|
Dương Quảng Hàm(14.7.1898 - 19.12.1946) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Phương Tấn
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
...
Có lẽ không một người Việt nào ở miền Nam Việt Nam trước đây mà không từng nghe hay thuộc lẩm nhẩm ít nhất vài câu của bài hát Lòng Mẹ rất cảm động này của nhạc sĩ Y Vân.
Mẹ là người gần gũi thân thiết nhất của mỗi người. Trong lòng chúng ta, mọi con người ở khắp năm châu, đều có hình ảnh người Mẹ yêu kính của mình. Hình tượng người Mẹ đã có từ khi bắt đầu có loài người. Mẹ là nhân vật đầu tiên và thân thiết nhất của mỗi con người sinh ra trên trái đất này. Sự vĩ đại của Mẹ, và tình yêu thiêng liêng Mẹ dành cho con cũng đã có từ đó. Có thể có những đứa con ngỗ nghịch ở đâu đó, nhưng bao giờ Mẹ cũng yêu thương con, tình yêu của Mẹ có thể so sánh với sự bao la vô hạn của trời đất. Người Do Thái có câu nói: "Thượng Đế không thể có mặt ở mọi nơi, vì vậy Ngài đã làm ra những người Mẹ." (God could not be everywhere, and therefore he made mothers). Mẹ thay mặt cho Thượng Đế. Tức là, về một mặt nào đó, Mẹ cũng lớn lao cao cả như Thượng Đế. Tuy vậy, người Tây phương thường coi Mẹ như một thiên thần.
Người ta kể, Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ từng có lần nói: “Tất cả những gì tôi được như hôm nay hoặc tôi hy vọng đạt được, đều nhờ ở người Mẹ thiên thần của tôi." (AIl that I am or ever hope to be, I owe to my angel mother.")
Người Trung Quốc tôn những bà Mẹ sinh ra các bậc thánh nhân là Thánh Mẫu, nhưng một trong những nền văn hóa phụ hệ sớm nhất của loài người này, người phụ nữ không có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội. Mặc dù tình yêu vô điều kiện của họ dành cho con cũng lớn lao như của tất cả những bà Mẹ khác của loài người. Vì vậy, ngoài các Thánh Mẫu của các thánh nhân, dường như người Tàu không có một hình ảnh tinh thần thiêng liêng dành cho người Mẹ của họ -- như hình ảnh Mẹ-thiên-thần của người Tây phương, hay hình ảnh Mẹ-bà-tiên của người Việt Nam. Người Việt coi Mẹ là một bà tiên đẹp đẽ, hiền hậu và đầy lòng yêu thương. Khi mình lớn lên, có tuổi tác rồi, dù Mẹ có trở nên một nhân vật thực tế hơn, nhưng bao giờ Mẹ cũng gần gũi với hình ảnh bà tiên dịu hiền dành tất cả tình thương yêu cho con, và mình luôn yêu kính Mẹ.
Nhà thơ Phương Tấn, một người từ nhỏ đã thiếu tình cha, vì:
Cha tôi theo cách mạng
Huyễn mộng giữa đất trời
Sầu đùn theo năm tháng
Mẹ đợi bóng ma trơi.
(Đợi Bóng)
Cha đi từ thuở nọ
Biệt tích giữa chiến khu.
(Cuốn Trôi Giấc Mơ tiên)
Phương Tấn cùng các anh em ông sống với Mẹ, và hiểu hơn ai hết tình yêu thương của Mẹ. Nhưng Mẹ ông là một “bà tiên bất hạnh":
Mẹ, bà tiên bất hạnh
Gượng leo dây một chân
Quẫy quạnh hiu một gánh
Chập choạng vào thế gian.
Mẹ, bà tiên bất hạnh
Gượng leo dây một tay
Quẫy quạnh hiu một gánh
Chập choạng vào thế gian.
(Đời Có Chi Ngộ Quá)
Mẹ ông nghèo quá, như thân cò gầy rạc nuôi bốn đứa con:
Bốn thằng con sống chung cùng manh chiếu
Cùng chút xương người mẹ róc cho con.
