|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Lê Hân
HS. Đinh Cường vẽ
Trang web Saigon Ocean là một diễn đàn văn học, nghệ thuật, âm nhạc và giải trí. Trang chủ gồm ba trung niên yêu đời: Nguyễn Tài Ngọc, Albert Đồng và Lê Hân. Trang này, lâu nay được rất nhiều bạn thông tin cho nhau. Mời các bạn vào thăm qua cánh cửa:
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi chỉ ghé vào khu Âm Nhạc.
Ngay trang đầu, phần nhạc có sự sắp xếp:
• nhạc có notes,
• nhạc chủ đề,
• nhạc Việt,
• nhạc ngoại quốc,
• nhạc sĩ Việt Nam,
• tất cả nhạc của saigonocean.
Sự phân chia rõ ràng này đã là một khác biệt thú vị, so với nhiều khu giới thiệu nhạc Việt khác. Ở đây, chúng ta gặp được sự trân quý những vị nhạc sĩ, rất đáng hoan nghênh.
Có giới hạn trong sự hiểu biết về âm nhạc, cũng như lòng yêu thích nhạc đã đến hồi sút giảm, nên tôi chỉ ghé qua tiểu mục: nhạc chủ đề.
Ở mục này, bạn đọc sẽ bắt gặp phần giới thiệu một số tác giả. Những người đã làm phong phú gia tài âm nhạc Việt Nam. Những cái tên quen lạ sau đây, được nhà thơ Lê Hân, người phụ trách chính trang này giới thiệu, theo thứ tự abc:
Anh Bằng, Anh Việt Thu, Cao Minh Hưng, Châu Đình An, Diệu Hương, Đăng Khánh, Đức Huy, Hà Dzũng, Hoàng Trọng, Khê Kinh Kha, Lam Phương, Lê Hựu Hà, Lê Uyên Phương, Minh Tuấn, Nam Lộc, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ảnh 9, Nhật Ngân, Nguyên Bích, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Phạm Mạnh Cương, Phú Quang, Phan Ni Tấn, Trần Quang Lộc, Trần Thiện Thanh, Trần Tiến, Trịnh Công Sơn, Trịnh Nam Sơn, Trúc Phương, Trường Sa, Từ Công Phụng, Văn Cao, Văn Phụng Việt Anh, Vĩnh Điện, Vô Thường, Vũ Thành An, Xuân Tiên...
Với con số 41 tác giả, chắc chắn chưa khép lại sưu tập và giới thiệu của Lê Hân. Điều đáng nói trước tiên, là không có sự phân biệt nhạc sĩ hiện sống tại quốc nội hay hải ngoại. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm, tập trung những tài hoa sáng tác nhạc ngồi cùng với nhau.
Trong phần mỗi tác giả, Lê Hân thực hiện các tiểu mục: Tiểu sử tác giả. Những bài nhận định có liên quan. Danh sách tác phẩm. Giới thiệu ca khúc tiêu biểu qua nhiều giọng ca, và đặc biệt thường có, một bài thơ của Lê Hân, đưa chân.
Bài viết này, chỉ có mục đích giới thiệu đơn giản dòng thơ của Lê Hân có từ nguồn nhạc. Chúng tôi không nhận định tỉ mỉ tính chất nghệ thuật của thơ. Đơn thuần là vài lời giới thiệu trước hoặc sau khi trích dẫn.
Lê Hân, là một nhà thơ khá quen thuộc với bạn đọc trên net. Ông là tác giả của thi phẩm Tình Thơm Mấy Nhánh, xuất bản năm 2003, được nhiều trang điện toán trích giới thiệu. Thơ của ông quanh quẩn trong chủ đề tình yêu lứa đôi, bè bạn, và quê hương... như phần đông những người làm thơ gốc Việt. Trong Saigonocean, ngoài phần thơ mới chưa xuất bản (khá nhiều), dòng thơ từ nhạc của Lê Hân rất phong phú.
Từ xưa đến nay, sự chung chạ giữa nhạc và thơ gần như chưa tách rời. Người ta thường nói “trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ.” Về những bài thơ của Lê Hân không nằm trong khẳng định này. Đây chỉ là một liên quan đồng cảm, hoặc đôi khi cố tình để đưa đẩy, giới thiệu một tên tuổi nhạc sĩ nào đó, mà nhà thơ yêu thích các ca khúc. Đọc qua một số thơ, chúng ta thấy ngay cái nét chung khi viết của Lê Hân. Sử dụng các tên ca khúc của nhạc sĩ, lắp ghép vào câu thơ của mình. Sự vịn vai này xem như thể lấy đà để đẩy nguồn cảm hứng đi xa. Dĩ nhiên sự đồng cảm luôn luôn có. Nhờ vậy dòng thơ có hơi thở thật thong dong, lưu loát. Tuy phải dùng những từ có sẵn, nhưng sự gượng ép rất nhỏ. Sự tinh tế nhuần tay giúp mỗi bài thơ có một cái hồn riêng. Ngoài tự do, tác giả sử dụng nhiều thể loại quen thuộc có vần, có điệu.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, cũng là người nhận định văn học, chính trị, kinh tế, xuất sắc. Trong tập Tìm Thơ Trong Tiếng Nói, ông đã phân chia rõ hai loại: thơ hay và thơ khéo, sau khi loại bỏ những bài viết chỉ có vỏ bọc của vần điệu, niêm luật.
Có thể sớm minh định, thơ Lê Hân trong chủ đề này, thuộc về hai trong phân chia của Đỗ Quý Toàn. Thật vậy, việc sử dụng lại những chữ dùng của một ai đó trong tinh thần cố tình, thường làm giảm ý thơ, nguồn cảm hứng. Những chữ dùng xuất thần cũng có thể bị hạn chế. Một bài thơ hay thường có sự tình cờ linh hiển của ngôn từ. Tôi tin, Lê Hân đã gặp nhiều điều không như ý khi viết những bài thơ trên. Nhưng phải công nhận cái khéo rất nhuần nguyễn của tác giả Tình Thơm Mấy Nhánh.
Bây giờ, xin được cụ thể giới thiệu một số thơ tiêu biểu, Lê Hân vịn lòng các nhạc sĩ:
Với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một khuôn mặt lớn tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến Việt Nam, ông ca sĩ Hoài Bắc sinh năm 1929 này, bị nhà thơ Lê Hân “Nhớ Người Của Hội Trùng Dương” như sau:
“anh từng nằm MỘNG DƯỚI HOA
nên lòng trong suốt như là ca dao
đất trời nắng trải lụa đào
anh thấy sông núi ngấm vào cỏ cây
MẮT BUỒN tiếp giáp mây bay
ĐỢI CHỜ hồn nhạc đông tây chuyển mình
MƯỜI THƯƠNG từ vạn khối tình
nở ra một khúc thanh bình hoan ca
tình anh như ngói lợp nhà
chồng lên nhau giữ mượt mà điệu ru
ĐÊM MÀU HỒNG, sáng vàng thu
trắng đông mưa phủ gió mù mịt than
chạm vào anh thành giọt đàn
vang lên ngàn tiếng hân hoan, ngậm ngùi
DẠ TÂM KHÚC buồn chen vui
thơm MÀU KỶ NIỆM cuộc đời mênh mông
dòng tình liền với dòng sông
HỘI TRÙNG DƯƠNG mở cõi lòng thiết tha
TIẾNG DÂN CHÀI mãi ngân nga
trong đời như tiếng sóng va cát vàng
gió bay nhiều lúc lộn đàng
dội vào lồng ngực âm vang tiếng sầu
treo lên NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU
ĐÊM CUỐI CÙNG của cuộc bể dâu chỉ là
những dòng yếm thế lướt qua
bỏ anh ở lại tình ca nhiệm mầu
với còn nguyên THUỞ BAN ĐẦU
ĐƯỢC MÙA, VUI ĐÓN XUÂN giàu niềm tin
HÁT LÊN NÀO những chân tình
LY RƯỢU MỪNG cụng, chợt nhìn thấy nhau
anh đi? chưa thể đi đâu
vẫn anh còn đó trong màu vô ưu
nghe nhạc anh, ấm tình người
tôi từ thơ dại thành tôi trưởng thành
cảm ơn âm nhạc và anh
cảm ơn tôi biết tôi lành như hoa.”
Ghi chú: tất cả những chữ nghiêng viết hoa trong bài thơ trên và những bài thơ kế tiếp là tên những ca khúc do các nhạc sĩ đã sáng tác.
Trong bài thơ trên có đến 16 tên ca khúc của Phạm Đình Chương, Lê Hân mang vào bài thơ của mình. Nội dung bài thơ ca ngợi, tán thưởng tâm hồn và tài hoa của người nhạc sĩ. Những câu lục bát rất tròn trịa lục bát, không có hơi thở vè ở đây.
Với Trịnh Công Sơn, một tài hoa vượt bực nhưng có khá nhiều đánh giá dị biệt về phần đời thường, Lê Hân thả bút:
“biết anh từ thuở ƯỚT MI
dần qua từng nhánh xuân thì DIỄM XƯA
ngợi ca anh, chuyện dư thừa
thì thôi vớ vẩn đẩy đưa đôi dòng
RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG
LỜI BUỒN THÁNH đã phải lòng gió bay
VẾT LĂN TRẦM đọng trên tay
lâu lâu lại ngó tháng ngày thanh xuân
cuộc đời là một cõi chung
mỗi người Ở TRỌ một vùng cỏ hoa
tháng năm mộng mị PHÔI PHA
may còn nương náu giọng ca sống đời
RỪNG XƯA ĐÃ KHÉP lại, ngồi
RU ĐỜI ĐI NHÉ hỡi người thế gian
VÀNG PHAI TRƯỚC NGÕ điêu tàn
tình sầu như nắm mây vàng cao bay
HẠ TRẮNG níu kéo dòng mây
mà thao thức mộng lắt lay hiên tình
lòng thơm giọt NẴNG THỦY TINH
thấy em mê đắm ru tình thảnh thơi
cuộc đời không hẳn cuộc chơi
và chơi không hẳn để đời vui hơn
anh từng CHO ĐỜI CHÚT ƠN
qua từng âm khúc tâm hồn ưu tư
gởi tình trong LỜI MẸ RU
NGỦ ĐI CON gió vi vu hiện ngoài
nắng vàng CHIẾC LÁ THU PHAI
HOA VÀNG MẤY ĐỘ vắt vai theo tình
âm thanh hữu dạng hữu hình
giúp cho thương nhớ lung linh sáng ngời
NGẪU NHIÊN như đứng như ngồi
thấy ra NGUỒN CỘI một đời bao dung
CÁT BỤI là cõi vô cùng?
người muôn năm sẽ về chung một nguồn
anh như chưa hề biết buồn
vì buồn đã chật trong buồng phổi anh
để rồi hít thở âm thanh
một đời bay bổng cũng đành khói sương
tôi vừa mới hát cải lương
tự nhiên tôi thấy bất lương thế nào
chẳng vịn anh để trèo cao
chỉ vui một lát tầm phào, ngồi không
biết ai ai biết bềnh bồng
sống trong cõi chết một lòng thảnh thơi”
Trong bài thơ trên có đến 20 tên bài hát của Trịnh Công Sơn được sử dụng, quá ít so với gia tài nhạc để lại của nhạc sĩ này, nhưng Lê Hân đã chọn những ca khúc rất nổi tiếng và điều căn bản là rất thích hợp, ăn liền cùng những câu lục bát tỏ bày tình cảm của người làm thơ với người viết nhạc. Ngoài những câu có lắp ráp, nhà thơ cũng dành đến mười hai câu để nói lên sự thưởng thức nồng nàn của ông với nhạc sĩ. Lục bát vẫn rất giàu hình ảnh, không gượng ép:
VÀNG PHAI TRƯỚC NGÕ điêu tàn
tình sầu như nắm mây vàng cao bay
hay:
nắng vàng CHIẾC LÁ THU PHAI
HOA VÀNG MẤY ĐỘ vắt vai theo tình
Tôi rất thích tâm sự của Lê Hân trong ba đoạn cuối, mời các bạn nên đọc lại.
Với Trần Tiến, một nhạc sĩ thành danh từ cái nôi âm nhạc miền Bắc, Lê Hân ca ngợi sự tài hoa của ông bằng cách thỉnh thoảng đặt chính mình vào vai trò của người viết nhạc để tâm sự. Đề của bài thơ “Lòng nhạc Trần Tiến” đã nói lên điều đó. Nhà thơ cũng thật khéo léo ngợi ca cái hồn nhạc, của người trồng cấy những nguồn âm thanh khá mới lạ từ ý đến từ. Lê Hân vẫn sử dụng thể lục bát:
“bao giờ TÓC GIÓ THÔI BAY
để tôi được nắm bàn tay biết buồn
xem từng đường chỉ ngược xuôi
từng cung sanh tử tới lui duyên tình
dẫu người hờ hứng VÔ TÌNH
tôi vẫn ghế đậu làm thỉnh đứng nhìn
SẮC MÀU sáng tối u minh
mở ra bằng nốt nhạc tình sáng trăng
ĐÔI LỜI TÂM SỰ mon men
ghé vào hồn phố nghèo hèn âm u
để thành DÒNG SÔNG MÙA THU
bát ngát điệp khúc tình ru giấc nồng
có không một lá diêu bông
cõi đất hạnh phúc ươm trồng tự do
(nhà thơ chẳng phải giả đò
nhạc sĩ chẳng phải bày trò vui chơi)
mỗi nét nhạc một nét đời
chở thơ đi khắp bầu trời khoan dung
trăm năm không là vô cùng
triệu năm cũng chẳng mịt mùng khói sương
chỉ cần một chút yêu thương
một chút san sẻ mật hương đất trời
bên hiên lại có hai người
hôn nhau để biết là đời của nhau
MÙA XUÂN GỌI đã bao lâu
tiếng cười như thể lạc đâu chưa về
bài ca giắt mái tóc thề
chẳng phải giữ tóc mà vân vê tình
ĐỘC HUYỀN CẦM khúc thủy tinh
Nguyễn Du giao lại tay linh hiển trồng
cũng nhờ lòng dạ trổ bông
nên dòng nhạc mới như sông đưa người
xem kìa, ai giống CHỊ TÔI
sống cùng âm điệu như người xa xưa”
Có thể mục đích chính của nhà thơ Lê Hân là tán thưởng từng nhạc sĩ ông yêu thích, việc sử dụng tên ca khúc chỉ tạo ra cái đà cho sự thưởng thức, tán thưởng, trong bài này rất rõ chú ý của nhà thơ:
“... có không một lá diêu bông
cõi đất hạnh phúc ươm trồng tự do
(nhà thơ chẳng phải giả đò
nhạc sĩ chẳng phải bày trò vui chơi)
mỗi nét nhạc một nét đời
chở thơ đi khắp bầu trời khoan dung
trăm năm không là vô cùng
triệu năm cũng chẳng mịt mùng khói sương
chỉ cần một chút yêu thương
một chút san sẻ mật hương đất trời
bên hiên lại có hai người
hôn nhau để biết là đời của nhau...”
Nếu trả lại dạng bình thường các chữ được tô đậm, câu chữ đúng là những câu thơ rất tự nhiên, vần điệu trôi chảy thoải mái, chở được dụng ý của người viết rất rõ ràng. Nói về cái khéo của thơ chính là điểm này.
Nhạc sĩ Lam Phương, một người viết nhạc đa dạng, nhạc ông không thuộc loại bác học, nhưng có sức sống lâu bền trong lòng quần chúng, qua nhiều giai đoạn đổi thay của dân tộc, của lòng người. Với dòng nhạc dựa vào tình người của ông, tôi tin tuổi thọ của nhạc Lam Phương còn rất dài. Lê Hân đã dành cho nhạc Lam Phương bài thơ:
"1.
CHUYẾN ĐÒ VĨ TUYẾN ra đi
mang theo thương nhớ, còn gì nữa không?
sao nghe nặng những tấm lòng
chứa quê hương với hương nồng yêu em
ĐOÀN NGƯỜI LỮ THỨ lênh đênh
NHẠC RỪNG KHUYA thắp ánh đèn tin yêu
TRẮNG THANH BÌNH, gió hiu hiu
NẴNG (đẹp) MIỀN NAM đón đời phiêu bồng vào
thanh xuân phơi phới trúc đào
BỨC TÂM THƯ chở ca dao ân tình
yêu đời, yêu nước, đầu binh
CHIỀU HÀNH QUÂN hát dòng kinh nhiệm mầu
KHÚC CA NGÀY MÙA lắng sâu
tình quê tình đất ấm câu tình người
KIẾP NGHÈO biết sống đời vui
ĐÈN KHUYA chong những tiếng cười lạc quan
THÀNH PHỐ BUỒN đủ mơ màng
DUYÊN KIẾP một ánh trăng vàng ngát hương
2.
khởi từ MÙA THU YÊU THƯƠNG
MỘT MÌNH gánh KIẾP THA PHƯƠNG lên đường
cho dài TRĂM NHỚ NGÀN THƯƠNG
trái tim linh hiển dị thường hóa thân
TÌNH BƠ VƠ vướng nợ nần
thành trang tình sử trăm năm cuộc đời
sống khắng khít, thật tuyệt vời
nhạc kịch sinh động một thời thong dong
TÌNH NGHĨA ĐÔI TA viển vông?
hay dòng sông chợt đổi dòng ngẫu nhiên
LẦM không hay chỉ nghiệp duyên
EM ĐI RỒI vẫn bình yên hay là
MỘT ĐỜI TAN VỠ, PHÔI PHA
CỎ ÚA từng ngọn xót xa riêng mình?
đây BÀI TANGO CHO EM
ngổn ngang nghìn nốt nhạc mênh mông buồn
PHÚT CUỐI còn ấm nhớ thương
TIỄN NGƯỜI ĐI biết ai buồn hơn ai
TAN VỠ có phải thiên tại?
khi còn nguyên trái tim tài hoa thơm
đời như vở kịch mãi còn
những hồi kết thúc tùy lòng bao dung
hồn thơm âm điệu vô cùng
muôn ngàn đồng điệu thủy chung với lòng
nốt nhạc giản dị trăm năm
thở hít cùng với thăng trầm tình yêu
trái tim người đựng bao điều
mở ra như những cánh diều bay cao”
Lê Hân chia làm hai đoạn cho bài thơ, phải chăng ông có ngụ ý giới thiệu hai giai đoạn đời thường của Lam Phương. Ở tám câu cuối bài, không chen vào tên đề bài ca nào, có thể là mục đích chia sẻ quan niệm sống và yêu giữa người làm thơ và người viết nhạc, thử đọc lại:
"đời như vở kịch mãi còn
những hồi kết thúc tùy lòng bao dung
hồn thơm âm điệu vô cùng
muôn ngàn đồng điệu thủy chung với lòng
nốt nhạc giản dị trăm năm
thở hít cùng với thăng trầm tình yêu
trái tim người đựng bao điều
mở ra như những cánh diều bay cao”
Với nhạc sĩ Từ Công Phụng, một tên tuổi đang lẫy lừng ngoài và trong nước. Lê Hân đóng vai người nhạc sĩ để thả tâm sự qua dòng thơ tám chữ
“ta từng hỏi BÂY GIỜ THÁNG MẤY?
trong mùa tình hương cốm đầu tiên
ngày mới lớn tâm hồn như trang giấy
đậu trên tay đôi dòng mộng ngoan hiền
đời chẳng dạy nhưng trái tim hiển thánh
biết bâng khuâng biết thao thức mong chờ
người cần nhớ thương, bướm ong cần mật
ta cần thêm ca hát để nuôi thơ
TỪ ngôn ngữ ta bước vào tiết tấu
CÔNG kênh tình lên tuyệt đỉnh thanh cao
PHỤNG cầu hoàng trải tấm lòng Tư Mã
mắt Trác Văn Quân gói trọn đời trao
NHƯ CHIẾC QUE DIÊM nhưng chóng vĩnh cửu
ngọn tình TRÊN LƯNG CỦA THÁNG NGÀY qua
soi thấy rõ VẪN MỘT ĐỜI HIU QUẠNH
TUỔI XA NGƯỜI tình đâu dễ phôi pha
yêu là nhớ BÊN KIA ĐỜI QUẠNH QUẾ
TRÊN NGỌN TÌNH SẦU đọng giọt trăng hoa
NHƯ NGỌN BUỒN RƠI mọc trên vách đá
mùa thu mây ngàn ấm áo tình ta
em yểu điệu qua LỐI MÒN THIÊN CỔ
bàn tay xanh như phiến lụa ngọc ngà
cánh cổ cao MÂY HỒNG xa xót nhớ
ĐỜI BỖNG PHÙ DU theo tiếng em ca
ta chợt sợ KIẾP DÃ TRÀNG, vội vã
phổ lên em những âm biếc rạng ngời
em hẳn nhớ MƯA TRÊN NGÀY THÁNG ĐÓ
là âm thanh ta đã lỡ đánh rơi
em gắng nhớ GIỮ ĐỜI CHO NHAU nhé
MẮT LỆ NGƯỜI TÌNH đâu nỡ chia phân
mai hay mốt cuối cùng ta HÓA KIẾP
THIÊN ĐƯỜNG QUẠNH HIU da diết nhớ phong trần
và chẳng thể nguôi quên tình em được
em thương yêu đời sẽ cách biệt đời
tiếng em khóc chắc cũng thành nốt nhạc
ta mang theo không nỡ viết ra lời
em yêu dấu cả VÙNG TRỜI KỶ NIỆM
TRỜI VỀ ĐÊM ta sắp sửa về đâu
NGỒI BÊN NHAU còn tình nào tẩm liệm
NGƯỜI VỀ TRÊN MÂY, TRÊN NGỌN TÌNH SẦU
đời chẳng tắt TỪ KHÚC tình tha thiết
xin một lần được hỏi lại em yêu
đời rộng quá BÂY GIỜ LÀ THÁNG MẤY?
MÃI MÃI BÊN EM đâu dám ước chi nhiều”
Bài viết rất lãng mạn, rất thơ, mặc dù dùng nhiều tên ca khúc, nhưng rất tự nhiên, ý và lời thong dong rất mực.
Với nhạc sĩ Văn Cao, Lê Hân dường như chỉ được đến gần ông qua sự thưởng ngoạn. Ngay đề bài thơ Vọng Văn Cao đã cho thấy điều này. Ngoài bài viết dành cho nhạc chủ đề, Lê Hân còn từ Văn Cao viết một bài thơ khác. Xin trích đủ cả hai:
“dung mạo không TRƯƠNG CHI
nhưng tâm hồn đồng điệu
với tiếng sáo diệu kỳ
vượt ra ngoài hữu hạn
người đến từ BẾN XUÂN
người về cùng GIÓ NÚI
THIÊN THAI giữa đời thường
SUỐI MƠ không có tuổi
người trải BUỒN TÀN THU
qua CUNG ĐÀN XƯA chảy
giữa trời đất thiên thu
lòng thơm mùi lửa dậy
SÔNG LÔ trong NGÀY MÙA
MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN đến
giọt đàn cùng giọt mưa
trải nhịp tim định mệnh
đứng cùng THU CÔ LIỆU
hùng khúc cùng tâm khúc
GÒ ĐỐNG ĐA về chiều
nghiêng thân vào thế tục
bao nhiêu tình LÀNG TÔI
gởi vào thơ vào họa
đời ấm những tiếng cười
dẫu chìm trong buồn bã
người vẫn còn ở đây
trong tiếng tình vọng động
lấp lánh dáng gầy gầy
trong chuỗi nhạc lộng lẫy”
Bài ngụ ngôn trên, quy tụ một số đường nét chân dung người nhạc sĩ, dành được nhiều thiện cảm yêu thương của cả hai miền Nam Bắc Việt Nam. Bài thơ thứ hai được giới thiệu trong mục Lê Hân, phần thơ mới:
“lá vàng bay nhớ Văn Cao
cái ông nhạc sĩ hanh hao nắng vàng
cái ông làm giàu mơ màng
từ sương từ khói từ ngàn hạt mưa
cái ông biết pha sớm trưa
vào trong âm nhạc đong đưa tiếng tình
cái ông ép xúc cảm mình
thành ra dòng chảy hữu tình âm thanh
ông ngồi ngất ngưởng đầu cành
mùa thu kể rõ ngọn ngành yêu thương
nhờ ông tôi sớm biết buồn
khi chưa yêu, khi chưa thương người nào
nhờ ông tôi biết nao nao
giữa trời giữa đất bước vào mùa thu
(Chợt Nhớ Văn Cao)
Trong nhiều nhạc sĩ, gần như tôi mới được biết tại hải ngoại, nhưng công trình sáng tác của họ thật dồi dào nghệ thuật cũng như số lượng. Tôi muốn đề cập đến hai nhân vật: nhạc sĩ Đăng Khánh và nhạc sĩ Nguyên Bích.
Được biết nhạc sĩ Đăng Khánh theo học Đại Học Nha Khoa Sài Gòn và Đại Học Nha Khoa Alabama, Hoa Kỳ, hiện đã về hưu sau 35 năm hành nghề tại Houston, Texas. Để trở thành một nhạc sĩ đúng nghĩa, ông Nguyễn Nhật Thăng, tên thật của Đăng Khánh, đã theo học classical guitar với nhạc sĩ Hoàng Bửu (1964). Học classical piano với linh mục Nguyễn Tiến Dũng (1968). Sang Hoa Kỳ học Nhạc Lý – Hòa Âm - Sáng Tác (2000) tại Moores School Of Music, University of Houston. Sáng lập Trường Suối Nhạc (1988) và Đài Phát Thanh VOVN (1994) tại Houston. Khởi sự sáng tác nhạc từ năm 1966, nhạc phẩm đầu tay Tiễn Em Chiều Mưa. Mời đọc những dòng thơ Lê Hân cảm nhận qua lời nhạc của nhạc sĩ Đăng Khánh:
nhạc xanh đọng mướt dáng thơ
ta nuôi bằng những ước mơ chân tình
CÁNH HOA XƯA lưu ảnh hình
HẠT MƯA BAY CUỐI ĐỜI tình long đong
nhớ EM NGỦ TRONG MÙA ĐÔNG
ĐÊM TRĂNG KHUYA mở cánh lòng ta ra
LÀM SAO EM BIẾT lòng ta
yêu em từ thuở cành hoa mỉm cười
yêu em từ thuở làm người
làm chàng nhạc sĩ buồn vui vơi đầy
và TA MUỐN CÙNG EM SAY
CUNG ĐÀN XƯA với bàn tay phiêu bồng
nhạc ta từ thuở trổ bông
đã có em dạo vòng vòng bên trong
em là một kẻ có lòng
làm cho nốt nhạc ta hồng hào thêm
LỆ BUỒN NHỚ MI, ngước lên
MẮT EM VƯƠNG GIỌT SẦU mềm mại thơm
ta loay hoay chuyện mất còn
đâm ra bỏ lạc màu son xuân tình
cảm ơn em, người nữ sinh
cảm ơn em bé xinh xinh môi cười
cảm ơn em dáng thanh tươi
cảm ơn hàng triệu triệu người sắc hương
GIẤC MƠ ĐỜI TÔI vô thường
đã nhờ hồn vía bốn phương bềnh bồng
nhạc tôi từ đấy mênh mông
vào trong thiên hạ chạy vòng quanh em
Với nhạc sĩ Nguyên Bích, trước khi đọc thơ Lê Hân, xin lướt qua tiểu sử của người nhạc sĩ này. Chúng ta lại gặp một vị bác sĩ ưa thích âm nhạc và thành công rất vững vàng. Ông tên thật là Nguyễn Văn Bích, sinh năm 1944 tại Hà Nội, sau đó trưởng thành trong nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, để trở thành một bác sĩ Quân Y, nên phải đi tù 3 năm sau 1975. Đến Hoa Kỳ năm 1980, học lại và tốt nghiệp hành nghề Bác Sĩ Gia Đình tại Houston, USA.
Về âm nhạc, ông học qua Ký Âm Pháp tại trường Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn, học xướng âm từ nhạc sĩ Hùng Lân để trở thành một giọng ca không chuyên. Trong hai thập niên 80, 90 là cao điểm sinh hoạt âm nhạc của vị bác sĩ này. Ông đã cho phát hành CD Nguyện Cầu gồm 10 ca khúc với chính giọng ca của ông cùng hai nữ ca sĩ Lưu Hồng và Mỹ Na. CD Sao Vội Tàn Phai cũng 10 ca khúc trình bày bởi các ca sĩ tên tuổi như Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, La Sương Sương, Thanh Hà... Ngoài tình Quê Hương, Tình Yêu Lứa Đôi vẫn là chủ đề chính trong âm nhạc Nguyên Bích, Nhà thơ Lê Hân dựa theo tên các ca khúc để có một bài lục bát chân tình tán dương sau:
HIẾN CHƯƠNG YÊU đã viết rồi
BÂNG KHUÂNG chi nữa em ơi ký vào
MONG MANH một kiếp má đào
TÌNH SI dại tự thuở nào ngát xanh
ƯỚC AO gặp được duyên lành
ƯỚC VỌNG có đủ em anh trải lòng
GIÃ TỪ QUẠNH HIU cho xong
để cùng TÂM SỰ VỚI DÒNG SÔNG tình
ơi em rạng rỡ vóc xinh
tâm Phật hồn Chúa hiển linh sáng ngời
cánh tay ĐÔI MẮT TUYỆT VỜI
xin cùng LẶNG LẼ TÌNH TÔI chong đèn
ơi em dòng tóc thơm đen
xin vãi ngàn sợi sáng trăng em cười
xin làm MƯA TRONG LÒNG tôi
để nghe máu thịt thành lời lá hoa
ngại chi CUỘC TÌNH PHÔI PHA
HÃY BẢO TÔI biết đâu là cõi thơ
ngoài tình em chẳng nơi nào
để ngồi ca hát vẩn vơ suốt đời
THƠ CHẢY HỒN TÔI mất rồi
mời em nối ngọn tình đời đong đưa
bằng NỤ CƯỜI EM NĂM XƯA
và đôi mắt liếc hồi vừa chớm yêu
mênh mông nắng sáng mưa chiều
không cần SÁM HỐI khi liều yêu em
mở lòng TIẾNG HÁT CON TIM
cho nhạc tôi ghé đậu lên tình người
tạ ơn em bước vào đời
tạ ơn em đã cùng tôi sống hoài…
Một nữ nhạc sĩ duy nhất, Lê Hân mời vào thế giới nhạc chủ đề của Saigonocean: nữ nhạc sĩ Diệu Hương. Có thể vì sự tế nhị giới tính, hiền thơ Lê Hân, ở bài này thật là hiền, nhẹ nhàng rất mực ca dao:
MÌNH ƠI đã ngủ rồi sao
dậy nghe em lót ca dao vào tình
TRÁI TIM KHÁT VỌNG rập rình
những dòng nhạc biếc hiển linh ra đời
NỖI BUỒN CÒN LẠI trên môi
nghe như tiếng thở chơi vơi vắn dài
MƯA CHIỀU LẶNG LẼ thấm vai
BÊN ANH NGÀY CUỐI tóc mai thơm lừng
lòng em vốn rộng vô cùng
mời anh thử dạo bước chung với tình
CÕI ĐỜI VUI, nhạc thủy tinh
em ươm từng búp hoa xinh lên đàn
LẶNG NHÌN TA THÔI ngỡ ngàng
CÒN TRONG NỖI NHỚ hàng hàng nốt xanh
một đời em thở vì anh
một đời anh thở chân thành cho nhau
HỎI TÌNH ướm vết mai sau
CÒN NGHE TIẾNG gọi buồn đau khẽ khàng
đời hư ảo nối từng trang
CHO EM HỎI nhỏ thiên đàng nơi đâu
hồn treo trên PHIẾN ĐÁ SẦU
nghe trong KHẮC KHOẢI úa màu hoa nghiêm
thưa rằng VÌ ĐÓ LÀ EM
xòe tay cho nhạc trổ lên nụ hồng
còn gì CHO NHỮNG BÂNG KHUÂNG
ngoài tâm tĩnh lặng như không mịt mù
nhạc như một vị chân tu
động mà vẫn tĩnh người ru, ru người
Diệu Hương hương dịu dàng tươi
đóa hoa đóa nhạc mìm cười an nhiên”
“mình ơi đã ngủ rồi sao/ dậy nghe em lót ca dao vào tình/ trái tim khát vọng rập rình/ những dòng nhạc biếc hiển linh ra đời...” Thật thú vị, rất thú vị, và càng thú vị: “nhạc như một vị chân tu/ động mà vẫn tĩnh người ru, ru người.” Quá rõ để nhìn thấy nhà thơ tạm thời cho phép mình hóa thân làm người nữ nhạc sĩ. Cái tâm sự rất con gái này thật có duyên, thật dễ thương. Diệu Hương là một bàn tay giàu tài hoa trong âm nhạc Việt Nam hiện thời, kể cả trong và ngoài nước. Cám ơn Lê Hân đã chọn giới thiệu đúng với sự trân trọng thưởng ngoại của đông đảo quần chúng.
Nhà thơ Lê Hân đã dùng khá nhiều thời gian cho chủ đề giàu hương thơm cho góc chơi văn học nghệ thuật của ông và hai bạn hữu ông. Tôi thú thật, rất muốn ngồi gõ tiếp những nhận xét linh tinh về từng bài thơ cho mỗi nhạc sĩ. Nhưng nghĩ mình không nên tham lam. Giải pháp dễ nhất, tôi chọn: trích hết những bài thơ đó, tùy nghỉ bạn đọc thưởng lãm.
Kết thúc bài viết vội này là lời cảm ơn chân tình, gởi đến các nhạc sĩ, nhà thơ Lê Hân, lẫn những bạn đọc.
Hà Khánh Quân
(trích từ “Theo Gót Thơ – Tập 2” xuất bản năm 2018)
- Thơ Lê Hân Từ Nguồn Nhạc Tình Ca Hà Khánh Quân Nhận định
- Thơ của người viết văn làm lính chiến Trần Hoài Thư Hà Khánh Quân Nhận định
• Lê Hân, Nhà Thơ (Nguyễn Vy Khanh)
• Thơ Lê Hân Từ Nguồn Nhạc Tình Ca (Hà Khánh Quân)
• Đọc 'Tình Thơm Mấy Nhánh' (Đàm Trung Pháp)
- Lê Hân, ‘Ngọn tình lục bát’ và ‘tiểu truyện’ văn nghệ sĩ (Du Tử Lê)
- Hân (Song Thao)
- Lê Hân “Thơ Dễ Thương” (Hà Khánh Quân)
- Lê Hân- Câu thơ bất chợt thả hong thu chiều (Đỗ Trường)
- Viết về nhà thơ Lê Hân (Nhiều tác giả)
- Con Đường Năm Xưa (Nhạc Nhật Ngân)
Tác phẩm trên mạng:
- tranthinguyetmai.wordpress.com
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |