1. Head_

    Dương Quảng Hàm

    (14.7.1898 - 19.12.1946)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Thân Phận Của Hồ Xuân Hương (Bùi Giáng) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      14-8-2017 | VĂN HỌC

      Thân Phận Của Hồ Xuân Hương

        BÙI GIÁNG
      Share File.php Share File
          

       

      "Thân em thì trắng phận em tròn,

      Bảy nổi ba chìm với nước non... "


      Thân phận của nữ sĩ quả như lời nàng vịnh bánh trôi nước: bảy nổi ba chìm. Nhưng tất cả tấn thảm kịch chưa chỉ chừng đó. Nếu bảy nổi ba chìm giữa nước non mà người chịu để, cho lòng minh cùng với cuộc đời mà đổi thay, méo mó, thì không sao. Cái đau đớn là giữa non nước bảy nổi ba chìm, người lại cố giữ tròn trịa, trắng trong một tấm lòng son nguyên vẹn. Và suốt một đời, sự xung đột cứ tiếp diễn liên miên. Mâu thuẫn giữa lòng người và cuộc sống, tương xung giữa niềm khát vọng tha thiết của tâm hồn và sự khắt khe của định mệnh. Oái oăm làm sao, sự chênh lệch! Người tìm mãi không ra nhịp quân bình. Thoảng hoặc, một đôi lần có tạm tìm được, cũng chỉ để rồi khi mất lại càng chua xót tái tê hơn. Và lời van xin, lời cầu nguyện âm thầm của lòng người thiết tha qua giọng điệu cợt đùa trâng tráo, những lần nào ta lắng lại chu đảo hơn, ta đã kịp nhận ra một âm vang não nuột cũng gần như tiếng "tân thanh đoạn trường" của Tố Như, mà có lẽ dường còn tấm tức oái oăm hơn. Nói mà nghẹn lời, thở than mà ngượng ngập, muốn khóc lóc mà đành phải gượng cười, chưa một lần nào người thật sự để lòng minh trước mắt người đời được dàn bày, phơi trải. Tự thú thật với lòng mình đã ngượng nghịu lắm thay! "Những chưa nói đã thẹn thùng...".


      Mà thật ra, còn một lối nói nào phô bày rõ hơn nỗi lòng tan nát bằng cái cười hí hước che dấu tâm tư? Che mà rất mở.


      Người con gái từ nhỏ sống côi cút với mẹ, ra vào một gian nhà nhỏ bên hồ Lãng Bạc, người con gái quê mẹ ở Hải Dương, quê cha Quỳnh Lưu đất Nghệ, đã ôm ấp những mộng tưởng gì khi nhìn tấm gương kim cổ cau mặt với tan thương, những lúc nắng hanh buổi sớm, mây dồn mái trưa... Nàng đã âm thầm nối lại những giấc mơ nào, riêng? chung? cùng non nước? Những giấc mơ nồng nàn nào để ngày mai cuộc đời sẽ làm cho tan nát? Và người sẽ lựa một giọng điệu nào để lấp liếm nguôi quên, mà riêng mình biết đã trọn vẹn ký thác với cái tâm sự của con người đau thương mà nghìn xưa lời ca dao từng than thở:


      "Tưởng rằng đá nát thì thôi,

      Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng."


      Lên bảy, lên tám, xin mẹ cắp sách tới truờng, những hoài vọng thiết tha nào xui giục? Cái thế giới này mới xinh ngộ làm sao. Từ bao năm lớn lên bên tà áo mẹ, có dịp nào được sống với nhịp lòng vui hứng thế này đâu. một vài chữ Tam Tự Kinh cửa thầy chỉ bảo qua loa cho cô nữ sinh đỡ chơi nghịch, thầy có ngờ đâu rằng trong tâm hồn nhiều chờ mong thắm mộng ấy, mỗi một chữ sách có một âm vang không thường, đánh thức dậy muôn vàn khát vọng tiềm lắng của cha ông, của những con người Nghệ Tĩnh.


      Các bạn trai đừng quá sỗ sàng tinh nghịch nhé. Người bạn mái hồn nhiên nhí nhảnh ấy, cùng ngồi với các bạn trong gian phòng học kia, mang một tâm hồn muôn thu của non nước, ngày mai sẽ thay thế cho bạn quần thoa nói lên nỗi đời hờn tủi của giới mình trong một giọng điệu nào độc đáo vô song... và muôn người ngang qua sẽ dừng bước lắng nghe, sững sờ, bâng khuâng và lim dim mắt lại...


      Cái giọng nói hồn nhiên vui cười cay đắng của người tự thuở lên mười, nàng đã có... Một chữ "XUÂN" viết trên bụng biến thành một chữ "THUNG"... và nàng cũng không ngần ngại gì mà không vì văn chương đem phơi bụng mình cho bạn đọc. Bạn cứ nhìn kỹ vào bụng Xuân Hương mà xem (bụng theo nghĩa đen). Đã nói chuyện văn chương thì đừng nên e thẹn gì giữa trai và gái. Một câu nói, một thái độ ấy của người cũng đủ tóm tắt cả một bản ngã ngang nhiên của bạn nữ lưu yêu đời dạn dĩ. Rồi suốt đời nàng vẫn giữ vẹn thủy chung với quan niệm tuyệt luân của mình hoài bão với văn chương nghệ thuật: tươi cười vừa như che dấu, vừa phơi trải cả tấm lòng tan nát, đứt lìa của mình, thẳng thắn cho đời nhìn, càng rõ thêm ra... Người đời có cười nàng sao trên bước đuờng đời nàng vấp té nhiều bận thế, và quả tim có vì vậy mà dập nát nhiều không. Thì nàng vẫn lại tươi cười lấp lửng mà đáp:


      "Giơ tay với thử trời cao thấp

      Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài."


      Lời nói để chửa thẹn của tuổi nhỏ quả cũng phát xuất tự tâm can, và nghiễm nhiên trong đó lung linh hình ảnh trọn một kiếp người. Muốn biết trời cao thấp, muốn biết đất ngắn dài, thì thế tất phải chịu xoạc cẳng, giơ tay, chịu lầm than té xuống, té lên chứ lị. Nếu không chịu trầy tay, gãy chân và đứt từng đoạn ruột thì làm sao biết rằng đất có còn để bàn chân đạp, và trời có còn để miệng thở than?


      Ta hãy nhận ra lời nói của nàng. Cô gái đi dự hội xuân nhí nhảnh tươi cười gieo tặng những vần thơ xanh, sau này bao lần sẽ gây cho lòng người rất nhiều tấm tức. Ta đau lòng nhìn cái nụ cười xuân của nàng giữa buổi hội hân hoan. Cái cười trước sau vẫn không thay đổi. Vẫn hồn nhiên bất tận. Vẫn hai làn môi hồng thắm tươi làm khung cho hai hàm răng ngọc. Và nhìn vào ta cứ thấy mới mãi ra. Ta muốn thưa: - "Xin nàng hãy đừng cười nữa. Chừng ấy cũng đủ để chúng tôi hiểu rồi, và cảm tạ người rồi. Tôi đã đọc được tiếng khóc trong giọng cưới, và hiểu đời mình, dời người lúng túng như thế nào trong vòng định mệnh..."


      Cái cười của nàng cũng như cái khóc của Nguyễn Du, vừa đau thương vừa an ủi. Hai thiên tài của đất nước đã chỉ cho ta hai lối thoát ly, tuy xa biệt nhau, mà cùng giống nhau trong tác dụng.


      Với Nguyễn Du, ta ngồi lại bên đường, dưới bóng cây râm mát, bên bờ suối trong, ta chờ bàn tay người mẹ hiền thấm nước rửa rịt vết thương, và chim trên cành vẳng giọng ca chia sớt... Lòng ta dịu lại, vì trong khi ta đau khổ, cả đất trời cảnh vật đã cùng ta lai láng cảm thông. Khi đầm đìa than thở:


      "Bên trời góc bể bơ vơ,

      Tấm son gột rửa bao giờ cho phai..."


      Ta đã dốc hết nguồn cơn cho trời bể, và trong lời thở than tràn trào, uyển chuyển, ta đã gửi trọn nỗi buồn đau cho nhịp điệu, và cuối cùng đã tìm ra an ủi trong nhíp điệư đong đưa... Qua làn nước mắt người đã mỉm một nụ cười với nghệ thuật vô hạn tuyệt vời, mình đã để cho lòng mình bị lời thơ quyến rũ, đi vào trong bát ngát cảm thông. Không có gì an ủi nỗi đau thương con người bằng lời thơ não nuột của Nguyễn Du. Tiếng đoạn trường đã lai láng nối liền những đoạn lòng đứt nát... vì chính lòng thi nhân đứt nát không hề được ai nối lại cho.


      Với Hồ Xuân Hương, ta tìm lối thoát ly cho đau thương bằng một nẻo khác. Vết thương loang máu, ta vẫn không được phép ngồi lại bên đường. Không có người mẹ hiền ngồi bên ve vuốt. Chim trên cành không vẳng giọng cảm thông, mà lại lên điệu ca nhạo báng. Và cảnh vật cùng lên giọng cợt cười:


      "Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

      Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn..."


      Người bạn đường đi bên cạnh lại oái oăm giục ta giấn bước. Hãy cứ cười mà đi, mặc cho vết thương loang máu, mặc cho miệng thế cười chênh lệch, mình hãy tự cười mình trước:


      "Cái tội trăm năm chàng chịu cả,

      Mảnh tình một khối thiếp xin mang.

      Quản bao miệng thế lời chênh lệch,

      Những kẻ không mà có mới ngoan."


      Cái cười mới thật là trắng trợn. Mà cũng thanh thoát làm sao. Nó ngang nhiên hí hước:


      "Tài tử văn nhân ai đó tá,

      Thân này đâu đã chịu già tom."


      Nó cho ta đủ thanh thản để đi vào giữa tủi nhục của cuộc đời mà lòng không nao núng. Người dù có điêu đứng vẫn giữ được thái độ hiên ngang đắc thế. Thật không khác gì thái độ của tác giả Đoạn Trường Tân Thanh mấy:


      "Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

      Mà xem con tạo xoay vần đến đâu."


      Hoặc:


      "Đã cho lấy chữ hồng nhan

      Làm cho cho hại cho tàn cho cân..."


      Con Tạo có tàn nhẫn với ta, có xem ta như một đồ chơi bé bỏng, dù sao ta vẫn là một đồ chơi có ý thức mình là một đồ chơi, và chừng đó đủ cho phép người hãnh kiêu mỉm cười cùng nghệ thuật, lên tiếng trách trời già:


      "Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại,

      Rõ khéo trời già đến dở dom..."


      Thật là khác xa cái cười của Trần Tế Xương. Cái cười hằn học của Trần Tế Xương tố cáo sự thất thế của con người trước cảnh ngộ, không làm chủ được minh, không tự tạo được cho mình một nhịp điều hòa thanh thản. Người không đi trên được thực tế trớ trêu. Và vì thế Trần Tế Xương không cho ta thấy một nhân sinh quan sâu rộng. Không giúp ta hiểu đời một cách sâu sắc hơn.


      Hồ Xuân Hương là một thiên tài trào phúng Việt Nam đã đi vào cõi bất diệt. Cái cười của Hồ Xuân Hương mới thật là vừa hồn nhiên, vừa tươi trẻ, vừa sâu sắc, rộng lượng vô cùng. Nó không có tính cách thời sự, và hẹp hòi soi mói nhu cái cười Trần Tế Xương. Nàng vẫn cười người rất tàn nhẫn:


      "Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,

      Vị gì một tí tẻo tèo teo."


      Nhưng tàn nhẫn mà không sâu độc, không ác ý. Cái mới thật là lạ. Chỉ vì lẽ nàng thương nhiều hơn ghét. Thương cho người và thương cho mình. Cười người mà cũng chính tự cười mình. Cười người "vị gì một tí tẻo tèo teo", nhưng chính nàng đã há không bao lần từng cười mình đã vì cái thúc bách của "tí tèo teo" mà ôm lòng chịu tủi nhục đó sao?


      Thế rồi khi nhận rõ nguyên nhân của tủi nhục nó phi lý lạ lùng đến thế thì thôi, là tấm lòng của nữ sĩ có phải đã cùng với nghệ thuật mà trao đổi một chuỗi cười hân hoan? Hân hoan và đau khổ quả đã thật xen hòa. Nhưng ta không dám quả quyết rằng hân hoan đã làm nguôi đau khổ? Làn môi của nữ sĩ ta sợ vẫn chưa hết mếu trong nụ cười. Ta tưởng như chưa hẳn hiểu xong tấm lòng cùng những nguyện ước của Xuân Hương. Lòng nữ sĩ nguyện ước những gì? Người có tìm ta an ủi trong nghệ thuật ấp ôm? Ta không biết. Nỗi đau khổ của người ta không thể cảm thông trọn vẹn. Nàng là đàn bà. Lại là nữ sĩ. Kẻ đồng hội đồng thuyền với nàng không phải là chúng ta. Cái dở dang của tình duyên, cái bẽ bàng của thân phận, cái ngang trái của số kiếp, người đàn bà bao giờ cũng là nạn nhân đau đớn hơn đàn ông. Người đàn ông có nhiều lối thoát hơn. Trong vấn đề tình duyên, ân ái, người đàn ông được quyền chủ động. Người đàn bà, trong bản tính, tự thấy không thể ngang nhiên. Huống hồ còn luân lý, còn tứ đức, tam tòng, còn phong thể... Bao nhiêu mối ràng buộc. Làm sao thoát ly, dù tâm hồn một nữ sĩ có muốn cởi bỏ hết. Nỗi khát khao của lòng, nhiều lắm, chỉ dám dãi tỏ trong lời thơ; trước cuộc đời, ta biết rằng nhà thơ sẽ e dè lùi bước.


      Người đàn ông, khi thiết tha yêu, đợi chờ mà không được đền đáp, vẫn dễ dàng tìm một đối tượng khác làm phương tiện thực hiện cái mộng yêu đương của lòng mình. Hở môi không đến nỗi thẹn thùng, mà có phần còn khoái trá hãnh kiêu trong hành động "trả thù" oái oăm là khấc. Gã thanh niên bị tình ruồng bỏ, khát vọng vô biên, bèn đi tìm một cô đĩ, hoặc một người đàn bà nào xấu xí, cùng khổ, lem luốc nhất, và đem trao cho kẻ ấy trọn vẹn nỗi đằm thắm thiết tha của tình mình trong trắng. Và hân hoan kiêu hãnh xiết bao. Đem bán rẻ tâm hồn mình đế trả thủ cho bõ ghét. Mà khuynh hướng vị tha trong tình yêu quả được thỏa mãn hoàn toan. Và kẻ được dùng làm phương tiện sẽ nhìn anh với đôi con mắt lạ lùng, không hiểu vì đâu, nhưng tấm lòng tri ân càng nặng.


      Người đàn bà có thể tim nẻo thoát theo lối ấy được không? Cái lối thoát bất định, do tình cờ, do ngẫu nhiên của cuộc sống đem lại một phần, nhưng rất nhiều phải do quyền chủ động của kẻ làm đàn ông. Người đàn bà, mà nhất là người đàn bà Phương Đông tự bao đời âm thầm kiên nhẫn trong khuôn phép tứ đức, tam tòng, dù có tài hoa muốn để lòng trào lộng, vẫn không thể nào dám ngang nhiên xử dụng cái quyền kia... Dù chỉ một lần thôi, rồi cam lòng chịu chết.


      Đến đây ta e ngại. Ta sắp bước vào một khu vực nào đó của một vấn đề nhân sinh quá đoạn trường. Có nên nêu lên không. Mà nêu lên thì không được bỏ dở, phải đi tới cùng. Muốn đi tới cùng phải đau lòng lìa bỏ Khổng Khâu, gột rửa rất nhiều thành kiến, mà theo tư tưởng của Jésus... Và theo một cách tuyệt đối quá. Được không? Không! Được. Ta sẽ nêu lên. Nhưng sẽ không đi tới cùng. Ta còn ở trong địa hạt văn chương. Và ta đương bàn về một nữ sĩ. Dù muốn dù không, nàng cũng không chịu để ta sỗ sàng bàn đến vấn đề riêng liên hệ đến bạn quần thoa. Ta xin nhường lời cho một Hồ Xuân Hương thứ hai của thời đại mới. Nàng phải xuất hiện. Thế kỷ điêu linh của chúng ta đương thiết tha kêu gọi nàng hãy về, và bước mạnh dạn hơn nữ sĩ của thế kỷ trước.


      Vì cái nỗi trầm luân của con người hiện nay sâu thảm quá chừng Không giải quyết nối ta sợ rằng xã hội sẽ mất thăng bằng, vì bốn phần tư loài người đương dở sống, dở chết. Biết bao nhiêu hồng nhan "trơ ra với nước non", tủi nhục đến nước nào mà cuộc đời chìm nổi của Kiều đối với họ không đoạn truờng tí nào, mà là Thiên Đường của Mộng.


      Hồ Xuân Hương còn may mắn quá nhiều. Dù ngang trái mấy lần, nàng cũng đã được bước đi mấy bước. Còn bao nhiêu kẻ khác xấu xí hay không, hồng nhan hay đen đủi, - chưa một lần nào hiểu hương vị của yêu thương. Họ nghĩ thế nào? Lời ai bên tai cứ rền rĩ: "Oh! me disait ce pauvre infirme... ne fut-ce qu'une fois! Pouvoir enlacer de mes bras qui que ce soit pour qui je brule... Il me semble qu'après avoir connu cette joie, je me résignerais plus facilement à n'en plus jamais gouter d'autres; que je me résignerais plus facilement à mourir." (Ôi! Dù chỉ một lần thôi - Kẻ tật nguyền đánh thương kia nói với tôi như thế - dù chỉ một lần, được siết chặt trong tay mình bất kỳ kẻ nào tôi cháy lòng khao khát... Tôi tưởng rằng khi đã hưởng được niềm vui ấy, tôi sẽ đành lòng không bao giờ đòi hỏi hưởng thụ những niềm vui nào khác, tôi sẽ cam lòng chịu chết giữa hân hoan...) (André Gide) và Somerset Maugham cũng để cho nhân vật thốt trong một phút loạn cuồng ngây ngất: "Bà hãy bắn tôi đi! Bắn ngay! Rồi tôi sẽ tha thứ hết cho bà. Trời ơi! Anh yêu em lắm!"


      Với những tâm hồn đương thiết tha đòi hỏi đến điên cuồng rồ dại ấy, một lời an ủi của Gide có hiệu lực gì không: "Hỡi kẻ đau khổ kia ơi! Niềm vui ấy được huởng một lần chỉ càng gây thêm rạo rực. Dù người có tâm hồn nghệ sĩ bao nhiêu đi nữa, trong những vấn đề này bao giờ tưởng tượng cũng không đến nỗi rứt ray đau đớn bằng kỷ niệm da diết đâu nao!"


      Đối với những tâm hồn ấy, họ sẽ nghĩ thế nào khi thấy ở đời có những kẻ oái oăm diên trì thời hạn? Sắp hái cành hoa thắm lại còn chậm rãi làm ra vẻ cân nhắc đắn đo... chần chờ nấn ná... để làm tăng thêm ngào ngạt cho hương lòng, rồi cái tiên vị đủ đê mê, người ngất ngây ngang nhiên khước từ khoái cảm...


      Thì ra đời toàn những bất công, tai ngược. Kẻ thừa thải hưỏng thụ một cách quá ư trưởng giả, người lại thiếu quá nhiều, hụt trước hụt sau... Kẻ thiếu thốn quá nhiều có phàn nàn, thì kẻ thừa lên lời dạy bảo: "Bạn hãy biết rằng cái ý nghĩa CÓ nằm trong tiếng KHÔNG. Không mà có. Có đến thừa thãi cũng tức là không!" Chao!


      Hồ Xuân Hương còn may mắn nhìều. Dù hai lần nửa đường đứt gánh, nàng cũng đã được mang gánh nửa đoạn đường. Dù có "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung", thì năm khi mười họa cũng còn có lần "nên chăng chớ"...


      Cũng vì lẽ đó nên trong văn chương, nàng còn gửi lại cho ta những vần châu ngọc. Người nghệ sĩ còn hòa giải được với đời, nên thỏa dạ làm thơ. Có những kẻ điêu đứng hơn không còn biết mở miệng "ăn mần răng, nói mần răng bây giờ". Tiếng đoạn trường không thốt ra khỏi cổ. Tiếng đoạn truờng không thể có âm thanh.


      Bùi Giáng

      Nguồn: Tân Văn số 6, Tháng 1.2008

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ Bùi Giáng Nhận định

      - Thân Phận Của Hồ Xuân Hương Bùi Giáng Nhận định

      - Đi Vào Cõi Thơ Hoài Khanh Bùi Giáng Nhận định

      - Phụng Hiến (Hồng Vân ngâm) Bùi Giáng Thơ

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)