1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm) Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      12-11-2024 | VĂN HỌC

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn

        NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà thơ Phù Sa Lộc

      Thấp thoáng bên kia đường Nguyễn Đình Chiểu thuộc phường Ninh Kiều Cần Thơ, là một ngõ hẻm nhỏ u tối, leo lách qua vài căn nhà trước mặt, là một thư trang nhỏ nhắn của gia đình Phù Sa Lộc. Cách đây hơn 10 năm, tôi có dịp thường xuyên ghé thăm Phù Sa Lộc mỗi khi quy hướng về quê, vẫn dành chút ít thời gian hạn hẹp tạt ngang Cần Thơ với chủ yếu chào bằng hữu mà khoảng cách không gian diệu vợi cũng như sự tất bật của cuộc sống ít khi giáp mặt hàn huyện.


      Cần Thơ là một địa điểm trọng đại trong đời mà tôi luôn mang đầy kỷ niệm thuở còn tập tễnh làm thơ. Những lần về đây, hầu như ngoài thân tình văn nghệ và bằng hữu, thì những cuộc tổ chức những đêm văn nghệ hoặc họp bàn về tác phẩm đều là chủ đề chính của những chàng du tử mang nặng nghiệp chướng, mà theo nhà thơ Hạc Thành Hoa là đã vào sổ đoạn trường. Vì vậy, ta không lạ gì tum túm hàng chục mái đầu giữa những ly cà phê đen, hay vài ly rượu tẩy trần, là thản nhiên vang dội tiếng cười, cãi vã, tranh luận rồi ca hát ngâm thơ. Cũng như các tỉnh thành khác ở phía Nam , sự sản sinh nhiều tài năng thi phú giữa cái cõi vô cùng mênh mông của đồng bằng sông nước, với sông rạch, núi non, hằng cánh rừng bát ngát, chim bay cá lội, đã phả vào cõi lòng trong sáng đầy mơ mộng của tuổi thanh xuân đầy rẫy những tư tưởng nghệ thuật với những câu ca dao, câu hò huê tình, đối đáp giữa cuộc mùa, hoặc phiêu lãng trên dòng kênh quanh co bên những cánh đồng phì nhiêu phơi phới dưới trăng xanh...


      Miền đất Tây Đô thật sự đã như một trú quán thân yêu mà tôi hầu như thường xuyên ngược nẻo đi - về. Với những tình cảm thâm giao với một Trần Kiêu Bạt trong một gia đình nho giáo, hiền lương và đầy phúc hậu đã giúp tôi trong những tháng ngày lang bạt tìm được một sự ấm cúng của tổ ấm. Phát xuất từ đây, sự gặp gỡ thường xuyên với Ưu Thức, Nguyễn Đông Vũ, Phù Sa Lộc, Lê Trúc Khanh, Lê Triều Điển, Phạm Thị Quý, Trần Mộng Hoàng, Minh Nguyễn, Huyền Vân Thanh, Lâm Hảo Dũng, Huỳnh Duy Lộc, Trầm Mặc Nghệ Thế, Huỳnh Kim, Trần Kiên Thảo, Trần Hoài Thư, Nguyễn Cát Đông... và hằng hà các thi văn hữu khác đã đánh động cho tôi tin rằng Cần Thơ là một đất lành nảy nở tuyệt diệu cho trời đất những loài hoa văn nghệ rạng rỡ tinh anh.


      Có năm giữa đêm giáng sinh, đất trời rộng mở thênh thang, tôi hiện diện trùng hợp ở mảnh đất này lang thang dưới tiếng chuông ngân rộn rã giữa đêm, cùng Phù Sa Lộc và Nguyễn Đông Vũ bước chậm rãi dưới bầu trời đầy sao, băng ngang đường Mậu Thân, lững thững tìm Trần Kiêu Bạt đang lớp nhớp men rượu ở gia đình Nguyễn Hoàng Tiến, người em cô cậu, và gia đình cậu Năm Trần Kiêu Bạt cũng đầy nghĩa khí và đôn hậu chân chính. Nhắc đến kỷ niệm như nghe văng vẳng tiếng ve thời thơ ấu đong đầy cái nhớ trong ký ức. Mà kẻ du phương văn nghệ nhiều lúc phải tìm về, dù bất chợt hay có sự khơi màu từ những cơn gió quạnh hiu làm rung động lời thơ... Với Phù Sa Lộc, sự gặp gỡ bước đến trong tình cảm của người làm văn nghệ trẻ tuổi với nhau, trao đổi cho nhau những tâm huyết chân thành. Nên gắn bó gần như tuyệt đối trong sự cung kính tài năng của những người theo đuổi văn chương, đầy đủ phẩm hạnh và tư hướng sáng tạo hơn thu nạp lợi nhuận trên bước đường định số này.


      Có lẽ, thời điểm quen biết sơ khai với nhà thơ Phù Sa Lộc, nếu tôi nhớ không lầm, là một buổi trưa năm 1968, ngày đầu hè tất cả ngôi trường trong cả nước bắt đầu tạm biệt cuối niên học dưới giàn hoa phượng đỏ rực. Trong cái nắng hanh người, tôi cũng vừa từ Sài Gòn trở lại quê nhà, Phù Sa Lộc trong một dáng dấp thư sinh loáng thoáng bước đến tìm tôi trong dịp theo đoàn xe khách về viếng Châu Đốc. Lúc này, dù chỉ biết nhau qua vài bài thơ đăng báo, nhưng tên tuổi Phù Sa Lộc cũng khá nhiều được quan tâm. Một là đã có một nhà văn Bình Nguyên Lộc, một học giả trưởng thượng nổi tiếng của miền Đông Nam bộ, nên khi đọc thơ với bút hiệu Phù Sa Lộc trên báo chí đương thời, tôi đã như ấn tượng một dòng phù sa Tây Nam bộ nên ký ức ghi nhớ ngay từ buổi ban đầu. Hai là giọng cười sang sảng, đầy phong vũ nhưng vẻ chân chất vẫn vương mang hào khí trên âm thanh, mà đến nay chẳng cần đối mặt chỉ nghe giọng cười khuất sau lưng, là biết ngay nhà thơ Phù Sa Lộc.


      Hôm gặp mặt đầu tiên, đến nay đã hơn 40 năm, đến cũng vội vã, đi cũng vội vã tưởng chừng là những cánh mây phiêu bạt tháng ngày vô định. Nhưng khi tôi và bằng hữu chủ trương một tạp chí xuất bản tại Sài Gòn, thì Phù Sa Lộc đã cư trú tại Gò Vấp, một xóm đạo an lành bình thản với một gia đình đầm ấm đôn hậu. Lúc đó, có dịp gặp gỡ nhau thường xuyên hơn và cũng khoảng thời gian này Phù Sa Lộc và Hà Thúc Sinh lại là một mối giao hảo thân mật, nên chuyện văn chương cũng có phần lợi thế cho nhau. Nhiều lúc nhờ vào những kiến thức trao đổi sáng tác, tạo niềm tin để mạnh mẽ bước vào văn nghệ mà sự lẻ loi đơn chiếc có lúc làm trì trệ đi những gì mình dự tính.



      Thơ Phù Sa Lộc dàn trải thật mãnh liệt bằng tư thức chộp bắt ngôn ngữ đối kháng tự nhiên và đầy thông thái. Những cái hiện thực đang dàn trải, nhà thơ ngắm nhìn bằng những cảm quan hữu thường, và hoá thân thành ngôn ngữ trong một lý luận logic chuẩn xác khoa học để đưa đến cái kết quả vô thường như Dấu Vết Thời Gian: “Đừng tưởng dòng nước chảy hiền hoà không lở bờ, gọt trơn đá nhẵn / mưa nhỏ giọt xói sâu hàng ba nhà bạn / dứt khoát mòn thôi, đụng cát, gió ngang tăng”. Những nét nhìn trong thơ anh, có những lúc xem rất bình dị, những trận thế không xảy ra trên một sân khấu siêu tưởng, mà hiện diện hằng ngày trong cái chợp thấy, và nhận định chớp nhoáng bằng những phản xạ tự nhiên đầy trí tuệ.


      Từ Một Bữa Cơm Ngon, với bàn tay con người 5 ngón nhỏ nhoi như hoa trái, mùa màng và cây lúa đơm bông, Phù Sa Lộc dịu dàng với khẳng định an nhiên, giản đơn từ nơi đó, nơi bàn tay con người 5 ngón nhỏ nhoi mà sinh ra vật thể. Ai lại không hiểu điều giản dị, và chảy suông như dòng nước, nhưng cái dễ dàng nhiều lúc nằm sâu trong tri thức, vì nó quá tầm thường, nhưng anh đã nói ra được chưa? Cái giá trị của ngôn ngữ là phát biểu đúng lúc, làm tăng thần khí của ý tưởng sáng hoá trong ngôn từ.


      Bao nhiêu giọt mồ hôi gian khổ làm tươi thắm mảnh đất thương khó này, nảy sinh cây trái, cá tôm, và bao vật dụng thô sơ theo ta hàng giờ hàng phút, nhưng biết bao vô tình của người thụ hưởng làm tha hoá đi sự trưởng thành của tâm hồn. Ý tưởng của nhà thơ cũng nhìn thấy rõ như vậy, đi vào hiện thực tạo quá nhiều cái mất quân bình, mà lương tri người làm thơ hình như không thể chối bỏ cái lý tưởng, đẹp đẽ bao phủ quanh đời sống tâm linh. Vì vậy, nhiều lúc, sự thẳng thắn bày tỏ là một yếu điểm cuối cùng của thi nhân, cứ tự trách mình để tha nhân ngoáy lại nhìn:


      Tôi cô độc lấy tôi

      Sự im lặng tuyệt đối rất cần trong cuộc sống

      Nhìn lại mình qua bao hào nhoáng

      Thấy rõ hơn một con người bám bụi nhớp nhơ

      Trước tất cả mọi người

      Tôi thấy tôi rất cần cô độc

      Tôi phải đóng đinh tôi trên đỉnh dốc

      Quay ngược mình để thấy rõ mình hơn”

      (Trước Mọi Người)


      Thời gian tuổi bốn mươi, vừa trôi qua trong quá trình của tuổi thanh xuân chìm ngấm trong những xu thế bao cấp, dọn dẹp cái riêng tư vật chất lẫn tinh thần. Nên khi bộc phát ra trong giai đoạn rộng mở, bầu thanh thanh khí đã trải dài thanh thản trên nền trời, thì ý niệm suy tư có phần thoáng rộng. Chính vì vậy, thơ Phù Sa Lộc bước sâu hơn trong lý luận và ngôn ngữ phát huy được hoạt hoá một cách tự tại, dòng thơ anh có một hướng chảy rộng và dài đượm đầy nét nhân văn hơn. Cái phát biểu cật lực của ý nghĩ cung hiến chân lý qua thơ, đã nhiều lúc có nhà phê bình đơn cực bảo rằng thơ Phù Sa Lộc có chất... buồn. Khi được đề nghị ý kiến, chữ buồn trong thơ anh, thì Phù Sa Lộc cười to: “Lên án thơ buồn là chuyện cũ mèm. Tận đáy lòng những người lên án nó vẫn thấy khoái cảm cao độ. Buồn là bản chất của nhân loại. Những tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới, muôn đời được ca tụng vẫn là những tác phẩm buồn, hơn thế nữa, là những bi kịch..."



      Cách trả lời bằng sự hồn nhiên thanh thản rặt Nam bộ, vẫn là tố chất sẵn có trong thơ anh. Phù Sa Lộc làm thơ như một trang trải nỗi lòng, những thầm kín cũng có dịp bộc phát không giấu giếm, để thẩm định cho mình một cách sống chẳng chao nghiêng. Suốt mẩy mươi năm cùng Phù Sa Lộc đi trên đoạn đường văn nghiệp, tôi hiểu rõ tánh tình và tâm hướng của nhà thơ. Bao giờ sự chân chất giản đơn và bộc trực cũng phát huy từ đời thường cho đến thi ca. Chính vì vậy, đã tạo cho Phù Sa Lộc một hướng thơ thấm đẫm nét Nam bộ, chân thành, thẳng băng và nhiều trăn trở của một tâm hồn đầy ưu tư suy nghĩ ở từng đêm khuya, từng cốc rượu quán nhỏ, từng lúc chao nghiêng đời sống với bạn bè, và cũng từng khi cô độc lẻ loi. Nói vậy, nhưng thơ Phù Sa Lộc có một trình độ khá sâu rộng, đầy luận lý và nhân sinh quan linh hoạt đa diện. Phần đông các tác phẩm của nhà thơ đều đạt ở một trình độ tài hoa, rải đều như những tinh vân lấp lánh tuyệt diệu giữa một không gian tĩnh lặng.


      Tôi nhớ lúc Phù Sa Lộc ra mắt thi tập Thơ Tình Tuổi Bốn Mươi (1989), bài Đêm Phương Nam, gởi ngựa ô thương nhớ, thật sự gây một sự cảm khoái và hào sảng với anh em. Giữa sâu lắng tình riêng tiếng độc huyền, ngọn đèn chai bấy ngọn mà giọng hò ai đọc dài trăm bến, như giữa một thuở hồng hoang, cọp rống beo gầm. Rồi “Đêm phương Nam đầy sân trái rụng / bầy cả giỡn trăng đụng mái dầm”...Chính hai câu thơ này, tôi quá cảm xúc nhớ đến một bức tranh thuỷ mặc, lý ngư tầm nguyệt, nên có sáng tác Bài thơ phương Nam, như sau:

      Bài thơ phương Nam


      Rầm rập

      Phương nam

      Đêm gió thét

      Bóng ngựa phi

      Réo rắc độc huyền

      Xẻ trăng

      Toé nước

      Gầm theo vó

      Bẫy rập giăng chờ trăn rừng thiêng?


      Cả giỡn trăng hề

      Đau như xé

      Mấy trăm năm qua

      là ngập đầu

      Nóp mác

      Chân trần

      Lòng sắc đá

      Tinh anh lồng lộng với bể dâu


      Lau lách thương hồ

      Ghe bầu trôi

      Một mái

      Hoài lang

      Vọng một trời

      Phả đất đưa kênh về xuôi ngược

      Đầm đầm máu chảy

      Trí tuệ

      Ai?


      Núi đã nảy mình thành khi tượng

      Bàng hoàng như tiếng gọi người xưa

      Đầm lầy đã dựng thành bia đá

      Đất rộng

      Cò bay

      Đỉa lội đua


      Lý ngư tầm nguyệt trên cổ hoạ

      Nay, bầy cả giỡn trăng

      Đau như xé

      Thuyền ai trên sông khua mái dầm

      Khuẩy nát thần khí của thi nhân!


      Rầm rập

      Gió thét

      Đêm phương Nam

      Mơ màng

      Muỗi kêu như sáo thổi

      Thương quá

      Cái tâm của cổ nhân

      Đành thương cải đau người hậu bối


      Phương Nam

      Phương Nam ...

      Mù chân trời

      Đồng ruộng mênh mông mây nước trôi

      Phương Nam

      Lục bình về man mác

      Nở tim lòng sông

      Bao giờ nguôi?


      NGÔ NGUYÊN NGHIỄM

      (Trích thi tập Hương Lửa, 1990)

      Thi tập Hương Lửa ra mắt năm 1990, và được Nhà Văn hoá quận 8 tổ chức giới thiệu trong một đêm thơ Ngô Nguyên Nghiễm. Bằng hữu đến tham dự rất đông đảo, sau khi bế mạc, tôi mời nhà thơ Kiên Giang, nhạc sĩ Châu Kỳ và khoảng 10 bằng hữu thân tình đồng song về dự tiệc rượu giữa đêm tại tư gia, thư trang Quang Hạnh. Trong buổi rượu thâm giao, sau khi anh Châu Kỳ hát tặng một phổ khúc Hồ Trường mà nhạc sĩ vừa sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Đạt có hỏi tôi, vì sao khi giới thiệu Bài Thơ Phương Nam, tôi phát biểu từ cảm hứng của 2 câu thơ của Phù Sa Lộc (Đêm phương Nam đầy sân trái rụng / bầy cả giỡn trăng đụng mái dầm). Cái thực trong thơ Phù Sa Lộc, là bắt chộp những tinh hoa của một cuộc lãng du thơ và rượu, trăng và nước, cổ nhân và hậu thế, nên khi cá quẫy đụng mái dầm vừa khua trên con nước, là biểu hiệu sự sung mãn của quê hương tôi. Cái quẫy đuôi làm chao lòng hụt hẫng của người thơ đang chìm lặng thầm kín dưới ánh trăng soi, con nước võ tan từng ánh trăng vàng. Hình ảnh của Lý Ngư Tầm Nguyệt chỉ có trên cổ họạ, mà thực tế buổi phiêu du trên sông nước, làm đau xé lòng người thơ, giữa mái dầm khua, cá lý ngư giỡn trăng và trăng vỡ...


      Nhiều lúc đọc thơ Phù Sa Lộc , tôi cảm phục sử dụng ngôn từ và hình ảnh, tạo dựng cho riêng thơ anh một sắc thái suy tư chững chạc, nhưng đầy bất ngờ, trong cái thực tế là vậy: “cái câu hát cũ / con cò / mẹ ru anh thuở học trò vẫn nghe / bên ngoài nỗi niềm đau kia / là anh thơ thẫn đi về với trăng” (Khoảnh Khắc Tân Cổ Điển).


      Những đột khởi trong thơ Phù Sa Lộc rất nhẹ nhàng, bởi vì thơ đến với anh chỉ cần trong cái bất chợt thực tế, là tạo được sự rung động làm lan toả những vần thơ dồn dập xuất hiện. Nhìn cảnh vật trên đường du hành, trong một đêm khuya quay quắt ở Hà Tiên, đủ làm ngan ngát mùi hương toả / thơm hết ta một đời, hay ngồi ở một quán bia Sài Gòn giữa chiều đỏ lựng màu son, chiều vàng óng hổ phách... Thơ cũng lay láng phát tiết như một hơi thở dài sao ta buồn đến vậy? Vì em bằng tuổi con ta.


      Phát xuất từ trái tim nồng ấm, chân thật nên thơ anh xuyên chảy như một dòng máu chan hoà sâu thẳm vào cuộc sống đời thường, có hồn hoa nở rộ dọc con đường ghi đầy dấu chân thi nhân. Dấu chân có thể sẽ phai mờ dần trong cát bụi, hoa có thể lặng lẽ dưới thời gian, nhưng thơ Phù Sa Lộc vẫn soi rọi lại được chính lòng mình trong chiếc gương quay ngược, mà thơ anh vừa mới hoá thân.


      23/02/2009

      Tiểu sử văn học: PHÙ SA LỘC



         Ký hoạ của Choé

      Tên thật : Diệp Ngọc Sơn.

      Sinh năm : 1946

      Quê quán : Hoài Ân, Cầu Kè, Trà Vinh.


      Phù Sa Lộc hiện là hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Cần Thơ. Biên tập viên nhật báo Cần Thơ (từ 1997 - 2006)


      Tác phẩm thơ đã in


      - Thơ Tình Tuổi Bốn Mươi (Thi phẩm, Văn nghệ Châu Đốc 1989)

      - Ngọn Khói (Thi phẩm, NXB Đồng Nai, 1994)

      - Kho báu của ông Tư (Tập truyện thiếu nhi, NXB Đồng Nai, 1996)

      - Bước chân hoang (truyện vừa thiếu niên, NXB Đồng Nai 1996)


      Góp mặt và cộng tác bài vở ở nhiều tạp chí văn học nghệ thuật trước 1975.


      Sau 30 năm gần đây, Phù Sa Lộc là một cây bút chủ lực của nhiều tạp chí địa phương và trung ương. Hiện diện ở Báo Đài bằng những tác phẩm tiêu biểu, thơ, văn, ký, sưu khảo... Anh là một trong những cây bút đầu não thực lực của đồng bằng Nam bộ.


      Sau khi nghỉ hưu ở báo Cần Thơ, Phù Sa Lộc rảnh rang phiêu bồng ở tận góc núi biên cương, trôi dạt tận cùng biển cả, trên dọc chiều dài văn nghệ tận Nam chí Bắc. Là một trong những văn nghệ sĩ tài hoa được kính trọng ở Nam bộ, tâm địa rộng mở bao la như những bằng hữu khác (Trịnh Bửu Hoài, Lê Chí, Trần Kiêu Bạt, Hạc Thành Hoa, Phạm Nguyên Thạch... ).


      Phù Sa Lộc cũng như những anh em văn nghệ sĩ khác đã là tấm gương hi sinh và lo lắng cho anh em văn nghệ trong từng tác phẩm sáng tác ra đời.


      Hiện thường trú tại thư trang: 8/1 Nguyễn Đình Chiểu quận Ninh Kiều. Thành phố Cần Thơ

      Ngô Nguyên Nghiễm

      Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi I
      Nxb Thanh Niên, 2010

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Minh Nguyễn, Tình yêu sợi khói mong manh Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Trần Biên Thuỳ, tắm mát dòng sông nước đổ đầy Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Học giả Nguyễn Văn Hầu, Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nam Bộ Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Lưu Vân, Ngựa Hoang Lạc Nẽo Vô Thường Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Dương Trữ La, Bên Kia Một Dòng Sông Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Hư vô, đêm mơ thánh nữ đá vàng tàn phai Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Lê Triều Điển, Cuộc Hành Trình Tìm Lại Chân Tướng Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Ý Niệm Về Quan Điểm Sáng Tác Của Nhà Văn Nguyễn Thị Hàm Anh Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Lý Thừa Nghiệp, Lung Linh Hoa Tạng Hát Một Khúc Thiền Ca Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

    3. Bài viết về nhà thơ Phù Sa Lộc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Phù Sa Lộc

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)

      - Nhà thơ Phù Sa Lộc (Võ Quê)

       

      Tác phẩm của Phù Sa Lộc

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Trang Thơ (Phù Sa Lộc)

      - Nam Tiến Hào Ca

      - Bài tự kiểm xin vào làm người

      - Những bạn tôi

      - Trang Nhà Phù Sa Lộc

       

         Bài trên mạng:

      - thivien.net

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)