|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
• Bài Thơ Gởi Mẹ • Niềm Tin • Trở Về Phố Xưa • Xuân Ly Hương
• Tịch Liêu • Bể Dâu • Tội Nghiệp Cây Cầu • Chiều Cuối Tuần
• Hát Bài "Lục Quân Việt Nam" Nhớ Quân Trường Cũ • Di Chúc
• Nấm Mộ Thuyền Nhân • Oan Khổ • Đò Xưa Không Còn
• Về Đâu? • Mòn Mỏi • Huyền Thoại • 1971
• Người Tình Và Chim Rừng • Oan Khiên • Nửa Khuya
• Nhớ Huế • Tiếng Khóc Mỵ Ê • Giặc Hồ Chưa Diệt Chỗ Nào Là Nhà
Mẹ ôi mỗi đêm về con thao thức
Nhớ Mẹ thân yêu lận đận quê nhà
Một đời Mẹ hy sinh cho đàn trẻ
Đàn con thơ dại vắng bóng Cha.
Mười hai tuổi con còn chưa biết chữ
Đi chăn trâu cày đổi lúa nuôi em
Mưa dầm dã, con lạnh run xách chiếc
Mãn mùa cày thân xơ xác ốm nhom.
Nước mắt chảy Mẹ ôm con ngoài ngõ
Vỗ về con, Mẹ bảo ráng lên con
Nhà ta khổ thân con tôi lam lũ
Tôi tủi thân lặng lẽ khóc trong lòng.
Nhìn lũ trẻ bạn bè cùng trang lứa
Dáng thong dong cắp sách đến trường làng
Tôi mơ ước nếu nhà mình sung sướng
Được học hành nhập bạn hát ca vang.
Một hôm tôi xin Mẹ cho đi học
Mẹ nhìn tôi đôi phút mắt u buồn
Chút suy tư Mẹ gật đầu khẻ nói
Được rồi con, mai con sẽ đến trường.
Tôi lặng yên cúi đầu sung sướng quá
Mai này mình sẽ học A, B
Sẽ cũng như con bác Năm bên cạnh
Học tỉnh về kể chuyện thấy mà mê.
Kể từ đó đời tôi thay đổi hẳn
Từ đứa trẻ chăn trâu đậu Tú Tài
Sau bảy năm miệt mài thi với cử
Không phụ lòng ước vọng của Mẹ tôi.
Hăm hai tuổi tôi đăng vào Thủ Đức
Góp sức trai dâng hiến tuổi thanh xuân
Đời bình nghiệp mười hai năm chinh chiến
Bạn với Cao Nguyên, đất đỏ, trăng rừng.
Mười sáu tháng tư chạm địch cuối cùng
Lũ vô thần đã vào sát bên lưng
Cấp chỉ huy bỏ đàn em ở lại
Trận cuối cùng con bị bắt tù binh.
Đêm mười sáu Mẹ nằm không ngủ được
Thổn thức, âu lo số phận của con
Nửa khuya chúng dẫn con về tỉnh lỵ
Đoàn tù binh đi giữa những điêu tàn.
Nhà sụp đổ, đường vắng tanh - cõi chết
Con trở về đây, Mẹ có biết không?
Con trở về tay bị còng bởi lũ
Phản giống nòi, giết chết những mầm non.
Rồi từ đó, Mẹ nuôi con qua các trại
Mắt Mẹ mờ năm tháng vết thương đau
Hết nuôi con, bây giờ nuôi cháu dại
Mẹ hiền ơi! Hẹn Mẹ một ngày nào.
Indiana, Oct. 03.1982.
Dù cuộc đời đau khổ
Tôi vẫn tin ngày mai
Lòng người dù xa lạ
Tình yêu không nhạt phai.
Tôi yêu làn tóc xỏa
Trên bờ vai dịu hiền
Yêu cả màu cỏ dại
Trên quê hương triền miên.
Tang thuơng giăng khắp nẻo
Từ độ giặc tràn về
Vợ xa chồng héo hắt
Giấc mộng đầu tái tê.
Tôi làm sao quên được
Mẹ già đang đợi mong
Thiếu phụ ngóng trông chồng
Mơ ngày chung đôi bóng.
Dòng sông xuôi chảy mãi
Tôi lăn theo dòng đời
Mười hai năm chinh chiến
Bây giờ thân nổi trôi.
Đất nước người dù đẹp
Sao bằng quê hương mình
Đêm về soi gương lẻ
Mơ tương lai bình minh.
Con thơ cười trước ngõ
Xinh như hoa đầu mùa
Vợ hiền tuôn dòng lệ
Xây lại cuộc tình xưa.
Union City, Nov. 18-1982.
Tôi về qua phố nhỏ
Tìm lại bóng hình quen
Chỉ nghe lời than thở
Của hàng cây bên đường.
Dòng sông xưa vẫn chảy
Thời gian vẫn trôi nhanh
Sao hồn tôi chết lặng
Thấu nỗi đời mong manh.
Đâu còn bóng cá lội
Dưới chân cầu năm xưa
Long lanh đôi mắt biếc
Trong buổi tan học về.
Thật không còn gì nữa
Một quê nghèo đắng cay
Em về đâu thuở ấy?
Giặc Bắc tràn vô Nam.
Người tù binh bước đi
Giữa bao đồng đội cũ
Đêm khuya giờ vây phủ
Môt màu đen tang thương.
Phan Rang ôi nhớ quá
Trường Duy Tân thuở nào
Em vành khuyên bước nhẹ
Qua đời tôi xôn xao.
Hàng me tây còn mượt?
Như thuở xưa đến trường
Hay thân già lá chết
Như kiếp sầu tha hương.
Xuân đến đất trời dù thay đổi
Lòng ta chỉ thấy nhớ nhung thêm
Nhớ Mẹ già nua đêm trừ tịch
Đốt nén hương lên Mẹ khấn nguyền.
Bốn trai giờ chỉ còn một đứa
Việc nhà gánh vác những truân chuyên
Một thằng trốn tránh quân tàn bạo
Hai đứa ly hương sống tủi hờn.
Thắm thoát qua rồi bao cái Tết
Lê thê giá lạnh buổi giao thừa
Hương vị Xuân xưa đâu còn nữa
Chỉ còn đau khổ với chia lìa.
Cây cỏ dù xanh, mây dù trắng
Làm sao xóa hết nỗi ưu phiền
Con chim hót khổ trong lồng vắng
Để thấy đời là những oan khiên.
Chân con bước nhẹ lòng trăm mối
Hồn gởi theo mây gió bốn mùa
Hoa bướm xa rồi làn tóc rối
Quê người hờ hững giọt mưa bay.
Nguyễn PhanRang
Cái gì là hoành tráng,
Ai là kẻ đại gia?
Dòng sông nay đã cạn
Còn trơ bãi cát buồn.
Cầu Đạo Long thao thức
Trông ngóng bước chân ai,
Người xưa giờ vắng bóng
Sắc hương đời tàn phai.
Xe qua cầu Nước Đá
Còn đây vũng nước sầu
Muốn dừng chân soi mặt
Biết tìm em nơi đâu?
Câu Ông Cọp mất dấu
Đóa sen xưa uá tàn
Em một thời áo trắng
Tôi một đời lang thang.
Thảo Ca Nguyễn Xuân Phần
Cây cầu nào có tội,
Sao nỡ để chơ vơ
Giữa biển sâu vời vợi
Năm tháng đứng mong chờ.
Cây cầu xưa ai dựng?
Mà bây giờ oan khiên!
Thân tàn mang chứng tích
Xót cảnh đời truân chuyên.
Người qua cầu thuở trước
Giờ lưu lạc nơi đâu?
Có nhớ về quê cũ
Tháng năm sống dãi dầu.
Núi Quít (*) buồn câm nín
Xót xa lòng cố nhân
Vách loang tường rêu mục
Khách du bước ngại ngần.
Vầng mây ôm Cà Đú
Gió lay cành cây khô
Chút tình sầu để lại
Người đi quá hững hờ!
Thảo Ca Nguyễn Xuân Phần
* Núi Quít, núi Cà Đú là tên hai hòn núi thuộc quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Người có căn nhà nhỏ để trở về
Tôi còn gì ngoài tấm thân tàn tạ
Người sống cuộc đời bận rộn
Tôi thì thầm với nỗi cô đơn
Phố xá lên đèn bao người vui bước
Tôi nằm dài trên ghế "sô fa".
Thương quê Mẹ đọa đày, cay đắng
Thương bạn bè lao động chốn rừng già
Người có gia đình vợ con, cha mẹ
Tôi một mình căm lặng sống chờ mong.
Chiều cuối tuần hiu hắt hàng cây xanh,
Chút ánh sáng cũng tan vào bóng tối.
Tôi ngồi âm thầm trong quán vắng
Ngoài kia mọi người hối hả
Họ có niềm vui riêng
Tôi có nỗi buồn của người xa xứ.
Cuộc đời có những nghịch lý
Trên quê hương Việt Nam khốn khổ
Và trên những vùng tận cùng trái đất
Người có con đường nhung lụa
Tôi cũng có con đường đau khổ riêng tôi.
Ước mong đời đời
Tiếng trẻ thơ reo vui ngoài đồng nội
Giọng ru con à ơi dịu vợi
Bằng ngôn ngữ nước tôi âm điệu ngọt ngào.
Người có nhiều con đường đi về tương lai
Tôi chỉ có con đường duy nhất:
Về lại Việt Nam
Nhìn lúa ngô ươm mộng đầu đời
Nhìn Mẹ già nua tóc bạc bên trời
Chờ đợi con năm dài tháng lụn.
Dáng Mẹ run run, mắt Mẹ mù lòa
Áo vải thô vá nhiều mảnh nhỏ
Như những mảnh đời con vá cho con
Trên xứ người xa lạ, mõi mòn.
Thảo Ca Nguyễn PhanRang
Bao người trẻ nay về đâu ai biết
Tháng năm dài biền biệt những đêm sương
Hồn vất vưởng nơi rừng sâu núi biếc
Hay xác thân vùi dưới đáy đại dương?
Anh phương nào hỡi người trai Thủ Đức
Quân trường xưa giờ đã mất lối về
Đã nằm xuống hay vẫn còn lẩn khuất
Bên cuộc đời oan nghiệt giữa lòng quê
"... Này bao hùng binh tiến lên..."
Lời ca trầm hùng các anh từng hát
Nhịp chân đi vang vọng vũ đình trường
Mang chí cả quyết giữ gìn đất nước
Có ngờ đâu chim gẫy cánh giữa đường.
Nơi xứ lạ buổi tàn đông hội ngộ
Mắt dõi nhìn tìm lại bóng hình quen
Đâu còn nữa tóc sầu nay bạc trắng
Mắt lệ hoen mờ thương nhớ quê hương.
San Jose 08
Khởi Hành số 144, Tháng 10.2008
Quê hương kể từ lập quốc -
Trải qua nhiều cuộc bể dâu.
Ông cha quật cường chiến đấu
Giữ yên quê mẹ tươi màu.
Trên chặng đường dài Nam tiến
Đổ bao nước mắt mồ hôi
Tiền nhân chung lòng xây đắp
Sao không ra sức tô bồi?
Hỡi bọn cúc cung hèn nhát
Cúi đầu thần phục lân bang
Cắt dâng rừng vàng biển bạc
Thân hèn chí mọn lòng gian
Quên mất ngàn năm nô lệ
Phụ công tiên tổ ngang tàng
Gươm thiêng chém đầu giặc Bắc
Sông Hồng trôi xác xâm lăng?
Khởi Hành số 144, Tháng 10.2008
Đứa bé tìm cha, cha đã chết
Chỉ còn người mẹ đứng ngu ngơ
Chiều ra biển vắng nhìn mây nước
Dõi mắt trông theo một bóng mờ.
Khởi Hành số 162, Tháng 4.2010
Tiếng khóc bi ai từ biển cả
Đảo xa hiu hắt ánh trăng vàng
Có người tỵ nạn vun bờ cát
Đắp nấm mồ ai chẳng khói nhang.
Khởi Hành số 162, Tháng 4.2010
Anh nằm xuống trong trại tù u tối
Đời tang thương từ lúc rũ màu cờ
Con thơ dại mong cha về từng bữa
Nay cha về lòng đất lạnh hoang sơ
Người vợ tù thân tảo tần bé nhỏ
Sống lưu đày trên mảnh đất quê hương
Trời thật cao đâu thấu lòng oan khổ
Thôi đành cam mất cả một thiên đường.
San Jose, 2009
Khởi Hành số 161, Tháng 3.2010
Tri Thuỷ còn đâu những chuyến đò
Đưa tôi về lại thuở xa xưa
Hận loài lang thú đem giông bão
Thổi nát quê nhà với nắng mưa.
San Jose
Khởi Hành số 115, Tháng 5.2006
Về đâu em bé lên mười
Mắt ngơ ngác đứng bên trời tịch liêu.
Cha em chôn xác thủy triều
Mẹ em chết bởi tiếng cười vô lương.
Khởi Hành số 115, Tháng 5.2006
Mẹ già mòn mỏi nơi quê cũ
Trông ngóng thằng con chẳng thấy đâu
Binh lứa đã tàn từ dạo ấy
Hay còn chôn xác chốn rừng sâu?
Nửa khuya mẹ bước lần ra cửa
Nghe tiếng ai thân tận cuối trời
Trong trái tim khô dòng lệ nhỏ
Hắt hiu thân mẹ, xót xa đời.
Khởi Hành số 115, Tháng 5.2006
Mẹ Xưa dẫn con lên núi
Ai ngờ con hoá vượn rừng
Ngày về đồng bằng tàn bạo
Mẹ buồn mắt lệ rưng rưng
Cha xưa dắt con xuống biển
Lần mò tìm kiếm tương lai
Nay kẻ lạc loài đất khách
Đứa chôn thân xác đảo ngoài.
Trăm con giờ đây ly tán
Vọng về đất nước thương cha
Khóc mẹ một đời đau khổ
Hắt hiu bóng xế tuổi già.
16 tháng tư 08, kỷ niệm ngày bị bắt tù binh tại Cà Ná, Phan Rang.
Khởi Hành số 97, Tháng 11.2004
Ai đứng đợi người về từ cõi mộng
Tóc sầu buông như tượng đá sườn non
Cơn gió xoáy kể chi đời ảo vọng
Thời gian qua nào biết mất hay còn.
San Jose, 06
Khởi Hành số 123&124, Tháng 1&2.2007
Chim đã bay xa rừng còn thương nhớ
Tháng ngày dài trông bóng dáng thân yêu
Lòng nhủ quên đi rừng xanh không nỡ
Một đời chim tung cánh lọt vây chiều.
Khởi Hành số 123&124, Tháng 1&2.2007
Hai lăm năm lòng đau đòi đoạn
Người xa quê mẹ, kẻ trôi sông.
Kẻ lên rừng núi tìm xương bạn,
Kẻ vượt Đại Dương mắt đứng tròng.
Khởi Hành số 97, Tháng 11.2004
Nửa khuya thức giấc quê người
Nhìn trăng thiên cổ ngậm ngùi bể dâu
Làng xưa, phố cũ nay đâu?
Nam kha tỉnh mộng, tóc sầu bạc phơ.
Khởi Hành số 97, Tháng 11.2004
Đời tôi không có Huế
Còn gì để mà vui
Đời tôi không có Huế
Khúc Nam Ai ngậm ngùi.
Đời tôi không bến đỗ
Sống âm thầm cô đơn
Đời tôi không quê hương
Lệ rơi từng nhịp thở.
Khởi Hành số 97, Tháng 11.2004
Đêm khuya tiếng khóc hồn vong nữ
Thành cũ, cung son, lớp bụi mờ
Trinh tiết mượn dòng sông gởi xác
Nghìn năm còn tạc mộ bia xưa.
Lái Thiêu, 1981
Khởi Hành số 97, Tháng 11.2004
Giặc Hồ chưa diệt
Chỗ nào là nhà?
- Mái rạ bên đường
Đêm mưa xối xả.
Giặc Hồ chưa diệt
Quê hương nơi đâu?
- Dưới đại dương sâu
Nấm mồ cô quạnh.
Giặc Hồ chưa diệt
Chỗ nào là nhà?
- Trong trại tù đày
Sống đời nhục nhã.
Tuổi trên bốn chục
Tưởng còn thanh xuân
Hổ gầm tủi nhục
Mơ trở lại rừng
Tóc sầu sợi bạc
Ngồi hong nắng mai
Mười năm lưu lạc
Đời như còn dài.
Nguyễn Phan Rang, Union City, 1986
Khởi Hành số 30&40, Tháng 1&2.2000
Bác anh hùng tôi cũng anh hùng,
Tôi bác cùng nhau bạn kiếm cung.
Bác đuổi quân Nguyên thanh kiêm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa một Nước qua nô lệ,
Tôi dắt năm Châu đến đại đồng.
Nếu có linh thiêng cười một tiếng,
Mừng tôi cách mạng đã thành công.
Chú gian hùng chú nói anh hùng,
Tay sai Nga, Tàu phận cúc cung.
Đầu giặc xưa ta mài kiếm bạc,
Máu dân nay chú nhuộm cờ hồng.
Ta dìu dân tộc xây hồn nước,
Chú dắt cừu nhân phá cột đồng.
Nếu có hiện về ta sẽ hỏi,
Dã tràng chú đã tốn bao công?
* Hồ gọi Hưng Đạo Vương bằng bác, xưng tôi.
* Nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền thay lời Hưng Đạo Vương, gọi Hồ bằng chú, xưng ta.
Thảo Ca sưu tầm.
- Người Tù Binh Trở Về Thảo Ca Truyện ngắn
- Trang Thơ Thảo Ca Thảo Ca Thơ
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |