|
Tường Linh(12.12.1931 - 5.2.2021) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
• Nghĩ Về Thơ (trích đoạn) • Ai Về Miền Quê Tôi Nhắn
• Thư Gửi người Em Hà Nội • Hỡi Em Nhỏ Cô Đơn
• Hai mươi câu của tuổi trẻ • Kim Kim
• Chiều trên phi trường Pochentong • Chiều xuống
Thơ có một số người ghét vì quá nhiều người yêu Thơ
Kẻ ghét Thơ là những ông Vua không có văn hóa, những Tướng lãnh bất tài, những kẻ có quyền hành mà áp bức ngườI khác, bọn trọc phú và những người ngu dốt
Họ ghét Thơ vì Thơ đả động đến những thói xấu.
Họ sợ Thơ vì Thơ không ích kỷ.
*
Thơ là sự Tuyệt Đối.
Một Nhà Văn thành công cũng muốn viết dăm ba bài thơ, nhưng một Thi Sĩ thành công chẳng bao giờ muốn viết truyện dù rằng một cuốn.
Trong Thơ cũng có tranh, có nhạc, nên Thi Sĩ cũng chẳng bao giờ mơ ước trở thành Họa sĩ, Nhạc sĩ.
Trong cuộc sống đã cho thấy những ông Vua muốn trở thành Thi Sĩ, nhưng chẳng có một Thi Sĩ nào trở thành một ông Vua.
Có lẽ con đường mà ngườI Thi Sĩ lựa chọn là con đường bạc bẽo nhất, nhưng cũng có hoa thơm cỏ lạ và tuyệt vời nhất.
*
Thơ là Tai Họa. Thơ chống lại sự suy thoái về Chánh Trị, sự u mê về Tín Ngưỡng, sự sa đọa về Văn Hóa.
Người làm Thơ bị kết án, bị bỏ tù, bị giết chết. Tính mạng được treo giá.
Thi Phẩm bị cấm đoán, bị tịch thu, bị thiêu đốt.
Thơ khai chiến với Điều Xấu. Điều Xấu thắng : Thơ là Tự sát.
*
Thơ là Sự Can Đảm. Can Đảm đứng trước cái Chết
Can Đảm đứng giữa bờ Tử Sinh.
Từ bỏ cái Thực đi vào cái Mộng
Từ bỏ Giầu sang đi vào Nghèo Nàn.
Từ bỏ cái Vui để vào Buồn Phiền.
Từ bỏ Hạnh Phúc để vào Đớn Đau.
Từ bỏ cái Nguyên vẹn để vào cái Tan Vỡ.
Từ bỏ cái Có để vào cái Không.
Từ bỏ cái Nhất Thời để vào cái Vĩnh Viễn,
Hay đôi khi trái ngược lại.
Can Đảm của Thơ là yêu người mà người không yêu mình.
Yêu Đời mà Đời phụ mình. Và Thi Sĩ là một người sống trong một Thế Giới Treo Ngược.
SONG HỒ
(Trích Nghĩ Về Thơ -1989)
Ai về miền quê tôi nhắn
Cho bóng người áo vải
Rằng thành đô đổ nát đến nơi rồi
Say thú vui khoé mắt làn môi
Đổ ngày tháng cho hung thần khoái lạc
Ai đã trông mà lòng không tan tác
Trẻ già trai gái
Truỵ lạc như nhau
Mặc súng ngoài xa nổ
Gục mấy hàng cau
Gục người mẹ
Người cha
Người anh
Người em
Họ hàng thân thích
Đây Hà Nội!
Trời mưa tuôn rả rích
Bê bết bùn lầy, nước đọng nhớp nhơ
Đèn nê-ông toả ánh điện xanh mờ
Nhạc cuồng loạn
Gót giầy đinh lắc ván
Một và hai, trăm ngàn
Rồi đến vạn
Đèn nhạt, đèn xanh, đèn tím đèn vàng
Nhạc điên cuồng vẫn réo rắt reo vang
Mầu biến đổi là lòng người biến đổi
Mập mờ và yếu đuối
Hiện dần trong bóng tối
Có bóng người con gái miền quê
Khăn yếm bỏ đi rồi
Làn tóc xoăn xoăn
Đỏ mọng đôi môi
Chiều thứ bẩy
Giầy đinh vang hè phố
Ai về miền quê tôi nhắn
Cho bóng người áo vải
Rằng thành đô đổ nát đên nơi rồi.
Nguồn: Báo Nguồn sống mới, Sài Gòn, 1954
Anh viết lá thư về Hà Nội
Giữa lúc bóng chiều
Ngả mầu sắc tối
Lòng người chiến sĩ căm căm
Đã bao tháng năm?
Chưa bức thư nào
Về thăm người em gái nhỏ
Không biết anh đi từ độ nọ
Người em còn nhớ tới không?
Hay ở nơi đây
Ánh sáng Kinh Thành
Em cười trên tay kẻ khác
Nhưng anh vẫn tin
Tình em còn mộc mạc
Như tình anh
Mối tình giữa buổi chiến tranh…..
Song Hồ (1949)
Hỡi em nhỏ cô đơn!
Đang lang thang ngoài phố.
Em ơi đi đâu đó?
Cho ta hỏi đôi lời:
– Cha đâu? – Bị cải tạo!
– Mẹ đâu? – Buôn chợ trời!
– Anh đâu? – Ở Cam Bốt!
– Chị đâu? – Vượt biên rồi!
– Ông đâu? – Đấu tố chết!
– Bà đâu? – Buồn qua đời!
– Cô đâu? – Kinh tế mới!
– Bác đâu? – Tự tử rồi
Thôi! thôi! Không hỏi nữa!
Tim ta quá bồi hồi
Sao em còn nhỏ tuổi
Đã biết nhiều chuyện đời
Sao mảnh đất nhỏ bé
Xẩy nhiều chuyện rụng rời….
…….
(1981)
Xin thời gian đừng phai lạt thơ ngây
Xin mùa thu đừng héo hắt tim này
Xin mùa đông đừng cỗi cằn tuổi trẻ
Xin mùa hè đừng thiêu đốt niềm tin
Để chúng tôi dâng cuộc đời cho mùa xuân
Để mùa xuân vào cuộc đời vĩnh viễn
Anh của em, em của anh, sông của biển
Của chúng ta của rừng núi của trời mây
Như bướm hoa trên trái đất hôm nay
Hai người được yêu nhau trọn vẹn
Hai người được trao hết những yêu thương
Chúng tôi đang ngồi dưới gió mát trăng sao
Chúng tôi đang ngồi trước cỏ cây hoa lá
Chim muông ơi hãy về tấu những lời ca
Anh đã hôn em lên tay lên má
Và môi em ngọt lịm trên môi anh
Chúng tôi đang ôm chặt lấy ngày xanh
Chúng tôi đang ôm ghì lấy tình ái
Để tình yêu và tuổi trẻ mãi mãi
Cuộc đời xoá hết những thương đau
Thế kỷ hai mươi đau khổ quá nhiều
Tình yêu! Tình yêu! Vô cùng cần thiết.
(Thi phẩm Hai Cánh Hoa Tim, xuất bản 1960)
Thơ Tình Miền Nam
Thư Ấn Quán, 2008
(2) Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Bây giờ tháng mấy rồi Kim nhỉ?
Em mặc áo màu hay áo hoa?
Bây giờ tháng mấy rồi Kim nhỉ?
Tình yêu chúng mình như hôm qua.
Chúng mình yêu nhau trong ngày Phục Sinh
Khi những con chiên về nhà thờ
Và chuông giáo đường đang ngân tiếng
Kim ơi! Kim ơi! Kim nhớ không?
Em-đã-hôn-anh-như-anh-đã-hôn-em
Khi hai đứa chúng mình mới gặp nhau
Anh đưa em về trời vừa đổ tối
Chúng ta hẹn nhau ở ngày mai.
Ngày mai anh đón em ở Phú Nhuận hay Chi Lăng?
Chúng mình sẽ đi trên con đường Gia Định
Những con đường đầy bóng cây xanh
Hay những con đường Sài Gòn đầy màu áo?
Anh đưa em về anh không quên hôn em.
Những buổi tối Trời mưa hai đứa đi chung một đường (?)
Lòng em sưởi ấm lòng anh
Chúng mình vừa đi vừa hôn
Ngoài trời vẫn mưa, vẫn mưa tuôn.
Vai em tròn như chiếc bình sứ
Môi em ngọt hơn nước mưa rơi
Kim ơi! Kim ơi! Kim ơi!
Những sáng Chúa Nhật Kim còn nhớ?
Anh cướp con Chiên của Chúa rồi!
Và môi em nở nụ cười
Anh nguyện là người tình chung thủy
Đưa em về Thiên-Đường-Hoa-Cỏ-Tình-Yêu.
Chúng mình yêu nhau trong ngày Phục Sinh
Khi những con chiên về nhà thờ
Và chuông giáo đường đang ngân tiếng
Kim ơi! Kim ơi! Kim ơi nhớ không?
(Hai Cánh Hoa Tim)
(1) Bài thơ này đã được nhạc sĩ Mỹ Gene Brooks phổ nhạc, nhạc phẩm mang tên KIM
Thơ Tình Miền Nam
Thư Ấn Quán, 2008
Chiếc máy bay in hình ở cuối chân trời
Ánh nắng ban mai đang tắt dần trên những xóm làng xa
Ly rượu trên bàn còn một nửa
Người giang hồ đang nhớ những ngày qua
(những ngày qua - em đến em đi)
Tiếng động cơ mang mất người thân yêu không còn vang trở lại
Người nữ chiêu đãi đã sửa soạn ra về
Chiếc xe từ từ vào phố
Buổi chiều ở phi trường rất buồn
Người giang hồ đã thấy nhớ quê hương.
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (Tập I)
Tủ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam
Thư Ấn Quán Tái Bản, 2007
Giữa rừng núi chơ vơ doanh trại mọc
Ngọn đồi xanh trọc lóc đất hoe vàng
Giây điện cắt khung trời thành mảnh nhỏ
Hàng kẽm gai hoen rỉ dưới mưa sương
Theo quân đến không gian còn đượm khói
Gió ngoài trời hun hút buốt xương da
Súng đã nổ rộn ràng trong đêm tối
Tiếng hoãng kia hốt hoảng giữa rừng khuya
Trời hừng sáng chim đậu liều trụ điện
Sợ rừng hoang hung dữ quá đi rồi
Trưa nóng bỏng cát bay mùa vọng gác
Lúc chiều về đoàn mục tử không qua
Ôi, đêm nay sao trời êm ái thế
Muốn lời thơ không vương ý chiến tranh
Làm súng nổ tiêu tan nguồn yên lặng
Sợ nhân gian chìm đắm giữa u sầu
Một đêm tâm thần đà tỉnh lại
Nhìn trời mây hình như đã thay mầu
Bới gốc cũ thấy rễ non đang mọc
Dưới chân đồi cỏ như đã xanh xanh
Trên vọng gác nhìn xuống đường xe chạy
Đoàn Mỹ quân đang rút khỏi nơi này
Chiều buông xuống nghe chim gù chân núi
Tôi nhìn trời và đếm những đốt tay.
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (Tập I)
Tủ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam
Thư Ấn Quán Tái Bản, 2007
- Trang Thơ Song Hồ Thơ
• Một Thời Vàng Son Chữ Nghĩa (Nhật Tiến)
Nhóm, tạp chí, và nhà thơ Song Hồ
(nguoi-viet.com)
(cothommagazine.com)
• Trang Thơ (Song Hồ)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |