|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Trước khi đọc “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại” của Nguyễn Ðức Tùng, tôi đọc “40 Năm Văn Học Việt Nam, Những Gì Còn Với Mai Sau” của Bùi Công Thuấn. Với chủ quan của một người viết văn hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam mà chủ tịch là Hữu Thỉnh, Bùi Công Thuấn đã mở đầu bài viết của mình là phần “Kiên định một đường lối về văn học nghệ thuật”. Viện dẫn những nghị quyết của Ðảng như Nghị quyết Trung ương 5 (1998), Nghị quyết 23 của Bộ chính trị (2008) và nghị quyết trung ương 33 (2014), công việc gọi là nhận định phê bình văn học thực chất chỉ là việc của một con vẹt nhắc lại những luận cứ đã cũ mèm của những quan văn nghệ tuyên huấn. Bùi Công Thuấn cho rằng văn học Việt Nam chỉ có 3 dòng văn học: văn chương cách mạng, văn chương thoát ly chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và văn chương thị trường. Vì gói trọn trong những nghị quyết nên nhận định như vậy chỉ nặng tính cách chính trị tuyên truyền cho chế độ và góc nhìn rất hẹp và không đáng để dẫn chứng là một tư liệu giá trị.
Bùi Công Thuấn viết: “40 năm tuy dài nhưng cũng có những vấn đề của lịch sử để lại còn cần thêm thời gian. Vấn đề văn chương miền Nam (1954-1975) và vấn đề “hợp lưu” dòng văn chương của người Việt hải ngoại sau năm 1975…”
Những người viết nhận định văn học ở trong nước thường hay dùng “văn học đô thị” để nói về hai mươi năm văn học miền Nam và văn chương của người Việt hải ngoại là dòng văn học nối dài của văn chương đô thị và sẽ thành một nhánh phụ lưu đổ vào dòng chảy chủ lưu ở trong nước. Nhận định ấy nhằm mục đích chính trị phục vụ cho một chế độ rõ ràng là bạo quyền, hiện nay đã gây ra không biết bao nhiêu là thảm kịch cho dất nước và dân tộc.
Nguyễn Hưng Quốc đã phê phán và nghĩ ngợi về “văn học đô thị miền Nam”: Kể ra thuật ngữ mới ấy cũng là một “tiến bộ”, một sự thay đổi lớn và đầy ý nghĩa. Bởi, trước văn học miền Nam thời 1954-1975 bị định danh một cách đầy thù nghịch và bỉ thử văn học nô dịch hay văn học thực dân mới hay văn học dưới chế độ Mỹ Ngụy, hay nhẹ nhàng hơn một tí, chỉ một tí thôi, văn học vùng tạm chiếm. Với bất cứ tên gọi nào, điều người ta muốn cũng là nhằm phủ nhận giá trị của nền văn học ấy. Ðó là nền văn học của những kẻ làm tay sai, không những phản “cách mạng” mà còn phản dân tộc và cuối cùng, như một hệ luận của những cái “phản” ấy, nó cũng phản văn học, tức không có chút giá trị gì về phương diện nghệ thuật và mỹ học cả.
Nhưng dù khá hơn một chút, khái niệm văn học đô thị miền Nam, theo tôi, vừa không chính xác vừa ẩn giấu những hậu ý không tốt.
Nó không chính xác vì, thật ra, nó quá đúng. Bất cứ nền văn học nào, của Việt Nam hay bất cứ của quốc gia nào trên thế giới, cũng đều là văn học đô thị. Về phương diện sinh hoạt, văn học hiện đại gắn liền với hai yếu tố chính: kỹ thuật (chủ yếu là kỹ thuật in) và thương mại (thể hiện qua ba hiện tượng nhà xuất bản, nhà phát hành và nhà sách) khác hẳn với nền văn học truyền khẩu trước đó cũng như văn học liên mạng trên internet sau đó vốn có tính chất phi tâm (de-centred) nền văn học hiện đại vốn gắn liền với văn hóa in ấn bao giờ cũng có tính không gian với địa điểm của nhà in và nhà sách. Tất cả đều gắn liền với xu hướng đô thị hóa và thị dân hóa. Ở các quốc gia Tây phương, tất cả các nhà xuất bản đều đặt ở thủ đô hoặc ở các thành phố thương mại lớn, bởi vậy đó cũng là nơi tập trung nhiều nhà văn và nhà thơ chuyên nghiệp nhất. Ở Việt Nam trước năm 1975, một số nhà văn và nhà thơ sống ở nông thôn và tỉnh lẻ khi muốn xuất bản đều gửi tác phẩm của mình đến các nhà xuất bản ở Hà Nội hoặc Sài Gòn để in và bán. Ở miền Nam trước năm 1875 cũng vậy, Nguyễn Văn Xuân và Phan Du sống ở Ðà Nẵng, Võ Hồng và Quách Tấn sống ở Nha Trang nhưng tất cả những tác phẩm của họ, cũng giống như tác phẩm của các cây bút sống ở tỉnh lẻ khác đều được xuất bản ở Sài Gòn.
Bởi vậy gọi văn học miền Nam là văn học đô thị không có gì sai nhưng vì không sai nó biến thành thừa và bởi vì thừa nó lại trở thành sai. Bởi, theo cách nhìn như thế, người ta cũng có thể nói văn học miền Bắc trong cùng thời kỳ là văn học đô thị ở miền Bắc. Hoặc rộng hơn người ta cũng có thể gọi văn học hiện đại Pháp, Mỹ, Anh, Úc hay mọi nền văn học khác đều là văn học đô thị.
Thừa, nhưng tại sao người ta vẫn muốn dùng? Lý do rất dễ hiểu, người ta muốn phân biệt nó với văn học nông thôn hoặc văn học bưng biền vốn lâu nay đuợc gọi là văn học giải phóng miền Nam với những cây bút ở miền Bắc được lén lút đưa vào các vùng rừng núi hoặc các vùng được gọi là giaỉ phóng.
Thì phân biệt như vậy cũng chả sao. Chỉ có điều nó giả. Thứ nhất nếu căn cứ vào phương diên sinh hoạt, những người được gọi là nhà văn hay nhà thơ giải phóng ấy tuy có mặt trên các vùng rừng núi miền Nam, tác phẩm của họ cũng chỉ được xuất bản ở Hà Nội và phát hành ở Hà Nội do đó nên căn cứ vào nơi xuất bản và phát hành nền văn học do họ tạo dựng cũng thuộc về văn học đô thị miền Bắc. Thứ hai về bản chất như bản thân cái gọi là mặt trận giải phóng miền Nam chỉ là một tổ chức giả, nền văn học giải phóng miền Nam cũng chỉ là một nền văn học giả. Bởi vậy, lâu nay kể từ sau năm 1975, thuật ngữ văn học giải phóng miền Nam cũng biến mất. Tất cả những tên tuổi tiêu biểu của nền văn học ấy đều được xem thuộc về văn học Việt Nam (tức văn học miền Bắc) nói chung. Nguyễn Trung Thành trở thành Nguyên Ngọc, Trần Hiếu Minh trở thành Nguyễn Văn Bổng, Bùi Ðức Ái trở thành Anh Ðức, Hiểu Trường hay Hưởng Triều thành Trần Bạch Ðằng…
Không những giả, sự phân biệt ấy còn gian. Gian ở hai khía cạnh. Một về phương diên địa lý, ai cũng biết, trước năm 1975, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam còn rất yếu ớt; đại đa số dân chúng vẫn sống ở nông thôn, do đó cái gọi là văn học đô thị trở thành văn học thiểu số của chưa tới 20 phần trăm dân số ở miền Nam Việt Nam, do đó cái gọi là văn học đô thị miền nam cũng chỉ là dòng văn học lạc loài ở những vùng tam chiếm hoặc chỉ là những đứa con rơi của “Mỹ Ngụy”
Cái tên “văn học đô thị miền Nam” vốn phổ biến từ mấy năm nay, bởi vậy, không phải có tính phi chính trị hoặc chỉ phản ánh xu hướng hòa giải giữa hai miền Nam và Bắc như một số người biện bạch. Nó chỉ là một sự lừa dối hoặc tự lừa dối. Thực chất tên gọi ấy vẫn đầy tính chính trị và xuất phát từ âm mưu phủ nhận tính chính đáng của văn học miền Nam…”
Những người biện bạch cho từ ngữ “văn học đô thị miền Nam” có những người trong ban vận động cho văn đoàn Ðộc Lập Việt Nam mà Nguyễn Ðức Tùng là thành viên và là một giám khảo của bộ môn văn trong các giaỉ thưởng của tổ chức này. Văn chương minh họa với Hội Nhà Văn và Bùi Công Thuấn với tác phẩm “40 năm văn học Việt Nam những gì còn với mai sau” thì Ban vận động Văn đoàn Ðộc Lập (hình như có trục trặc nên chưa thành hình một văn đoàn hoạt động) và trang mạng Văn Việt có “40 năm thơ Việt hải ngoại”. Cuốn sách này tác phẩm của Bùi Công Thuấn, tuy hai mà một, tuy một mà hai, trong thời điểm 40 năm, có phải?
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng
Nguyễn Ðức Tùng là ai? Có phải là người đóng vai “phán quan” để “tuyển và chọn” danh sách những người làm thơ mà Nguyễn Ðức Tùng gọi là “một phần tiêu biểu” cho thi ca Việt Nam hải ngoại mà Phan Nhiên Hạo đã ví von và mỉa mai như việc làm của một ông bầu show khi viết “Hai mươi sáu nhà thơ Việt Nam đương đại” và “40 năm thơ Việt hải ngoại”.
Hay là người tự hào với những câu chữ được gọi là thơ? thí dụ:
Chiến tranh Việt Nam
Chúng tôi bắn các anh
Các anh không chết
Các anh bắn chúng tôi
Chúng tôi cũng không chết
Những đứa khác chết
Vậy chúng ta là bạn.
Chiến tranh đuợc định nghĩa bằng triết lý của một loại tam đoạn luận què quặt như vậy đó. Hay đề cập đến hòa giải hòa hợp:
Trước và sau
Vợ chồng cãi nhau
Rồi lại làm hòa
Bạn bè ghét nhau
rồi lại làm hòa
Các nước đánh nhau
Rồi lại làm hòa
Chỉ riêng chúng ta
Là làm ngược lại
Thơ loại “con cóc trong hang / con cóc nhảy ra” như thế mà được những người như Ðỗ Quyên “bình” và “phê” để hít hà tán thưởng. Mà Ðỗ Quyên cũng được Nguyễn Ðức Tùng trả ơn bằng cách liệt tên tuổi vào những người tiêu biểu cho thơ Việt hải ngoại trong cuốn sách “40 năm thơ Việt hải ngoại” đấy!
Nguyễn Ðức Tùng đã chọn ngày 3 tháng 9 làm ngày ra mắt sách “40 Năm thơ Việt hải ngoại” tại Orange County nơi mà người Việt tị nạn đông nhất trên thế giới và được mệnh danh là thủ đô của người tị nạn. Có nhiều người cho rằng có sự cố ý khi chọn ngày chết của Hồ Chí Minh tức là sau ngày quốc khánh 2 tháng 9 của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa một ngày với lý do chính trị và là một sự thách đố với cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ?
Nhưng riêng tôi thì cho đó là một sự tình cờ. Bởi vì, Nguyễn Ðức Tùng trong phần tiểu sử có ghi chú là thuyền nhân và được đi định cư ở Canada. Mà khi đã được tuyển chọn, phỏng vấn và tuyên thệ để làm người tị nạn vì lý do chính trị thì không khi nào Nguyễn Ðức Tùng lại “dính dáng” đến những mưu đồ phục vụ cho chế độ Cộng sản mà Nguyễn Ðức Tùng rời bỏ khi vượt biển tìm tự do.
Tôi nghĩ như vậy nhưng không biết có chính xác không? Cố ý hay vô tình? có lẽ chỉ riêng Nguyễn Ðức Tùng mới trả lời câu hỏi này được?
Nói đến thi ca Việt Nam ở hải ngoại trong suốt một thời gian bắt đầu từ năm 1975, chúng ta nên khởi đầu ở vị trí nào? Có phải là từ nguồn gốc của người tị nạn? Có những người trước năm 1975 không cầm bút, không làm thơ nhưng sau một biến cố quá lớn trong cuộc đời nên mượn chữ nghĩa để nói lên tâm sự của mình. Trong dòng thi ca ấy, chúng ta phải kể đến thơ của những người tù của chế độ độc tài toàn trị trong nước. Hoặc những người sống sót sau những cuộc vượt biển kinh hoàng. Hoặc những người lính VNCH đối nghịch với chế độ Cộng sản hiện hữu. Nếu không đề cập đến những người ấy, tuyển tập 40 năm thi ca Việt Nam hải ngoại không còn ý nghĩa nữa. Dù về sau, nguồn gốc tị nạn có phức tạp hơn nhưng phần chính yếu vẫn là ý thức đối kháng với chế độ toàn trị trong nước. Có người nói thơ văn Việt Nam hải ngoại là thơ văn của 20 năm văn học miền Nam nối dài. Ðiều ấy cần phải xét lại. Bởi vì, những người làm thơ viết văn thuộc dòng thơ văn của những người vượt biển, những người tù nhân chính trị Cộng sản và những nạn nhân của chế độ độc tài ở trong nước, trước 75 chưa cầm bút. Và họ mới chính là những người cầm bút chủ lực bên cạnh những nhà văn nhà thơ của 20 năm văn học miền Nam.
Lịch sử Việt Nam với những biến động kinh khiếp đã có đầy đủ những yếu tính cho một nền văn học phong phú và đa diện mà bước khởi đầu là sự tự nguyện vào cuộc. Chỉ với những đời sống bình thường của nhiều người, tuổi trẻ gần gũi với bom đạn, với sống chết, tuổi trung niên dầy vò với ngục tù Cộng sản, ký ức chứa đầy những bi thương, những uất hận, khởi đầu đời sống lưu lạc tha hương với nhiều buồn nản nhưng vẫn giữ gìn căn cước của những người tị nạn vì lý do chính trị. Ðời sống của họ có thể coi như những chứng nhân của những mảnh đời ngoại lệ mà di dân trên thế giới hầu như không có. Và thi ca, như tiếng nói của các chứng nhân của một thời lịch sử đặc biệt, lẫn lộn giữa hùng tráng và bi thảm, đã một phần nào nói lên tiếng nói của những người Việt tị nạn trong dòng thi ca Việt hải ngoại.
Trong Lời Nói Ðầu của cuốn sách “40 năm thơ Việt hải ngoại” có đoạn viết: “Thơ ca là một nghệ thuật có khả năng nhắc nhở chúng ta về sự tạm thời và vĩnh viễn. Tạm thời của số phận con người, của một giai đoạn lịch sử mấy mươi năm, nhưng vĩnh viễn của dân tộc, của những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc ấy.”
Lại một luận điệu của tuyên huấn Cộng sản! Như vậy, cả hàng triệu người vượt biển tìm tự do mà phân nửa bị mất tích là sự kiện “tạm thời của số phận con người sao”?
Nếu nói một cách chân thực thì lịch sử nhân loại cũng phải ghi chép lại những biến cố ấy để những thế hệ sau hiểu được thế nào là nhân bản và thế nào là phi nhân! Muốn cho những sự kiện ấy thành tạm thời, nên bạo quyền Cộng Sản đã gây áp lực bới các nước láng giềng đã cho thuyền nhân tạm trú để chờ đi định cư tàn phá và triệt hạ những đài kỷ niệm thuyền nhân để nhân loại quên đi những tội ác vĩnh viễn của chúng. Thế nào là giá trị tạm thời và giá trị vĩnh viễn?
Cộng sản đã lấp liếm cho rằng thơ của người vượt biển, thơ của người tù bị gọi là “cải tạo” hay thơ chống Cộng chỉ có giá trị nhất thời theo thời sự mà không có giá trị vĩnh viễn. Ðó là một cách nói hồ đồ không có sở cứ. Nhưng nhiều người cho rằng thơ văn hải ngoại mà không có những dòng thơ này thì không còn là thơ văn hải ngoại nữa. Người ta có thể lộn sòng lý luận quanh quẩn để che dấu sự thực. Nhưng sự thực vẫn là sự thực, không ai dùng bàn tay che cả mặt trời được.
Một đoạn tiếp theo “Mặc dù người làm thơ hình như ngày càng cô độc, việc tái xây dựng hình ảnh một đất nước tự do, vinh danh những hy sinh của người đi trước, ghi nhớ những đổ vỡ mất mát, giải thích những thất bại và đau khổ, lên tiếng về nỗi bi phẫn và hóa giải hận thù, kêu gọi sự hiểu biết và tin cậy, cùng nhau đi tới: những điều này chúng tôi tin rằng thơ ca phần nào có thể làm được”.
Có người cho rằng nếu còn chế độ Cộng sản, thì chẳng thi ca nào làm được những công việc ấy. Chắc chắn là như vậy. Bởi vì, sự thực đã chứng minh. Mấy chục năm qua, đất nước càng ngày càng sa sút về đủ mọi phương diện, thiếu điều muốn bị đế quốc phương Bắc đô hộ. Và với chủ trương văn học phục vụ chính trị theo những mục tiêu của chế độ thì đoạn văn trên chỉ là không tưởng mà còn vô lý nữa.
Có những sự thực bị nhìn ngắm sai lạc. Lời nói đầu của cuốn sách viết “Tuy là một bộ phận riêng biệt, nhưng thơ hải ngoại không hoàn toàn độc lập với thơ trong nước, một nền thơ song song với nó về mặt giả định lý thuyết, vẫn là dòng chủ lưu, có quan hệ trực tiếp hơn với quê hương. Tuy nhiên do những hoàn cảnh chính trị đặc biệt khi nhiều tiếng nói tự do còn bị bóp nghẹt ở trong nước, thơ hải ngoại cũng trở thành diễn đàn của tiếng nói ấy.”
Câu cú lòng thòng khiến người đọc phải suy nghĩ mãi về những mệnh đề tối tăm! Hai dòng thơ ở trong nước và hải ngoại là hai dòng thơ song song về mặt “giả định lý thuyết”? Hơi lạ tai lạ chữ! Rồi thơ hải ngoại là một bộ phận riêng biệt nhưng không hoàn toàn độc lập với thơ trong nước?
Kỳ cục, thơ Việt hải ngoại là một bộ phận sao? Của cái gì? Hay là bộ phận của Ðảng theo những nghị quyết? Rồi thơ trong nước là chủ lưu thơ Việt hải ngoại là phụ lưu bởi vì có quan hệ trực tiếp với quê hương? Quan hệ trực tiếp với quê hương có phải là hoàn cảnh chính trị tệ hại ở trong nước không? Tại sao dòng thơ Việt là phụ lưu mà lại có sự kiện dòng chủ lưu ngược dòng chảy vào như “Tuy nhiên do những hoàn cảnh chính trị đặc biệt, khi nhiều tiếng nói tự do còn bị bóp nghẹt ở trong nước, thơ hải ngoại cũng trở thành diễn đàn của những tiếng nói ấy”. Quan hệ trực tiếp với quê hương có khi nào là “tiếng nói tự do bị bóp nghẹt” không?
Trong thông báo và thư mời của buổi ra mắt sách “40 năm thơ Việt hải ngoại có đoạn giới thiệu sau một danh sách những người làm thơ gồm 53 người:
“ Một tác phẩm tập họp tương đối đầy đủ các khuôn mặt thơ Việt hải ngoại trong 40 năm qua. Ðây là kết quả của sự hợp tác đẹp đẽ hiếm có giữa những người viết trong nước và những người viết hải ngoại vượt qua các rào cản về địa lý và lịch sử.”
Thế nhưng, kết qủa của sự hợp tác đẹp đẽ hiếm có vượt qua các rào cản về địa lý và lịch sử ra sao, chúng ta hãy đọc “Nghĩ rời về tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại” của Nguyễn Ðức Mù Sương:
“Tôi đọc tuyển tập thơ “40 năm thơ Việt hải ngoại” từ khi còn đăng từng phần trên Da Màu, Văn Việt với sự háo hức chờ đợi có hơi một chút ngạc nhiên vì nghĩ rằng những người chủ biên Nguyễn Ðức Tùng, Hoàng Hưng, Ý Nhi không phải là những tác giả trước 1975 của văn học thời Việt Nam Cộng Hòa sẽ rất khó kêu gọi các nhà thơ hải ngoại từng chiến đấu trong hàng ngũ những người chiến sĩ Cộng Hòa chống Cộng cộng tác và cũng rất lo cái tiêu đề tuyển tập hơi lớn không biết các tác giả có đủ dũng lực sàng lọc tuyển chọn các tác giả các lứa tuổi có tài thơ tiêu biểu đại diện cho một dòng văn học của người Việt ngoài đất nước hay không? Tôi linh cảm có một sự bất hợp tác của một số nhà thơ và như vậy trong tuyển sẽ thiếu những nhà thơ mà tên tuổi của họ xứng đáng có mặt trong tuyển tập hơn một ai khác. Những linh cảm ấy hôm nay đã thành sự thật khi tôi đọc tuyển tập, một số nhận định của anh Phan Nhiên Hạo trên facebook, email của anh Trần Kiêm Ðoàn và nhất là “lá thư chủ biên tháng 7/2017” của chị Lê Thị Huệ trên Gío-O. Tôi đã đem những điều ấy trao đổi với anh Nguyễn Ðức Tùng và anh trả lời tựu trung gồm 2 ý: một số nhà thơ danh tiếng ban chủ biên đã mời nhưng họ không hợp tác và một số nhà thơ tài hoa đã khuất không thể thiếu mặt họ trong tuyển song vấn đề liên lạc với những người thừa kế bản quyền tác phẩm có nhiều khúc mắc”
Như vậy, sự hợp tác đẹp đẽ hiếm có giữa những người viết trong nước và những người viết hải ngoại vượt qua các rào cản về lịch sử và địa lý theo như Nguyễn Ðức Tùng khoa trương ở trên có chính xác không? Hay chỉ là một cách quảng cáo thương mại rẻ tiền?
Trên trang Văn Việt, còn có đoạn văn viết về cuốn sách này:
“Rõ ràng là còn lâu và thực sự rất khó có thể có một tuyển tập tiêu biểu và đầy đủ của Thơ Việt hải ngoại nên chúng tôi chỉ mạnh dạn đề nghị ở đây một số nhà thơ được nhiều người nhắc đến như chúng tôi được biết mà chúng tôi có khả năng nhận diện”
Mạnh dạn đề nghị thôi chứ không phải tuyển hay chọn có phải? Sao đánh trống khua chiêng với cái nhãn hiệu “40 năm thơ Việt hải ngoại” cho một cuốn sách tuyển chọn và sàng lọc ? Cái “mạnh dạn đề nghị” với cái “dũng lực sàng lọc và lựa chọn” có giống nhau không?
Danh sách 53 nhà thơ mà Nguyễn Ðức Tùng cho là “tập họp tương đối đầy đủ” cho thơ Việt hải ngoại, lại thiếu vắng rất nhiều những nhà thơ trụ cột của một nền thi ca đặc sắc ở hải ngoại. Chúng ta có thể kể đến những chân dung thi ca lẫy lừng mà tên tuổi họ mặc nhiên thành biểu tượng không những chỉ 40 năm thơ Việt hải ngoại mà còn là biểu trưng cho một thời kỳ thi ca dáng ghi nhớ của dòng thơ Việt Nam, một gia tài đáng quí của văn hóa dân tộc. Những thi sĩ lẫy lừng: Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn, Thanh Nam, Vuơng Ðức Lệ, Nguyễn Tất Nhiên, Minh Ðức Hoài Trinh, Khoa Hữu, Nguyễn Chí Thiện, Mai Trung Tĩnh… không có tên trong danh sách và sự vắng mặt của họ như sự thiếu vắng những cây cột trụ của ngôi nhà thi ca. Nếu không có kèo cột chính yếu như thế, ngôi nhà thi ca sẽ trở thành “lều thơ” nghèo nàn trống vắng.
Có một sự cố ý khi lời nói đầu viết “Có thể nhận thấy tuyển tập chưa thể bao gồm các nhà thơ quá cố” Tại sao chưa thể? Lúc nào thì có thể? lúc chế độ Cộng sản sụp đổ chăng? Có phải là giống như mưu đồ “hóa giải” để hòa giải hòa hợp không? Hóa giải có nghĩa là vô hiệu hóa những trở ngại cho mục đích chính trị. Giống như lối viết văn học sử của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bôi xóa đến tận cùng hai mươi năm văn học miền Nam cũng như bôi xóa Tự Lực Văn Ðoàn để chỉ còn có văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa với các lãnh tụ đảng như Hồ Chí Minh, Trường Chinh hay Sóng Hồng, Xuân Thủy, Lê Ðức Thọ thành những nhà thơ kiệt xuất. Nhóm chủ biên “40 năm thơ Việt hải ngoại” lờ đi không nhắc đến những thi sĩ trụ cột ấy để dễ dàng trong mưu toan đánh lộn sòng cho những người làm thơ khác chính kiến bên cạnh nhau trong một mục đích thực hiện việc hóa giải rồi hòa hợp theo đúng chủ trương của chế độ hiện hữu. Nếu nhắc đến những nhà thơ ấy, người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy sự ăn gian và phe đảng trong công việc mà những người chủ biên gọi là “công trình” nghiên cứu thi ca Việt Nam. Nếu nhắc và kể đến những cây đa cây đề thi ca thì làm sao những cây cỏ tầm thường có dịp để ngoi lên. Một điều rõ ràng, trong 53 nhà thơ được kể tên có nhiều nhà thơ đáng được nhắc đến với công trình đáng kể. Nhưng bên cạnh những chân dung thi ca ấy còn có những người “ít làm thơ”, “ít được biết đến “hoặc chưa có công trình thi ca nào đáng kể. Thành ra đó có thể là nguyên nhân để có “mạnh dạn đề nghị ở đây một số nhà thơ được nhiều người nhắc đến như chúng tôi được biết mà chúng tôi có khả năng nhận dịện”. Như vậy, chỉ có thể đề cập đến những người mà Nguyễn Ðức Tùng biết và có khả năng nhận diện thì tên gọi tuyển tập thơ Việt hải ngoại có còn ý nghĩa nào không?
Với những thi sĩ đang lúc sinh thời, dù trong bài viết được gọi là luận văn “Con đường thơ bốn mươi năm” của Nguyễn Ðức Tùng có nhắc đến và trích dẫn thơ nhưng trong danh sách 53 người gọi là tiêu biểu cho thơ hải ngoại lại vắng mặt như một kiểu “tình lờ”. Danh sách thật dài: Trần Hoài Thư, Cao Ðông Khánh, Hà Huyền Chi, Dương Kiền, Trang Châu, Nguyễn Bá Trạc, Trần Dạ Từ, Hoàng Lộc, Nguyễn Ðình Toàn, Ðỗ Quý Toàn, Hà Thúc Sinh, Thái Tú Hạp.
Có điều gì mâu thuẫn giữa bài viết của Nguyễn Ðức Tùng và danh sách 53 nhà thơ được gọi là tiêu biểu? Một công trình nghiên cứu về một đề tài rộng lớn và có không gian thời gian dài tới gần một nửa thế kỷ mà không bao gồm những tác giả cả người chết lẫn người còn sống xứng đáng thì có thể gọi là một công trình hay không? Ðọc những trang sách, người đọc khó có những kết luận từ ý tưởng nhất quán. Làm sao có sự trung thực cũng như chính xác trong cuốn sách này?
Nếu có ai hỏi tôi về cảm giác của mình ra sao khi đọc xong tuyển tập “40 năm thơ Việt hải ngoại” thì tôi sẽ mượn lời của chính Nguyễn Ðức Tùng và Trần Hữu Dũng trong cuốn sách phỏng vấn “Thơ đến từ đâu” nhận xét về cuốn sách nhan đề “Thơ Việt Nam thế kỷ XX-Thơ trữ tình” do Nguyễn Bùi Vợi chủ biên, như một cảm giác của một người khác về “40 năm thơ Việt hải ngoại”.
Nguyễn Ðức Tùng phỏng vấn Trần Hữu Dũng:
“Bên cạnh những bài thơ hay, nổi tiếng, nhiều người biết, xứng đáng, là một tập hợp rất lộn xộn gần như không nói lên được điều gì, gây cho tôi sự thất vọng. Tôi không biết một số vị làm tuyển tập (anthologists) văn học Việt Nam lại có thể tự cho phép mình đi hơi sau lằn mức chung các cây bút sáng tác như vậy. Anh nghĩ gì về các tuyển tập thơ văn kiểu này hiện nay?
Trần Hữu Dũng trả lời:
“Rất tiếc tôi chưa đọc cuốn sách đồ sộ Thơ Việt Nam thế kỷ XX này nên không thể tỏ bày ý kiến riêng. Có điều chớ dại dột mà mua những tuyển tập thơ văn dầy hàng ngàn trang bày bán nhan nhản hiện nay vừa tốn tiền, mất thì giờ đọc tức anh ách muốn hộc máu luôn vì cảm giác thất vọng ê chề, đó là kinh nghiệm đau thương mà bản thân tôi nhiều lần vướng phải ở các quyển này đa phần chỉ là sự tập hợp vô tội vạ cho đầy đủ tên tuổi các nhà thơ, nhà văn mà không có sự tuyển chọn tương xứng các tác phẩm tiêu biểu của chính họ theo chủ đề mà quyển sách nêu lẫn lộn lung tung giữa “hoa” và “rác” khiến người đọc khổ sở chán nản luôn cả văn chương Việt Nam. Hơn nữa, nếu chịu khó lướt qua một số tuyển tập thơ ở thị trường sách ở Sài Gòn bây giờ anh sẽ thấy sự trùng lặp một số bài, số tác giả giống nhau đến ngạc nhiên…”
- Thanh Tịnh và Tôi Đi Học Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc thơ Trần Vấn Lệ Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc Thơ Đường Ta Đi của Nguyễn Lê Minh Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Tưởng niệm Nguyễn Đức Lập Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Nguyễn Ðức Tùng: Từ “Thơ Ðến Từ Ðâu” đến “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại” Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc Thơ Trạch Gầm Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- “Những chuyện rất Việt Nam” của tác giả Đỗ Tiến Đức Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Từ Huỳnh Phan Anh đến Diễm Châu: Văn chương và thời thế Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Từ Huỳnh Phan Anh đến Diễm Châu: Văn chương và thời thế Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Lệ Khánh, Em là gái trời bắt xấu Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |