|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Hoài Ziang Duy
Hoài Ziang Duy, theo như phần tác giả tự giới thiệu, anh là người làm thơ rất sớm và đồng hành cùng nhiều anh em khác, đặc biệt ở Châu đốc, quê nhà cuả anh. Những Ngô Nguyên Nghiểm, Mặc Lan Hoài, Phạm Yến Anh, Lưu Nhữ Thụy, Nguyễn Thành Xuân…
Gia nhập quân đội và cũng đau niềm đau chung đất nước. Tù đày và bỏ nước ra đi. Xứ người, tâm trạng ray rức, cuộc sống mới đầy những thử thách, và ở anh, khám phá một lối suy nghĩ rất xác thực.
“Từ em tay phố ngỡ ngàng
Từ Hoa thịnh Đốn đem Sàigòn sang
Điệu hò câu hát ngổn ngang
Điệu oan trái khúc điệu tràng tịnh thân
Bước qua phấn bụi hồng trần
Mặt xúc xắc đổ mỗi phần an cư
Dẫu xoay vòng vận bù trừ
Bề trong, mặt trái kẻ thù chính ta”
(Ngày tôi lạ mặt trang 10)
Mùa xuân nơi đất khách đã được nhiều qúi thi nhân miêu tả và qua cá nhân anh nỗi rung động được thể hiện bằng “môi mềm tỉnh say”, cũng là lẽ thường hằng, nhưng nỗi dằn dặt một bóng dáng quê hương ngàn dặm vẫn trĩu nặng trong lòng:
“Nghe câu chúc tụng ươm lời
Quê hương dáng đứng một thời để yêu
Ngàn tay mộng giấc đăm chiêu
Xuân nay bến vắng đò chiều hỏi thăm
Gọi người một tiếng trăm năm…”
(Bài lục bát đêm xuân trang 11)
Tác giả băn khoăn, đặt cơ hồ không biết bao nhiêu câu hỏi:” Tâm nhân ái thiên đường đóng cửa, sông sâu cạn lắng, đại bác xưa đâu tiếng nghẹn lời, nụ tầm xuân gieo mầm khổ hạnh..”, những dòng tư tưởng chảy miên man trong trí óc còm cõi của tác giả:
”Cứ giả dụ ta làm Từ Thức
Nhớ quê hương lội xuống hồng trần…”
hoặc hoang tưởng rất đổi:
“Phải không em ta còn tổ quốc?
Bỏ quên đâu chẳng thấy đem về
Em có nhặt nửa hồn sỏi vỡ
Ném lại gần đánh thức quê hương”
(Nụ tầm xuân trang 12)
Vẫn chung dòng chảy quê hương, có khác chăng hình ảnh nơi chôn nhau cắt rốn qua vị trí địa lý, nhân văn, tôn giáo của mỗi miền:
“Ta đi bỏ lại quê nhà cũ
Nước đổ bạt ngàn trăn trở nhau
Chẳng hay em nhớ cơn cuồng nộ
Đổ xuống âm thầm gương vỡ đau”
Hay so sánh cùng với đất mới quê người, một nơi cửa nhà luôn luôn đóng và một nơi lúc nào cũng rộng mở:
“Đường hẹp quê nhà ta bắt nhớ
Cuộc đời ai hát nhịp cầu tre
Hôm nay đường rộng quan san bước
Then cài ai khép đứng ngoài khe”
(Đã lỡ cơn đau ngày bóng xế trang 15)
Năm cũ trôi qua, chiến chinh đã tàn, như ước mơ của một người thơ của thập niên sáu mươi:” Em ơi ngựa đã xa bầy- Chiến chinh rồi cũng có ngày sẽ tan- Mặc Yên Thùy”. Nhưng tan như thế cuộc này, đã gây thương tổn cho con người, lúc nào cũng suy tư, mẫn cảm như anh thì thật là oan khiên, nghiệp chướng:
“Nghe tiếng mưa tưởng chừng ai vuốt mặt
Thổi qua đời hạnh phúc đã xanh thêm
Căn nhà dọc nhiều gian ta nằm đất
Chật bề lưng mà rộng lấy tình người
Để mai đó khi tương lai đứng dậy
Đổi tự do ta thêm có nụ cười..”
Câu thơ làm xao xuyến hồn người. ”Chật bề lưng mà rộng lấy tình người.”
Vẫn ai hoài xót xa như Trần Hoài Thư, nhớ những người chiến hữu đã buông tay đâu đó ở một vùng quê Bình Định hay suối rừng Tây Nguyên hoang vu. Ở Hoài Ziang Duy, thân tại ngục trung mà:” Đêm ba mươi ta ngồi nhớ nước- Hồn tịnh tâm sâu lắng xích xiềng- Chén trà thơm tình gìa vị ý- Nước đâu còn cạn nỗi oan khiên”.
Mùa xuân của tác giả, buồn, đau lẫn lộn, dài như đêm ba mươi tối tăm, chờ ngày mai tươi sáng đúng nghĩa, vẹn tình.
“Đêm ba mươi bao người bỏ nước
Bỏ lại phần vị quốc vong thân..”
(Ta nhớ dùm nhau đêm ba mươi trang 17)
Và bâng khuâng tư lự:
“Nỗi buồn sợi tóc chẻ thưa
Ngồi đây dựa gốc tuổi trưa ngóng về..”
(Rừng xưa đã khép trang 19)
Tác giả trăn trở, và dường như chỉ tâm sự với chính mình, một con tim khổ nạn trong bể dâu đời: ”Như chuyện kể, tích xưa- Không có kẻ thắng người thua- Chỉ là tuồng bỏ cuộc- Từ bài học phẩm gía chiến tranh- Không có phần tiết hạnh”- Đêm bến sông xưa trang 20).
Tâm tình ấy được thể hiện rõ nét trong bài “Tự tình khúc trang 22”:
“Khi nói ra nhận mình người nước Việt
Chỗ trú chân vẫn lạc địa chỉ buồn
Cảm ơn đời chỗ dung thân lớn
Nhưng nhỏ nhoi tội lấy cội nguồn
Ta bán nầy
Tim mất nước…”.
Nỗi u uất của tác giả chùng nặng tưởng như không bao giờ đặt xuống được. Đi có nghĩa là rời xa một điểm và đến một nơi nào, theo tác giả ví dụ qua toàn bài, tưởng như những hình nhân chuyển động trong cuộc sống. Phương thức đi cũng được tác giả trình bày thú vị như ”đi nghĩa là đứng lại, đi bằng hai cẳng ngược, đi làm thi sĩ, sư ôm bình bát, lưng bà chùn bước, từ em vạt nắng chân son, trẻ thơ bước…”. Nhưng trong bước đi ấy vẫn mang nỗi nhớ trong lòng, một không gian mộng tưởng nào đó, một cuộc chia ly khởi thủy từ nguồn cội dân tộc:
“Đi di tản là đi tản mạn
Hành trang mang chỉ một chữ đi
Ngó thấy không gian ngồi phía trước
Sao trời chung mệnh chiếu Thiên di
.
Đi bỏ nước ca câu mất nước
Lễ nghĩa xưa quân tử gánh gồng
Trứng trăm con nở tràn bọt nước
Mới hay sĩ khí thổi ngoài sông”
(Đi trang 25)
Một ý tưởng lạ, đẹp hay là một mối tình vụng dại của thời thơ ấu, khoảng không gian có áng mây trôi, con hẻm nhỏ ngày hai buổi đi về. Thế sự đổi dời,tình cờ chân bước qua cảnh cũ, một đêm nào thao thức:
“Chị a, bây giờ em mới khóc
Chị khóc dùm em sông nước trôi
Như thể đùm nhau tình khổ nhọc
Một nén hương thơm lạnh chỗ ngồi.”
(Chị trang 27)
Cũng không thể không nhắc đến nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà trong thi tập ”Hoa trắng thôi cài trên áo tím” với những câu gợi nhớ đến vùng quê của Hoài Ziang Duy:
“Năm nào thiếu áo không mùng ngủ
Nhớ đến bàn tay gái Thất Sơn
Len lỏi nhổ bàng đươn đệm nóp
Mặc cho tiếng súng vọng bên đồn
.
Qua muà nước nổi vùng Châu Đốc
Nhớ lá Cà Mau, nhớ lóng tre…”
(Đẹp Hậu Giang)
Ở tác giả, tình tự khúc chiết hơn,vì là hơi thở của con người Hoài Ziang Duy trải dài theo năm tháng thăng trầm cuả đời sống. Những gió Cầu Quan, Bồ Đề đạo tràng ngay giữa lòng thành phố, như một biểu hiện rõ nét màu sắc tôn giáo của dân miền Tây, đặc biệt Châu đốc là nơi huyền nhiệm, phát sinh ra nhiều tôn giáo.
“Một thuở mỗi ngày ta đón đợi
Đò chuyến Cồn Tiên, áo trắng sang
Cắn táo Châu giang cười ngọt tiếng
Ai xô câu hát điệu tình tang
……………
Điên điển vàng bông mùa nước nổi
Nhớ dòng An Phú, tủi lòng thương
Nhớ đất Vĩnh Ngươn, trời hiu hắt
Nghe tiếng buồn rơi, rụng cuối vườn
.
Mỹ Đức hẹn muà thơm nhãn chin
Châu Phú đi về rợp bóng nghiêng
Lụa, lảnh Tân Châu còn khép nép
Mía, đường thốt lốt tỏ lương duyên
.
Ở đỉnh núi Sam mây ngó xuống
Em giấc trưa nồng gió Tịnh Biên
Cốm giẹp Tri Tôn mềm điệu múa
Trăng chở đêm rằm buổi chợ phiên…”
(Bài tình nhân xưa trang 29)
Như những lời vỗ về, nâng niu đời nhau trong cuộc sống, nhẹ gót thăng trầm,để thấy đời còn bao dung:
“Sáng thức dậy
Đứng lên từ quá khứ
Chỗ em nằm là chỗ trống đời ta
Chiều hôm qua nắng tìm chim bỏ xứ
Trong mắt em giọt nước đọng bên nhà”
(Thương lấy đời nhau trang 32)
Những câu: ”Mưa hay nước mắt hai hàng- Mưa trong hồn lục bát trang 36“ đến “Trời tháng tư buồn cho cả năm- Ai nhủ lòng đau trang 37”, nỗi đau se sắt nhẹ nhàng đến “Như là như thế nào trang 38”, cơn đau bật thành tiếng khóc, như một bức hoạ sống, vẽ vời muôn cảnh trạng đau lòng, quyện trong những thanh âm buồn tưởng chừng không rơi rớt một tiếng nhạc hân hoan:
“Như là như thế sao
Ngày vỗ tay hoà bình
Đêm hoan hô ly tán
Mẹ khua giòng nước mắt
Thắt lấy ruột gan”
Hay đắm hồn trong lời tụng niệm “Qua đi qua đi, bên kia bến bờ, qua đi qua đi”… Cuối cùng, tác giả vẫn không tin vào hiện thực phô bày:
“Như là như thế sao
Cứ phải tưởng không là như thế”
Tác giả,dường như, mà nỗi bi thiết siết chặt từng sợi dây thần kinh, máu tim cũng co thắt từng cơn” Thành sầu khổ sao phá vẫn không tan” và “Sớm hôm nay, ai xuống phố ngỡ ngàng- Chung cây cỏ,màu hoa thay sắc lạ”. Sự từ khước một hiện thực đớn đau vẫn vây chặt lấy mình, tác giả vô hình chung như lạc loài vào cõi âm ty địa ngục, một chấp nhận không thể khả thi cho tác giả vào giai đoạn đen tối này:
“Ta thấy em
Người không quen ngồi khóc
Ghế đá buồn cũng thương xót bâng quơ
Người thân quen trở thành mặt lạ
Người không quên sao gần gũi vô cùng
Phải thế không
Người mang đôi nạng gỗ
Đong đưa mình, chân bỏ ở rừng xưa?”
(Cơn thao thức mù lòa trang 43)
Tác giả có những câu lục bát dễ thương như ”Chỉ một mình ta trang 52- Khóc đi câm nín nỗi lòng- Môi khô mắt nghẹn bềnh bồng thời gian- Chén ly bôi vỡ hồn tàn- Nghe khua phố cũ muộn màng gót đêm..” Hoặc quấn quit bên nhau trao đổi chút ân tình: ”Dấu sao hương lửa ngọc ngà- Lối đi dưới lá đời thà như mưa- Lối đi dưới lá đời thà như mưa trang 53). Có thể đây là những vướng mắc trong lòng tác giả, nên Hoài Ziang Duy chọn bài thơ này làm nhan đề cho thi tập.
Nội tâm tác giả luôn luôn mâu thuẩn, những ngày hạnh phúc, yên ổn quê người, lại thấy xót xa thời khốn cùng ở quê hương, lúc xa rời lửa đạn lại nghe nằng nặng nỗi trách hờn bản thân với tâm tình vong quốc.
“Đâu phải nầy sông Dịch
Đâu phải làm Kinh Kha
Mới biết đời mưa bụi
Mới biết đời lẻ loi
Của tình ta dậy sóng
Của biển chiều bâng khuâng
Của đời ta tráng sĩ
Tráng sĩ hề buồn tênh”
(Nỗi buồn Kinh Kha trang 59)
Trong “Hoà bình giã biệt trang 60”, tác giả sầu quay quắt trong vòng kẻm gai, ôm bóng mình cô độc, chí cao mà canh tàn chiếu lụn. Chẳng lẻ không có lối thoát, và an phận kiếp đọa đày. Hoài Ziang Duy hẳn phải nhớ những ngày chiến đấu gian khổ, nhưng có tình chiến hữu, có không khí tự do, cũng xuôi ngược từ Chương Thiện về giải tỏa cho An Lộc vào mùa hè đỏ lửa 1972. Đoạn video này được tác giả lưu giữ như một sử liệu qúi gía vô vàn cho đời chiến đấu cuả anh.
“Chập chờn cơn thức mới
Sống là say hay tỉnh mộng thực đời”
“Đêm mơ từ tiếng nổ” quả là một giấc mơ hiện thực của tác giả, trong đó tình ngưới đứng dậy theo cùng nỗi vui lan tỏa mọi miền đất nước:” Đã sáng lên- Đời hân hoan bước mới- Pháo nổ cao pháo chụp trời tỏa sáng- Ngẩng cao đầu chờ buổi vinh quang”. Tay trong tay reo hò như buổi mai dựng cờ chiến thắng:
“Đường thênh thang trăm nẻo
Rủ nhau cười
Sống một thời bằng một phút sống
Hôm nay
Ôi nước mắt
Phúc ơn đời sung sướng”
Hòa bình đến, cho trẻ thơ những nụ cười, chân tung tăng trên đồng lúa hay bên lũy tre làng, em rạng rỡ môi cười ôm nhành lúa mới, quên đi những ngày nắng xế, những đêm buồn, những đau thương tai kiếp. Ôi cả một trời dấu yêu bừng dậy đón gió tự do. Và nghe tác giả hân hoan đi nối lại tình người,sau những năm bị ngủ quên, bị trói buộc trong thời hoàng hôn nhân thế:
“Thắp lại
Khuôn mặt em hiền dịu nét thanh bình
Môi chúm chím làm lòng anh bắt nhớ
Lún đồng tiền đôi má đỏ
Tự do”
(Hoà bình giã biệt trang 63)
Trường khúc này cuả tác giả như một lời hiệu triệu khích động mọi người tham gia cho ngày hội lớn. Tâm hồn tác giả rung động dạt dào và ước mơ như biển rộng sông dài của ý nghĩa tự do.
Sáu năm trong vòng lao lung, tác giả buồn sâu kín. Nhìn buổi chiều đang chết và đêm thản nhiên trêu ghẹo nỗi xót xa của mình, cũng như chiêm nghiệm nỗi cay đắng về tình bạn đồng minh. Hoài Ziang Duy đã có những ưu tư sâu thẳm, và giọt lệ của anh nếu có là những giọt lệ tiễn đưa hồn người về nơi miên viễn.
“Sáu muà đông trên một chiếc xe tang
Đi qua một nghĩa địa buồn
Của những lãng quên
Bởi niềm tin ở người cùng chủng tộc
Sống bằng lời lừa dối ngụ ngôn”
Do đó, đất nước tác giả rơi vào những hệ lụy, tang thương cùng cực. Đó hẳn phải là nguyên nhân khiến chàng gần như lúc nào phẫn hận:
“Những khu trại tập trung
Của chiến tranh và hòa bình
Hoà bình không chung cùng lý tưởng
Chiến tranh ý thức mà không cùng ý thức
Sống bên nhau mà đau xót hận thù”
Và cuối cùng tác giả cảm hoài:
“Bởi tự do là cuộc đời hai ngăn kéo
Giữ tự do trong cuộc sống tự do
Trên quê hương mà lòng không gần gũi
Bởi bên lề đâu thấy dáng thân quen”
(Sáu mùa đông trên một chiếc xe tang trang 73)
Như một lời trần tình tha thiết gởi người bạn đồng minh trên quê hương Việt Nam nhục nhằn, khổ nạn. Chúng tôi mở vòng tay chào đón sự trợ giúp của các bạn trong hy vọng quê hương chúng tôi sớm có thanh bình. Cùng lúc đó, các anh cũng mang vào những hệ lụy của xã hội cùng nhịp nhàng với cường độ chiến tranh gia tăng: ”Với cuộc tình vung vãi rớt rơi – Building đường phố, mìn nổ không thưa”.
“Dân tộc này và ngôn ngữ đó
Níu bàn tay chẳng nắm được bao giờ”
Hay của một tương lai vô định:
“Mỗi chúng ta nhận cho mình hướng sống
Chết là cười một lúc-thảnh thơi”
(Nói với người bạn đồng minh trang 81)
Tâm trạng của những người con nước Việt, ưu thời mẫn thế, nhất là đang ở giai đoạn cầm súng, cách suy nghĩ do đó cũng chân thật, rộng mở hơn.
Trong “Mưa bay trong đời trang 82”, tác giả có những câu thơ nhẹ nhàng: “Yêu đã bao chiều vẫn thấy yêu- Ngàn năm mưa vẫn nói trăm điều- Bâng khuâng nghe chút tình chăn chiếu- Ai lấp ban đầu nỗi tịch liêu” hoặc cùng âm điệu tha thiết trong “Bàn tay mùa đông trang 83”:
“Thôi mỗi phận người một cảnh riêng
Bàn chân của gió dậy ưu phiền
Em thưa bước dạ như tằm gởi
Trang điểm cho tình mặn mối duyên”
Và trong “Bài ru Phương Thảo trang 84”, tác giả ngậm ngùi trong thân phận loi lẻ, mồ côi:
“Với đây kỷ niệm ôm nhìn
Tôi trong tôi khóc còn hình dung tôi
Đây em còn nửa vành môi
Còn tê tái lạnh đời trôi nổi,buồn”
Hoặc sầu cảm gặp một người: ”Kiếp ca cầm che dấu lấy niềm đau”, hồn thơ rung những cung bậc xót xa:
“Nên dù hát cho nguôi dần thương nhớ
Trăm con buồn rủ đậu chốn đời sang
Thân con gái nay cười ra nước mắt
Ôi ngàn thu lỡ mấy phiếm tơ đàn”
(Ngọt ngào hương phấn trang 87)
Chặng cuối cuộc đời được tác giả phác thảo: ”Nấm khô đất lạ đen già tuổi đơn”, lòng vẫn nhớ về phương Đông với cuộc tình thanh xuân:
“Này nghe chim ngủ trong hồn
Giọng thơ lục bát đã xôn xao về”
(Hồi cuối trang 88)
Nằm trong định luật chung của kiếp người, tác giả an nhiên: ”Nắm đầu dây thòng lọng- Tự tròng cổ lấy mình”. Hãy chấp nhận những gì xảy ra cho đất nước, hãy âu lo thắp sáng cuộc sống mình. Bởi ước nguyện của tác giả như mây cao, biển rộng, vẽ ra một chân trời mới, một vận hội mới cho quê hương đã tàn lụi theo bụi thời gian:
“Đã chọn trên ngón tay mình phần số muộn
Dẫu có buồn rầu vô hạn
Lãnh đạm với rừng lau
Tội tình ta đốt đuốc
Hủy diệt lấy riêng mình”
(Về chốn bình yên trang 91)
Trong “Lối đi dưới lá đời thà như mưa”, Hoài Ziang Duy đã dành gần hơn nửa thi phẩm diễn đạt tâm trạng đớn đau, ray rức, đôi khi u uất về một quê hương bị “đóng cửa“ rất chân tình và cũng rất tội tình. Nỗi lòng ấy, nếu không phải phát xuất từ tình yêu đất nước đậm đà và trách nhiệm ân cần của người cầm súng, giữ đất, an dân. Chúng ta xem lại những tựa đề: ”Đã lỡ cơn đau ngày bóng xế, Ta nhớ dùm ta đêm ba mươi, Đêm bến sông xưa, Như là như thế sao, Nỗi buồn Kinh Kha, Hòa bình giã biệt, Sáu mùa đông trên một chiếc xe tang,Nói với người bạn đồng minh...” là những nỗi niềm, vết đau,đay nghiến hồn tác giả khôn nguôi.
Dù tác giả đã phân chia rõ ba phần chánh trong thi tập: Phần một- Quê hưong, phần hai – Vó bụi chiến trường, phần ba- quê người, nhớ lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy ẩn hiện, rải rác trong thi tập, vì sao anh bỏ súng và vì sao anh rời quê hương.
Theo thiển ý chúng tôi, tác giả là một người đã dâng hiến trọn tâm hồn và thể xác mình cho quê hương rất tận tụy, một người mà tâm sự lúc nào cũng canh cánh: ”Ta đuổi bước- Cuộc hôm nay tiếng nổ đời hẹn ước “để hoài vọng: ”Nay đã tỏ- Hoà bình ơi thánh thót...”.
Thơ anh như chất cà phê quánh đặc, khi thưởng thức, chúng tôi chỉ thấm giọng qua vị giác, khoan thai, từ tốn, bởi hồn anh say ngủ trong thơ, kết tinh thành những mạng nhện buồn, hận mênh mang…
Tập thơ do Thân Hữu xuất bản năm 2007
Tranh bìa: Nguyễn Quốc Tuấn
Trình bày & Lay out: Nghiêu Minh
Ấn loát: Huỳnh Thị Bé Năm
Dec-2013
* (Đây chỉ là cảm nhận riêng tư cuả người đọc thơ viết về một người thơ. Mong qúi bạn đọc thông cảm nếu có gì sai sót).
- Hoài Ziang Duy: “Con Mắt Trần Gian Thao Thức Mỏi“... Lâm Hảo Dũng Nhận định
• Hoài Ziang Duy: “Con Mắt Trần Gian Thao Thức Mỏi“... (Lâm Hảo Dũng)
Trò Chuyện Cùng Nhà Văn Hoài Ziang Duy
(Lương Thư Trung)
Đọc Tập Truyện Ngắn Bốn Ngàn Năm Chen Lấn của Hoài Ziang Duy (Nguyễn Thị Hải Hà)
Giới thiệu "Còn Không Chốn Quay Về" của Hoài Ziang Duy (Bích Nga)
Hoài Ziang Duy, Biểu Tượng Một Văn Phong Hiện Thực Đầy Sáng Hóa (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Rất Gần Mà Cũng Rất Xa (Hoài Ziang Duy)
Bài viết trên mạng:
damau.org, sangtao.org, hung-viet.org
- Tiếng cười “bởn cợt” trong thơ Nguyễn Nam An
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |