|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
• Ô Cửa Nhìn Đời • Mẹ Vẫn Sống
• Ngồi Dưới Trăng Tà Chiêm Bao • Ta Biết Còn Em
• Hai Mươi Năm Sau Trở Lại Vườn Nhà Cũ
• Vầng Dương Còn Lấm Bụi Mù • Dòng Sông Thơ Ấu
• Rồi Sẽ Ngàn Trùng Xa Cách Nhau • Trở Lại Sài Gòn
Lê Phương Nguyên Và Những Bài Thơ Viết Trong Tù
Lê Phương Nguyên tên thật Lê Công Minh, sinh năm 1943 tại Bình Định. Trước năm 1975, ông là kỹ sư công chánh, giữ chức vụ Trưởng Ty Điền Địa tỉnh Phú Yên. Tháng 5 năm 1983 ông bị bắt vì tham gia hoạt động lật đổ chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Ông ở tù trong 15 năm, bị tịch biên toàn bộ tài sản, trong đó có ngôi biệt thự tại số 334 đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh, với lô đất 2000 mét vuông. Sau khi mãn hạn tù vào tháng 5 năm 1998, ông về làm rẫy tại Xuân Lộc (Đồng Nai) và qua đời ở đó vào ngày 7 tháng 2 năm 2020, hưởng thọ 77 tuổi.
Đối với giới cầm bút và những người yêu thơ, Lê Phương Nguyên là một cái tên xa lạ. Lý do là ông sáng tác nhưng chưa bao giờ gửi thơ đăng báo. Nhờ duyên lành, 4 năm trước khi qua đời, ông đã gửi cho tôi trên 100 bài thơ được viết trong suốt cả cuộc đời của ông, trong đó có những bài thơ ông sáng tác trong tù rồi sau này lục lọi trong trí nhớ và chép lại. Đọc 4 bài thơ viết trong tù dưới đây, các bạn sẽ thấy Lê Phương Nguyên đúng là một cái tên xa lạ nhưng thơ của ông thì hay và ông là một thi sĩ đích thực.
Phạm Cao Hoàng
Virginia, 13.3.2020
Ngôn Ngữ số 7, 1.5.2020
Kín bưng giữa bốn bức tường,
Cũng may còn một ô vuông nhìn đời:
Nhìn mùa thu lá thu rơi,
Nhìn chiều mưa đổ tơi bời bên song,
Lặng nhìn những buổi trời trong
Nghe con chim hót mà lòng không vui,
Có khi nhìn thấy mặt người,
Lạnh căm đôi mắt thay lời chào nhau...
Dõi nhìn chiếc én về đâu,
Giữa trời thăm thẳm một màu chiều buông,
Hoàng hôn nhìn sợi khói vương
Trên hàng cây đứng cuối đường xa xăm;
Đêm nao thoáng thấy trăng rằm,
Qua nhanh như sợ ai cầm lấy tay...
Cả đời nhìn mãi mây bay,
Sao hôm nay bỗng lòng ngây ngất sầu,
Nhắm đôi mắt nhìn thật sâu:
Một trời tang tóc, ấy màu quê hương...
Bờ môi mặn giọt đoạn trường,
Vẫn xanh mơ ước con đường nở hoa...
Có vì sao ở thật xa,
Dịu dàng màu mắt như là cố nhân,
Nhìn nhau tha thiết ân cần,
Cùng tương tự một mùa xuân thiên đường...
Đêm về nhìn ánh đèn vàng,
Dọc tường vôi xám sáng hàng kẽm gai,
Vách bên có tiếng thở dài,
Biết anh đã lỡ mộng đời tự do;
Mấy phòng liên tiếp cùng ho:
Là lời nhắn nhủ dặn dò gì nhau;
Nghe lòng ấm giữa đêm sâu,
Biết đời còn những nhịp cầu tri âm;
Trong tăm tối, nỗi vui thầm
Tỏa hương như giữa một đầm hoa sen...
Sắc trời bàng bạc sương in
Tiếng con vạc lẻ vừa chìm đâu đây...
Cửa đời nhỏ tựa bàn tay,
Vẫn nhìn thấy ánh sao Mai rạng ngời...
T20, mùa thu 1983
Ngôn Ngữ số 7, 1.5.2020
Từ ngoài đó đưa vào tin Mẹ mất,
Trong ngục tù con chửa quấn khăn tang;
Vì con biết Mẹ lên trời lễ Phật,
Rồi trở về vĩnh cửu với trần gian...
Mẹ vẫn sống như mặt trời có thật,
Sáng uy nghi và ấm áp vô cùng;
Đời có lúc thua buồn cao chất ngất,
Mẹ lại về trong ánh mắt yêu thương...
Mẹ vẫn sống như vầng trăng thiên cổ,
Và bao giờ trăng chẳng đẹp tinh khôi;
Lòng không biển sao dạt dào sóng vỗ,
Mẹ dịu hiền, vằng vặc tỏa muôn nơi...
Mẹ vẫn sống như Trường sơn trác tuyệt,
Hồn cao xanh mây trắng quyện vai Người;
Bên bóng núi giấc mơ đời dịu ngọt,
Lớn lên cùng tiếng hát thuở nằm nôi...
Mẹ vẫn sống như dòng sông thơ ấu,
Từ suối nguồn ra bể lại rơi mưa;
Đời con dẫu có muôn trùng bến đậu,
Vẫn quay về tắm mát khúc sông xưa...
Mẹ vẫn sống trong tiếng gà buổi sớm,
Con còn nghe, nghe mãi đến bây giờ...
“Dẫu gang tấc, hãy e chừng trễ muộn,
Huống chi là để đến lúc sa cơ...”
Mẹ mãi mãi là ngàn thu vĩnh cửu,
Soi đường con trên nhân thế điêu linh;
Bóng cội từng giữa lòng con hiện hữu,
Đời gian truân vẫn có phút thanh bình...
Trại Xuân Lộc, 20.1.1989
Ngôn Ngữ số 7, 1.5.2020
Vườn khuya trăng khuyết nửa vành,
Ngồi nghe tĩnh lặng đã thành thói quen;
Ước gì có ở một bên
Là Em với mái tóc huyền gió bay...
Lâu rồi cho đến hôm nay
Mùi hương quen của những ngày rất xa,
Quyện cùng hương một loài hoa
Ru ta ngồi dưới trăng tà chiêm bao...
Trại Xuân Lộc, 13.9.1996
Ngôn Ngữ số 7, 1.5.2020
Mười mấy năm của đời bể khổ,
Nhuộm đen vầng trán thuở xuân xanh;
Chông chênh dưới một trời tan vỡ,
Xoải bước ta đi giữa cát lầm.
Ta biết còn Em trong cõi mộng,
Nụ cười sóng sánh ánh trăng trong,
Nên ta vẫn cứ vui và sống,
Hương của ngày xưa đủ ấm lòng...
Ta biết còn Em, ôi! đôi mắt
Ngàn trùng thương xót một quê hương,
Nỗi đau chung cả trời và đất,
Tiếp sức ta trên mỗi dặm đường.
Ta biết còn Em, vì sao nhỏ,
Trao nhau ánh mắt mỗi đêm về,
Rồi mùa đông đến, Ngân hà vỡ,
Sao lẫn bờ mây, lỡ hẹn hò...
Ta biết có nhau từ dạo đó,
Là vàng trong cát thuở khai thiên,
Là cành liễu biếc đùa trong gió,
Man mác trời xanh khúc nhạc hiền...
Ta biết còn Em, dòng suối mát,
Đường dài gió bụi bước chân xiêu,
Dừng đây vốc nước dìm cơn khát,
Lặng ngắm mây trôi dưới nắng chiều...
Trại Xuân Lộc, 1996
Ngôn Ngữ số 7, 1.5.2020
Quê nhà xa cũng chẳng xa,
Ngỡ ngàng ta kẻ phồn hoa lạc loài.
Dọc đường ruộng lúa, nương khoai,
Bờ tre, bóng núi, chiều phai sắc chiều.
Chạnh lòng trước cõi quạnh hiu;
Bước chân xô dạt ngọn triều mộng du…
Cánh cò như một lời ru,
Từ bên kia đỉnh sương mù ấu thơ….
Quê nhà đây? Thực hay mơ?
Khu vườn xưa đã bây giờ nghĩa trang!
Nằm kia người của xóm làng,
Lạc nhau từ thuở giặc tràn về đây.
Cuối trời góc biển, chân mây,
Nửa đời không hẹn mà nay tương phùng.
Nén tâm hương gửi vô cùng
Lòng riêng dằng dặc nỗi buồn, nỗi thương….
…..
Bâng khuâng chiều giữa cố hương,
Vành trăng như khói, như sương hiện về….
Phước Thắng (Bình Định)
Tháng 8.1998
phamcaohoang.blogspot.com
Thôi thì rũ áo phong sương,
Xếp tàn y, giữ chút hương giang hồ.
Đã không dựng được cơ đồ,
Cầm bằng mây khói giấc mơ đổi dời…
Mênh mông một nỗi đau đời;
Giật mình ngoảnh lại kiếp người phù du
Vầng dương còn lấm bụi mù
Không soi thấu đến bể sầu thế nhân
Điền trang Lộc Xuân
18.7.2004
phamcaohoang.blogspot.com
Tôi có thể biết được màu nước dòng sông Seine
Dưới trời Paris sương mù hay nắng gắt;
Nhưng không biết được quê nhà
Sông nước có còn xanh?
Thuở nhỏ nhà tôi bên dòng sông nhỏ,
Nước trong xanh đắm đuối sắc trời xanh;
Bên bến đá cây đa già đợi gió,
Những trưa buồn đàn trẻ tắm vây quanh.
Dòng sông đó len mình qua xóm vắng,
Mỗi vườn cây, ruộng lúa ghé vào thăm;
Những sáng mù sương, những chiều phai nắng
Sông êm đềm đôi mắt gửi xa xăm.
Nét duyên dáng giữa đôi bờ thơ mộng,
Nhịp cầu tre nghiêng bóng đón đưa người,
Với con nước chưa một lần dậy sóng,
Hương thanh bình vẫn đến được ngàn khơi.
Mùa xuân đến nước sông đầy xinh quá,
Giải lụa nào biêng biếc giữa trời hong,
Cây bên bờ xanh lên từng phiến lá,
Giữ dòng sông đẹp mãi chảy trong lòng.
Sông dẫu nhỏ, nước bốn mùa không cạn,
Dòng sữa hiền trời đất đã riêng ban;
Hết lúa đến dưa, hoa vàng trải thảm;
Là đâu đây phượng đỏ giục ve đàn.
Ôi mê đắm! những ngày thu sương khói,
Cả đất trời ngây ngất gió gây hương;
Soi bóng nước, sắc trời xanh vời vợi
Dòng sông trôi như một mảng thiên đường.
Mùa lũ về nước nguồn tuôn trắng xoá,
Tôi theo anh giăng lưới dưới trời đêm,
Trên mặt sóng gió lùa gây buốt giá,
Những đường trăng run rẩy vỡ muôn nghìn.
Tuổi ấu thơ trôi dài như giấc mộng,
Tôi lớn lên tìm hướng bước vào đời;
Gửi lại dòng sông những chiều gió lộng,
Cánh chim trời chưa biết chuyện đầy vơi.
Có lúc quay về, tôi người cô lữ,
Dòng sông quen rũ sạch lớp phong trần,
Và con nước không còn con nước cũ
Chợt thấy lòng gờn gợn chút bâng khuâng.
Cuồng vọng đó bừng lên thành cuộc chiến,
Xóm làng tôi khói lửa giặc mang về,
Dòng sông ấy trong tôi, dòng hoài niệm
Của một thời tuổi nhỏ dưới trời quê.
Và từ đó trên nẻo đời bụi cát,
Bến sông nào cũng thoáng nét quen thân,
Đủ gợi lại chút hương lòng mất mát
Của dòng sông thơ ấu đã gian truân.
Mùa lạnh về theo những ngày giáp Tết,
Nghe đâu đây niềm thương nhớ mơ hồ,
Giải lụa nào quyện gió chiều xanh biếc
Dòng sông buồn lặng lẽ hiện trong mơ.
Khi đã mỏi cánh chim ngừng phiêu bạt,
Quay tìm về bóng mát thuở còn thơ,
Trong ký ức giữa khung trời đổ nát,
Có dòng sông máu lệ tháng năm chờ.
Rồi cả nước một ngày xuân rét mướt,
Con sông tôi, ai ngăn trở tôi về?
Những hận thù, những thói đời bạo ngược,
Đốt bừng lên làm ánh sáng đam mê!
Tôi ở lại với quê hương buồn bã,
Chí quật cường còn dấu kín trong tim,
Dòng sông đó như thành sầu hóa đá,
Trời tang thương chưa định hướng nao tìm.
Quy Nhơn, 1976
phamcaohoang.blogspot.com
Dẫu biết rằng em vẫn phải đi
Ngàn trùng không cản mối tình si
Ngàn trùng không cản chân em buớc
Sẽ chết lòng nhau buổi biệt ly
Bên ấy trời Tây dày tuyết phủ
Ngàn trùng không thấy bóng quê huơng
Ngàn trùng không thấy em bên ấy
Ta mãi thuơng đau nỗi đoạn truờng
Mái tóc u hoài em buông xuống
Ngàn trùng huơng tóc đẫm huơng hoa
Ngàn trùng ta ngóng mây sầu muộn
Đợi chút huơng về ... mái tóc xưa
Năm ngón tay em trắng nõn nà
Ngàn trùng em vớt cánh sao sa
Ngàn trùng bên ấy em đâu biết
Là lúc linh hồn thoát xác ta
Đôi mắt anh chìm trong mắt em
Ngàn trùng sao mắt lẫn sao đêm
Ngàn trùng bát ngát trời sao ấy ...
Là ánh sao nào đôi mắt em?
Vầng trán em thanh thản mộng đời
Ngàn trùng niềm nhớ gửi mây trôi
Ngàn trùng nghiêng bóng trăng chờ đợi
Vầng trán thiên thu của một nguời
Áo mỏng hoàng hôn bờ vai trắng
Ngàn trùng bạch ngọc lẫn màu da
Ngàn trùng huơng của trầm huơng ấy
Của một loài hoa rất nõn nà
Môi thắm em cuời thơm ngát xuân
Ngàn trùng thuơng quá cánh phù dung
Ngàn trùng một nụ hôn hoài niệm
Cũng đủ cho lòng nghĩa thủy chung
Màu áo em tuơi mát cuộc đời
Ngàn trùng hồ dễ áo hoa phai
Ngàn trùng sắc áo thơm mùi nhớ
Một cánh chim xa lẻ mộng dài
Một cánh chim xa lẻ mộng dài
Ngàn trùng thăm thẳm biết còn ai
Ngàn trùng đâu có em bên cạnh
Cùng góp mùa Xuân để tặng đời
Em đã, lòng em như đại duơng
Ngàn trùng là suối của tình thuơng
Ngàn trùng đã tuới vào hoa cỏ
Đã tẩm người anh thơm ngát huơng
Rồi sẽ ngàn trùng xa cách nhau
Mà thuơng con nuớc chảy qua cầu ?
Hay thuơng hết thảy đời dâu bể
Ở lại quê nhà chung bể dâu?
Sài Gòn, 1981
phamcaohoang.blogspot.com
Đốt bao nhiêu thuốc lòng vẫn vắng,
Có hẹn hò đâu cứ đợi chờ?
Chốn cũ chiều nay vàng úa nắng,
Một mình uống cạn cả hư vô…
Đường phố thân quen đến cảm hoài,
Lòng buồn như vạt nắng tàn phai,
Chiều trôi không hết bao thương nhớ,
Bất giác tuôn theo tiếng thở dài…
Sài Gòn dưới tán lá me bay,
Lẩn khuất đâu đây những dấu giày,
Của một chiều mưa trong ký ức
Đường về tay ấm giữa lòng tay…
Xa cách Sài Gòn mấy dặm thôi,
Hai mươi năm lẻ chẳng chung trời,
Hai mươi năm lẻ và Em nữa,
Một khối biệt tình, một biển khơi…
Lớp lớp bạn bè ly tán mất,
Chợt thèm dăm chén ….có ai đâu?
Thanh xuân gửi hết cho trời biếc,
Mái tóc hoa lau đã nát nhàu…
Lần lữa tìm về bao chốn cũ,
Công đường đỏ rực bóng cờ sao…
Láo liêng ánh mắt thằng du thủ,
Đi mãi…chờ nghe một tiếng chào!
Sài Gòn ngày ấy của ta sao?
Vẫn một trời xanh có khác nào;
Lòng nhói nỗi đau người mất của,
Thương chàng Từ Thức,…ngỡ chiêm bao!
Có thể ngày mai chiều sẽ mưa
Phân vân không biết ở hay về?
Ở – tìm lại chút hương hoài niệm,
Kẻo để thời gian phủ bụi mờ…
Sài Gòn ta phải tạm chia tay,
Hẹn ước cùng nhau có một ngày,
Châu Ngọc bừng lên về Hợp Phố,
Dưới trời lộng gió bóng cờ bay…
Sài Gòn, 2003
phamcaohoang.blogspot.com
- Trang Thơ Lê Phương Nguyên Thơ
• Từ một bài thơ của Lê Phương Nguyên (Nguyễn Âu Hồng)
• Giới thiệu tập thơ Phù Sa của Lê Phương Nguyên (Phạm Cao Hoàng)
Về tập thơ Phù Sa của Lê Phương Nguyên (Trương Trọng Thông)
Phù Sa, nỗi trăn trở của một dòng sông nghẽn mạch (Nguyễn An Bình)
Tình riêng trong thơ Lê Phương Nguyên (Tiểu Nguyệt)
• Trang Thơ (Lê Phương Nguyên)
Thơ trên mạng:
- phamcaohoangtacgia.blogspot.com
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |