|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Chủ Nhật 11 Tháng Mười Một, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, tổ chức “Diễn Đàn Văn Học Da Màu” đã có một buổi ra mắt hai cuốn sách của nhà văn quá cố Phùng Nguyễn, vốn là một thành viên điều hành trong Nhóm Văn Học Da Màu.
Không có bàn thờ người quá cố như những buổi Tưởng Niệm thường thấy, ngoài một bức tranh lớn có hình tác giả đặt trên sân khấu cũng như không có nghi thức thường lệ mà nhà văn Đặng Thơ Thơ đi ngay vào phần chính là nói về hai tác phẩm của nhà văn quá cố Phùng Nguyễn là tập tiểu luận “Tháp Ký Ức” và tập truyện “Lần trở lại của cá voi”.
Có bốn diễn giả, hai nữ và hai nam. Nữ có nhà văn Đinh Từ Bích Thủy và Hồ Như Như. Nam có nhà văn Trần Doãn Nho và nhà văn Bùi Vĩnh Phúc. Các bốn diễn giả đều là người trong Diễn Đàn Văn Học Da Màu, hoặc là thân hữu mật thiết với Da Màu nên bốn bài nói chuyện của các diễn giả đã khiến buổi tưởng niệm và ra mắt sách trở thành một buổi sinh hoạt văn học khá lý thú.
Nhà văn Trần Doãn Nho trong buổi tưởng niệm và ra mắt sách của nhà văn Phùng Nguyễn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Lý thú vì cả bốn diễn giả không trùng lấp nhau, mỗi người nói về một khía cạnh của tác giả quá cố Phùng Nguyễn, người hoạt động tích cực cho Diễn Đàn Văn Học Da Màu. Nên, cả bốn diễn giả đã thổi vào không khí buổi tưởng niệm thành một buổi sinh hoạt văn học mà từ đó người tham dự có thể hiểu biết thêm về tổ chức Diễn Đàn Văn Học Da Màu, dù diễn đàn này đã xuất hiện từ Tháng Tám, 2006, đến nay đã được 12 năm.
Diễn giả đầu tiên, nhà văn nữ Đinh Từ Bích Thủy cho biết Phùng Nguyễn “đã chọn hành trình khai phá Hy Vọng với các bạn trẻ hơn anh, như nhóm văn học liên mạng vào cuối thập niên 90 rồi sau đó là các thành viên Da Màu”.
Đinh Từ Bích Thủy kể: “Viết trong truyện ngắn ‘Đêm Oakland, Câu Hỏi’, Phùng Nguyễn tả những bạn đồng hành trẻ tuổi của anh là những kẻ không chịu quay lưng với cái quá khứ buồn thảm mà bọn người lớn cứ giữ rịt lấy như một bộ phận bất khả phân của phần đời còn lại”.
Và, Đinh Từ Bích Thủy nghĩ “hình như Phùng Nguyễn đã chọn đi cùng đường với chúng tôi, những người đi sau anh một, hai, ba thập kỷ vì theo anh, anh còn một món nợ với tương lai”.
Nhà văn Bùi Vĩnh Phúc trong buổi tưởng niệm và ra mắt sách của nhà văn Phùng Nguyễn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Nhà văn rất được quen biết trong cộng đồng văn chương Việt Nam hải ngoại Trần Doãn Nho thì phân tích về sự nghiệp văn chương của Phùng Nguyễn trên hai khía cạnh văn (chương) và lý (luận). Về văn, theo Trần Doãn Nho thì “Truyện ngắn của Phùng Nguyễn, nói chung, có phong cách Tây phương, trẻ, mới, mới về cấu trúc, về giọng văn và về nhân vật cũng mới”.
Nhà văn Trần Doãn Nho xếp truyện của Phùng Nguyễn thành hai hình thức tạm gọi là “Hư Cấu Truyền Thống” và “Hư Cấu Hậu hiện Đại” nói theo nhà văn Đặng Thơ Thơ thì là “Siêu Hư Cấu”. Ông giải thích hư cấu truyền thống là có cốt truyện, có đầu có đuôi, phản ảnh một hiện thực nào đó. Còn “Siêu Hư Cấu” là hiện thực được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau từ độc giả, từ tác giả, từ nhân vật, từ khung cảnh, từ không gian, từ thời gian tất cả xen lẫn nhau nên đọc một truyện như thế này là đọc những chữ/những ý hiệu… chúng không có lớp lang, chúng khó hiểu khiến ta bực mình nghi hoặc, chán nản nhưng nhà văn Trần Doãn Nho nhấn mạnh “tôi bảo đảm rằng khi đọc một truyện như thế, quí vị sẽ nhớ mãi ‘nó’ (cái truyện) chứ không phải ‘câu truyện’. Và thế là Phùng Nguyễn đã thành công”.
Về lý (luận), nhà văn Trần Doãn Nho nhận định “trong các tiểu luận, chính luận Phùng Nguyễn xuất hiện bằng một khuôn mặt khác. Ông tỏ ra xuất sắc, rất chuyên nghiệp, khách quan qua nguồn tài liệu, nhận thức và suy luận. Và, nhà văn chứng minh bằng những bài viết trong tập “Tháp Ký Ức”.
Kế là nhà văn Bùi Vĩnh Phúc, ông nhận định “Phùng Nguyễn đã có những đóng góp mang tính khai phá đối với sự mở rộng và phát triển của văn học Việt ngoài nước trong thời đại Digital và mang tính cách toàn cầu hóa mà chúng ta đang sống cùng”.
Nhà văn Đinh Từ Bích Thủy trong buổi tưởng niệm và ra mắt sách của nhà văn Phùng Nguyễn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Nhà văn Bùi Vĩnh Phúc cũng nhắc đến vai trò của Phùng Nguyễn, là một người đồng xây dựng, quản lý và phát triển Diễn Đàn văn Học Da Mầu, một diễn đàn mạng đã có sự quy tụ, đóng góp của nhiều người cầm bút cả trong và ngoài nước. Da Mầu cũng đã giới thiệu được nhiều tài năng và có nhiều đóng góp tốt đẹp trên mặt văn học và văn hóa của người Việt.
Phát biểu về sự nghiệp văn chương văn học của Phùng Nguyễn, nhà văn Bùi Vĩnh Phúc theo cái nhìn của “Thi Pháp Học Văn Hóa” hay còn gọi là trường phái Tân Lịch Sử thì “văn bản (qua người đọc là tác phẩm) có gắn bó mật thiết với những vấn đề của thời đại, được uốn nắn bởi chính cái văn hóa mà từ đó nó được sản sinh và, ngược lại đến lượt nó, nó cũng uốn nắn, ảnh hưởng ngược trở lại chính cái văn hóa đó.”
Về những tác phẩm của Phùng Nguyễn, nhà văn Trần Doãn Nho nhận định: “Phùng Nguyễn như một con người Việt Nam đã lớn lên với những hồi ức chiến tranh qua những câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ, chú bác mình rồi sống qua thời chiến tranh với chính cảm thức và thân xác mình, luôn luôn trăn trở đi tìm, hoặc tìm lại ý nghĩa của cái đời sống ấy. Cái đời sống ấy đã bung nở những đóa hoa của sự sống, những đóa hoa mang tên gọi là nhân tính, là đạo đức, là công lý, là chính nghĩa, là tình người v.v… Nhưng những đóa hoa này trong chữ viết của anh không thật bình thường mà mang đầy chất bón của chiến tranh… Anh nhìn ngắm, định vị, mổ xẻ rồi trăn trở, day dứt, đôi khi cay đắng và nhiều lúc khổ đau nhưng đã làm cho anh được tẩy rửa bằng cả nước trong mát và nước sát trùng để sống lại, sống dậy một cách khỏe khoắn và đúng nghĩa của sự sống hơn.
Diễn giả sau cùng là nhà văn nữ Hồ Như Như. Hồ như Như đã lược qua những truyện ngắn của Phùng Nguyễn và có nhận xét rằng những nhân vật của Phùng Nguyễn thường có tâm trạng bị kéo giật về quá khứ. Quá khứ nó không chỉ nằm trong trí nhớ mà nó còn là lực đẩy, là sự trì kéo khiến “cứ đi giật lùi nhiều hơn là đi tới”.
Nhận xét thứ hai của Hồ Như Như là Phùng Nguyễn còn viết nhiều về lính, về thời chiến tranh và cả về chuyện tình nữa. Trong truyện tình cũng có bóng dáng quá khứ, đa số là truyện buồn có thể gọi là “vô hậu”.
Hồ Như Như kết luận “Quá khứ là chiếc bóng không thể tách rời và quá khứ luôn có mặt trong các tác phẩm của Phùng Nguyễn”.
Trong suốt hai tiếng đồng hồ tham dự buổi Tưởng Niệm và ra mắt sách của nhà văn quá cố Phùng Nguyễn, toàn hội trường đã có một không khí thật tĩnh lặng để vừa tưởng niệm vừa nghe những bài thuyết trình của các diễn giả, bởi nó là những hiểu biết về “những người viết trẻ, lớp nhà văn tiếp bước một thế hệ “Sáng Tạo”, “Hiện Đại”, “Bách Khoa”, “Khởi Hành”, “Văn Học”, ”Văn”, “Sống”… vào những năm trước năm 1975.
Nhà văn nữ Đặng Thơ Thơ, người sáng lập Diễn Đàn Văn Học Da Mầu, cho biết: “Da Màu được thành lập vào Tháng Tám, 2006 với chủ trương là một sân chơi rộng mở, không phân biệt ngôn ngữ mầu da, tôn giáo, khuynh hướng chính trị, nhằm thúc đẩy người viết có những sáng tác mới, đồng thời khám phá những cây viết mới, những suy tư mới, những cách thể hiện mới. Hiện Da Màu đã quy tụ được một số các người viết trẻ trên khắp thế giới và cả trong nước. Da Màu mong có thêm phương tiện để mở rộng hơn diễn đàn không chỉ trên mạng mà cả về phát hành in ấn những tác phẩm mới của những cây bút có cùng chung chí hướng”.
- Tháng Tư đọc ‘Chiến Tranh Việt Nam’ của Trần Gia Phụng Nguyên Huy Nhận định
- Nhà văn Nguyễn Tà Cúc nói về nhân vật nữ trong văn học miền Nam Nguyên Huy Tường thuật
- Da Màu: Tưởng niệm và giới thiệu sách của cố văn sĩ Phùng Nguyễn Nguyên Huy Tường thuật
- ‘Màu Thời Gian,’ triển lãm lần đầu của Hội Họa Sĩ Việt Nam Hải Ngoại Nguyên Huy Giới thiệu
- Tao Đàn, Tiếng Nói Nghệ Thuật Của 50 Năm Trước Nguyên Huy Tường thuật
- Có Một Chiều Tao Đàn Hải Ngoại Nguyên Huy Tường thuật