1. Head_

    Nhật Ngân

    (24.11.1942 - 21.1.2012)

    Phan Nhự Thức

    (4.2.1942 - 21.1.1996)

    Trương Đình Quế

    (.0.1939 - 21.1.2016)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Gặp tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, nhà thơ rút ngắn khoảng cách Bắc-Nam, văn học trong nước-quốc tế (Paul Christiansen) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-9-2023 | VĂN HỌC

      Gặp tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, nhà thơ rút ngắn khoảng cách Bắc-Nam, văn học trong nước-quốc tế

        PAUL CHRISTIANSEN
      Share File.php Share File
          

       


      Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai

      “Những người cầm bút như chị đều có đôi bàn tay vấy máu.” Đây là lời ai đấy từng nói với tác giả Nguyễn Phan Quế Mai về khả năng lay động lòng người của thi ca, văn chương và âm nhạc, khiến bao thế hệ thanh niên sẵn sàng ra trận và đổ máu. Thế nhưng, nếu nhận định trên là đúng thì ta cũng có thể khẳng định ngược lại, rằng ngôn từ cũng có sức mạnh cảm hóa, soi sáng, và nuôi dưỡng lòng vị tha.


      Việt Nam là quốc gia có sự phân hóa rõ rệt về mặt lãnh thổ. Trải qua nhiều biến động lịch sử, sự phân cách mỗi vùng miền đất nước không chỉ về mặt địa lý là điều khó tránh khỏi. Là một nhà thơ, dịch giả và tiểu thuyết gia, Nguyễn Phan Quế Mai mong muốn có thể góp phần thay đổi điều này bằng những tác phẩm của mình.


      Cô nói với Saigoneer: “Khi viết văn, một trong những mục tiêu chính của tôi là đưa người Việt lại gần với nhau hơn. Chúng ta đã làm nhiều điều để hàn gắn mối quan hệ giữa người Việt và người Mỹ, nhưng giữa người Việt với nhau vẫn còn nhiều nỗi đau vẫn còn phải giấu kín, những vết thương chưa chữa lành. Tôi nghĩ văn học có sức mạnh hòa giải. Ngôn từ có thể giúp ta thấu hiểu và cảm thông với những người có trải nghiệm khác với chúng ta.”


      Xuất thân của Quế Mai cũng giúp cô có cái nhìn đa chiều hơn khi viết về những câu chuyện của đất nước mình. Nữ thi sĩ sinh năm 1973 tại một làng quê nhỏ thuộc tỉnh Ninh Bình; cha mẹ cô vừa là nhà giáo vừa làm nghề nông. Sau khi được cử vào miền Nam dạy học, cha cô nhận thấy khí hậu, đất đai ở miền Nam thuận lợi và trù phú hơn, điều kiện học tập cho con cái cũng tốt hơn. Vậy nên vào năm 1979, ông cùng gia đình vượt hơn 1900 cây số để di cư vào Bạc Liêu.


      Những năm tháng kham khổ vừa sau chiến tranh ấy, nhiều người dân địa phương không thích những người di cư miền Bắc và gọi họ bằng biệt danh kỳ thị “bắc kỳ.” Đáp lại, Quế Mai đã nhanh chóng luyện giọng miền Nam để sớm hòa nhập. Cô chia sẻ: “Giờ đây, khi nhìn lại, tôi có thể phần nào hiểu được suy nghĩ của những người hàng xóm năm xưa. Nhưng vào lúc đó, tôi không tài nào hình dung được vì sao họ lại không ưa mình như vậy."


      ”Qua ngòi bút của mình, nhà thơ Quế Mai muốn nói lên trải nghiệm của những người di cư. Cô chia sẻ với Saigoneer một sáng tác mang tên 'Moving' (Dịch chuyển) được in trong tập thơ đa ngôn ngữ WWW - Women, Wit & Wisdom (tạm dịch: Phụ Nữ, Trí Tuệ, Thông Thái) được xuất bản tại Ấn Độ. Bản tiếng Việt được in trong tập thơ Tổ quốc gọi tên mình (NXB Phụ Nữ):

      Là một cái cây đang trổ hoa

      Tôi tự bứng mình lên

      Khỏi người thân, bạn bè, tiếng nói

      Trơ trọi

      Tôi rụng lá giữa không trung

      Tôi lướt qua đại dương

      Sâu thẳm con sóng mang tên sợ hãi

      Tất cả ào ạt muốn nhấn chìm tôi

      Tất cả muốn xoá tan tôi

      Tôi trồng tôi xuống những người xa lạ

      Mảnh vườn mới đẩy tôi lên

      Những chiếc rễ của tôi tứa máu

      Tôi đơn độc giữa những tiếng chim

      Tôi trơ trụi giữa thẳm xanh

      Tôi tung mình khỏi sự ì ạch

      Tôi trút lá khỏi những cũ kỹ

      Tôi rũ mình khỏi mọi thói quen

      Tôi mở từng tế bào cây

      Tôi uống từng tiếng chim

      Tôi ăn từng ngọn gió

      Tôi chập chững nảy mầm

      Tôi rùng mình trổ hoa

      Tôi đậu quả từ những chiếc rễ tứa máu

      Tôi là một cái cây tự bứng mình lên

      Tuy gặp nhiều khó khăn khi mới chuyển vào miền Nam sinh sống, nữ thi sĩ cho biết khoảng thời gian đó đã giúp cô thêm thấu hiểu và yêu mến đồng bào của mình. “Tôi học được nhiều điều từ văn hoá của cả hai miền Nam-Bắc. Vì sống ở hai nơi, tôi có cơ hội được lắng nghe câu chuyện từ cả hai phía, thấy rõ những tổn thương mọi người phải chịu đựng từ việc chia cách, và biết được những nồi niềm mãi mãi không nguôi ngoai dù chiến tranh đã kết thúc. Có nhiều thứ vẫn còn đang âm ỉ tiếp diễn,” cô nói. Nữ thi sĩ tin rằng nếu cô tiếp tục viết về quê hương trên tinh thần kết nối và hàn gắn, khai thác những điểm tương đồng vượt lên trên mọi khoảng cách vùng miền, người đọc cũng sẽ dần gỡ bỏ được những định kiến ăn sâu trong họ.


      Các sáng tác trong tập thơ tiếng Anh đầu tiên của nữ thi sĩ mang tên The Secret of Hoa Sen (tạm dịch: Bí Mật Của Hoa Sen) đã phản ánh rõ tâm huyết của cô trong việc khắc họa hình ảnh một Việt Nam đồng lòng, đoàn kết. Tuyển tập được phát hành năm 2014, và được chuyển ngữ bởi nhà thơ, học giả đáng kính người Mỹ Bruce Weigl.


      Tuyển tập thơ đưa người đọc đi khám phá nhiều vùng đất và địa danh trên khắp mọi miền tổ quốc, từ khung cảnh “một bóng đò ngược tóc hoàng hôn” trong bài thơ 'Miền Tây' đến hình ảnh chợ hoa đêm Quảng Bá “những vầng nón lá sáng vầng trăng.” Các sáng tác của cô gửi gắm đến người đọc thông điệp về cội nguồn dân tộc. Như chủ thể trong bài thơ 'Là Việt' muốn nhắn nhủ: tất cả những người con đất Lạc Hồng đều sinh ra từ chiếc bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ, và “Trường Sơn điệp trùng cuộn lời," còn "Hồng Hà phù sa ta."


      Quế Mai hiểu rằng lịch sử không thể được kể qua những số liệu, niên đại, hay sắc phong mà là qua đời sống của người dân. Do đó, các sáng tác của cô thường tập trung vào các hoạt động và thói quen thường ngày. Chẳng hạn, bài thơ 'Lời của rác' kể về những người phụ nữ lao động chân tay: "Bãi rác thành phố, có những người phụ nữ ngồi/ Nhặt nhạnh chắp vá đời mình từ rác vụn." Tương tự, bài thơ 'Người Làm Vườn Trong Đại Nội' (The Gardener in the Royal Citadel) cũng lấy chủ đề người lao động làm trọng tâm:


      Những triều đại lụi tàn

      Người làm vườn miệt mài ươm từng mầm cỏ

      Trên những triều vua đã đổ

      Mồ hôi người vươn lên xanh tươi


      Khi viết về những con người Việt Nam bình dị, đặc biệt là những cuộc đời mà nếu câu chuyện của họ không kịp kể lại thì sẽ sớm bị thời gian vùi lấp, nhà thơ Quế Mai buộc phải khắc họa dấu vết chiến tranh dù là ngay giữa khoảnh khắc yên bình nhất. Trong một sáng tác của cô, một người đàn ông đã cầu hôn người phụ nữ mình yêu bằng chiếc nhẫn cỏ khi ngôi làng của họ bị bủa vây bởi khói lửa chiến tranh. Thơ của cô không lên án bạo lực bằng sự thịnh nộ hay oán hận, mà bằng một giọng điệu nỉ non, bi sầu như những dòng kết trong bài thơ 'Hai Nẻo Trời Và Đất' (Separated Worlds).


      Mỗi bàn chân tôi đặt trên đất nước

      đang đặt lên bao nhiêu thân thể lạnh khói hương trong lòng đất?

      dẫm lên bao nhiêu biển nước mắt

      của những người con chưa tìm được mộ cha mình?


      “Từ bé, tôi luôn mơ được trở thành nhà văn. Tôi mê việc đọc sách. Sách cho phép tôi thoát khỏi thực tại nghèo khó của mình, khỏi những cánh đồng lúa, những giọt mồ hôi đẫm quần áo dưới nắng trời gay gắt, những ngày bán hàng rong. Nhờ sách, tôi được mơ và bay đến những chân trời khác,” Quế Mai chia sẻ với Saigoneer. Dù ấp ủ giấc mơ đó từ bé, nữ thi sĩ lại không lên kế hoạch theo nghiệp cầm bút. Vì hoàn cảnh cơ cực của gia đình, cô luôn có định hướng thực tế trong cả việc học lẫn sự nghiệp. Nhờ nỗ lực học tập, cô nhận được học bổng sang Úc theo học ngành quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, Quế Mai trở về Hà Nội và làm việc tại một công ty nước ngoài. Cô cũng thử sức với lĩnh vực bất động sản và tài chính. Đến giữa thập niên 90, cô là một trong những người đầu tiên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.


      Trong thời gian làm việc tại Hà Nội, cô gặp người chồng hiện tại của mình, một nhà ngoại giao người Đức. Họ kết hôn và cùng hai con rong ruổi đến nhiều quốc gia như Bangladesh, Philippines, Bỉ, Indonesia và sắp tới là Kyrgyzstan. Ban đầu, mỗi khi cùng chồng đi đến một đất nước mới, Quế Mai luôn phải tìm một công việc mới. Cô đã làm nhiều nghề từ dạy học, làm thủ thư, cho đến truyền thông. Vào năm 2012, ở tuổi 39, cô chuyển đến Philippines và lại một lần nữa đối mặt với thử thách sự nghiệp. Lúc này, chồng cô đã khuyên vợ dành trọn thời gian cho việc viết lách, bởi vì theo lời anh “văn chương và nghệ thuật cần thiết cho cuộc sống như hơi thở, miếng ăn”. Đây cũng là thời điểm chín muồi để Quế Mai nghiêm túc theo đuổi sự nghiệp văn chương. Song song với công việc chính, từ năm 2008, cô đã tham gia viết và dịch thuật, ra mắt một số đầu sách, và được ghi nhận với những giải thưởng quan trọng, trong đó có giải thưởng Thơ do Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng năm 2010, Giải nhất cuộc thi “Thơ về Hà Nội” và Giải thưởng văn học Nghệ thuật thủ đô.


      Với sự ủng hộ của gia đình, vào năm 2012, bên cạnh việc dành toàn thời gian cho việc viết, Quế Mai cũng nộp đơn học Thạc sĩ từ xa ngành Viết sáng tạo tại trường Đại học Lancaster (Anh Quốc). Cô được trao học bổng Thạc sĩ, sau đó là học bổng Tiến sĩ. Cô nghiên cứu, viết luận án và sáng tác các câu chuyện đặt bối cảnh ở Việt Nam. Các khóa học này cũng là những chương trình viết văn bài bản đầu tiên mà cô được tham gia.



               Nguồn ảnh: PXL.

      Do đã có kinh nghiệm với việc sáng tác và xuất bản trước khi theo học chính quy nên Quế Mai vẫn có thể giữ được cho mình một văn phong kiên định và lôi cuốn. Cô không ép mình phải dùng từ ngữ mỹ miều hay các phương thức thể nghiệm đôi khi khoa trương mà giới học thuật đề cao. Thay vào đó, cô viết về quê hương bằng một chất giọng tự nhiên và rất đỗi chân thành. Chẳng hạn, tác phẩm mở đầu tập thơ Bí Mật Của Hoa Sen miêu tả người mẹ “nhấc đũa lên, quấy nắng vào nồi cơm đang sôi.” Trong một câu thơ khác, ta lại thấy phép so sánh “từng hạt gạo ngọt thơm, như lời ru của bà” hoặc hình ảnh “họ gánh về cho tôi mùa ổi mùa xoài mùa mận/ Mùa sen mùa cốm trên vai.” Giọng thơ dung dị và mộc mạc của Quế Mai đã truyền tải được tình yêu quê hương tha thiết cô đến với bạn đọc bốn phương.


      Những hình ảnh và phép ẩn dụ thú vị xuyên suốt trong tập thơ cho thấy những sáng tác của Quế Mai đã vượt lên trên mục đích xã hội của người cầm bút. Cô không cần phải hy sinh giá trị nghệ để tuyên truyền những thông điệp mang tính giáo điều về lòng thấu cảm và vị tha; ngược lại, cô đưa con người xích lại gần nhau hơn nhờ sức lay động và vẻ đẹp trong câu thơ của mình.


      Cách xa quê hương hàng ngàn dặm không phải là trở ngại khi Quế Mai sáng tác. Cô cho rằng khoảng cách ấy còn làm bừng lên một nỗi khao khát những trải nghiệm từ quê hương; những mùi hương, âm thanh và hương vị từ nơi quê cha đất tổ. Ý niệm này được cô thể hiện rõ trong những vần thơ miêu tả về thiên nhiên của đất nước. Chẳng hạn: mùa xuân là thời điểm “nơi tiếng chim gọi ngọn cỏ trỗi dậy/ và bầu trời đang nở bung ánh sáng cuối ngày.” Trong các tác phẩm của cô, con người và đất trời quê hương không tách biệt, các nhân vật thường giao hòa với cảnh vật xung quanh. Điều này có thể thấy trong các câu thơ sau:


      Em chỉ cần nhìn bàn tay lấm láp của anh

      để biết rằng em sẽ bình yên

      nếu để trái tim mình nảy chồi trên đôi bàn tay ấy


      Nguồn ảnh: PXL.


      Trong mười năm trở lại đây, Quế Mai đã cho ra mắt tám tác phẩm tự sáng tác bao gồm các tuyển tập thơ, tác phẩm hư cấu và tản văn bằng tiếng Việt. Trong đó, có chín tác phẩm được dịch Việt-Anh hoặc Anh-Việt. Cô còn thường xuyên viết bài cho các chuyên mục của nhiều tờ báo. Khi được hỏi làm thế nào mà cô có bút lực dồi dào như vậy, nhà thơ nói:

      “Tôi xem công việc của mình tương tự như một người làm vườn, có thể gieo trồng cùng lúc nhiều mầm hạt. Có hạt sẽ phát triển thành cây, có hạt lại không; nhưng công việc của tôi là vun trồng, tưới nước và nuôi dưỡng chúng bằng tình yêu và sự đam mê, hy vọng rằng một ngày chúng sẽ đơm hoa kết trái.”

      Nữ thi sĩ cho biết cô ít khi cạn kiệt ý tưởng, vì cô tự đặt ra cho mình những sứ mệnh khác nhau, đồng thời theo đuổi nhiều dự án sáng tác cùng một thời điểm. Cô nói với Saigoneer rằng cô viết mỗi ngày, và dường như sự kiên trì này khởi nguồn từ thời thơ ấu. Cô từng kể rằng: “Khi còn nhỏ, tôi luôn thức dậy lúc 4 giờ sáng, ra đồng bắt tép để kịp đi bán rồi về nhà đi học. Những ngày này, bạn cũng có thể thấy tôi ngồi vào bàn lúc 4 giờ sáng, 'bắt' lấy những con chữ đầu tiên trong ngày.”


      Nhà thơ Quế Mai có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo — một thành tựu phi thường — vì khi bé, cô chỉ được học ở một ngôi trường làng không dạy tiếng Anh, và các lớp học thêm lại quá đắt đỏ so với khả năng chi trả của gia đình. Khả năng sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ là một lợi thế lớn trong quá trình sáng tác của nhà thơ. Cô chia sẻ rằng khoảng thời gian làm việc với Weigl để chuyển ngữ tập thơ Bí Mật Của Hoa Sen đã giúp cô có được sự tự tin cũng như kỹ năng để sáng tác bằng tiếng Anh. Hiện tại, tùy thuộc vào đối tượng khán giả và nội dung mà cô sẽ viết bản thảo bằng tiếng Anh hay tiếng Việt.



      Khi làm việc với bản thảo tiểu thuyết The Mountains Sing, tuy nhà thơ tư duy và sáng tác bằng tiếng Anh, đôi khi cô vẫn quay trở về viết bằng tiếng Việt để “mở ra cánh cửa của cảm xúc.” Cách làm này giúp cô nắm bắt được hồn cốt và ngữ nghĩa của tiếng Việt như việc sử dụng tục ngữ hay thành ngữ, mà hơn hết còn là để diễn đạt một cách trọn vẹn những ý niệm độc đáo của văn hóa và con người Việt Nam.


      Dịch thuật, đặc biệt là dịch thơ, là một công việc đầy thách thức. Nếu chuyển ngữ quá sát, người dịch sẽ làm mất đi cái hồn của ngôn từ. Nếu dịch quá thoáng, bản dịch sẽ đi xa khỏi dụng ý ban đầu của tác giả. Đó là chưa kể đến những vấn đề về âm sắc và cấu tứ trong thi ca, vốn cũng quan trọng không kém. Là người dịch thuật cho chính các sáng tác thơ của mình, Quế Mai có thể tránh được các vấn đề trên. Ví dụ, khi chuyển ngữ bài thơ 'My Mother’s Rice' trong tập thơ Bí Mật Của Hoa Sen sang tiếng Việt, nhà thơ đã chọn sử dụng tựa đề 'Gian Bếp của Mẹ' thay vì cách dịch sát nghĩa hơn là 'Cơm Của Mẹ,' vì cô là người hiểu rõ mạch cảm xúc và dụng ý của tác phẩm hơn ai hết, và vì vậy có quyền lựa chọn tựa đề phù hợp nhất cho bài thơ của mình.


      Khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa hai ngôn ngữ cũng giúp Quế Mai chọn lọc và chuyển ngữ những tác phẩm văn học có giá trị cho thị trường sách dịch ở Việt Nam. Ngày nay, hầu hết các đầu sách nước ngoài được dịch sang tiếng Việt đều là sách có tính thương mại cao, như dòng sách self-help (sách phát triển kỹ năng) hoặc sách về đầu tư, kinh doanh. Ngược lại, các tác phẩm văn học đương đại của nước ngoài thường chỉ chiếm một góc khiêm tốn tại các nhà sách. Thế nhưng, nhà thơ hiểu rõ tầm quan trọng của văn học trong việc kết nối con người, và Taking Flight (tạm dịch: Bay Lên), cuốn sách dịch gần đây nhất của cô, là minh chứng cho quan điểm này.


      Bay Lên là tuyển tập truyện ngắn của những cây bút lớn trong văn đàn thế giới, như Junot Diaz, Margaret Atwood, Amy Tan và Nguyễn Thanh Việt, được Quế Mai tuyển chọn và dịch sang tiếng Việt. Khi được hỏi tại sao cô lại dành tâm huyết và thời gian cho việc chuyển ngữ những tác phẩm này thay vì tập trung vào các sáng tác cá nhân, nhà thơ nói rằng cô mong cuốn sách này có thể chạm đến trái tim người đọc, bất kể họ là ai.


      Cô tin rằng những câu chuyện trong tuyển tập Bay lên bao hàm nhiều bài học giá trị, và “khi đọc càng nhiều, bạn sẽ càng hiểu được rằng, dù thuộc nền văn hóa hay vùng lãnh thổ nào thì chúng ta cũng đều giống nhau, ai cũng yêu thương gia đình mình và trân quý những khoảnh khắc đời thường. Hiểu được góc nhìn của nhau sẽ giúp chúng ta bồi dưỡng tấm lòng thấu cảm. Và thế giới luôn cần thật nhiều sự thấu cảm.”


      Song song với việc giới thiệu văn học nước ngoài với bạn đọc trong nước, nữ thi sĩ cũng năng nổ đưa các sáng tác của những cây bút Việt Nam đến bạn bè thế giới. Nhà thơ từng giới thiệu với độc giả quốc tế những tác phẩm của rất nhiều nhà thơ đương đại Việt Nam như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Tuyết Nga, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh. Dù không sở hữu cùng một giọng thơ, nhưng cô và các tác giả này đều có chung một niềm thôi thúc, đó là được khắc họa cảnh sắc, con người, và văn hóa Việt Nam. Ví dụ như những dòng thơ sau của nhà thơ Lưu Quang Vũ:


      Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

      Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

      Ai ở phía bên kia cầm súng khác

      Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.


      Bằng việc dịch lại các tác phẩm này, nhà thơ Quế Mai đã góp chất giọng của mình vào bài hát về Việt Nam gửi đến bạn bè năm châu.


      Đáng tiếc rằng trong thời buổi hiện nay, sáng tác thơ hầu như không đem lại lợi nhuận, và nhuận bút đến từ việc dịch thơ lại càng ít ỏi hơn. Vì vậy, những gì mà nhà thơ Quế Mai đang làm đều xuất phát từ lòng yêu nghệ thuật đơn thuần, và vì cô “đau đáu khôn nguôi khi hình ảnh Việt Nam hiện lên trong tâm trí bạn bè quốc tế thường đi đôi với chiến tranh, thay vì về một nền văn học, văn hóa giàu bản sắc. Tôi muốn thay đổi điều đó. Có lẽ tôi không phải là người hoàn thành sứ mệnh này, nhưng tôi sẽ là một trong những người bắt đầu,” cô nói.


      Một trong những dự án dịch thuật mà Quế Mai từng thực hiện để phục vụ mục đích này là chương trình radio kết hợp thơ với âm nhạc Việt Nam có tên gọi “Những chiếc đèn lồng treo vào ngọn gió”. Trước đó, cô từng tham gia một chương trình radio tương tự mang tên Melodically Challenged (tạm dịch: Thách Thức Vần Điệu) được phát sóng trên trang web Public Radio Exchange của Mỹ. Với Melodically Challenged, Quế Mai đã có dịp giới thiệu các sáng tác của mình và kết hợp chúng với những làn điệu truyền thống do ca sĩ-nhạc sĩ Ngô Hồng Quang thể hiện.


      Từ thành công này, Quế Mai đã cùng đạo diễn của chương trình là Katherine Kincer và nhà thơ người Mỹ Jennifer Fossenbell sản xuất chương trình “Những chiếc đèn lồng treo vào ngọn gió”. Lần này, Quế Mai giới thiệu các sáng tác của các nhà thơ Tuyết Nga, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Hoàng Tám, Trần Quang Quý, Giang Nam, Ngô Tự Lập, Nguyễn Bảo Chân, Ly Hoàng Ly, Lê Huy Mậu, Mai Văn Phấn, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Việt, Lê Anh Hoài, Đặng Nguyệt Anh, Vi Thùy Linh - vốn là những cái tên tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam.


      Nhà thơ Quế Mai có buổi đọc thơ tại Lannan Foundation. Nguồn: Kênh YouTube Lannan Foundation.

      Cộng đồng văn chương hải ngoại vốn không quá bao la, vì thế Quế Mai đã có duyên gặp gỡ nhà văn Nguyễn Thanh Việt — tác giả của tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên). Họ gặp nhau trong một hội nghị tại Mỹ, trao đổi sách, rồi tiếp tục giữ liên lạc. Vài giờ đồng hồ trước khi Nguyễn Thanh Việt nhận được tin The Sympathizer thắng giải thưởng Pulitzer danh giá, anh đã viết một lá thư cho nữ thi sĩ, với những suy nghĩ về văn học Việt Nam. Cũng chính nhờ sự giới thiệu của Nguyễn Thanh Việt, tóm tắt bản thảo tiểu thuyết mà Quế Mai đang viết lúc đó đến được với cô Julie Stevenson, đại diện văn học nổi tiếng, người đã từng mai mối cho việc xuất bản tiểu thuyết The Sympathizer. Cuốn sách mà nhà văn Nguyễn Thanh Việt giới thiệu cho cô Julie chính là tiểu thuyết The Mountains Sing, tác phẩm sau đó được nhà xuất bản Algonquin Books ấn hành vào tháng 3 năm 2020, lọt vào danh sách bán chạy, được dịch ra nhiều ngôn ngữ và được vinh danh bởi hàng loạt các giải thưởng quốc tế danh giá.


      Quế Mai bắt đầu viết những trang đầu tiên của tiểu thuyết The Mountains Sing khi đang theo học chương trình Thạc sĩ viết văn tại Đại học Lancaster. Khi ấy cô đang bận rộn với một dự án khác, nhưng cảm hứng sáng tác tìm đến với cô sau cuộc trò chuyện với một người bạn. Người bạn ấy kể với cô về ký ức ấu thơ lớn lên giữa bối cảnh Hà Nội thường xuyên bị tàn phá bởi những cuộc ném bom của quân đội Mỹ. Sau khi nghe câu chuyện, Quế Mai tìm xem thêm một số video, những bài viết về những trận không kích của Mỹ, khiến thủ đô Hà Nội chìm trong tiếng loa truyền thanh báo động. Ngay hôm đó, cô bắt đầu viết phân cảnh đầu tiên cho cuốn tiểu thuyết.


      The Mountains Sing là một câu chuyện về bốn thế hệ trong một gia đình người Việt, xuyên qua những biến cố lịch sử thế kỷ 20 của Việt Nam. Dù lấy nguồn cảm hứng từ rất nhiều những cuộc phỏng vấn mà Quế Mai đã thực hiện, đây là một câu chuyện hư cấu, tái hiện lịch sử Việt Nam qua số phận con người. Thông qua các nhân vật nữ chính trong câu chuyện, tác phẩm nói về mối quan hệ gia đình qua góc nhìn của những người phụ nữ — một đề tài thường xuyên bị bỏ quên trong các tác phẩm nghệ thuật và ẩn phẩm quốc tế về Việt Nam.


      Quế Mai từng tuyển chọn, dịch và giới thiệu một dự án thơ Việt Nam tạp chí văn học Prairie Schooner. Dự án thơ nói trên mang tựa đề Những người cô, người dì trong thi ca. Trong đó, nhà thơ đã viết trong lời dẫn nhập rằng: “Sau chiến tranh, khi Việt Nam chật vật tiến về phía trước, những người phụ nữ Việt vẫn phải khom lưng cáng đáng gánh nặng cơm áo gạo tiền,” thế nhưng sau tất cả, họ vẫn chưa nhận được sự công nhận xứng đáng.


      Tác phẩm The Mountains Sing cũng giúp Quế Mai thể hiện tâm huyết của cô trong việc kết nối người Việt với nhau qua những trải nghiệm và giá trị sống mà họ đều có. Để làm được điều này, bên cạnh những nhân vật sống ở thành thị và nông thôn miền Bắc, cô còn để cho một nhân vật của mình di chuyển vào Nam, từ đó khắc họa được cả những chi tiết về đời sống và con người tại đây. Với hướng phát triển nhân vật này, cô muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam “như một gia đình nơi đó những anh chị em ruột bị chia rẽ bởi chiến tranh. Đã tới lúc chúng ta phải vượt qua quá khứ đau thương và đoàn tụ với nhau.”


      Ngày nay, chúng ta có xu hướng đọc sách ít đi và thường xuyên tìm tới những hình thức giải trí khác như trò chơi điện tử, mạng xã hội hay phim ảnh. Trước xu hướng này, Quế Mai không khỏi ngậm ngùi, bởi với cô, văn học có giá trị to lớn trong việc vun đắp sự đồng cảm không chỉ giữa người Việt với nhau, mà còn giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Văn chương cũng giúp ghi dấu lại một thời kỳ đáng nhớ, khi đất nước và xã hội không ngừng thay đổi.


      Trước những mất mát hiện hữu từ việc văn hóa đọc bị mai một, nữ tác giả chỉ điềm nhiên nói: “Chúng ta cần có niềm tin rằng người đọc vẫn ở đó, đợi chờ các tác phẩm hay.” Và chính nhờ niềm tin và nỗ lực không ngơi nghỉ của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai mà giờ đây chúng ta vẫn có thể cất vang lời ca “Mái đình cong trăng khuyết/ Triền sông mướt câu hò/ Đường làng rơm thơm vào trí nhớ/ Rặng tre già măng non ta.”


      Vào thời điểm đăng tải bài viết này, tiểu thuyết The Mountains Sing của tác giả Quế Mai đã đạt được thành công vang dội về mặt phê bình cũng như phát hành. Tác phẩm đã và đang được dịch ra 10 ngôn ngữ, trở thành quyển sách bán chạy trên toàn cầu, nhận được nhiều giải thưởng uy tín như giải thưởng Bookbrowse 2020 cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất, giải thưởng Blogger's Book Prize năm 2021, giải cao nhất ở hai hạng mục của International Book Awards, giải thưởng Lannan Literary Fellowship vì “chất lượng văn chương nổi bật” và vì “đóng góp cho hoà bình và hòa giải”. Gần đây, Nguyễn Phan Quế Mai công bố tiểu thuyết tiếng Anh thứ hai của cô, Dust Child, cũng đặt bối cảnh ở Việt Nam, đã được nhà xuất bản Algonquin Books mua bản quyền phát hành trên toàn thế giới.


      Thứ năm, 12 Tháng 8 2021.

      Viết bởi Paul Christiansen. Minh hoạ: Hannah Hoàng.

      Đọc phiên bản Tiếng Anh của bài viết tại Saigoneer

      Paul Christiansen

      Nguồn: saigoneer.com

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Gặp tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, nhà thơ rút ngắn khoảng cách Bắc-Nam, văn học trong nước-quốc tế Paul Christiansen Nhận định

    3. Bài viết về nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Nguyễn Phan Quế Mai

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Bụi Đời - DustChild của Nguyễn Phan Quế Mai (Đào Như)

      Đỉnh Núi Cao Biết Hát-The Mountains Sing (Đào Như)

      Gặp tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, nhà thơ rút ngắn khoảng cách Bắc-Nam, văn học trong nước-quốc tế (Paul Christiansen)

      - Nguyễn Phan Quế Mai, văn học và thời cuộc (Du Tử Lê)

      - Nguyễn Phan Quế Mai: ‘Tôi nghe tổ quốc gọi tên mình’ (Du Tử Lê)

      - Nguyễn Phan Quế Mai, thơ, tỏa hương trên ngôn ngữ Việt (Du Tử Lê)

      - Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (Mặc Lâm)

      - 'Bụi đời' của Nguyễn Phan Quế Mai: Chiến tranh, tình yêu và sự tha thứ (Mỹ Hằng)

       

      Tác phẩm Nguyễn Phan Quế Mai

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)