|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Dịch giả Nguyễn Phố
Nguyễn Phố là bạn học lâu năm của tôi, từ khi còn là học sinh Quốc Học (Huế) vào những năm đầu thập niên 1960. Tuy không học cùng lớp, lại khác nhau nhiều mặt về hoạt động xã hội và quan điểm sống, nhưng chúng tôi rất thân nhau vì đều cùng yêu thích văn chương và triết lý. Sau này, vào những năm giữa thập niên 1980, cả hai chúng tôi lại có cùng một sở thích khác vừa phát sinh: học chữ Hán. Lý do thật đơn giản: Huế là nơi nhiều đền đài lăng tẩm, nhìn đâu cũng thấy toàn là chữ Hán, thế mà có mắt cũng như mù, chẳng hiểu chúng nói gì, đâm ra bực mình. Thế là chúng tôi khuyến khích nhau tìm cách học thứ ngôn ngữ vừa rất quen lại vừa rất lạ này. Chẳng sách hướng dẫn cũng không thầy dạy, chúng tôi bắt đầu bằng cách mày mò viết và học từng chữ một, bất kể chữ gì. Hễ gặp nhau là chúng tôi đem những chữ vừa học được, viết ra để “đố” nhau. Chẳng khác gì chương trình “Đố vui để học” trên đài truyền hình Sài Gòn ngày xưa. Không ngờ nhờ thế mà chúng tôi vượt qua được những khó khăn trong bước đầu học chữ Hán. Dần dà, chúng tôi có thể đọc được một số câu đối, rồi những văn bia ở trong Đại Nội hay ở lăng Tự Đức và lõm bõm đọc truyện Tam Quốc Chí và một vài tờ báo Hoa ngữ từ Hồng Kông hay từ Chợ Lớn kiếm được ở các chỗ bán sách báo cũ. Cá nhân tôi, có lúc tôi còn cả gan “dịch” (đúng ra là phỏng dịch) vài bài báo Hồng Kông gửi đăng ở tờ “Kiến Thức Ngày Nay” (sau 1975 ở Sài Gòn) kiếm tiền tiêu. Chúng tôi cũng theo học một lớp học “nói” tiếng Quan Thoại (Mandarin) do một người quen đã từng theo học tại một trường đại học ở Bắc Kinh nhiều năm, hướng dẫn. Không những thế, chúng tôi còn học viết chữ Hán bằng bút lông nữa.
Sau này, đầu thập niên 1990, do hoàn cảnh sống mới khi ra định cư ở nước ngoài, tôi không còn điều kiện thuận tiện để tiếp tục học, nên đành bỏ ngang. Dần dần chút vốn liếng chữ Hán tích lũy cạn dần, giờ chẳng còn được bao nhiêu, thật đáng tiếc. Trong lúc đó, Nguyễn Phố vẫn kiên trì tiếp tục học và cuối cùng, trở thành dịch giả Hán văn. Để hiểu rõ thêm về công việc dịch thuật của anh, tôi đã trao đổi với anh một đôi điều – qua nói chuyện trực tiếp cũng như qua điện thư – về những gì anh đã thực hiện trong thời gian mấy chục năm qua.
Trần Hữu Thục: Anh gặp khó khăn nào khi tự học chữ Hán?
Nguyễn Phố: Cái thời tự học chữ Hán của chúng mình quá khó khăn, sách vở thiếu thốn, từ điển, sách văn phạm không có, lui tới cũng chúng mình với nhau, thỉnh thoảng cần lắm thì tìm gặp Vĩnh Cao (1945-2024) [1] hỏi đôi điều. Nhưng như anh biết, chúng mình chỉ học để tiêu khiển thôi, chứ không có ý dịch diếc gì cả. Anh đi rồi, tôi ở lại, cứ vậy mà tập viết, tập đọc, tập đủ thứ … Tôi bắt đầu dịch để học từ năm 1996 với quyển “Ngữ pháp tiếng Trung” mượn của một người bạn. Cũng nhờ cuốn ấy mà tôi có vốn liếng ngữ pháp khá hệ thống. Đại khái là như vậy.
Trần Hữu Thục: Anh đã dịch và xuất bản bao nhiêu tác phẩm rồi?
Nguyễn Phố: Tôi đã dịch và đã xuất bản các tác phẩm sau:
– Con Đường Tơ Lụa (Ti lộ chi lữ = 絲路之旅) của Xa Mộ Kỳ.
– Ngữ Pháp Hán Ngữ Thực Hành (Thực dụng Hán ngữ ngữ pháp = 實用漢語語法) của Phòng Ngọc Thanh.
– Từ Lâm Hán Việt Từ Điển (辭林漢越辭典), soạn chung với Vĩnh Cao.
– Mạn Đàm về Hồng Lâu Mộng (Mạn thuyết Hồng Lâu = 漫說紅樓) của Trương Khánh Thiện và Lưu Vĩnh Lương.
– Chuyện Kể Dân Gian Trung Quốc (sưu tầm nhiều loại sách).
– Hán Việt Tự Điển (漢越字典), soạn chung với Vĩnh Cao.
– Những Cái Nhất Thế Giới (Thế giới chi tối = 世界之最).
– Đạo Hiếu (Hiếu dâm quả báo lục = 孝淫果報錄) có đồ họa, nên sách có tên đầy đủ là “Hội đồ Hiếu dâm quả báo lục” (繪圖孝淫果報錄), không có tác giả, vì đây là loại sách dạng sưu lục trong dân gian rồi ghi lại để răn dạy người đời.
– Những Câu Chuyện về Đạo Làm Người (Tiểu cố sự đại trí tuệ = 小故事大智慧) của Sái Lễ Húc, một thầy giáo dạy học nổi tiếng ở Đài Loan.
– Pháp Môn Hạnh Phúc (Khoan tâm = 寬心) của Tinh Vân Đại sư (Đài Loan).
– Hội Họa Trung Quốc (Trung Quốc Hội họa = 繪畫中國) của Từ Kiến Dung.
– Cuộc Đời và Sự Nghiệp của Đại Sư Huyền Trang (Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện =大慈恩寺三藏法師傳) của Tuệ Lập và Thích Ngạn Tông đời Đường.
Trần Hữu Thục: Có còn tác phẩm nào đã dịch rồi mà chưa xuất bản không?
Nguyễn Phố: Có chứ, khá nhiều. Đây là một số tác phẩm đã dịch xong:
- Đối Thoại Giữa Mật Giáo và Hiển Giáo (Hiển Mật vấn đáp lục = 顯密問答錄) của Kham Bố Sách Đạt Cát, người Tây Tạng.
– Chế Độ và Nghi Thức Phật Giáo Trung Quốc (Trung Quốc Phật giáo đích Chế độ dữ Nghi quỹ = 中國佛教的制度與儀軌) của Hạ Kim Hoa.
– Chuyện Khoa Cử Thời Phong Kiến (Trung Hoa cổ đại Khoa cử bách thái = 中華古代科舉百態) của Hùng Khánh Niên
– Đại Tự Điển Hán Việt (漢越大字典) soạn dịch trên nền của bộ “Trung Hoa Tự Hải” của Lãnh Ngọc Long và Vi Nhất Tâm, do nhà xuất bản “Trung Hoa Hữu Nghị Xuất Bản Công Ty” năm 1994.
– Tiếng Chuông Chùa Pháp Cổ (Pháp Cổ Chung thanh = 法鼓鍾聲) của Thánh Nghiêm đại sư (Đài Loan).
– Thích Thị Nguyên Lưu Ứng Hóa Sự Tích (釋氏源流應化事跡) đời Minh.
– Đại Đường Tây Vực Ký (大唐西域記) do Huyền Trang kể, sa môn Biện Cơ đời Đường ghi.
– Sử Liệu Học Phật Giáo (Phật giáo sử liệu học = 佛教史料學) của Lam Cát Phú, Đài Loan.
Những tập sách sau này tôi dịch cho hai trung tâm Phật Giáo lớn ở Hà Nội, một là “Trung Tâm Vĩnh Nghiêm”, hai là “Viện Phật Học Trần Nhân Tông”. Nói cho luôn, tôi hiện là thành viên của nhóm biên soạn ấn phẩm “Liễu Quán”, một tạp chí Phật Giáo rất có giá trị về sử liệu Phật Giáo miền Trung, mỗi năm ra ba số, hiện đã ra được hơn 30 số rồi.
Trần Hữu Thục: Trong số các dịch phẩm trên, có “Đại Tự Điển Hán Việt”. Anh cho biết rõ thêm về bộ sách này.
Nguyễn Phố: Xin nói qua về bộ tự điển này: bản gốc của nó là bộ “Trung Hoa Tự Hải” của “Công Ty Xuất Bản Trung Quốc Hữu Nghị Trung Hoa Thư Cục” xuất bản năm 1994 do Lãnh Ngọc Long và Vi Nhất Tâm chủ biên. Bộ sách này thu thập trên 85.000 từ, từ “tự thư”, “tục tự”, “phương ngôn”, “địa chí”, “kinh điển”, “văn bia”, vân vân, kể cả những chữ tân tạo hiện nay. Những mục từ trong tự điển này toàn là những “file ảnh”, nên có dung lượng rất lớn.
Trần Hữu Thục: “Tự thư”, “tục tự” là gì? Và “file ảnh”?
Nguyễn Phố: “Tự thư” tức như kiểu tự điển ngày nay vậy, “tục tự” là chữ dùng của một địa phương nào đó, “file ảnh” tức là chụp ảnh (ở đây là scan) rồi xử lý ảnh ấy qua word để có thể “copy” và dán vào nơi thích hợp, đại loại là vậy, tôi cũng quá dốt vi tính nên không nắm rõ kỹ thuật.
Trần Hữu Thục: Sao gọi là “Trung Hoa Tự Hải”?
Nguyễn Phố: “Tự hải” tức là “biển chữ”. Người Trung Hoa thường phân biệt “tự” và “từ”: “tự” để chỉ những chữ một, còn “từ” gồm hai chữ trở lên ghép lại. “Khang Hy Tự Điển” chẳng hạn, bộ tự điển này chỉ giải thích “chữ một” mà không có “chữ ghép” từ hai chữ trở lên; còn hai bộ “Từ Nguyên” và “Từ Hải” thì vừa giải thích “chữ một”, vừa giải thích “chữ ghép”. Nói “chữ ghép” ở đây cũng không chính xác cho lắm nhưng cứ tạm gọi như vậy. Ví dụ các chữ như “chiến”, “tranh”, “hòa”, “bình” gọi là “tự”, còn “chiến tranh” hay “hòa bình” được gọi là “từ”. Đại khái là người Trung Hoa phân biệt “tự” và “từ” theo khái niệm ấy.
Trần Hữu Thục: Đúng là “đại tự điển” thật, một công trình lớn. Tôi thấy bản thảo của bộ tự điển này được anh đóng thành đến 25 tập. Anh phải tốn bao nhiêu thời gian để hoàn tất?
Nguyễn Phố: Tôi bắt đầu dịch bộ “Hán Việt đại tự điển” này từ năm 2002 và phải mất hơn 6 năm để hoàn thành phần thô, tức là bản nháp. Tôi phải viết tay hơn 5.600 trang loại giấy A4, sau đó đọc lại, sửa chữa và đánh máy vi tính mất hết 3 năm. Khi đánh máy xong, thì nó rút lại chỉ còn lại trên 3.200 trang, với cỡ chữ số 10. Tôi tiếp tục in ra và đọc, sửa. Trước sau, tôi phải in nháp ba lần với ngần ấy trang. Tôi vốn không rành máy vi tính nên tốn quá nhiều thời giờ như thế, chứ thực ra, máy có những kỹ thuật rất hay ho, hữu ích và thuận tiện, nhưng tôi không cách gì tiếp thu nổi, học xong rồi quên liền.
Trần Hữu Thục: Anh có tính xuất bản cuốn này không?
Nguyễn Phố: Quyển tự điển này không có duyên, đã có lần người ta định in, hợp đồng đã ký, nhưng chế bản lúc ấy đắt quá họ không kham nổi nên dừng. Thậm chí sau này tôi nói với họ là tôi không tính công biên soạn, khi in xong, chỉ cần dành cho tôi chừng ít cuốn để biếu tặng bạn bè thôi. Nhưng không ai dám in cả, vì nó lớn quá, tốn kém kinh phí nhưng chưa chắc đã bán được. Hiện nay tôi vẫn còn bảo lưu ý ấy. Cuối cùng, nêu không ai nhận xuất bản, có lẽ tôi sẽ bỏ tiền túi in mươi cuốn cho vui cũng được. Lúc ấy tôi sẽ tặng anh một cuốn.
Mới đây, tôi đã giao bản thảo quyển tự điển này cho “Trung Tâm Biên Phiên Dịch Tư Liệu Phật Giáo Quốc Tế Vĩnh Nghiêm Tùng Thư” tại chùa Long Hưng, Đông Anh, Hà Nội để người ta giám định. Tôi không rõ rồi họ có cho in được không. Cũng tùy duyên thôi.
Trần Hữu Thục: Cám ơn anh Nguyễn Phố.
Trần Hữu Thục
(9/2022 – 11/2024)
—————–
Chú thích:
[1] Vĩnh Cao là bạn học cùng lứa với chúng tôi, con của cụ Bửu Kế, rất rành chữ Hán.
HÌNH ẢNH
1. Một số dịch phẩm của Nguyễn Phố
2. Bộ “Trung Hoa Tự Hải” & bản thảo bộ “Đại Tự Điển Hán Việt” của Nguyễn Phố
3. Bản thảo viết tay và bản thảo đánh máy bộ “Đại Tự Điển Hán Việt” của Nguyễn Phố
- Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố Trần Hữu Thục Phỏng vấn
- Một công trình có ý nghĩa về Trương Vĩnh Ký - tập “Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Trần Hữu Thục Điểm sách
- Cuộc Phiêu Lưu Của Chữ Trần Hữu Thục Khảo luận
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Bùi Giáng (1926 - 1998) (Bùi Vĩnh Phúc)
• Ôn ra đi để lại nụ cười (Trần Trung Đạo)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |