kể chuyện về những buổi săn hình, những tác phẩm nhiếp ảnh, mang đến cho họ Trần, họ Nguyễn, những huy chương cao quý nhất của quảng trường nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới; mà, bạn tôi có duyên góp phần; tôi đều cảm được cái nhịp đập hưng phấn của trái-tim-trong-tình-yêu-nhiếp-ảnh-chói-gắt. Những lúc đó, tôi không nhìn vào mấy tấm ảnh của hai vị “tiền bối” Nguyễn, Trần, mà bạn tôi bày ra, dẫn giải... Tôi theo dõi những biến chuyển ngời ngợi trong đôi mắt, gương mặt, giọng nói của Trác. Tôi nghĩ, nếu hai anh Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Cao Ðàm được “dự khán” cảnh này, họ sẽ hãnh diện, hơn cái hãnh diện họ nhận được từ những huy chương, giải thưởng.
Tôi cho rằng, đỉnh cao của tất cả mọi bộ môn văn học, nghệ thuật, không nằm nơi giải thưởng... Nó nằm nơi tri kỷ. Nơi người bạn nào đấy, cảm thấy hạnh phúc hơn chính tác giả, trước thành tựu của họ. Nó là những rung động, cảm nhận mang tính hữu cơ. Trực tiếp. Tác phẩm và người thưởng ngoạn không còn khoảng cách. Nó không là đôi mắt lạnh lùng, chi li của giám khảo. Nó chảy chung, một máu.
Có cánh cửa hướng-đạo-sinh-Trương-Trọng-Trác. Bạn tôi, Ngọc Hoài Phương không kể. Ðó là cánh cửa mở vào những sáng Chủ Nhật, Hà Nội, sân Chùa Quán Thánh, rồi Quốc Tử Giám. Ngay tự những bước chân hăm hở đầu đời, Sói con, rồi Thiếu sinh Trương Trọng Trác đã cho thấy, định mệnh chọn cho anh con đường xứng hợp. Hướng Ðạo, một trong mấy con đường mà, anh đã đi tận cùng hơi thở, cuối.
Trác Trương không chỉ là một hướng đạo sinh gương mẫu, trong mắt nhìn khâm phục, ngưỡng mộ của cá nhân tôi. Anh còn là người đóng góp những nỗ lực thay máu cho phong trào hướng đạo Việt Nam. Sau nhiều lần tham dự trại lớn hướng đạo thế giới, trong vai trò ủy viên, bộ tổng ủy viên Hướng Ðạo Việt Nam, Hươu Nhanh (tên rừng của Trác,) đã đưa ra những đề nghị mang tính “cách mạng... xanh” cho phong trào hướng đạo Việt Nam. Ðó là “trẻ trung hóa” guồng máy lãnh đạo hướng đạo và, “lấy vui chơi, chứ không phải lý thuyết làm chuẩn.”
Thời đó, Trác kể, các anh trong Bộ Tổng Ủy Viên là những người thủ cựu. Các anh trước sau, nhắm trang bị cho hướng đạo sinh lý thuyết và kỹ thuật làm chính - Trong khi theo quan niệm từ khởi thủy người sáng lập phong trào, Baden Powell là, tạo môi trường lành mạnh cho thanh thiếu niên vui chơi và, từ đó, họ tự khám phá, phát triển năng khiếu mình, để mai sau giúp đời. Trác nói, may mắn, cuối cùng, các anh lớn đã nghe theo và “cuộc cách mạng... xanh” Trác, thành tựu.
Với cá nhân, điều tôi biết ơn Trác to lớn nhất, không phải là cuộc “cách mạng... xanh” hay “cách mạng... vàng” kia. Lý do, tôi đã tự ý ngưng sinh hoạt hướng đạo từ năm 1959, khi tự thấy mình không giữ được đầy đủ 10 điều luật hướng đạo. Ðiều tôi biết ơn Trác, to lớn nhất, là một sáng Chủ Nhật, trong thung lũng Camp Pendleton, tháng 6, 1975, tôi không biết bằng cách nào, Trác tổ chức được một buổi họp mặt, sinh hoạt hướng đạo trong trại tỵ nạn - Với đầy đủ đồng phục, hiệu kỳ hướng đạo.
Khi ngọn cờ Hướng Ðạo Việt Nam được kéo lên trên cây cột thô sơ, tạm bợ - Khi bài hát hướng đạo Việt Nam cất lên. Những hướng đạo sinh già / trẻ giơ tay chào (kiểu hướng đạo,) với ngón cái giữ ngón út, để ba ngón giữa chỉ thẳng lên trời, tượng trưng ba lời hứa hướng đạo. (*) Ðứng ngoài vòng, tôi không khỏi hãnh diện, biết ơn bạn tôi. Tôi cũng không cầm được nước mắt vì tất cả những bài hát được hát sáng hôm đó, là những bài hát quen thuộc, một thời tôi, hướng đạo. Nó đem tôi trở lại một thời Việt Nam, niên thiếu. Nó cho lại tôi hy vọng, niềm tin, sức mạnh giữa lúc tôi không chút khí lực, không chút thiết tha sự sống. Nó được cất lên giữa núi, đồi, giữa cây, rừng, Pendleton, với những người lính Thủy quân lục chiến Mỹ, vây quanh, ngẩn ngơ. Không hiểu. Nhưng nét mặt họ, cho thấy niềm cảm thông. Chia sẻ. Làm sao họ không ngẩn ngơ, khi tiếng nước tôi, khi những âm sắc Việt Nam nồng nàn, hâm nóng, nung chảy bầu khí đông đá cùng sương muối nặng, trũng đáy thung lũng.
Tôi không biết! Vì cửa chính, cánh cửa lớn mở vào đời bạn tôi, Trương Trọng Trác, đã khép. Vĩnh viễn khép. Lúc 3 giờ 40 phút. Sáng ngày 1 Tháng Giêng, 2009. Nhưng, tôi biết, cách gì thì, những cửa sổ mở vào những sân chơi mang tên: Trương-Trọng-Trác-bằng-hữu. Trương-Trọng-Trác-hướng-đạo. Trương-Trọng-Trác-thể-thao. Trương-Trọng-Trác-báo-chí. Trương-Trọng-Trác-nhiếp-ảnh... sẽ mãi mãi, mở.
Bởi vì đó là những đóng góp, những tấm gương, tự thân, mang tính bất hoại.
Du Tử Lê
(Dec-07 - Jan. 09.)
(*) Ba lời hứa Hướng Ðạo đó là:
1- Hướng đạo sinh trung thành với tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự.
2- Hđs giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.
3- Hđs giữ 10 điều luật Hướng Ðạo.
- Những nẻo đường văn chương, hội họa... quyết liệt của Võ Công Liêm Du Tử Lê Nhận định
- Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng Du Tử Lê Nhận định
- Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nổ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Tuấn Huy Du Tử Lê Nhận định
- Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Tường Thiết Du Tử Lê Phỏng vấn
- Họa Sĩ Phạm Tăng Du Tử Lê Nhận định
- Những Mảng Tối Cuối Đời nhạc Sĩ Tài Hoa Thanh Bình! Du Tử Lê Nhận định
- Lộ trình thơ, nhạc Trần Duy Đức Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên Du Tử Lê Nhận định
- Lê Lạc Giao - Tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn Du Tử Lê Nhận định
• Bạn Tôi / Trương Trọng Trác (Du Tử Lê)
Nhà báo Trương Trọng Trác qua đời (bbc.com)
Giỗ Đầu Nhà Báo Trọng Kim /Trương Trọng Trác (dutule.com)
Tiễn đưa nhà báo Trương Trọng Tràc về nơi an nghỉ cuối cùng (Trần Kim Vy)
Nhà báo Trọng Kim, chủ nhiệm hệ thống báo Ngày Nay ở Houston (Texas) qua đời, thọ 68 tuổi (Trọng Nghĩa)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |