|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Đỗ Văn Phúc
Phát biểu của tác giả trong buổi ra mắt tác phẩm MỘT THỜI ÁO TRẬN của nhà văn quân đội Đỗ Văn Phúc tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Dallas ngày 9 tháng 1 năm 2011.
Tôi là người thích đọc hồi ký người khác để cùng với họ đi tìm lại những thời gian đã mất. Qua những hồi ký đó, như của các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Hiến Lê, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Nguyễn Đình Hòa, vân vân, tôi đã biết thêm được nhiều điều lý thú và bổ ích trong các lãnh vực xã hội, văn học và giáo dục của người dân Việt chúng ta. MỘT THỜI ÁO TRẬN của tác giả Đỗ Văn Phúc là cuốn hồi ký về chiến trường đầu tiên tôi vừa đọc xong.
Trước hết, tôi mến sự thành thật mà tác giả đã tâm sự trong những trang đầu tiên của cuốn sách: “Hồi ký là để ghi lại những câu chuyện xảy ra trong quá khứ đáng nhớ trong đời mình … Người ta không hư cấu trong các hồi ký, nhưng có thể điểm thêm vài nét đan thanh cho câu chuyện tăng phần hấp dẫn đậm đà … Người đời thường nói xấu che, tốt khoe. Chỉ có những nhân vật thật đặc biệt mới đem cái xấu của mình ra cho thiên hạ thấy. Tác giả tập hồi ký Một Thời Áo Trận cũng là một người bình thường như muôn vạn người khác. Vì vậy xin quý độc giả đọc sách với một tấm lòng bao dung … và không cho rằng tác giả tự phô trương mình qua những trang giấy.” Đọc xong cuốn sách, tôi thấy những lời tâm sự của ông hoàn toàn khả tín. Tôi cũng thấy như thể ông đã nói dùm tôi với các độc giả tương lai của tôi, vì tôi đang viết một hồi ký để ghi lại kinh nghiệm làm giáo dục của tôi tại quê nhà cũng như ở hải ngoại trong hơn 40 năm qua.
Có thêm một lý do nữa, đầy cảm tính, để tôi chuộng tập hồi ký chiến trường này: tôi cũng là một chiến sĩ Bộ Binh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp khóa 24 Trường Bộ Binh Thủ Đức năm 1967. Tôi thường nghe người ta nói Bộ Binh là hoàng tử chiến trường, vậy mà theo lời tác giả “ít sách viết về người lính bộ binh trong khi so với tỷ lệ thì quân số bộ binh gấp 10 lần quân số các binh chủng tổng trừ bị.” Và không sót thương sao được khi nghe ông tâm sự tiếp “Hầu hết các đồng đội của tác giả đã hy sinh trên chiến trường, hoặc bỏ mình trong tù, trên biển, hoặc đã qua đời vì bệnh tật già yếu”? Qua những trang sống động ông viết về chiến trận, tôi đã được biết thêm về cuộc đời gian khổ đích thực của các chiến hữu anh dũng cùng màu cờ sắc áo của tôi tại chiến trường đẫm máu thời điểm ấy. Thú thực, cho tới nay, tuy có phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH một thời gian trước khi được biệt phái trở về dạy Anh văn tại Đại Học Sư Phạm Saigon vào cuối năm 1968, tôi vẫn mang mặc cảm của một người “lính văn phòng” chẳng biết gì về chiến trận mà số phận lại may mắn hơn quá nhiều người đồng trang lứa tuổi. Chính những gian khổ, những hy sinh của các chiến hữu của tôi ngoài chiến trường đã giữ được bình yên hậu phương để tôi ngày ngày đi dạy học cho đến tận quốc nạn 30-4-1975!
Phần chính của cuốn sách được xây dựng trên các mục hồi ký chiến trường ở những thời điểm khác nhau, khởi đi từ khoảng 1969, tức là lúc tác giả vừa tốt nghiệp Khóa 1 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt và được điều động ra phục vụ tại Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Ngoài ra cũng có các mục liên hệ đến thời gian sau cuộc chiến mà tác giả viết với nhiều nhiệt huyết. Các đề mục đều được viết như các chuyện ngắn, mạch lạc, và hấp dẫn. Trong tâm tình đã thổ lộ ở trên, tôi xin được chia xẻ cùng độc giả những cảm nghĩ thành thực nhất của tôi về một vài đề mục trong hồi ký MỘT THỜI ÁO TRẬN của chiến hữu Đỗ Văn Phúc.
Dưới Bóng Quân Kỳ là đề mục để vinh danh một cách xứng đáng người chiến sĩ Việt Nam suốt từ thời lập quốc đến nay. Với một niềm hãnh diện hiển nhiên, tác giả nhắc đến những vị anh thư Trưng Trắc, Trưng Nhị, những vị anh hùng Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt. Ông cũng nói đến “một nhà quân sự lỗi lạc vừa là một nhà chiến tranh chính trị xuất chúng” Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cũng như anh hùng áo vải đất Lam Sơn Bình Định Vương Lê Lợi và “anh hùng thiên tài” Quang Trung Nguyễn Huệ. Trong thế hệ chúng ta, tác giả viết “Quân lực ta không chỉ anh hùng khi còn chiến đấu với vũ khí trong tay, mà còn bất khuất can trường khi thất thế. Lê văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai và hàng trăm chiến sĩ vô danh khác đã tìm cho mình cái chết vinh quang không để lọt vào tay giặc.”
Nhớ Về Người Tư Lệnh Cũ: Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là đề mục trong đó tác giả dành cho vị tổng tư lệnh cũ này nhiều thịnh tình, mặc dù tác giả có trách ông một điều: “Đó là việc dùng người của ông thiên về cảm tình, sự trung thành hơn là dựa trên khả năng.” Qua đoạn hồi ký này, tác giả cho biết ông Thiệu là một người con chí hiếu với mẹ già. Khi thăm Căn Cứ 20 Chiến Thuật Không Quân ở Phan Rang cuối năm 1972, ông Thiệu “trao cho căn cứ một món tiền nhỏ và dí dỏm: Thường là cấp nhỏ hối lộ cấp trên. Bây giờ thì tôi hối lộ các anh. Số là Tổng Thống còn bà mẹ già đang ở trong căn nhà gần bờ biển. Hàng ngày các phản lực cơ của Không Đoàn 92 Chiến Thuật cất cánh thường bay qua phía làng của Tổng Thống. Tiếng gầm rú của động cơ quấy nhiễu không khí yên bình của bà cụ, làm bà sợ hãi. Ông Tổng Tư Lệnh phải hối lộ cho thuộc cấp để yêu cầu bay chệch một chút, né cái làng Ninh Chữ kia ra.”
Quân Đội Và Chính Trị là bài tham luận để trả lời câu hỏi: Các hội cựu quân nhân có nên tham gia hoạt động chính trị không? Sau khi phân tích ý niệm chính trị từ trước tới nay tại đông phương và tây phương, tác giả đã trả lời dứt khoát “Không riêng cựu quân nhân, mà bất kỳ một đoàn thể nào sinh hoạt trong xã hội cũng đều có quyền và có nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động chính trị địa phương hay cao hơn vào hoạt động chính trị của quốc gia.” Tôi tin chắc là chúng ta, những cựu quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, đều tâm đắc điều xác quyết này của chiến hữu Đỗ văn Phúc: “Đoàn kết, nhất trí là hai điều kiện lớn nhất hiện nay của những người từng chiến đấu chung chiến hào, tạo được tiếng nói có trọng lượng để hỗ trợ cho các phong trào đòi Cộng Sản Hà Nội trả lại quyền sống cho dân tộc Việt Nam.”
Vì Em, Anh Làm Lính Nhảy Dù là một đoạn hồi ký vui nhộn. “Em” ở đây là các nữ sinh Trung Học Bùi Thị Xuân, và “anh” là các sinh viên sĩ quan Đại Học Chiến Tranh Chính Trị ở thành phố Đà Lạt thơ mộng, và “nhảy dù” chỉ có nghĩa là trốn trại đi chơi với người đẹp mà hậu quả thường là “những màn phạt dã chiến hay những ngày lạnh lẽo trong phòng giam khinh cấm.” Những màn nhảy dù ấy được tác giả thi vị hóa qua vài nét đan thanh, chắc chắn sẽ được các đồng môn quân trường ấy tán thưởng: “Đêm Đà Lạt, dù rằng vào mùa hè, cũng se se lạnh. Còn gì thú vị hơn là cùng người yêu, tay choàng tay, thả bộ trên con đường dọc theo bờ hồ Xuân Hương, nhìn sương mờ giăng giăng trên mặt hồ. Từ sân cù cỏ xanh mơn mởn đến những con đường viền những bông hoa rực rỡ sắc màu. Ai đã khéo đặt những mỹ danh rừng Ái Ân, hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu …”
Tìm Lại Chính Mình là đoạn hồi ký tôi thích nhất mặc dù nó cũng làm lòng tôi chùng xuống với những hy sinh quá cao cả của những người lính bộ binh, trong đó tác giả “vừa mới giã từ quân trường Đà Lạt sương mờ để nhập mình vào cuộc chiến mà ngày về thì mong manh cũng như sương khói miền cao.” Đơn vị phục vụ của tác giả là Tiểu Đoàn 4/8, Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Vì Chiến Khu D của địch, sào huyệt của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chạy xuyên qua lãnh thổ Sư Đoàn 5 Bộ Binh nên người lính sư đoàn này chạm địch mỗi ngày, “mà toàn là những trận long trời lở đất, những trận mà tổn thất lên đến hàng trăm người một lúc.” Tác giả đã cụ thể hóa được ý nghĩ trừu tượng về sự hiểm nguy của người lính chiến qua những chi tiết tả chân rùng rợn của ông: “Tôi thương những lính khinh binh. Họ là những người luôn luôn đi đầu trong hành quân. Họ là người đầu tiên đón nhận viên đạn rình mò từ góc bụi nào đó, hay cũng là người đầu tiên đạp lên chiếc mìn để rồi tung xác lên và chỉ còn nắm thịt vụn … Họ chỉ ăn cơm sấy và khô sặc ngày hai lần, hoặc nướng hoặc xé ra nấu canh chua lá vang. Họ là những người chia nhau từng ngụm nước lấy từ hố bom còn tanh mùi thịt rữa …” Cuộc chiến từng được lãng mạn hóa trong thơ và nhạc, nhưng tác giả nói lên sự thực khắc nghiệt thế này: “Rừng miền Đông không có hoa cài thép súng thi vị như lời nhạc của Lam Phương, mà chỉ có chập chùng bóng đêm đe dọa, chỉ có mìn bẫy giăng đầy, hố bom sâu hun hút với những xác thú vật, xác người đã thối rữa.” Phần kết tích cực của đoạn hồi ký này khiến tôi nghĩ đến câu cách ngôn “Old soldiers never die” (“Những người lính già không bao giờ chết”) của người Mỹ: “Chúng ta hãy nhìn lại chính mình, không mặc cảm tự ti hay tự tôn. Hãy ôn lại quá khứ anh hùng để đứng vững trong giây phút cuối của cuộc chiến cho nhân quyền, tự do.” Chúng ta đều mong sao sẽ là những người thắng cuộc chiến cho nhân quyền và tự do đó cho mọi người dân Việt tại quê nhà.
Nhớ Lại Chiến Trường Xưa: Đồng Xoài – Bù Na nhắc đến các địa danh lừng lẫy trong cuộc chiến như Snuol, Đồng Xoài, Bù Na với sự giải thích rõ rệt về vị trí của chúng. Đoạn hồi ký này cung cấp cho người đọc một số điều có lẽ ít người biết đến. Chẳng hạn, dân Thượng ở Bù Na thuộc sắc tộc Stieng (thường bị gọi là dân cà-răng căng-tai), với phụ nữ để ngực trần khiến “lính tráng chúng tôi rất khoái vào sóc để nhìn lúc các cô đứng giã gạo, hai bầu ngực săn chắc rung lên rung xuống nhịp nhàng hấp dẫn.” Chuyện vui ấy so với những chuyện buồn thì chẳng thấm vào đâu. Như chuyện sử dụng các lao công đào binh như các người tù khổ sai “phải mang vác đạn dược, làm các việc nặng nhọc ngoài chiến trường. Có người trước đây là hạ sĩ quan, thậm chí có cả sĩ quan. Họ phải mặc áo quần nhà binh cũ, xé mất cổ áo, và trên lưng, trước ngực có viết nguệch ngoạc 4 chữ tắt LCĐB bằng son đỏ.” Hoặc như sự thực ghê gớm này: “Mùi xác chết là một mùi kinh khủng nhất. Cách xa cả cây số, mùi này theo hướng gió bay vào mũi thì dù có xoa loại dầu gì cũng chỉ làm tăng thêm nồng độ của sự kinh hoàng.” Tác giả cũng ghi lại sự kiện ông bị thương nặng trong một trận phục kích, khi một viên đạn địch xuyên qua giây nịt đạn và khoét một lỗ bằng đầu đũa ở bụng. Ông mô tả giây phút bên bờ tử sinh ấy: “Khi nằm sấp xuống tránh loạt pháo thì mới thấy lành lạnh. Kéo trật chiếc quần trận xuống, Phúc chỉ thấy màu xám của lớp ruột bên trong đang đùn ra, không một giọt máu.”
Những Ngày Cuối Năm Không Vui ở Lộc Ninh được tác giả ghi lại để tưởng niệm linh hồn các chiến sĩ hy sinh tại Lộc Ninh cuối năm 1971. Tác giả nhắc đến vài điềm gở tại mặt trận Lộc Ninh trong mùa đông buồn thảm năm ấy. Bắt đầu là chuyện một con chó hoang chạy lọt vào căn cứ, đứng trước hầm Hành Quân, chĩa mõm vào trong mà hú lên từng hồi nghe rợn người. Nó tỏ ra sợ sệt như đang đối diện một cái gì đó mơ hồ trước mặt mà những đôi mắt người không thấy được. Phúc bắn chết con chó ấy, và tuy không dị đoan, trong lòng chàng vẫn nghĩ đến những điều chẳng lành sắp xảy ra. Chàng liên tưởng đến chuyện cột cờ tại Bộ Chỉ Huy Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị bị gãy và theo sau là một loạt các biến cố làm thương vong cho cả chục sinh viên sĩ quan. Rồi đến chuyện Trung Úy Quốc yêu cầu Phúc “mai mốt mày về Saigon, nhờ mày đem cái đàn về cho má tao nghe” như một lời trăn trối. Cái chết bi hùng ngay sau đó của người trung úy trưởng ban ba trung đoàn này ngay khi trực thăng của ông đáp xuống thì bị Việt Cộng bắn vào lườn được tác giả ghi lại như sau: “Anh xạ thủ đại liên chết ngay tại chỗ. Riêng Quốc bị trúng nhiều mảnh đạn vào thân thể. Anh cố xoay sở tháo chiếc đai nịt an toàn. Lửa cháy bùng lên nhanh, hắt từng cơn nóng vào người. Quốc ngạt thở và tuyệt vọng, dẫy dụa cho đến khi ngọn lửa trùm hết cơ thể anh. Chiếc trực thăng nổ thêm nhiều tiếng nổ phụ rồi cứ thế, như một ngọn đuốc giữa cái nhìn bất lực đau xót, bàng hoàng của trăm binh sĩ xung quanh.” Nghĩa tử là nghĩa tận, Phúc đã đi theo chuyến xe chở thi hài Quốc về với gia đình lần chót, mang theo chiếc đàn guitar cho mẹ Quốc làm kỷ vật cuối cùng.
MỘT THỜI ÁO TRẬN là một hồi ký sống động về những người trai anh dũng thời loạn gần kề với cái chết trong gang tấc. Lối viết trong sáng, mạch lạc, đầy hào khí của tác giả khiến người đọc sảng khoái và hãnh diện. Đấy là chưa nói đến cái khía cạnh rất “người” của ông đối với đồng đội và ngay cả đối với địch quân. Đối với đồng đội, ông đã viết những điều ý nghĩa nhất để cụ thể hóa ý niệm “huynh đệ chi binh” mà chúng ta thường chỉ hiểu một cách mơ hồ:
“Đã ra tác chiến cấp trung đoàn trở xuống thì xác xuất cao nhất là trở về với thi hài gói chặt trong tấm poncho, hay mình mẩy băng bó trắng xóa nằm trên băng ca. Vì thế, tình cảm đối với nhau phải như anh em ruột thịt. Cha mẹ, vợ con dù là những người thương yêu mình nhất đời, cũng không thể có mặt bên cạnh trong những giờ phút thập tử nhất sinh. Người chiến hữu sẽ nắm đầu anh kéo xuống kịp trước khi quả đạn thù bay réo qua hay nổ gần bên. Khi anh bị thương, chỉ có bạn chiến đấu đến ngay săn sóc vết thương, di tản anh ra chỗ tương đối an toàn. Khi xác anh bị để lại trận địa lâu ngày mới lấy được, chỉ có chiến hữu mới chịu đựng nổi mùi thối rữa và sức nặng gia tăng để khiêng anh về qua hàng cây số đường rừng gai góc trong lúc đạn thù đuổi riết phía sau.”
Đối với quân địch, tác giả cũng có lúc mềm lòng, ngay cả ân hận, như khi ông tâm sự:
“Hành quân trong rừng, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thấy những bộ xương đã khô trắng hoặc bên đường, hoặc nằm sâu dưới đáy các hố bom B-52. Những cán binh sinh bắc tử nam khi ra đi vào nam có ngờ đâu phơi xác trong rừng sâu mà gia đình chắc chẳng bao giờ có thể tìm ra. Ai lo cho họ đây? Đồng chí của họ không lo được thì mong chi đối phương? Phúc cũng có lần cưa một miếng xương ống tay nhặt đâu đó, xỏ vào dây thẻ bài đeo trước ngực. Đêm về, nhìn khúc xương trắng mà thấy bất nhẫn, tự hỏi: Mình làm điều này có đúng không?”
Đây là một cuốn hồi ký chiến trường mà chúng ta, những chiến sĩ trong mọi binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuở ấy, sẽ đọc với một niềm hãnh diện vô biên.
-------------------
MỘT THỜI ÁO TRẬN: Hồi ký chiến trường của người lính bộ binh
Tác giả: Đỗ Văn Phúc
Xuất bản năm 2010 – 285 trang – Giá bán 18 Mỹ kim
Điện thoại và email liên lạc: 512-251-9016; md46usa@yahoo.com
- Đọc 'Tình Thơm Mấy Nhánh' Đàm Trung Pháp Điểm sách
- Điểm sách: Một Thời Áo Trận của Đỗ Văn Phúc Đàm Trung Pháp Điểm sách
- Bài Thơ Tết Cuối Đời Của Vũ Hoàng Chương Đàm Trung Pháp Nhận định
- Bài Thơ Xuân Nhuốm Màu Xung Khắc Văn Hóa Đàm Trung Pháp Nhận định
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Tháng 12, 2020 - Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Nov 1, 2020 - Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Sept 15, 2020 Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- “Nước non ta, ai ngăn trở ta về …” (Lý Đông A, 1943) Đàm Trung Pháp Nhận định
- Tâm huyết Tản Đà trong “Thề non nước” Đàm Trung Pháp Nhận định
- Hiệu Lực Của Ví Von Trong Thi Ca Đàm Trung Pháp Nhận định
• Điểm sách: Một Thời Áo Trận của Đỗ Văn Phúc (Đàm Trung Pháp)
- Nhà Văn Đỗ Văn Phúc Nói Về Hồi Ký ‘Cuối Tầng Địa Ngục’ (Hoàng Lan Chi)
- Giới thiệu "Chuyện dài chữ nghĩa" của Đỗ Văn Phúc (Phan Quang Trọng)
- Ông Đỗ Văn Phúc tố cáo vụ vi phạm luật tác quyền (Việt Nam Thời Báo)
• Những Ngộ Nhận về Chiến Tranh Việt Nam từ phía Hoa Kỳ (Đỗ Văn Phúc)
- Người Bạn Đồng Minh, Một Tấm Lòng
- Thảo luận với Nhà văn Đỗ Văn Phúc về vấn đề sử dụng chữ nghĩa hiện nay.
- Giới thiệu sách của Đỗ Văn Phúc có bán trên Amazon
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |