1. Head_

    Dương Quảng Hàm

    (14.7.1898 - 19.12.1946)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Bùi Bích Hà, Một Mình Trong Nỗi Nhớ (Bùi Vĩnh Phúc) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      3-12-2019 | VĂN HỌC

      Bùi Bích Hà, Một Mình Trong Nỗi Nhớ

        BÙI VĨNH PHÚC
      Share File.php Share File
          

       


            Nhà văn Bùi Bích Hà

      Bùi Bích Hà chỉ mới tự giới thiệu mình với độc giả hải ngoại bằng tập truyện ngắn Buổi Sáng Một Mình, do nhà Người Việt in năm 1989, cùng với một vài bài tùy bút về quê hương đăng rải rác trên một số báo chí và tập san văn nghệ trong mấy năm qua. Thế nhưng, chỉ với tập truyện ngắn và một vài bài tùy bút ấy, bà đã để lại những ấn tượng rõ nét trong lòng người đọc về một văn phong trầm lặng nhưng lại ẩn chứa đầy những sôi sục bên dưới, và một trái tim thiết tha nhưng luôn quằn quại với những câu hỏi của đời sống.


      Thật ra, Bùi Bích Hà còn có một tác phẩm khác, cũng do nhà Người Việt in (năm 1991), là tập Bạn Gái Nhỏ To. Tập sách chọn lọc một số những câu hỏi của độc giả về những vấn đề của cuộc sống lứa đôi, đăng hằng tuần trên trang Phụ Nữ của nhật báo Người Việt mà bà phụ trách. Tác giả ký tên là Thái Hà trong mục này. Những ý kiến và những lý giải của Bùi Bích Hà trên trang báo này cho thấy bà có một sự đồng cảm sâu đậm với những người đến với bà. Bà gần gũi với những vấn đề con người và bà có một năng khiếu đặc biệt, bắt nguồn từ chính sự thông minh nơi con người bà, để trợ giúp người khác trong những khó khăn về mặt tình cảm. Cái nhìn của bà phóng khoáng nhưng không thiếu sự nghiêm túc. Tự do cho con người và trách nhiệm của nó để xứng đáng có được sự tự do đó là những gì tôi nhận thấy, một cách tổng quát, trong những đóng góp thiết tha và giàu lòng nhân ái của Bùi Bích Hà qua tập sách vừa nói.


      Dù sao, trong bài viết này, tôi sẽ tập trung sự phân tích của mình vào tập truyện ngắn Buổi Sáng Một Mình.



      Đó là một tập sách gồm có mười lăm bài văn pha trộn những thể loại khác nhau: truyện ngắn, tùy bút, thư. Thật ra, có thể nói đây là một tập truyện ngắn được mở đầu bằng một lá thư cho một người bạn, một người mà tác giả quý mến, và chấm dứt với một tùy bút viết về Huế, quê hương một đời của bà.


      Câu văn, hình ảnh và những rung động của Bùi Bích Hà, trong mắt nhìn riêng tôi, có một khoảng cách khá rõ so với câu văn, hình ảnh và những rung động của đa số những người viết hiện nay có tác phẩm xuất bản ở ngoài nước. Đọc văn của những người khác, ta thấy đời sống và tâm lý nhân vật như quay theo một trục quay gần gũi với cái trục quay vật lý và xã hội của cuộc sống này. Chúng quay nhanh hơn cái nhịp mà ta vẫn hằng quen biết, ngày xưa, ở quê nhà. Cái nhịp quay ở đây là cái nhịp quay của một xã hội hậu-kỹ nghệ đang tiến những bước dài sang một xã hội đặt căn bản trên sự thông tin. Con người ở đây đang phóng mình hối hả trên những xa lộ thông tin (information highway), đang “trượt sóng” trên những hệ thống tin tức liên-quốc-gia (surfing the Internet) trong một cái không gian được điện tử hóa (cyberspace). Đời sống là những vòng quay xấn tới, và con người trong xã hội này phải bắt vào cái nhịp của những vòng quay vừa nói.


      Bùi Bích Hà và các nhân vật của bà, trong cái nhìn của tôi, hình như vẫn ở bên ngoài cái vòng quay ấy. Có những lúc, tôi có cảm tưởng rằng họ đã chọn lựa sự bất tham dự đó.


      Chúng ta hãy nghe tác giả phân bày cái tâm thế này:

      Trong nhịp sống quay cuồng của nền văn minh cơ khí Hoa Kỳ, thật vô nghĩa khi gợi nhắc lại một dàn hoa thiên lý, một dàn mướp bông vàng phơi trên bờ dậu có những chú ong như một hòn bi tròn xoe, xanh biếc, liệng chấp chới, tiếng cánh đập vù vù những vòng bay khát khao, nghe như trời đất cùng rạt rào âm hưởng. Thật vô nghĩa khi gợi nhắc lại tiếng chim hót buổi sớm mai trong veo như chuỗi ngọc, trong khu vườn có cây mẫu đơn còn giữ trên cái cành nâu và trên những phiến lá xanh tươi một cái váng nhện lấp lánh sương dưới ánh nắng đầu ngày trông giống như tấm mạng che mặt của cô dâu kết bằng những hạt mưa thanh tao, trong trẻo và kỳ lạ nhất. Thật vô nghĩa khi gợi nhắc lại vòm không gian thoang thoảng hương của hằng trăm loài kỳ hoa, dị thảo lúc nào cũng xao xuyến những thanh âm đến từ một cuộc sống vừa náo nức, sung mãn, vừa thâm trầm, bền bỉ: tiếng gió, tiếng mưa, tiếng trăng trên mặt nước, trong hàng cây, tiếng ve sầu, tiếng dế, tiếng tắc kè, tiếng ễnh ương…

      (Đã Mất Cùng Với Mậu Thân (II))

      Đó là những thiết tha cứ đan kết mãi những tấm màn sương móc vô hình trong trái tim tác giả. Bà yêu cuộc sống sâu lắng và bình hòa cũ, với những rung động tế vi của trời đất cũng như của lòng người. Tất cả những điều trên có thể là vô nghĩa với nhiều người, những người vì cuộc-sống-còn đã để cho mình bị cuốn hút vào một vòng quay mới, hay đã quên đi những bước chân êm đềm, tha thiết của một quá khứ ngày xựa. Bùi Bích Hà thì không. Bà không quên, bởi vì bà nhìn ra được ý nghĩa của những cái tưởng là vô nghĩa kia:


      (…) sự vô nghĩa ấy vẫn còn đáng giá hơn đời sống của một người lưu lạc mất quê hương, sáng chiều giam mình trong những cái hộp khổng lồ, lao động nhọc nhằn chỉ để nuôi sống một cái xác thân tầm thường, tục lụy. (bài đã dẫn)


      Thật ra, nhìn một cách nào đó, tâm thế của Bùi Bích Hà là một tâm thế bi quan. Nhưng bi quan không hẳn là một giá trị văn chương. Somerset Maugham cũng bi quan. Gustave Flaubert cũng bi quan. Và cả Võ Phiến với Nguyễn Mộng Giác cũng bi quan. Giá trị của văn chương nằm ở cách thế của sự nhìn ngắm, quan sát và lý giải đời sống. Bi quan hay không bi quan, hay lạc quan, chỉ là một chỗ đứng, một góc độ từ đó con người nhìn ngắm đời sống, nhìn ngắm vấn đề mà thôi. Nếu anh bi quan, và cái bi quan của anh sâu thẳm, làm bật ra được những ý nghĩa của đời người, anh vẫn là một nhà văn đóng góp được những điều đẹp đẽ cho con người, cho cuộc sống. Nếu anh lạc quan, và sự lạc quan đó hời hợt, anh chẳng đóng góp được gì, nếu không muốn nói rằng anh có thể tạo ra cho người đọc anh những ảo tưởng về cuộc đời nữa.


      Đọc Bùi Bích Hà, tôi có cái thích thú như được xem một cuốn phim Pháp cũ. Động tác của nhân vật từ tốn, không hối hả. Ngôn ngữ họ cũng vậy. Mà cái không khí bao quanh họ cũng thế. Tất cả đều chầm chậm lướt qua lướt qua với những ý nghĩa của lời nói, của dáng điệu cử chỉ hành vi nhân vật… Tất cả đều được nhìn ngắm một cách tường tận, rõ nét. Cuộc sống ấy là cuộc sống được đặt trong một thế giới hợp lý, với những chìa khóa để ở đâu đó trong cuộc đời này mà con người có thể tìm kiếm ra. Còn cuộc sống náo động bây giờ thuộc về một thế giới khác. Một thế giới với những hoàn cảnh, những vấn đề, những hiện tượng bất lý giải hay bất khả lý giải. Chìa khóa của vấn đề, rất nhiều khi, đã được quăng vào rốn bể. Và con người, bây giờ, chạm mặt với những phi lý của đời sống. Những phi lý làm nó xao xuyến và buồn nôn. Và con người bị đẩy ra ngoài cuộc đời với một thiên nhiên nhiều lúc đã trở thành xa lạ, và một nội tâm nhiều khi đã trống rỗng. Đã mất rồi những hình bóng và âm hao cũ.


      Tác giả là một người có những rung động thật sâu và sắc bén. Phân tích tâm lý nhân vật của Bùi Bích Hà làm cho người đọc có cảm tưởng rằng bà thường tự phân tích mình trong những tình huống hằng ngày của cuộc sống. Trong những mô tả về những rung động tế vi của con người và trong những cuộc giải phẫu tâm lý nhân vật, Bùi Bích Hà chứng tỏ bà là một người tinh tường:

      (…) Thuận bỗng sực nhớ đến bà xếp của Thuận. Hồi này bà ấy đẹp ra một cách kỳ cục (…) Ánh sáng và bóng tối chập chờn trong hai vũng mắt khiến cái nhìn của bà trở nên mê đắm, hoang dại. Toàn thân bà như một thứ trái cây chín căng, chín ngạt ngào, như một vết thương đang tấy đỏ. Đứng gần, tưởng nghe được cả sự rung động vỡ nhẹ bên dưới lớp vải áo. (Cơn Bão)


      (…) Đôi cánh tay nàng để trần. Bộ ngực săn chắc và hơi cong lên như một đôi sừng bò non của Bích thơm mùi bông sả. (…) Những buổi tối thần tiên ấy đã qua và hết vào một lúc nào cả hai đều không ý thức. (…) Chàng muốn được sống lại những cảm xúc đẹp đẽ lúc ban đầu của cả hai, song Tấn biết là điều này không thực hiện được. Cuộc sống như một mặt ao tù hãm chìm ngập họ. Thỉnh thoảng, Tấn cố ngoi đầu lên và vuốt mặt để nhìn thấy Bích, có khi bằng lòng chỉ vì cái cảm giác Bích vẫn còn đó, bên cạnh Tấn, giữa đám rong rêu chập chờn, vướng bận. (Vẫn Còn Nắng)

      Trong cái thế giới nội tâm ấy, nhân vật của Bùi Bích Hà có cảm giác ngột ngạt, khó thở, và, có những trường hợp, căng thẳng vì những kích thích do chính nội tâm của mình sắp đặt. Nhưng, thường thì cái thế giới bên ngoài vẫn là cửa ngõ giải cứu cho cả tác giả lẫn nhân vật của bà.


      Thiên nhiên trong thế giới của Bùi Bích Hà rất đáng yêu. Đó là một thiên nhiên còn giữ lại được trong nó rất nhiều chất sống. Một thiên nhiên sinh động và đẫm nét khát khao. Nó thiết tha, dịu dàng và thơm mùi trời đất, cỏ cây bát ngát. Nó thơ mộng và mềm đẹp như một cánh bướm non. Và nó ủ đầy trong nó những hình bóng và những xôn xao ngọt ngào của một hồi ức còn hồng và thơm mùi trái chín:

      (…) Một cảm giác vừa kinh ngạc vừa sung sướng kỳ lạ tỏa ra trong lòng Quyên, như một chiếc dù nấm mở rộng, cánh nấm dầy mượt màu xám hồng phủ một lớp phấn độc làm Quyên váng vất say. (Cuộc Hẹn)


      (…) Hiên đã từng mất hàng giờ để mô tả cho bạn Hiên cái thơm ngon mê đắm của một đẵn mía thả xuống giếng nước cho lên màu đỏ rượu, xong rồi tiện ra từng khoanh, ủ với hoa bưởi trong một cái khăn vải ẩm. Những đêm trăng mùa Hè của cả một thời thơ ấu, Hiên đã cùng đám bạn nhỏ thưởng thức món ăn này trong khu vườn quê ngoại. Mầu hoa bưởi trắng muốt, mầu những lóng mía tươi xanh điểm một đường gân hổ phách, mầu trăng trong suốt như thủy tinh, tất cả đã tạo nên một mầu đêm diễm tuyệt trong ký ức Hiên. (Chuyện Của Hiên)


      (…) Những ngọn cây hai bên đường mùa này trổ đầy hoa tím, nhắc nhở không nguôi hàng cây sầu đông trong khu vườn rộng nhà tôi năm xưa ở một khu ngoại ô thành phố Huế. Thuở ấy, những ngày mùa Đông mây xám thấp ngang đầu, hoa sầu đông nở tím ô cửa sổ học trò của cô gái nhỏ, tôi ngồi hàng giờ ngắm những chùm hoa sầu đông rét mướt ủ ấp những cơn mộng đầu đời mong manh. (Buổi Sáng Một Mình)

      Câu văn của Bùi Bích Hà rất lành, rất hiền, dịu dàng, tha thiết, mang một chút buồn và thơ như những chùm hoa sầu đông nở tím những cửa sổ Huế ngày xưa. Tác giả không phải là một người thích làm dáng. Bà chân thực và thiết tha trong những suy nghĩ và bầy tỏ của mình. Câu văn đẹp, ý tứ, và rất ít son phấn. Trong nhiều chỗ, chúng có cái đẹp của những lời văn trong sáng nhưng vẫn làm dấy lên một chút tình trong Bướm Trắng của Nhất Linh, và nhất là chúng có cái đẹp tươi tắn và trong sáng như những câu văn của những trang sách Nắng Trong VườnGió Đầu Mùa của Thạch Lam. Hãy đọc những đoạn văn dưới đây trong hai truyện ngắn Vẫn Còn NắngBuổi Sáng Một Mình của Bùi Bích Hà:

      (…) Bây giờ trong khu vườn nhỏ, Bích đang đợi Tấn đưa thằng bé đến. Bầu trời trên đầu nàng đã xám ngoét nhưng khi một chú chim lượn qua chỗ Bích ngồi, nàng nhìn thấy chút mặt trời đọng ấm áp trên vùng lông bụng lấp lánh sáng của nó. Té ra không gian vẫn đựng đầy nắng.


      (…) Trời hôm nay bớt mây, một chút nắng hanh hao nhóm trên đầu những ngọn lá dài theo bờ rào, gọi nhắc một điều gì mông lung, thầm lặng, chợt đến, chợt đi, chợt gần, chợt xa, chợt quên, chợt nhớ.

      Những câu văn của Bùi Bích Hà như thế. Chúng hiền lành, chân thật, ấm áp và đáng yêu như chút mặt trời còn đọng lại trên vùng lông bụng lấp lánh sáng của con chim kia đang bay về tổ. Những câu văn của tác giả Buổi Sáng Một Mình thường cũng bay về tổ của chúng là những ý nghĩ mà tác giả muốn chia sẻ, trao gửi đến người đọc với một cung cách như thế. Nhưng không phải lúc nào văn phong của Bùi Bích Hà cũng vậy. Có nhiều khi, người đọc tinh ý thấy bà quằn quại với những ý nghĩ và rung động của bà. Bùi Bích Hà là một con người rất nhạy cảm. Con người ấy hay sống cuộn vào trong để dò tìm và sờ mó vào những vết thương còn loang loáng những vệt máu tươi của chính mình. Một con người càng nhạy cảm với đời sống chừng nào thì càng dễ bị chảy máu chừng ấy. Và họ chấp nhận chảy máu – với một ý nghĩa nào đó – hơn là trơ ra, bất động và lãnh cảm với cuộc đời.

      (…) Bích chợt có ý nghĩ chua chát, nàng với chồng giờ đây như những miếng ván phơi nắng gió lâu ngày, ở những mảnh đất khác nhau, nứt nẻ, cong queo, vênh váo, không còn thể nào ráp vào nhau cho liền lạc được nữa. (Vẫn Còn Nắng)


      (…) Tôi chợt mỉm cười vu vơ một mình, nhớ lại con đường dốc quanh vào đầu thị xã Đà Lạt với những dậu hoa bìm bịp vàng rực rỡ. Trong cái lạnh hanh hao, khô nẻ của Đà Lạt mùa Hè, mầu sắc những đóa hoa bén sắc như những lưỡi dao nhọn, nhìn một lúc tưởng chừng máu rịn ra từ hai tròng mắt, từ các lỗ chân lông nở lớn mọc thành gai ốc khắp người. (Buổi Sáng Một Mình)


      (…) Bàn tay Quyên mềm, ấm, bứt rứt trong tay Võ. Chàng nghe được cả từng cơn xúc động đè nén ở những ngón tay co duỗi từng chập của Quyên. Chàng nghe được cả tiếng những đường gân máu đập khắc khoải trên lưng bàn tay Quyên, mơ hồ, dai dẳng, như đời sống của nàng.


      (…) Quyên thích biển vì biển là sự bền bỉ không gì có thể làm đổi thay, vì biển là vết thương ghê gớm của mặt đất và thiên nhiên, vì tiếng sóng đớn đau, vật vã của nó vỗ về nỗi đau vật vã trong lòng Quyên, như một người bạn đồng hành thủy chung. (…) Nhiều lúc tiếng cười Võ chỉ còn là tiếng những mảnh vỏ chai cắt vào nhau trong một xô động rướm máu. (…) Tiếng Quyên thì thầm gọi Võ trong nhịp đập hổn hển của trái tim nàng giống như một trái cây chín long ra khỏi cái cuống đã mõm.

       

      Thật ra, đời sống là sự giả dối lớn nhất. Bản chất của sự sống, dù thế nào, luôn luôn bị lấp liếm, vùi chôn bên dưới cái lớp sơn sạch sẽ, lịch sự phủ bọc bên ngoài. Muốn nhìn thấy nó, cầm nắm được nó thì phải cào xước cho hết lớp sơn chai lì ấy, phải chảy máu cả mười đầu ngón tay, phải chảy máu cả đôi tròng mắt. Để có thể ôm lấy sự thật thầm kín, người ta phải ôm cả vết thương tanh tưởi của chính mình. (Cuộc Hẹn)

      Nhân vật chính của Bùi Bích Hà là cái bóng một mình, cắt vào những buổi sáng sớm, những chiều chạng vạng và những đêm thâu sâu kín của đời sống riêng mình một cõi. Cái thế giới nội tâm ấy đã được xây dựng như thế nào, những chia lìa ngăn cách nào đã đổ cái bóng âm u và buồn thảm của nó xuống đời sống của nhân vật bà, những mai lên và những chiều xuống nào đã thả cái âm thanh ưu trầm và mệt mỏi của chúng trên trái tim của nhân vật kia, cái không gian sầu thảm và những hồi chuông buồn bã nào đã đong đưa hình bóng và những tiếng kính cồng rơi rụng trong tâm hồn của nhân vật ấy?


      Cuốn sách của Bùi Bích Hà, nhìn chung, đưa ra một cái nhìn buồn bã vào đời sống. Nó như một tiếng chào nhỏ nhẹ và đẫm buồn của một người đã nhìn thấy nhiều quá những thương đau, cùng khốn trong đời. Như lời của nhân vật chính trong lá thư đầu tiên của tập truyện, “Đối với em bây giờ, trong những điều kiện em hiện có, sự sống và sự chết giống nhau, đôi khi sự chết còn xứng đáng với lòng cảm thương và sự tha thứ của bạn bè hơn.” Đời sống, đối với đa số các nhân vật của Bùi Bích Hà, nhiều khi giống như “một trái cây chín long ra khỏi cái cuống đã mõm.” Nhưng, trên tất cả, trên cái nền buồn bã kia, trên những âm thanh kính cồng của những buổi sáng buổi chiều lâm chung kia, Bùi Bích Hà đã cho người đọc thấy được những ý nghĩa thiết tha và sâu thẳm của đời. Và nếu người đọc có một đời sống nội tâm vững chãi, một mắt nhìn tinh tế vào những vùng tối sẫm màu của đời sống ấy, có thể họ sẽ nhìn ra những tia sáng lóe lên đâu đó trong cái cuộc lữ nhiều mệt mỏi này. Như tác giả đã nhìn ra được chút ánh sáng còn đọng lại ấm áp và lóng lánh trên bụng một con chim vỗ cánh bay về tổ trong bóng chiều đang ngả màu, người đọc cũng có thể bắt được những tia sáng đẹp đẽ ấy trong suốt tác phẩm của Bùi Bích Hà. Những ánh sáng của lòng tử tế, của sự cảm thông, của những cái đẹp không hề tắt dù cho chúng đã chìm vào dĩ vãng.


      Chưa được in thành sách, nhưng những bài tùy bút Bùi Bích Hà viết về Huế và viết cho Huế đã là một phần đẹp, thơ và thiết tha của những ánh sáng không hề tắt ấy trong đời sống của bà. Bài Huế Yêu Dấu là một trong những bài văn viết về Huế thật đẹp và cảm động mà tôi đã được đọc, chẳng hạn như bài của Nguyễn Xuân Hoàng. Trong văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng, cái đẹp của Huế nghiêng nhiều về phía trừu tượng và gợi tả. Còn trong văn của Bùi Bích Hà, Huế đẹp một cái đẹp hết sức đời thường, có thể sờ mó được, có thể dầm mình vào được. Người ta có thể nhìn thấy Huế mềm mại và rực rỡ trong mắt nhìn long lanh và chứa chan của những con người đã sống và lớn lên ở đó. Những sáng mùa Hè, những ngày mùa Đông, tiếng bồ câu gù trên cái hồ nước, “hoa khế, hoa chanh, hoa cam, hoa nhãn, lấm tấm lợp lên màu xanh già của lá, trông vui như một hội đèn”, những quả chín trong vườn, những “quả ổi xiêm ruột đỏ như son, cắn vào răng nghe mùi thơm nức lên tận óc”, những quả khế ngọt, những “trái lựu với những hạt nhỏ màu tím thẫm, trong veo như một chuỗi đá quý, vừa chua, vừa ngọt, vừa dòn dòn, nhâm nhi nghe vị thơm thấm dần trên đầu lưỡi như một thứ vị thần tiên”… Huế của Bùi Bích Hà còn là những “tiếng ve sầu đồng loạt vang lên inh ỏi từ những cây vải trạng, từ những cây nhãn lồng chi chít mo cau”, chiếc thuyền thuê bao để đi tránh nắng trên sông Hương.  “Lòng thuyền trải chiếu hoa cạp điều, có những cái gối bằng nhiễu ngũ sắc. Mũi thuyền treo một chiếc đèn lồng, bóng hắt xuống mặt sông như một cây nến mầu khổng lồ.”


      Huế của tác giả còn là những ngày mùa Đông. “Mưa dai dẳng, mưa rả rích, mưa bay nghiêng, mưa rát mặt, mưa như cầm chĩnh đổ. (…) Con gái Huế lội nước đến trường, quần xắn khỏi gối, gót chân hồng trên những chiếc guốc vông mầu trắng. (…) Tiếng chuông thu không từ ngôi chùa bên kia cánh đồng nghe nhão nhoẹt vì không gian đã đọng đầy hơi nước.” Còn nữa, với Bùi Bích Hà, Huế còn là tình yêu, cô thiếu nữ vườn Thanh, nhớ người ở xa, “sẽ mãi ôm vết thương êm ái đi suốt cuộc đời.” Huế còn là các món ăn. Và Huế là dòng sông Hương mộng mơ, lờ lững.

      (…) Nhìn từ trên xuống, nước sông Hương xanh như ngọc. Thế nhưng cô gái đi quấy nước, xắn cao đôi ống quần, lội xuống ven dòng thì nước ở chỗ cô đứng vỡ ra, trắng ngần như bạc vụn. Buổi sớm mai, đi trên cầu Trường Tiền nhìn ngược lên phía cầu Bạch Hổ, nước chảy qua Thương Bạc xanh lam mầu khói mỏng. Một chút mặt trời lên, gió lao xao, nước đùa vui khẽ xô vào nhau, óng ánh như cả một vạt sao rơi.” (Tiếng Sông Hương)

      Nhưng, ngoài những nét đẹp nét thơ làm cho người xa Huế mãi còn lưu luyến ấy, Huế còn là sự nghèo khổ, khốn cùng, là sự hy sinh của những người đàn bà lo lắng cho chồng con. Huế còn là hình ảnh của những cái rổ chợ, “những cái rổ chợ nằm phơi những cái đùm nhỏ xíu bằng lá chuối khô hoặc tươi, gói chìa ba góc như đám củ ấu.”

      (…) Trong cái rổ chợ họa hoằn lắm mới có một miếng thịt heo mỏng tanh dài bằng nửa bàn tay, chỗ nạc tươi ửng màu hồng đào trên nền miếng bì trắng nhễ nhại ôm khít vào miếng mỡ trong veo; kỳ dư thường chỉ có một dúm cá cấn bé lăn tăn, màu óng ánh ngũ sắc, mấy con hến còn ngậm miệng thoang thoảng mùi rong tanh, mớ khuyết tươi lốm đốm những cái chấm mắt đen bao giờ cũng khiến tôi lặng nhìn và nghĩ ngợi vẩn vơ về những vùng biển xa. Đôi khi rổ chợ cũng có mớ rau muống, nắm đọt khoai, bẹ dưa nưa, miếng thơm chưa vạt bỏ… Thực phẩm cho ba bữa cơm chỉ quanh đi quẩn lại ngần ấy thứ. Mọi đồ gia vị đều gói trong những cái bồ đài lá chuối: tí mỡ, tí hạt tiêu, tí ớt bột, tí mắm ruốc, miếng đường đen, tí tỏi, cả nước mắm. Không còn cái gì để qua ngày mai hay bữa chợ sau.” (Những cái rổ chợ xứ Huế)

      Quê hương là những vệt sáng đẹp tươi không hề tắt trong lòng tác giả giữa cõi hồi ức nhiều lúc tối ảm đạm cái màu nhạt nhòa buồn thảm của đời sống hiện tại. Đó là hạnh phúc của Bùi Bích Hà, và từ đó, cũng là những hạnh phúc của chính chúng ta. Bà đã đem tấm lòng tha thiết với những kỷ niệm vừa buồn vừa đẹp vừa hạnh phúc vừa xót xa ấy để chia sẻ với người đọc. Và trái tim ta như một cái bếp bao ngày nguội lạnh vì những mưa gió của đời, bỗng nhiên, như bắt được vào một đóm than hôi hổi. Nó bùng cháy. Và hơi ấm tỏa ra. Những tia sáng ấm áp và hạnh phúc lại reo mừng lách tách trong tim.


      Để kết và để nhắc lại, Bùi Bích Hà là cái bóng một mình, cắt vào những buổi sớm mai, những chiều chạng vạng và những đêm tối dằng dặc cái nỗi niềm quạnh không của đời sống. Nhưng đâu đó, trong cái lặng lẽ một mình kia, những tia sáng của đời sống, của sự cảm thông, của lòng tử tế, của nỗi thiết tha vẫn âm thầm cháy nóng. Và ngọn lửa chắt chiu của những hình ảnh thân ái quê hương mà bà vẫn còn cất giữ được trong trái tim sâu lắng và đầy niềm hoài cảm thiết tha kia vẫn như những tiếng reo lách tách của những niềm hy vọng và thiết tha không chịu nhắm mắt. Những tia sáng ấy vẫn cháy ran và gọi về những hạnh phúc trong cái thế giới lặng lẽ, một mình của tác giả.


      Giữa những ồn ào và náo động của đời sống, trong cái yên lặng thầm kín và một mình của riêng bà, tôi tin là Bùi Bích Hà có hạnh phúc.


      Và những người đến với bà cũng có một niềm hạnh phúc thiết tha như thế.


      VIII, 1995

      Bùi Vĩnh Phúc

      Lý Luận Và Phê Bình-
      Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước 1975-1995
      Văn Nghệ, 1996

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Bùi Giáng (1926 - 1998) Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Trịnh Y Thư - Và khi về ngồi dưới những gốc nho biển Bùi Vĩnh Phúc Tựa

      - Thế giới và những giấc mộng trong truyện của Vũ Quỳnh Hương Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - 9 Khuôn Mặt . 9 Phong Khí Văn Chương Bùi Vĩnh Phúc Giới thiệu

      - Quyên Di và mắt nhìn nhân ái vào thế giới của đời thường Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Lời vào sách: 9 khuôn mặt . 9 phong khí văn chương Bùi Vĩnh Phúc Giới thiệu

      - Cái Tôi ẩn mật và Dương bản Thiên nhiên ngày vây hãm trong Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

    3. Bài viết về nhà văn Bùi Bích Hà (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Bùi Bích Hà

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Đừng đến Seattle (Lê Hữu)

      Tưởng Niệm Nhà Văn Bùi Bích Hà (1938-2021) (Lê Thị Huệ)

      Bùi Bích Hà, Một Mình Trong Nỗi Nhớ (Bùi Vĩnh Phúc)

      - Đi Đâu….Về Đâu…. (Trần Mộng Tú)

      - Giã Từ Bùi Bích Hà (Ngự Thuyết)

      - Đèn khuya vụt tắt (Nguyễn Tường Thiết)

      - Đến lúc đi, là đi (Trần Doãn Nho)

      - Mạn đàm với nhà văn Bùi Bích Hà về những tác phẩm đã xuất bản (Hoàng Khởi Phong)

       

      Tác phẩm của Bùi Bích Hà

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Dài ngắn, thế nào? (Bùi Bích Hà)

      Sách có linh hồn không? (Bùi Bích Hà)

      Vietnam War (Bùi Bích Hà)

      - Hương Hồng (Chi Hương)

      - Mùi cà phê của bố

      - Phim ảnh & đời sống

      - Thanh Trí, tranh và thơ

      - Âm Nhạc Và Trái Tim

      - Chút tình xưa

         Thơ văn trên mạng:

      -  sangtao.org -  banvannghe.com

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)