|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Vương Đức Lệ
(1937 - 2008)
Thi sĩ và cũng là "tu sĩ" Phạm Thiên Thư trong những ngày đi theo chân Hoàng Thị Ngọ có một đoạn thơ tình như sau:
"Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
....
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu"
Vào giữa thập niên 60, Tô Thùy Yên:
"Giữa mùa hạ khô tôi bốc cháy
Đời vốn ngăn chia tôi bốc cháy một mình
Bằng tiếng thất thanh cuống cuồng bay tan tán loạn
Cánh chạm vào tường trong suốt của cô đơn
Nhưng em đến kịp thời khỏa thân xin cứu lửa
Tôi vốc đầy tay đôi vú áp lên môi
Em xõa mái tóc rừng trầm hương mê trùm em lấp kín"
Cùng là thơ tình, nhưng thơ tình của Phạm Thiên Thư và Tô Thùy Yên đã vô cùng khác biệt với thơ tình Vương Đức Lệ.
Vương Đức Lệ dứt khoát không có cái vụ "mười năm theo Ngọ". Vương Đức Lệ cũng dứt khoát không có "vốc đầy đôi vú áp lên môi." Với Phạm Thiên Thư, như vậy quá chay tịnh không? Với Tô Thùy Yên, như vậy quá táo tợn chăng?
"Đất lệch, trời nghiêng bỗng nhớ về
Tình Em lãng đãng nhập hồn mê
Bao giờ sông biếc khô dòng lệ
Để tiếng thơ sầu bớt ủ ê?"
(Nhập Hồn Mê, trang 35)
Bao giờ sông biếc khô dòng lệ? Thơ tình hay có thể nói một cách khác, những mối tình thơ Vương Đức Lệ có lẽ chỉ là cái cớ, cái cơ duyên để từ đấy hoặc đẩy lên một cung bậc, hoặc phóng mình chìm xuống một thang âm là cả một vực sâu lìa cách, là cả muôn trượng cao xa thẳm của một tâm hồn bạt ngàn, bão lửa, phong ba...
"Em đi rồi hồn tôi dông bão nổi
Cuối Hạ buồn, trời đất đã sang Thu
....
Xin tặng Em một đóa hồng đỏ thắm
Mai xa rồi còn biết gặp nhau không?
Ôm một nỗi nhớ trùng dương biển mặn
Tình xanh xưa nghe muối xát trong lòng.
Bài 'Trương Chi' đêm nào tôi đã hát
Nghe tình trần còn chút vọng âm xa
Khúc 'Biệt Ly' lênh đênh từ nốt nhạc
Em đi rồi, hồn bỗng nổi phong ba!"
(Dông Bão Hồn Tôi, trang 34)
Thơ tình Vương Đức Lệ có lẽ chỉ là khối tình tưởng như rất nhẹ
Còn có đêm nào phơi ánh nguyệt
Tựa hồn nhau đợi giác chiêm bao?
Chiều nay chợt có cơn buồn lạ
Trời đất vô can cũng nhuốm sầu!"
(Trời Đất Vô Can, trang 35)
Nhưng đã khiến "trời đất vô can cũng nhuốm sầu." Tôi có lẽ là cũng rất "vô can" với những mối tình thơ của Vương Đức Lệ. Và tôi có lẽ cũng đã rất "nhuốm sầu" khi đọc:
"Nắng xế, chiều nghiêng, bóng đổ dài
Rừng thu hiu hắt lá thu phai
Chân mòn lối cũ, đâu người cũ
Ta một phương trời thương nhớ ai?
(Cuối Thu)
Hình như một giòng thơ là mỗi một giòng lệ chậm lăn trên má...
"Ta ngồi vớt mảnh hồn tan
Sông quê còn đỏ màu loang máu đào
Em ngồi rửa bát cầu ao
Tóc mây còn phả hương ngâu tưởng chừng."
(Sinh Tiền, trang 51)
Người đọc Vương Đức Lệ gần như không tìm thấy nơi thơ ông một sự xốc nổi quá đáng, một cách tân xa lạ, kiêu kỳ hay sự bùng nổ, phá vỡ, xóa tan ngôn ngữ, hình tượng nào.
"Tóc Em nghìn sợi sắc không
Xuân xanh gió biếc, Ha bồng bềnh mây
Trời chiều mỏng lá Thu bay
Chia anh từng sợi cuối ngày tuyết Đông"
(sợi Tóc, trang 52)
Mà gần như trái lại, bốn mùa thi ca, bốn mùa thơ Vương Đức Lệ chan chứa những cảm xúc chín muồi, sâu lắng, mênh mang của tài thơ chìm đắm, say sưa với muôn sắc màu, góc cạnh của cuộc sống.
"Cây nghiêng nắng xế lưng đồi
Vàng thu lá muộn chiều phơi bóng tà..."
(Bóng Xế, trang 44)
Hình ảnh trong thơ: có gì đâu. Chl là những hình ảnh cũ, thường nhật. Chl là cây nghiêng, chì là bóng xế, lưng đồi. Chỉ là ngày thu, chiếc lá rơi muộn trong buổi chiều. Vậy mà chỉ với hai chữ: "chiều phơi," toàn bộ cảnh tượng trở nên có linh hồn. Thơ tràn đầy sinh lực. Hình ảnh cũ trở nên mới. Chiều mà làm sao phơi được bóng. Hay bóng mà làm sao phơi được chiều. Vậy mà chỉ cần trao cho danh từ trừu tượng và động từ cụ thể hai nhiệm vụ bất ngờ, họ Vương đã dựng lên sừng sững một "bóng xế" tráng lệ, lấp lánh giữa thi ca.
"Về qua thăm chiến trường xưa
Oan khiên chứng giám, hận thù dửng dưng
Sông xưa, nước cũ tanh lòng
Rừng xơ xác lá bụi hồng bay theo.
Xe qua dừng lại xóm nghèo
Dấu chân ta sững, bóng chiều lạnh tê!
Mưa xa lớp lớp mưa về
Máu đào còn nhỏ cõi mê thuở nào
Người chân mây, kẻ giang đầu
Cùng nhau chung một giấc sầu chia hai.
Lối về từng hạt mưa nay
Xe qua phố thị còn ngây mắt nhìn"
(Về qua Sông Bé, trang 123)
Thơ Vương Đức Lệ không phẫn nộ, không vồ vập, không loạn cuồng, không gào thét, không rên đau mà là những trăn trở của hình sông, vách núi, của những thầm lặng, tưởng tiếc, nhớ nhung giữa hữu hạn và vô cùng.
"Ngày hữu hạn cứ dần dần ngắn lại
Đêm vô cùng thăm thẳm cứ dài thêm!"
(Hữu Hạn Và Vô Cùng, trang 32)
"Ta tiêu gần hết quỹ thời gian
Mộng mới chưa xanh, mộng cũ tàn
Sầu chín đong đưa chưa kịp hái
Ngậm ngùi ngồi chuốc mảnh hồn tan"
(Cạn Quỹ Thời Gian, trang 25)
Ngậm ngùi chuốc mảnh hồn tan. Có thế ví thơ Vương Đức Lệ là những làn khói mỏng vươn lên giữa khung trời hiu hắt. Nhưng đối với tôi, những làn khói mỏng vươn lên giữa khung trời hiu hắt kia chính là sự báo hiệu nơi có sự sống của con người, nơi có nhịp đập của trái tim, nơi có hữu ngạn, tả ngạn và luôn cả trầm tích của giòng sông nhân sinh hùng vĩ.
Nổi bật trong 220 trang thơ Vương Đức Lệ là những bài thất ngôn tứ tuyệt. Những bài bảy chữ, bốn câu đã làm rắn rỏi lại, quánh đặc lại không gian nhàn nhạt u buồn, dạt dào bất tận như gió đuổi trên ngàn lau.
"Một chút tro tàn vữa đủ nhớ
Một bình sắc sắc đựng không không
Mấy tầng tháp cổ sau chùa đó
Ai nhớ ai thơm khói vẽ vòng?"
(Bài Ở Tháp Tro Chùa Vĩnh Nghiêm, trang 129)
"Vương quốc ta nghìn vẻ tốt tươi
Em là hoàng hậu chẳng về ngôi!
Cố cung xa quá, hành cung lạnh
Một mảnh trăng non, ngủ giữa trời!"
(Vương Quốc Hoang Vu, trang 133)
Tác giả "Chuyến Tàu Trên Sông Hồng", nhà văn Mai Thảo, một ngòi bút cột trụ của nhóm "Sáng Tạo" vào năm 1989 đã xuất bản tập thơ có nhan đề là "Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền" (nhà xuất bản Văn Khoa, California). Nếu ở bộ môn văn Mai Thảo đã làm say mê người đọc ông bằng lối tùy bút diễm lệ, thì ở bộ môn thơ, Mai Thảo đã khiến người ta kinh ngạc không ít với những bài thất ngôn tứ tuyệt:
"Tả ngạn đòi ta một nhánh hoa
Bên kia hữu ngạn vẫn thơm và
Hương bay thần chú qua lìa dứt
Mỗi buổi bên này mỗi lệ sa."
(Tả Ngạn)
Thất ngón tứ tuyệt của Mai Thảo cô đọng đến chừng như không còn cô đọng được nữa. Ngữ pháp và tứ thơ không đứng dừng lại ở mỗi câu tứ của bài thơ, mà như còn luôn rộng mở, chập chùng đi hoài, đi mãi... Ngõ ngách nào, triền dốc nào cũng bát ngát, cũng điệp trùng dư vị.
Còn thất ngôn tứ tuyệt của Vương Đức Lệ thì sao?
"Lã chã canh khua giọt vắn dài
Thương trời đất cũ nhớ riêng ai
Sao sa mấy cánh ngoài vô tận
Thao thức đêm trường mộng đã phai."
(Canh Khuya, trang 21)
"Cuốn sách mở, từng trang chữ cổ
Người ngàn xưa chép sử ngàn sau
Lần theo từ ngữ tìm chân lý
Chỉ thấy mây mù đáy vực sâu!"
(Vực Sâu)
"Hệ mặt trời mai tắt lửa rồi
Hành tinh trái đất sẽ im hơi
Quy trình, sinh, diệt ai vờn vẽ
Bóng tối trùm lên chút phận người."
(Tắt Lửa, trang 133)
Sau câu tứ của Vương Đức Lệ, không hẳn chỉ là dư vị mà còn là ám ảnh xót đau, trăn trở giữa hai bờ khổ đau và hạnh phúc.
Hình như tứ tuyệt của Mai Thảo, thơ của Mai Thảo là thơ đến từ khối óc. Hình như tứ tuyệt của Vương Đức Lệ, thơ của Vương Đức Lệ là thơ đến từ trái tim. Tứ tuyệt Mai Thảo như là một cô gái thị thành ngổ ngáo, điểm xuyết thêm một chút phấn son lãng mạn. Tứ tuyệt Vương Đức Lệ như là một thôn nữ dịu dàng, e ấp, mặn mà ẩn hiện một nụ cười duyên dáng. Tứ tuyệt Mai Thảo có thể như là một thước phim màu được gạn lọc, được dàn dựng công phu. Tứ tuyệt Vương Đức Lệ là một khúc phim tài liệu đen trắng, chân phương.
Hai tài thơ, hai phong cách. Phong cách nào cũng đáng yêu. Phong cách nào cũng vượt.
Vậy mà trong lần nói chuyện về thơ với cá nhân tôi hôm đầu Xuân Quý Mùi. Vương Đức Lệ chỉ khiêm nhường tâm sự, ông "chỉ là một người làm thơ và chỉ thích làm thơ, kể cả thơ vè (?) để ghi lại cảm xúc của mình trong mọi tình huống và chắt chiu như kỷ niệm trong đời."
Cũng trong lần nói chuyện đó, ông đã nhắc nhở một bài thơ mà ông tự gọi "còn hôi mùi sữa" được sáng tác vào năm 1952 tại Hà Nội. Đó là một bài bảy chữ, nhưng sau đó trở thành thất ngôn tứ tuyệt có nhan đề là "Tường Đông":
"Qua cửa nhà Em chiều lại chiều
Tường đông ong bướm cũng về theo
Nhà Em kín cổng cao tường quá
Anh muốn làm dây hoa tim leo"
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ năm 1952, đã biết bao thăng trầm, đổi thay, hưng phế, vậy mà Vương Đức Lệ đã vẫn chì thủy chung "chắt chiu" mãi với mối tình thơ dại...
Thơ vì thế còn là kỷ niệm. Kỷ niệm có khi rất đẹp. Có khi cũng rất buồn. Cái đẹp cái buồn trong thơ Vương Đức Lệ không hắn chỉ là cái đẹp và cái buồn "ý tại ngôn ngoại" của Hồ Dzếnh:
"Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử, mây chiểu Giang Nam"
Mà ở Vương Đức Lệ, với tôi, cái đẹp và cái buồn đó đã trùm lấp hết tất cả chân trời, góc núi, khe sông, lòng biển luôn cả nhân gian khiến cho "cát trong sỏi đá" cũng đã phải "giật mình ngẩn ngơ."
"Hồn về tám nẻo u minh
Cát trong sỏi đá giật mình ngẩn ngơ
Mai về một bóng ta ư?
Nối kim cổ lại, lạnh bờ nhân gian."
(Cõi Sầu Nhân Gian, trang 216)
Nối kim cổ lại, lạnh bờ nhân gian. Vâng, tôi đã dường như lờ mờ dọc thấy được trong giòng thơ Vương Đức Lệ ánh mắt rưng rưng của người thi sĩ có dáng dong dỏng cao ở cuối một con đường cô tịch, một mình một bóng lặng lẻ âm thầm đi nối lại cổ kim. Không phải bờ nhân gian đang lành lạnh, mà chính lòng tôi cùng những người đang đọc thơ ông, cũng đang lạnh buốt...
-----------
* Tủ sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG xuất bản -
Virgina 2003 - ĐC liên lạc:
P.O.Box 4653 - Falls Church, VA 22044
- Thơ Tình Vương Đức Lệ Giang Hữu Tuyên Nhận định
• Những Bài Thơ Trên Giường Bệnh Của Vương Đức Lệ (Hoàng Xuân Trường)
• Vương Đức Lệ: Thơ sót còn trong trí nhớ (Nguyễn Mạnh Trinh)
• Thơ Tình Vương Đức Lệ (Giang Hữu Tuyên)
Tưởng niệm thi sĩ Vương Đức Lệ
(Phan Anh Dũng)
(Nguyễn Thụy Long)
Vương Đức Lệ, thơ tình của tuổi trẻ
(Cao Thế Dung)
Tưởng niệm Vương Đức Lệ (Nguyễn Mạnh Trinh)
Nhà Thơ Vương Đức Lệ Đã Vĩnh Viễn Ra Đi
(Linh Vang)
• Trang Thơ (Vương Đức Lệ)
Thơ có trên mạng:
- vietbang.com - poem.tkaraoke.com
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |