|
Vương Đức Lệ(.0.1937 - 20.1.2008) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Có những bài tuỳ bút và bút kí mà khi đọc xong chúng ta tự hỏi sao tác giả 'hay chữ' thế, sao mình không nghĩ ra được những chữ đẹp lộng lẫy như tác giả. Nhưng cũng có những bài bút kí làm chúng ta trầm trồ khen tác giả về những câu chuyện độc đáo, những vốn sống, về sự phong phú trong trải nghiệm xã hội, và những mối giao hảo đúng người, đúng địa chỉ. Tôi gọi hai loại bút kí là kí của nhà văn và kí của nhà báo. Trong những bài kí của nhà văn, ý tưởng có thể lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia, nhưng văn chương và chữ nghĩa lại là cả một sáng tác. Nhưng kí của nhà báo có cái khó vì tác giả phải sắp xếp và lồng những trải nghiệm của mình trong câu chuyện về một nhân vật sao cho độc giả thẩm thấu câu chuyện và ý nghĩa của nó; đó là loại bút kí biến dữ liệu thành thông tin.
Đinh Quang Anh Thái là một tác giả của loại kí thuộc nhóm hai. Qua 12 bài kí sự trong cuốn sách, tác giả đã kể lại những cuộc tiếp kiến với những văn nghệ sĩ và nhà hoạt động nổi tiếng như Bùi Bảo Trúc, Đỗ Ngọc Yến, Đoàn Kế Tường, Hồ Hữu Tường, Hoàng Cơ Trường, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Tất Nhiên, Lê Văn Tiến, Nguyễn Chí Thiện, Trần Văn Bá. Tất cả những nhân vật vừa kể đều đã ra người thiên cổ, sau một lần ở trọ trần gian. Thời gian 'ở trọ' của họ đã để cho thế hệ sau những bài học nhân thế, tình yêu quê hương, và niềm hi vọng về một ngày quê hương sẽ sáng chói. Quyển kí này là một lời giới thiệu tổng quan về những nhân vật trên mà thế hệ sau có thể tìm hiểu sâu hơn.
Chiến tranh và hệ quả của nó trong thời hậu chiến là môi trường cho những chất liệu phong phú cho bút kí. Có biết bao câu chuyện bi hùng cần được kể lại. Thế nhưng trong thực tế có rất ít bút kí trong văn học Việt Nam, có lẽ người Việt chúng ta không quen với kí và hồi kí. Cũng có những cuốn kí từ một phía của cuộc chiến, nhưng hình như đó là những tập kí có mục tiêu tuyên truyền kèm theo những thậm xưng mang tính thần thánh là chính. Còn ở đây bạn đọc sẽ gặp những con người thật, những sự việc thật, và cái chất thật được thể hiện qua những thành bại, hỉ nộ ái ố của các nhân vật. Không có thần thánh. Chẳng có tuyên truyền. Tất cả là sự thật.
Tôi gọi tập bút kí này là những mảnh đời. Đó là mảnh đời lưu vong của những văn nghệ sĩ như Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Tất Nhiên, và những đồng hương ở Nga và Tiệp. Họ là những người trong giới tinh hoa (elite) của miền Nam, của dân tộc như Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bảo Trúc, Hồ Hữu Tường, Lê Văn Tiến. Họ là những nhà hoạt động nổi danh một thời như Trần Văn Bá, Đoàn Kế Tường và Hoàng Cơ Trường. Họ là những du học sinh và những người lao động chân tay ở xứ người. Như DNA của 6 tỉ người trên hành tinh này chẳng ai giống ai, nhưng ai cũng có 23 nhiễm sắc thể, mười hai nhân vật trong quyển kí này có những chất liệu hoàn toàn khác nhau, nhưng có cùng chung thân phận: long đong. Tuy long đong ở nước ngoài nhưng tất cả đều có một mẫu số chung về lí tưởng: mong cho quê hương sáng chói.
Người đọc kí thường trông chờ những thông tin "độc" từ những nhân vật và sự kiện sẽ không thất vọng với tập kí này. Ví dụ như những câu chuyện độc đáo đằng sau một cây bỉnh bút nổi tiếng Bùi Bảo Trúc. Những ai từng yêu mến kiến văn uyên bác và cách viết dí dỏm của Bùi Bảo Trúc sẽ thấy thích thú khi biết rằng ông từng là một phát ngôn viên của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ông Bùi Bảo Trúc là người mà trình độ tiếng Anh có thể ngang hàng trình độ tiếng mẹ đẻ, người mà "giá nhắm mắt thì có thể nhầm là một người Anh chính cống đang phát biểu", và người đã "dùng ngoại ngữ đối đáp và tạo được sự nể trọng của giới kí giả nước ngoài." Một người giỏi tiếng Anh khác là Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (từng là giám đốc chương trình Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do), người mà tác giả mô tả rằng "[...] mỗi khi chú chấp bút viết một bản văn bằng Anh ngữ, Phó tổng giám đốc đài là nhà báo Dan Southerland phải thốt lên rằng, không thể sửa, dù một dấu phẩy bài chú viết." Đọc đoạn này chúng ta có thể so sánh với những phát ngôn viên ngày nay của Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa thì chỉ biết ngậm ngùi.
Hay những câu chuyện làm chúng ta phải chạnh lòng về cuộc đời của các nghệ sĩ. Ai yêu nhạc đều biết đến cái tên Nguyễn Tất Nhiên, nhưng có lẽ ít ai biết đằng sau những vần thơ tình tươi tắn và nghịch ngợm đó lại là một cuộc đời bị ám ảnh bởi cái chết và ... muốn chết. Nguyễn Tất Nhiên thường hay tâm sự với người bạn mình là Đinh Quang Anh Thái rằng "chắc có ngày tui tự tử quá ông ơi", và quả thật ngày đó đã đến vào năm 1992 khi Nguyễn Tất Nhiên tự kết liễu đời mình trong một chiếc xe cũ kĩ đậu trong sân một ngôi chùa ở Little Sài Gòn. Trước ngày chết một tuần, khi được mời đi ăn trưa, Nguyễn Tất Nhiên thản nhiên nói "thằng sắp chết không ăn, không hút thuốc." Có ai nghĩ tác giả của Thà như giọt mưa, Trúc đào, Cô Bắc kì nho nhỏ lại từ giã cõi đời trong hoàn cảnh như thế.
Tác giả còn kể lại hai chuyến đi sang Tiệp và Nga, với những câu chuyện hết sức thú vị về du học sinh và những người đi lao động bên đó. Những câu chuyện về sự bưng bít thông tin ở trong nước, những khát vọng của các sinh viên và người lao động về một nước Việt Nam mới được Đinh Quang Anh Thái viết ra rất thật và chân tình. Câu chuyện đi Nga với hãng hàng không Aeroflot có thể làm cho những người sống ở phương Tây như chúng ta phải mở mắt kinh ngạc. Tác giả kể "Thảm lót sàn rách nát, có chỗ cộm lên từng cục, nhất là ngay cửa vào, chỗ để mấy xe thức ăn, thảm rách được lấp liếm qua loa như một đống giẻ dơ bẩn khiến tôi suýt vấp ngã. Chưa hết, chỗ để hành lý trên đầu hành khách không có nắp đậy an toàn, nó chỉ là một loại kệ chạy dài gắn vào thân phi cơ." Nhưng câu chuyện trên máy bay thì có thể làm cho chúng ta đắng lòng. Khi tác giả hỏi một cô người Nga ngồi cạnh trong chuyến bay "có bao giờ cô gặp người Việt Nam ở Nga chưa", cô nói "Có chứ, chẳng có gì tốt đẹp về họ cả, buôn chui bán lận, gấu ó lẫn nhau là tất cả chuyện về họ." Đến ngày rời Nga cũng có một câu chuyện giống với trải nghiệm của hầu hết người Việt ở các phi trường lớn của Việt Nam: "Sáu ngày với cái lạnh và đói ở Mockba rồi cũng đến lúc chia tay. [...] Qua cổng hải quan, kỷ niệm chót của chúng tôi tại xứ này là mỗi đứa phải 'thông cảm' 20 dollars cho nhân viên di trú kiểm soát thông hành. Nếu không, người 'anh em' gây khó dễ thì 'làm gì nhau.'"
Và, còn nhiều câu chuyện hay như thế, nhưng tôi để cho bạn đọc tự tìm đọc và suy nghiệm. Những câu chuyện về Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập nhật báo Người Việt, tờ báo lớn nhất của người Việt ở nước ngoài; về Nguyễn Ngọc Bích, từng là Giám Ðốc Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do; về Như Phong Lê Văn Tiến, một nhà báo lừng danh mà tác giả gọi một cách thân thương là "Cậu Tiến". Tất cả đều được Đinh Quang Anh Thái phác họa bằng một văn chương dễ đi vào lòng người: đó là văn chương mang tính hình tượng.
Tôi biết Đinh Quang Anh Thái khá lâu. Những năm trong thập niên 1990s tôi hay đóng góp bài vở cho Tạp chí Thế Kỷ 21, một tạp chí của Người Việt, nơi anh làm việc. Biết qua những bài viết, chứ ít khi nào gặp và nói chuyện. Lần đầu tiên tôi có dịp gặp và nói chuyện với anh là qua một anh bạn khác, và anh để lại trong tôi ấn tượng của một người thẳng thắn, cương trực, nhưng hài hước -- một tố chất rất cần thiết trong những buổi đàm đạo trên bàn cà phê. Nhìn bề ngoài anh trông giống một gã giang hồ hơn là một kí giả, nhưng khi anh nói chuyện thì mới thấy cái duyên chất của một kí giả. Sau 1975 anh từng ở tù ở Việt Nam (tôi không hỏi vì lí do gì) nhưng anh kể chuyện trong tù hết sức dí dỏm, có khi cười ra nước mắt, y như một cuộc du ngoạn, chứ không phải đi tù. Bùi Ngọc Tấn đi tù và 'chưng cất' những nỗi đau khổ thành chữ, nhưng đối với Đinh Quang Anh Thái nhà tù có vẻ như là nơi anh chắt chiu những câu chuyện hài đen về xã hội chủ nghĩa. Những gì anh trải nghiệm ở Nga mang đậm chất hài đó, và chắc chắn sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều nụ cười mỉm.
Đinh Quang Anh Thái là một kí giả, nên anh có một vốn sống rất phong phú. Những bài bút kí này chưa phản ảnh hết những gì anh biết về nhiều nhân vật khác. Phải nghe anh nói về những lần tiếp kiến với văn thi nhạc sĩ lừng danh, những chính khách lừng danh lẫn chính khách nửa mùa mới thấy anh có cái tài kể chuyện. Đó là những thông tin "độc" -- theo cách nói thời nay ở trong nước. Lúc nào cũng bằng một lối nói sôi nổi và hào hứng. Lúc nào anh cũng kết thúc câu chuyện bằng một câu kết như là một bài học ở đời. Câu kết thường là trắng đen, dứt khoát, không có vùng màu xám. Nhưng trong loạt bài bút kí này, những câu kết của anh thường là những câu buồn và vương vấn. Viết về Hồ Hữu Tường, tác giả kết thúc bằng câu "[...] thương bác những ngày nghiệt ngã trong trại giam, bưng chén canh chung lên môi, nuốt cùng bao nỗi cay đắng khổ cực của một phận người suốt đời mưu cầu cái chung cho dân tộc", hay viết về Như Phong Lê Văn Tiến, tác giả nhận xét "Bây giờ thì cậu không còn nữa, nhưng đó chỉ là phần xác thôi, chứ tinh anh của cậu vẫn còn và sẽ còn mãi trong lòng nhiều người, nhiều thế hệ."
Nói như Nhạc sĩ Tuấn Khanh, Việt Nam là một "phác đồ của nghịch cảnh, phác đồ của mỗi cá nhân bị buộc phải chịu trách nhiệm thay cho các nền chính trị đã điều khiển dân tộc này, chưa thấy yêu thương đã ngập hận thù. Tất cả chúng ta đã hoặc đang là nạn nhân của chính trị." Mười hai bài bút kí trong tập sách này nói lên thân phận của những nạn nhân đó. Đáng lí ra tôi sẽ 'bật mí' cho bạn đọc những câu chuyện hay khác về học giả Hồ Hữu Tường và thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, nhưng tôi nghĩ các bạn không muốn tôi làm như thế vì cần phải để dành một số ngạc nhiên. Những câu chuyện trong tập sách, nói theo khoa học, chỉ là dữ liệu; cái quan trọng hơn là thông tin. Người viết bút kí hay là người biết chuyển hóa dữ liệu thành thông tin. Qua tập bút kí này các bạn sẽ thưởng thức những thông tin để đời mà các nhân vật và sự kiện đã đóng góp qua tài chuyển hóa của tác giả Đinh Quang Anh Thái.
Nguyễn Văn Tuấn
Nếu họa sĩ vẽ chân dung bằng cọ thì với tác phẩm này Đinh Quang Anh Thái đã hoàn tất được những bức chân dung bằng ngòi viết của mình qua nhiều nhân vật danh tiếng thuộc các lãnh vực chính trị, xã hội cũng như văn hóa. Để làm được công việc này, hẳn không phải dễ. Bởi điều trước hết là người viết phải thật trung thực khi cầm bút, nếu không, tác phẩm sẽ dễ rơi vào tình trạng viết ra để thù tạc. Rồi thứ đến, tác giả phải có liên hệ mật thiết với những nhân vật mình viết để mang lại cho chân dung những đường nét hiếm hoi, bất ngờ, khám phá. Và sau cùng, viết ra không phải chỉ là để đọc qua rồi bỏ mà còn là một sự gửi gấm những tâm tình, ghi gói những niềm ước mơ về tương lai còn ấp ủ của những nhân vật được khắc họa và gửi lại cho thế hệ sau những mảnh gương sáng ngời của thế hệ đi trước. Tất cả những điều kể trên, Đinh Quang Anh Thái đã thực hiện được trong tác phẩm này. ~ Nhật Tiến
Ngoài đời Đinh Quang Anh Thái có dáng vẻ của một tay giang hồ, nhưng cũng rất kỷ luật và nguyên tắc. Bấy lâu, thính giả đã quen thuộc với một Đinh Quang Anh Thái có giọng nói nội lực, khúc triết qua các bản tin, phóng sự, phỏng vấn nhân vật bên trong và ngoài nước, cả với vai trò của một MC điều hợp chương trình trong các buổi lễ hội. Nay qua tập Ký, là hợp tuyển những bài viết mới được xuất bản, độc giả sẽ khá ngạc nhiên khi tiếp cận với một Đinh Quang Anh Thái khác. Ký vốn là một thể văn rộng rãi, nhưng với Đinh Quang Anh Thái chủ yếu là những ghi chép về nhân vật và sự kiện, qua những hoàn cảnh và các giai đoạn mà Đinh Quang Anh Thái có dịp tiếp xúc, trải qua và sống với. Chân dung các nhân vật được lột tả sống động, các sự kiện phong phú được ghi lại với một trí nhớ dễ nể và được viết với một văn phong bộc trực thô nhám nhưng không thiếu phần tinh tế. ~ Ngô Thế Vinh
Đây là một cuốn sách với nhiều mẩu chuyện thú vị, bao gồm nhiều chủ đề vì tác giả là người đi nhiều, quen biết nhiều, và sống rất nhiều. Đọc để trải nghiệm về một nước Nga kinh hoàng trong thời kỳ Cộng Sản tan rã; để thương cảm cho những thân phận tù; để biết lòng vị tha của Nguyễn Chí Thiện, đa tài của Đỗ Ngọc Yến, tâm bất an của Nguyễn Tất Nhiên, v.v. Và cuối cùng, đọc để nhận ra tấm lòng đối với quê hương, đất nước và con người Việt Nam của Đinh Quang Anh Thái. ~ Nam Phương
“Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu …”
Biết Đinh Quang Anh Thái, nên khi đọc xong tập bút “Ký” của anh, tôi hình dung ra chàng tuổi trẻ một thoáng dừng bước giang hồ, ghi vội những điều mình đã trải nghiệm, những con người có lần gặp gỡ từ những cơ duyên bất chợt trong suốt cuộc ruổi rong. Thái bắt đầu cuộc phiêu lưu từ thuở chưa đến tuổi hai mươi, mỗi bước đi anh mang theo ngọn lửa của lý tưởng của thương yêu. Ngọn lửa đã theo Thái đi bốn phương tám hướng, từ Việt Nam qua Mỹ, rồi sang Âu sang Á, đi vòng hết tinh cầu, đi từ những vùng sáng tự do đến những góc tối đen tù ngục. Chính ngọn lửa đó đã khơi lên tình bằng hữu giữa những người khác chủng tộc, hoặc không cùng thế hệ, giữa những người đã có lần thuộc về hai bờ bến khác nhau của dòng Bến Hải; ngọn lửa nóng đủ để làm tan chảy giá băng cách biệt và nối kết những tâm tư có cùng chung mẫu số. Và tôi cũng biết Đinh Quang Anh Thái, để hình dung ra gã trung niên giang hồ phiêu lãng sẽ vẫn còn tiếp tục cuộc viễn du, vang vang lời hát:
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mài
Đời tôi sao vẫn còn biên giới …
(Bên Cầu Biên Giới – Phạm Duy)
~ Nguyễn Hoàng Duyên
Tôi đã sống với những giấc mơ nhỏ bé bên người yêu như “ta muốn cùng em say… ”, cho đến những ước vọng ngoài tầm tay cho quê hương như “có bao giờ máu xương tàn, núi rừng ươm nắng… ” Những ước vọng cho quê hương đó tôi đã nhiều lần tiếc nuối vì không có cơ hội đóng góp tích cực hơn. Nay đọc tập Ký này của Đinh Quang Anh Thái, anh đã cho tôi cùng anh bước lại các đoạn đời đấu tranh của chính anh trải dài theo lịch sử đất nước từ khi anh 20 tuổi và vẫn tiếp tục trong những năm tháng xa xứ.
Qua các sinh họat đấu tranh của anh và các bạn đồng chí hướng được ghi lại trong cuốn Ký, tôi đã được “gặp và sinh hoạt” với một Trần Văn Bá của Tổng Hội Sinh Viên Viêt Nam tại Paris mà tôi rất ngưỡng mộ; gặp Đỗ Ngọc, Hoài Hương, Hồ Huy và các sinh viên, công nhân Đông Âu tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, tự do. Tôi còn được biết một Đoàn Kế Tường, một Bùi Bảo Trúc, một Đỗ Ngọc Yến, một Nguyễn Ngọc Bích và rất nhiều sĩ phu Việt Nam khác đã hết lòng với quê hương dân tộc mà lòng tôi luôn luôn kính phục.
Riêng cá nhân tôi, với ước vọng được nhìn thấy một quê hương Việt Nam an bình, người người hạnh phúc, tôi trân trọng cám ơn Đinh Quang Anh Thái đã cho tôi được chia sẻ những kinh nghiệm dấn thân của anh trong hơn 40 năm qua cho quê hương thân yêu của chúng ta. ~ Đăng Khánh
Hầu hết các bài trong tập sách được viết khi nhân vật vừa qua đời. Thấy nước mắt, nghe lời ai điếu, đôi khi cả lời xin lỗi kín đáo và muộn màng từ tác giả gởi người vừa nằm xuống. Tập sách như nén hương lòng thắp tạ những nhân vật của một thời! ~ Phạm Phú Thiện Giao
Những câu chuyện thật, những con người thật, những nơi chốn thật, nhưng trên hết là tình người và những tấm lòng chân thật đã ở lại cùng tác giả xuyên suốt những cuộc hành trình, trở thành những mảng lịch sử sống được ghi vào trang giấy. Mai này, nếu có ai muốn tìm lại hình ảnh những nhân vật, những cộng đồng, những câu chuyện tranh đấu Việt cùng khắp năm châu, cuốn Ký này có lẽ là một trong những cuốn sách gối đầu. Hiện tại, theo lời tác giả, Ký có được là nhờ những đêm tỉnh giấc chơi vơi... ~ Hòa Bình
Hồi làm ở nhật báo Người Việt, tôi thường bị anh rầy, thậm chí kỷ luật. Nhưng làm sao khi anh kỷ luật ai đó, lại mang đến cho họ cảm nhận của sự quan tâm ân cần. Những bài ký của anh cũng vậy, khi kể về mỗi sự kiện-nhân vật, đã thực tả không nhân nhượng ngay khi phải đề cập đến những "tính hư, tật xấu", nhưng qua đó người đọc dễ nhận ra sự tinh tế trong bất kỳ mối giao hảo nào của anh trong đời sống lịch nghiệm, đầy tính nhân văn. Anh viết với tất cả sự ân cần không chỉ đối với những nhân vật được nhắc trong tập Ký, mà còn đối với tất cả độc giả đang cầm quyển sách trên tay. ~ Uyên Nguyên
- Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- “Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ” Nguyễn Văn Tuấn Đính chính
- Đọc “Những bài viết về chính trị” của Nguyễn Hưng Quốc Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- Điểm sách: Tuyển tập II Chân dung Văn học Nghệ thuật và Văn hóa của Ngô Thế Vinh Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- Tại sao những ca khúc trước 1975 được ưa chuộng? Nguyễn Văn Tuấn Nhận định
- Đọc sách "Những bài học thuộc lòng - Tân Quốc văn giáo khoa thư" Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- Những mảnh đời qua bút kí của Đinh Quang Anh Thái Nguyễn Văn Tuấn Giới thiệu
- Cung đàn của Lộc Vàng Nguyễn Văn Tuấn Giới thiệu
- Đèn Cù và Những Lời Trăn Trối Nguyễn Văn Tuấn Nhận định
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |