1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Mạc Phương Đình: Thi Tập "Ru Người Ru Đời" (Hồ Trường An) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      26-3-2018 | VĂN HỌC

      Mạc Phương Đình: Thi Tập "Ru Người Ru Đời"

        HỒ TRƯỜNG AN
      Share File.php Share File
          

       


         Nhà thơ Mạc Phương Đình

      Đây là tập thơ thứ ba của nhà thơ Mạc Phương Đình sau hai tập thơ Lời ru của mẹ, Những dòng kỷ niệm. Ba thi tâp đều do Yêu Thương xuất bản. Cách trình bày bìa sách và ruột sách thật đẹp. Bìa màu lục nõn, hình màu hoa dã tưởng (không biết là hoa gì) màu cam lan ra chót đuôi màu hoàng cúc trên nền lục đậm lan vào trong màu tím tươi và màu mạ non. Chữ ru người màu trắng, chữ ru đời màu hoàng yến. Những trang trong của thi tập màu khói lam chập chờn dáng khói hình sương màu bạch phấn. Đó là công trình của họa sĩ Huỳnh Ngọc Điệp.


      Đã có lời khuyên của thi sĩ Gérard de Nerval: Hãy gieo cánh hồng / Trên bước thời gian hoặc một câu thơ của nữ sĩ Natalie Cliford Barney: Trái tim không bao giờ trống rổng / Bóng hình nọ tắt đi / Sẽ thay vào một hình bóng khác. Nhưng nhà thơ Mạc Phương Đình của chúng ta vẫn buồn khổ dài lâu. Xin cùng đọc bài Thì thầm:

      em đi con bướm buồn ngơ ngác

      dáng đứng sầu xưa nhánh liễu gầy

      xa dáng mầu trời đang ngã xuống

      cỏ non mềm mại khép đôi tay

      ngõ thơ từng nhánh trôi thành lệ

      còn chút niềm riêng cay mắt cay

      dõi bóng thời gian chìm lặng lẽ

      dấu xưa người khép tự phương này.

      (trang 45)

      Bài thơ nào có những câu rõ nghĩa quá thì khó làm cho chúng ta không còn thú vị gì nữa. Cách đây một phần ba thế kỷ Xuân Diệu đã làm những câu:


      Lá hồng rơi lặng ngõ thuông,

      Sương trinh rơi kính từ nguồn yêu thương

      Phất phơ hồn của bông hường

      Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng.


      Nhà thơ luôn luôn phải tìm cho thơ một vài chỗ ẩn núp để người đọc tưởng tượng thêm một thế giới kỳ thú riêng, Thơ mà chữ nghĩa rõ ràng bộc tuệch tức là chữ đâu nghĩa đó chỉ tổ làm cụt hứng khách sành điệu. Thơ của Mạc Phương Đình làm bút giả HTA cảm nhận cái thú vị cái chữ nghĩa bóng bẩy và tình ý mờ mờ ảo ảo. Nhờ vậy cái tưởng tượng của bút giả thêm phong phú và tràn ngập những màu sắc lộng lẫy.


      Chúng ta thử đọc thêm bài thơ Dấu tường vi để gặp đường lối sáng tác độc đáo của Mạc tiên sinh :

      hạ hồng còn đậu trên cây

      nghe như thu đã heo may về nhiều

      gói từng nỗi nhớ buồn thiu

      tưởng còn in lại dáng kiều ngõ xưa

      ngẩn ngơ lá cũng sang mùa

      theo tường vi phía bên chùa nở hoa

      em từ mất dấu thu qua

      để vành trăng khuyết trong ta vỡ rồi

      chuông thu rụng tiếng bồi hồi

      đêm tường vi cũng rã rời bay theo.

      (trang 202)

      Những nhạc sĩ như Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Công Sơn đều đặt lời cho nhạc phẩm của họ mờ mờ tỏ tỏ rất đẹp, rất thơ. Ai có thể ngờ Trúc Phương sáng tác nhạc phổ thông cho dân chúng tầng lớp bình dân mà đặt lời rất kiêu sa có khi thấm nhuần những sinh quan rất trí thức. Tôi lấy làm lạ các nhà thơ hải ngoại rất nhiều nhưng lời thơ đẹp không có mấy ai. Đọc thơ của Mạc Phương Đình tôi mới gặp một nhà thơ đáng lý phải đăng trên những tạp san văn chương nổi tiếng như Văn Nghệ, Hợp Lưu, Văn, Làng Văn, Thế Kỷ 21 mới xứng đáng.


      Nào, chúng ta làm cuộc viếng thăm trong thế giới Ru người ru đời để tìm nguồn sáng tạo của Mạc Phương Đình qua bài Gõ cửa:

      heo hút dấu trên vuông trời chữ nghĩa

      ta tìm em, mưa biển vắng xa xăm

      đêm thức ngủ giật mình như bóng vía

      lời gọi em khan cổ một vầng trăng


      chút hoài nghi có vùi trong gió tuyết

      em xa xôi còn giữ chút hương nồng

      sao vội rớt những dòng thơ ly biệt

      cho nỗi buồn trải xuống cõi mênh mông

      (trang 20)

      Và đây là bài Lời dặn dò:

      thôi nhé đừng buồn trăng đã rụng

      sương mưa phủ kín lối em về

      còn đâu hoa tím vây đường nhỏ

      một thoáng bàn tay bỗng tái tê


      thôi nhé đừng buồn chim đã bay

      cuối trời đông lạnh chút heo may

      dửng dưng mưa nắng ngoài hiên lạ

      còn nợ ngày xưa một nét mày

      (trang 148)

      Cái độc đáo trong thơ Lời dặn dò của Mạc Phương Đình là những câu tầm thường nhưng khi chui vào thơ vẫn là câu rất thơ. Chúng được tác giả sấp xếp cách nào để tình ý đan vào nhau rạng ngời óc sáng tạo. Miền Trung của đất nước chúng ta, từ Quảng Trị trở vào, sau năm 1955 có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng như Tường Linh, Hà Nguyên Thạch, Thành Tôn. Luân Hoán, Hoàng Lộc Võ Chân Cửu ... Ra hải ngoại lại có Mạc Phương Đình gốc người Quảng Nam. Nhưng trong thi tập Ru người ru đời, tác giả đôi khi nhắc tới thành phố ấy. Riêng bút giả HTA nói tới Quảng Nam là nghĩ tới sông Thu Bồn nước trong vắt, những vườn mít chín, món mì Quảng. Hình ảnh cố hương không được bao nhiêu. Anh có nhiều điều phiền muộn, nhiều ưu tư, nhiều nhớ nhung luyến tiếc trong cuộc sống tha hương.


      Nói chung đa số thi nhân đều làm thơ buồn. Bài thơ Về ngắm lại quê xưa có thể chuyên chở niềm bâng khuâng luyến tiếc khi nhà thơ thăm lại những địa danh trong vùng châu thổ tỉnh Quảng Nam:

      ta về ngắm lại dòng sông cũ

      ơi đất Tam Kỳ yêu dấu ơi

      còn đó bên sông cây liễu gảy

      người xưa đâu nhỉ? vắng lâu rồi

      Kỳ Hưng tháp đỏ phai màu gạch

      Cầu sắt nghiêng soi bóng nước trôi

      Phường Một rực vàng màu hoa cải

      nhà Thờ lặng lẽ đứng mồ côi

      đâu trường Nguyễn Dục thời xa vắng

      mất dấu như em, bốn hướng đời

      Lợi Ký đẩy Thuyền qua bến lạ

      Cơm gà còn nhớ khách ngược xuôi

      chân qua Tịnh độ nhìn hoa sứ

      vọng tiếng chuông khua bước rã rời

      Nam Ngãi ngày nào trang sách mở

      cúi nhìn Cầu Cống sầu khôn nguôi

      cọc đèn xanh đỏ như trơ trẻn

      ngắm dãy xe thồ đứng xả hơi

      tất bật chợ đùn quang gánh nhỏ

      người qua không nhận dấu chân người

      ngả lên Tiên Phước nghe mùa gió

      gửi chút hương nồng mẹt cá tươi

      Chợ Mới trôi về cùng quá khứ

      bâng khâng như kẻ bước qua thời

      rêu phong Khổng Miếu hàng cây rũ

      ga vắng chiều xa mây vẫn trôi

      (các trang 76,77)

      Thuở trước tôi đọc tình yêu quê mến đất trong thơ của Kiên Giang Hà Huy Hà qua thi tập Lúa sạ miền Nam. Nhưng thơ của ông rõ nghĩa, ý tình bộc lộ quá nhiều nên làm cho tôi thiếu suy tư, thiếu tưởng tượng. Nhưng những câu thơ trong bài Về ngắm lại quê xưa ý tình kín đáo, tâm tình không quá lõa lồ. Thơ như thế nầy làm cho mỗi độc giả xây đấp một thế giới tưởng tượng riêng, dù những thế giới của mỗi khác nhau, nhưng chúng có một tình cảm chung: tâm sự người bỏ quê bồi hồi gợi lại những kỷ niệm xa xưa trên từng địa danh trong vùng đất quê hương.


      Chúng ta đã từng cảm kích tâm tình tha hương của nhà thơ Alphonse de Lamartine (1790 1869) qua bài Milly, la terre natale (Milly, mảnh đất quê hương). Bài thơ nầy vẫn là bài tuyệt vời, tâm tình cổi mở thiết tha. Nhưng nó xa cách với nhà thơ chúng ta hơn ba thế kỷ rồi. Có thể chúng ta vẫn làm những bài nhớ đất mến quê, nhưng phải bằng ngôn từ khác, kín đáo hơn, gợi công phu sáng tạo hơn. Điều ấy Mạc Phương Đình đã nắm bắt được, và đã áp dụng trọn vẹn trong thơ của anh. Chúng ta là kẻ đến sau, một mặt phải tô điểm công phu của tiền nhân, nhưng chúng ta đâu thể dừng chân nơi đó. Chúng ta phải ngóng về phía trước, sáng tạo mới hơn. Giữ cái cũ tức là bị chôn vào những lớp mới, càng lúc càng thụt lùi. Tinh thần sáng tạo càng lúc càng mai một đi.


      Niềm nhớ quê nhà được thể hiện qua bài Hẹn về thăm. Ở đây tác giả không ghi từng địa danh nơi cố quán. Anh hẹn về thăm suốt bốn mùa. Đề tài trong thơ anh giản dị. Nhưng chúng ta cũng thừa biết chọn đề tài không quan trọng bằng diễn tả đề tài. Đề tài nhớ quê đâu có sâu xa gì cho cam. Vậy mà Mạc Phương Đình biến niềm rung cảm đặc thù của anh qua những câu thơ chân thành, qua những chất liệu khơi ngọn trào lòng cho những ai có cùng tâm sự với anh. Xin cùng đọc bài Hẹn về thăm:

      những sáng mùa Xuân hoa nở rộ

      đàn chim nào hót ở bên hè

      tung tăng áo mới về thăm Ngoại

      nhà cổ hai gian, cây phủ che

      mùa Hạ hương sen lan ngào ngạt

      trưa nồng vườn rộn tiếng ve ve

      sân Thu vàng rực màu hoa cúc

      tháng tám đèn trăng sáng bốn bề

      lớp học thơm từng trang sách mới

      chưa Đông mưa gió đã lê thê

      thôn nghèo lo bão về đâu đó

      cây cỏ buồn hiu cảnh não nề…


      nhớ đủ bốn mùa, bao kỷ niệm

      bâng khuâng hẹn mãi vẫn chưa về.

      (trang 55)

      Và đây là bài Một lần trở lại. Ngôn ngữ thơ được lột xác trở nên quyến rũ bội phần. Thi sĩ họ Mạc đâu cần đưa thơ vào âm điệu du dương để làm phù thủy âm thanh hay làm nhà ảo thuật của tiết điệu. Thơ vẫn phì nhiêu cảm xúc thân thương cho độc giả yêu thơ.

      rồi một ngày âm thầm ta trở lại

      nhìn qua sông cây lá vẫn còn xanh

      dòng nước cạn bầy cá ròng bơi lội

      nghe rong rêu sương gió chợt vô tình


      trên bến cũ trăng nghiêng vàng mệt mỏi

      thuyền ai qua chở gió một khoang đầy

      con sông nhỏ chừng long lanh giọt lệ

      của một thời đau đớn những chia tay


      xin đừng hiểu cho lần ta trở lại

      tìm riêng tư yêu dấu bóng trời quê

      ngày tháng vẫn trôi qua vòng nhật nguyệt

      bao tang thươngcho mượn lối đi về


      lời cầu nguyện xin chia cùng cố xứ

      điệu ru em xao xuyến những ân tình

      câu ân ái trên môi cha mắt mẹ

      là cội nguồn dòng sử Việt ngàn năm


      cho một lần cùng nhau ta trở lại

      ấm tình sâu nghĩa nặng với quê hương

      trong ánh mắt ngọt ngào đêm hội ngộ

      bàn chân xưa tìm được dấu thiên đường.

      (các trang 122, 123)

      Theo thiển ý của bút giả khi tình yêu chui vào bài văn và hay câu thơ bằng ngôn từ diễm lệ, bằng ý tưởng bao la hoành tráng thì độc giả cảm thấy tâm tình của mình chưa được vỗ về. Thơ phải chân thành. Nhưng thơ văn rõ ràng quá, quen thuộc quá thì làm cho tinh thần sáng tạo của chúng ta bị thui chột đi. Nhà thơ Mạc Phương Đình của chúng ta ở bài Hẹn về thăm dùng ngôn từ đơn giản phản ảnh tâm tình rất trung thật. Nhưng ở bài Mùa đông xa anh dùng lời bóng bẩy nhưng đâu kém chân thành. Đây này:

      hãy thức dậy, mang mùa đông xuống phố

      chia cho người bớt chút lạnh đi em

      sầu viễn xứ như từng bông tuyết trắng

      nhuộm tóc nhau trong lặng lẽ im lìm

      gió phương bắc từng cơn tê nỗi nhớ

      đèn quê xưa hiu quạnh rọi qua tim

      dòng nước mắt như hòa trong máu thịt

      dấu thương đau trăn trở buốt từng đêm

      nắng trốn biệt ngàn ngày không trở lại

      chân trời xa một màu xám êm đềm

      sợi tóc bạc muộn phiền trên gối nhỏ

      bàn chân đau hạt cát chẳng thân quen

      mấy chiếc lá vàng nghiêng bên cửa sổ

      màu phố xưa sầu rụng chuỗi hoa đèn

      đêm mộng mị chập chùng câu hẹn cũ

      kẻ đi về lối xóm nhắc cùng tên

      còng lưng gánh mùa đông chôn kỷ niệm

      nhưng quê hương xa lắc dễ gì quên.

      (các trang 52, 53)

      *


      Những bài nhớ thương bà mẹ vẫn là thơ với chủ đề quen thuộc, nhưng thi sĩ Mạc Phương Đình áp dụng ngôn ngữ canh tân mới làm tăng thêm nguồn cảm xúc cho người đọc. Trước đây, anh viết nhiều bài thơ tặng mẹ trong thi tập đầu tay Lời ru của mẹ, lời thơ thật dồi dào xúc động. Trong Ru người ru đời chỉ có đâu đó một vài bài gửi về mẹ, ý thơ đâu kém phần tha thiết. Xin xem bài Vô tư không chỉ nói về từ mẫu mà còn trải ý tình lên nghiêm phụ của tác giả. Xin cùng đọc:

      đêm sóng sánh rớt buồn câu lục bát

      từng nỗi sầu đóng mở khúc ca dao

      lời ru mẹ còn ấm lòng thơm ngát

      gội yêu thương qua giai điệu ngọt ngào


      như bắt gặp trong hồi môn của mẹ

      bóng roi mây một thưở của lời cha

      dấu đạo đức còn hằn in tuổi trẻ

      hướng đời lên cho suốt chặng đường xa

      (trang 161)

      Mạc Phương Đình không bao giờ chọn những đề tài hiểm hóc. Anh chọn những đề tài đơn giản và gần gũi và thân thương cho chúng ta. Nhưng câu thơ của anh rất đẹp, rất ngời sáng tinh thần sáng tạo. Đề tài về cha mẹ của anh không đòi hỏi một công phu về chữ nghĩa (tức là chữ nghĩa diêm dúa kiêu sa). Ngôn từ trong thơ anh chải chuốt rất tự nhiên. Chẳng hạn như bài Bụi thời gian:

      câu ca dao từ ngày xưa mẹ hát

      dấu bờ tre con bìm bịp kêu chiều

      lạch nước chảy qua mấy bờ ruộng cạn

      như mùa hè trông nồm thổi thổi hiu hiu

      cay con mắt giấc trưa nồng chưa đã

      chú dế mèn ngơ ngác giọng buồn thiu

      có một sớm bên kia sông bỏ chợ

      súng đạn về theo nước mắt khăn tang

      câu hát mẹ cũng đầm đìa cổ tích

      căn nhà quen trùm lên dấu điêu tàn

      mảnh áo rách gói khoai chà lưu lạc

      con đò già cũng mất lối sang ngang

      cha gánh gạo rừng đêm nghe muỗi hát

      lời ru xưa đau tuổi đá trên ngàn

      bên bếp lửa còn nồi rau bát cháo

      nỗi quê hương cay đắng lật từng trang

      (các trang 164, 165)

      Có độc giả lại nghĩ khác: Ngôn từ trong thơ được chăm sóc nên rất dồi dào thẩm mỹ, rất điễm trang hoa lệ. Nhưng tác giả chỉ nói về đạo đức của gia đinh, anh không đào sâu tình phụ tử lẫn tình mẫu tử. Nhưng qua bài Cúng mẹ, ngôn từ đơn giản hơn. Tình mẫu tử nhờ đó mà gây xúc động cho độc giả. Tình con đối với mẹ rất thiêng liêng, chữ nghĩa trong thơ phải chân thành đơn giản để tránh rổng sáo, để tránh chữ tuy nhiều nhưng nghĩa rất ít, hoặc chữ kêu lảnh lót mà nghĩa lại im câm. Xin cùng thưởng thức:

      ngày mẹ mất, vẫn còn trong túi áo

      mấy chục đồng con cho mẹ hôm xưa

      món tiền nhỏ, từ công con làm chổi

      hết cau trầu mà mẹ chẳng kịp mua


      con biết mẹ phải nhịn trầu mấy bữa

      sau khi ăn, nghe tiếng mẹ thở dài

      chiếc ống ngoáy nằm trên bàn lặng lẽ

      mẹ không tiền mà chẳng dám hỏi ai


      đi tù về, gia đình càng khó nhọc

      con xin làm chổi đót sống qua ngày

      hàng đã nộp mà tiền công chưa nhận

      gạo sẵn nhờ hàng xóm giúp cho vay


      lát sắn sượng cõng hạt cơm nhẹ quá

      không còn răng đành mấy hạt cơm thôi

      bụng mẹ đói nhưng cau trầu ấm miệng

      bảy mươi năm đậm nhạt cũng quen rồi


      nơi quê người mỗi lần con cúng mẹ

      trên mâm cơm luôn có đĩa cau trầu

      nhìn vôi trắng con nhớ vầng tóc bạc

      mất mẹ hiền đời dồn dập thương đau.

      (các trang 13O, 131)

      *


      Bây giờ xin nói về nhân sinh quan trong thi tập Ru người ru đời. Nhân sinh quan chỉ nhắm vào ý tưởng của con người. Còn tư tưởng thì nhắm vào cái sâu xa của triết học và tôn giáo. Văn chương tư tưởng trong số nhà văn ở quốc nội và ở hải ngoại của chúng ta quá ít oi. Xin kể : Vũ Khắc Khoan trong cuốn tập truyện Thần tháp rùa và vở kịch Thành-cát-tư-hản, Nghiêm Xuân Hồng trong Trang tôn kinh huyền hoặc, Thân Thị Ngọc Quế trong thi tập Đường lên đỉnh biếc, Giọt nước cành sen, Như Chi trong thi tập Thơ Hiền (tên cô là Lê Thị Hiền). Trong hai tác phẩm tập truyện và vở kịch, Vũ Khắc Khoan nói về lẽ sống chết, về tham vọng của con người có quyền lực qua những suy niệm bi quan yếm thế. Qua Trang tôn kinh huyền hoặc, Nghiêm Xuân Hồng nói về sự thành lập cõi tam thiên đại thiên quốc độ. Còn Thân thị Ngọc Quế và Như Chi đem Phật pháp vào thi ca.


      Còn thi tập nói Ru người ru đời có nhiều bài hiển lộ những nhân sinh quan như bài Trăn trở:

      tóc nhuộm trắng nhưng hồn còn xanh ngát

      tuổi xuân ơi ngày tháng trốn về đâu

      nghĩa sông núi gởi bên trời lưu lạc

      ai mơ chi khanh tướng với công hầu


      vàng đôi mắt đợi chốn tình mòn mỏi

      nhìn én về đan dệt những mùa xuân

      như dòng chảy ập xuống đầy dấu hỏi

      tưởng bọt bèo không đắm nổi gian truân


      trên bước lỡ nửa đời cùng gió bão.

      người về đâu quay quắt lối hẹn hò

      con sóng lớn nhấn chìm bao mộng ảo

      gót khua buồn qua những nẻo quanh co


      như con sáo biếng lười không tiếng hót

      mộng nghìn đêm trả hết thuở xuân thì

      người có phải là muôn lời mật ngọt

      dành riêng mình một ngõ dấu chân đi


      vẫn còn đó những mắt chờ vô vọng-

      nắng và mưa mang nặng dấu luân hồi

      ngày đã lụn che khung trời lạnh cóng

      chút hương nào đậm nhạt chốn xa xôi.

      (các trang 34, 35)

      Bài thơ nầy có ngôn ngữ úp mở… rất thơ, rất giàu sang ý tình. Chúng ta dù không hiểu thấu các điều tác giả nói. Nhưng chúng ta biết bài thơ đến mọi lớp người bằng một thế giới riêng, một tình cảm riêng để tuôn tràn cảm xúc. Chúng ta đều biết tác giả không hạnh phúc . Cuộc đời của anh không đáp ứng với nguyện vọng của anh. Mộng lớn mộng nhỏ của anh bị thực tế phũ phàng vùi lấp. Đây là một bài bi ca (poème saturnien) Trớ trêu thay khi mình không đối diện với chính mình để mình rõ con đường nào mình phải đi, để thấy viễn ảnh và tương lai mình ra sao, để mình tìm chút hy vọng. Mình thấy cô đơn lạc lỏng. Bài thơ Giấu niềm riêng có những đoạn cho chúng ta thấy nỗi niềm bi quan của thi sĩ:

      trên sóng đời đôi tay chèo mỏi mệt

      ta phù du theo tiếng gọi đăng trình

      mỗi chặng đường ngỡ ngàng khi ngó lại

      vết chân buồn rơi rụng kiếp nhân sinh


      cùng bằng hữu một tấm lòng rực rỡ

      đâu tiếc chi giọt máu ngọt phù sa

      mơ tuổi trẻ cùng phơi lòng trinh bạch

      vì non sông ru niệm khúc quê nhà.

      (trang 158)

      Tôi mang máng nhớ thi sĩ Khalil Gibran có khuyên các nhà thơ: Hãy dùng cây bút ánh sáng / dùng tấm lòng ánh sáng/ để viết bày thơ ánh sáng. Nhưng phần đông chúng ta thường nghĩ rằng các nhà thơ của chúng ta đều làm thơ buồn, thơ không buồn thì người sáng tác chưa phải là thi sĩ. Có phải đương sự quá vội vàng suy tư như thế chăng. Thi tập Ru người ru đời hầu như không có bài vui nào. Xin cùng đọc bài thơ Ta và sóng:

      ngày tĩnh lặng bóng thời gian rụng xuống

      người bỏ đi mây nước cũng vô tâm

      nào khắc khoải lạnh lùng dẫu muộn

      có còn chăng mùi hương cũ âm thầm


      buông nỗi nhớ lạc loài trong gió

      để bềnh bồng mất dấu lối mòn xưa

      chút hương cũ dành cho người ở đó

      kẻ bên trời hiu hắt ánh trăng thưa


      vẫn tiếng gọi vọng về từ biển

      sóng biển mênh mông con sóng về đâu

      vẫn tiếng gọi rơi chìm vô vọng

      biển cùng ta thinh lặng cúi đầu.

      *


      Sau hết, những bài thơ tình trong thi tập Ru người ru đời. Chưa chắc người yêu của thi sĩ là giai nhân tố nữ hay là kiều nga mỹ nhân. Chúng ta chỉ biết cô ta đã nhóm trong tim thi sĩ ngọn lửa tình sáng rực. Nhưng cô ta vì cớ nầy hay cớ khác chia biệt cùng chàng để chàng nhỏ lệ trong thơ. Xin cùng đọc bài thơ Mộng ảo:

      chim vỗ cánh mang đầy bao nỗi nhớ

      bóng mây xa theo gió gọi mây ngàn

      em ở đó sao chừng xa vời vợi

      những dòng thơ lay lắt bóng trăng tan

      thuyền đợi sóng vỗ về âm điệu cũ

      dấu chân xưa in lối ngõ hoa vàng

      đêm trăn trở ru từng cơn mộng ảo

      chút lạnh nào se sắt gió trường giang

      tìm đáy cốc nỗi buồn tan giọt rượu

      hồn bỗng trôi theo bóng nguyệt mơ màng.

      Mùa có xuân, hạ, thu, đông. Nhưng mùa thu trong văn chương miền Bắc có nước trong trăng sáng, có hoa cúc thịnh phóng trong tiết giao mùa. Nhưng mùa thu bên Trung Hoa thuở xa xưa là mùa hành quyết các tội nhân. Và mùa thu gợi cho Mạc thi nhân một mối sầu chia biệt. Xin cùng đọc Lại chờ thu:

      ta đứng giữa mùa thu chờ đợi

      nắng trên cao lấp lánh theo dòng

      gió reo trên lá nghe vời vợi

      những khúc tình xưa rót thật trong


      thu đi năm ngoái vàng hoa cúc

      nửa gối sầu lên đưa tiển nhau

      em khóc cho hồn ta gỗ mục

      còn chi trao gửi đến em đâu.


      ta nhìn ly rượu hồn thêm đắng

      không uống mà say với ngẩn ngơ

      em bước trong hồn ta chết lặng

      đường xa trước mặt, nổi ơ thờ


      thu đi năm ngoái dường xa lắc

      ta đếm từng trăng chút võ vàng

      trăng cũng bập bềnh soi vằng vặc

      để ngờ chưa khuyết bóng thu sang


      ta đứng chờ thu hay đợi em

      ngày qua bỏ lại chút âm thầm

      thu chưa vàng lá sầu như rụng

      không gió may về vẫn lạnh căm.

      (các trang 116, 117)

      Các bạn độc giả đứng tuổi thích gợi lại mối tình sinh viên hay mối tình học sinh trong bài thơ, trong ca khúc, Mạc Phương Đình đâu có quên thời thơ mộng của các bạn đâu. Đây nầy bài thơ Hình bóng xưa với các trang 118, 119.

      em bước nhỏ ngọt ngào trăng mười sáu

      dấu xuân xanh trong nhịp gót sen hồng

      nơi bờ giậu, hoa cuối mùa nghiêng xuống

      con sáo ngừng giọng hót ở bên sông


      gió âu yếm dịu vờn trên mái tóc

      rung làn mây óng ả tuổi nhung tơ

      đôi mắt biếc mềm như hơi thở nhẹ

      và bâng khuâng như một nỗi mong chờ


      ôm chiếc cặp, tương lai em dấu kín

      ngẩng trông lên hoa phượng nở trên đầu

      nắng mùa hè xoa chút hồng đôi má

      khoé môi chờ dịu ngọt với ngàn câu


      ta bắt gặp ngày xưa qua vóc dáng

      em thơ ngây nhịp guốc trước sân trường

      bao kỷ niệm của một thời áo trắng

      vẫn đậm đà bao nỗi nhớ, niềm thương


      xin được giữ chút hồn nhiên thơ dại

      để mang theo trên những nẽo đường đời

      hoa vẫn nở dẫu tháng ngày khó nhọc

      lòng vẫn vui cùng sương gió em ơi.

      (các trang 118, 119)

      *


      Thi tập Ru người ru đời của Mạc Phương Đình với đề tài gần gũi với bạn đọc. Chúng ta gặp những đoạn đời gian truân khổ ải của tác giả như: lòng yêu kính mẹ hiền, xa quê hương, lưu lạc xứ người, tình yêu lứa đôi tha thiết nhưng không hạnh phúc về sau.


      Ý thơ của anh bình thường nhưng không tầm thường. Đó là sự tha thiết chân thành, không ngụy trang tâm trạng cầu kỳ bằng những hoa hòe hoa sói. Điều đáng nói là anh tìm một ngôn ngữ rất thơ. Đa số nhà thơ làm những bài thơ với tình ý trống trải; chữ nghĩa cũ mèm, thiếu sự canh tân, thiếu sự sáng tạo. Hồi tiền chiến Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu và Huy Cận đã tìm ngôn ngữ thơ riêng biệt cho mình. Ngôn ngữ đó không quá hũ nút như thơ của nhóm Xuân Thu Nhã Tập, như thơ của Bùi Giáng, như thơ của Phạm Công Thiện. Thơ của Mạc Phương Đình gồm những ngôn từ huê dạng, tuy có kiến trúc hơi lạ, nhưng vẫn cho độc giả hiểu thấu để cho tâm tình giữa anh và độc giả cảm thông nhau, để cho đôi bên được thăng hoa vào một tình ý đậm đà.


      Hồ Trường An

      Nguồn: banvannghe.com

      Tiểu sử Mạc Phương Đình:

      “... Tuổi Thìn sinh năm 1940, trước năm 75 một thời làm công chức ngành Thông Tin, năm 68 động viên vào lính, 75 đi tù cải tạo, năm 93 đi định cư ở Mỹ. Tập tành làm thơ, viết truyện ngắn từ hồi còn đi học ở QH Huế (57-60) có bài đăng trên một số nhật báo và tạp chí tại Saigon như Tiếng Chuông, Ngôn Luận, Bách Khoa, Thời Nay, GDPT, Gió Mới..(59 - 65).,

      Ngưng viết cho đến 95 sau khi đã ổn định cuộc sống ở Mỹ với nghề công nhân trong các hãng điện tử. Cộng tác viên của một số báo trên mạng như Giao Mùa, Hồn Quê, Đất Quê...

      Hiện cư ngụ tại San Jose, Ca, USA. (Luân Hoán)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Vũ Tiến Lập với Tạp Ghi Thơ II Hồ Trường An Nhận định

      - Nhà văn Đỗ Phương Khanh Hồ Trường An Hồi ức

      - Phương Triều với những bài thơ hệ lụy đè nặng trên vai Hồ Trường An Nhận định

      - Giới Tính Trong Văn Chương Nghệ Thuật Hồ Trường An Tùy bút

      - Trương Anh Thụy với những bài thơ thấm nhuần tư tưởng Đông Phương Hồ Trường An Nhận định

      - Mạc Phương Đình: Thi Tập "Ru Người Ru Đời" Hồ Trường An Nhận định

      - Vũ Khắc Khoan Với Thần Tháp Rùa Hồ Trường An Khảo luận

      - Thụy Khuê với Nhân Văn Giai Phẩm Hồ Trường An Khảo luận

      - Nguyễn Thị Hoàng với Tan Trong Sương Mù Hồ Trường An Tạp luận

      - Nguyễn Thị Thụy Vũ với Lòng Trần Hồ Trường An Tạp luận

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)