|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Viêm Tịnh
“Thơ Viêm Tịnh” được Thư Ấn Quán xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2014,
Theo lời nhà xuất bản, “THƠ VIÊM TỊNH được ra đời như là món quà khiêm nhường của Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo nhằm nói lên tấm lòng của anh em chúng tôi ở hải ngoại về một người bạn thơ ở quê nhà, đã sốt sắng giúp đỡ chúng tôi khi chúng tôi cần đến trong những dự án bảo tồn Di Sản Văn Chương Miền Nam.”
Trong cuộc phỏng vấn chuyện đời chuyện văn với Viêm Tịnh vào khoảng những năm 2009, 2010 (lúc anh 64 tuổi) in trong phần cuối của tập thơ này, Cao Thoại Châu nhận xét (mà cũng là hỏi) Viêm Tịnh: “Thơ anh (những bài anh gửi cho tôi) đọc khá nhọc nhằn dù tôi làm thợ đọc chuyên nghiệp. Nó trữ tình, lời nói thêm bây giờ, là “tân hình thức” và theo tôi. thơ anh còn “siêu thực” kiểu “Khổ Độc thiền sư” nữa. Nói vậy biết có đúng không?”
Trong phần trả lời, Viêm Tịnh không đề cập đến mấy ý kiến của Cao Thoại Châu, nên tôi không rõ quan điểm của Viêm Tịnh về thơ là như thế nào. Vì thế, trước khi đi vào thơ Viêm Tịnh, tôi xin được lang bang đôi chút về chuyện này. Tôi để ý thấy Cao Thoại Châu nhắc đi nhắc lại vài lần nhóm chữ “Khổ Độc thiền sư”. Có vẻ như tác giả của “Mời em uống rượu” muốn đề cập đến một nhà sư có võ nào đó trong truyện Kim Dung để đùa bỡn với Viêm Tịnh cho vui. Nhưng không đúng. Nếu tôi nhớ không lầm thì trong các truyện của Kim Dung, không có nhân vật nào gọi là "Khổ Độc thiền sư” cả. Tôi bèn đoán rằng, Cao Thoại Châu chỉ nhân cách hóa hai chữ 'Khổ độc', một trong mười hai lỗi mà người làm thơ Đường phạm phải về vần bằng vần trắc, để ám chỉ cách làm thơ của Viêm Tịnh: trúc trắc khó đọc. Điều này tôi hoàn toàn đồng ý với Cao Thoại Châu: một số bài thơ của Viêm Tịnh rất khó đọc. Một mặt, do cách cấu tứ khá riêng của anh, mặt khác, do người đọc không nắm vững ngữ cảnh của bài thơ. Nhưng khi Cao Thoại Châu nói thơ Viêm Tịnh là “tân hình thức” thì tôi không đồng ý, vì đặc điểm nổi bật nhất của thơ “tân hình thức" là sử dụng lối vắt dòng và lặp lại.1 Mà không có bài thơ nào của Việm Tịnh làm theo lối này. Có thể là Cao Thoại Châu muốn nói thơ Viêm Tinh có tính chất “cách tân”. Tôi hoàn toàn đồng ý: Viêm Tinh cố làm mới thơ theo cách riêng của anh. Mặt khác, tôi không cho là thơ Viêm Tịnh có tính cách “siêu thực”; ngược lại là khác, thơ anh không những hiện thực mà còn rất hiện thực. Hiện thực đến nỗi có bài, chỉ còn một cách hiểu là... siêu thực!
Bìa và Bản pdf
Tập “Thơ Viêm Tịnh” gồm gần 80 bài với nhiều thể loại khác nhau: thơ lục bát, thơ thất ngôn, thơ ngũ ngôn, thơ tự do, thơ xuôi.
Dù làm theo thể loại nào, Viêm Tịnh có một cách dùng chữ và ý rất riêng, thường ít thấy ở phần nhiều nhà thơ khác. Tựa đề một số bài thơ nghe cũng khác lạ: Buổi hoan đao, Kệ rượu, Yêu hề, Phương mê, Lục, Lục đục, Như ri, Khúc âm phổ minh, Góc mòn, Đông tà bóng, Đen là thủy, Dòng chảy của... Trong hầu hết các bài thơ, ngôn ngữ thơ và hơi thơ nói chung của Viêm Tịnh khá thống nhất: lúc nào cũng bộc bạch rạch ròi, nói thẳng và nói thực. Tôi nghĩ là anh không quan tâm hay không để ý hay không coi trọng thủ pháp tu từ, tức là lối nói hoa mỹ, màu mè để làm “mềm”, làm “dịu” hay làm “sang” câu thơ. Từ ngữ dùng không cần trau chuốt, lại rất “đời thường”: lụp chụp, lủng củng, liếc xéo, hồ đồ, dốt nát, thất phu, em đày (anh), ... Thử đọc bài sau đây:
Em với ta nói năng lụp chụp
Lỡ hẹn hò nên đã cùng chung
Cây sứ già cũng đua hương thắm
Chuyện nói cười tàn cuộc trăm năm
(Nửa chừng)
Bài thơ này có ý rất lạ: cặp tình nhân hẹn hò nhau dưới cây sứ già, nhưng cả hai đều không biết cách tình tứ với nhau, nói năng lụp chụp, nên rốt cuộc, cuộc tình tan vỡ. Không biết là cá nhân Viêm Tịnh đã từng trải qua điều này không, nhưng nhất định anh phải có kinh nghiệm sâu sắc về những mối tình tan vỡ chỉ vì lối ăn nói xem như “cả cục cả hòn” (lụp chụp) này.
Một bài thơ khác nói về tình yêu đơn phương của chàng trai mới lớn với thứ ngôn ngữ còn có vẻ dung tục và bộc trực hơn:
Anh làm kẻ hồ đồ đi chân đất
Mòn bao nhiêu sỏi đá cũng bất cần
Em liếc xéo xem như tuồng hát bội
Cợt thế gian, anh nung chảy kiếm cùn
Kiếm cùn dầm xuống tận ao sâu
Hoen rỉ loang tròn khúc kinh cầu
Thì ra chỉ còn câu tình ái
Đọng lại đáy tim... não cả lòng
(Chân đất)
Để hiểu bài này, cần phải đoán một chút về ngữ cảnh. Theo tôi hiểu, đây là tâm sự của một chàng trai xứ Huế con nhà nghèo, ăn mặc dân dã, ăn nói không văn hoa bóng bẩy, còn cô gái là con nhà giàu hay cũng thuộc gia đình quan gia xứ Huế. Cũng là sỏi, đá nhưng thay vì là “dấu chân sỏi đá”, hay “làm sao em biết bia đá không đau” (Trịnh Công Sơn), hay “sỏi đá rêu phong/ sỏi đá không quên chân người” (Thanh Tùng) nghe mượt mà bóng bẩy, thì sỏi đá ở đây là hòn sỏi với cục đá thật trên đường đi vào nhà nàng. Chàng không sợ sỏi đá, nhưng vô cùng thất vọng vì sự khinh miệt ra mặt của cô gái: Em liếc kéo xem [anh] như tuồng hát bội. Chàng giận quá, muốn làm một cái gì cho hả, nhưng rồi phải đành “nung chảy kiếm cùn” mà dầm xuống ao sâu, để vẫn được... còn được tiếp tục yêu em. Đọc bài thơ lên, nghe như một lời tự trào.
Cũng là “tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu” từa tựa như thế, một nhà thơ Huế khác, Kiêm Thêm, diễn tả một cách thanh tao hơn và “thơ” hơn, dễ “cua gái” hơn:
Cửa sổ phòng em như mắt em
Đêm nào gió khép ta ưu phiền
Ta qua phố thị mòn thương nhớ
Cửa sổ phòng em như mắt em
Tất nhiên, Viêm Tịnh, như đã nói, không chọn phong cách này. Yêu thì yêu, đau đớn thì đau đớn, nhưng đã khinh ta thì ta chẳng thèm.
Cũng liên hệ đến ngữ cảnh, ta hãy đọc thêm một bài khác, ngắn và lúc đầu, hơi khó hiểu:
Dòng đời vẫn trôi đá tảng
Xô dạt ta hạt cát
Long lanh làn sóng xanh
Tức tưởi khúc hoàng hôn
Hôn vội em
tắt nắng chiều tà
Ngã tư ngọn đèn đỏ
Môi buồn chạm má hồng
E thẹn tuổi xanh
Những đôi mắt tỵ hiếm mùa thu hoàng diệp hắt hiu
Cho em một góc phố không người
(Đoạn buổi chiều)
Để hiểu, tôi cũng phải đoán mò ngữ cảnh: đôi tình nhân, một già một trẻ hôn chia tay giữa hè phố, khiến người chung quanh nhìn thấy phải ghen tức. Trong lúc ta già đời lăn lóc, thì em vẫn còn “E thẹn tuổi xanh”, làm sao mà không có kẻ “tỵ hiềm”, nhất là cảnh đầu bạc hôn đầu xanh ngay giữa phố! Khiến cho em đành đứng ở "một góc phố không người”. Bài thơ lãng đãng nhưng đầy hiện thực.
Trong số gần 80 bài thơ, có khá nhiều thơ lục bát trữ tình. Một trong những bài thơ trữ tình nhất là khóc vợ, nhưng dưới một tựa đề không dính dáng gì đến nội dung: “Phương mê”:
Loan ơi, hề cuộc thủy trầm
Cánh chim bỏ chốn phong trần rong chơi
Em vui nhập thế một thời
Rời ta để lại như người phù sinh
Thành thật và da diết hết ý! Bà xã Viêm Tịnh, Loan, lìa đời ở cái tuổi, tuy không còn son trẻ, nhưng vẫn còn đầy nhựa sống, khiến Viêm Tịnh chơi vơi chới với. Ba chữ “người phù sinh” ở đây, theo tôi, là “đắc địa”, hay. Nó nói lên cái cảnh “Trung niên tán thê đại bất hạnh” (Đàn ông mà mất vợ ở tuổi trung niên là rất bất hạnh) của người đàn ông.
Một bài thơ ngắn, nói chuyện đi viếng mộ, mà tôi đoán là mộ vợ. Thay vì đưa vào những hình ảnh nhẹ nhàng, đẹp và... thơ mộng như Huy Cận trong bài “Ngậm ngùi”:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi! hãy ngủ... anh hầu quạt đây
thì Viêm Tịnh nói thẳng nói thật:
Nghĩa địa có chi vui
Sao ta lại tìm tới
Tình theo ngàn nhịp tim
Một nhịp để đi tìm
(Nhịp sống).
Tuy chỉ có bốn dòng ngắn ngủi, nhưng nếu suy gẫm, ta sẽ thấy hết tình cảm của người sống đối với người đã chết.
Bà xã ra đi, sau này, tôi đoán Viêm Tịnh có nhiều, rất nhiều mối tình, nhưng có thể do lý do này lý do nọ, nên tình thì tình, nhưng vẫn có cái gì lỏi chỏi, bất an. Nên những bài thơ tình của anh lúc nào cũng có vẻ vương vướng:
- Sài Gòn có chút nắng mưa
Sài Gòn có giấc ngủ trưa Sài Gòn
Em thì xanh biếc đọt non
Còn anh hái mộng vàng son xế chiều
(Nắng và mưa)
- Ta đi mới tỉnh cuộc say
Ta về chốn ấy em đày ta đi
Bởi em vẫn cuộc xuân thì
Cho nên em đã nhu mì riêng em
(Say nữa)
Cả hai bài đều nói về tình già-tình trẻ.
Bài thơ sau có bốn câu, hai nhóm chữ "em đày ta đi" và "nhu mì riêng em" nghe khá lạ và bất ngờ. Càng bất ngờ hơn với kiểu ví von “không giống ai” của Viêm Tịnh:
Em ta đến thế là cùng
Yêu như điên dại sánh thùng rượu vang
Ngập trong ngụa đục lang thang
Thấy mô cũng chỉ mình nàng với ta
(Yêu hề)
Thường trong lứa tuổi của Viêm Tịnh, lại là dân Huế, ít có nhà thơ hay nhà văn nào mà không khỏi có vài bài thơ mang chút phong vị Thiền hay thơ kiểu triết lý xa xa gần gần. Ấy thế mà Viêm Tịnh thì không. Dẫu vậy, có những bài thơ mà ý tứ sâu sắc bất ngờ:
Ta thấy mặt đất phẳng như lì
Té ra lủng củng tựa như ri
Sông dài mấy chập bờ như bến
Ai đứng ở mô cũng gập ghềnh
(Như ri).
Lời thơ giản dị, đời thường, làm thơ mà như “nói” thơ. Bài thơ diễn tả một điều rất đơn giản: mọi điều ở đời không phải lúc nào cũng như người ta tưởng. Tưởng là thế mà không phải thế. Dzậy mà không phải dzậy! Phẳng lì mà lủng củng. Bờ cũng như bến. Đâu cũng thế mà thôi. Tưởng ngon té ra không ngon. Tưởng qua Mỹ là hạnh phúc, là sung sướng. Lầm! Mỹ, Việt Nam, giàu, nghèo, đẹp, xấu đều như nhau: Ai đứng ở mô cũng gập ghềnh! Không có vẻ gì là Viêm Tịnh muốn triết lý dạy đời, nhưng theo tôi, bài thơ lại hàm chứa tính triết lý.
Một bài thơ khác, theo tôi, cũng khá lạ.
Cái để đi tìm, là cái chi
Hỡi em trắng mộng, cái vô vị
Nụ ngát hương nồng say riêng cõi
Ly cay bình đẳng, cháy xuân thì
(Đen là thủy)
Con người suốt đời cứ mãi đi tìm, không tìm danh vọng, địa vị, tiền tài thì cũng tìm giác ngộ, đạt đạo, hóa ra rốt cuộc, tất cả đều là vô vi, chẳng là cái gì cả.
Ý thơ này có lẽ cũng nằm trong cái “tưởng” của kẻ thất phu, mà cũng là “vọng tưởng” của người đời trong bài thất ngôn sau:
ta cũng đã làm tên lính thú
uy vũ ngang với lũ thất phu
huênh hoang một vài câu dốt nát
tưởng nhân gian một cõi tối mù
(Tưởng)
Ăn nói những câu “dốt nát” vì tưởng mọi người ai cũng dốt nát như mình, tưởng nhân gian là một “cõi tối mù”. Viêm Tịnh đã biến cách nói bình thường thành thơ. Có sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy, thẳng tuột, không cần phải điệu đàng, làm dáng. Rõ ràng là Viêm Tịnh có chủ ý riêng của anh khi cố tình “dung tục hoá" thơ, hay đúng hơn, “tục hóa” ngôn ngữ thơ trong một số bài.
Thơ Viêm Tịnh có một chút ngông ngông, một chút ngang ngang, một chút bụi bụi và một chút bất cần như anh chàng Võ Công Danh Ngọc ở ngoài đời.
Nhưng không phải lúc nào thơ Viêm Tịnh cũng như vậy.
Trong một số bài thơ tự do và thơ xuôi ở phần cuối tập thơ, ngôn ngữ và hơi thơ Viêm Tinh nghe khác, có khi hoàn toàn khác với một số bài thơ phần trước. Mượt mà, chăm chút, nhiều hình ảnh và nhiều ví von đầy tính ẩn dụ.
Nhiều câu thơ cho ta những hình ảnh vừa thi vị vừa mới, lại rất tự nhiên, chứ không cố tình trau chuốt:
- Lửng lơ một nỗi nhớ, trời chớm hoàng hôn, nghe ra cũng người!
- Đêm bỗng nhiên lửng lơ một nỗi nhớ
- Lòng buồn như trời chớm hoàng hôn
- Bãi vàng cát mượt ghềnh xa/ Dừng chân phiêu bạt nghe ra cũng người
Tôi hết sức thú vị khi đọc đoạn thơ mô tả một nụ hôn say đắm của cặp tình nhân:
Chiếc hôn tham lam vỡ từng mảnh
Nồng nàn
Anh và em thăm thẳm
Chậm lại tiếng nấc chênh vênh hạnh phúc
(Với dòng sông)
Một đoạn thơ đẹp, cả về ý thơ, tứ thơ lẫn chữ nghĩa và nhịp điệu. Nụ hôn này điệu nghệ, say đắm và cuốn hút hơn so với “Nụ hôn đầu” của Trần Dạ Từ:
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
(...) Hôn em trời đất một lòng chứa chan.
Một bài khác nữa, cô đọng và súc tích cả về chữ lẫn ý nghĩa:
Làm sao ta ôm biển
bằng thời gian
đang có
Biển đang đau nỗi đau
của biến
Ta đang đau nỗi đau
của ta
Hai trũng xoáy
cuốn hai dòng chảy xiết
Lệ là nham thạch phun trào
đốt cháy
đời nhau
(Nham thạch xanh)
Xin được trích một vài đoạn thơ hay và thấm thía khác của Viêm Tịnh:
- vòng tay người ấm khúc thánh ca, quyện trong trí nhớ nhau những nụ hôn đầm hơi sương buổi chiều dốc phố (...) hơi sương mờ than thở, anh ngồi suốt những giờ trong đìu hiu cây cỏ (...) lang thang với những sắc hoa sương giá...
(Trong những tháng ngày)
- ta đã hẹn em trong khoảng sơ thu
chút mưa thơm lửng lơ đâu đó
(...) đến với em phút giây có được
chút hôm qua chút hôm nay tơ tưởng
chút ngày mai thì đến bao giờ
(94 Đến nữa)
- Thế là buổi sáng cuối tuần, nắng rất đẹp, trời hơi se lạnh, em treo những lời hẹn trên giàn giáo đu bay của gánh xiếc. Đẩy anh chơi vơi trong khoảng không gian đợi chờ, tuyệt vọng. Ngoài khung cửa số những con đường vẫn ầm ào tiếng xe xuôi ngược, rất vô tư. Ly cà phê còn nóng hổi ngọn gió mùa đông bắc trong thành phố già khọm. Họ đang hạnh phúc nhau.
(Phúc âm sáng chủ nhật)
Một tứ thơ bất ngờ và chính xác: Họ đang hạnh phúc nhau!
Cuối cùng, xin đề cập đến một bài thơ khác: “Góc hiện tình”.
Đây là một trong những bài thơ hay của Viêm Tịnh. Hay, một phần là vì nó... hay, đã rồi; nhưng còn hay, vì bài thơ chứa đựng một trời tâm sự mà chỉ có người trong cuộc (trong đó có tôi) và hiểu ngữ cảnh của bài thơ mới cảm nhận được hết ý nghĩa sâu xa của nó. Ngoài ra, còn có một điểm đáng nhắc đến mà không sợ thừa: “Góc hiện tình” là một trong hai bài thơ đầu tiên của Viêm Tịnh xuất hiện trên một trong những tạp chí văn chương nổi tiếng ở Hải Ngoại vào thời điểm đó: Hợp Lưu số 32, Xuân Đinh Sửu (1997). Bài kia là “Tháng tám”, cũng được in lại trong tập “Thơ Viêm Tịnh” này.
“Góc hiện tình” là một bài thơ đa nghĩa: tình yêu, tình bạn, tình người... được sáng tác vào một thời điểm mà tất cả những thứ tình trên, do hoàn cảnh đất nước, đều trải qua những thử thách khắc nghiệt: đoàn tụ-chia cách, chết-sống, trung thành-bội phản, tự do-tù đày, địch-ta... “Góc hiện tình” là khoảng không gian hẹp nằm ở cái lan can lầu hai nhà Viêm Tịnh, hướng ra dòng sông Gia Hội, nơi mà đám bạn bè yêu văn nghệ chúng tôi ở Huế thỉnh thoảng tụ nhau cùng góp tiền lẻ, mua rượu để uống cho quên nỗi sầu thất cơ lỡ vận. Riêng tôi, bất cứ khi nào trở lại Huế sau những chuyển đi đây đi đó dài ngày, bươn chải kiểm ăn, thì chiều chiều là ghé đến, có khi từ 4, 5 giờ chiều cho đến 9, 10 giờ đêm, cụng ly với Viêm Tịnh. Cả 5, 7 năm hay nhiều hơn thế, chẳng biết là bao nhiêu lần. “Cùng một lứa bên trời lận đận" nên uống thì không bao nhiêu nhưng chuyện thì nói hoài... không hết.
Chả thế mà ngày tôi đi Hoa Kỳ định cư (năm 1993), tôi đoán Viêm Tịnh, cũng như dăm người bạn khác, đau rất đau cái đau chia cách bạn bè. Bên Tây bên Đông, bên này biển bên kia biển, xa hơn nữa... là trại tù và xa hơn nữa là ... quân trường Thủ Đức và xa hơn nữa... là Huế êm đềm thuở nào.
...
ấp ủ dư hương ngày đó
chùng trũng nhịp đập trái tim cô quạnh
ta thắt đời mình bằng một sợi tóc
chia hai mảnh trăng khuyết.
bờ biển phía Tây mênh mông
nổi trôi cánh chim côi cút
ta biết bên kia em nhìn mặt trời hoàng hôn
chìm xuống dòng sinh đạo
chìm xuống đợt sóng cuối cùng đưa về bên ta
nỗi muộn phiền năm tháng
phôi pha hay đớn đau một dấu hỏi vô cùng
em đã gõ vào nỗi quạnh hiu
như gieo vào vùng đất ngập tràn nắng quái
ngọn cỏ quá khứ đã cố chết đi lòng trắc ẩn
tưởng như tiếng gió hú bên đồi
đường đi dài một Thủ Đức xa lắc
vi vu tiếng tiêu hồn đãng tử
chìm mãi trong cơn mộng tưởng
em biết rung lên tiếng nguyệt cầm
đánh thức mặt sông phiền muộn
(...)
ta còn đời mình
em còn đời mình
đã chia hai mảnh trăng khuyết
Từ xa rất xa, xin gửi một xị rượu về chỗ đó, góc hiên tình...
Mời Viêm Tịnh, hãy cùng nhắp!
Trần Doãn Nho
Tháng 9/2021
1. Cách làm thơ “Tân hình thức” được phổ biến rất nhiều trên mạng.
- Tình bạn trong văn chương Trần Doãn Nho Phiếm luận
- Tưởng nhớ Phan Xuân Sinh Trần Doãn Nho Nhận định
- Một cái gì rất Nguyễn Xuân Hoàng: Sổ tay Trần Doãn Nho Nhận định
- ‘Nghiệp’ thơ của Trần Yên Hòa Trần Doãn Nho Nhận định
- Đọc Ngu Yên: Trải nghiệm học thuật về thơ Trần Doãn Nho Nhận định
- Tranh Tĩnh Vật Trần Doãn Nho Tạp bút
- Tháng Tư, nói chuyện tị nạn Trần Doãn Nho Tạp luận
- Một truyện rất Huế, ‘Thương Nhớ Hoàng Lan’ Trần Doãn Nho Giới thiệu
- Từ một tờ bìa báo cũ... Trần Doãn Nho Hồi ức
- Buổi trao giải văn học Phan Thanh Giản (15.8.2021) Trần Doãn Nho Tường thuật
• Đọc Thơ Viêm Tịnh (Trần Doãn Nho)
Viêm Tịnh – Nhà thơ riêng một góc trời… (Trần Dzạ Lữ)
Phỏng vấn Viêm Tịnh (Cao Thoại Châu)
Giói thiệu sách mới của Thư Ấn Quán: THƠ VIÊM TỊNH (Trần Hoài Thư)
Thơ Viêm Tịnh (Thư Ấn Quán)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
• Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ (Bùi Giáng)
• Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |