1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Phương Triều với những bài thơ hệ lụy đè nặng trên vai (Hồ Trường An) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      1-10-2020 | VĂN HỌC

      Phương Triều với những bài thơ hệ lụy đè nặng trên vai

        HỒ TRƯỜNG AN
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà thơ Phương Triều

      Từ thuở 15, 16 tuổi, đọc thơ Trần Huyền Trân hay đọc thơ Thâm Tâm, tôi buồn dã dượi suốt cả ngày. Lời thơ của họ sao mà cảm khái, sao mà ngậm ngùi để tôi có thể mường tượng tới những kẻ sinh bất phùng thời đang nhan nhản xuất hiện chung quanh tôi. Đó là những kẻ thất bại về đường tiến thân gồm có danh vọng, cơm áo, lý tưởng. Đó là những người lớn lên từ khi Nhựt đảo chánh Pháp, rồi kinh qua lúc Việt Minh nắm chánh quyền, kinh qua suốt chín năm ly loạn trong cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh. Họ theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp, nhưng lại nhận diện bộ mặt gian ác của Cộng sản, cho nên sau Hiệp Định Genève 1954, họ không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam. Vì học hành lở dở, lại không có nghề chuyên môn trong tay nên họ phải còng lưng nhận lãnh lấy gánh mưu sinh đè nặng trên vai. Đó là những kẻ thất bại trong cuộc sống cũng như hai nhà thơ Trần Huyền Trân và Thâm Tâm giữa tuổi thanh xuân. Vì cảnh nghèo hèn sa sút nên hai nhà thơ nầy phải lao thân vào xã hội khe khắt để kiếm miếng cơm manh áo bằng ngòi bút của mình.


      Phương Triều trưởng thành sau Hiệp Định Genève 1954. Về vật chất, anh có đời sống dễ chịu, gia tư anh thuộc hạng trung lưu giữa thời thanh bình trên đất nước. Anh được ăn học chu đáo, tuy anh lao vào nghiệp làm báo quá sớm (19 tuổi). Rồi anh vào quân đội, với chức vụ Sĩ quan Báo chí Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa (1967-1975). Đó đâu phải là một cuộc đời thất bại, dù không chói rạng vẻ vang tột cùng đi nữa. Lại nữa, anh còn là tác giả ba văn phẩm (tập truyện) rất được các nữ độc giả yêu thích.


      Phương Triều gặp bước sụp đổ kể từ ngày 30-4-75. Từ đó cuộc đời anh trải qua nhiều trại giam mọc suốt chiều dài trên đất nước. Cho nên vào ngày 19-4-94 theo diện HO, anh qua định cư trên đất nước Hợp Chủng Quốc với số tuổi đời tròm trèm 60. Dù cuộc sống vật chất của anh lần hồi được ổn định, nhưng quãng đời “học tập cải tạo” trong lao tù đã làm cho anh nhìn sâu hơn vào cái bi đát của cuộc đời, vào cái hệ lụy của kẻ chiến bại, vào những cơn ác mộng phủ trùm lên cuộc đời mê vọng của chúng ta. Văn chương của anh phải lột xác và nó không còn là thứ văn viết cho các phụ nữ nhạy cảm, thích phong vị trữ tình và thích điệu nhạc tình nữa. Anh viết cho anh, cho cuộc đời anh. Anh mô tả lại những chặng đường thảm khốc mà anh đã trải qua, những áp bức tinh thần đã đè nặng lên não cân anh, những cảm khái về trăm nghìn thứ đã nẩy nở trong nội giới anh khi anh bước trên những ngả rẽ và những khúc quanh của lịch sử. Nếu căn cứ vào cuộc đời lận đận lầm than của Phương Triều sau cuộc đổi đời thì chúng ta sẽ nhận thấy thơ anh phản ảnh tâm trạng u hoài, chán nản, mệt mỏi của anh. Nó còn phản ảnh luôn tâm trạng của kẻ thất bại trước cái oan trái cay nghiệt của định mệnh, trước cái nổi trôi của mệnh nước và cái tráo trở đổi trắng thay đen của tình đời.

      Nửa đêm chim thức chào năm mới

      Cây cỏ mừng sương đuổi quạnh hiu

      Người ôm gối tưởng ôm người mộng

      Kim Trọng nằm đau nhớ Thúy Kiều!


      Gác trọ nhiều khi thành gác gió

      Câu thơ hào khí lạnh bình sinh

      Mưa ơi, mưa trắng trên đường lụt

      Mưa trắng đời xơ xác tội tình!


      Bánh ít bánh chưng thành bánh ngóng

      Cải kho dưa giá sả kho gừng

      Chồng ngồi nhớ vợ cơm thành đá

      Vợ nhớ chồng, thịt cá dửng dưng!


      Lì xì lì xẹp tiền không có

      Thương con ngồi ngó, mắt đỏ mặt mâm

      Ước chừng ông địa tới thăm

      Con chim ngao ngán gọi năm mới về!

      (Mặt Mâm, trang 35)

      Thi tập gồm 117 bài, trong đó có 56 bài thơ viết về đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông không phù hợp với cái tựa đề “Trăm Bài Thơ Xuân”. Có lẽ những bài thơ nầy được sáng tác trong dịp Xuân về đúng hơn. Nhưng Xuân trong thi ca của Phương Triều buồn quá đỗi! Chúa Xuân không mang bóng dáng hạnh phúc về thế giới thi ca của anh. Không làm cho Nhạc đệm thơ anh lảnh lót, xôn xao, ngọt lịm như tiết điệu trong các khúc hoan ca. Không làm cho màu sắc thơ tươi sáng lộng lẫy.

      Chợt đứng nơi không còn chỗ ngụ

      Lạnh từng xây xát gió trên da

      Nghe hồn Xuân vỡ đau hồn lá

      Còn rụng liên hồi những cánh hoa!


      Tiếng sấm vang vang ngày bão lụt

      Chừng như về lại cõi quên xa

      Lang thang tìm ổ người như chuột!

      Máu mủ còn ai nuối ruột rà?


      Đất triệu năm già Xuân vẫn trẻ

      Sao Xuân chết vội tuổi chưa già?

      Thế gian từ buổi tang thương đó

      Mùa Xuân mờ mịt dấu phôi pha...


      Năm tháng xanh xao mùa biển động

      Núi rừng tím lạnh vết mây qua

      Bốn phương là gió vô cùng tận

      Bếp lửa nào nhen ấm nỗi nhà?


      Có tiếng gà con chiều gọi mẹ

      Cơ hàn vũng ngộp áo sương hoa

      Có ai réo lại hồn thiên cổ

      Sóng dội bờ hay sóng vọng xa?

      (Xây Xát, trang 86)

      Chỉ cần đọc hai bài thơ vừa nêu ra thôi, chúng ta đã thấy cái bản lãnh, cái tài hoa của Phương Triều ra sao khi anh dùng cái giọng điệu ngậm ngùi cảm khái, cùng nhân sinh quan độc đáo để dựng riêng cho cõi thơ anh. Bài “Xây Xát” gồm những ngôn từ bóng bẩy, trau chuốt, mịn màng, đôi khi hoa lệ nữa. Nhưng anh không áp dụng cái tiểu xảo của người thợ thêu, của người thợ chạm cho thơ. Anh viết thơ bằng một cảm hứng tràn đầy, lênh láng, hồn nhiên, không nắn nót, không cố tình gọt dũa thơ theo kiểu tỉ mẩn của các nhà tiểu công nghệ. Anh khác xa ông Đông Hồ, bà Mộng Tuyết ở chỗ đó.


      Qua bài thứ nhất “Mặt Mâm”, ở hai đoạn sau, thơ anh đã có những ngôn từ thô tháp, mộc mạc như ngôn ngữ ở giới bình dân ngoài đời. Và đặc biệt hơn, đây là ngôn ngữ miền Nam ở đồng quê, ở đầu đường xó chợ. Nhưng tuyệt vời thay, khi ngôn ngữ đó đi vào thơ anh nó vụt biến thành một ngôn ngữ quyến rũ lạ lùng, chứa chan nghệ thuật tính và làm nổi bật lên tâm trạng đau đớn của anh cùng thắp sáng cái ngọn trào lòng của anh rất kỳ diệu.

      Tay phẩy quạt rát mày rát mặt

      Miếng kẹo gừng đắng ngắt đêm Xuân

      Em ngồi mắt ngó rưng rưng

      Khói hương di ảnh có mừng sang năm?

      Cứ thậm thụt lui ngày tháng Chạp

      Thế kỷ buồn già háp mươi năm

      Mèn ơi, ai nói đẻ lầm

      Trẻ chưa kịp lớn đã lăm le già!

      Bếp thiếu lửa năm nầy năm nọ

      Miếng bọt bèo đã bỏ bụng luôn!

      Táo ông chắc đã quen buồn

      Hăm ba tháng Chạp tiễn suông ông về!

      Sáng Mùng Một không hề năm mới

      Nắng Xuân về chưa tới đã đi

      Miếng cơm chìm dưới khoai mì

      Miệng mo chưa đủ lấy gì đãi nhau?

      (Miệng Mo, trang 59)

      Đắng ngắt, thậm thụt, già háp, miệng mo...; đây đâu phải là những ngôn ngữ dành cho thơ. Vậy mà khi chúng bước vào cõi thơ anh làm cho cõi ấy đậm đà cảm tính hơn, làm cho hơi thơ mạnh hơn, làm cho giọng điệu thơ hào sảng và tha thiết hơn.


      Từ xưa nay, ngôn ngữ Nam Kỳ thường bị văn chương rẻ rúng. Phải đợi tới Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, nhất là Lê Xuyên, ngôn ngữ Nam Kỳ mới dám len lỏi vào văn chương, nhưng chỉ ở truyện dài, truyện ngắn mà thôi, chớ chưa dám vào cõi thơ. Nhưng Phương Triều trịnh trọng mời nó vào thi ca của anh để nó ngát men say đắm cho thơ anh. Anh không chú trọng cái Thể (tức là bản chất) của ngôn ngữ. Anh chỉ nhìn vào cái Dụng (tức là cái công dụng) của nó. Nhưng với trực giác thù thắng và kỳ diệu, từ cái Dụng của ngôn ngữ Nam Kỳ, anh khám phá ra thêm cái Thể nguyên vẹn và tuyệt vời của nó. Như vậy độc giả, qua thi ca của anh mới biết được rằng ngôn ngữ Nam Kỳ vẫn có những chất thơ nếu ai đó biết xử dụng nó. Đó cũng như những thứ lá vàng cỏ khô đáng đem vứt đi, nhưng có người giữ vườn biết công dụng của nó, gom nó lại thành một đống, đốt lên thành một đống lửa sáng rực để xua đi khí lạnh và sương ẩm của đêm đông. Và đó cũng như những miểng sành miểng sứ đáng lẽ nên vứt bỏ dưới gốc cây đa, nhưng lại được anh thợ khéo giát lên cổng Tam Quan của đình chùa, miếu mạo để cổng Tam Quan trở nên hào nhoáng, hoa lệ thập phần.


      Vinh danh ăn ở bầy hầy

      Sầu phơi nắng lửa thành mây não nùng!

      Ta làm tráng sĩ khật khùng

      Tuốt gươm chém giữa mịt mùng đỉa trâu!

      (Ống Điếu, trang 112)


      hoặc:

      Cuối cùng nước cạn từ trong giếng

      Người gánh mưa về đổ tháng Giêng

      Những mầm chưa kịp thành ra lá

      Mà đã trần thân nắng đảo điên!

      Tiếng mõ truyền rao từ động cóc

      Con rùa đường hẹp mỏi vai nghiêng

      Thì ra cũng lại là... cha nội!

      Chuyên bít đường theo ngõ biến thiên!

      Người lắc bầu cua thành cá cọp

      Bày xiêm vẽ áo tạc đời tiên

      Bà tiên son phấn đầy trong bóp

      Mở đóng tùy nghi nợ nhãn tiền!...

      Lần theo gốc gác dò thân thế

      Người đãi nhau bằng chút vẽ duyên

      Ô hô!... Trăng nước mùa sông cạn

      Bờ bến loay hoay đá vỗ thuyền!...

      (Vẽ Duyên, trang 123)

      Bầy hầy, khật khùng, cha nội, lắc bầu cua thành cá cọp...; đó cũng đâu phải là ngôn ngữ mà cổ nhân thích đưa vào thi ca. Cũng vậy, con đỉa trâu, con rùa vẫn là những động vật đâu có đủ màu sắc đẹp đẽ để làm tươi sáng cho thi ca. Nhưng ở trường hợp Phương Triều thì lại khác. Những thứ mà thi ca truyền thống hãy còn xa lạ, một khi bước vào thơ anh thì cũng như một nhúm bột ngọt làm ngọt thêm nồi canh chay, cũng như một chút bột vanille làm thơm bát ngát một tảng bánh tarte lớn. Nhưng thật ra, Phương Triều ít khi xử dụng những ngôn từ Nam Kỳ. Không phải anh dè sẻn, tiết kiệm chúng. Đó bởi tánh thận trọng, điềm đạm vốn sẵn có ở anh. Nếu lạm dụng quá mức những ngôn từ ngang tàng, thô lỗ của các tay anh chị Nam Kỳ thì chẳng những anh không tạo được cái phóng khoáng, hào sảng cho thơ, mà trái lại anh làm cho thơ trở nên cục mịch, ngang ngược. Và, nếu anh xài xả láng cái ngôn ngữ đỏng đảnh, xí xọn, chớt nhã của lớp phụ nữ bình dân Nam Kỳ thì chẳng những anh không tạo được vóc dáng quyến rũ cho thơ, không làm cho thơ hồn nhiên, duyên dáng, mà trái lại anh làm cho thơ có bộ mặt chị hề cái rẻ tiền trên sân khấu. Cho nên trong thơ anh, ngôn ngữ bình dân miền Nam chiếm 10% thôi, còn lại là thứ ngôn ngữ trau chuốt bóng bẩy và hoa lệ mà các nhà thơ Nam, Trung, Bắc có thể xài chung. Nhưng như tôi đã nói, anh trau chuốt ngôn ngữ thơ mà không quá dụng công tỉ mẩn; do đó ngôn ngữ thơ anh bóng bẩy mà không lòe loẹt để có cái đẹp tự nhiên và thiên chân.

      Buổi đó con người thất lạc nhau

      Mùa Đông kèn cựa với Xuân sau

      Trời cho nắng muộn hong ngày lạnh

      Sao chợt mưa về rát mặt đau?

      Con kiến khô râu thèm chút ngọt

      Chà-là đuông núp giữa đọt cao

      Những nhọt bình sanh sưng tấy mủ

      Mặt trời ràn rụa gió xanh xao...

      Chợt ngước đầu lên nhìn nắng vỡ

      Lá vàng kín cõi mắt chiêm bao

      Bao nhiêu tráng sĩ rời lưng ngựa

      Sương lạnh chiều phai vạt chiến bào!

      Qua sông ngút một đường dong ruổi

      Quán nhỏ đêm ngồi ngắm đại đao

      Oằn vai vác nặng hồn sông núi

      Buồn rót vào ly bọt sóng trào...

      Hảo thủ!... Cuộc chơi nào đích thực?

      Trọng tài bán độ hát nghêu ngao

      Ngờ đâu chiến mã qua nghìn bẫy

      Mà bẫy từ tay máu mủ nào?

      (Bẫy, trang 101)

      Phương Triều là một nhà thơ xứng đáng có một cương vị sáng nguy nga và cao chót vót ở thi đàn hải ngoại. Thơ của anh tuy có thể điệu và hình thức cũ, và anh tuy không phải là nhà thơ tư tưởng, nhưng anh biết nhìn sâu vào cuộc sống, anh còn tìm gặp những cái đặc thù tế vi cùng những cái bí nhiệm ngộ nghĩnh của nó.


      Vậy thế nào là thơ tư tưởng? Đó là thơ đi sâu vào lãnh vực tâm linh để người đọc nghĩ về cái sự thật tuyệt đối, sự thật cuối cùng của hiện hữu. Sự thật đó chúng ta không bao giờ nắm bắt hoặc chứng nghiệm được. Chúng ta chỉ có thể khái niệm được nó thôi. Và chúng ta chỉ gặp gỡ cái bóng dáng của nó trong kinh điển, nhưng nó vẫn giúp ta tìm về sự bình an tuyệt đối của nội tại, sự thức tỉnh vượt cả kiến thức và sở tri của con người phàm phu thế tục. Trong lịch sử thi ca nhân loại, chỉ có các thiền sư bên Phật giáo (Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên) hoặc nhà thơ Rabindranath Tagore (Ấn Độ), nhà thơ Rumi (Ba Tư) mới làm nổi những bài thơ như vậy. Nhưng trước 1975, nhà thơ Võ Chân Cửu qua hai thi tập “Đại Mộng”, “Thảng Lai Thi”, sau 1975 ở hải ngoại có Mai Thảo với thi tập “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền”, có Thiền sư Nhất Hạnh với một số ít bài thơ được Sư cô Chân Không ghi vào quyển “Thử Tìm Những Dấu Chân Trên Cát”, có bốn nhà thơ nữ Thân Thị Ngọc Quế, Vi Khuê, Trương Anh Thụy, Đặng Thị Quế Phượng qua một số ít bài thơ là đi sâu vào tinh thần Bát Nhã của Phật giáo. Đặc biệt nhất là thi tập “Thơ Hiền” của Như Chi, bề ngoài có vẻ là thơ tình, nhưng bên trong lại là thơ dựa trên tinh thần Bát Nhã, then chốt của triết thuyết Phật giáo.


      Thơ của Luân Hoán, của Nguyên Sa, của Tô Thùy Yên, của Du Tử Lê và của Trần Mộng Tú đều là thơ hay. Nhưng họ chỉ hay về thơ chớ không độc đáo về tư tưởng. Về nghệ thuật dành riêng cho thơ, Tô Thùy Yên có thể vượt những nhà thơ mà tôi kể ở trên về tài hoa, nhưng thơ anh không va chạm vào tư tưởng cao siêu. Tuy nhiên, năm nhà thơ vừa kể có những nhân sinh quan thật độc đáo. Họ đào vào cõi thơ một chiều sâu đáng kể. Nhưng nhân sinh quan không phải là tư tưởng triết học. Một nhà văn, một nhà thơ, một nhà nghiên cứu về tâm lý học và xã hội học có thể viết lên những quan điểm hoàn toàn thuộc về đời sống, những cái thuộc về hiện tượng hiển lộ một khía cạnh nào đó của đời sống. Như vậy họ chỉ viết được những nhân sinh quan chớ không hướng dẫn độc giả tìm về bản chất tối hậu của sự thật nói về cái hiện hữu của cuộc sống, tức là họ chưa thể viết được tư tưởng tâm linh, tư tưởng triết học.


      Phương Triều ở vào thành phần của Luân Hoán, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Trần Mộng Tú. Như thế, anh không lọt vào quỹ đạo tâm linh, triết học. Anh là một nhà thơ rất đỗi thơ, nắm vững nghệ thuật lẫn kỹ thuật của thi ca và nhất là cũng đem lại cho thơ nhiều nhân sinh quan độc đáo, khác hẳn những nhân sinh quan của năm người kia. Nói cho cùng, những nhà thơ đề cập hoặc phơi bày những nhân sinh quan thường tạo cho thơ mình một dáng dấp quyến rũ, một tâm tình gần gũi tâm tình và cõi thưởng ngoạn của độc giả hơn, biến thơ mình có sức truyền cảm mãnh liệt. Xin cùng đọc:

      Khởi đi từ nếu, bắt đầu từ nhưng

      Nên vấp lại chân rêu đầu đá

      Những gai nhọn đâm đời tá hỏa

      Cuộc rượu diễn ra được cái tưng bừng!...

      Cá bống mập hát vui ngày mú

      Mảnh xương sườn nhú được sau lưng

      Dựng cờ một cõi sứ quân

      Có con có vợ chúc mừng oai danh!

      Đêm thở hắt chừng như tắt tị

      Mắt trợn trừng cố hỉ cố lai

      Chớ mà gánh được hai vai

      Đi kiếm hột lúa về nhai đỡ buồn!

      Miệng ống điếu bên người ống thụt

      Có quơ quào cũng chút chi thôi

      Cứ như giũ ống cạo nồi

      Táo quân tháng Chạp lại ngồi buồn hiu!

      Mưa lẩn quẩn ướt nhèm đáy tộ

      Nắng bâng quơ lãng nhách lãng òm

      Mọc dài cổ ngóng danh thơm

      Khiến bao con mắt lom lom hoảng hồn!...

      (Lom lom, trang 80)

      Độc giả chúng ta cùng tự hỏi, động cơ nào Phương Triều đã đưa nhân sinh quan vào thơ của mình? Anh đâu phải vì quá nhàn rỗi, vì quá chán chường lúc trà dư tửu hậu để làm thơ? Anh cũng đâu phải là kẻ thích ngâm hoa vịnh nguyệt như bao nhà thơ tháp ngà khác? Chắc chắn vì đã trải qua những chặng đời lầm than khổ ải trên dòng sinh mệnh của dân tộc, trên dòng cuồng lưu của lịch sử, Phương Triều cần phải ký thác tâm sự của mình. Nhưng ký thác vào đâu? Chỉ có văn chương là môi trường thích hợp với anh để anh gửi gấm những gì thuộc về thế giới tình cảm của anh. Và anh đã chọn thơ. Trong giai đoạn bị tù đày, anh đã nhận diện bộ mặt tàn ác của kẻ tước đoạt tự do của anh. Anh viết:

      Buổi sáng. Từng hàng xương cử động

      Nối đuôi rời khỏi trại giam buồn

      Thay trâu bò xới từng hoang phế

      Tìm miếng ăn vừa nuôi đủ xương!...

      Buổi tối. Mùa Đông. Bao tử trống.

      Nhai từng miếng bọt dính trong răng

      Bao năm thức ngủ vô chừng đỗi

      Tre nứa rừng thiêng cũng thiếu măng!

      Ngày Tết ngáp vào hơi buốt lạnh

      Đâu nhà êm ấm giữa thân nhân?

      Có ai còn nói Xuân đoàn tụ

      Bên những lìa tan, của cách phân?

      Người toan diệt hết mùa Xuân cũ

      Để dựng toàn Đông ngập giá băng

      Sanh linh một thuở thành ma đói

      Thì nhớ gì Xuân để nói năng?

      (Cử Động, trang 106)

      Khi được kẻ thù phóng thích, anh trở về với gia đình để trở nên kẻ xác xơ ốm đói. Anh ngỡ ngàng trước cái phi lý của cuộc đời kẻ bại binh trong lúc non sông đổi cờ:


      Buổi về bớt thịt thêm da

      Ta thân thuộc cũ sao nhà lại quên?

      Nắng ai rũ rượi bên thềm

      Nhà ta sao lại vô duyên nắng người?

      Áo nào vắt vẻo sân phơi

      Nhà ta sao lại áo người xênh xang?

      Mùa Xuân rụng bóng điêu tàn

      Con chim én cũ ngỡ ngàng bay đi!...

      (Vô Duyên, trang 19)


      Và anh vẽ nên cảnh nghèo cực ngay trong gia đình của anh, rõ rệt nhứt là trong buổi Tết. Hoàn cảnh bi thảm nhưng anh lại nở nụ cười dễ thương và cất tiếng cười phơi phới trong thơ. Xin hãy đọc:


      Chân lùi một bước phân vân

      Xòe tay nắm được cỏ gần tưởng chơi

      Đời cho được chút rượu mời

      Ta lâng lâng cứ khơi khơi hát hò

      Giao thừa còn khứa cá kho

      Ta mút xương cá giả đò ngon cơm

      Vợ chồng như hai cọng rơm

      Gió mưa bật gốc vẫn ôm nhau cười!...

      (Rượu Mời, trang 63)


      Dưới chế độ Cộng sản, nào phải riêng anh và gia đình anh hứng chịu nhục nhằn, gian khổ. Chung quanh anh còn xảy ra nhiều thảm kịch nữa. Xin đọc bài “Ông Già Hiệp Sĩ” (trang 17 và 18):

      Ông già hiệp sĩ chiều qua chợ

      Nhìn thấy người quen đứng bán hàng

      Phía trước ông thầy trường tiểu học

      Đàng sau chị bạn thợ thêu đan!

      Cô giáo dương cầm... bưng rổ ổi

      Ông nhà văn bán... đậu phọng rang!

      Ông già hiệp sĩ qua trường học

      Sân lớp đìu hiu. Hè chưa sang.

      Gặp ông hiệu trưởng buồn đơn lẻ

      Nhìn phương trời lạnh gió mênh mang...

      Ông già hiệp sĩ đi ra biển

      Cát nào hôn được gót lang thang

      Bãi vắng từ khi đời đổi khác

      Thuyền ơi, đủ rộng chở điêu tàn?

      Ông già hiệp sĩ mòn cung kiếm

      Nhìn xuống đôi tay cứ ngỡ ngàng

      Nhát kiếm bình sinh như tức tưởi

      Không còn chém nổi một dây oan!

      Ông già hiệp sĩ quay về núi

      Thầm gọi mùa Xuân đã dở dang

      Cây còn thay lá mùa trăm tuổi

      Người mấy mươi năm đã héo tàn!...

      Ông già hiệp sĩ buồn như ốc

      Mua lạc loài đổi chút bình an!

      Thẹn thân già nỗi đau mòn mỏi

      Đâu một đời trai thuở dọc ngang?

      Có chứng nghiệm đau thương, con người mới nhìn sâu vào cõi hiện tiền. Phương Triều cũng vậy. Nhưng anh còn nhìn trước nhìn sau cuộc đời và nhìn trong nhìn ngoài xã hội mà anh đang sống. Từ đó, trong đầu óc, hay nói rộng hơn, trong nội giới anh thịnh phóng biết bao bông hoa nhân sinh quan, cái nầy nối tiếp cái kia, cái kia sinh sôi cái nọ, và tất cả được anh phóng chiếu vào nguồn cảm hứng dành cho thơ của mình. Những tình đời ấm lạnh, những mâu thuẫn của trò đời, những éo le uyển chuyển của tâm trạng thế nhân cứ thế mà tuôn nườm nượp vào thơ anh.

      Khi về giở lại trang lưu niệm

      Chợt thấy vàng pha rỗ mặt người

      Gốc phượng trường xưa hoa nắng nhạt

      Tường đen cổng lạnh bóng mây trôi...

      Đâu cứ buồn xưa thành vạn cổ

      Bàn tay rêu nấm lại đâm chồi

      Hình như lâu lắm không hề gặp

      Một dấu yêu nào nguôi lẻ đôi!

      Chợt Hạ, tuồng như Xuân đứt đoạn

      Gió đâu Hè tím lạnh vành môi

      Em về tóc lẫn màu sương bạc

      Thiên địa chung thân gượng tái hồi?

      Còn bóng hình nhau ngày ấm lạnh?

      Bao đêm vàng võ một đơn côi

      Đời còn bao nghĩa vui đoàn tụ

      Trên những lìa tan tận rã rời?

      Có phải vòng quay về khởi điểm

      Trái tim già cốc lại luân hồi?

      Ta trẻ được sao thời đại đá

      Giọt tình nóng lại một cơn sôi?

      (Già Cốc, trang 87)

      Phương Triều đôi lúc trải nhân sinh quan của mình ra khỏi xã hội mà anh đang sống, đang gánh vác hệ lụy và căn phần oan nghiệt của mình để đi vào vấn đề cao hơn nhiều cung bậc. Đó là ý nghĩa về chuyện sống chết, về cái bi thảm của cõi phù sinh, về chuyện sống như say, chết như nằm mộng của con người (túy sinh tử mộng).

      Con sông no nước ngày mưa lũ

      Tràn lấn bùn đen lên mả mồ

      Xương tàn nứt lại đâm thêm cỏ

      Tên người bia nhạt nét hư vô!

      Đời được bao nhiêu lần quá cố?

      Sanh linh còn mất giữa xô bồ

      Nhiều khi còn sống mà không nhớ

      Mùa chớm vào Xuân đã Hạ khô!

      Ta dế mèn qua đêm ướt cánh

      Gọi mặt trời gáy điệu ngây ngô

      Nghe từ vô tận còn thao thức

      Những dấu hồn chen chúc đổ xô!...

      Người bưng nguyên gói mùa ân ái

      Mở lớp thời gian sóng nhấp nhô

      Cố nhân từ buổi nhăn răng đó

      Ai khóc rùm beng một ý đồ?

      Con sông no nước ngày mưa lũ

      Theo dấu mòn soi lạnh đáy mồ!...

      (Dấu Hồn, trang 84)

      Cái độc đáo nhứt của Phương Triều là kỹ thuật tinh vi khi diễn tả một ý tưởng hay một quan niệm. Anh không dùng những chữ Triết học khô khan, những chữ trừu tượng vô hồn. Luôn luôn anh tìm kiếm, chọn lựa hình ảnh để cụ thể hoá một ý tưởng hoặc quan niệm mà anh sắp đem vào thi ca của anh. Chẳng hạn để diễn tả một thế kỷ lầm than, ô nhục đầy những dối trá lọc lừa, anh viết:

      Mười năm kỳ rửa nào xong bụi

      Những ghẻ hờm lan tới mặt mày!

      Ai dội muôn vàn đau rát rạt

      Thâm tình sao nỡ bán công khai?

      Nhà cứ giăng thêm đèn yếu điện

      Chia dùm ánh sáng chỗ lung lay!

      Chùi tay vào khói hôn vào lửa

      Nhan sắc mèn ơi, chẳng giống ai!

      (Chẳng Giống Ai, trang 107)

      Và để diễn tả cái bất lực bi đát của kiếp người vốn nhỏ nhoi, bạc nhược trước sức mạnh và bạo lực của định mạng, anh phóng bút như sau:


      Những tiếng kêu rơi chìm đáy vực

      Mùa băng giá chở tiếp Đông sang

      Cỏ reo hò khóc trên mồ mả

      Từng đốm người như chấm dở dang

      (Đốm, trang 108)


      Và để diễn tả một chế độ mị dân, anh không dùng một chữ nào mà các nhà thơ tố Cộng thường dùng. Anh vận dụng thần trí sáng tạo để viết lên những câu bóng bẩy, những ngôn từ đùa cợt, ỡm ờ:

      Treo ngày nắng giữa mưa xanh

      Thấy mây đồng bọn tập tành lấn sân

      Hội tiên gốc gác cù lần

      Mỗi cây gậy phép một phần điểm trang!

      Tuổi con đầy tháng cơ hàn

      Đứa thôi nôi đã đàng hoàng cỏ rau!

      Nghe người rộng họng rêu rao:

      Theo ông dóc tổ chỗ nào cũng Xuân!

      Quơ thêm đũa gắp cực gần

      Vói tay lại được khổ ngần ấy xa!

      Cạn ngày tổn thất xương da

      Giựt mình ngó lại thấy ta đóng hờm!...

      (Gậy Phép, trang 117)

      Trần Huyền Trân, Thâm Tâm và Phương Triều có cái điểm chung trong thi ca: cảm khái thân phận và tình đời. Nhưng Trần Huyền Trân và Thâm Tâm xử dụng toàn là tiếng trau chuốt và trang nhã. Phương Triều khác hơn, anh xen vào ngôn ngữ thanh tao bóng bẩy những ngôn từ rất Nam Kỳ, rất quẫy lộn, rất dí dỏm. Vậy mà thơ anh chẳng những không giảm sút nồng độ bi thảm, mà trái lại nó càng xót xa da diết hơn.


      Đôi lúc Phương Triều sáng tác vài bài thơ tình để đưa vào thi tập “Trăm Bài Thơ Xuân”. Nhưng cuộc tình trong thơ anh không có màu hồng hạnh phúc, mà là cuộc tình gắn chặt vào thân phận truân chuyên của đôi lứa yêu nhau. Xin đọc:

      Xẻ một dòng sông vào tưởng tiếc

      Trôi về lưu vực nắng chưa phai

      Sông ơi, chở nốt chiều vơi mộng

      Cho kịp hoàng hôn ngã bóng dài...

      Tình nhớ còn thơm hương tóc cũ

      Mười năm chưa nhạt miếng hôn ai

      Khóe môi ngậm cứng hồn giông bão

      Em đã cười chưa, bến lạc loài?

      Đâu mộng như hồi men mới nhập

      Hát bài say tỉnh mắt liêu trai

      Em vung tay múa thành tơ lụa

      Chỉ một đường thêu kết vạn mai!...

      Xẻ một dòng sông vào tưởng tiếc

      Thuyền kịp về không bến vãng lai?

      Ta che dù đứng bên cầu nhỏ

      Sợ ướt dùm em, mái tóc dài!...

      Xẻ một dòng sông vào tưởng tiếc

      Ta sừng sững lạnh giữa sương bay...

      (Dòng Sông, trang 122)

      Toàn thi tập không có một bài thơ nói lên niềm tin, nói về viễn ảnh tươi sáng, nói về hy vọng. Thi ca của Phương Triều phản ảnh cả một thời đại nhiều mất mát ly tan, cả một thế hệ nghiệt ngã. Có vậy, anh mới bàng hoàng thảng thốt trước cái phù ảo, vô thường trong cuộc sống. Nhưng anh chỉ có thái độ tiêu cực đó, không tra vấn những vấn đề thuộc về tâm linh, không soi sáng vào cái hiện hữu để tìm kiếm một giải pháp, một con đường vượt thoát. Đó là công việc của các đạo sư, của những triết gia, không phải công việc của anh.

      Sợi cỏ mọc dài như sợi tóc

      Khều tay em ngón út thập thò

      Nhẫn vàng ngậm ngón chưa no

      Hôn nhau ngàn bận chưa dò được nhau!

      Thuở mưa nắng không thành hoa quả

      Thịt xương người hối hả tiêu hao

      Mả sau tưởng được chỗ nào

      Đâu dè mả trước mới đào dọn đi!

      Núi khô lạnh cỏ cây ngày nắng

      Sông cuộn phèn bẻ nhánh ngày mưa

      Đông già kéo tận dây dưa

      Mùa Xuân trẻ dại cũng vừa chết non!

      Nhân gian rốt cuộc hao mòn...

      (Cửa Gió, trang 114)

      Xứ Vạn Hồ bên Hợp Chủng quốc có những nhà thơ lớn như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng...


      Phương Triều ở xứ đó không cần vươn theo hào quang của họ để tự thắp sáng cho mình. Anh tạo cho mình một lối thơ riêng, một ngôn ngữ thơ riêng. Tiếc thay, thơ anh không đăng trong những tạp chí văn học nổi tiếng cho nên thơ anh không đi xa. Các thi tập của anh không được quảng cáo, tâng bốc rầm rộ, cho nên thơ anh chỉ được phổ biến trong giới bạn bè quen biết mà thôi.


      Hồi tiền chiến khi viết bộ “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân bỏ rơi nhà thơ gốc Nam Kỳ là Khổng Dương để đem vào sách những nhà thơ tầm thường non nớt như Mộng Huyền, Lưu Kỳ Linh, Đỗ Huy Nhiệm vốn gốc Bắc. Cũng vậy, khi viết bộ “Văn Học Miền Nam”, Võ Phiến quên viết về Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, kẻ đã từng chiếm giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, cũng gốc Nam Kỳ. Ông Võ Phiến vì thiếu tài liệu hay vì trí nhớ bắt đầu kém cõi. Còn Hoài Thanh và Hoài Chân chẳng hiểu có vì thói kỳ thị Bắc Nam hay không? Ai biết được?


      Mai sau ai viết về thi ca hải ngoại mà thiếu sót Phương Triều là bức tử tài hoa của một nhà thơ đã từng chịu nhiều hệ lụy sau cuộc đổi đời.


      Trong số nhà thơ gốc Nam Kỳ, ngoài Tô Thùy Yên và Sa Giang Trần Tuấn Kiệt ra, còn có Hoàng Bảo Việt, Cao Đồng Khánh và Phương Triều mới có thể chen vai thích cánh với các nhà thơ gốc Bắc Kỳ và các nhà thơ gốc Trung Kỳ.


      Troyes, Pháp 20-5-2001

      (Trích trong THẬP THÚY TẦM PHƯƠNG –Tác giả: HỒ TRƯỜNG AN – Hoa Ô Môi xb 2002)


      Hồ Trường An

      motgocpho.com

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Vũ Tiến Lập với Tạp Ghi Thơ II Hồ Trường An Nhận định

      - Nhà văn Đỗ Phương Khanh Hồ Trường An Hồi ức

      - Phương Triều với những bài thơ hệ lụy đè nặng trên vai Hồ Trường An Nhận định

      - Giới Tính Trong Văn Chương Nghệ Thuật Hồ Trường An Tùy bút

      - Trương Anh Thụy với những bài thơ thấm nhuần tư tưởng Đông Phương Hồ Trường An Nhận định

      - Mạc Phương Đình: Thi Tập "Ru Người Ru Đời" Hồ Trường An Nhận định

      - Vũ Khắc Khoan Với Thần Tháp Rùa Hồ Trường An Khảo luận

      - Thụy Khuê với Nhân Văn Giai Phẩm Hồ Trường An Khảo luận

      - Nguyễn Thị Hoàng với Tan Trong Sương Mù Hồ Trường An Tạp luận

      - Nguyễn Thị Thụy Vũ với Lòng Trần Hồ Trường An Tạp luận

    3. Bài viết về nhà thơ Phương Triều (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Phương Triều

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Phương Triều với những bài thơ hệ lụy đè nặng trên vai (Hồ Trường An)

      Nỗ lực tái hiện chữ nghĩa “Nam bộ” trong thơ Phương Triều (Du Tử Lê)

      Phương Triều, người lữ hành đi vào bí nhiệm cuộc sống qua tập thơ “Xương Rồng Đen” (Hồ Trường An)

      Phương Triều, Những Dòng Nhựa Tin, Yêu Từ Một Gốc Thân, Tâm Luân Lạc (Du Tử Lê)

      Phương Triều Những Vần Thơ Thân Phận (Đỗ Bình)

      Nhà văn Phương Triều (Nhiều tác giả)

       

      Tác phẩm của Phương Triều

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Chuyện tình người làm thơ

      Tác phẩm trên mạng:

      - poem.tkaraoke - nangbanmai

      - motgocpho.com

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)