1. Head_

    Nhật Ngân

    (24.11.1942 - 21.1.2012)

    Phan Nhự Thức

    (4.2.1942 - 21.1.1996)

    Trương Đình Quế

    (.0.1939 - 21.1.2016)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Thấy gì trong Cõi Người của T.Vấn? (Lê Hữu) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      24-8-2023 | VĂN HỌC

      Thấy gì trong Cõi Người của T.Vấn?

        LÊ HỮU
      Share File.php Share File
          

       


      Bản pdf

      Chưa bao giờ trong đời, tôi cảm thấy lòng thanh thản như lúc viết những dòng cuối cùng này.


      Chính là câu ấy, câu trong lời Tựa ấy đã thôi thúc tôi đọc trọn tập tùy bút này.


      Sao lại là “những dòng cuối cùng”? Có thực đấy là những dòng cuối cùng? Có lẽ nào cái dấu chấm hết nơi trang cuối tập sách ấy cũng đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp viết lách của tác giả. Tôi không tin là như vậy và chắc nhiều người cũng không tin hay không muốn tin là như vậy. Tôi e mình hiểu không đúng câu ấy, muốn biết rõ thế nào thì chỉ có đọc, chỉ có từng bước đi lần vào Cõi Người * của tác giả.


      Tùy bút của T.Vấn có khi là những trang viết gần đây, có khi là những trang viết cũ từ nhiều năm trước. Có khi là những dòng chữ lan man, nghĩ sao viết vậy từ những suy nghĩ bất chợt, có khi là những trang viết có lớp lang, có chủ đề chủ điểm. Cách nào thì cũng là những bộc lộ chân thực, cũng là phơi trải lòng mình trên những trang giấy.


      Có không ít những tên gọi khác nhau cho “cõi người”, như cõi thế gian, cõi trần tục, cõi nhân sinh, cõi đi, về... Hoặc, đơn giản hơn là cõi sống, cõi dương, phân biệt với cõi chết, cõi âm, cõi hư vô… Nhiều người còn gọi là cõi tạm, là nơi tạm trú, là chốn tạm cư, làm như thể 60 năm (hay 90 năm) cuộc đời này chỉ là sống vật vờ cho qua ngày nơi quán trọ trần gian.


      T.Vấn thì khác, anh hòa nhập được với cuộc sống mới trên một quê hương mới, nơi người dân bản xứ hiền hòa, thân thiện đối xử với anh như người bạn vừa quen chứ không phải là khách lạ. “Điều ấy làm tôi ấm lòng,” anh nói. “Kẻ lưu vong đã bắt gặp lại quê hương trên miền đất xa lạ, dù cái mang theo trong hồn chỉ là những mảnh vụn vỡ của một quê hương không còn nguyên vẹn.” (1)


      Câu ấy cho thấy nơi tác giả cái nhìn thoáng và thực tế. Bất kỳ nơi chốn nào người và người đối xử với nhau đàng hoàng tử tế và được sống cho ra con người đều là những nơi đáng sống.


      Cũng là “Trăm năm trong cõi người ta” nhưng không cõi người nào giống cõi người nào. Đọc Cõi Người của T.Vấn có cái thú suy ngẫm và tìm thấy những cái giông giống hay khang khác với cõi người của mình. Chỉ kể ra một vài trong số ấy, những chỗ mà người đọc là tôi hoặc lấy làm tâm đắc hoặc học hỏi được ít nhiều.


      * Viết về ý nghĩa của cuộc sống, tác giả tiết lộ rằng, “Hôm nay tôi học được một điều mới: mỗi ngày tôi đều có thể bắt đầu lại được đời mình.” (2)


      Chỉ câu ấy thôi đã truyền cho tôi niềm hứng khởi và nguồn năng lượng mới, làm thay đổi cách nhìn nhuốm chút bi quan về cuộc sống từ khi bước vào buổi hoàng hôn của đời người. Đến mức, tôi còn đi xa hơn: dẫu ngày mai có là ngày cuối cùng đi nữa, tôi vẫn có thể bắt đầu lại đời mình khi sớm mai thức giấc. Sao không? Chỉ một giờ có ý nghĩa thôi cũng đủ rọi tia nắng ấm xuống chuỗi ngày ảm đạm và nhàm chán vì “một ngày như mọi ngày”.


      Mỗi người chỉ có một cuộc đời để mà sống. “Phải chi có được một cuộc đời khác dự trữ thì tuyệt vời biết mấy!” T.Vấn viết. Làm gì có chuyện ấy, và dù có đi nữa, anh ngờ rằng không chắc con người đã “biết sử dụng nó một cách khôn ngoan hơn hay lại cứ chứng nào tật nấy, vung phí nó khi còn trẻ và chỉ chịu dừng tay khi nhìn lại quỹ thời gian sắp sửa cạn và khi chính mình không còn đủ sức để mà vung phí nữa” (3)


      Cuộc sống thật ngắn ngủi, ta vẫn nghe vậy và chỉ kịp nhận ra khá muộn màng khi vốn liếng thời gian chẳng còn được bao nhiêu. Thế nhưng, biết thế nào là ngắn, dài? Bao nhiêu năm cho đủ một cõi người? T.Vấn có ngay câu trả lời, mượn câu nói của Walter Breuning, người sống đến 114 tuổi, được xem là người già nhất hành tinh này, “Độ dài của đời sống không phải được đo bằng ngày tháng, mà chính bằng những điều tốt đẹp đời sống ấy mang lại cho đồng loại. Một cuộc sống trống rỗng cho dù kéo dài hàng thế kỷ vẫn được coi là ngắn ngủi.” (2)


      Thật đáng cho người đọc suy ngẫm để biết yêu quý hơn cuộc sống thế gian này.


      * Viết về những nỗi buồn phiền, tác giả cho rằng, “Niềm vui, chưa hẳn đã đem lại thứ hạnh phúc trọn vẹn, bền bỉ. Nhưng nỗi buồn, một khi đã hóa thân thành nghệ thuật, nó đem lại cho người ta một cảm giác dễ chịu. Điều đó giải thích tại sao những bài hát được ưa thích nhất thường là những bài hát buồn.” (4)


      Người đọc dễ chia sẻ ý này. Không chỉ những bài hát, bài thơ, cả đến những tiểu thuyết, những cuốn phim hay vẫn thường có một kết thúc buồn.


      Đọc T.Vấn, có cảm giác anh yêu từng nỗi buồn, tưởng như nỗi buồn là người bạn đồng hành quen thuộc đi bên anh trên những chặng đường đời.


      “Nỗi buồn giúp người ta trở nên ‘người’ hơn,” anh viết, “nỗi buồn giúp thi vị hóa những thói quen nhàm tẻ hàng ngày.” (5)


      Những nỗi buồn như thế là nỗi buồn đẹp, nỗi buồn nên thơ.


      Đẹp và nên thơ như trong một ngày “trời đổ tuyết trắng xóa đường phố, tôi ngồi trong quán cà phê quen thuộc, nhấm nháp ly cà phê ưa thích, nhìn ra bên ngoài lạnh lẽo để cảm hơn nữa sự ấm áp bên trong, và để mặc cho nỗi buồn cuối ngày tràn ngập trong hồn.” (5)


      Cũng là một cách thưởng thức nỗi buồn. Đấy phải chăng là “nỗi buồn lành mạnh”, nói như tác giả, cái buồn không dìm người ta xuống, không làm người ta phải chìm đắm trong men say hay vũng lầy trác táng mà vẫn không làm sao… thoát ra được nỗi buồn.


      * Viết về hạnh phúc nơi cõi người, đề tài muôn thuở, tác giả nghiệm ra rằng đấy chỉ là một cảm giác tâm linh vì hạnh phúc là chiếc bóng chập chờn, không có hình dạng rõ ràng chi cả. Cái “cảm giác hạnh phúc” ấy, vì thế, “chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian, đến rồi lại đi”. (6) Không hình dạng, lại đến rồi đi nên mọi tìm kiếm, theo đuổi hạnh phúc chỉ phí sức, hoài công.


      Nhận thức rõ điều ấy, tác giả tạm bằng lòng với cách định nghĩa hạnh phúc của nhà văn Tô Cách Lan Allan K. Chalmers, “The three grand essentials of happiness are: something to do, someone to love, and something to hope for.” (Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có người nào đó để yêu thương và có điều gì đó để hy vọng). Một định nghĩa khá giản dị, dễ hiểu và ai cũng có thể đạt tới được mà không phải vất vả cho lắm. Tác giả tự “kiểm điểm bản thân” để nhận ra rằng mình đang nắm trong tay… hạnh phúc, vì có được một lúc cả ba thứ này (một công việc thật ý nghĩa và thú vị vẫn đang làm mỗi ngày, một người bạn đời để yêu cho đến hết đời, và một điều hy vọng rằng thế hệ con cháu sẽ sáng sủa hơn thế hệ mình). Tuyệt! Không mong gì hơn nữa.


      Người đọc, đến đây hẳn cũng muốn kiểm điểm bản thân để xem mình đã có hoặc đang có hạnh phúc mà không biết tận hưởng, hoặc sắp sửa có hạnh phúc chăng. Hoặc, cũng đồng tình với tác giả để đi tới quyết định chấm dứt việc đuổi bắt chiếc bóng hạnh phúc lung linh như ảo ảnh cuộc đời.


      * Viết về cái chết, tác giả đặt câu hỏi, “Cái chết, được coi như một sự chấm hết. Hay một sự khởi đầu?” (1)


      Ham sống, sợ chết là lẽ thường tình của con người. Thế nhưng con người tự đánh lừa mình, không thành thật với chính mình, “Cái ảo tưởng lừa phỉnh là sợ sống đến lúc phải lộ nguyên bản chất dối trá của nó.” T.Vấn viết. “Tên gọi đúng nhất của nó phải là sợ chết. Càng đến gần cuối đường, người ta lại sợ viễn ảnh tối đen của hư vô thăm thẳm.” (7) Cũng vì vậy, “Càng đi gần hết con đường (đời), càng mong cho nó dài thêm ra.” (8)


      Quả đúng là vậy, thế nên, tôi thích câu anh viết, “Hãy yêu một người sắp chết. Và nếu người ấy chết đi, hãy mang đến đôi giọt nước mắt thay vì vòng hoa. Hoa sẽ khô dù là hoa vạn thọ. Nhưng nước mắt sẽ thấm thấu xuống tận lòng đất giúp thanh tẩy linh hồn.” (8)


      Những người sắp sửa chạm mặt tử thần đều đáng được yêu và đáng được nhỏ giọt nước mắt, tôi tin là những lời ấy anh thốt lên từ đáy tim mình.


      * Viết về người thân quý nhất trên đời, tác giả gọi người mẹ là “hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng của loài người, của muôn loài sinh vật”. (9)


      Mồ côi mẹ năm 10 tuổi, T.Vấn viết, “Khi bà qua đời, tôi đã khóc những giọt nước mắt cuối cùng của tuổi thơ ngắn ngủi. Và sau đó, tôi sống cuộc đời mình như cỏ hoang mọc dại.” (10)


      Mất mẹ cũng có nghĩa là “mất đi một chỗ dựa vững chắc nhất trong đời mình”, anh nói thêm. “Cái cảm thức chông chênh, hụt hẫng ấy–vì mất đi lòng tin tưởng rằng có một người luôn toàn tâm toàn ý nghĩ về mình–chỉ xảy ra khi người ta mất mẹ.” (10)


      Tác giả từng “sống cuộc đời mình như cỏ hoang mọc dại”; về phần tôi, mất mẹ ở tuổi cuối đời, khi ấy tôi mới biết đau cái đau của đứa trẻ mồ côi. Có vẻ như tôi may mắn hơn T.Vấn, nhưng tự xét mình từ những điều anh nói về người mẹ, tôi quả là đứa con tệ bạc. Tôi đã bỏ nhà, bỏ mẹ đi biền biệt bao năm. Tôi nào có nhìn thấy nơi mẹ cái “chỗ dựa vững chắc nhất trong đời mình”.


      “Mẹ là chỗ khởi đầu của một con người,” cũng lời tác giả. “Mẹ cũng là chỗ quay về của một đời người, nhất là khi một người gặp nhiều điều không như ý trong cuộc sống.” (10) Chỗ này cũng làm tôi phải ứa nước mắt. Mất mẹ, tôi đâu còn chỗ nào nữa để mà quay về. Từ nay và mãi mãi, giữa trời đất bao la, giữa cõi người mênh mang.


      T.Vấn, những dòng anh viết là những dòng cứa vào tim tôi, cứa vào tim những đứa con không còn mẹ, không còn được cơ hội nào nữa để quay về bên mẹ.


      * Viết về những cuộc chia tay trong đời, tác giả chia sẻ, “Cuộc chia tay nào cũng có thể là cuộc chia tay cuối cùng. Ai biết trước được những bất trắc của đời sống.” (11)


      Kinh nghiệm bản thân này của T.Vấn đến từ những lần chia tay không hẹn trước với những người thân quen và cả những người anh thương quý nhất trên đời, là bố và mẹ mình. Và cuộc chia tay cuối cùng gần đây nhất với người bạn đời đầu ấp tay gối, người bạn đời “để yêu cho đến hết đời”, nói như anh.


      Cuộc chia tay mà anh gọi là “cuộc chia ly buốt lòng” ấy được anh đưa vào chương Phụ Lục của tập tùy bút này. Nhiều người đọc nói rằng đấy là chương cảm động nhất trong Cõi Người. Ở đây người đọc được thưởng thức một câu chuyện tình đẹp, kết thúc là một chia lìa, như tác giả vẫn nói, những gì đẹp nhất vẫn có một kết thúc buồn.

      Tôi đang nghĩ về những năm tháng tuyệt vời của cuộc hôn nhân hạnh phúc của chúng ta. Thật quá đỗi hạnh phúc. Chúng ta đã vui vẻ chấp nhận hạnh phúc trong hơn 36 năm qua. Chúng ta cũng đã vui vẻ chấp nhận một viễn ảnh chia tay trong những ngày tháng cuối cùng của căn bệnh quái ác. Chúng ta đã bảo nhau mình không có gì phải hối tiếc. (12)

      Không có gì phải hối tiếc, cho dù nơi trang cuối tập tùy bút, anh đã không che giấu cảm xúc thực lòng, “Làm sao anh sống nốt được những ngày còn lại của cuộc đời không có em khi mà mỗi bước đi, mỗi điểm đến, mỗi con người anh gặp gỡ đều gắn chặt với những kỷ niệm về em, người vợ tuyệt vời, người mẹ tuyệt vời, người bạn tuyệt vời.” (13)


      T.Vấn, anh từng có lúc mất lòng tin cả vào chữ nghĩa, khiến tôi cũng hoài nghi những lời mình chia sẻ gửi đến anh sau nỗi mất mát kia. Sau cùng, tôi vẫn tin vào câu nói cũ kỹ, quen thuộc, “Thời gian sẽ xoa dịu mọi nỗi đau, chữa lành mọi vết thương.” Cuộc sống vẫn lao về phía trước. Người sống vẫn tiếp tục sống, tiếp tục đi trọn đường trần, dẫu là cuộc hành trình đơn độc.


      Muốn có cuộc sống mới, người ta phải sống trong khung cảnh mới. Các con anh hẳn hiểu rõ vậy nên đã thuyết phục bố mình rời bỏ ngôi nhà ấm cúng và đầy ắp kỷ niệm để dọn về nơi ở mới.

      Mẹ ơi, xin hãy che chở cho chúng con, hướng dẫn cho chúng con để mai đây, chúng con sẽ tái tạo lại Nơi Ấy, căn nhà thân thương xinh đẹp như mẹ đã tạo dựng, căn nhà mà Bố và chúng con đã phải từ bỏ hôm nay như lời mẹ dặn để chúng con có thể chăm sóc Bố chu toàn hơn. (14)

      Đọc những dòng chữ cháu Ý-Vy nói với “người mẹ tuyệt vời” của mình, tôi thực tình muốn nói với các cháu rằng, mất mẹ nhưng các cháu vẫn còn có bố, cũng là một “người bố tuyệt vời” vậy. Không bố mẹ nào ở mãi bên con được, rồi cũng đến một lúc phải chia tay thôi. Những cuộc chia tay cuối cùng, đúng như bố các cháu nói, thật không dễ dàng chút nào. “Cách duy nhất để xoa dịu nỗi buồn chia tay là tạo ra những kỷ niệm ngọt ngào khi còn có cơ hội gần gũi bên nhau,” không phải là bố T.Vấn từng nói vậy sao? Vậy thì, điều mà ta có thể làm được bây giờ là hãy gìn giữ, nâng niu những thời khắc quý báu, những nụ cười ấm áp thương yêu khi bố con mình vẫn còn ở bên nhau, và đừng để cho giọt nước mắt nào rơi xuống, “nhất là giọt nước mắt của người cha, vốn hiếm hoi và mong manh như sương khói”. (11)


      * * *


      Cõi Người, gồm “28 mẩu chuyện đời”, nói như tác giả, được viết xuống vào những thời điểm khác nhau, gần nhất là lần nói lời chia tay sau cùng với người bạn đời, cũng là thời điểm tác giả quyết định cho ấn hành tập tùy bút này.


      Trong những “mẩu chuyện đời” ấy có lắm chuyện vui chuyện buồn, chuyện cũ chuyện mới về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, về bộ mặt của tình yêu, về tuổi tác và tháng năm, về những thành bại, được mất của một đời người với chút bâng khuâng triết lý. Người đọc cũng đọc được những mẩu chuyện thật ý nghĩa về những con người bình thường và phi thường, và cả những “trải nghiệm” riêng tư vào mỗi độ tuổi, mỗi chặng đường đời của một kiếp nhân sinh. Cứ thế, tác giả trải rộng lòng mình lên những trang chữ. Nhiều ý tưởng đẹp, lạ đến bất ngờ và thú vị. Nhiều lắm những dòng tùy bút miên man, kể ra không hết, và cũng không thể cứ trích và trích... Mỗi người đọc tự tìm biết, khám phá và cảm nhận riêng mình.


      Những trang tùy bút ấy của T.Vấn, có thể gọi là “tâm bút”.


      Cõi Người của T.Vấn không hẳn chứa đựng những gì mới mẻ, nhưng vẫn luôn mới theo cách nhìn, cách hiểu và suy ngẫm của mỗi người đọc. Người ta vẫn không ngừng nói đến, vẫn không ngừng trăn trở, đào xới, tìm kiếm những câu trả lời, tưởng như không bao giờ cạn.


      Không bao giờ cạn, hẳn T.Vấn biết rõ hơn ai hết điều này. Thế nên, người đọc vẫn tin rằng sẽ còn đọc thêm nữa những “mẩu chuyện đời” ngày nào tác giả vẫn còn ở với thế gian này, vẫn còn nổi trôi giữa cõi người mênh mông không bến không bờ.


      Lê Hữu


      (1) Cơn bão dữ tháng 5

      (2) Đời người sống đến bao lâu?

      (3) Ngày tháng và những con chữ

      (4) Đời sống: niềm vui và nỗi buồn

      (5) Liệu người ta có thể chết vì buồn?

      (6) Đi tìm hạnh phúc

      (7) Buồn tàn thu

      (8) Chút vụn vỡ cuối thu

      (9) Dòng sông Mẹ

      (10) Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường

      (11) Từ những cuộc chia tay

      (12) Chia tay

      (13) Ga đời lẻ bóng

      (14) Làm sao lìa bỏ được một chốn về vĩnh cửu?


      * Cõi Người, Tập tùy bút T.Vấn, Nxb Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu, 2023

      Đọc Cõi Người trên trang mạng T.Vấn & Bạn Hữu – Văn Học và Đời Sống:

      https://t-van.net/t-van-coi-nguoi-tuy-but/


      Lê Hữu

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Ông già Noel vô tích sự Lê Hữu Truyện ngắn

      - Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút

      - Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn

      - Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định

      - Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định

      - Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định

      - Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn

      - Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định

      - Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận

      - Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn

    3. Bài viết về nhà văn T. Vấn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về T. Vấn

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Thấy gì trong Cõi Người của T.Vấn? (Lê Hữu)

      Tác Phẩm Thérèse Desqueyroux của François Mauriac qua bản dịch của T.Vấn (Vương Trùng Dương)

       

      Tác phẩm của T. Vấn

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Lê Hữu: Âm Nhạc Của Một Thời (T. Vấn)

      - Giới thiệu sách mới: Thérèse Desqueyroux, tiểu thuyết của François Mauriac, T. Vấn chuyển ngữ

      - T. Vấn Viết về Bạn Hữu

      - T. Vấn Viết về Bạn Hữu (bản pdf)

      - Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

      - Trang nhà

         Thơ văn trên mạng:

      - vietbao.com

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)