|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Lê Phước Dạ Đăng đã tham gia các hoạt động chống Trung Quốc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974, nên dù còn rất trẻ, anh phải khăn gói lên đường đi… tù cải tạo. Trong hình là đảo Trường Sa Lớn được coi là Thủ Đô của huyện đảo Trường Sa. (Hình: Tuổi Trẻ)
Thơ Lê Phước Dạ Đăng xuất hiện rải rác đó đây trên các tạp chí mạng, hầu hết ở hải ngoại, như Da Màu, Sáng Tạo, Sài Gòn Ocean, Bạn Văn Nghệ, Góc Sân Chơi. Anh làm nhiều loại thơ: thơ tình, thơ tếu, thơ thời sự.
Thơ anh mới, cả hình thức lẫn nội dung. Một trong số những nét mới trong thơ anh là anh đưa vào thơ nhiều khẩu ngữ trong cách nói thông thường hằng ngày. Những bài thơ gây ấn tượng nhất là thơ thời sự hoặc mang thời sự.
Làm thơ thời sự thường là dễ, vì đề tài đã có sẵn, sự kiện cũng có sẵn, nhưng cũng chính cái dễ đó mà những bài thơ rất dễ trở thành nhạt nhẽo, sáo mòn, lắm khi mang tính tuyên truyền rẻ tiền. Lê Phước Dạ Đăng, nói chung, không mắc vào cái bẫy này.
Một trong những ám ảnh thời sự trong thơ anh là biển và đảo quê hương. Có những bài thơ nói về đề tài khác, nhưng ta cũng thấy thấp thoáng chuyện biển, đảo ở đâu đó trên những dòng thơ.
Nhắc chuyển biển đảo bị Trung Quốc chiếm đoạt, anh viết bài “Khi Lịch Sử Giễu Cợt Thế Nà Thế Nào?” Cái tựa đề đúng là rất giễu cợt, nhưng những dòng thơ thì không giễu cợt tí nào.
“là mo cau Mẹ quạt/những trưa Hè/BIỂN
khăn quàng cổ/Mẹ ủ Con/những sáng Đông lạnh/BIỂN
là nước mắt/hội ngộ/mừng vui/biệt ly/chua xót/BIỂN
những Con Tàu/mênh mông thả xuống/những Linh hồn/vượt khoảng vô bờ/BIỂN
bây giờ ở đó/Gió hú/chập chùng/những nụ cười ngớ ngẩn/dại điên.”
Bài thơ buồn nhưng mấy câu cuối của bài thơ lại loan báo một tin vui khá bất ngờ và đầy ý nghĩa:
“dự báo đưa tin
Hoàng Sa, Trường Sa nắng ráo, sóng êm…
Hảo, hảo.”
Bản tin dự báo thời tiết về một ngày nắng đẹp tại một quần đảo Việt Nam lại được kết thúc bằng hai tiếng Trung Quốc “hảo, hảo” khiến toàn bài thơ trở thành một hình ảnh bi/hài và chua chát!
Đề cập đến chính sách lấy thịt đè người của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông, anh viết:
“cả vú lấp miệng em
chúng lấy thịt đè người
15 ngàn bẫy sập
15 ngàn tàu cá
hùng hục kéo ra khơi
tru bài ca hữu hảo
náo động cả đất trời
Con đen ngư dân Việt
Khóc đứng lại than ngồi
Nói chi con cá mực
nhắc gì rặng san hô
mươi năm sau… hóng mát
Chỉ lén phén xa bờ”
(Đường Đi Của Chiếc Lông Ngỗng Áo Mỵ Châu)
Ám ảnh về biển và đảo khiến cho anh bị ám ảnh về vị mặn:
“Tôi Nhiễm Mặn chính Em
từ những dòng nước mắt
bao dung rồi dịu êm
cằn khô theo năm tháng
Tôi nhiễm mặn vì Trời
cháy đen và nắng rát
Tôi nhiễm Mặn từ Tôi
Cứ hẹn lần rồi khất”
(Mặn)
Bài thơ mới nhất của anh nói về cách “trùng tu” đất nước của chính quyền Cộng Sản, sau năm 1975:
“sau chiến tranh, liên tục Trùng tu
cắm hom khoai mì thay vườn cam – dấu tích kinh tế thời tư sản
(…) sách dĩa vàng xanh tập trung đốt, khói che mầm sống
rừng núi bạt ngàn trùng trùng đuổi theo nép né chân trời
“Nhân dân” hóng lời kêu gọi đổi đời
(…)Trùng tu Trùng tu
sơn lâm ròng khóc
Trùng tu Trùng tu
Thủy điện Đê điều
Trùng tu Trùng tu
Kiến Trúc Cổ xưa Danh lam Thắng cảnh
Trùng tu
hai ngón cái đụng nhau, đôi bàn chân Giao Chỉ kéo duỗi thẳng ra cho phù hợp với Chủ Thuyết ngoại lai
Trùng tu.”
Hai câu kết bài thơ, nghe rất bất ngờ, nhưng đầy ý vị:
“Em nhớ, khi nào định Trùng Tu trái tim Tôi
vui lòng báo trước để Anh nhanh tay giữ lại làm giá kê những viên ngói xếp âm dương, xà gồ… xưa cổ.”
Trước những “sự cố” dồn dập trong nước, từ chuyện môi sinh, đàn áp, bắt bớ dân oan, những người bất đồng chính kiến, cho đến thiên tai lũ lụt, anh viết một bài thơ ngắn với ngôn ngữ rất cụ thể và đầy ấn tượng:
“Lũ nuốt Núi Vườn, Sông gặm Đất
Thiên Nhiên Cuồng nộ, Xé Áo ra
Đất Nước bàng hoàng, Cơn Đau đẻ
Nghiến răng Nấc Lệ, Nỗi Đau nhà…”
Nghe như một niềm thống hận không nguôi. Nhưng ý nghĩa thực sự mà anh gửi gắm lại nằm ở một chỗ khác, ở cái tựa đề “Giờ Thứ 25.” Tựa đề này vay mượn từ cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Lỗ Ma Ni, Virgil Gheorghiu.
Giờ thứ hai mươi lăm, trong cái tuyệt vọng cùng cực vẫn đôi khi lóe lên tia hy vọng; đó là giờ của tàn cuộc mà cũng là giờ của hy vọng. Giờ sau cùng của cái sau cùng. Mà cũng là giờ bắt đầu của cái bắt đầu. Ước mơ về thời điểm “giờ thứ 25” cho đất nước không chỉ là ước mơ của riêng một Lê Phước Dạ Đăng mà của tất cả những người Việt Nam.
Tính thời sự trong thơ Lê Phước Dạ Đăng còn được biểu lộ ở một hình thức khác: mô tả hình ảnh của thành phố Sài Gòn hiện nay. Ở đây, thơ anh trở nên trào lộng và chua chát.
“cơn mưa ào ào/xót vào nỗi đau
ghì đè cái đợi/thời gian bừng giận
xả trọn mối thù/chìm – nổi
đứng yên – nhúc nhích lội
ánh điện nhòe đường/soi trần gian trầy trụa
sài gòn/ngập háng/chìm người/hòn ngọc vùi trôi
phủ lớp bùn non háu đá”
(Đi Trong Hoang Tưởng)
Kết cấu câu khá lạ, tứ thơ cũng lạ. Nó mô tả một cách trần trụi “hòn ngọc Viễn Đông” Sài Gòn độ nào thành một thành phố biến dạng thường xuyên vì bị ngập lụt mà một trong những nguyên nhân xuất phát từ các công trình nạo, vét, xây cất bừa bãi.
Cái thành phố ấy, ngay khi không ngập lụt, một ngày bình thường thôi, dưới mắt anh, cũng là một thành phố khác thường. “Con Nước” là tựa đề một bài thơ ngắn được làm khi anh đi ngang qua góc đường Trường Chinh-Tân Kỳ Trân. Đường phố Sài Gòn hiện nay được ví von như một con lạch nhỏ, nơi cư dân thành phố hằng ngày ra đường chẳng khác gì những kẻ tập bơi.
“leo lề trèo xuống phố/lủi ngược đùn về xuôi
buổi sáng tập bơi bộ/sóng nhô người với người
chạy xe kèn chân đẩy/nhích từng đoạn dòng đời
vài lắc đầu ngao ngán/ai đó lặng lẽ cười
mỗi sáng tề chỉnh áo/xách xe ra tập bơi…”
Đọc đoạn thơ này khiến tôi nhớ đến một bài thơ cũ của tôi, làm lúc lần đầu tiên về nhìn lại Sài Gòn, qua đó, tôi cũng hình dung Sài Gòn bây giờ như một dòng sông.
“Em bên kia đường hồi hộp đợi
Tôi lội qua giòng xe nghênh ngang
Nhảy phóc lên lề hồn thất tán
Bần thần quên mất cả tên em” (Trần Doãn Nho)
Xin được kết thúc bài viết bằng một đoạn thơ không thời sự của Lê Phước Dạ Đăng:
“Ta chỉ là Đá Cuội
rơi rải cạnh Bờ Sông
Em vô tình trợt ngã
xuýt xoa
Ta nhói lòng…” (Ngày Tình Nhân)
Lê Phước Dạ Đăng, sinh trưởng tại Huế, theo học Đại Học Sư Phạm. Sau năm 1975, do có dính dáng một số hoạt động thanh niên ở môi trường học đường, trong đó, nổi bật nhất là anh đã tham gia các hoạt động chống Trung Quốc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974, nên dù còn rất trẻ, anh phải khăn gói lên đường đi… tù cải tạo chẳng khác gì một viên chức hay sĩ quan quân đội của chế độ VNCH. Anh hiện làm việc cho một cơ quan giáo dục.