|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Từ Hoài Tấn
Kể từ giữa thập niên 1960, tiếng thơ Từ Hoài Tấn đã được nhiều người biết tới, qua những bài thơ tình trên các tạp chí, tuần báo văn chương như Văn, Nghệ Thuật, Trình Bày, Khởi Hành v.v… Nhưng bản chất khiêm nhường, kín đáo, trong đời thường rất ít người biết ông là nhà thơ (ngay cả những bạn thân tình). Với tôi, đây là một tâm-thế-sống, chọn lựa lui vào, ẩn sâu trong cõi riêng, rũ bỏ phồn tạp đời thường - - Phong cách trực diện với nín lặng, cô đơn thường thấy ở một số thi sĩ? Hay đó là hiệu ứng, “phản cung” những tra khảo, cay nghiệt của xã hội?
Không rõ, nhưng tôi trân trọng tính “lui vào, ẩn sâu cõi riêng” rất thi sĩ của ông.
Về tính khiêm cung của Từ Tấn Hoài, nhà thơ và cũng là họa sĩ Võ Công Liêm, hiện cư ngụ tại Canada, từng cho biết:
“Tôi thân quen với Từ Hoài Tấn hồi năm 1968. Sau tháng 4/75 thì chúng tôi được đời chọn cho mỗi người một cuộc sống khác nhau. Thuở ấy tôi chưa biết Từ Hoài Tấn là nhà thơ. Mặc dù anh đã có thơ đăng rải rác trên các tạp chí ở miền Nam. Chúng tôi trao đổi những chuyện thế sự qua tách cà phê hoặc nhiều khi họp mặt anh em. Tuyệt nhiên không nghe ai nói anh làm thơ. Tôi thường gọi tục danh anh mỗi khi xưng hô, đâu có biết, về sau này người bạn thân tôi là thi sĩ. Từ đó tôi thường hay đọc thơ anh và yêu thơ anh.
“Khi sống gần gũi những năm tháng sau nầy mới nhận ra được nhân cách sống của anh rõ nét hơn. Anh trầm lắng hơn trước đây hay đời biến đổi anh, tôi nghĩ như thế. Nhưng không, anh vẫn hài hòa như ngày nào, tuy nhiên vẫn không dấu được nỗi thầm kín trên gương mặt anh, không phải vì làm thơ mà anh trở nên thơ thẩn để cho ra ‘thi sĩ’. Cái bản chất anh là thế! Bởi vì xưa nay anh không tỏ một ‘dấu yêu’ nào là anh làm thơ và không chứng minh điều gì về thơ cả, anh ung dung trong tư thế đó. Tôi đem lòng khâm phục đức tính nhân hậu, khiêm tốn của một nhà thơ như anh…” (1)
Có dễ khởi đi từ tình thân trải dài nhiều năm trong đời thường, nên khi nhận định về cõi-giới thơ Hoài Tấn, họ Võ đã có những ghi nhận khá sâu sắc, cụ thể:
“Thuở đó và ngay cả bây giờ có rất nhiều người làm thơ, làm thơ vần lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ, thơ tự do, thơ mới và thơ tân hình thức. Tôi thích thơ Từ Hoài Tấn dưới mọi thể anh làm. Thơ anh phản ảnh nhiều mặt tình cảm, đời sống, quê hương đất nước và tình người. Tất cả chứa đựng chất hiện thực và hiện sinh trong thơ anh, có nhiều bài thơ đọc lên thấy được đôi điều mà anh trút hết sự thầm kín đó vào thế giới nội tâm hơn là thế giới ngoại hình, rồi từ đó anh phá lệ, vượt thoát qua mọi thể thơ anh viết. Thơ anh tiềm ẩn và sáng tạo, giòng thơ đi lần vào dạng thơ siêu thực, đó là khuynh hướng siêu thực thơ (surrealism poetry) mà rất ít tìm thấy ở những nơi khác. Anh muốn vượt ra khỏi hiện hữu để trở về bản chất cố hữu của riêng anh.
“Từ Hoài Tấn dồn hết những xúc cảm nội tại vào thơ qua những tình huống xẩy ra trong đời tác giả. Những tai ương, những khốn cùng mà anh tiếp cận với cuộc đời, đặc biệt về mặt tình cảm nói chung là nỗi ray rứt không nguôi trong dòng đời anh đi qua và anh nhủ thầm điều bất hạnh đó chỉ dành cho anh. Chính những băn khoăn với đời, với tình mà biến anh trở nên trầm lắng, trầm lắng của bản chất hay trầm lắng bởi tuyệt vọng? Đó là cái nhìn dưới mắt tôi qua đôi mắt sầu muộn của Từ Hoài Tấn.
“Gởi vào em một cơn mưa
Cơn mưa đổ hết canh khuya khoắt nầy.
(Gởi tặng Ph.1970)
“ ‘Canh khuya’ Từ Hoài Tấn chưa thấy đêm sâu, anh cho thêm chữ ‘khoắt’ để thành ngữ nầy gói trọn nỗi nhớ của anh. Cho nên anh mượn thiên nhiên để gởi gắm nỗi thầm kín đó, thơ Từ Hoài Tấn nặng hình dung từ và ẩn dụ vì thế ngâm lên cũng thấy được cái chất lãng mạn riêng của Từ tiên sinh.
“Anh sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến, anh đối đầu với lửa đạn. Anh nuốt đau thương của vận nước trong tim gan anh. Từ Hoài Tấn không ta thán hay phẫn nộ. Anh điềm nhiên tự tại như dòng sông trôi về biển mẹ, trước những khắc khoải đó anh không oán, không trách mà coi như đó là thân phận làm người. Anh nuôi dưỡng tất cả những biến cố đời trong tâm trí anh để anh phát tiết những câu thơ hàm chứa đầy đủ yếu tố nhân sinh quan và chính là con đường giải thoát tâm hồn của một nhà thơ.
Nỗi trăn trở đó hiện diện trong thơ Từ Hoài Tấn là thảm kịch đời mà hình như anh gánh chịu, một cảnh đời bề bộn, xung đột giữa nội quan và ngoại quan đã làm cho Từ Hoài Tấn quặn mà không nói nên lời, điều ấy anh luôn luôn hoài niệm cho tới ngàn sau. Đọc bài thơ ‘Mạ’ anh nói lên cái tình của người mẹ nuôi con, nghe rất cảm động, anh xử dụng thể thơ 7 chữ, đọc lên nghe phảng phất lục bát của Tú Xương; nghe thử:
“Hai sương một nắng nào đâu sá
Con bầy một lứa phận nữ nhi
Lều tranh cuối vườn nương nhà ngoại
Tháng chờ năm đợi buổi người đi
…
“Thương nhớ một đời ta là mạ
Nhưng hồn ta vất vưởng vẫn lệ nhoà”
(Mạ 1998)
“Đọc thơ Từ Hoài Tấn cho tôi một cảm giác lâng lâng, lạc vào thế giới huyền ảo của mộng mơ, lúc chơi vơi, lúc chìm đắm giữa một khung trời lập thể đầy sắc màu. Anh thả xuống những câu thơ nghe lạ tai, nhưng lại truyền cảm, cái hay của Từ Hoài Tấn là ở chỗ đó!
“Trong tập ‘Hành Tinh Phiêu Lạc’ trang đầu ‘Mở’ thay lời tựa, tác giả chỉ nói lời giản dị (16 chữ) nhưng trọn cả hành trình anh đi. Đó là cái chân tình của nhà thơ như anh, không phải anh tiết kiệm ngôn ngữ để nói về đứa con tinh thần mà anh đã cưu mang, chắt chiu. Có lẽ, Từ Hoài Tấn cho rằng có nói cũng không cùng; ai nghĩ sao thì nghĩ, có sứt môi méo miệng cũng là con anh, nhưng phải nghĩ một cách sâu xa, chính trong cái ‘khác đời’ đó là cái đẹp chân phương ‘Le laid peut etre beau,le joli jamais’ (P.Gauguin) Đúng! Từ Hoài Tấn chấp nhận cái đẹp một ít hơn cái gì trau chuốt cho đẹp. Vì thế mà tôi mến cái thủy chung của anh, thiết tưởng người đọc sẽ tìm gặp một cảm nhận như tôi.
“Quay về - một mối
Ra đi - muôn đường
Tìm em - nguồn cội
Mấy trời - tang thương.”
“Tôi thích cái lối chơi thơ của anh. Từ Hoài Tấn chế cái gạch ngang (-) như nhấn mạnh cho người đọc hiểu cuộc đời anh là thế đó. Du Tử Lê thì chặt (/) xuống mỗi con chữ, thành thử khi đọc hay ngâm thơ ông có cái gì như bóp cuốn họng mình lại, nhưng làm quen hình thức đó rồi, đến khi đọc thì thấy thơ của Du tiên sinh hay siêu việt và bay bổng. Cho nên thơ nó nằm ở cõi phi ấy nhưng phải khởi từ cõi thực. Cho dù gạch ngang hay gạch dọc, chưa phải xác định được một bài thơ đặc thù, bởi một bài thơ không phải là muốn nói một cái gì mà hiện-hữu (A poem should not mean but be) ngoài ra có những siêu lý của thơ nghĩa là thơ phải đi lạc đường mới là thơ hay! Tôi nói dông dài về thơ, tại vì thơ của Từ Hoài Tấn tợ như thơ Thiền. Nghe thiền sư Cổ Đức làm bài thơ 4 chữ này:
“Khi đói ta ăn Khi mệt ta ngủ.”
“Chỉ mấy dòng thơ ngắn mà diễn được vòng luân hồi và thuyết vạn vật nhứt thể của đạo Phật. Từ Hoài Tấn là đệ tử chân chính của những nhà thơ thiền(?) cho nên bài thơ mở đầu cho tập thơ “Hành Tinh Phiêu Lạc” cũng được ngắn gọn và thâm hậu như lời nhắn gởi với muôn trùng…
“Tôi nghĩ, chính lối sống vô tư của anh đã giúp anh vượt qua những thử thách, những gian khổ từ trong trại học tập cho đến khi trở về nguyên quán. Từ Hoài Tấn không muốn ai quản chế mình một lần nữa, anh cho rằng tự-giác-giác-tha, anh tự khắc phục anh, hội nhập với đời, thích nghi kịp thời như anh đã lao mình; chính sự dấn thân của anh là những dòng chảy bất tận trong thơ. Từ Hoài Tấn một con người nhạy cảm về tình cảm (sentimental) về tình người cũng như thiên nhiên. Do đó thơ Từ Hoài Tấn phong phú và dồi dào. Từ làm thơ đa dạng, có khi niêm luật, có khi tự do… theo tôi nghĩ thơ anh xây dựng dưới dạng thức nào, tiết điệu trong thơ anh là tiết điệu của thời thượng hôm nay.
“Thơ lục bát Từ Hoài Tấn làm nghe điệu và mềm, chữ dùng rất Huế. Đan cử bài thơ nầy:
“Ngày dài lóc cóc ngoài hiên
Ngựa xe qua hết một miền còn lưa
Ngày ngồi nắng đổ chưa bưa
Như sầu ai thắp canh khuya chưa tàn.”
(Dáng thơ)
“Từ Hoài Tấn có những bài thơ tự do, thơ không vần (blank verse) nhưng đọc lên vẫn thấy như có âm hưởng của thơ vần đó là cái vi vu theo tiết nhịp vần xoay mà cuộc sống là biến động miên man theo mảnh lòng người hoài mong; tự do và thoát tục.
“Tôi đứng bên kia con đường
Một ngày đầu đông
Đợi người tình qúa khứ
Và mong đời nhẹ gót qua đây…”
(Huế-1968) (Nđd.)
Trên đây là chân dung thơ Từ Hoài Tấn, vẽ bằng chữ viết của Võ Công Liêm, qua thi phẩm đầu tay “Hành Tinh Phiêu Lạc” xuất bản năm 2003, bởi Nhà XB Thuận Hóa. Gần mười năm sau, năm 2012 Từ Hoài Tấn cho ra đời thi phẩm “Đi, Đứng và chạy… với thời gian” - - Như tôi biết, đó là thi phẩm mới nhất của ông, tính tới hôm nay.
Vẫn là những cảm quan, cái nhìn đi ra từ trái tim mẫn cảm của một nhà thơ chọn ăn, ở một đời với cô quạnh, nhưng với “Đi, Đứng và chạy… với thời gian” Từ Hoài Tấn đã cho thấy, dường ông bước lùi sâu hơn vào cõi riêng của mình. Tôi hiểu, khi chọn tựa đề “Đi, Đứng và chạy… với thời gian” cho thi phẩm mới của mình, tác giả cho thấy dòng đời vẫn xuôi chảy, dù chúng ta có chạy, đi theo hay đứng lại. Nhưng tâm thức của mỗi cá nhân vốn độc lập. Nó nằm ngoài định luật tự nhiên này - - Hiểu theo nghĩa chúng ta có toàn quyền chọn cho mình một thái độ ứng hợp: Xuôi theo hay đứng lại, bên lề…
Với Từ Hoài Tấn, chẳng những không “Đi, Đứng và chạy… với thời gian” mà thơ ông còn cho thấy quá khứ, thiên nhiên những bức tranh tĩnh lặng, tựa những game màu cũng đã khẩm nặng trầm tích qua những liên tưởng sắc, buốt, xỉa-xói-vết-thương:
“Ly thủy tinh trong vắt như nỗi buồn không soi đáy
Khuôn mặt em hình quả mãng cầu gai
Ta nhảy múa với niềm vui cô độc
“Một kẻ lạ đi qua
Lời nguyền rủa
Như thanh kiếm chém vào mặt
“Một cô nàng đi qua
Tiếng cười vỡ
Ly thủy tinh ném xuống mặt đường
“Ngày đi qua
Thì thầm điệu ru tội lỗi
Đôi tình nhân hôn nhau cuối hẻm”
(Trích “Trong quán rượu”)
Hoặc:
“Ta thử khóc và cười mỗi ngày
Hình như không ai nhìn thấy
Ngày đi và đêm xuống
Không có nghĩa gì với gã ăn mày mù lòa tự nhiên đi qua công viên
Hay ngồi lặng lẽ trên băng ghế
“Ngày đi và đêm xuống mối tình em mang rơi theo
Sao viên đá nặng vẫn đeo trên cổ.”
(Trích “Khúc Ban Chiều”).
Hoặc nữa:
“Trong một cố gắng không dừng lại
Tôi hẹn hò em
Ám hiệu ngắn
9 giờ sáng – góc ngã tư – bờ tường tím – đội nón xanh
Tin đi
Người đi
Cuộc hẹn đi
Thời gian đi
“Và như thế
Trong một cố gắng không dừng lại
Tin mất
Người mất
Thời gian mất
“Chỉ còn lại
Tôi”.
(“Cuộc hẹn”)
Vẫn với Từ Hoài Tấn, chẳng những không “Đi, Đứng và chạy… với thời gian” mà ông còn cho thấy chia ly và bóng tối từ những tháng, năm khuất lấp vẫn tìm về trong thơ ông, tựa những game màu ám-dụ, đầy những liên tưởng sắc, buốt; mang theo những lát dao lạnh lùng đào-xới-những-vết-thương cũ, mới:
“Trả lại cho tình em vì không còn cách nào giữ lại em
Khi em đã là người khác
Khi đôi mắt em là ngọn lửa khác
Khi lời tình yêu đã là tiếng vang vọng
Và khi ngày đã trở qua đêm”
(Trích “Chỗ không cùng”)
Hoặc:
“Vào những đêm khuya khi vầng trăng không còn
Sao Hôm dần biến mất
Anh tìm em trong bóng mây qua
Đôi mắt em ẩn chứa niềm bí mật
“Chúng tôi sống lặng lẽ mơ ước trong gió bụi của khốn khổ
Hàng đêm nhìn lên khoảng trời xanh
Thì thầm cầu nguyện và mong đợi phép lạ…”
(Trích “Những ngôi nhà thuê ở đường số 37”)
Tuy nhiên, có dễ mưa mới người bạn hoặc, nói một cách thậm xưng, là người tình thủy chung nhất của nhà thơ này.
Với tôi, mưa là hiện tượng thời tiết quen thuộc, thân thiết của rất nhiều thi sĩ Việt Nam. Nhưng, nếu có một nhà thơ cho thấy mưa hiện diện cùng khắp các trang thơ của họ thì, một trong những người đó là Từ Hoài Tấn:
“Tháng mười hai năm ấy
Mưa trở lại
Trong hẻm nhỏ có quán cà phê
Bà chủ bốn mươi tuổi
Em trở lại ngồi bên ta
Lời tình ái dài và đều như mưa ngoài cửa”
(Trích “Kỷ niệm”)
…
“Mùa mưa anh không thoát khỏi chiếc bóng em
Sự suy tư mòn gặm
(…)
“Buổi sáng theo cơn mưa đầu ngày
Một chút nhớ làn khói bay
(…)
“Em thiên nhiên đóa hoa mùa hạ
Những giọt mưa đầu mùa sóng sánh chiếc ly không
(…)
“Ai đi ngang che giấu mặt nõn nường
Mưa vang âm dòng suối”
(Trích “Khi yêu”)
…
“Buổi chiều mưa bất thường trái mùa
Khúc trầm bên chén trà
Người phụ nữ bước qua bên kia đường đón xe buýt
Dưới tàng cây che phủ vệ đường núp mưa những cô gái nhỏ xì xầm
Cảnh tượng chiều xám”
(Trích “Thơ cuối năm”)
…
“Những ngày này thường có cơn mưa đêm về sáng
Đều đều như lời kinh dịu dàng cám dỗ
Mùa mưa chưa qua sao”
(Trích “Lời cám dỗ dịu dàng”)
…
“Cơn mưa đi qua ánh sáng của ngày
Khúc hát ru chiều xẩm tối
Người thanh niên đứng trong hẻm cụt nói rằng
Môi hôn trên cây và nụ cười trên gió”
(Trích “Khi mùa mưa bắt đầu”)
…
“Buổi chiều về qua ngõ
Không nghe tiếng dương cầm
Vị mặn ở đầu lưỡi
Mưa và em”
(Trích “Là khi em đi”)
…
“Chiếc dù che góc quán nhỏ vệ đường ngồi hai người
Những chiếc ly không đầy nước
Ngày mưa qua
Đôi mắt ẩm ướt em nhìn ngắm giọt đều không tạnh…”
(trích “Thành phố mưa”)
Vân vân…
Ngay với những trang thơ không có một chữ “mưa” nào của Từ Hoài Tấn, nhưng ngữ-cảnh toàn bài, cũng cho tôi cảm được đâu đó, hơi hướm những cơn mưa chờ đợi.
Tôi nghĩ, có dễ “mưa”, chiếc bóng thứ hai, đeo đẳng hành trình và, cũng là định mệnh thi ca của tác giả này?
(Calif. Jan. 2016)
_________
Chú thích.
(1) Trích Võ Công Liêm: “Dòng chảy không ngừng ở Từ Hoài Tấn”, Bạt, thi tập “Đi, đứng và, chạy… với thời gian”, Nhà XB Hội Nhà Văn, Saigon, 2012
- Những nẻo đường văn chương, hội họa... quyết liệt của Võ Công Liêm Du Tử Lê Nhận định
- Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng Du Tử Lê Nhận định
- Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nổ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Tuấn Huy Du Tử Lê Nhận định
- Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Tường Thiết Du Tử Lê Phỏng vấn
- Họa Sĩ Phạm Tăng Du Tử Lê Nhận định
- Những Mảng Tối Cuối Đời nhạc Sĩ Tài Hoa Thanh Bình! Du Tử Lê Nhận định
- Lộ trình thơ, nhạc Trần Duy Đức Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên Du Tử Lê Nhận định
- Lê Lạc Giao - Tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn Du Tử Lê Nhận định
• Hành Trình Thơ Từ Hoài Tấn (Du Tử Lê)
• Đọc thơ Từ Hoài Tấn (Khổng Đức)
Từ Hoài Tấn (phannguyenartist.com)
Từ Hoài Tấn ngày xưa và bây giờ
(Trần Dzạ Lữ)
Dòng chảy không ngừng ở Từ Hoài Tấn (Võ Công Liêm)
Đi, đứng và chạy với thời gian của Từ Hoài Tấn (Võ Công Liêm)
Đọc thơ Từ Hoài Tấn, nghĩ đến cây cầu dây văng! (Cao Thoại Châu)
Thơ Từ Hoài Tấn: Nỗi ám ảnh với thời gian (Trần Hữu Dũng)
Từ Hoài Tấn trượt dài cơn khát
(Đặng Châu Long)
• Trang Thơ (Từ Hoài Tấn)
- Trang nhà: tuhoaitan.blogspot.com
Tác phẩm trên mạng:
- damau.org - hopluu.net - thivien.net
- banvannghe.com - vanchuongviet.org
- Giới thiệu tập tiểu luận triết học của Võ Công Liêm
• Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |