|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Lê Thị Ý
“Vùng Trời Dấu Yêu” là tác phẩm thơ thứ tư của Lê Thị Ý sau các cuốn “Thơ Ý”, Saigon (1967), “Cuộc Tình Và Chân Dung Tôi”, Saigon (1972), “Quê Hương Và Người Tình”, Hoa Kỳ (1992).
Về hình thức, cuốn thơ in đẹp, dày khoảng hơn 100 trang với hơn 60 bài thơ và 4 phụ bản.
Lê Thị Ý đã sống tại Việt Nam một thời gian sau 1975 để rồi cũng tìm cách ra đi định cư tại nước ngoài. Trong cuộc sống mới, nói chung là tạm ổn định và thoải mái, nhà thơ vẫn luôn luôn có cùng tâm trạng với đa số các người Việt phải xa quê khác, đó là một cảm giác lạc lõng và quạnh hiu trong cuộc sống. Nhà thơ viết:
“Tháng bẩy ngày đầu tiên
Rót mình ly rượu mạnh
Xua đi cơn muộn phiền
Kiếp tha phương hiu quạnh” (Sinh nhật 1995)
Dù cho cảnh vật nơi xứ người có đẹp đẽ thơ mộng đến thế nào chăng nữa thì nhà thơ vẫn có cùng cái tâm trạng của Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Đó là một tâm trạng phiền muộn, chẳng những chỉ có vào những ngày đặc biệt như ngày “sinh nhật” mà còn dàn trải ra theo thời gian, kể cả những lúc năm cùng tháng tận, vào buổi “giao thừa”:
“Đêm nay thức đợi Giao Thừa
Vườn sau vi vút gió lùa rặng thông
Một trời tuyết trắng mênh mông
Nhớ về quê mẹ cõi lòng quặn đau” (Đêm Giao Thừa)
Những khi lòng người xa xứ cảm thấy “lạnh lẽo” nhất, chẳng khác nào tuyết rơi trắng lạnh nơi xứ người, thì chính lúc đó là lúc nhà thơ thả hồn mơ về quê xưa, gửi tâm tư về những hình ảnh thân thương cũ nơi: “Vùng Trời Dấu Yêu” một thuở nào.
Trong khung cảnh trìu mến “Vùng Trời Dấu Yêu” nổi bật lên hình bóng của người Cha đã khuất. Nhân ngày mà mọi người đều chọn làm ngày thương nhớ về cha, nhà thơ đặt bút viết những vần thơ tưởng vọng về Cha mình:
“Ngày này ngày của cha
Con bây giờ cách trở
Tay ôm cả bó hoa
Nhưng nào đâu bia mộ” (Father’s Day)
*
Bên cạnh hình bóng Cha là hình ảnh thân thương của người Mẹ. Tưởng nhớ về Mẹ nhà thơ viết:
“Từ giòng suối nước trong veo
Bắt nguồn lòng Mẹ con theo ra đời
Nụ hôn hàm tiếu dù tươi
Không bằng môi mẹ mỉm cười đón con
...
Mẹ tôi như một nàng tiên
Mũi cao, mắt sáng, tóc mềm nhung tơ
Dáng thanh, áo mỏng chiều mưa
Nuôi con sữa mẹ sớm trưa nồng nàn” (Mẹ tuyệt vời)
Người con nào mà chẳng cho rằng Mẹ mình là “tuyệt vời”, Mẹ mình là “một nàng tiên”. Bởi thế khi không còn bóng dáng Mẹ nữa thì con đâu còn cảm thấy “thăng bằng trong cuộc sống”:
“Lễ Vu Lan này tôi không có mẹ
Không lên chùa và chẳng được nhận hoa
Những bông hồng mầu đỏ tía thiết tha
Như mẫu tử, tình bền trong trời đất...
Lễ Vu Lan này tôi không có mẹ
Không thăng bằng trong cuộc sống hôm nay” (Lễ Vu Lan)
Ngày lễ Vu Lan con nhìn bông hồng đỏ cài trên áo những người còn Mẹ mà thầm đau xót cho chính mình. Những người không còn Mẹ lặng lẽ cài lên áo một bông hồng trắng, trong lòng tràn ngập nỗi nhớ thương.
Nhưng hình ảnh chính trong “Vùng Trời Dấu Yêu” của bất cứ kẻ xa xứ nào cũng vẫn là cái hình ảnh quê hương đất nước. Quê hương có thể là “câu ru của Mẹ” văng vẳng bên nhịp cầu tre đơn sơ hay con đường làng nho nhỏ với bầy trâu bầy nghé quen thuộc:
“Quê tôi vẫn nhịp cầu tre
Đường làng nho nhỏ, con đê khoét mòn
Trâu buồn thương lũ nghé non
Những ngày thuộc Pháp như còn dư hương" (Câu ru của Mẹ)
Quê Mẹ có thể là lối đi cỏ mượt, cánh đồng vàng lúa, lũy tre êm đềm hay con sông uốn khúc bên bờ đê rực rỡ nắng hè:
“Lối về quê ngoại cỏ mềm
Óng vàng sóng lúa, êm đềm lũy tre
Chiều chiều dạo bước bờ đê
Dòng sông uốn khúc nắng hè thênh thang” (Em về)
Thời gian trôi, ngày tháng trôi, tuổi xuân cũng dần trôi. Chẳng mấy chốc mà đã thoáng qua nửa đời người. Quê hương vẫn biền biệt xa xăm, làm sao lòng người có thể vui. Tóc dần nhuộm trắng mầu sương tuyết, bước chân đi đã run, chẳng biết bao giờ mới có dịp được trở về chốn cũ:
"Quay đi quay lại đã già
Bước run trên tuyết, thoáng qua nửa đời
Còn bao xuân nữa quê người
Và hôm nào sẽ pháo vui quê nhà” (Làm sao chiều thứ bảy vui)
“Thời gian trôi tóc đổi mầu,
Mai về lần nữa nỗi sầu có vơi?
Xứ người tuyết phủ trắng môi
Thân côi run lạnh hay đời bạc đen” (Quê hương ngàn dặm)
Trong “Vùng Trời Dấu Yêu” nhà thơ còn trải rộng lòng mình ra để cùng chung nhịp đập, cùng chung tiếng thổn thức với những đồng bào ruột thịt đang cận kề bên cái chết trên đường vượt biển đi tìm tự do, đó là những “thuyền nhân”:
“Hai mươi năm mất nước tôi
Biển Đông sóng cả có vui có buồn
Trời đêm thả nổi cánh buồm
Mặc đời trôi rạt theo luồng gió xa” (Câu chuyện bên bờ đại dương)
“Từ sông ra biển lớn
Thuyền con như lá tre
Sóng chiều nay dữ tợn
Có mong chi ngày về” (Định mệnh)
“Bao người chôn đáy biển
Biển Đông còn mênh mông
Nước trong xanh đối diện
Thấy mình và hư không” (Chỉ là hư không)
Nhà thơ cũng trao gửi tâm tình mình về những người “khoác áo chinh y” một thuở nào giờ đây đã nằm yên dưới lòng đất mẹ. Nếu có ai đó coi mọi chuyện chỉ như lớp bụi mờ thì nhà thơ vẫn coi đó là cả “một bài thơ đẹp” cho chính mình”
“Chiều này ngang chỗ anh ngồi
Tượng người lính đã mất ngôi bao giờ
Nghĩa trang quân đội bụi mờ
Tiếc thương đẹp ý bài thơ cho người” (Nghĩa trang quân đội Biên Hòa)
Trong lòng nhà thơ những con phố cũ chẳng có thể bị đổi tên, những lá cờ xưa nào có thể bị thay mầu và những người chiến sĩ dù vô danh đâu có thể bị quên lãng:
“Phố xưa đã đổi tên rồi
Dấu xưa đài các một thời Việt Nam
Lá cờ ba sọc màu vàng
Một cơn bão loạn, mây tan cuối trời
Người xuôi người ngược thế thôi
Xem nhau như những con thoi vô tình
Mở trang sử lúc tàn canh
Nhớ anh chiến sĩ vô danh năm nào” (Ngày trở về)
Khi con tim còn đập là con người còn yêu. Bởi thế thờ tình luôn luôn bất diệt trên trái đất. Trong cái “Vùng Trời Dấu Yêu” của mình Lê Thị Ý cũng đã dành cả một khoảng trời mênh mông cho tình yêu. Trong mùa Giáng Sinh tiếng lòng nhà thơ rộn rã:
“Ân trên ban xuống tình thương
Riêng tôi ngoại đạo, bốn phương trời sầu
Đường khuya sương ướt mái đầu
Đêm đông kỷ niệm là câu chuyện lòng” (Giáng Sinh)
Nhưng tình yêu như một thứ trái đắng, như tiếng rạn vỡ của lá khô dưới bước chân người, như cánh hoa rơi rụng trong nắng nhạt:
“Bước trên đường phố một mình
Nhớ đường Thiện Thuật mối tình dở dang
Vô tình đạp chiếc lá vàng
Tiếng khô khan vỡ thời gian chuyển hình” (Nghĩa trang quân đội Biên Hòa)
“Trên trời tinh tú đổi ngôi
Địa cầu nhạt nắng hoa rơi lìa cành
Và em thiếu bóng dáng anh
Mất quê hương, mất người tình dấu yêu” (Tìm anh)
Tuy cuộc tình có thể dở dang, dở dang vì duyên số, dở dang vì đôi bờ sinh tử nhưng chẳng thể dang dở trong lòng người chung thủy:
“Thứ hai ngày của chiến binh
Dâng hoa để nhớ vong linh người tình
Quê người nắng ngọc lung linh
Nắng soi cành tía, soi mình lẻ loi” (Memorial Day)
Lâm Ngữ Đường đã cho rằng với người Trung Hoa thơ đã thế vai trò của Đạo. Thơ văn Trung Hoa chính là một cách sống Đạo của người Trung Hoa vậy. Thơ là một cách sống Đạo hay là một phương thế giúp người đông phương sống Đạo, hành Đạo và hoằng Đạo vì thơ là phương tiện giúp cho con người “hòa” dễ dàng nhất với đối tượng. Tình Đạo không chỉ xuất hiện thấp thoáng trong tình Đời mà lắm khi tình Đạo còn thay thế cả tình Đời.
Có lẽ cũng trong cái tư tưởng đó mà Lê Thị Ý đã tìm về tôn giáo của chính mình. Đó là Phật Giáo. Phật Giáo đã trở thành một dòng suối tươi mát cho tâm hồn con người, nhất là những lúc cuộc đời gặp “sóng gió” nhất:
“Bỗng từ xa con thấy
Hào quang bóng Phật Bà
Cúi đầu xin một lạy
Giông bão rồi sẽ qua” (Định Mệnh)
Đạo Phật đến với cuộc đời bằng tình yêu cho nên sống với tình yêu thì con người cũng như nhà thơ sẽ gặp Đạo Phật. Thất vọng với tình đời trong cõi “trần tục” con người nói chung cũng như nhà thơ nói riêng thường quay về với tình Đạo. Chính trong cái tình Đạo đó mà Lê Thị Ý cảm nhận được sự “hợp tan” của cuộc sống:
“Bây giờ tô lại màu son
Quên trong năm tháng đưòng mòn không anh
Cũng như trăm vạn cuộc tình
Hợp tan theo đám mấy xanh lưng trời” (Xuân về)
Cảm nhận được cái lý “vô thường” của Đạo Phật, cái “sinh tử”, “đi, ở” của kiếp người khi nhớ về một người bạn thơ cũ đã khuất bóng:
"Đành như tất cả vô thường
Mà sao đi, ở vấn vương đôi đường
Người thơ xưa rất đoạn trường
Lầu thơ hoang lạnh nắm xương tro tàn” (Thăm quê hương nhớ Tuệ Mai)
“Người đã đi rồi, ai cũng đi
Mây xanh, xuân mộng có chu kỳ
Lá non thôi cũng tàn theo tháng
Dẫu biết, sao còn lệ ướt mi” (Như ngọn đèn về sáng)
Nhà thơ nhận thức rõ ràng cuộc đời này chỉ còn là một “cõi tạm” hoàn toàn giả tạo, đầy những “hư vô”:
“Phương trời biền biệt tháng năm
Sầu tôi sóng nước lăn tăn mặt hồ
Này cõi tạm nọ hư vô
Xoay quanh vẫn một bàn cờ trẻ thơ” (Hà nội 96)
Người ta thường quan niệm rằng “Thơ là một lối sống, một lối nhận thức, một lối dùng ngôn ngữ, âm điệu để diễn tả tâm tư tình cảm riêng. Nhà thơ có thể là một kẻ buồn bã cô đơn, nhưng thơ không thể nào tồn tại trong cô độc. Thơ không phải là một cách độc thoại mà phải là một cách truyền đạt kinh nghiệm cho tha nhân. Thơ cần có sự thông cảm và thưởng thức của người đọc. Giá trị của thơ là ở chỗ này. Cái nền của thơ là cảm xúc, một cảm xúc thành thật”.
Nếu đồng ý với quan niệm trên thì người yêu thơ lại nhớ đến phần cuối tập thơ “Cuộc tình và chân dung tôi” của Lê Thị Ý (xuất bản tại Saigon năm 1972) có 10 bài “Thương ca”. Nhạc sỹ Phạm Duy đã chọn ra bài “Thương ca” đầu tiên để đem phổ nhạc vào năm 1971 (khi thơ chưa được xuất bản) với tựa đề là “Tưởng như còn người yêu”:
“Ngày mai đi nhận xác chồng/say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh/cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ /như môi góa phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn/say đi mà tưởng như còn người yêu
... Bây giờ anh phủ mầu cờ /
Em không nhìn được xác chàng/Anh thêm lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng /Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu”.
Lời thơ của Ý, lời ca của nhạc Phạm Duy xưa như còn mãi mãi văng vẳng trong lòng người, trong tâm hồn kẻ yêu thơ, yêu nhạc. Phải chăng Lê Thị Ý đã được coi là thành công ở điểm này. Thơ Lê Thị Ý đã là những âm thanh nấc nghẹn, đã đóng góp thêm ít trang vào cuốn từ điển ghi lại mọi nỗi thống khổ của con người, của chiến tranh.
Hồ Trường An trong “Thông Điệp Hồng” đã viết những nhận xét sau đây về thơ Ý: “Lê Thị Ý là nhà thơ tình yêu. Thơ của chị như vương vấn một lớp bụi mỏng của T.T.KH... chị đã gây một phong trào tái dựng lại thơ tình yêu kiểu T.T.KH., và số độc giả say mê loại thơ tình lãng mạn không phải là ít”.
Lời nhận xét trên tuy chính xác nhưng thiết tưởng cần phải nói thêm về tình yêu, nhất là tình yêu kiểu “quằn quại” như T.T.KH., mà còn trải rộng ra cả một “Vùng Trời Dấu Yêu” rộng lớn bao la khác.
Xuân Diệu cho rằng thi sĩ chỉ là “một con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi”. Người nghe có cảm tưởng thơ là một cách trốn thực tại và trong cuộc đời này nhà thơ chỉ là một người xa lạ giữa loài người xa lạ.
Thật ra nhà thơ không phải là kẻ vi phạm tội mà bị “phát vãng” từ thiên cung xuống dưới trần thế này. Nhà thơ là một con người và đối tượng của thơ, chất liệu tạo ra thơ chính là cuộc đời, là quên là nhớ, là thương là ghét, là vui là buồn...
Lê Thị ý tuyệt nhiên không phải là một con chim đến từ núi lạ và nhất là không cất tiếng hót chơi. Lê Thị Ý không hót chơi, không giỡn chơi với các hình ảnh thân thương trong “Vùng Trời Dấu Yêu” của chính mình, đó là những người thân yêu như cha, mẹ, như quê hương đất nước, như đồng bào thân thương đang quằn quại trong cuộc sống tại quê nhà hay lênh đênh trên biển cả một thời nào đó, không giỡn chơi với thân phận tù đầy của các người lính chiến thân hữu của mình và nhất là không bỡn cợt với hình ảnh yêu dấu của tình yêu, dù là Tình yêu không trọn vẹn của chính mình cũng như tình yêu dang dở của người.
Thơ của Ý là tiếng nói của lòng người, là cảm xúc chân thành, là cái ước vọng của con người muôn thuở. Là sự thủy chung. Thủy chung từ cách dùng từ ngữ, chọn đề tài cũng như chọn thể thơ, hình thức thơ. Thật vậy trong tập thơ mới này Lê Thị Ý đã sử dụng thể thơ “lục bát” trong hơn 2/3 số bài thơ. Một thể thơ thuần túy Việt Nam, tràn đầy tình tự dân tộc, văng vẳng như những lời ru của Mẹ hiền bên con yên ngủ.
- Bóng Dáng Đà Lạt Trong Thơ Nhất Tuấn Ngô Tằng Giao Nhận định
- Đọc Thơ Lê Thị Ý “Vùng Trời Dấu Yêu” Ngô Tằng Giao Nhận định
• Đọc Thơ Lê Thị Ý “Vùng Trời Dấu Yêu” (Ngô Tằng Giao)
• Lê Thị Ý – Người Tình Muôn Thuở của Lính (Anh Thư)
Thơ phổ nhạc – “Tưởng Như Còn Người Yêu” (dotchuoinon.com)
Thơ trên mạng:
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Trang Thơ (Phù Sa Lộc)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |