|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Đoàn Kế Tường
Chiều 22-10-2014, lễ thất tuần cầu siêu cho Đoàn Kế Tường (Đoàn Thạch Hãn) tại chùa Xá Lợi, mặc dù trời mưa lớn và dai dẳng vẫn có khá đông bạn bè của Tường tham dự. Và sau đó là tiệc “chia tay” của vài nhóm bằng hữu tiễn biệt linh hồn Tường. Theo tinh thần Phật giáo thì ngày này linh hồn Tường được siêu thoát, nhưng không ai biết anh sẽ bay đi đâu! Hôm mất, Tường cũng được quàn ở chùa này một ngày đêm, cũng có khá đông thân hữu và người quen biết đến phúng viếng. Sau đó Tường được đưa về an táng tại quê nhà Quảng Trị, nằm bên cạnh ông bà, cha mẹ. Chắc là Tường đã mãn nguyện, bởi mấy tháng trước anh bảo cuối năm sẽ về quê sống những ngày cuối đời để khi chết được nằm bên cạnh người thân. Tôi và vài bạn thân thở phào: “Thế là nó thoát”! Thoát khỏi cuộc đời đầy bi kịch và oan khiên mà Tường chịu đựng, đau khổ trong mấy chục năm qua. Bi kịch trong cuộc sống gia đình và oan khiên trong đời sống xã hội. Như hai câu trong bài thơ ngắn của Hoàng Yên Dy, một bạn thân và là một đồng nghiệp của Đoàn Kế Tường đăng trên báo Công An TPHCM hôm Tường mất: “Anh về tâm thế thong dong/Áo quan khép lại long đong chính tà…”
Trước 1975, tôi chỉ quen biết Đoàn Kế Tường chứ không thân. Mùa hè đỏ lửa 1972, tôi chú ý một số tin bài về chiến sự miền Trung của Đoàn Kế Tường trên nhật báo Sóng Thần, nhưng đến giữa năm 1973, tôi mới gặp Tường ở nhà một người bạn ở làng Báo chí Thủ Đức. Sau đó thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau nhưng cũng chỉ chào hỏi xã giao. Sau ngày 30-4-1975, tôi đi bán sách cũ, rồi bán thuốc tây chợ trời, loay hoay lo chuyện áo cơm nuôi vợ con nên chỉ nghe loáng thoáng tin Đoàn Kế Tường và vài người quen biết khác dính vào một vụ án chính trị, bị bắt đi tù cải tạo. Sau này qua lời kể của Duyên Anh sau khi ông ra tù năm 1981, tôi được biết trong tù, có thời gian Tường nằm chung phòng với Duyên Anh và mấy nhà văn, nhà báo đàn anh…
Sau này trong bài viết về Duyên Anh với bút danh Đoàn Thạch Hãn đăng trên báo An ninh Thế giới, Tường cũng kể lại nhiều kỷ niệm với Duyên Anh trong tù, kể cả chép nguyên một bài thơ dài mà Duyên Anh nhờ Tường học thuộc để nhỡ ông ấy chết trong tù, thì khi ra tù Tường về đọc cho vợ con ông ấy nghe. Thế nhưng Duyên Anh ra tù trước Tường gần 5 năm, rồi vượt biên. Khi Duyên Anh định cư ở Pháp thì Tường mới ra tù…
Năm 1985 hay 1986 gì đó, tôi nghe tin Đoàn Kế Tường vừa ra tù, ít lâu sau lại nghe Tường vô làm ở báo Công An TP. HCM, viết mảng văn hóa nghệ thuật. Tôi và vài bạn quen biết cũ khá ngạc nhiên, vì một người mới ở tù Chí Hòa 10 năm về tội “phản động” lại được làm báo. Mà lại làm báo Công An nên càng bất ngờ. Nhiều người đặt dấu hỏi về chuyện bất thường này! Tiếp sau đó, tập hồi ký Ảo vọng phục quốc của Tường được ấn hành với bút danh Đoàn Thạch Hãn đã gây nhiều phản ứng trong dư luận. Tập hồi ký có nhắc tới nhiều nhân vật tên tuổi, đặc biệt trong đó có nhiều nhà báo, nhà văn đàn anh của Tường trước 1975. Cuốn sách đã làm nhiều người người quen cũ e dè khi tiếp xúc với tác giả. Kể cả tôi.
Sau này qua lời kể của Dương Đức Dũng, cựu phóng viên báo Trắng Đen, một bạn tù chung vụ án với Tường, tôi được biết, ban đầu đồng tác giả là Tường và Dũng, nhưng sau đó Dũng đề nghị rút tên khỏi sách vì nhiều đoạn trong sách được người biên tập tự ý viết thêm vào; còn Đoàn Kế Tường - bấy giờ là Đoàn Thạch Hãn - thì không thể, bởi mang nặng ơn người biên tập và đỡ đầu cho cả người lẫn sách là nhà văn, nhà báo Huỳnh Bá Thành, đương kim Tổng Biên tập báo Công An TP. HCM. Huỳnh Bá Thành trước 1975 là cán bộ cộng sản nằm vùng và cũng đã từng làm báo dưới chế độ cũ, vẽ biếm họa cho vài tờ báo đối lập với bút danh Ớt. Huỳnh Bá Thành quen biết khá nhiều người cầm bút dưới chế độ cũ, trong đó có Đoàn Kế Tường.
Mấy năm trước, lúc đã thân với tôi, Tường xác nhận lời của Dương Đức Dũng. Tường kể, anh ở tù Chí Hòa mười năm thuộc loại “tù mồ côi” vì không một ai thăm nuôi. Khi ra tù, Tường về tá túc ở nhà bà chị ruột, chờ kiếm việc gì làm. Được ít lâu bà chị đuổi khéo: “Các cháu chuẩn bị vào Đoàn mà có cậu ở tù về ở trong nhà khó cho cháu quá. Cậu nên ra khỏi nhà thật sớm, khuya hãy về. Nhớ đừng cho ai thấy”. Tường quá tủi thân bèn xách túi quần áo đi lang thang, tối ra ngủ ở ga xe lửa Hòa Hưng. Một đêm công an đi thu gom những kẻ bụi đời, vô gia cư đưa đi lao động hoặc kinh tế mới. Tường bị bắt cùng đám người tận đáy xã hội đó đưa về nhốt ở công an quận 3. Sáng hôm sau, công an lập danh sách thanh lọc hết mọi người đưa đi lao động cải tạo, chỉ còn trường hợp Đoàn Kế Tường quá đặc biệt vì tù Chí Hòa mới ra, công an quận chưa biết xử lý thế nào. Họ để anh ngồi giữa sân tới gần trưa. Bất ngờ ông Huỳnh Bá Thành chạy xe vespa vào công an quận có việc gì đó, lúc quay trở ra, ông thấy Tường đang cố cúi mặt xuống lẩn tránh ánh mắt của ông. Nhưng ông Thành chợt thấy và dừng lại, kêu lên: “Đoàn Kế Tường hả?” Rồi ông vào công an quận xin bảo lãnh cho Tường, chở anh về nhà, tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi. Ít lâu sau, theo gợi ý của Huỳnh Bá Thành, Đoàn Kế Tường rủ Dương Đức Dũng, đã ra tù trước Tường vài năm, cùng viết cuốn hồi ký Ảo vọng phục quốc. Tên sách là do Tường bắt chước tên một cuốn truyện cũng gần dạng hồi ký của Duyên Anh: cuốn Ảo vọng tuổi trẻ viết về những tháng ngày chàng thanh niên hai mươi tuổi Vũ Mộng Long, tên thật của Duyên Anh, năm 1955 đi theo những đàn anh đảng Duy Dân lên cao nguyên Đắc Lắc với ảo vọng lập chiến khu chống Ngô Đình Diệm, nhưng sau đó đã vỡ mộng… Duyên Anh ở tù chung với Đoàn Kế Tường, đã truyền đạt cảm hứng và có ít nhiều ảnh hưởng tới Tường.
Cũng theo lời Đoàn Kế Tường, sau đó Huỳnh Bá Thành đưa Tường đến gặp ông Năm Xuân, tức Mai Chí Thọ, Giám đốc Công an Thành phố, trình bày hoàn cảnh của Tường và xin bảo lãnh cho anh về báo Công An. Huỳnh Bá Thành xin lấy sự nghiệp chính trị bảo lãnh cho Tường. Đó là món nợ mà Tường đã phải trả cho đến cuối đời và đã nhận biết bao điều tiếng thị phi, chê trách và cả công kích. Ông Thành phân công Tường về Ban Văn hóa Văn nghệ, tham gia tổ chức các chương trình ca nhạc, công tác từ thiện, cộng tác với hãng phim Người Bảo Vệ. Đó là lý do tại sao Tường quen biết với nhiều người trong giới showbiz.
Đầu năm 1993 Huỳnh Bá Thành đột ngột qua đời. Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn trụ lại báo Công An thêm mấy năm, rồi cũng phải ra đi. Tường viết bài cộng tác với các báo để kiếm sống. Còn tôi, sau khi nghỉ ở báo Thanh Niên, chuyển về sống ở quận 2, tình cờ gặp lại Tường cũng về ở quận 2 trước tôi ít lâu. Tường ở phường Bình Trưng Đông, còn tôi ở phường Bình Trưng Tây, sáng sáng hai thằng đi tập thể dục hay uống cà phê lại gặp nhau, dần dà thân thiết. Chứ trước kia khi Tường còn làm báo Công An, đôi khi gặp tôi cũng chỉ chào hỏi xã giao thôi. Đoàn Kế Tường thuê nhà trong một con ngõ vắng, sống lặng lẽ một mình, gặm nhấm nỗi cô đơn. Hàng đêm Tường mặc áo cà sa tụng kinh Phật. Tường tụng kinh hay không thua gì các sư cụ tu trì lâu năm! Một tuần vài ba lần tôi ghé thăm, Tường pha trà mời tôi và nhẩn nha kể chuyện đời mình, bộc lộ hết tâm sự u uất mà lâu nay giữ kín trong lòng. Tôi bảo Tường sao không viết lại những chuyện ấy cho mọi người thông cảm hoặc ít ra cũng nhẹ bớt trong lòng. Nhưng Tường bảo, nói ra cũng chưa chắc ai tin và hiểu cho mình, có khi còn tác dụng ngược. Thôi thì ai nghĩ sao cũng được, được bạn bè thông cảm và chia sẻ là quý rồi. Tôi bảo, thôi để khi nào tiện tao viết. Tường nói, thôi để khi nào tao chết hãy viết. Hôm nay Đoàn Kế Tường đã ra người thiên cổ, giữ lời hứa, tôi viết những giòng này…
Thời gian này, căn bệnh tiểu đường của Tường đã biến chuyển xấu, đi lại khó khăn, tôi thường ghé thăm, thỉnh thoảng chuyển ít tiền bạc của anh em gửi biếu, vì biết tôi ở gần nhà Tường. Một lần tôi đi Pleiku tình cờ gặp anh Vũ Hoàng, trước kia là đại diện báo Sóng Thần ở Tây Nguyên, biết được tin Tường ốm đau và cô độc, anh thương lắm. Anh nhắc kỷ niệm khi hai người còn làm báo Sóng Thần, thỉnh thoảng Tường đi công tác Pleiku, hai anh em lại bù khú với nhau… Tôi về Sài Gòn ít lâu, anh Hoàng có chuyển vào tài khoản tôi ít tiền nhờ chuyển Tường.
Hôm tôi qua Mỹ, Nguyễn Lương Vỵ, Đặng Phú Phong hỏi thăm Tường và cũng gửi tôi, người một trăm, người năm bảy chục đô cầm về cho Tường. Mỗi lần tôi chuyển tiền ai gửi cho, mặt Tường bần thần rồi trách nhẹ tôi: “Mày cứ đi đâu cũng tả oán rồi xin tiền cho tao hả ?” Tôi bảo, anh em họ biết mày đau ốm họ gửi cho mày chứ tao đâu có xin. Một người bạn tâm giao, ở tù chung với Tường khá lâu là Dương Đức Dũng là người thường xuyên cưu mang Tường trong những lúc ốm đau, khó khăn. Đặc biệt suốt thời gian dài bệnh tật của Tường, người lo toan và giúp đỡ cho Tường rất nhiều nhất có lẽ là Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Tôi cũng không rõ quan hệ bè bạn thân thiết thế nào, nhưng lâu lâu Tường lại khoe, Khế vừa cho tao mấy triệu. Nguyễn Công Khế gửi Tường đến một bác sĩ quen thân để đặc biệt điều trị cho Tường, mọi chi phí Khế lo hết. Thế nhưng bệnh quá lâu, đã đến giai đoạn cuối, biến chứng xâm nhập nhiều bộ phận…
Kể cả chuyện Tường về làm ở hãng phim Thanh Niên chung với Hai Nhất một thời gian cũng là ý của Nguyễn Công Khế. Hôm ở đám tang Tường, Nguyễn Công Khế bảo, nếu ông ấy nghe tôi, về ở với tôi bên quận 9, có người lo phục vụ đầy đủ thì có lẽ ổng chưa chết. Nguyễn Công Khế nhiều lần bảo Tường đừng thuê nhà mà về ở nhà của anh ấy, một cơ ngơi rộng cả mấy ngàn mét vuông, gồm nhiều căn nhà riêng biệt ở quận 9, nhưng Tường cám ơn và từ chối. Tường bảo, mình sống một mình quen rồi, không muốn làm phiền anh em. Tường là người rất hào sảng, hiếu khách và rất “sĩ”. Chính Nguyễn Công Khế cũng là người tận tâm lo chuyện hậu sự cho Tường. Anh có mặt gần như suốt từ nhà xác bệnh viện đến nhà tang lễ chùa Xá Lợi, đóng góp tiền bạc để đưa Tường về quê an táng khá chu đáo.
Tôi biết một số nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Bạch Yến, “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, đạo diễn Lê Cung Bắc, vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu… rất quí Tường. Hôm Tường mất, Cẩm Vân đến tận nhà xác khóc sưng cả mắt; còn Lê Cung Bắc đang bận quay phim ở Gò Công cũng bỏ ngang, tất tả về chùa Xá Lợi thắp hương cho Tường. Tôi còn thấy có họa sĩ Đằng Giao, nhà văn Cung Tích Biền, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng… và đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến phúng điếu. Tôi nghĩ chắc Tường cũng ngậm cười nơi chín suối.
Nghe Tường có hai người con ở nước ngoài nhưng ít khi anh nhắc đến. Có điều gì đắng cay và trầm uất nên Tường ngại thố lộ. Tôi chỉ nghe một người bạn của Tường là Phi Giang, hàng xóm với gia đình vợ cũ Tường, kể lại: Một lần Giang nghe tin cô con gái Tường từ Mỹ về thăm, Giang vội đến nhà Tường thì cô con gái đã đi rồi. Phi Giang kể: khi anh đến thì thấy Tường thì ngồi gục đầu trên bàn, mắt đẫm lệ. Tường bảo, ước gì nó gọi tao một tiếng “ba” thì tao chết cũng được. Sau tôi hỏi Tường có đúng vậy không, Tường nói, con nhỏ đi với chồng nó tìm đến nhà mình chỉ hỏi một câu: “Có phải ông là Đoàn Kế Tường”? Rồi nó ngồi yên lặng khoảng 15 phút, trong lúc mình bập bẹ vài câu tiếng Anh với chàng “rể” người nước ngoài. Một lúc sau cả hai ra về. Gần 30 năm mới gặp mặt đứa con gái. Hồi Tường đi tù, nó còn nằm trong bụng mẹ! Còn cậu con trai đầu của Tường trước đây cũng có về Việt Nam nhưng không đến thăm mà viết cho anh một lá thư dài mà Tường vẫn giữ và đưa cho tôi xem. Cuối thư cậu viết: “Con tha thứ cho Ba”. Tường bảo, tao đi tù từ hồi nó mới ba tuổi! Chắc là ý của người lớn…
Cũng may là những ngày cuối đời, Tường được gặp lại cô con gái thất lạc từ cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước, cùng đứa cháu ngoại đã trưởng thành, có vợ con. Người con gái là kết quả của mối tình ngắn ngủi của một cậu trai mười bảy tuổi và cô thợ may ở Lộc Ninh lớn hơn chàng hai, ba tuổi. Và một bất ngờ đáng mừng là tại tang lễ Tường ở Quảng Trị có sự xuất hiện của “người vợ không bao giờ cưới” của Tường và đứa con trai 21 tuổi - kết quả của một cuộc tình chớp nhoáng trong một đêm mưa gió ở Quảng Trị hơn hai mươi năm trước, theo lời kể của Tường hôm đám giỗ mẹ anh trước ngày mất mấy tuần. Hai mẹ con mặc đồ tang phủ phục bên quan tài Tường làm mọi người vô cùng xúc động. Nếu linh hồn còn vương vất quanh đó, chắc Tường hạnh phúc lắm!
- Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn: Hai bút danh & một cuộc đời oan khiên Phạm Chu Sa Hồi ức
- Huỳnh Phan Anh – Nhà giáo đi lạc vào văn chương Phạm Chu Sa Hồi ức
• Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn: Hai bút danh & một cuộc đời oan khiên (Phạm Chu Sa)
• Đoàn Kế Tường & Đoàn Thạch Hãn (Tưởng Năng Tiến)
- Đoàn Thạch Hãn / Đoàn Kế Tường: Hai tên gọi, một cuộc đời bi thảm. (Du Tử Lê)
- Nhớ và quên (Tuấn Khanh)
- Nhà báo nhà văn Đoàn Thạch Hãn từ trần (trieuxuan.info)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |