1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Lãm Thúy, Từ Thuở Trăng Đi (Nguyễn Lệ Uyên) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      4-9-2018 | VĂN HỌC

      Lãm Thúy, Từ Thuở Trăng Đi

        NGUYỄN LỆ UYÊN
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà thơ Lãm Thúy

      Thuở đi trăng vẫn chưa tròn

      Đến nay trăng úa, vẫn còn xa xôi

      Sầu trông nhau, bặt tiếng cười

      Chiều hôm gió tạt, bóng đời tịch liêu

      Người ơi, ly biệt đã nhiều

      Còn xa chi nữa cho hiu quạnh đời

      Về thôi, trăng úa lâu rồi

      Về thôi, mòn mỏi lắm, người chờ mong

      Về thôi, sầu đã thành dòng

      Về thôi, gió đã lạnh lùng từ lâu

      Mười tám năm trước, tôi đọc được bài thơ này từ một người bạn ở Seattle gửi về, lồng trong một bức điện thư “than vãn” về thân phận của anh ấy ở xứ người. Cả bài thơ là tâm trạng kẻ cô đơn đến tận cùng; một sự chia ly mất mát không lấp nổi. Bài thơ không thấy ghi xuất xứ, chẳng đề tên tác giả nên tôi cứ ngỡ đó là những cảm hoài của bạn bật lên thành tiếng thở nao lòng. Nghĩ vậy và để bụng.


      Bảy năm sau, anh PVN gửi về gói sách, trong đó có tập Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi do chính tác giả đề tặng. Đọc hết tập thơ và nhớ lại những câu thơ đã đọc, hóa ra bài thơ trên là của Lãm Thúy!

      Phải mất cả tuần thư từ qua lại, mới biết tác giả tập thơ hiện cũng định cư ở Mỹ, bạn thân của Nhàn. Lãm Thúy.

      Một bút danh nghe rất miệt vườn Nam bộ như tên của một trong các cô gái của nhà văn Bình Nguyên Lộc trong cuốn tiểu thuyết Đò Dọc.


      Thực ra cái tên chẳng nói lên điều gì, nhưng những câu chữ trong thơ của Lãm Thúy thì đậm đặc màu đỏ phù sa, vàng bông điên điển, khói đốt đồng trắng trời cho đến trái bần xanh, mắm tép rong, trái cóc, cá lóc nướng trui… và đờn ca tài tử. Nhưng chúng không gần bên chị, chỉ hiện hữu trong tâm thức của kẻ biệt lưu thấp thoáng hình bóng quê nhà trong tâm tưởng để sau đó bật nức những câu chữ và rồi thành hình hài thơ ca mà giới phê bình văn học gọi là thi giới!

      Và quê nhà luôn là nỗi ám ảnh, đeo bám bên chị!


      Cứ tưởng tượng, một người buộc phải tách khỏi một vùng văn hóa đã thành hơi thở, máu thịt từ một nửa cuộc đời một cách đột ngột, để đến với một vùng văn hóa xa lạ thì chắc chắn, đời sống tinh thần và vật chất sẽ đụng chạm nhau một cách dữ dội trước khi thích nghi. Nó là mẫu số chung cho tất cả những người xa xứ, sống trong tâm thức của kẻ lưu vong, của những người con bị đẩy ra khỏi mùi bùn non, hương cau, hương lúa trổ đòng; và cuối cùng bị khép vào vòng tuyệt lộ.


      Thơ ca đối với những trường hợp này là sự giải bày tâm trạng, là những tiếng kêu thảng thốt trong những cơn mê vàng đục những ưu uất. Vậy nên đọc thơ của chị là đọc những tiếng kêu thầm hiển lộ hình hài. Đó cũng là những hồi ức về tuổi thơ đầy ắp những âm thanh của con nước lên xuống, tiếng bìm bịp đâu đó bất chợt vang lên từ trong lùm đước, lùm mắm; trong bụi ô rô cóc kèn… ở một nơi tuyết phủ trắng trời.


      Quá khứ được chị lấp đầy trong hiện tại đến dày đặc.


      Nhưng những điều này, liệu có phần nào giải tỏa những muộn phiền, ẩn ức đối với những người làm thơ như chị hay không; riêng với độc giả cùng một cảm thức, có thể, một lúc nào đó, chữ nghĩa trong thơ ca sẽ xô đẩy nhau, len vào tận cùng những ngóc ngách cô đơn của kẻ lạ trên đất khách biệt lưu như một thổn thức bùng vỡ.


      Ta – Một kẻ tha hương

      Chiều nay đứng bên đường

      Ngó quanh trời đất lạ

      Bụi mù che cố hương

      (Tha hương)


      “Cố hương” trong nỗi nhớ nhung tận cùng của chị, giờ đây sẽ không còn phơi bày bằng những hình ảnh ẩn dụ mà, cụ thể là con đường, trời đất, bụi mù… tất cả được đẩy xa trong tâm tưởng ngắc ngoải, dày vò, đau khổ đến tận cùng của cảm xúc lúc nhớ về. Đó là nỗi nhớ nhung nghìn trùng xa cách; nhớ nhung đến thê thiết hơn nhiều trong những câu ở bài Đoản Khúc sau đây:

      Quê hương ngàn dặm còn xa

      Ngõ sau không thấy, nhớ nhà đứng đâu?

      Đổ quyên khản giọng kêu sầu

      Những hồn ứa máu còn thâu đêm chờ…

      …Chín chiều đau khúc phân ly

      Bờ sông, cố quận, trời chia nghìn trùng…

      …Đành thôi xứ lạ quê người

      Xót thân lưu lạc, lệ ngùi đêm thâu.

      Đọc những câu thơ này, tự dưng tôi nhớ đến hình ảnh một Tô Đông Pha áo đẫm bụi đường, giày vẹt gót, lầm lũi dặm dài gập ghềnh gió mưa qua những chặng biếm trích nhiêu khê; hay một Lý Bạch rày đây mai đó và Tứ Xuyên luôn hiện trong tâm tưởng thi sĩ như một quê nhà chính thức của ông, đến nỗi mỗi khi nhìn thấy trăng ông lại nhớ đến trăng trên núi Nga Mi thời niên thiếu khiến ông nhớ đến quay quắt khôn nguôi, và phóng bút viết nên bài Tĩnh Dạ Tứ bất hủ, đã trở thành thi hứng cho các thi sĩ đời sau:

      Sàng tiền minh nguyệt quang,

      Nghi thị địa thượng sương.

      Cử đầu vọng minh nguyệt,

      Đê đầu tư cố hương.


      Và nữa, một Lamartine với bài Milly Ou La Terre Natale khiến người đọc cũng quặn thắt cõi lòng:


      Pourquoi le prononcer ce nom de la patrie?

      Dans son brillant exil mon coeur en a frémi;

      Il résonne de loin dans mon âme attendrie,

      Comme les pas connus ou la voix d'un ami.

      (Tiếng cố hương vì đâu nhắc đến ?

      Lòng xa quê xao xuyến khôn nguôi,

      Vẳng nghe vọng lại hồn tôi,

      Bước chân quen thuộc, tiếng người bạn thân)


      Dẫn ra là để minh họa chứ không phải để so sánh với các bậc thầy trong văn chương. Bởi có cả ngàn bài thơ từ cổ chí kim viết về quê hương, nhưng không bài nào giống bài nào theo cách mượn ngoại giới hay tâm giới để tạo ra thi giới, như Đặng Tiến đã nhận định: “Ý trong thơ, khác với ý trong văn xuôi, ở chỗ nó không có giới hạn, không có kích thước. Tạm nói là nó mông lung, bất định” (Đặng Tiến, Thơ thi pháp & chân dung, NXB Phụ Nữ, HN, 2009).


      Cái “không giới hạn, không kích thước, mông lung bất định…” mà nhà phê bình Đặng Tiến đặt tên, dường như luôn thấp thoáng phía sau “nỗi nhớ” của chị. Chẳng hạn:

      Vẫn tưởng như ta còn ở đó

      Vàm sông ráng nhuộm, tím hoàng hôn

      Mẹ nấu cơm chiều, đang nhuốm lửa

      Mái nhà khói quyện, ấm cô thôn

      Cuối vườn, có cội bằng lăng nở

      Chiều nao rụng cánh, tím nương bèo

      Nhà ai hoa giấy bay trong gió

      Cánh mỏng manh buồn, nước cuốn theo…

      (Cành hoa tím cũ vẫn chưa phai)


      Trong những phút xuất thần chị có những câu thơ rất đẹp, bên trong chứa cả hội họa và âm nhạc, rất gần gũi với trường phái thơ lãng mạn Việt Nam với những Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… giữa cuối thế kỷ trước:

      Chiều ấy quê nhà mây xuống vai

      Bến sông hong tóc nắng thu cài

      Trong gió chợt nồng hương dã thảo

      Quyện vị cơm chiều khói bếp ai

      … Ở đó vườn trăng lá dát vàng

      Đêm nhòa sương khói trắng không gian

      Mái chèo chạm vỡ dòng sông bạc

      Con thuyền về muộn chở đầy trăng

      (Một cõi bồng lai)

      Có điều, trong thơ Lãm Thúy, chúng ta không hề nhận ra sự cố tình làm mới câu chữ, cũng chẳng hề sắp đặt ngôn ngữ theo trường phái Tân hình thức, Hậu hiện đại hay Hậu hiện sinh gì cả để người đọc phải dùng lý trí mà khám phá ra “thế giới mông lung” kia. Ngôn ngữ thơ của chị hồn nhiên, chơn chất như bản tính vốn có của người dân đồng bằng Nam bộ:


      Nhà nghèo, rách mặc, thiếu ăn

      Cha đi câu cá, phơi thân nắng hè

      Rô mề mẹ nướng gắp tre

      Giầm nước mắm hạnh còn mê tới giờ

      Miếng ngon gắn với tuổi thơ…

      (Cha và tuổi ấu thơ)


      Nếu gọi đây là câu thơ theo đúng với cách nhìn của các nhà phê bình văn học cổ điển, hẳn họ không chịu công nhận đó là thơ. Vậy nhưng loại trừ tính chính thống chính danh của phê bình cổ điển, lật ngược ra phía sau, đọc một cách tự nhiên như đọc một câu văn nói và… để cho sự đọc đó thấm dần tựa như thịt con cua đồng nướng, tan chảy trên đầu lưỡi vừa khi cời cua ra khỏi lửa rơm, hẳn ta sẽ cảm nhận được mùi vị của khói, hương thơm của đất trời trộn lẫn với mùi mồ hôi quen thuộc từ thuở chập chững trên cầu ao, ngoi ngóp trong đìa nước mát. Những hình ảnh câu cá, nướng gắp tre, giầm nước mắm… có thể bắt gặp bất kỳ miền không gian nào, nhưng với tuổi ấu thơ, chúng gây những ấn tượng khó phai. Chúng ngủ yên trong miền ký ức; rồi một hôm bổng bật dậy sáng rỡ,. hiện về trong con người ở tuổi 40, 50 thành một cô bé, cậu bé bên đìa nước, bên vàm sông, bên bếp lửa rực rỡ tuổi thơ.


      Câu thơ trần trụi tựa lời kể cho bạn nghe về tuổi ấu thơ khốn khó, nhưng vượt lên trên cái trần trụi của lời kể thông thường lại là những âm sắc gợn xoắn đến nao lòng.


      Trong rất nhiều bài thơ của chị đều viết dưới dạng này, mà tôi tạm đặt tên là dòng thơ tự sự, mượn ngôn ngữ để chia sẻ những tâm cảm của nhân vật thơ trước cái nhìn, suy nghĩ, cảm nhận của nhà thơ.


      Viết ra một bài thơ hay đã khó, nhưng viết một bài thơ không gọi là hay, mà khiến mọi người phải vật vã, bật lên những rung cảm như người đồng điệu trong những cảnh ngộ bất ngờ tìm thấy bóng dáng mình, người thân của mình, những cảnh vật quen thuộc ở mỗi câu chữ, mỗi dòng… thật không dễ.


      Viết về cha, về mẹ, về những người thân yêu thường được chị viết từ một khoảng cách xa, thời gian xa bằng những hồi tưởng ngậm ngùi gần gũi. Và ở đó, luôn mang âm hưởng của ca dao, của những câu hò điệu lý, điệu ru Nam bộ.

      Lòng già như ngọn sầu riêng

      Gió lay hiu hắt, muộn phiền, nhớ nhung

      Chiều chiều ra đứng bờ sông

      Ngó con đò dọc, nước ròng thêm xa

      Chiều chiều, Cha vọng ngả ba

      Nước đầy sông rộng, nhạt nhòa đò ngang

      (Hoàng hôn trong mắt cha già)

      Và viết về người mẹ:

      Buổi sáng ra nhìn hoa bí nở

      Ngùi thương quê cũ nắng vàng bông

      Chiều nắng tắt sau vườn biếc

      Mẹ thường ra quét lá bờ sông

      Đò ngang, đò dọc người qua hết

      Mẹ đứng buồn im, lệ ngập ngừng…

      (Trồng rau nhớ mẹ)

      Viết về con, với những mất mát đớn đau đến tận cùng của người mẹ, chị đã mượn ngôn ngữ, lời thơ để thay cho nước mắt; những dấu câu, ngắt dòng để thay cho trái tim lần hồi tan chảy;


      Xe tang

      dừng lại trước thềm

      Đóa hoa cúc lạnh

      im lìm dưới mưa

      (Đưa con hỏa táng)


      Chưa thấy ai, khi mất một đứa con yêu dấu lại bình thản như thể thịt da, xương cốt kia thuộc về kẻ lạ? Đến như Đỗ Hồng Ngọc, một nhà thơ, một bác sĩ vừa là “thiền giả” với hàng chục quyển sách viết về Đạo về Người… trước cái chết của con, ông cũng kêu lên tiếng thầm thì đau điếng:


      Ba viết trăm lần lý lịch

      Cứ mỗi lần viết đến tên con

      Ba lại ngẩn ngơ

      Như một kẻ mất hồn

      Biết trả lời sao

      Câu hỏi

      Hiện con đang làm gì?

      Ở đâu?

      (Đỗ Hồng Ngọc – La Ngà 2)


      Cả hai, Đỗ Hồng Ngọc và Lãm Thúy đều cùng chung một tâm trạng về sự mất mát đến tận cùng nỗi đau, nhưng một người thì tự hỏi “ở đâu?” còn người kia là “đóa hoa cúc… im lìm…”. Cách dùng từ ngữ, cách thể hiện tuy khác nhau nhưng khi câu thơ vẳng lên không khỏi khiến người đọc có cảm giác ngậm ngùi, đồng cảm với nỗi đau của người trong cuộc.


      Nếu như thơ là tiếng nói riêng của thi sĩ, thì việc phác họa chân dung nhà thơ chỉ là sự phác họa mông lung tiếng lòng gắn liền giữa nội tâm và ngoại giới; là vẹt lá đan chéo nhau trong rừng sâu để tìm dẫn lối đi ra chốn phong quang. Và giữa chốn mông lung rậm rạp kia, ta có thể bất ngờ nhận ra mùi hương thoảng đâu đó, chút vạt nắng xiên khoai cùng sự im lặng đến khó lường của tận cùng ý thức. Vì vậy, mỗi câu thơ đều mang mùi hương khác nhau, màu sắc khác nhau và âm thanh khác nhau, phong vị khác nhau…để người đọc có thể khám phá điều mới lạ trong cái bình thường nhất.


      Cả trăm bài thơ của Lãm Thúy đều có bóng dáng mới lạ trong cái bình thường đó. Nghĩa rằng, chị không cố công đào sâu ý thức của cái tôi để làm tình làm tội lời thơ và ý thơ. Những tâm cảm trong thơ chị gắn với ngoại giới theo phong cách dân gian mà tôi tạm gọi là thơ tự sự nêu trên: Bởi những hình ảnh, âm thanh, màu sắc trong từng câu thơ, bài thơ của chị rất gần gũi với đời thường. Chị sống trong, thở với, rờ chạm vào… với những cảnh vật quen thuộc, những sự kiện, tình cảnh dung dị ở vùng sông nước… nằm sâu trong tiềm thức, rồi lúc nào đó bổng bật ra tiếng thở… Tiếng thở của thi ca.


      Những câu sau là một sự chia sẻ rung bật từ ngoại giới đã ngủ yên lâu nay trong tiềm thức:


      Thương những “hàng thần lơ láo” ấy

      Áo trận thay ra, mặc áo tù

      Đêm tàn mộng gửi ngoài biên ải

      Núi rừng Tây Bắc lạnh thâm u

      (Đọc thơ Trần Hoài Thư)


      Giữa trào lưu văn học Hậu hiện đại, Hậu hiện sinh, Tân hình thức với nhan nhản những cái Tôi dung nạp đầy ắp lý trí trong câu chữ, thậm chí mang cả tính dục vào nỗi cô đơn, như một ý thức phản kháng (và làm dáng), thì Lãm Thúy vẫn chọn con đường riêng, một lối đi đầy hoa cỏ, rộn tiếng chim hót, vang nhẹ tiếng mái dằm khua nước… thênh thang một cõi xưa nay và bước tới. Rất nhẹ nhàng, thanh thoát:

       

      Ta về tịch mịch đường xa

      Có trăng khuya dõi theo và cô đơn

      Dường như đêm lạnh lùng hơn

      Hỏi mùa đi gió có còn xuân không?

      (Thì thôi giã biệt)


      Tôi nghĩ, mùa xuân vẫn còn trong thi giới Lãm Thúy (và của tất cả chúng ta, những con người luôn hướng về cái đẹp) như ánh nắng ấm áp đầu đông. Đó là kích thước của nhà thơ không ngừng nghỉ khắc họa những cảm xúc chân thật từ tận cõi sâu thẳm của tâm thức trước mọi vật, mọi việc.


      (xứ Xương Rồng,Tháng 8.2018)


      _________

      Lãm Thúy sinh tại làng Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ. Tốt nghiệp ĐHSP/CT khóa 6. Dạy học tại Cần Thơ và Huế. Định cư tại Gaithersburg Maryland HK từ năm 1992. Viết trên các báo: Làng Văn (Canada), Đẹp, Trầm Hương, Kỷ Nguyên Mới, Tiền Phong, Thư Quán Bản Thảo, Đa Hiệu…

      Tác phẩm đã XB: Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi, Thâm Tình, Từ Mẫu, Từ Biệt.


      Nguyễn Lệ Uyên

      Nguồn: Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Thơ Phương Tấn Là Đồng Vọng Những Đau Thương Của Dân Tộc Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Cảnh Cửu Và Sự Cô Đơn Đến Tận Cùng Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Như Mới Hôm Qua Nguyễn Lệ Uyên Hồi ức

      - Gia Tài Của Võ Hồng Nguyễn Lệ Uyên Tham luận

      - Cát Bụi Mệt Mỏi, Bản Giao Hưởng Định Mệnh Của Nguyễn Đức Sơn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Tình Muộn Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn

      - Chinh Ba – Đi tìm tự do qua chiếc xương cụt? Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Bên Ngoài Hàng Rào Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)