|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
• Nhìn Cảnh Cũ... • Nhìn em làm bài
• Qua bến đò Châu giang • Tĩnh tâm • VIẾT TỪ KBC 4100
• Chuyện Con Cá Đuối ở Huyện Lấp Vò
• Ta Nghe Chừng Thiếu Một Hơi Quen
• Tóc Trăng • Bến Vắng, Đò Không
• Vườn Trăng • Có Một Chỗ Để Về • Lạc Dấu Chân Xưa
ta về nhìn lại dòng sông
nghe mưa thật nặng nghe lòng thật căm
bên chiều nước gợn ngàn năm
mấy thân bèo lẻ đã tàn độ đông
buồn ta con nước cũng ròng
ngọn cau cũng lả cánh đồng cũng trơ
ta nhìn ta thật ngu ngơ
ta nhìn cảnh cũ tiêu sơ bỗng buồn
ta về nhìn lại sân trường
nắng loang nền quạnh mây vờn cột xiêu
đã tan tiếng thước nhịp đều
đã mù tăm những cánh diều tuổi thơ
ta nhìn ta thật ngu ngơ
ta nhìn cảnh cũ tiêu sơ bỗng buồn
ta về nhìn lại vuông vườn
cành cây lá cỏ lối mòn tịch liêu
chiều rơi chiều lủng lơ chiều
chiều vang vang tiếng đọc Kiều thuở xưa
ta nhìn ta thật ngu ngơ
ta nhìn cảnh cũ tiêu sơ bỗng buồn
ta về nhìn lại đầu non
bông nghiêng cây ngã héo hon một đời
gió khuya chừng đã mòn hơi
một vùng đá tảng đã vơi mấy mùa
thoảng trong tiếng vạc canh khuya
nghe rời rạc tiếng chuông chùa cầu siêu
ta về nhìn cảnh tiêu điều
nhìn ta ta bỗng buồn hiu hắt buồn
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I
Thư Ấn Quán Tái Bản 2007
Em ngồi cặm cụi làm bài
Ta bên cửa sổ nhìn ngày tháng trôi
Em ngoan rồi cũng một thời
Ta bon chen cũng một đời già nua
Ta ngồi thở khói chữ O
Em ngồi cầm viết đắn đo từng giòng
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I
Thư Ấn Quán Tái Bản 2007
Nắng đã lung linh, thuyền đã đầy
Ta làm lữ khách buổi chiều nay
Lang thang mây gợn trên giòng nước
Nước chảy qua thuyền, thuyền giữa mây
Ở bến sông này bao buổi trước
Bao người con gái đã sang sông
Bao nhiêu giọt lệ trên triều nước
Nước đượm phù sa, đượm má hồng
Một chút heo mây, một chút ngày
Một chút chiều tà, một chút mây
Ta nghe trong tiếng chuông chiều nhẹ
Một chút hững hờ rơi xuống vai
Ta đến như chiều trên bến nước
Ta ngồi như khói đậu trên cây
Ta đi như chuyến đò xuôi ngược
Chiều đã tàn. Và khói đã phai
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I
Thư Ấn Quán Tái Bản 2007
Đi tìm hoài một dấu tích xưa
Nghe mỏi mòn từng cơn nắng hạ
Một chiều nào thuyền lướt qua sông
Nhạc vàng bay rập rình sóng vỗ
Buổi mai thức dậy ngồi tĩnh tâm
Ta hỏi hoài có bao nhiêu phiến nhọc nhằn
Trên mấy nhành lá cỏ
Có bao nhiêu vĩnh cửu
Trên những cuộc tình người
Như một quả bóng lên trời
Giọt nắng hồng ủ ê nỗi nhớ
Ta nhìn nguồn hạnh phúc bay cao
Em mù tăm trong từng vùng ký ức
Từ một dốc núi nào
Ta vẽ thân thành đá cuội
Hát cho hết một khúc tình ca
Rồi miệt mài lăn thân xuống vực
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I
Thư Ấn Quán Tái Bản 2007
Thanh gươm cật ngựa lên đồi
Từ đây thầy đã thành người đao cung
Những đêm ứng chiến mịt mùng
Mưa Tăng Nhơn, nhớ nước nguồn Thất Sơn
Một mai trả súng lại đời
Ta về ngủ thiếp bên người tình chung
Bên ta con ngủ an lành
Bên ta vợ bỗng trở mình, gọi: Anh
Mầy còn ở đó không Sơn?
Mả mồ mầy chắc cỏ non úa vàng
Tao ngồi đây giữa chiều tàn
Nhìn quanh quanh thấy hàng hàng mộ bia
Con đường còn xanh lá me?
Em còn kẹp tóc? còn che dù điều?
Trời còn làm gió hắt hiu
Ta còn ngồi nhớ thật nhiều dáng em
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I
Thư Ấn Quán Tái Bản 2007
Về phương Nam
Ta về phương Nam
Vượt biển Đông trùng trùng sóng dữ
Nào, tất cả hãy cùng ta tống tửu
Phương Nam hề
Ta về phương Nam
Ta cả đời bể ngạn dung thân
Hơn nửa kiếp vào ra xó bếp
Biển cả thì mênh mông mà chí ta thì hẹp
Nên tủi phận mình giá áo túi cơm
Chén rượu đầu từ biệt vợ con
Chén thứ hai chia tay bè bạn
Nào, tất cả, hãy cùng ta uống cạn
Trăm phần trăm, xả láng, trăm phần trăm
Về phương Nam
Ta về phương Nam
Chẳng ôm mộng Kinh Kha thích khách Tần Hoàng
Cũng chẳng phải trượng phu trượng phen gì ráo trọi
Ta chỉ là kẻ hèn mọn muôn năm
Nhưng ta về phương Nam
Làm thằng mõ phương Nam
Theo biển mặn về nơi bãi thấp
Theo sóng dữ mang về tin dữ
Về phương Nam
Ta báo bão phương Nam
Phương Nam hề, phương Nam
Đất màu mỡ rờn xanh ngọn lúa
Phù sa ngọt rồng bay chín cửa
Đã ngàn năm vun đắp một cơ đồ
Ta thật hài lòng làm kẻ thất cơ
Người cứ lưới ta đi để thấy ta là giặc
Để thấy nước mặn từ đầu nguồn bể Bắc
Đã về đây xâm lấn một cơ đồ
Người ngư phủ đồng bằng quần vải áo thô
Người có thấy người đang vào trận chiến
Sông rạch miền Nam phải đâu là biển
Hà cớ chi nước mặn tràn bờ
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Vang trên sóng lời xưa truyền hịch
Nay nước mặn tràn vào kinh rạch
Đâu khác gì giặc dữ năm xưa
Ta thật hài lòng để làm kẻ thất cơ
Thất cơ, hề, thất cơ !
Lỡ vận, hề, lần này ta không lỡ vận.
Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, VI (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nên mỗi ngày qua
thêm một nỗi buồn riêng
thêm một chút ngậm ngùi cố thổ
ở ở, đi đi ta làm khách trọ
sớm nắng chiều mưa bóng nhỏ bên đường
Để mỗi đêm dài điểm cỏ cầu sương
ta mơ làm người Lý Bạch
đê đầu tư cố hương
thấy hồn mình lượn lờ nơi viễn phố
Thấy mẹ lưng còng
trên sân rêu phủ
mắt lệ nhòa từ buổi con đi
ngày ngóng đêm trông từng cánh chim về
nghe sao nặng tháng ngày đứt ruột
Thấy cha một mình
trên dòng kinh nước đục
đêm ba mươi một chiếc xuồng câu
tiếng độc huyền cầm chảy suốt đêm thâu
(cha muốn gởi gì trong hơi đồng sũng nước?)
Thấy mái chùa cong
thấy ngôi trường buổi trước
ta nhìn ta một thuở rong chơi
ta nhìn em tóc bím, môi cười
trao ánh mắt cho ta
mà con tim giữ lại
Và cứ giữ nghe em
những ngày xưa ấy
Giữ giùm ta một góc trời quê
để hồn ta còn có chỗ trở về
khi đất lạ ta mồ xanh cỏ.
Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, VI (Ngô Nguyên Nghiễm)
Em về tóc nhuộm màu trăng
Tôi mòn con mắt giữa hằng hà sao
Áo hoa hay má em đào
Nghe trong sắc lụa có hào quang em
Ngọt câu tình tự lời chim
Hay lời tôi nghẹn giữa im lặng chờ
Bước em. Bước khẽ. Bước hờ
Em mông lung để vật vờ bước tôi
Cuối đường tóc chảy trăng trôi
Em vào. Cửa khép. Tôi chơi vơi ngoài
Trăng về ngủ muộn trong mây
Tóc em ngủ muộn trên ngày tháng tôi
Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, VI (Ngô Nguyên Nghiễm)
Tráng sĩ qua sông
Sầu hong bờm ngựa
Nước chảy một dòng
vàng phai áo lụa
Tịnh nữ bên song
tiễn người bằng mắt
Giọt nắng bỗng tàn
Đìu hiu bỗng rớt
Buồn bỗng mênh mang
Mắt sầu bỗng ướt
Tráng sĩ buông cương
Nghe lòng sũng nước
Đọng một nét mày
dài theo bốn vó
Níu một chút ngày
dài thêm nỗi nhớ
Tịnh nữ sang sông
Gót hồng bỏ lại
Bến vắng, đò không
Người đi, đi mãi
Sông vẫn một dòng
Sông vẫn một dòng
Bến vắng, đò không
Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, VI (Ngô Nguyên Nghiễm)
Em vô tình
thả rớt một dòng trăng
để cánh bướm vườn khuya mất ngủ
luống cải tàn đông
cũng ngậm trăng mà xôn xao kết nụ
tôi cũng nghe mình đẩy ứ một vườn trăng
trăng chảy ngọt ngào
trăng chảy mênh mông
đôi chim sẻ bên hàng hiên chợt thức
chợt chấp chới môi tìm môi ướt
trăng đậm như tình
trăng mộng như thơ
một cánh cửa hồn tôi bỗng hé, đâu ngờ
để em dạo gót hồng thư thả
Em là hương, là trăng
là sóng vàng rộn rã
chảy hiền từ
qua từng ngõ ngách tôi
tôi ngủ hiền từ
giữa nhánh trăng trôi
giữa một vườn em
vườn trăng tình tự
có một lúc, hình như, bỗng nở
mấy nụ thơ tình ngập ánh trăng chơi
Em, một vườn trăng
Vàng một vườn tôi
Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, VI (Ngô Nguyên Nghiễm)
Đường sá của người
đâu phải của ta
sao ta cứ miệt mài đi, về năm tháng
dù đông lạnh căm
dù hè cháy nắng
ta ngựa già nối những dặm xa
Gió ở đây cũng là gió của người ta
đâu phải gió đồng bằng
đâu phải mưa châu thổ
nước mặn Đại Tây Dương
đâu bằng nước ngọt phù sa quạch đỏ.
Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, VI (Ngô Nguyên Nghiễm)
Khi người về dẫm dấu chân xưa
Có nghe tiếng đìu hiu rất lạ
Lau lách cũ bên dòng kinh ngọn lã
Chừng như quen, như lạ người về
Vẫn ngàn năm con cuốc gọi hè
Tiếng bìm bịp nghe buồn con nước lớn
Người dẫu thấy lời chim đoài đoạn
Cũng không ngờ người đoài đoạn hơn chim
Con trăng nào vẫn đậu mái tây hiên
Khăn lụa tím còn phơi bờ giậu
Đã thật xa một mùa trăng cũ
Sao trên khăn còn giọt vắn giọt dài?
Bếp thẩn thờ nhả khói chiều nay
Hồn thục nữ chìm sâu bến đợi
Tình buổi ấy cũng buồn như khói
Nên thành mây lạc bến xa bờ.
Nên người về mất dấu chân xưa
Chim vườn cũ nghe chừng cũng lạc
Thì đừng trách lầu không Hoàng Hạc
Chỉ còn nghe lá rụng hiên ngoài
Mõn một đời đá nát vàng phai
Tàn một cánh hường nhan phận bạc
Nên nửa mảnh trăng thề đã khác
Đã phôi pha tự buổi xuân tàn
Đã phôi pha tự buổi Xuân tàn
Theo chân người dẫm dấu trăng tan
Theo con nước lìa xa bến đợi
Ôi tình buồn. Buồn như sợi khói!
Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, VI (Ngô Nguyên Nghiễm)
- Hoàng Yên Trang / Trần Như Liên Phượng Nguyễn Cát Đông Hồi ức
- Trang Thơ Nguyễn Cát Đông Nguyễn Cát Đông Thơ
• "Quẩn Quanh Chuyện Đời" Tập Truyện Của Trần Bang Thạch (Nguyên Nhung)
• Nguyễn Cát Đông, vẫn ngàn năm con quốc gọi hè (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Góc Quê Của Ngoại (Trần Bang Thạch)
• Hoàng Yên Trang / Trần Như Liên Phượng
(Nguyễn Cát Đông)
• Trang Thơ Nguyễn Cát Đông (Nguyễn Cát Đông)
• Bông Hồng Đỏ, Bông Hồng Trắng (Trần Bang Thạch)
• Loanh Quanh Chuyện Tết Nhứt (Trần Bang Thạch)
- Viết chung: Trần Hoài Thư, Trần Bang Thạch, ...
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |