Nhà thơ Phương Triều
Nói tới nhà thơ Phương Triều, những tác giả quen thuộc với các tạp chí văn học thuần túy, có thể không biết nhiều về ông. Ngược lại, những nhà văn, nhà thơ cộng tác với các tuần báo, nhật báo (nhất là những cơ quan ngôn luận do các chủ nhiệm, chủ bút người miền Nam đứng đầu) thì, lại biết về ông rất nhiều.
Tôi muốn nói, thời gian đó, miền Nam có rất nhiều “sân chơi” chữ nghĩa. Tùy theo khuynh hướng, sở thích, người cầm bút rất dễ tìm được cho mình một (hay nhiều) sân chơi ứng hợp.
Ngay khi mới khởi nghiệp văn chương, lúc còn rất trẻ, từ những năm cuối thập niên 1950, Phương Triều đã cho thấy khuynh hướng “Nam bộ,” nguồn gốc sinh trưởng của ông.
Mặc dù thơ là phần đất Phương Triều tìm vào sớm nhất, từ năm 1958, khi còn học ở bậc Trung học, nhưng tác phẩm đầu tay của ông, được xuất bản lại là văn xuôi. Đó là hai tập truyện “Còn nhớ còn thương” ấn hành năm 1966 và, “Tiếng hát hoàng hôn” ấn hành năm 1969.
Trong tập sách nhan đề “Những Nhà Văn Hôm nay,” in lần thứ nhất tại Saigòn, 1969, tác giả Nguyễn Đình Tuyến đã ghi nhận về văn xuôi Phương Triều như sau:
“…Hầu hết các nhân vật (của Phương Triều,) đều có ngôn ngữ và cử chỉ của người miền Nam, miền sông Tiền, quê hương nầy của người viết truyện.”
Tôi không biết có phải họ Nguyễn muốn nói tới quê Nha Mân, Sa Đéc của tác giả “Còn nhớ còn thương” hay không? Nhưng rõ ràng, thơ cũng như văn của Phương Triều, lền đặc không chỉ ngôn ngữ mà còn cả các địa danh đặc biệt của miền Nam nữa. Nhất là kể từ năm 1994, sau thời gian tù cải tạo, được định cư tại Hoa Kỳ, chọn tiểu bang Minnesota làm nơi dừng chân thứ nhất của cuộc đời tỵ nạn, ông đã có rất nhiều những bài thơ mà phong cách “Nam bộ” là linh hồn, là ngọn lửa không ngừng cháy đỏ tâm hồn ông:
Nếu ngay từ năm 1966, Phương Triều đã đem được cụm từ “tà ma lậm bùa” vào 4 câu thơ mở vào tập truyện “Còn nhớ còn thương” của ông, là:
Saigòn nghiêng ngửa biển dâu
Saigòn mang trái tim sầu đi xa
Saigòn lở thịt, bong da
Theo cơn bệnh dữ, tà ma lậm bùa
Thì ở những thi phẩm xuất bản tại hải ngọai, như các tập “”Thơ Phương Triều,” 1995, “Trăm bài thơ Xuân,” 2000,” “Xóm mộ,” 2001, “Giọt sữa đất,” 2002, ông đã khai khẩn mảnh đất ngôn ngữ miền Nam một cách tài hoa, từ phong thổ, con người tới tập quán, sinh vật của vùng đất cuối cùng tổ quốc Việt. Như:
Áo hoa ngày Tết thời yên ấm
gió vá chằm thêm miếng tả tơi.
Hoặc:
Giao thừa còn khứa cá kho
ta mút xương cá giả đò ngon cơm
vợ chồng như hai cọng rơm
gió mưa bật gốc vẫn còn ôm nhau.
Hoặc:
Ta ếch nhái, em cóc kèn sum họp
bỗng mừng rơn tìm lại phút tân hôn.
Về địa danh, cây cỏ miền Nam, tôi cũng chưa thấy một nhà thơ nào đem được vào thơ, nhiều như Phương Triều:
Ta đưa em về thăm Xóm Cửi
nơi ta mười tuổi đã từng yêu (…)
Ta đưa em về thăm Xóm Sáu Lèo
thuở còn đi học con nhà nghèo
ban ngày bán báo, đêm vào lớp
đời không thân thế buồn quạnh hiu(…)
Ta đưa em về Cầu Ông Lãnh
thuở ta còn năm tháng phất phơ(…)
Ta đưa em về quê Sa Đéc
chèo ghe ghé lại rạch Nha Mân
ô môi chín những mùa thương nhớ
ta đợi nhiều đêm cạnh gốc bần (…)
Ta đưa em về Tống Phước Hòa
Thắp hương lễ bái xin xăm Bà (…)
Sinh vật nhỏ như con tép hoặc lớn như con cồng cộc cũng được ông dành cho chúng một tình thương đặc biệt:
“Ốc bèn mượn vỏ cua rang
Chằng hiu hỏi nhỏ: hai càng em đâu?
ốc đang vui bỗng buồn rầu:
càng, ngoe đã rụng từ lâu, còn gì! (…)
Đầu ngày cồng cộc qua ngang
xót con tép rụng hai càng lâm chung.”
Hoặc:
“Queo râu dế bỗng la làng
hỡi ôi, tâm địa họ hàng dế cơm… ơi
Qua những câu trích dẫn trên của Phương Triều, tôi cho đó là chủ tâm chọn con đường nghịch chiều. Một sự kiện đáng kể của tiếng thơ này, nếu ta so sánh với những tác giả đi trước, đồng thời, hay đi sau; thường có thói quen biểu dương trí thức bằng những ngôn ngữ triết học, thần bí qua thơ văn của họ.
Chẳng những nỗ lực mang vào trong thơ của mình chữ nghĩa của người dân thôn quê miền Nam, Phương Triều còn cho thấy chủ tâm thi ca hóa những chữ mà, ngay những người bình dân miền Nam hiện nay, cũng ít khi dùng lại, như:
cứ thậm thụt lui ngày tháng chạp
thế kỷ buồn già háp mươi năm
mèn ơi, ai đó đẻ lầm
trẻ chưa kịp lớn đã lăm le già.
Hoặc:
gió bấc mênh mang vào ngõ tết
cổ già ngứa lại vết thương sâu
leng keng xe đẩy cà-rem tới
rao mời nhau một chút thơm râu?
Không bao giờ nhận mình là nhà thơ, nhưng từ góc độ chân thật tới mủi lòng, thơ Phương Triều là điểm đứng chênh vênh giữa hai cực tự trào và, xót xa thân phận luân lạc:
soi đèn mọc lại bóng chân
tay hồ quảng múa ngàn cân bọt bèo
sa trường lạnh bóng chiều gieo
hậu trường vẫn cứ bầu tèo nhâm nhi!
Hoặc:
quơ thêm đũa gắp cực gần
vói tay lại được khổ ngần ấy xa
cạn ngày tổn thất xương da
giựt mình ngó lại thấy ta đóng... hòm.
Hoặc nữa:
tay mỏi thêm sao còn gãi ngứa
thịt da rần đỏ thẹo từ xương
đời như chắp lại từ muôn mảnh
nên dạng hình đen dáng dị thường
Nhưng, chính từ những hai cực tự trào và, ủ ê đời luân lạc mà, Phương Triều đã rất thi sĩ:
em không nghe được đêm cuồng lũ
ngựa hí dài theo cuộc vỡ trăng
bà con cô bác, em ngày đó
ngộp khói trầm luân, thở nhục nhằn (…)
ta chỉ cầu mong em hiểu được
những mầm xanh vượt gốc cô liêu
hoa đời nở nụ đầy hương sắc
do nhựa từ thân chảy hắt hiu!
Phải chăng, cũng chính từ trái tim mẫn cảm hắt hiu của mình, mà, Phương Triều đã cho được cuộc đời, cho được lưu vong, những dòng nhựa nhân bản, tin, yêu cùng nỗ lực tái hiện ngôn ngữ mang nhiều tính địa phương, làm phong phú thêm cho chữ nghĩa Việt Nam, quê người?
(8-2010)