(Thư Cho Em Trai Ở Quân Y Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang)
Trong cảnh nghèo vất vả:
Mẹ cười, bưng bát cơm thiu
Ầu ơ, móm mém hắt hiu phận bèo
(Ầu Ơ, Con Ẵm Bóng Theo Tạ Đời)
Người Mẹ của nhà thơ Phương Tấn gặp người “bạn” nào đó khuyên bà... bán bớt con:
Gặp bạn thời bạc phước
Khuyên Mẹ bán bớt con
(Cuốn Trôi Giấc Mơ Tiên)
Lời khuyên tàn nhẫn của người “bạn” của Mẹ ông khiến người ta hình dung được hoàn cảnh của mẹ con ông lúc bấy giờ cơ cực thê thảm đến mức nào. Tuy vậy, Mẹ ông đã khẳng quyết thà bán chính mình chớ không bán con mình:
Mẹ ôm con khóc mướt:
“Bán Mẹ, không bán con.”
(Cuốn Trôi Giấc Mơ Tiên)
Quyết định “Bán Mẹ không bán con” của Mẹ ông, bỏ qua cái nhìn trắc ẩn và lời khuyên đau lòng của người bạn, là phát xuất từ sức mạnh của tình thương yêu rất thiêng liêng và vĩ đại của người Mẹ, trùng hợp với nhận xét của Agatha Christie, nhà văn người Anh nổi tiếng, chuyên viết tiểu thuyết về tội phạm khi, trong truyện ngắn The Last Seance, bà nói: “Tình thương yêu của người Mẹ dành cho con mình là không giống với thứ gì khác trên đời. Nó bất chấp luật lệ, bất chấp sự trắc ẩn của người khác nhìn mình, nó coi thường mọi thứ, và đập nát không thương tiếc tất cả những gì ngăn cản sự thể hiện của nó.” (A mother's love for her child is like nothing else in the world. It knows no law, no pity, it dates all things and crushes down remorselessly all that stands in its path).
Và Nina Grey, một nhân vật trong Eden, cuốn thứ ba của bộ tiểu thuyết Providence (Providence, Requiem, và Eden) của Jamie McGuire cũng xác định như thế: “Tình yêu của người Mẹ là tất cả... Nó là thứ mang đứa con vào với thế gian. Nó là thứ hun đúc nên toàn bộ bản chất cuộc sống của chúng. Khi người Mẹ nhìn thấy con mình lâm nguy, bà có thể làm mọi thứ, theo nghĩa đen, để cứu nó. Những người Mẹ đã nhấc bổng chiếc xe đang đè lên các con mình, và hủy diệt toàn bộ nhiều triều đại. Tình yêu của người Mẹ là năng lực mạnh mẽ nhất mà con người đã biết đến.” (A mother's love is everything, (...). It is what brings a child into this world. It is what molds their entire being. When a mother sees her child in danger, she is literally capable of anything. Mothers have lifted cars off of their children, and destroyed entire dynasties. A mother's love is the strongest energy known to man.)
Những điều này giúp ta hiểu: Phương Tấn – đứa trẻ sinh thiếu tháng nuôi trong lồng kính – đã sống sót và trưởng thành, cùng với các anh em của ông, dưới ý chí mạnh mẽ và tình thương bao la của người Mẹ:
Vâng, xin thưa tất cả
Tôi không phải là người
Tôi là tên thiếu tháng
Từ lồng kính bước ra.
Từng dấu chân chịu chắt
Giữa dòng sống mù sương
Chưa một lần thấy mặt
Về người cha của mình.
(Reo Vui Giữa Huyệt Đời)
Và chúng ta cũng hiểu được: nhà thơ Phương Tấn không chỉ làm thơ về Mẹ, mà ở tuổi ngoài thất thập (Phương Tấn sinh năm 1946) còn dành riêng một tập thơ để ca ngợi và tưởng nhớ Mẹ mình, tập thơ Thưa Mẹ:
Con lột mũ cởi giày và tháo mép
Những chua ngoa xin mắc lại cho đời
Nay trở ngựa rầu rầu qua lưng mẹ
Thân cũng tàn con gõ lấy mà chơi.
Xin đừng hỏi e một lời cũng mỏi
Tương tàn kia bòn mót hết xương da
Con ngồi gỡ trăng phơi trong mắt lạnh
Lấy nắng chiều hong một chút sầu khuya.
(Thưa Mẹ)
Nếu coi Mẹ là Thánh Mẫu, hay là Thiên Thần, những hình tượng đó đều hàm ý một điều gì siêu nhiên, cao cả, và dường như chỉ để kính trọng - và có ít nhiều sợ hãi kiểu “kính nhi viễn chi” – chớ ít| gần gũi thân thiết với con người như hình ảnh bà tiên. Tuy bà tiên cũng chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, nhưng thích hợp với tinh thần văn hóa của người Việt hơn. Một vị Thần Thánh thường gợi hình ảnh một đấng oai nghiêm, không bao giờ cười, và có thể ngự trên bàn thờ, còn một bà tiên thì không như thể. Bà tiên, ngoài đặc tính xinh đẹp và hiền hậu, là một hình tượng của sự nhân ái, yêu thương và giúp đỡ, luôn luôn có mặt bên cạnh mình, sẵn sàng nâng đỡ khi mình sa sút, an ủi khi mình đau buồn, xoa dịu và chữa lành khi mình bị thương tổn, dù mình có thể vô tình không nhìn thấy. Bà tiên còn gợi ý sự nhẹ nhàng, thanh thoát và lung linh hơn thần thánh. Nhưng “bà tiên bất hạnh” của nhà thơ Phương Tấn mang hình ảnh tần tảo khổ cực vất vả nuôi con trong hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương và người chồng đi kháng chiến:
Thân Mẹ gầy hơn cỏ
Càng vò võ hoài mong
Thương dầu hao bấc cạn
Gửi phận vào thinh không.
(Cuốn Trôi Giấc Mơ Tiên)
Sophocles, một trong những kịch tác gia Hy Lạp thời xưa cho rằng chính con cái là gánh nặng như những chiếc neo giữ chặt bà tiên trên mặt đất (Children are the anchors of a mother's life). Điều này không phải chỉ ứng với người Mẹ đáng kính của nhà thơ Phương Tấn, mà có lẽ tất cả chúng ta đều là những chiếc neo của Mẹ mình; rõ nhất là trường hợp các bà Mẹ cô đơn, góa bụa đã dành cả cuộc đời mình cho con mà không tái giá, thà:
“Bán Mẹ, không bán con.”
...
Những chiều mưa phố đỏ
Mẹ vò võ trông chồng.
(Cuốn Trôi Giấc Mơ Tiên)
Nhà văn nữ người Mỹ Audrey Niffenegger, trong một tác phẩm tiểu thuyết được quay thành phim, The Time Traveler's Wife, nói rằng: “Trong các chuyện cổ tích, luôn luôn là những đứa con bay nhảy tung tăng khắp chốn, trong khi các bà Mẹ ngồi vò võ ở nhà trông chờ đàn con bay về vào nhà qua cửa sổ.” (In fairy tales it's always the children who have the fine adventures. The mothers have to stay at home and wait for the children to fly in the window).
Phương Tấn cũng có thể là một đứa con “bay tung tăng” như vậy. Nhưng không phải ông “tung tăng” trong những niềm vui hoan lạc nào, mà ông cũng như nhiều thanh niên khác cùng thời đại mang chung thân phận trai thời chiến, có trách nhiệm với núi sông, có những dằn vặt thao thức về chí hướng lý tưởng của bản thân, về thảm trạng điêu tàn do chiến tranh gây ra cho đất nước:
Sau ngày tháng năm đó
Mày đã làm được gì?
Tiếng quát của lý tưởng
Quay tít giữa châu thân
Căng thêm niềm thần bí
Tôi thiếu điều hụt chân.
Ôi chao, ngày phụt tắt
Tuổi trẻ đen đêm đen
Từng ý nghĩ thoăn thoắt
Nhảy trong trí não này.
Nỗi thật đen thấp xuống
Cùng bão lũ lên cao
Đuổi theo đuổi theo mãi
Trên số phận hẩm hiu.
Trên số phận hẩm hiu.
(Cuốn Trôi giấc Mơ Tiên)
Nhà thơ không những không “bay về vào nhà qua cửa sổ,” mà trong những ngày Tết thiêng liêng Mẹ ông chờ con vò võ, ông còn ở quê người xa tắp, vọng về quê nội đang chìm trong chiến tranh tan tóc:
Ở Mỹ không hạt dưa
Không lì xì không mứt
Không lấp ló sau nhà
Chờ được mừng tuổi Má.
Xuân ở quê nội con
Có bà con cô bác
Cầm tay ngỡ kẻ thù
Có anh em ruột thịt
Mà giết nhau như chơi.
Xuân ở quê nội con
Rượu mà như nước mắt
Khóc say nhau một lần
Mai chắc gì thấy mặt
Mai chắc gì anh em.
(Mẹ Ơi Con Không Về Kịp Tết)
Ngay cả ngày vui thành hôn của người em trai, nhà thơ cũng không về kịp được để chúc mừng hạnh phúc của hai em:
Anh về muộn một hôm sau tiệc cưới
Chút gì vui còn loáng thoáng quanh nhà
Lòng chợt mát như có người vừa tưới
Cho thịt xương riu rít ở bao la.
(Thư Cho Em Trai Ở Quân Y Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang)
Tập thơ Thưa Mẹ của Phương Tấn gồm 53 bài thơ, nhưng chỉ có một nửa, tức một phần hai số bài thơ có nói về Mẹ. Một phần hai còn lại của tập thơ phản ảnh những dằn vặt của nhà thơ về thân phận, chiến tranh và quê hương.
Ta nhảy nhót với bóng ta vãi xuống
Một đời vui đem gói lại cho người
Một đời buồn gửi lại ở bên ta
Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.
Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ
Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng
Ta sẽ thả lòng ta cho trời đất
Trời ra hoa và đất hết vô tâm.
...
Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm
Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người
Trong chịu chắt tình ta phơi phới lắm
Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi.
(Vào Trại Phong Quy Hòa Làm Thơ Gửi Hàn Mạc Tử)
Những thao thức dằn vặt nội tâm của nhà thơ phản ảnh phần nào nỗi thao thức của tuổi trẻ, những người đồng hành với tác giả trong cùng không gian và thời gian, mang cùng tâm trạng.
Này cô đơn quá đỗi
Tuổi trẻ làm sao ăn
Tóc đà trắng buồn bã
Sao chẳng thấy Phật đâu
Nhào lộn trên thánh giá
Vẫn chẳng thấy Chúa đâu.
(Reo Vui Giữa Huyệt Đời)
Ôi, con thèm đi học
Để biết mình biết yêu
Để biết mình biết khóc
Xót quê mình đìu hiu.
Ôi, con thèm đi học
Phận đời như bóng câu
Tủi một thời ngang dọc
Tát hoài mỗi bể dâu.
(Mẹ Ngủ Ngoan Con Thương)
Kính thưa chị cơm bữa no bữa đói
Nhà lêu bêu thuê tháng được tháng không
Xuôi với ngược cũng làm thân tôi mọi
Ngược rồi xuôi vẫn lấy cát lấp sông.
Tuổi thì nhỏ sao lòng nghe đà mỏi
Mắt còn trong sao dạ đã bơ phờ
Chúa thì cao em làm sao mà với
Khổ còn qua, qua mãi ai ngờ.
(Khoai Lang Vỏ Đỏ Lòng Vàng)
Như mọi người Việt miền Nam thời đó có làm thơ hay khôn làm thơ, đi qua cuộc chiến, không thể không mang trên mình những vết thương – những vết thương không nhất thiết chỉ hằn vào da thịt. Một vài vết thương như thế chắc chắn gây sẹo trong tâm hồn nhà thơ.
Vạt máu vãi trên đồi cao bóng lẻ
Máu quân thù hay máu của quê chung.
(Cha Và Con)
“Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” (mà ngườ miền Nam, cũng như trong các tài liệu của Mỹ và Tây phương, thường gọi là Việt Cộng) là một bộ phận chính trị - quân sự của miền Bắc hoàn toàn do miền Bắc lãnh đạo, được thành lập tại miền Nam vào năm 1961. Trong ngôn ngữ của những người lính mang số mệnh “sinh Bắc tử Nam,” “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” của cái Mặt trận này có những từ ngữ rất “đặc trưng” mà người miền Nam không dùng. Chỉ từ sau năm 1975 những từ ngữ vốn có sẵn trong ngôn ngữ mà vẫn “lạ tai” đó đã lan tràn khắp nước. Năm 1964, là mốc thời gian rất sớm khi Phương Tấn dùng những từ “giải phóng” “nhân dân” “đỏ phố đỏ cờ”, thứ ngôn ngữ du nhập từ miền Bắc ấy, trong bài thơ viết gởi cha mình ở bên kia dòng sông Bến Hải vào năm đó. Bài thơ có những lời như tiên tri:
Ơi giải phóng
phóng bùa vong bản
Tiêu máu nhân dân
đỏ phố đỏ cờ
Chân vô thức búa quanh đầu cách mạng
Con gõ hồn thân bỗng úa mênh mang.
Trong hiu hắt dòng chim rừng quẫy cánh
Dắt dìu nhau trôi dạt bến bờ xa
Lửa cuồn cuộn chìm sâu vào sử sách
Cội chia nguồn và bóng cũng chia ta.
(Thư Gửi Cha Bên Kia Sông Bến Hải)
Những vết thương không chỉ trong lòng nhà thơ; nó đã trở thành một nỗi đau rất lớn của cả dân tộc, mà dư chấn còn kéo dài chưa biết tới bao lâu, được nhà thơ ghi nhận trong toàn bài thơ rất xúc động dưới đây:
THƯƠNG CÂY NHỚ CỘI
Còng lưng thay trâu cày qua luống đất
Qua những luống đời ròng rã chiến chinh
Ngưng bắn nghe đâu riêng cho thành thị
Chỉ có thị thành không có đao binh.
Mỗi sáng ra đồng cờ vàng cờ đỏ
Cờ của bên này cờ của bên kia
Đây đạn Trung-Xô đấy bom Mỹ quốc
Kia xác đồng bào nọ xác anh em.
Giựt đất cắm cờ cắm cờ giựt đất
Cờ của hận thù đất của Việt Nam
Bom đạn cho ai vì ai lường lật
Đâu phải người ngoài giết nhau cho cam.
Lúa của nông dân mặt vàng da bủng
Đất của cha ông chân lấm tay bùn
Đạn của Trung-Xô bom của Mỹ quốc
Cờ của hai miền đất của quê chung.
(Đại Lộc, 26-03-1973)
Có lẽ không phải ngẫu nhiên nhà thơ Phương Tấn xếp những bài thơ như thế này vào tập thơ ông chủ ý dành cho Mẹ. Trong những bài thơ này, tuy tác giả không nhắc đến Mẹ, nhưng chúng là những nét bi tráng vẽ lên cái bối cảnh không gian và thời gian mà Mẹ và các anh em nhà thơ Phương Tấn đã sống và trải nghiệm hết các mức độ sắc màu sáng tối và mùi vị cay đắng của nó. Vả lại, những cảm nhận này của nhà thơ không phải là chuyện riêng của ông. Như nhà văn đa tài người Mỹ, Mitchell David Albom, nhận xét: “Đằng sau tất cả những câu chuyện của anh luôn luôn là câu chuyện của Mẹ anh, vì chuyện của bà là nơi những câu chuyện của anh bắt đầu.” (But behind all your stories is always your mother's story, because hers is where yours begins). Những điều trong thơ của Phương Tấn kể với chúng ta đều bắt đầu từ câu chuyện đời gian nan vất vả của người Mẹ đáng kính của ông.
Phương Tấn không chỉ là nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, ông còn là một người yêu võ. Nhưng đọc thơ ông người ta sẽ không thấy oai thế của một “tráng sĩ” vung gươm trên lưng ngựa, mà chỉ thấy một tâm hồn dịu dàng và nhạy cảm của một nhà thơ, hơn nữa, một đứa con hiếu thảo luôn thương yêu Mẹ. Chợt nhớ lời bà Martha Ellis Gellhorn, nhà văn Mỹ, đồng thời là nhà báo được đánh giá là một trong những phóng viên chiến tranh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Bà nói: “Tôi có đủ hiểu biết để thấy rằng không một phụ nữ nào nên làm vợ một người đàn ông ghét bỏ Mẹ mình.” (I know enough to know that no woman should ever marry a man who hated his mother). Đọc phần chú thích dưới bài thơ Một Trang Kinh Viết Lại của Phương Tấn trong tập thơ này, mình nghiệm ra bà ấy nói đúng: Có yêu Mẹ một cách chân thành và cảm nhận hết tình Mẹ, người ta mới biết yêu vợ mình hơn. Nhưng đây là sự liên tưởng “ngoài lề.”
Và khi anh thụ thai
Sẽ không còn bóng tối
Sẻ không còn tội lỗi
Anh lại càng yêu em.
Và khi anh thụ thai
Em không còn cô độc
Và khi anh biết khóc
Anh lại càng yêu em.
Và khi anh thụ thai
Một trang kinh viết lại
Một nỗi đau nhớ mãi
Anh thật sự yêu em.
(Một Trang Kinh Viết Lại)
Ngoài việc cám ơn nhà thơ Phương Tấn có nhã ý cho tôi được đọc trước bản thảo tập thơ rất xúc động của ông, tôi muốn bày tỏ thêm sự đồng cảm sâu sắc với nhà thơ: Tôi cũng trong hoàn cảnh gia đình hoàn toàn giống như của ông vậy. Cha tôi đi kháng chiến và mất tích trong chiến tranh chống Pháp (1951). Mẹ tôi cũng một mình cơ cực nuôi 4 đứa con và nếm trải đủ cay đắng thăng trầm trong cuộc sống. Có lẽ những bài thơ về Mẹ trong tập thơ Thưa Mẹ của Phương Tấn không chỉ tạo sự xúc động sâu sắc nơi những người có hoàn cảnh như ông và tôi, mà có thể làm bùi ngùi bất cứ ai yêu Mẹ.
Mà có đứa con nào không yêu Mẹ?
(Sàigòn ngày 8-11-2017)
- Trường Ca Việt Nam Thiếu Khanh Thơ
- Xúc động đọc "Thưa Mẹ" của Phương Tấn Thiếu Khanh Nhận định
- Ưu thế của chữ quốc ngữ đối với chữ vuông biểu ý Thiếu Khanh Tạp luận
- Người xưa không cho như thế là “đạo văn” Thiếu Khanh Tạp luận
• Phương Tấn: Thơ quá một đời người (Nguyễn Ước)
• Xúc động đọc "Thưa Mẹ" của Phương Tấn (Thiếu Khanh)
• Thơ Phương Tấn Là Đồng Vọng Những Đau Thương Của Dân Tộc (Nguyễn Lệ Uyên)
• Phương Tấn (Học Xá)
• Huế Của Phương, Một Phương Tình Viễn Mộng (Lê Văn Trung)
• Phương Tấn, Nàng Thơ Với “Di Bút Của Một Người Con Gái” (Vương Trùng Dương)
- Về một bài thơ tình của Phương Tấn (Lâm Anh)
- Đọc thơ Phương Tấn (Dung Thi Vân)
- Nhà thơ Phương Tấn: Hơn 40 năm bắc nhịp cầu văn hóa võ Việt (Văn Bảy)
• Xuân Thao (Phương Tấn)
• Hạ Đình Thao, Như Mới Bữa Hôm Qua (Phương Tấn)
• Vớt bình minh trong đêm (Phương Tấn)
• Trang Thơ Phương Tấn (Phương Tấn)
• Và Bước Một Bước Lạ (Phương Tấn)
- Nhớ ai buồn ngất trên vai áo
- Một bài thơ cũ: Nhà thơ Phương Tấn
Thơ trên mạng:
- art2all.net - saigonocean.com
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |