|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Trần Dzạ Lữ
(1949 - 25.01.2024)
Nhà thơ Trần Dzạ Lữ tên thật là Trần Văn Duận, sinh ngày 25/2/1949. Quê quán Ngọc Anh-Huế. Bắt đầu viết từ thập niên 1960 và thường có sáng tác đăng trên các tạp chí: Văn, Văn Học, Bách Khoa, Thời Nay, Khởi Hành, Thời Tập, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tuổi Ngọc... Sau năm 1975 hiện diện trên các báo, tạp chí: Kiến Thức Ngày Nay, Thanh Niên, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Thời Văn, Áo Trắng, Người Hà Nội, Ngày Mới... Ông mất lúc 22 giờ 30 ngày 25-01-2024 sau một cơn đau nặng tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu.
Tôi biết nhà thơ Trần Dzạ Lữ trước những năm 1975 khi đọc các bài thơ anh trên tạp chí Văn Học, Văn, Tuổi Ngọc... vì lúc đó tôi cũng có bài đăng trên tạp chí tuần báo này nhưng chưa có dịp gặp mặt anh ở ngoài đời bao giờ. Tôi còn nhớ đọc bài thơ “Bữa Cơm Ngoài Chiến Trường” của anh trên tạp chí có mấy câu mà tôi rất thích và nhớ cho đến bây giờ: “... Ăn xong múc nước ruộng/ Uống đại cho qua ngày/ Quê nhà em có biết/ Chính chiến thân lưu đày/ Ăn được là điều may/ Có khi hai, ba ngày/ Không ăn, chẳng có uống/ Ta nằm với cỏ cây,” Lần đầu tiên khi gặp anh ở Sài Gòn trong buổi ra mắt tập thơ kỷ niệm sự ra đi của nhà thơ Kim Tuấn tôi có nhắc lại mấy câu thơ đó, anh cười Bài thơ ni cũng được nhiều người nhớ lắm bạn. Sau này có dịp gặp anh thường xuyên hơn trong các buổi ra mắt sách của tập san Quán Văn hay của một vài tác giả thân quen, tôi cũng hiểu được phần nào tâm tình của anh. Từ ngày vợ mất, cuộc sống của anh cũng lâm vào cảnh khó khăn hơn, anh ngại có mặt ở những nơi hội hè ra mắt vì tài chánh khá eo hẹp và cũng vì lòng tự trọng không muốn than thở cùng ai.
Chính sự quẫn bách trong cuộc sống nên Trần Dzạ Lữ đã lãng quên người tình thơ trong một thời gian khá dài và khi trở lại với nó anh khao khát có những đứa con tinh thần theo đúng nghĩa. Tập thơ Hát Dạo Bên Trời ra mắt trong hoàn cảnh đó với lời đề từ ngắn gọn nhưng vô cùng cảm động và trân trọng của tác giả: “Được thai nghén trên ba mươi năm nay đứa con đầu lòng ra đời và hiện đang đứng Hát Dạo Bên Trời. Ngoài nỗ lực của chính bản thân tác giả còn được sự hà hơi tiếp sức của một số anh em bè bạn thân thiết nhất.” Nhà văn Cung Tích Biền trong lời tựa cho tập thơ cũng có nhận xét:
... Ba mươi năm, thơ vẫn giữ được một dung phong thuần nhất. Ắt có lý do. Cuộc đời đã xử sự không ngọt ngào với Lữ, anh miên viễn kinh qua, từ cửa sau đến cửa trước kinh qua, những tháng ngày đổi phó cùng kiệt, lẻ loi tới rũ lòng, khát vọng và hoài cảm - từng là sĩ quan bàn giấy, là lính thú hằng đêm đối diện cái chết, thất nghiệp buôn ve chai, lượm đồng nát, theo tiếng giang hồ chui qua biên giới, tới thung lũng miền Trung đãi tìm trầm, bán rau muống cùng vợ, giữ xe chỗ bải chợ - dù thế Lữ vẫn giữ được mình, nên chữ nghĩa của anh trước sau vẫn trật tự giữ được sự trong sạch, mẫu mực nhưng thâm trầm, đậm tình người như chính thân phận của tác giả.”
Ở một góc độ khác, nhà văn Lương Thư Trung khi đọc tác phẩm có viết:
“... Tự nhận mình là người “Hát Dạo Bên Trời,” Trần Dzạ Lữ là tiếng hát luôn kiếm tìm một cung bậc rất gần, rất êm đềm, rất nhân ái hầu trao gởi đến những tâm hồn đồng cảm về một quãng đời, về những năm tháng thi nhân phiêu bạt giữa những mùa binh lửa hay những buổi chợ đời đầy bất trắc của kiếp người... Phải chăng, đó cũng là cái nét riêng rất đặc thù của Trần Dzạ Lữ sau mấy mươi năm khắc khoải giữa dòng đời bằng những dấu chân đời phiêu lãng của ông...
Trong không khí chiến tranh của thời bình lửa, hơn lúc nào hết Trần Dzạ Lữ cảm nhận nỗi cô đơn luôn vây quanh úp chụp lấy mình, sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc:
Hai hàng nến thắp áo quan
Người đi nhỏ giọt linh hồn mai sau
Nụ cười sẽ tắt ngàn thâu
Vầng trăng, xiêm áo trên đầu hư vô...
(Bài Hư Vô, Huế 1966)
Hay trong bài “Ngày Xuân ở Thượng Đức”:
Lên đây vai nặng bước liều
Quanh co sông núi khói chiều tơ vương
Mùa xuân gối đất nằm sương
Tôi thân co lạnh với hồn cây thưa
Lên đây trời đất mập mờ
Trong tôi buồn thổi từng giờ tử sinh.
(1971)
Khi trở lại với cuộc sống đời thường, quẩn quanh chạy chợ với nỗi lo cơm áo hằng ngày, nuôi vợ nuôi con, càng làm nhà thơ thêm chán ngán, “Ở Chợ” rộn rã tiếng người tấp nập bán mua sao lòng như buổi chợ chiều ảm đạm vắng vẻ thê lương đến thế:
Mười năm ở chợ không tri kỷ
Ta đứng thu thân một nỗi buồn
Sáng bảnh mắt ra ngồi độc ẩm
Chiều về tra vấn lấy lương tâm
... Ta bán rau xanh ngày mệt lử
Đêm còn ngồi đọc sách thánh hiền
Cố quên cơm áo – Vòng danh lợi
Sao đời nỡ hối thúc bên lưng?
Tôi chợt nhớ bài thơ “Tết Nhớ Thằng Bạn Xa Quê” của nhà thơ Vũ Hữu Định viết tặng Trần Dzạ Lữ có mấy câu thật cảm động nói lên phần nào cuộc sống có phần quá khó khăn của nhà thơ sau ngày đất nước thống nhất về quê rồi lại xa quê để mưu sinh: “... Duận ơi! Cuộc sống có bao giờ dễ thở/ Ai có bạc chi mình cứ níu xóm làng/ Tau vẫn nhớ hoài năm tháng lang thang/ Mày cứ nhắc làng quê Nam Phổ Hạ..."
Trong tập “Hát Dạo Bên Trời” có lẽ tôi thích nhất bài thơ “Ngày Vẫy Biệt Khu Rừng Mơ Tuổi Nhỏ” nó gợi cho ta tình cảm êm đềm trong sáng nhưng cũng không kém phần buồn bã về những ngày xưa cũ bên cạnh bao người thân yêu trong một không gian, thời gian tràn đầy yêu thương nhưng cũng phải đành đoạn cắt lìa ra đi:
Ngày vẫy biệt khu rừng mơ tuổi nhỏ
Ta thật tình đau xót đến vô biên
Nghĩ lần đi là nghìn trùng cách biệt
Còn bao giờ trở lại nữa không em?
... Ngày vẫy biệt khu rừng mơ tuổi nhỏ
Ta xuống đời, biết chắc sẽ xa em...
(1971)
Rất tiếc trong tập thơ này không có mấy bài thơ rất hay viết về chiến tranh, về thân phận người lính rất cảm động chân thực như bài “Bữa Cơm Ngoài Chiến Trường” như tôi đã nhắc ở trên hay bài “Chiều Mai Lộc”:
Chiều Mai Lộc không mưa không nắng
Lửa cháy trong hồn những kẻ đi xa
Này anh lính nhỏ nhoi miền Bắc
Giữa sương mù anh có nhận ra ta?
Trần Doãn Nho đã tìm được mạch ngầm ẩn dưới những lớp đá cát trần trụi của trần gian trong thơ Trần Dzạ Lữ khi viết về anh “Mỗi lần nhắc đến cái tên Trần Dzạ Lữ là ký ức gợi đến ngay bài thơ “Bài Thơ Thứ Hai Cho Người Tình Sầu Cố Xứ.” Tôi còn nhớ bài thơ này đăng ở tờ Văn. Đó không phải là bài thơ đầu của Lữ. Cũng không phải là bài thơ hay nhất của Lữ. Tôi nhớ cái tựa đề. Nói cho đúng, tôi nhớ hai chữ “cố xứ.” Người tình sầu cố xứ. Nghe là lạ. Cố xứ cũng như cố hương. Nhưng nghe có cái gì ngậm ngùi hơn cố hương.
"Hỡi người em lệ sầu mắt đỏ
Áo trắng dài trong nắng vàng rưng
Em biết chiều nay anh không nhớ
Thân lạc xứ người hồn đau gởi cố hương”
Nhà thơ Trần Yên Hòa kể một câu chuyện khá cảm động về Trần Dzạ Lữ: “... Mãi đến khoảng năm 1987, sau khi đi tù cộng sản về, tôi mở một sạp bán phụ tùng xe đạp ở đường Huỳnh Văn Bánh, tôi đã gặp Trần Dzạ Lữ ở đây. Qua sự giới thiệu của Hà Nguyên Thạch, tôi biết Trần Dzạ Lữ. Anh người khô gầy, tóc tại nhễ nhại mồ hôi, lúc đó anh vừa từ Huế vào Sài Gòn. Làm nghề bán rau muống ở chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận. Bằng phương tiện là chiếc xe đạp cà tàng, Trần Dzạ Lữ buổi sáng đạp xe xuống Cầu Ông Lãnh mua rau muống, chở đem về bán lẻ cho khách hàng ở chợ Trần Hữu Trang...” Vậy mà anh cố gắng gom góp tiền in được 2 tập thơ – Hát Dạo Bên Trời và Gọi Tình Bên Sông. Trần Yên Hòa nhắc lại lời mở đầu “Một chút tâm tình với người yêu thơ” của tập thơ Gọi Tình Bên Sông, Trần Dzạ Lữ có viết: “Giờ đây, khi đem in tập thơ Gọi tình bên sông, tôi mới thấy mình quá... can đảm, giữa thời buổi thơ in ngàn bản bán không xong, thôi thì coi đó như “thú đau thương” vậy.”
Trong hai tập thơ còn lại “Thơ Tình Viết Trên Bao Thuốc Lá” và “Cửa Nát Muôn Trùng” được in liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015, bản in rất đẹp và khá dày so với hai tập thơ trước. Tất cả hai tập thơ này đều do Văn Tuyển thực hiện. Người điều hành cơ sở in ấn này là nhà thơ Nguyễn Liên Châu. Một lần ngồi cà phê cùng Nguyễn Liên Châu, anh thổ lộ: Trần Dzạ Lữ làm gì có tiền in, là do một người yêu thơ anh giúp đỡ xuất bản đó chứ. Được vậy cũng là mừng cho nhà thơ lắm rồi phải không? Đọc nhiều bài trong hai tác phẩm cuối này tôi chợt hình dung Trần Dzạ Lữ giống như người lữ khách đang đi trên sa mạc tình, anh khao khát tìm một ốc đảo cho thơ và cho chính cuộc đời của mình, càng đi càng khao khát kiếm tìm lại càng thất vọng, thất vọng lại càng khao khát đi tới:
Buông nhau/ mấy bận trong đời.
Buông rồi/ lại níu, người ơi.... đừng về!
(Buông – Thơ Tình Viết Trên Bao Thuốc Lá)
Hay trong một bài thơ khác:
Cám ơn em. Rất cám ơn em
Đã cho anh niềm đau suốt kiếp Thơ theo người cũng ngỡ ngàng, anh biết Vết thương này thành lệ đá triền miên...
Cái tình yêu mà nhà thơ suốt đời tìm kiếm như một chất gây nghiện, buông rồi lại níu để rồi trái tim luôn bị xô lệch lầm lẫn không lői ra:
Em từ trong áo bước ra
Tình yêu hóa thật... “mù lòa” tim anh!
Xuyên ngang sinh nhật, ngày em
Trời xanh mây trắng cứ ghiền lẫn nhau
(Em Từ Trong Áo Bước Ra - Cửa Nát Muôn Trùng)
Rồi tự cảm nhận được hoàn cảnh thân phận mình trong cuộc chạy đua với tình yêu:
Anh bây giờ dôi điện
Cộng số dư lãng mạn
Dưới gươm tình loang loáng
Chết vì em... cũng đành!
(Anh Bây Giờ – Cứa Nát Muôn Trùng)
Ta còn bắt gặp cái tình dôi điên đầy lãng mạn đó trong nhiều bài thơ còn lại của hai tập thơ này.
Là một nhà thơ có nhiều thơ đăng trên những tạp chí, tuần bảo có tiếng tăm trước 1975, anh được nhà thơ Trần Hoài Thư - người thực hiện tạp chí Thư Quán Bản Thảo ở nước ngoài đã dành trọn số 32 xuất bản năm 2008 giới thiệu thơ Trần Dzạ Lữ và đưa vào “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến.” Đó cũng là niềm vui và sự khích lệ đối với nhà thơ.
Những năm sau này khi còn ở Sài Gòn hay về Xuyên Mộc sinh sống, Trần Dzạ Lữ tập trung viết hồi ức mang tên “Dọc Đường Văn Nghệ Của Tôi". Một lần hẹn nhau cà phê ở đường sách Nguyễn Văn Bình Sài Gòn anh có tâm sự với tôi: Đây là tập hồi ức văn chương về những người bạn văn nghệ đã từng sống, quen biết với anh, hy vọng sẽ viết được khoảng 100 bạn văn. Bài đầu tiên anh viết về những người bạn ở Huế, nơi ấy sinh ra và từ đó anh ra đi: Đó là Lê Ái Niệm. Lê Bá Lăng, Võ Quê, Tần Hoài Dạ Vũ, người cuối cùng anh viết là nhà thơ Phương Tấn đứng ở vị trí 90, tôi cũng may mắn là một trong số 90 người đó. Anh hy vọng sau này có điều kiện in ghi lại dấu ấn cuộc đời làm văn nghệ của mình nhưng điều đó chắc không thực hiện được nữa rồi. Ngày 25-01-2024 anh rời xa cõi tạm vào lúc 22 giờ 30 tại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, sau một cơn đau nặng. Trần Dzạ Lữ ra đi đột ngột làm anh em văn nghệ bàng hoàng sửng sốt cảm thương một nhà thơ tài hoa vì bản thân lúc còn sống, bản chất nhà thơ Trần Dzạ Lữ rất hiền lành chân chất, lời nói nhỏ nhẹ không làm mích lòng ai và nhất là luôn coi trọng anh em văn nghệ. Khi anh mất tôi có làm một bài thơ ngắn để tiễn anh:
AI CÒN HÁT DẠO BÊN TRỜI
*Tiễn nhà thơ Trần Dzạ Lữ về cùng mây trắng
Bay về đâu phía cuối trời
Ngàn năm mây trắng nhã lời tình ca
Vườn xưa hương bưởi hương hoa
Dấu chân lãng tử còn xa dặm đường.
Đêm mưa lạc nẻo vô thường
“Mười năm ở chợ” lạ phường bán rao
Đời không hành xử ngọt ngào
Thì thôi cố xứ gởi vào hư không.
Qua đèo qua núi qua sông
Hạc vàng bay mất người không quay về
Gọi tình chết giữa cơn mê
Mưa rừng gió núi đã nghe mịt mùng.
Dang tay “Cửa nát nghìn trùng”
Thôi chào vẫy biệt trăng rừng tuổi thơ
Tóc người nào dệt được thơ
Tấc lòng gởi lại bên bờ nhân gian.
Xin làm ngọn gió đi hoang
Chừng như khách lạ ngỡ ngàng đó thôi
Anh còn “Hát dạo bên trời”
Tình tang lỡ nhịp một đời... Huế ơi!
Thôi thì chúng ta chia tay nhà thơ Trần Dzạ Lữ ở cõi tạm này vậy, hồn thơ anh đã bước vào cõi vô cùng. Ở nơi đó chắc hồn thơ anh sẽ tìm được niềm vui mới trong thơ ca, nghêu ngao trên sa mạc tình để được tự do hát dạo bên trời và gọi tình bên sông cùng người yêu dấu!
Lương Thiếu Văn
* Sài Gòn, bên bờ Kênh Tẻ, tháng 3-2024
Tham khảo:
1. Trần Dzạ Lữ và những dấu chân đời phiêu lãng của Lương Trung Thư
2. Trần Dzạ Lữ và Hát dạo bên trời của Trần Doãn Nho
3. Trần Dzạ Lữ - Gọi tình bên sông của Trần Yên Hòa
- Trần Dzạ Lữ, Người lữ khách cô đơn trên sa mạc tình Lương Thiếu Văn Nhận định
- Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn "Đảo" của Nguyễn Ngọc Tư Lương Thiếu Văn Nhận định
- Đọc thơ Tôn Nữ Thu Dung Trên Đất Mỹ Lương Thiếu Văn Nhận định
• Trần Dzạ Lữ, Người lữ khách cô đơn trên sa mạc tình (Lương Thiếu Văn)
• Trần Dzạ Lữ và Hát Dạo Bên Trời (Trần Doãn Nho)
• Trần Dzạ Lữ, nhà thơ hát dạo bên trời (Nguyễn Vy Khanh)
Trần Dzạ Lữ và những dấu chân đời phiêu lãng… (Lương Thư Trung)
Trần Dzạ Lữ Gọi Tình Bên Sông (Trần Yên Hòa)
Trần Dzạ Lữ - Thơ Và Tôi (Nguyễn Kim Tiến)
Trần Dzạ Lữ – Ngôn ngữ Huế trong thi ca (Thu Thủy)
• Thị trấn Hoa Vàng – Quê Hương Thứ 2 của nhà thơ Hoàng Ngọc Châu (Trần Dzạ Lữ)
• Trang Thơ (Trần Dzạ Lữ)
Bài viết trên mạng:
• Ôn ra đi để lại nụ cười (Trần Trung Đạo)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
• Tâm Thức Phật Việt: Sức Mạnh Từ Tam Tạng Thánh Điển Đến Lịch Sử Dân Tộc (Nguyên Siêu)
• Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ (Bùi Giáng)
• Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |