|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Thê Húc
-
Phạm Văn Hạnh
LỜI GIỚI THIỆU: Những kỳ hoa dị thảo “Xuân Thu Nhã Tập” (1942), ra chào đời chẳng được bao lâu, thì bị cơn lũ cách mạng phủ phàng cuốn đi. Nhóm này, vừa "mang tiếng khóc bưng đầu mà ra”, đã tức khắc bị vài nhà phê bình "yêu thơ” “yêu nước” chê đè là... tối tăm, là... trí thức, là... lạc lõng...
Nhưng cuộc đời - ôi cái cuộc đời dễ ghét mà cũng đáng yêu thay-vẫn thường có những “bất ngờ rất thú vị" (hay là những cú “trả thù của định mệnh”?): Các thi phẩm "dị hoa" này, tưởng chừng như đã có số phù dung sớm nở tối tàn ("chỉ bất thần ló mặt rổi lại lui vào bóng tối... chỉ là dấu chấm mờ nhạt của giai đoạn thi ca 1930-1945 mà thôi” -UyênThao, “Thơ Việt hiện đại”), nay đã được phục hồi, đã có một “chỗ đứng” trong tuyển tập “Thơ Mới 1932 - 1945 in lần thứ hai, một bộ sách 12 cuốn bao gồm các Tác giả và Tác phẩm (Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, - 1999), để làm thi liệu và tài liệu giảng dạy nơi học đường. Chúng lại được thấy ánh mặt trời, được thở hít không khí tự do, được khoe sắc khoe hương cùng thiên hạ.
“Màu thời gian” của kịch tác gia Đoàn Phú Tứ, “Buồn xưa” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, và “Giọt sương hoa” (1942) của thi nhân Phạm Văn Hạnh, từ nay và vĩnh viễn, sẽ là những sáng tác “kỳ thảo” (dù miễn cưỡng) còn tươi xanh mãi trong vườn Thơ Việt. (PVH chỉ coi mình như là một “người thơ”, một “kẻ yêu thơ” quê quán ở miền Hậu giang, chứ không phải là một “thi sĩ”).
Riêng các bài "phiếm du”, ca ngợi đời sống và những “thức ăn trần gian”, trong tập Giọt sương hoa, gợi nhớ các thú vui tao nhã trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, và có thể ví với các bài "poèmes en prose" của Beaudelaire và Rimbaud (giữa và cuối thế kỷ 19), và các bài “văn thơ" trong các tập “Les Cahiers et les Poésies d'André Walter" và "Les nourritures terrestres" của André Gide (đầu thế kỷ 20). Xin đừng quên là vào thời điểm ấy (1941-43), trên đất Việt, rất hiếm, hoặc chưa có ai làm "thơ-văn xuôi” cả.
Các bài thơ sau đây, trích từ tập Giọt sương hoa ("xuân" - tác giả dự kiến sẽ có thêm một tập Giọt sương hoa ("thu") - đã được Bà Diane Phạm (Trần Thanh Đạm), hiện ngụ tại New York cùng các con, hiền phụ của nhà thơ Thê Húc - Phạm Văn Hạnh (1913-1987) trong chuyến về thăm nhà mới đây, photocopy và mang ra nước ngoài. Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Tuân là bạn rất thân thời còn trẻ ở Hà nội (hình như đã ngồi chung lớp ở trường Bưởi), và cũng là cậu ruột của Nguyễn Đăng Thường.
Xin kết thúc bằng một giai thoại vui: Đầu thập niên 50, một văn hữu của "thi nhân" Phạm Văn Hạnh có xây một “mái lầu phong nguyệt” (ông này không phải là thi sĩ Đinh Hùng) để tịnh thiền, và gọi nó là “Đại Ẩn Am”. Nhà văn Thê Húc, trong một bữa cơm chiều với vợ - cơm đùm lá sen và gà ác tiềm với măng khô, một món thích khẩu của ông - có đưa ra lời nhận xét rất thú vị này về người bạn thân đó: đã “ẩn” mà còn “đại”! NĐT.
GIỌT SƯƠNG HOA
GỞI BẠN CÙNG NHỚ
CÁI-GÌ-KHÔNG TỚI
Tự Tự
(1941)
“...áng tóc não nùng...”
ĐOÀN PHÚ TỨ
(Thiên Chức).
Cái nghĩa tương đối của Tạo Vật - và kiếp người, từng được cảm thống thiết, như nhịp điệu thiên nhiên: lên xuống, đầy vơi, khóc cười, sống chết.
Cái mặt một thời, tâm hồn muôn thuở.
Dòng sông cùng hạt lệ rơi,
Vô số mùi sắc ngẫu hợp chắt ra giọt sương Lý Tưởng cho ta ngưỡng vọng đời đời,
Những mảnh đó, những lùm cây... và trên chót đỉnh, bức toàn cảnh lồng lộng. Một nét rêu, một dáng cỏ; và giữa lòng rêu, trong hồn cỏ, ý sự thật ngọt ngào.
Những văn sức vụn vặt, đổi thay, một con một mất.
Và Thơ, Nhạc.
Sức “tề phi” của “lạc hà, cô lộ”:
Sức sống đầu tiên, làm cho nước tủa, hoa bay, mắt giàn, tay chắp.
Một cái gì thổn thức, một cái gì tươi trong, bao nhiêu ôm ấp, hết cả nguyện cầu.
Tin
Tôi tin một chút gì
TẦN THỦY HOÀNG.
(phiếm du).
“Tôi sợ người đọc một sách”
Người không đọc sách nào lại đáng sợ hơn. Đó là bậc thiên tài hay đứa chí ngu.
Trong sử Á Đông, có một vị vua đã bị hạng “thượng lưu trí thức” nguyền rủa đời đời, vì đã có óc sáng tạo, đã muốn tuyệt hẳn với ý tưởng cổ nhân; đã đốt sách, chôn học trò: Tần Thủy Hoàng! (246- 202 trước Tây Lịch.)
Sau ba đời Hạ, Thương, Chư (1122 - 249), ông "Hoàng Đế đầu tiên” của nước Tàu đã diệt chế độ Phong Kiến, nuốt sáu nước Chư Hầu, phân quận huyện đất nhà Chu.
Lòng tự đại kia chẳng hợp lý các nho sĩ, chỉ tin ở phép trị dân của thánh hiền xưa, và vin lời kinh truyện để chỉ trích Thủy Hoàng.
Năm 213, nghe theo Lý Tư, Thủy Hoàng hạ chỉ đốt hết các sách, trừ sách thuốc, sách làm ruộng và sách bói. Đến nay, còn di tích đống tro tàn trong tỉnh Thiểm Tây, bên bờ Vị Thủy.
Đồng thời, chừng bốn trăm sáu mươi nho sĩ bị chôn sống, vì tội tán dương thời xưa và phản kháng đương triều.
Đánh đổ chư hầu và nho sĩ rồi, Thủy Hoàng gồm thâu thiên hạ về mình. Khiến sáu mươi vạn hùng binh và tướng giỏi như Mông Điểm, Vương Tiễn, mở rộng bờ cõi phía Đông ra tới bể, phía Tây đến Lũng Thục, Tứ Xuyên, phía Nam tới lưu vực sông Dương Tử. Bao nhiêu ruộng đất phì nhiêu đã đem về cho nước Trung Hoa!
Nước Tàu mạnh, nhưng phía Bắc còn rợ Hung Nô thường hay quấy nhiễu và khó tảo trừ vì quân kỵ mã ấy không ở yên một chỗ lâu bao giờ.
Có một cách là đắp hẳn bức thành để ngăn rợ địch, chạy dài từ mép biển cho tới Lưu Sa: Vạn Lý Trường Thành; một công trình lạ lùng do hàng vạn nhân công đã hai mươi thế kỷ nay, không chút máy móc, dựng bằng gạch đá, mồ hôi và máu lê.
Dài ba ngàn cây số, dày chín thước, cao tám thước, có thể đứng trên cung trăng nhìn xuống mặt đất thấy được và có thể sánh với những Kim Tự Tháp của Ai Cập, tuy xây sau tháp Chéops hai nghìn bảy trăm năm.
Đến nay, di tích còn đó. Nhà du lịch có thể phóng tầm con mắt đến tận chân giời, ngắm bức tường gạch phủ đá, uốn lượn trên sườn núi như con rồng, phân đôi địa giới Trung Hoa và Mông, Mãn. Lòng hoài cổ trạnh nghĩ lúc xây thành: hàng vạn thợ ê chề dưới nắng và ngọn roi của bọn đốc công, thỉnh thoảng lại ngừng tay... để đánh đuổi rợ Hung đến cướp phá; cùng những thời oanh liệt: Hán, Đường, Tống, trên thành cờ sí rợp trời, binh mã qua lại rầm rập, rợ ngoài thần phục, dân nước thái bình. Cho tới khi Thành Cát Tư Hãn, Vua Alexandre của Châu Á, lần đầu vượt được Trường Thành, xuống làm bá chủ Trung Nguyên (1154 - 1227), thì bức tường vạn dặm kia không còn ích lợi gì nữa, nhưng trong khoảng một ngàn bốn trăm năm, nó đã làm trọn phận sự là bảo vệ cho nền văn minh Trung Quốc có đủ thì giờ ra hoa kết quả.
Ngày nay, dưới phong sương, còn thấy cảnh hoang tàn ấy, nhưng biết bạo công trình tuyệt xảo chỉ còn để vết trong truyện ký.
Đường sá, lâu đài, nguy nga tráng lệ. Thành Hàm Dương sánh với Babylone, Angkor. Rồi Trường Lạc Cung, rồi A Phòng Cung, đã khiến Hán Bái Công ngơ ngẩn khi quất ngựa vào Quan Trung trước họ Hạng.
Bảy mươi vạn người mới xây xong cung ấy. Đại diện chứa được mười ngàn người, và những cờ sí dài mười tám thước tây có thể xổ ra treo lên tường. Có ai thấy những cảnh hoa lệ đã diễn ra ở chốn thâm cung với ba ngàn phi tần...
“Cầu hồng giậm tiếng giầy tờ sấm, xô bồ dưới nguyệt gót kim liên;
“Cát phụng chen bóng bủa đường mây, lấp ló trong gương da bạch ngọc...”.
Mỹ nhân tự xưa vốn là đồ tiêu khiển của chiến sĩ. “Máu, khoái lạc và chết” là châm ngôn của hạng người ưa sống mạnh mẽ, của các bạo chúa, của Tần Hoàng!
Sinh thời, Thủy Hoàng giết hại đến triệu người. Sau lúc băng, hậu phi nào không con đều bắt chết theo và bọn thợ chôn vua đều bị lấp cả trong lăng. Lăng, nền bằng đồng, chứa rất nhiều bảo vật, có nỏ máy bắn tên vào ai muốn tới gần. Thủy ngân chạy vòng trong những đường vạch sẵn theo hình sông Hoàng Hà, Dương Tử. Trên trần, hình các vị tinh tú; chung quanh, tượng các núi non trong thiên hạ...
Công cuộc của Tần Thủy Hoàng không bền. Sau nhà Tần, nước tàu lại nằm bẹp dưới quyền của nho sĩ, của mấy kho kinh truyện... cho tới mãi đầu thế kỷ hai mươi. “Nếu nước tàu theo con đường của Thủy Hoàng đã vạch từ hai ngàn năm trước thì nội diện tất đã xoay hẳn sang một chiều khác” (Hovelaque.) Trong lịch sử có những cái “nếu” chua chát như vậy: nếu Napoléon thắng trận Waterloo, nếu Nguyễn Quang Trung chậm chết lại vài năm!
Tần Thủy Hoàng! Người đốt sách, diệt chư hầu, đắp Tràng Thành! Trong những giờ lạt lẽo, ta gợi người như hình ảnh một “siêu nhân”, nên thơ... và tàn bạo!
Cái nụ cười của Anatole France chỉ đáng ghét và đáng thương. Thiếu niên chỉ yêu, và... ghét - chứ không hoài nghi.
Trong mọi cái vô vị ở đời, ái tình còn là cái ít vô vị nhất, và trong mọi cái hư không, có chăng chỉ mùi hương một áng tóc mây là sự thật.
Tôi nghĩ đến ngày tôi không còn tin ở tình yêu... Trời! Xin đừng bao giờ cho tôi trông thấy ngày đó.
Tôi yêu nàng Tô dệt bài hồi văn trên gấm để xin tội cho chồng. Tôi lại yêu Bao Tự, muốn nghe tiếng du dương truyền xé lụa. Tôi yêu Vũ Vương chín năm đi trị thủy không nghĩ đến về nhà. Tôi lại yêu chúa Trụ trước nhục lâm say sưa cùng Đát Kỷ. Tôi yêu Thích Ca nhập định dưới bồ đề, chim làm tổ trên đầu mà không biết. Tôi cũng yêu Epicure vun tưới khu vườn khoái lạc, mặc ngày qua...
Nết tốt chói lói trước mặt tôi, mải mê màu tươi và tia sáng. Tật hư gieo trên vai tôi những rùng mình thú vị của sương đêm.
Tôi yêu những con tàu sắp rời bến, đùm khăn gói của bộ hành, cơn bão cát nơi sa mạc, đợt sóng cồn giữa bể khơi. Tôi cũng yêu cánh hoa vàng ngoài đồng nội, ánh lửa đỏ trong nhà tranh, chén cà phê sau bữa tiệc, chăn nệm ấm trên giường êm.
Mùi phiêu lưu thơm ngát cùng khói thuốc tỏa trên trần. Biển lặng lẽ vẫn hẹn hò sóng gió và nơi đây còn nhiều cảnh lạ hơn nơi đâu.
Tôi yêu những mảnh tường để trong sáng chiều. Tôi yêu đôi mắt lệ người thục nữ. Tôi yêu những đêm thao thức với lòng đau...
Tôi yêu những nhà "chọc trời” sán[g] lạn[g], những cặp môi son dâm ướt, những buổi sáng mê mải, rộn ràng.
Cung đàn xưa nỉ non lời oán tiếc.
Khúc ca nay văng vẳng tiếng cười vang.
Tôi yêu cái xấu và cái đẹp, cái vui và cái buồn, cái mới và cái cũ. - Có ai vạch cho hết những điều trái ngược của lòng ta?
Tôi yêu cái - gì - chỉ - có - một.
Một ý tứ của thi nhân, một tơ tình người thục nữ.
Một năm trong như suối ngọc, một mùa nặng trĩu mơ, một chiều sao lặng khóc.
Một xứ nắng chói lòa, một đài sen trắng muốt, một góc phố vắng người qua.
Một lớp da sáng hơn lụa, thơm tựa ngày qua, mong manh như chiếc bội hoàn.
Một màu êm ả nước hồ, một đường cong nhịp nhàng trăng đầu hạ, một giọng nói ẩm ướt mưa đương xuân.
Một cánh đào luôn tươi thắm, một rừng sâu tỏa rũ hương, một cặp nhìn nghiêng như sóng bể.
Một lời thơ xỏa tiếc thương, một quyển kinh dày huyền ảo:
Một câu nguyện, một tên người.
“quí”
... Dưới bóng xanh tươi, tôi bước đi một mình. Tôi nghĩ đến thời quá vãng, đến người yêu dấu ban đầu?
- Không, người hôm xưa vẫn nép bên tôi đây mà! tôi đương ngửi cái mùi tóc say sưa trộn mùi cỏ nắng. Tôi đương áp mặt vào cái gáy đẫm mồ hôi thơm dịu. Miệng nàng là dòng suối ngọt, mắt nàng là bóng cây tươi.
Tôi cần chi biết “lúc ấy” là lúc nào, miễn tội còn chưa tận hưởng...
... Lần đầu gặp nàng, tôi có cảm giác là gặp lại.
Tôi nhớ đã chết vì nàng,
Một kiếp trước.
MỘT TẾT Ở HÀ NỘI
(phiếm du)
Tết năm nay tôi ở Hà Nội. Và cũng như phần nhiều năm kể từ hồi nhỏ. Vì Hà Nội là "quê” tôi, tuy ông bà tôi là người ở mãi xa kia, bên bờ Sông Bassac, cuồn cuộn ánh sáng quanh năm...
“Ăn Tết” đối với tôi là “sắm Tết". Trong con mắt tôi, Tết chỉ có ở mấy ngày trước. Đến, là hết rồi. Xuân qua, cho tôi cái cảm giác là lúc nở với lúc tàn cùng trong một phút mà tiếng pháo đầu năm như khua động trong lòng tôi những đường tơ đau đớn, lạ lùng...
Nên mấy ngày trước Tết, tôi sống mãnh liệt, sống trong chờ đợi... cái phút đương qua...
Tôi đi lên, đi xuống mấy phố Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi vào chợ, rồi đứng tần ngần trước cửa hiệu các chú khách. Người ta đi lại sắm Tết. Tôi cũng vậy. Và cũng nhiều bạn thiếu niên như tôi (kể cả các bạn gái). Chúng tôi nhiệt thành lặn lội dưới trời mưa phùn lấm láp, vui sướng nhìn cả một vườn đào cử động trên các ngả đường. Hình như được chen lấn trong đám đông, vội vàng hớn hở, lòng tôi cũng hớn hở vội vàng?
Mấy bức tranh Tàu xanh đỏ đủ giữ tôi lại hàng giờ. Chú khách Vân Nam bán hàng, áo bông trứng sáo dài quét gót, vòng tay giấu trong tay áo như một phép thuật lạ. Tôi ngỡ một tiên ông ở phương xa lại để thử khách trần, - và bức họa mỹ nhân cặp trên tường nhìn tôi, hữu ý...
Quay lại, những bức vẽ loa loẹt con gà, con cóc, như ở các truyện cổ tích chui ra, làm sống lại cả một thời xưa. Tôi thấy tôi đường đi "khám phá cuộc đời”, cái gì cũng đượm vẻ huyền bí, cái gì cũng nhuộm một màu tươi.
Pháo, câu đối, cam, hoa đào, cho đến môi người thiếu nữ, cảnh vật là một bản nhạc theo điệu hồng.
Nhưng sao lòng tôi chưa lên tiếng họa, hay còn đợi khúc Bạch Tuyết Dương Xuân?
Vì lòng tôi vốn như vậy, ở giữa cảnh xinh tươi còn khát cảnh xinh tươi, và vẻ đẹp bên mình chỉ khêu nỗi nhớ nhung một vẻ xa vời, báu lạ.
Tôi nhớ đến một người đàn bà gặp một buổi chiều chợ Tết năm kia. “Nàng” bận tang phục bằng hàng đen, tóc vấn dối, phấn đánh qua loa. Một mùi thơm đầy sắc dục theo nàng như từ trong phòng ra. Lách trong đám muôn hoa, nàng chỉ mua mấy bó violettes còn ở chợ. Rồi đi... Tối hôm ấy, khi về nhà, tôi không còn ngửi thấy mùi đào, mùi cúc nữa, và nằm mơ như một trận mưa tím bay tỏa khắp bên mình...
Tôi lần lần đi ngược lại những năm về trước, mỗi năm đều để lại cho tôi một hình ảnh đẹp, hình ảnh một người đàn bà. Cũng bận đồ đen, và con mắt còn đen hơn nữa...
“Nàng” ngồi trên xe điện, nàng vào các cửa hàng, nàng mua một cánh hoa. Rồi đi... không bao giờ gặp lại.
Năm nay, tôi lại gặp một hình ảnh đẹp...
Trước cửa một hiệu thuốc Bắc, một chàng Cao Ly đứng bán đôi bồn hoa lạ. Trên biển giấy đỏ cắm ngay cạnh, đề mấy chữ: “Hợp Thời Mẫu Đơn Hoa Vương”. Hỏi giá, không hơn hai chục bạc; còn hoa, chơi đến tháng ba chưa tàn. Đành là chưa mua được, nhưng tự nhủ là cũng chưa ai mua, tôi đứng lại ngắm những buổi bình minh hé trên mấy đóa hồng phớt, và lặng chờ một Giáng Tiên sắp sửa qua, vô ý vương gãy một cành...
Nàng Giáng Tiên không bao giờ qua.
Tri thức là “cái gì còn lại khi đã quên”.
Tôi muốn quên, quên ngay cho hết những điều sở đắc. Tôi muốn óc tôi, lòng tôi, luôn luôn là một thửa đất, phì nhiêu và rộng lượng, mỗi trận gió tạt qua lại rải xuống một lớp cỏ lạ hoa nồng...
Nắng mới, lòng mới, hình ảnh, rung động mới.
Đừng níu áo: ta không bao giờ ngoảnh lại. Đừng khuyên dỗ, hồ lệ đã tan rồi.
Biết để mà quên, chơi để mà chán, nghỉ để làm việc, giận để yêu đương.
Mỗi ngày qua mang lại cho ta một cái kinh ngạc: hạt châu xanh mắc trên cành, tiếng nhạc mềm trong ánh trăng...
Ngày ta không biết kinh ngạc, là ngày ta cũng không còn. Đến cửa mồ, thi nhân còn vãn ca tia sáng của mặt trời.
Chú thích
Các từ "xuân”, “thu” đi với tên sách Giọt sương hoa, có thể hiểu như cách đánh số tập (“thượng”, “hạ” hoặc “I”, “II”). Cũng như vậy, các phần “mạnh”, “trọng”, “quí” trong Giọt sương hoa ("xuân”) cũng là cách đánh số thứ tự (như 1, 2, 3). (Chú thích của Lại Nguyên Ân, biên tập viên tuyển tập "Thơ mới 1932-1945, Tác giả và Tác phẩm”).
- Giọt Sương Hoa Phạm Văn Hạnh Phiếm du
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |