|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Đoàn Xuân Thu
Đoàn Xuân Thu, là tác giả mới đến với Thất Sơn Châu Đốc vào những ngày cuối tháng 10 năm 2008, vậy mà ông đã có 36 bài thơ trên trang nhà này. Điều đó cho thấy Đoàn Xuân Thu chuyên chú làm thơ hơn là viết văn dù ông có vài ba bài tùy bút ngắn vẽ nên nỗi niềm của mình qua những chặng đời.
Theo tiểu sử ghi ở phần “vài hàng về tác giả”, Đoàn Xuân Thu còn rất trẻ. Ông sanh năm 1951, tại Mỹ Tho; quê nội gốc người Chăm vùng Châu Giang. Thuở nhỏ học trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) và Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn). Ngoài ra, được biết ông có học Đại học Văn Khoa và Sư Phạm Cần Thơ, rồi dạy học, đi lính và làm thơ như bao chàng trai ngày ấy nhiều mộng mơ một thời lãng mạn.
Trong một bận hành quân ngày cũ, lúc tác giả mới chập chững quân hành, nhưng cũng nhận ra đời lính mong manh với khói thuốc lung linh vào một buổi chiều mưa ướt đồng bằng Tân Phú Trung vùng Bình Đại, Bến Tre :
“Chiều! chiều mưa nhiệt đới đẫm đồng bằng,
trùm kín poncho về Tân Phú Trung
giọt ngắn, giọt dài xuôi triền nón sắt
bàn tay che khói thuốc đời mong manh.”
(Tân Phú Trung)
Nhóm chữ “đẫm đồng bằng”, “xuôi triền nón sắt”, “đời mong manh” làm cho câu thơ lắng xuống, ý thơ mang mang và tứ thơ có thần hồn khiến người đọc dễ đồng cảm cùng những suy tư và nỗi niềm của tác giả.
Rồi người lính trận ấy cũng như bao chàng trai trẻ ở tuổi đôi mươi của thời chinh chiến cũ ấy khi bước vào đời là họ mang trong lòng cả một thời yêu dấu thiết tha với những mối tình rất lãng mạn mà chơn thật, rất ngọt ngào hương vị nụ hôn đầu, mà mỗi mảnh đời phiêu lãng nào mà không qua một lần những nụ hôn đầu thân ái ấy:
“Vườn măng cụt em đưa ta qua
trái chín đầu mùa, em chia ta một nửa.
vị măng cụt, nụ hôn đầu hai đứa
ngọt hóa đời ta, bớt những đắng cay.
Vườn măng cụt em đưa ta qua
trái chín đầu mùa, em chia ta một nửa.
múi măng cụt, một vầng trăng, vằng vặc
dõi theo ta trong đạn lửa quê nhà.”
(Măng cụt)
Chia nhau nửa trái măng chin ngọt ngào như chia nhau nụ hôn gói trọn tình nồng, người con gái vườn măng ngày ấy như cánh hoa đời tươi đẹp để cánh bướm Đoàn Xuân Thu cột chặt hồn mình với hương đồng cỏ nội ấy mãi mãi những ngày :
“Vườn măng cụt em đưa ta qua
trái chín đầu mùa, em chia ta một nửa.
mủ măng cụt giữ chân con bướm dại
từ phương nào sao lại lạc đến đây?”
(Măng cụt)
Nhưng thực tế dòng đời, nếu chỉ có thế, tức là yêu nhau rồi gần nhau và sống bên nhau trọn kiếp thì thi sĩ làm gì có những bài thơ bất hủ như “Hai sắc hoa tigôn” của TTKH, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, và nhiều bài thơ khác trong vườn hoa văn học. Thế nên, Đoàn Xuân Thu cũng có cách trở và chia lìa cuộc tình lãng mạn nơi vườn măng cụt vào những mùa binh lửa cũ:
“Thôi vĩnh biệt em! vĩnh biệt vườn măng!
ta lại băng mình trong sóng gió
vườn măng cụt: mối tình đầu ta đó
xót tình ta, vận nước chẳng dài lâu
trúc mai chẳng được bạc đầu với nhau.
Nhớ mùa măng chín càng đau!”
(Măng cụt)
Trong một đoạn thơ khác, tác giả hé lộ cho người đọc một cách nhìn đời gần hơn về tuổi trẻ và chiến tranh, về chiến tranh và hòa bình, về chết và sống bằng những suy tư rất gần với dấu binh lửa mà rất sâu sắc trong nghĩa lý của đời sống :
“Ta, đời lính, cạn ngàn ly rượu đắng
hiệp định Paris; ngày mai ngừng bắn?
chiến tranh? hòa bình? chết? sống? hư không!
buồn chi em! vạn thọ đã vàng bông!
Trời cuối năm, giáp tết,
sống sót đã là may!
ly rượu này, cạn hết
cùng ta say đêm nay.”
(Cùng ta say đêm nay)
Khi dòng đời trôi, với người chân lắm tay bùn, người ta chỉ lo làm lụng cày bừa có lấy miếng cơm, họ ít mơ mộng; nhưng với tâm hồn nghệ sĩ, tác giả không khỏi bồi hồi ngồi nhớ lại tuổi đi học ngày nào. Những tà áo trắng của các cô nữ sinh trường trung học Nguyễn Đình Chiểu dịu dàng mà thanh khiết ấy là những bóng hình của một thời chôn chặt trong lòng khi chuyến tàu ra khơi rời xa bến phà Rạch Miễu mà hồn tác giả vẫn không nguôi tưởng nhớ khi chợt nhớ về một chuyến vuợt biển ngàn trùng:
“Nguyễn Đình Chiểu của thời áo trắng,
Mỹ Tho mình- sớm nắng, chiều mưa.
súp lê xa bến phà Rạch Miễu,
chung thủy Mỹ Tho, em vẫn chờ.”
Lạc Hồng, cây đa đà trốc gốc,
trôi rồi ra biển tuổi xuân anh.
cái thời tuổi trẻ anh yêu dấu,
đã chết lâu rồi bởi chiến tranh.”
(Mỹ Tho)
Để rồi có một bận ngồi nơi một bến bờ xa nào cách dòng sông cũ ngàn trùng, tác giả gợi cho ta một trời thương nhớ ấy
“Anh trầm tưởng nhánh sông quê
bao nhiêu nước đã trôi về những đâu?
bao nhiêu nước chảy qua cầu?
thời gian, phương thuốc nhiệm mầu, lãng quên?
Không! anh chẳng thể nào quên!
sáng ngơ ngẩn sáng, chiều xiêu xiêu chiều.”
(Một nhánh sông quê)
Đoàn Xuân Thu có cái chung tình của một người đi xa nhớ về. Tác giả nhớ tà áo trắng của cô học trò trung học, nhớ nụ hôn đầu nơi vườn măng cụt, nhớ nhánh sông quê và rồi tác giả lại nhớ Thu, tên của một cố nhân của vùng sông nước Bến Tre và mấy mươi năm qua vẫn chưa một lần hội ngộ:
“Thơ bất chợt như cơn mưa mùa hạ
gợi ta về vùng quê, Thu đã xa:
Em sương khói... vườn dừa mơn xanh lá
tóc mai dài em bay mãi trong ta
Sông nước Hàm Long, chiếc xuồng ba lá
ta xuôi dòng Tiên Thủy, bến sông xa.
Hôn từ biệt em đỏ bừng đôi má
Em Bến Tre, bông bưởi trắng sau nhà...
...................................
Thôi vĩnh biệt! em lấy chồng! Thu nhá!
nụ hôn xưa theo gió đã bay rồi
Anh phiêu bạt cuối trời, đời luân lạc
hạnh phúc tìm, đâu có? có thinh không!”
(Bến sông- Thu)
Là người giàu lòng nhân ái, Đoàn xuân Thu khi nghe tin quê nhà mưa tràn lũ lụt, tác giả không khỏi bồi hồi thương cảm cho một bóng dáng thân yêu nơi nước lụt quê nhà :
“Chiều quê người
em ơi!
mùa nầy lá rụng
mà đời anh là chiếc lá bay bay.
Chiếc lá bay bay
về đâu? về đâu?
có về quê cũ cho anh gởi về em
về Cần thơ quê mình
đang chìm trong mùa lũ
niềm thương nhớ khôn nguôi.”
(Thương em, quê mùa lũ)
Lòng chung thủy ở Đoàn Xuân Thu còn có cả mái ngói rêu phong của ngôi trường cũ, nơi mà tác giả nhớ lớp, nhớ thầy, nhớ bạn bè và cả những vật vô tri trong lớp như bàn ghế bảng đen cùng phấn trắng mà sao như có linh hồn mời gọi người học trò cũ nhớ về, tha thiết lắm những mùa xa trường đằng đẵng mấy mươi năm:
“Thưa thầy!
ngàn dặm xa con bay qua biển bắc
tay con nắm chặt chiếc khăn tay
nước mắt con rơi dài theo biển
Thái Bình ơi! biển mãi chẳng êm đâu!
Thưa thầy!
cho con vào lớp cũ
ngồi lại chiếc bàn xưa”
(Trường xưa)
Những người “thầy xưa ấy” giờ cũng đã là những “người của muôn năm cũ”, “hồn ở đâu bây giờ”, mà tác giả vẫn nhớ. Điều đó, tượng trưng cho đức chung thủy muôn năm, không mờ nhạt. Để rồi, người của hôm qua tâm tình cùng tuổi nhỏ hôm nay như một lời nhắn gởi tha thiết, bồi hồi, đầy xúc cảm:
“Này em yêu! em gái!
em là tôi của thời thơ dại
thuở áo dài tóc xỏa chấm bờ vai
thuở thơ tình giấu hoài trong vở
tím tình yêu tím cả giấc mơ phai ..
(…..)
Này em yêu! em nhé!
đông dẫu dài nhưng xuân đà đến ngỏ
em sẽ có những điều em muốn có
cơm áo tự do!
nhưng có một điều rất khó
tuổi học trò theo gió sẽ bay đi.”
(Trường xưa)
Trong bài thơ “Cánh diều của đôi ta”, người đọc bắt gặp mối tình chân quê thời niên thiếu giữa vùng quê êm ái ngày xưa với hai đứa bé chơi thả diều; để rồi chàng trai quê ấy không còn cần những “cánh diều của đôi ta” nữa và chia ly một cuộc tình. Đọc thơ Đoàn Xuân Thu mà ta nghe như chuyện huyền thoại, nhưng ai sống nơi chốn quê mùa chắc chắn không nghĩ rằng câu chuyện tình của đôi trai gái quê này là huyền thoại bao giờ, mà là chuyện thật, có thật, và cảm động:
“Cuồn chỉ may của má,
tờ nhựt trình của ba,
bụi tre già của ngoại,
hồ dán của anh hai,
anh, em, thời thơ dại,
cánh diều của đôi ta.
Trời quê ta gió nổi
em chạy, đuổi theo anh
ngã xuống lại đứng lên
anh ơi! chờ em với!
Em chạy, đuổi theo anh
suốt một thời thơ dại;
em chạy, đuổi theo anh
suốt một thời con gái;
anh! cánh diều đôi ta
bay xa! đừng băng nhá!
Rồi một ngày tình ta thôi đã hết!
đốn đủng đỉnh về, anh kết chữ tân hôn
chẻ lá dừa, em giúp anh dựng rạp
anh đâu biết rằng dao cứa nát tim em.
thôi vĩnh biệt! dẫu còn yêu anh mãi!
anh! cánh diều thời thơ dại đã băng.
Em trả lại má cuồn chỉ may
bởi cánh diều đôi ta không còn bay, bay nữa.
em trả lại ba tờ nhựt trình
đăng lời mừng anh: hương lửa ba sinh.
bụi tre già của ngoại lại lên xanh
đâu biết được lòng em đà héo úa.
em trả lại anh hai hồ dán
bởi tình ta đà keo rã, hồ tan.
Đêm hợp cẩn, giao bôi
nếu anh nhớ tình ta thời thơ dại?!
quà cưới em đi, anh hãy mở ra
anh sẽ thấy: cánh diều của đôi ta
và em, ngàn giọt lệ!”
(Cánh diều của đôi ta)
Khác với anh chàng nhà quê xa cô gái quê quên “những cánh diều đôi ta”; lần này người tình nhỏ quên giữ lời hẹn ước:
“Nhỏ đưa anh, mặt mày ủ dột;
Mỹ Tho buồn, rớt hột, lâm râm…
xe lô Minh Chánh, vừa lăn bánh,
nhỏ lấy mù soa, chấm chéo khăn!
Chấm chéo khăn, sao ngăn dòng lệ?
“Xa anh rồi chẳng… dễ gì quên!
nhỏ xa anh, ngọn đèn vàng võ,
biếng châm dầu, lu, tỏ, thâu đêm?!”
Thâu đêm, nhỏ mươi lần căn dặn:
“Sài Gòn! đèn ngọn đỏ, ngọn xanh
học hành nha, đừng mê bóng sắc;
bướm ong gì! nhỏ vẫn chờ anh?!”
“ Chờ anh…” rồi phụ anh đi biệt!
cách mặt xa lòng, mới bốn năm;
lặng lẽ, nhỏ ôm cầm thuyền khác;
“ vẫn chờ anh…” rốt cuộc, anh lầm!!
Tình ta đâu phải tuồng cải lương!
“Sao vai nhỏ - đào thương - rất đạt?
đã vong phụ, lại còn vớt vát:
tiếng ru buồn, nhỏ hát bên song!”
“Ngày đi lúa chửa đơm bông
ngày về em đã con bồng con mang”*
chữ tình một dở hai dang
duyên ta thời có, nợ mang mang sầu.”
(Cay đắng)
Dẫn ra hai câu chuyện tình trái ngược, để thấy Đoàn Xuân Thu luôn góp nhặt những mảnh hồn cô lữ làm thơ mình thêm chút duyên thầm. Nó như cái bóng trăng làm mặt nước trên mặt hồ lung linh màu trăng sáng vằng vặc. Thơ không có tâm sự, thơ không hồn, dù nhiếu người khó tính cho rằng thơ nhiều tâm sự sẽ làm người đọc dễ nhàm chán.
Nhưng đến khi “lau lệ mình ên”, những câu thơ ở đây không còn là tâm sự thường tình nữa, mà là tâm sự của một người con xa mẹ già và khắc khoải nhớ về. Ai dám bảo lòng thương cha nhớ mẹ là chuyện thường tình không cần nói ? Tôi nghĩ, ở đây, tác giả giữ được cái đạo làm con dù xa bao nhiêu dặm, già bao nhiêu tuổi đời mà lòng vô tâm không nhớ cha mẹ già canh cánh bên lòng nhớ mình, thì làm thơ hay để làm gì khi cái tình mẫu tử thiêng liêng mà ta dám nhẹ quên như nắng sáng mưa chiều hoặc gió tạt bên hè cây quên gió cuốn lá xa cành !?:
“Em còn có mẹ già bên đó!”
tiếng thơ buồn như tiếng thở than !
anh đọc thấy : “ ...hai hàng lụy nhỏ...
...có mẹ già biết bỏ cho ai ?!”*
“Anh cũng có mẹ già bên đó!”
mẹ anh đã nằm dưới mộ sâu.
Cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ;
mẹ chắc nhớ anh, nhớ để rầu.
Hai lăm tháng chạp về tảo mộ;
hẹn lần, hẹn lửa, hẹn năm sau.
Năm nào cũng vậy, tiền không có;
không tiền, không có vé máy bay!
Ngày khánh tận mà anh khánh kiệt;
chỉ biết tàng xe đến phi trường.
“Ai về xứ Việt, quê hương đó
cho ké, dùm tôi, nỗi đoạn trường!”
Nỗi đoạn trường, áng chừng em khóc;
vẫn còn ai đó vỗ về em,
ai đó làm em không khóc nữa,
nỗi buồn nhớ mẹ, chắc rồi quên.
Anh nhớ mẹ, rồi anh cũng khóc;
Melbourne buồn, anh lau lệ mình ên!
(Lau lệ mình ên)
Tình mẫu tử thiêng liêng đó, Đoàn Xuân Thu nhiều lúc bất lực trước những chữ dùng; bởi chữ nghĩa nào nói hết cái tình mẫu tử thiêng liêng, bao la bất tận ấy !
Xin mời bạn nghe tác giả diễn đạt lòng nhớ mẹ già qua “ Ngọn đèn chong mắt”:
“Con xa rồi đất quê,
đêm xuống thuyền vượt biển;
có ngọn đèn chong mắt,
đăm đăm đợi con về.
Con đã qua
mùa đông quê người
lạnh thấu xương!
để con nhớ
quê nhà ta
cả một trời nắng ấm.
Con đã qua
mùa hạ quê người
cháy rát da!
để con nhớ
quê nhà ta
cuối năm trời chớm lạnh;
đất quê người,
thân con, đời cô quạnh,
tha thiết hoài,
nỗi nhớ má, thương quê.
Xưa bến cũ con đi;
nay bến cũ con về
mòn mõi má đợi mong,
trong sức tàn, lực kiệt:
đèn khô dầu, lụi bấc
đôi mắt khép lại rồi.
Lá rụng phải về cội!
Sao con lạc lối về?
bởi ngọn đèn chong mắt
giờ đã tắt thiên thu.”
(Ngọn đèn chong mắt)
Tình cảm ấy với một người con coi đạo hiếu là trọng, còn mãi dạt dào trong lòng nỗi khát khao nhớ tưởng:
“Lẽ công bằng có cho và có nhận,
má chỉ cho chưa có nhận bao giờ;
má cho con cà một đời lận đận
nhận của con nếu có chỉ là thơ.
Ngàn pho kinh sách con đã học,
hữu hạn vô cùng chữ nghĩa ơi!
cho vô hạn một đời lao nhọc,
những lầm than, má đã cưu mang!
(…..)
Ôi! má của con, má của con!
từ nay thôi chắc chẳng còn ai,
thương con như thế nữa?
bếp lửa chiều hôm chợt tắt rồi,
mờ bóng má chập chờn trên vách lá,
má về đâu? sinh, tử: cõi vô thường.
Ôi! má của con, má của con!
từ nay thôi chắc chẳng còn ai,
thương con như thế nữa?
xiêu lạc tha hương, phiêu bạt sầu,
côi cút bay giữa đời giông bão,
ước vọng tương phùng là ảo vọng
má thương ơi !!!
(Nhận của con nếu có chỉ là thơ)
Tình mẫu tử thiêng liêng ấy cũng chính là tình yêu quê hương chan chứa tấm chân tình nơi tác giả:
“Chiều cuối năm nhớ quê nhà, nhớ má…
nhớ vô cùng bông mận, trắng vuờn xưa;
phiêu bạt bao năm, cùng trời cuối đất,
con vẫn muốn về gánh mận má ơi!"
(Con vẫn muốn về quê gánh mận)
Rồi nào là bóng dáng xuồng ba lá, chiếc cặp đệm, nắm xôi nếp rặt, ngọn khói nấu cơm, đồng bưng, cỏ lát, ruộng vườn…, mỗi mỗi làm nên nỗi nhớ mẹ, nhớ quê tha thiết biết dường nào !
“Suốt một thời thơ ấu con mang theo:
cặp đệm má đương, nắm xôi má nấu
xôi nếp một, bếp bình minh khói toả
đường mía lau thơm, vị ngọt quê nghèo!
Xuồng ba lá má là con đò dọc
hai lượt: đến trường, tan học, đón, đưa
(ngày tựu học con trốn về với má
số phận, dù không muốn, vẫn tha phương?!)
Con lớn lên, con đi vào chiến trận
hành quân hoài mấy bận lội đồng bưng
sao vòng vọng nhịp chày xưa, má giã ?!
giã cỏ bàng, đương cặp đệm, nhớ thương!
Nhớ má đồng bưng, ruộng, vườn, rẫy bái
chưn sình lầy, lúa nếp, cánh đồng mưa
chiều dừng quân, trợn trạo lua cơm sấy
con bùi ngùi, nhớ lại nắm xôi xưa.
Má đồng bưng rưng rưng tình mẫu tử
thương má nhiều, thương cặp đệm, nắm xôi!”
(Cặp đệm, nắm xôi)
Nhà văn J.M.Guyau gọi “Cái đặc quyền của nghề làm thơ là không cần phải chứng minh, không cần phải viện chứng, mà vẫn thâu nhập vào trí não ta những điều mà ta không thể chối cãi được. Vì không gì hơn tình cảm con người (….) Đó là tất cả các điều mà ta đã tư tưởng, đã cảm giác, đã luyến ái từ xưa. Nhà thi sĩ chân chính đích thị là người biết gọi những tiếng vang trong đáy lòng ta vậy.” (**)
Qua nhận định của J.M.Guyau vừa dẫn và qua vài bài thơ của Đoàn Xuân Thu tình cờ mà tôi đọc được, không thể có một cảm nhận nào khác hơn là trong thơ Đoàn Xuân Thu chan chứa nỗi niềm. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bạn, nhớ trường, nhớ người yêu cũ và đăc biệt nỗi nhớ thương mẹ già nay không còn, tất cả làm thành một hồn thơ miên man nỗi nhớ. Thơ Đoàn Xuân Thu không mới; chữ dùng không cố trau chuốt cầu kỳ, vận thơ không chạy theo trào lưu làm mới thơ như nhiều tác giả, nếu không muốn nói tác giả là một người làm thơ còn nặng phần cổ điển, nhưng nhờ tác giả đã tích lũy nhiều chất liệu qua dòng sông đời mấy mươi năm nhiều sóng gió nên thơ ông gần gũi với những thế hệ già và lưu lạc. Chính vì vậy, thơ Đoàn Xuân Thu trầm lắng và buồn, tứ thơ không lạ mà làm người đọc dễ rung động, hồn thơ mang mang nỗi nhớ về một thời xa lắm, trải dài hơn năm mươi năm !!! Và Đoàn Xuân Thu đã “biết gọi dậy những tiếng vang trong đáy lòng ta vậy!”
Lương Thư Trung
Houston , ngày 06-02-2009
Phụ chú:
(*) Tất cả các câu thơ dẫn trích từ trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, mục Thơ, tác giả Đoàn Xuân Thu.
(**) Nguyên văn lời trích bằng tiếng Pháp, trong bài “La poe’sie” của J.M.Guyau : “C’est le privilège de l’art que de ne rien de’montrer, de ne rien prouver, et cependant d’introduire dans nos esprits quelque chose d’irre’futable. C’est que rien ne peut pre’valoir contre le sentiment. (…) C’est ce que vous avez pense’, senti, aime’ . Le vrai poète est celui qui re’veille ces voix.”
- Đọc vài bài thơ của Đoàn Xuân Thu Lương Thư Trung Nhận định
- Vũ Thất - Đời Thủy Thủ 2: Lời BẠT Lương Thư Trung Nhận định
- Vài Ghi Nhận Sau Khi Đọc Lại "Đời Thủy Thủ" Của Nhà Văn Vũ Thất Lương Thư Trung Điểm sách
- Vài Ghi Nhận Về Những Ngày Đầu Của Tạp Chí Thư Quán Bản Thảo Lương Thư Trung Hồi ức
- Vài hình ảnh kỷ niệm anh Trần Hoài Thư về Houston mừng Thư Quán Bản Thảo số 100 Lương Thư Trung Tường thuật
- Vài hình Kỷ niệm Giới thiệu "Thơ Tuyển Toàn Tập" của Trần Hoài Thư Lương Thư Trung Giới thiệu
- Thơ Đức Phổ, nỗi nhớ, tình yêu và cuộc đời Lương Thư Trung Nhận định
- Trần Kiều Bạt qua vài câu thơ bắt gặp Lương Thư Trung Nhận định
- Vài phút với nhà văn Song Thao nhân PHIẾM 10 chào đời Lương Thư Trung Phỏng vấn
- Thử đọc lại vài trang sách của Trần Doãn Nho Lương Thư Trung Nhận định
• Đọc vài bài thơ của Đoàn Xuân Thu (Lương Thư Trung)
- Hình ảnh Má trong thơ Đoàn Xuân Thu (Nghĩa Sỹ)
• Ba tôi, người đánh máy mướn (Đoàn Xuân Thu)
• Viết Từ Chiến Trường (Đoàn Xuân Thu)
• Ngấn Lệ Chiều Áp Lễ Giáng Sinh (Đoàn Xuân Thu)
- Bút Ký
Tác phẩm trên mạng:
- petruskyaus.net - vietbao.com
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |