|
Trầm Kha(..1948 - 19.1.1974) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Phan Bá Thụy Dương
Hai câu kệ của tổ sư Thường Chiếu đời nhà Lý, được nhà thơ Phan Bá Thụy Dương chuyển ý “ngoài cõi trời bao la vô tận đó/ có nơi đâu chẳng thể gọi là nhà”. Cái khuynh khoái của người nghệ sĩ chất nhẹ trên đôi vai gánh tang bồng, thì thế sự chất chồng chung quanh nẻo sống chỉ là những cát bụi phù du. Bước đạt ngộ của kẻ làm văn nghệ hình như cũng tương đồng với thậm thâm vi diệu pháp của người tu chứng. Quẫy trên lưng cả một vũ trụ nghiệp chướng dầy đặt những hạnh phúc hay khổ đau, như quẫy nhẹ cả hư không trong lòng người đạt ngộ. Thơ Phan Bá Thụy Dương có cái gì nhè nhẹ, loáng thoáng lúc khinh bạt như hình dáng một người hàn sĩ vác thanh kiếm hồng, vửa du hành vửa ca tụng thanh thoát giữa rừng bạch tùng đầy mù sương và khí thiêng. Nhưng người khách tiêu dao kia, không chỉ một đường đi thẳng trầm lặng trong vũ trụ riêng mình. Hàn sĩ vác thanh khí gươm hồng, ngoãnh lại sau lưng cười nhẹ nhàng chia sẻ dưỡng trấp hậu thiên cùng người đồng điệu nhân gian. Cái ngoáy nhìn lại trong giây phút vô hư chính là trang trải nỗi niềm thanh thản bồ tát đạo, hình như chỉ để chia sẻ những tinh hoa và hạnh phúc thường hằng, còn ẩn hiện trong hàng vạn lớp thượng tầng sinh khí với vạn vật của ba ngàn thế giới quy tông.
Dù Phan Bá Thụy Dương có giây phút phân trần “cõi trần thế lỡ đam mê sa đọa/mãi rong chơi ta lạc lối quay về”. Nhưng nhìn kỹ đi, lời nói ởm ờ được nhà thơ bạch sĩ đặt trang trọng đầu thi tập, như lời quảng bá tư thức và hành hiệp lãng bạt trong suốt tập thơ Lời Gọi Cỏ May, thì không phải vậy đâu... Có ý niệm quay về, là có tâm thức đáo bỉ ngạn, quay đầu là bờ.
Tất cả ngôn ngữ thi ca, trong suốt quãng đời phiêu bạt của người cuồng sĩ lãng đãng trên thi ca, Phan Bá Thụy Dương chính là người đạo sĩ tài ba thuần hóa từng chi tiết một cho hồn thơ con chữ “thôi thôi ta về ôm góc núi/ đẻo gỗ trầm hương tạc tượng nàng”, từ tinh túy mật diệu trầm hương, đến hứng tinh hoa nhật nguyệt mà lay động cả càn khôn, hầu “dựng am đường hội chứng vô âm”.
Chiêm nghiệm thơ lão mai Phan Bá Thụy Dương, khiến tôi chất ngất trong thanh khí tuyệt bích, lãng đãng lướt nhẹ trong hiện thức, rồi như cơn cuồng vọng bất chợt chìm lắng lặng lờ quanh cái có cái hư không. Cũng vậy, bỗng dưng và không hiểu tại sao tôi chợt bước vào hai ngõ rẽ, như hai con đường định mệnh bắt buộc, người trần gian từ đó trầm tưởng chọn lựa để quay về. Một là khí lực thượng thanh lão đạo của Phan Bá Thụy Dương, nhẹ nhàng như lão tiều già thoát tục gánh bó củi khô, như sương như khói thoạt ẩn thoạt hiện trên vách núi cheo leo. Một như âm khí đục lẳng, gom góp cả một trời ngôn ngữ của ngàn trùng, của gió hú và nghe thời khắc rơm rớm âm sầu của cầm dương trấng cầm dương xanh ngất lạnh (Nguyễn Lương Vỵ/ Tám câu lục huyền âm). Quả thật, giữa hai đối cực trùng trùng thần thông, trước cái lạnh chất ngất ma quái của thơ Nguyễn Lương Vỵ, lại là một thanh khí huyền bá phiêu lãng vi diệu trung đạo thì có màng gì cái sắc cái không trong thơ Phan Bá Thụy Dương! “trong chốn mơ hồ u tịch đó/thoáng nghe dìu dặt tiếng tiêu buông/thõng tay theo gió, theo mưa lũ/tâm trụ an nhiên/mộng bình thường”.
Nhìn đây, hình ảnh Trang Châu loáng thoáng theo gió, theo mưa lũ, mà trụ tâm. Thõng tay mà an nhiên, như Trang Tử bật thốt ngơ ngác, không hiểu gió thổi mình hay mình lướt theo gió. Cái thường trụ là hiển nhiên trong thế giới sắc dục, nhưng thể chất nhân gian vẫn là rào cản bước vận hành thanh khí chân như, huống hồ gì ngôn ngữ cũng chỉ là hiện thể vật chất có thành trụ hoại diệt, tạm bợ luân chuyển trong đời sống và nghệ thuật. Như vậy, tâm và ý bất chợt hiện nhập làm một, và thi ca và thi nhân cũng nhập thể hóa thân. Thì, thơ như đường trăng soi khi hoa nở, và mỗi nhân thế có một nét rung động khác nhau, nhưng thơ vẫn là một trong một ý niệm niêm hoa vi tiếu của thi nhân:
Chim thức giấc cất lời ru thật lạ
người phong trần
qua mấy độ truân chuyên
thấy gì chưa
tự ngã với uyên nguyên
hay ngần ngại chia xa lòng thung lũng?
từ tiềm thức đã lạc quên long trượng
đâu đây chừng thấp thoáng ánh vô ưu
thiền khách nầy-
thiền khách đã về chưa?
…………….
(Nói với thiền khách/Lời Gọi Cỏ May)
Bước vào thế giới thơ Phan Bá Thụy Dương, phải bằng bước chân thong thả nhẹ nhàng và chất chứa một thông thoáng đạo vị. Nhưng đừng lầm lẫn trong phong thái tiêu dao trên từng ngôn ngữ thơ, mà lạc bước trong vòng xoáy sắc không, đang huyển hóa từng thời khắc theo phóng bút của người thơ. Cái lãng đãng tiêu dao của một không khí mai lan trúc cúc, gió sớm mây chiều, giọng hát trong âm thanh sên phách, thì chính thị là khuynh thế Lão Trang. Từ “gánh càn khôn u uẩn tiếng mưa khơi” đến an nhiên của vô vi “tay ơ hờ vuốt gió hát buâng quơ”. Ý niệm đó, trong Bài Tâm Ca Vô Niệm, Phan Bá Thụy Dương đã đồng ý khi thi bá Vũ Hoàng Chương nhẹ gật đầu “Túy-ca bè đã thả rồi/ Túy-hương xưa hãy cùng trôi ngược về”.
Nhập thể tam thanh, là hình thức khiến thơ Phan Bá Thụy Dương phiêu hốt hằng hà sa số với cơn trốt hư không. Cuộc sống đi - về như mây trôi gió nổi, nửa tục nửa tiên ôm một giác đạo của hình thức hoạt ngộ giới xiển giáo. Đời tử sinh còn lẽo đẽo khiến thơ lúc quanh quẩn bụi hồng trần, lúc tiêu dao xua tự ngã u minh. Chính vậy, đường thơ đi như tạc hình ẩn khách, khiến xiêm y loạn lửa chân như “đèo hiu hắt bạt ngàn - đêm tận tuyệt/ rải sa mù khuất bóng nẻo từ ly”.
Uống khô dòng suối, tát cạn biển Đông… cũng có thể làm được, vì đó là một hiện thể dục giới. Nhưng hóa hiện chất ngất của một câu thơ mà đêm tận tuyệt chắc chắn phải trải dài trong không - thời gian vô định, bất phân ly thời khắc để biết đâu là nguyên thủy đâu là vô cực vô chung. Xá gì, lại rải mù sa phân kín hư không trong sắc giới chiêu hồn cho khuất bóng nẻo từ ly. Hàng hàng vi diệu trải dài trong cuộc đời, họa chăng hiện hữu cũng chỉ là dấu vết ký gởi nhỏ nhoi trong sắc giới. Cái ảo ảnh nhiểu lúc tương ly tương biệt cũng huyền biến cho tâm trần thi nhân phải trài ra mặt đất, dù có dưới ánh sáng thái dương hay giữa sương mù lãng đãng. Hiện hữu đó như kẻ thõng tay vào chợ, dù chưa thấy được trâu trắng nhưng cũng thảng thốt:
về đâu cánh vạc Chân Như
có qua thủy mộ huyết hư chập chờn
người đi sấm vỗ hoàng hôn
nhịp khua long trượng
động hồn lửa thiêng
nhập dòng sinh hóa vô biên
biển mê bến ngộ đôi miền tịch lương
bay đi-lão hạc vô thường!
(Túy mộng du du hề/Lời Gọi Cỏ May)
Mỗi người chiêm nghiệm sự hóa thân của thơ, như những hình tượng được đặt ở nhiều góc cạnh khác nhau, bốn phương tám hướng. Nhờ vậy, nét phân ly trong từng thẩm thấu tri ngộ như những giọt sữa tinh khiết, nhỏ giọt làm tươi xanh sức sống hạnh phúc. Nhưng mỗi ấn tượng tri ngộ hình như cũng chuyển hóa khác nhau, bởi từ góc đứng mà cảm thức theo trí tuệ tâm thông. Thơ Phan Bá Thụy Dương có một quan điểm nghệ thuật riêng biệt, của riêng một thế giới mã não mà tự Ông xây dựng. Thế giới như vậy, theo một kiến trúc kỳ vĩ quá, khiến thơ bát ngát, chứa đựng cà một không gian thời gian xấp lốp theo bạt ngàn của ý thơ sinh hóa. Hình thể của một cư trú sang trọng, trang nghiêm, đã tách xa những địa hạt thổ cư của các dòng thơ khác. Quả thật, trong những hội ngộ bạch thoại với những lão thi sừng sõ bằng hữu, thơ Phan Bá Thụy Dương cũng trải dài trong tán thán của nhiều người quen. Nét hạnh ngộ tương phùng của tri kỷ tri âm, là hình thức tam hoa tụ đỉnh cung hiến cho thơ.
Thơ vô cùng vô tận, nhưng ngôn ngữ vẫn còn trong một giới hạn hữu hình. Người làm thơ vẫn là nhân dáng, mang trong nghiệp chướng nhiều ân điển thừa trừ từ nhân quả nào. Sự yên lặng giữa bộn bề cuồng quái của cuộc sống, thơ vẫn lặng chảy như dòng suối nhẹ nhàng trên hòn non bộ thu nhỏ đất trời. Thi nhân đạt quả vị, tâm hồn cũng trầm lặng như thế, nương thơ mà làm khách tha phương, không bận rộn chuyện thị phi vương vấn:
ghé quán bên đường cạn một ly
cơ hồ tiền kiếp gợi sân si
rót thêm chai nữa-thêm chai nữa
thì chuyện tới lui có xá gì
ngửa mặt cười khan cùng nắng quái
men nồng như phảng phất đâu đây
người xưa tích cũ trong thi sử
ai kẻ luận đàm việc tỉnh say
thôi tôi, cời chút than sưởi gió
vói tay bắt bóng trả cho mây
(Bài túy ca viết trên cố hương/Lời Gọi Cỏ May)
Với tay bắt bóng trả lại cho ngàn mây, những diệu ngã cũng vẫn là cái chấp, dù đó là bản ngã vi diệu thậm thâm. Những hình bóng hữu vi, vẫn thoắt ẩn thoắt hiện, không có gì nhập thể vô ngã. Thơ Phan Bá Thụy Dương, vịn trên ngôn ngữ mà trải dài những biến dịch vô thường. Chính nét nhìn xuyên thấu ngôn ngữ, chẻ vụn thần khí chữ nghĩa để tìm từng hạt ngọc quý mà lau chùi. Nét tinh quang rạng rỡ giữa tịch mịch hư không, khiến:
bến nhân gian ai quán niệm vô thường
hành trình xa ngựa đà lỏng dây cương
trên vách núi chân dung ai mờ tỏ
……………………………………….
đốt công án, buông kinh thư giác ngộ
vào chợ đời áo mỏng phất phơ bay
bụi khói mê man
chênh chếch nắng gầy
lời phố thị chập chờn như ảo giác
(Liên khúc vô thường/ Lời Gọi Cỏ May)
Nhập thể với vô thường, khiến dòng thơ trôi loáng thoáng trong gió nổi, Phan Bá Thụy Dương hình như vẫn an nhiên rong chơi trên vùng đất mới, mà nhà thơ Trần Tuấn Kiệt thường phán đoán “hay đang trầm tư lắng nghe các chuyển động của hữu thể hòa nhập với thời gian trôi nổi vô lường…..”
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Rằm Nguyên tiêu, Quý Tỵ (2013)